Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD): Triệu chứng, Chẩn đoán và Điều Trị

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) đặc trưng bởi sự lo âu quá mức, lan tỏa, không khu trú ở bất kỳ sự kiện hay hoàn cảnh nào. Bệnh thường gặp ở người có cuộc sống không thuận lợi, tính cách yếu đuối, thận trọng, hay nghĩ ngợi. Nếu không được điều trị, GAD có xu hướng mạn tính và gia tăng nguy cơ trầm cảm thứ phát, lạm dụng rượu bia.

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) là gì?

Rối loạn lo âu lan tỏa (Generalized Anxiety Disorder – GAD) là một trong những dạng lâm sàng của rối loạn lo âu. Đặc trưng bởi sự lo âu dai dẳng, kéo dài ít nhất 6 tháng và không khu trú, không nổi bật trong bất cứ khía cạnh nào.

Rối loạn lo âu là một dạng rối loạn tâm thần phổ biến với tỷ lệ mắc bệnh chiếm 10 – 18%. Thông thường, người bệnh sẽ có sự lo lắng thái quá, dai dẳng về một vấn đề hay khía cạnh nào đó, chẳng hạn như các tình huống xã hội, sự chia ly, không gian hẹp, độ cao…

rối loạn lo âu lan tỏa
Rối loạn lo âu lan tỏa là sự lo lắng dai dẳng, mơ hồ về mọi khía cạnh trong cuộc sống, không đặc biệt nổi bật trong bất cứ hoàn cảnh nào

Trong khi đó, người bị rối loạn lo âu lan tỏa có sự lo lắng thái quá, dai dẳng nhưng mơ hồ. Người bệnh gần như lo lắng về tất cả mọi thứ trong cuộc sống và mức độ lo lắng không tương xứng với tình huống.

Rối loạn lo âu lan tỏa có mối liên hệ mật thiết với stress mãn tính. Bệnh mang mã bệnh F41.1 theo Bảng Phân loại Bệnh Quốc tế lần thứ 10 (ICD-10) và mang mã bệnh số 300.02 theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần phiên bản thứ 5 (DSM-5). Vì có liên quan đến căng thẳng nên dạng rối loạn lo âu này thường có tiến triển dai dẳng, xu hướng mãn tính.

Tỷ lệ mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa chiếm 3% dân số. Tương tự như trầm cảm, nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở nữ giới. Giống những dạng rối loạn lo âu khác, GAD có thể khởi phát ở bất cứ độ tuổi nào và đặc biệt phổ biến ở giai đoạn vị thành niên.

Triệu chứng nhận biết rối loạn lo âu lan tỏa

Đặc trưng của rối loạn lo âu lan tỏa là sự lo lắng dai dẳng, kéo dài trong ít nhất 6 tháng. Nhưng không khu trú hay nổi bật ở lĩnh vực nào mà xảy ra ở hầu hết tất cả các khía cạnh của cuộc sống từ tài chính, công việc, gia đình, mối quan hệ, con cái, dự định tương lai…

So với các dạng rối loạn lo âu khác, rối loạn lo âu lan tỏa khó nhận biết hơn vì dễ bị nhầm lẫn với tính cách hay lo lắng, căng thẳng. Tuy nhiên nếu chú ý, sẽ nhận thấy GAD gây ra sự lo lắng thái quá, không tương xứng với mức độ của tình huống.

rối loạn lo âu lan tỏa
Người bị rối loạn lo âu lan tỏa thường lo lắng quá mức, kéo dài ít nhất 6 tháng và không thể kiểm soát cảm giác lo âu

Các triệu chứng của rối loạn lo âu lan tỏa:

  • Sợ hãi, lo lắng về mọi thứ từ công việc, tài chính, vấn đề con cái, mối quan hệ vợ chồng. Đặc biệt người bệnh có nỗi sợ vô hình về tương lai dù cuộc sống hiện tại ổn định, không biến cố.
  • Nỗi lo của bệnh nhân có thể thay đổi theo thời gian. Sau một thời gian lo lắng về con cái, các mối quan hệ, bệnh nhân có thể chuyển sang lo lắng về tiền bạc, công việc, sức khỏe của bản thân…
  • Khó tập trung, đầu óc trống rỗng
  • Tâm trạng không ổn định, dễ cáu gắt.
  • Lo lắng dai dẳng kéo theo căng thẳng vận động với những biểu hiện như co cứng cơ, mất khả năng thư giãn, đứng ngồi không yên, luôn có cảm giác bồn chồn, chân tay run rẩy, khó kiểm soát…
  • Thường trực sự lo âu, sợ hãi trong một thời gian dài sẽ gây ra các triệu chứng thể chất do thần kinh tự trị hoạt động quá mức. Biểu hiện là chóng mặt, khó chịu vùng thượng vị, mạch nhanh, đổ mồ hôi…
  • Nhận thấy sự lo lắng của bản thân là quá mức nhưng không thể nào kiểm soát.
  • Mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, dễ mệt mỏi.
  • Cảm giác lo lắng, lo âu kéo dài ít nhất 6 tháng, gây ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất lao động, học tập, chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây rối loạn lo âu lan tỏa

Lo âu là cảm xúc tự nhiên của con người, xảy ra khi đối mặt với những tình huống khó khăn, thử thách. Cảm xúc này thường chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và được điều chỉnh sau khi cơ thể đã thích nghi. Tuy nhiên, người bị rối loạn lo âu nói chung và rối loạn lo âu lan tỏa nói riêng không thể kiểm soát cảm giác lo lắng, sợ hãi. Sự lo âu dường như xuất hiện hầu hết thời gian trong ngày.

Các rối loạn lo âu khác thường bắt nguồn từ sang chấn tâm lý và yếu tố sinh học. Tuy nhiên với rối loạn lo âu lan tỏa, các chuyên gia nhận thấy vai trò rõ rệt của stress trường diễn. Tính cách và yếu tố môi trường cũng đóng góp đáng kể trong quá trình phát triển bệnh.

Các nguyên nhân, yếu tố gia tăng nguy cơ rối loạn lo âu lan tỏa:

Stress trường diễn

Rối loạn lo âu lan tỏa được xếp vào nhóm các rối loạn liên quan đến stress. GAD ít khi phát triển sau khi phải đối mặt với sang chấn tâm lý nghiêm trọng mà thường là kết quả của căng thẳng kéo dài với mức độ tuy nhẹ nhưng dai dẳng. Chẳng hạn như áp lực công việc, người thân bệnh nặng trong một thời gian dài, tài chính bấp bênh…

Căng thẳng kéo dài khiến người bệnh trở nên nhạy cảm, dễ lo âu. Về lâu dài, não bộ hình thành phản ứng lo lắng trước mọi khía cạnh của cuộc sống và không thể kiểm soát được.

Đặc điểm tính cách

Rối loạn lo âu lan tỏa thường gặp ở những người có tính cách cẩn thận, chi li, hay lo lắng, căng thẳng… Dạng nhân cách yếu (cảm xúc hời hợt, hay thay đổi, yếu đuối, thiếu quyết đoán…) cũng có nguy cơ cao phát triển bệnh lý này. Đây cũng là lý do nữ giới có nguy cơ bị rối loạn lo âu cao gấp 2 lần nam giới.

nguyên nhân rối loạn lo âu lan tỏa
Tính cách hay lo âu, nghĩ ngợi nhiều, quá cẩn thận… là yếu tố gia tăng nguy cơ rối loạn lo âu lan tỏa

Yếu tố môi trường

Môi trường sống không thuận lợi là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tâm lý, tâm thần nói chung và rối loạn lo âu lan tỏa nói riêng. Những người sống trong hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, thiếu sự ổn định, tài chính bấp bênh, bạo lực… sẽ có nguy cơ phát triển chứng GAD cao hơn.

Ngược lại, đa phần những người có môi trường sống lý tưởng, thuận lợi hiếm khi phải đối mặt với căn bệnh này.

Do các vấn đề sức khỏe thể chất

Một cơ thể khỏe mạnh sẽ gia tăng khả năng chống đỡ với stress. Tinh thần nhanh chóng hồi phục sau khi trải qua các biến cố và áp lực trong cuộc sống.

Trong khi đó, những người có sức khỏe kém, mệt mỏi, suy nhược, mang thai, làm việc quá sức, nghiện rượu… sẽ có khả năng chống đỡ stress kém. Căng thẳng vì thế trở nên dai dẳng, gia tăng nguy cơ phát triển trầm cảm và rối loạn lo âu.

Các yếu tố khác

Thực tế cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây rối loạn lo âu lan tỏa. Bởi rất nhiều trường hợp có đầy đủ các yếu tố kể trên nhưng không phát triển bệnh.

nguyên nhân rối loạn lo âu lan tỏa
Nữ giới có nguy cơ bị rối loạn lo âu lan tỏa cao hơn 2 lần so với nam giới

Ngoài những yếu tố thường gặp, nguy cơ bị rối loạn lo âu có thể gia tăng khi có những yếu tố như:

  • Yếu tố di truyền
  • Bất thường ở não bộ (gia tăng hoạt động ở thùy trán, nhân đáy; nhân đuôi và thùy thái dương phải có hiện tượng giảm kích thước; giảm tốc độ chuyển hóa ở nhân đáy và chất trắng)
  • Giới tính (nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần)
  • Có các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn hoảng sợ, rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu…

Hiện tại, các chuyên gia đồng ý với giả thuyết rối loạn lo âu lan tỏa là kết quả của stress trường diễn, vai trò của nhân cách và tác động từ môi trường. Trong đó, nhân cách có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ chế bệnh sinh. Những người có tinh thần không ổn định, nhạy cảm, dễ tổn thương… sẽ khó có thể chống đỡ được các sự kiện gây stress. Đây chính là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tâm lý lo âu, căng thẳng dai dẳng về mọi vấn đề trong cuộc sống.

Những yếu tố kể trên gây ra sự rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh như rối loạn gamma-aminobutyric, norepinephrine, serotonin, các peptide thần kinh, neurosteroid… Bên cạnh đó, hoạt động quá mức của hạch hạnh nhân (cơ quan có chức năng tạo ra sự lo âu) cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ra phản ứng lo âu quá mức.

Ở bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa, các chuyên gia nhận thấy hạch hạnh nhân, vỏ não hồi đai và vỏ não trước trán bị mất kiểm soát do sự suy giảm chức năng của vỏ não trước trán. Đây là lý do khiến cho não bộ không thể kiểm soát khả năng phán đoán giữa thông tin về mối nguy hiểm và sự an toàn. Vì vậy, bất cứ khía cạnh nào trong cuộc sống cũng khiến cho người bệnh lo âu thái quá..

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) và những hệ lụy không ngờ đến

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) có liên quan đến stress trường diễn với vai trò rõ rệt của nhân cách. Nếu không được điều trị, GAD có xu hướng mãn tính và gần như không có khả năng tự hồi phục.

Tỷ lệ mắc bệnh suốt đời lên đến 25%, đặc biệt là ở những người bị trầm cảm thứ phát, lạm dụng rượu, nghiện benzodiazepine thứ phát. Những trường hợp không nhận được sự hỗ trợ y tế kịp thời và môi trường sống không thuận lợi cũng có tiên lượng xấu, nguy cơ mãn tính cao.

Những trường hợp được điều trị có khả năng hồi phục tốt nhưng rất dễ tái phát, bởi căn nguyên có liên quan đến tính cách. Vì vậy, điều trị rối loạn lo âu lan tỏa phải kết hợp giữa thuốc và liệu pháp tâm lý để rèn luyện nhân cách, gia tăng khả năng chống đỡ với các yếu tố stress trong cuộc sống.

Triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa
GAD không được điều trị sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần

Rối loạn lo âu lan tỏa đặc trưng bởi sự lo lắng dai dẳng, kéo dài, hiếm khi gây ra các cơn hoảng loạn như những dạng rối loạn lo âu khác. Về cơ bản, bệnh nhân vẫn có thể học tập, làm việc nhưng hiệu suất kém hơn trước rất nhiều do khả năng tập trung giảm, đầu óc trống rỗng, tinh thần bức bối, bồn chồn…

Rối loạn lo âu lan tỏa gây tăng trương lực cơ, mất ngủ, tăng hoạt động của hệ thần kinh tự trị. Các triệu chứng thể chất do bệnh gây ra sẽ khiến cho sức khỏe suy giảm rõ rệt. Khi thể trạng không ổn định, sức chống đỡ với stress ngày càng kém, mức độ lo âu, căng thẳng vì thế ngày một gia tăng.

Bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa có nguy cơ nghiện rượu, lạm dụng thuốc an thần và bị trầm cảm thứ phát. Nếu không được điều trị và không nhận được sự hỗ trợ từ những người xung quanh, cả chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh đều tuột dốc nhanh chóng. Không ít trường hợp tìm đến cái chết để giải thoát khỏi sự sợ hãi và lo âu dai dẳng.

Chẩn đoán bệnh rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu lan tỏa thường được chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng. Bên cạnh đó, các xét nghiệm cận lâm sàng có thể được thực hiện để loại trừ các dạng rối loạn lo âu khác như rối loạn lo âu do thuốc, rối loạn lo âu do bệnh thực tổn…

Triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa
Chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng

Các bước chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa (GAD):

  • Dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán ICD-10, DSM-5: Sau khi trao đổi về các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, bác sĩ sẽ dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán theo ICD-10 hoặc DSM-5. Các tiêu chuẩn này đề cập rõ ràng những triệu chứng điển hình của rối loạn lo âu lan tỏa, đồng thời loại trừ được khả năng lo âu do lạm dụng chất, bệnh cơ thể và các rối loạn tâm thần khác.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện để loại trừ khả năng lo âu dai dẳng do các bệnh thực tổn. Kỹ thuật này được chỉ định để phát hiện hoặc loại trừ nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C…
  • Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu được thực hiện để hỗ trợ xét nghiệm máu. Kết quả từ xét nghiệm này giúp loại trừ hoặc xác định bệnh nhân có nghiện chất, nhiễm giang mai…
  • Trắc nghiệm tâm lý: Sau khâu hỏi bệnh, bác sĩ còn yêu cầu bệnh nhân thực hiện các trắc nghiệm tâm lý để đánh giá mức độ lo âu (Zung, Hamilton), đánh giá nhân cách (EPI, MMPI), đánh giá rối loạn giấc ngủ (PSQI). Trường hợp có trầm cảm thứ phát sẽ được thực hiện trắc nghiệm Hamilton và Beck.
  • Các xét nghiệm khác: Để hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm khác như đo điện tâm đồ, đo điện não đồ, lưu huyết não, siêu âm tuyến giáp, siêu âm ổ bụng, X-Quang tim phổi, xét nghiệm hormon tuyến giáp, CT, MRI sọ não.

Các phương pháp điều trị rối loạn lo âu lan tỏa

Phần lớn các trường hợp rối loạn lo âu lan tỏa được điều trị sớm đều có đáp ứng tốt. Tuy nhiên, do nguy cơ tái phát cao nên bệnh nhân cần có môi trường sống thuận lợi và hình thành những phẩm chất tốt để gia tăng khả năng chống đỡ stress.

Các phương pháp được cân nhắc trong điều trị rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) bao gồm:

Liệu pháp hóa dược

Hiện nay, liệu pháp hóa dược vẫn là lựa chọn đầu tay khi điều trị rối loạn lo âu lan tỏa. Lựa chọn đầu tiên là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs), thuốc an thần benzodiazepin và Buspirone.

Khi các loại thuốc này không mang lại hiệu quả, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc chống loạn thần… mới được cân nhắc sử dụng. Trong mọi trường hợp, bác sĩ sẽ ưu tiên đơn trị liệu và chỉ điều trị kết hợp khi cần thiết. Thuốc chống trầm cảm thường sẽ được dùng lâu dài cả trong giai đoạn tấn công và duy trì. Hạn chế sử dụng thuốc an thần benzodiazepine vì có nguy cơ gây nghiện cao.

điều trị rối loạn lo âu lan tỏa
Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị rối loạn lo âu lan tỏa (GAD)

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu lan tỏa:

Thuốc an thần benzodiazepine:

Thường dùng nhất là Lorazepam, Bromazepam, Lorazepam, Alprazolam… Thuốc được dùng sớm để giảm bớt trạng thái lo âu, căng thẳng cho bệnh nhân.

Ưu điểm của nhóm thuốc này là mang lại hiệu quả nhanh, tác dụng giảm lo âu tốt và có thể cải thiện các triệu chứng thể chất đi kèm. Tuy nhiên, do thuốc có khả năng gây nghiện nên chỉ được dùng trong thời gian ngắn.

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs):

SSRIs là lựa chọn ưu tiên trong điều trị rối loạn lo âu lan tỏa. Thuốc có tác dụng tăng nồng độ serotonin, từ đó cải thiện tâm trạng, giảm buồn bã, lo âu. Đặc biệt, loại thuốc này có thể sử dụng lâu dài mà không gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc.

Các SSRIs được sử dụng phổ biến bao gồm Escitalopram, Citalopram, Paroxetine, Sertraline, Fluoxetine… Thuốc cho hiệu quả khá chậm sau 2 – 6 tuần. Trong thời gian này, phải dùng benzodiazepine để giảm nhanh tình trạng lo âu, bồn chồn.

Thuốc ức chế tái hấp serotonin và norepinephrine (SNRIs):

Bên cạnh SSRIs, SNRIs cũng là loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến. Trong đó, Duloxetine và Venlafaxine là hai loại thuốc thông dụng nhất. Ưu điểm của nhóm thuốc này là không bị lệ thuộc, hiệu quả tương đối cao và khá an toàn.

Hạn chế của SNRIs là hiệu quả chậm sau 2 – 6 tuần sử dụng. Thuốc có thể gây tăng huyết áp và gây buồn nôn.

Buspirone:

Bên cạnh SNRIs và SSRIs, Buspirone cũng là lựa chọn ưu tiên trong điều trị rối loạn lo âu lan tỏa. Thuốc có tác dụng an thần, giảm lo âu nhưng chỉ có hiệu quả với trường hợp lo âu có mức độ nhẹ và vừa, không có tác dụng đối với người lo âu nặng.

Buspirone tương đối an toàn ở liều điều trị và không gây lệ thuộc. Hiệu quả của thuốc muộn sau 2 – 6 tuần sử dụng. Buspirone có thể gây ra tác dụng phụ nhưng phần lớn đều có mức độ nhẹ, không đáng kể.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA):

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Imipramin, Amitriptyline) là lựa chọn thứ II khi SSRIs và SNRIs không mang lại hiệu quả. Thuốc có tác dụng cải thiện tâm trạng, giảm lo âu, căng thẳng, hỗ trợ giảm các triệu chứng thể chất do rối loạn lo âu lan tỏa gây ra.

Tương tự như các loại thuốc chống trầm cảm khác, TCA cho hiệu quả chậm sau 2 – 6 tuần sử dụng. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây tử vong nếu dùng quá liều và gây ra nhiều phản ứng phụ do tác dụng kháng cholinergic. Đây cũng là lý do TCA ít được sử dụng hơn so với SSRIs và SNRIs.

Thuốc chống loạn thần liều thấp:

Thuốc chống loạn thần được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân kích động, bồn chồn quá mức. Thường được phối hợp với thuốc chống trầm cảm để tối ưu hiệu quả. Đối với bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa, thuốc chống loạn thần thường được dùng với liều thấp.

Các loại thuốc thông dụng bao gồm Sulpiride, Quetiapine… Thuốc mang lại hiệu quả nhanh và không gây nghiện, nhưng có thể gây ra hội chứng ngoại tháp, rối loạn kinh nguyệt, tăng cân và nhiều tác dụng phụ khác.

Thuốc giảm đau thần kinh:

Thuốc giảm đau thần kinh (Pregabalin, Pregabalin) cũng có thể được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu lan tỏa (GAD). Thuốc cho hiệu quả nhanh, giảm triệu chứng rõ rệt và không gây lệ thuộc. Tuy nhiên, Pregabalin chỉ được sử dụng khi các lựa chọn ưu tiên không mang lại hiệu quả.

Trazodone:

Trazodone cũng là lựa chọn thứ II khi điều trị rối loạn lo âu lan tỏa. Đây là loại thuốc chống trầm cảm không điển hình với cơ chế chưa được biết rõ. Tuy nhiên, Trazodone đã được chứng minh có hiệu quả lâm sàng trong điều trị trầm cảm và các rối loạn lo âu, bao gồm rối loạn lo âu lan tỏa.

Mirtazapine:

Mirtazapine là lựa chọn tiếp theo khi các lựa chọn ưu tiên không mang lại hiệu quả. Cơ chế của thuốc làm tăng dẫn truyền thần kinh qua trung gian noradrenalin và serotonin, qua đó giúp cải thiện tâm trạng hiệu quả. Mirtazapine thường được chỉ định cho trường hợp rối loạn lo âu lan tỏa kèm theo trầm cảm thứ phát.

Các loại thuốc khác:

Ngoài các loại thuốc trên, điều trị rối loạn lo âu lan tỏa còn bao gồm các loại thuốc khác như:

  • Thuốc chẹn beta: Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) làm tăng hoạt động của hệ thần kinh tự trị dẫn đến mạch nhanh, đổ mồ hôi, chóng mặt… Thuốc chẹn beta được sử dụng để cải thiện các triệu chứng kể trên. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc còn nhiều tranh cãi nên chỉ được sử dụng trong trường hợp cần thiết.
  • Thuốc kháng histamin: Trường hợp không thể dùng benzodiazepin hoặc phải ngưng thuốc để tránh lệ thuộc, thuốc kháng histamin (Hydroxyzine) có thể được cân nhắc sử dụng.
  • Các loại thuốc hỗ trợ: Rối loạn lo âu lan tỏa gây căng thẳng kéo dài dẫn đến thiểu năng tuần hoàn não. Vì vậy, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thêm các loại thuốc hỗ trợ như chiết xuất lá bạch quả (Ginkgo Biloba), Piracetam, Choline alfoscerate…

Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý có vai trò quan trọng trong điều trị rối loạn lo âu lan tỏa, đặc biệt có hiệu quả trong việc phòng ngừa tái phát. Mục tiêu của liệu pháp này là trang bị kỹ năng điều tiết cảm xúc, giải tỏa căng thẳng, lo âu. Đồng thời xây dựng những tính cách tốt để người bệnh có thể đối phó với những tình huống căng thẳng trong cuộc sống.

Rối loạn lo âu lan tỏa chủ yếu xảy ra do các căng thẳng trong cuộc sống thường nhật như áp lực học tập, áp lực công việc, tài chính không ổn định, mâu thuẫn trong các mối quan hệ… Vì vậy, nếu không có kỹ năng đối phó stress, khả năng tái phát là rất cao.

Triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa
Liệu pháp tâm lý có vai trò giải tỏa cảm xúc và trang bị cho người bệnh kỹ năng đối phó với stress

Các liệu pháp tâm lý được áp dụng cho bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa bao gồm:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi
  • Liệu pháp phân tâm
  • Liệu pháp hệ thống
  • Liệu pháp tâm lý nâng đỡ

Khi can thiệp liệu pháp tâm lý, gia đình có thể cùng tham gia trị liệu để hiểu rõ hơn tâm lý và suy nghĩ của người bệnh. Khi có sự hỗ trợ của những người xung quanh, quá trình trị liệu sẽ diễn ra thuận lợi hơn, tinh thần bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.

Không chỉ có hiệu quả giảm lo âu, liệu pháp tâm lý còn trang bị cho người bệnh các kỹ năng thư giãn để có thể đối mặt với stress từ cuộc sống thường nhật. Tùy theo vấn đề mà bệnh nhân gặp phải, chuyên gia sẽ giúp người bệnh tìm cách hạn chế các tình huống căng thẳng, tập đối phó với stress, trang bị kỹ năng điều chỉnh tâm trạng…

Các biện pháp hỗ trợ, chăm sóc

Rối loạn lo âu lan tỏa không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ là nền tảng để gia tăng khả năng chống đỡ stress. Vì vậy trong quá trình điều trị, cần phải kết hợp với các biện pháp hỗ trợ, chăm sóc như:

điều trị bệnh rối loạn lo âu lan tỏa
Trong thời gian điều trị rối loạn lo âu lan tỏa, bệnh nhân nên nghỉ ngơi, hạn chế làm việc quá sức và ngủ đủ giấc
  • Không sử dụng bia rượu, tránh lạm dụng thuốc an thần nhóm benzodiazepin.
  • Gia tăng các hoạt động thể lực, đặc biệt là các bài tập thư giãn nhằm giải tỏa căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Có thể gia tăng khả năng tập trung bằng cách ngồi thiền, tập yoga.
  • Nâng đỡ thể trạng thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ở trạng thái căng thẳng quá mức, hệ tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, nên dùng các món ăn mềm, dễ tiêu hóa, tăng cường bổ sung chất xơ và vitamin.
  • Uống đủ 2 lít nước/ ngày.
  • Hạn chế làm việc nặng nhọc, căng thẳng trong thời gian điều trị.
  • Không thức khuya, ngủ trước 23:00 và đảm bảo ngủ đủ 7 giờ/ ngày.
  • Có thể viết nhật ký để giải tỏa mọi suy nghĩ, lo lắng về các vấn đề trong cuộc sống thay vì nghĩ ngợi nhiều. Bởi càng suy nghĩ, mức độ lo âu sẽ càng gia tăng.

Phòng ngừa rối loạn lo âu lan tỏa

Nguyên nhân gây rối loạn lo âu lan tỏa chưa được biết rõ nhưng nhận thấy có vai trò của nhân cách và stress trường diễn. Vì vậy, có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh thông qua các biện pháp phòng ngừa sau:

điều trị bệnh rối loạn lo âu lan tỏa
Kiểm soát stress là cách phòng ngừa rối loạn lo âu nói chung và rối loạn lo âu lan tỏa nói riêng hiệu quả nhất
  • Trang bị kỹ năng thư giãn, kiểm soát căng thẳng.
  • Rèn luyện nhân cách, đặc biệt cần loại bỏ tính cách yếu đuối, nhạy cảm, nghĩ ngợi và lo lắng nhiều.
  • Duy trì lối sống lành mạnh để có một sức khỏe tốt. Thể trạng khỏe mạnh sẽ giúp gia tăng ngưỡng chống đỡ stress, qua đó phòng ngừa lo âu và trầm cảm hiệu quả.
  • Trang bị kiến thức về rối loạn lo âu nói chung và rối loạn lo âu lan tỏa nói riêng để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) là tình trạng phổ biến hiện nay khi cuộc sống ngày càng có nhiều áp lực, căng thẳng. Chủ động trang bị kiến thức sẽ giúp bạn đọc biết cách bảo vệ sức khỏe và phát hiện sớm những thay đổi bất thường trong tâm lý.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mẹo chữa trầm cảm bằng nghệ
Mẹo chữa trầm cảm bằng nghệ hiệu quả, dễ thực hiện

Mặc dù không thể thay thế hoàn toàn cho các biện pháp hỗ trợ chuyên khoa nhưng mẹo chữa trầm cảm bằng nghệ vẫn có...

Trầm cảm kháng trị: Nguyên nhân, biểu hiện và cách khắc phục

Trầm cảm kháng trị là tình trạng không có đáp ứng ngay cả khi đã dùng đúng loại thuốc với đủ liều và đủ thời...

hiệu ứng mandela
Hiệu ứng Mandela (The Mandela Effect): Ký ức giả và cách thoát khỏi

Trong cuộc sống, chắc chắn có ít nhất một lần bạn đã từng rơi vào trường hợp bản thân và những người khác có ký...

cách ngồi thiền giúp chữa trầm cảm
Hướng dẫn cách ngồi thiền giúp chữa trầm cảm – Bạn nên thử

Thiền định được biết đến như một phương pháp hỗ trợ cải thiện trầm cảm có tác dụng tương tự như thuốc chống trầm cảm....

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh