Hội chứng ăn cắp vặt (Kleptomania): Nguyên nhân, Biểu hiện, Điều trị
Hội chứng ăn cắp vặt là khái niệm chỉ sự hưng phấn tại chỗ khi thực hiện hành vi lấy cắp, không xuất phát từ mục đích tài chính. Trường hợp người mắc hội chứng này không được điều trị tâm lý có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc, dẫn đến việc bị bắt hoặc thậm chí phải ngồi tù.
Hội chứng ăn cắp vặt (Kleptomania) là gì?
Hội chứng ăn cắp vặt (Kleptomania) là khái niệm chỉ hành vi ăn cắp không thể kiểm soát của một số người. Mặc dù họ ý thức được việc trộm cắp là vi phạm đạo đức và pháp luật, tuy nhiên lại luôn có cảm giác bị thôi thúc thực hiện, đôi khi họ lấy cắp trong vô thức.
Từ trước đến nay, việc ăn cắp tài sản của người khác là hành vi phạm pháp, vượt ra ngoài chuẩn mực đạo đức của xã hội. Những người có hành vi này đều bị lên án, bài xích. Tuy nhiên những người mắc hội chứng ăn cắp vặt thường có các hành động khác hoàn toàn so với trộm cắp thông thường.
Họ nhìn thấy món đồ mình muốn lấy, thế nhưng tâm trí vẫn biết hành động lấy trộm là sai trái, mặc dù vậy cuối cùng họ cũng sẽ thực hiện. Sau khi đã lấy cắp món đồ đó, sự căng thẳng, bức bối trong họ gần như được giải tỏa, một số trường hợp còn cảm thấy hưng phấn khi thực hiện.
Điều này khiến họ càng có xu hướng thực hiện hành vi ăn cắp này. Một thời gian sau khi đã lấy trộm đồ, cơn hưng phấn qua đi thay bằng cảm giác tội lỗi, xấu hổ. Đây là một hội chứng tâm lý hiếm gặp trên thế giới, không phải ai cũng biết đến Kleptomania.
Hội chứng ăn cắp vặt được các chuyên gia xếp vào danh sách vấn đề về rối loạn kiểm soát xung động. Đối tượng mắc phải bệnh lý này sẽ thường xuyên nảy ra ý nghĩ, mong muốn thôi thúc thực hiện một việc gì đó mà bản thân người bệnh sẽ không thể kiểm soát được.
Đa số các trường hợp mắc Kleptomania đều có hành vi ăn cắp vặt, ngoài ra một nhóm nhỏ khác lại có xu hướng mua sắm quá đà, nghiện ăn, nghiện cờ bạc, nghiện tình dục,… Dù là một trạng thái tâm lý, tuy nhiên hành vi ăn cắp đã vượt qua chuẩn mực đạo đức của xã hội, là một hành động đáng lên án. Chính vì thế, những người có biểu hiện của bệnh cần được đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ, cải thiện càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân gây ra hội chứng ăn cắp vặt
Hội chứng ăn cắp vặt có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa được xác định. Như đã đề cập, hội chứng này được xếp vào nhóm bệnh lý liên quan đến rối loạn kiểm soát xung động.
Các yếu tố có thể có liên quan, tác động gây ra hành vi ăn cắp vặt được chuyên gia chỉ ra:
- Yếu tố di tuyền: Đây là một trong những yếu tố có khả năng dẫn đến hội chứng liên quan đến rối loạn kiểm soát xung động. Điều này được lý giải thông qua một số thống kê về tình trạng ăn cắp vặt của các thành viên trong một gia đình. Khi người bố hoặc mẹ mắc phải hội chứng này, khả năng con cái của họ cũng mắc bệnh rất cao.
- Rối loạn nhân cách: Đặc điểm nhân cách của mỗi người là yếu tố liên quan đến Kleptomania. Các trường hợp ghi nhận mắc bệnh hầu hết đều mắc rối loạn nhân cách ái kỷ. Ngoài ra, một số trường hợp ghi nhận bệnh nhân bị rối loạn nhân cách kịch tính hoặc rối loạn hoang tưởng.
- Rối loạn chức năng: Ngoài hai nguyên nhân kể trên, người được chẩn đoán mắc hội chứng ăn cắp vặt có xu hướng mắc các rối loạn chức năng ở thùy trán hoặc rối loạn dẫn truyền thần kinh. Các rối loạn này khiến người bệnh khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, hành vi.
- Các vấn đề tâm lý: Kleptomania có thể xảy ra sau khi người bệnh gặp phải các sang chấn tâm lý nặng nề, cần tìm sự chú ý từ người xung quanh hoặc gặp phải các vấn đề liên quan đến rối loạn cảm xúc, rối loạn hoảng sợ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,… Chúng là các yếu tố liên quan, tác động gây ra các biểu hiện hành vi sai lệch so với suy nghĩ.
- Rối loạn hành vi nghiện: Việc thực hiện hành vi ăn cắp vặt giúp cơ thể sản sinh nhiều hormone hạnh phúc, tạo hưng phấn cho người bệnh. Chính vì điều này khi họ thực hiện được vài lần sẽ có cảm giác nghiện ngập cảm xúc sau khi ăn cắp, dẫn đến các lần cắp vặt tiếp theo.
Những đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng ăn cắp vặt là những người trong độ tuổi thiếu niên, trưởng thành, một số trường hợp trễ hơn. Trong đó, hơn một nửa số bệnh nhân có giới tính nữ. Các yếu tố nguy cơ cao bao gồm bệnh nhân mắc bệnh lý tâm thần, người có tiền sử gia đình mắc hội chứng Kleptomania.
Biểu hiện nhận biết hội chứng ăn cắp vặt
Những đối tượng mắc hội chứng ăn cắp vặt có các biểu hiện nhận biết như sau:
- Luôn có ham muốn đánh cắp đồ đạc của người khác, mặc dù thứ đó không phải là thứ mà bản thân thật sự có nhu cầu sử dụng.
- Tâm trạng trở nên căng thẳng, lo lắng bất thường, tuy nhiên chúng lại gây kích thích khiến cơ thể thực hiện hành vi lấy trộm.
- Trong lúc lấy cắp đồ vật, cơ thể lại có khoải cảm lạ thường, cảm giác nhẹ nhõm, thích thú khi thực hiện hành động sai trái.
- Sau khi đã thỏa mãn nhu cầu, cơ thể lại trở nên chán nản, tự sợ hãi bản thân, xấu hộ, tội lỗi, hối hận vì đã trộm cắp.
- Cảm giác muốn lấy trộm đồ của người khác liên tục lặp lại, tạo thành một chu kỳ.
Khác với những đối tượng trộm cắp bình thường, bệnh nhân mắc hội chứng ăn cắp vặt sẽ mang trên mình các đặc điểm như sau:
- Người mắc Kleptomania không lấy trộm đồ vì mục đích cá nhân hoặc do các thách thức, nổi loạn mà xuất phát từ ham muốn lấy trộm không cưỡng lại được. Những món đồ thu được đôi khi không có giá trị về mặt vật chất.
- Người ăn cắp vặt không có kế hoạch trước đó. Họ cảm thấy thích thú với món đồ nào thì sẽ thực hiện hành vi lấy cắp theo cảm xúc. Họ thường không có người giúp đỡ, hợp tác mà chỉ tự mình thực hiện.
- Những món đồ bị người mắc Kleptomania lấy cắp đa số đều nằm ở những nơi công cộng, những cửa hàng, siêu thị,… Chỉ có một số ít cá nhân lấy trộm đồ vật của người quen hay bạn bè. Đồ vật lấy cắp thường không có nhiều giá trị, người bệnh có khả năng mua chúng nhưng họ lại có mong muốn đánh cắp chúng hơn là mua.
- Người bị Kleptomania sau khi đã lấy trộm đồ sẽ thu gom chúng và cất vào một chỗ, chúng thường không được sử dụng đến. Một vài trường hợp bệnh nhân sẽ đem các “chiến lợi phẩm” đi cho người thân trong nhà.
Cơn khoái cảm ham muốn trộm cắp có thể đến bất cứ lúc nào, chúng thường xuyên xuất hiện. Người bệnh cần đến gặp chuyên gia để tìm nguyên nhân và kiểm soát hành vi phạm pháp này. Mặc dù các món đồ bị trộm không mang giá trị vật chất nhưng hành động sau trái này cần được kiểm soát, loại bỏ phòng ngừa các rủi ro khác.
Tác hại do hội chứng ăn cắp vặt gây ra
Người mắc hội chứng ăn cắp vặt có thể gặp nhiều vấn đề khi bị phát giác. Người xung quanh sẽ xa lánh và có phần bài xích khi người bệnh quay trở lại cộng đồng. Do món đồ bị lấy cắp thường không có giá trị vật chất cao nên người bệnh không dính đến các án hình sự.
Tuy nhiên, họ vẫn phải bồi thường hành chính và nhận các án treo thích đáng sau khi bị bắt. Hành vi ăn cắp vặt xảy ra không thể kiểm soát ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, gây ra nhiều mâu thuẫn trong gia đình, các mối quan hệ bạn bè, người yêu.
Người bệnh sẽ bị xã hội xa lánh bởi hành vi ăn cắp vặt, ít ai cảm thông được với họ. Bởi, đa số các trường hợp mất cắp xảy ra, người bị hại sẽ có cái nhìn dè bỉu đối với người ăn cắp. Ngoài ra, người xung quanh cũng không tán đồng hành vi sai trái này khiến người bệnh bị xã hội xa lánh, gia đình và bạn bè chê trách.
Đối với bản thân người mắc Kleptomania, sau hành vi trộm cắp họ cũng tự dằn vặt bản thân, cảm giác tội lỗi với chính mình và người xung quanh. Họ cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy ánh mắt soi mói của mọi người, tuy nhiên hành vi ăn cắp không thể kiểm soát được.
Mặt khác, nếu tình trạng rối loạn kiểm soát xung động kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề như nghiện ngập cờ bạc rượu bia, nghiện tốc độ, tình dục,… Những điều này có thể để lại nhiều hậu quả cho sức khỏe, đời sống của người bệnh. Một vài trường hợp bệnh nhân tìm đến cái chết để không còn cảm giác đau khổ, tội lỗi, trốn tránh.
Chẩn đoán và điều trị hội chứng ăn cắp vặt
Người bệnh cần đến gặp bác sĩ tâm lý để sớm điều trị Kleptomania, tránh gây ra các vấn đề ảnh hưởng đến bản thân và người xung quanh. Tại đây, bác sĩ sẽ thăm hỏi người bệnh các thông tin về tiền sử bệnh lý của gia đình, triệu chứng gặp phải.
Các câu hỏi liên quan được đặt ra nhằm thu thập thông tin từ người bệnh. Bao gồm cảm giác trước, trong và sau khi thực hiện hành vi trộm cắp. Các bảng câu hỏi sẽ được người bệnh điền vào đáp án giúp bác sĩ nhận biết khả năng tự đánh giá của bệnh nhân, cũng như nhận biết tâm lý thật sự của người bệnh.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng được bác sĩ đưa ra các tình huống có khả năng khơi gợi tính trộm cắp của bản thân để có cái nhìn chính xác hơn về tình trạng của người bệnh. Dựa trên các tiêu chí đánh giá, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về tình hình rối loạn kiểm soát xung động mà bệnh nhân đang gặp phải.
Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ dựa vào tình hình thực tế để đưa ra phương án điều trị cho người bệnh. Dưới đây là một vài biện pháp được thực hiện:
Điều trị bằng thuốc
Thuốc có tác dụng giúp bệnh nhân kiểm soát triệu chứng, giải tỏa khó chịu, giảm cảm xúc căng thẳng,… Tùy tình trạng của mỗi người các bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Thông thường sử dụng các loại như:
- Thuốc chống trầm cảm: Chỉ định sử dụng thuốc chống trầm cảm trong điều trị các bệnh lý thần kinh, bao gồm hội chứng Kleptomania. Thuốc có tác dụng cải thiện tâm trạng của bệnh nhân, giảm cảm giác đau khổ. Người bệnh sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Thuốc Naltrexone: Bệnh nhân mắc hội chứng ăn cắp vặt có thể được chỉ định sử dụng thuốc Naltrexone, đây là thuốc đối kháng Opiate. Công dụng chính của thuốc là giúp ngăn chặn các kích thích, hưng phấn thôi thúc người bệnh trộm cắp, đồng thời giảm cảm giác thỏa mãn khi thực hiện các hành vi sai trái. Thuốc có tác dụng mạnh tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro gây tác dụng phụ.
- Thuốc an thần: Sử dụng thuốc an thần giúp người bệnh nhanh chóng kiểm soát trạng thái muốn lấy cắp đồ đạc. Thuốc cũng được chỉ định cho bệnh nhân mắc Kleptomania nhưng với liều lượng trong phạm vi cho phép.
- Thuốc chẹn beta: Ngoài các nhóm thuốc kể trên, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định sử dụng thuốc chẹn beta. Thuốc có tác dụng hỗ trợ kiểm soát triệu chứng.
Người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng thuốc, tuyệt đối không nên lạm dụng để tránh gặp các tác dụng phụ làm ảnh hưởng sức khỏe. Ngoài dùng thuốc điều trị, bệnh nhân cần kết hợp trị liệu tâm lý để sớm thoát khỏi chứng bệnh này, hòa nhập với đời sống một cách tốt nhất.
Điều trị tâm lý
Bệnh nhân cần đến gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Các chuyên gia sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các phương pháp nhằm giải tỏa tâm trạng, tăng khả năng kiểm soát hành vi khi ý nghĩ trộm cắp xuất hiện. Điều trị tâm lý là phương pháp chính giúp bệnh nhân mắc hội chứng ăn cắp vặt loại bỏ hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đó, mỗi trường hợp sau khi được chuyên gia đánh giá mức độ sẽ có phác đồ trị liệu riêng biệt. Hiện nay, phương pháp nhận thức hành vi hay còn gọi là CBT được thực hiện phổ biến trong điều trị tâm lý, bao gồm trị liệu cho bệnh nhân Kleptomania.
Các suy nghĩ, hành vi của người bệnh sẽ được hướng dẫn kiểm soát theo hướng chuẩn mực nhất. Đồng thời, chuyên gia trị liệu sẽ giúp bệnh nhân nhận thức hơn về các hành vi sai trái nhằm ngăn chặn chúng tái diễn. Tâm trạng người bệnh sẽ được cải thiện sau khi được trị liệu tâm lý đúng cách.
Người bệnh có điều kiện quay lại đời sống thường ngày, loại bỏ được chứng ăn cắp vặt. Các rối loạn thần kinh khác cũng được phát hiện và điều chỉnh trong quá trình đến gặp chuyên gia. Bệnh nhân nên tìm đến những địa chỉ thăm khám uy tín để sớm chữa dứt điểm căn bệnh này.
Cho đến nay nguyên nhân gây hội chứng ăn cắp vặt (Kleptomania) vẫn chưa được xác định chính xác. Do đó, việc phòng ngừa bệnh lý này khá khó thực hiện. Bất kỳ ai cũng có khả năng là đối tượng mắc bệnh. Đối với những bệnh nhân đã phát hiện trước đó và được trị liệu, cần chủ động phòng bệnh tái phát thông qua việc tập kiểm soát hành vi.
Ngoài ra, người bệnh nên tâm sự với người thân, bạn bè để giải tỏa tâm lý, tránh trường hợp kiềm nén cảm xúc gây ra nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe. Hy vọng các thông tin trong bài viết đã giúp bạn có cái nhìn khác hơn về hội chứng ăn cắp vặt. Người mắc bệnh cần sớm được khám và điều trị tâm lý để bảo vệ sức khỏe và các mối quan hệ cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!