Hiện Tượng Tâm Lý Déjà Vu: Giải mã những giấc mơ tương lai
Déjà Vu từng là vấn đề khiến cho nhà triết học, văn học và thần kinh học bối rối trong một thời gian dài. Từ những gán ghép sai lầm, hiện tượng này đã được nhìn nhận đúng bản chất là một hiện tượng tâm lý. Mặc cho những nỗ lực của các nhà khoa học, Déjà Vu hiện vẫn là bí ẩn chưa thể tìm được lời lý giải xác đáng.
Hiện tượng Déjà Vu là gì?
Déjà Vu (Dejavu) là hiện tượng tâm lý được nhắc đến khá thường xuyên nhưng vẫn là vấn đề gây đau đầu cho giới khoa học. Thuật ngữ này diễn tả cảm giác quen thuộc mơ hồ khi gặp gỡ ai đó hoặc chứng kiến những tình huống, sự kiện mới xảy ra lần đầu tiên.
Trong tiếng Pháp, Déjà Vu có nghĩa đen là “đã nhìn thấy”. Cụm từ này diễn tả chính xác cảm giác mà hiện tượng tâm lý này mang lại. Cảm giác quen thuộc có thể xuất hiện khi bạn bước vào một không gian hoàn toàn lạ lẫm, chưa từng đến bao giờ nhưng lại cảm thấy vô cùng gần gũi. Dù cố gắng lục lại trí nhớ, bạn vẫn không thể nhớ được bản thân đã nhìn thấy không gian này ở đâu.
Thuật ngữ Déjà Vu nghe có vẻ xa lạ nhưng thực ra là hội chứng tâm lý rất phổ biến. Các chuyên gia tin rằng, có khoảng 60 – 70% người đã từng trải qua hiện tượng này. Déjà Vu có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em trong giấc mơ lẫn đời thường.
Hiện tượng tâm lý Déjà Vu được nhắc đến lần vào năm 400 sau Công nguyên bởi Triết gia cổ đại – Thánh Augustinô, nhưng chỉ được mô tả chung là cảm giác quen thuộc khi gặp gỡ ai đó hay chứng kiến những sự việc mới xảy đến lần đầu tiên.
Đến năm 1890, thuật ngữ Déjà Vu được sử dụng lần đầu tiên bởi Triết gia người Pháp Emile Boirac. Rất lâu sau đó vào cuối thế kỷ 20, Déjà Vu được công nhận là hiện tượng tâm lý và được nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực tâm lý – thần kinh.
Cho đến nay, hiện tượng Déjà Vu vẫn là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi trong giới khoa học. Các chuyên gia chưa thể tìm ra câu trả lời xác đáng lý giải cho cảm giác quen thuộc mơ hồ như đã từng nhìn thấy ở đâu đó. Dù vậy, những nỗ lực của các chuyên gia đã ít nhiều phát hiện ra được bản chất và cơ chế của hiện tượng này.
Phân loại hiện tượng tâm lý Déjà Vu
Hiện tượng tâm lý Déjà Vu thường gặp ở người từ 15 – 25 tuổi và được cho là có mối liên hệ mật thiết với các vấn đề ở thùy thái dương. Thùy thái dương là một trong bốn thùy chính của não bộ có khả năng nhận biết các đối tượng, tương tác với các cơ quan khác để tạo ra ký ức lâu dài.
Hiện tượng Déjà Vu được phân thành nhiều loại khác nhau dựa vào căn nguyên và đặc điểm lâm sàng:
1. Theo căn nguyên
Déjà Vu có thể xảy ra ở cả những người khỏe mạnh và người có các vấn đề về sức khỏe tâm thần, thần kinh. Dựa vào căn nguyên, hiện tượng tâm lý này được chia thành 2 loại:
- Déjà Vu bệnh lý: Déjà Vu bệnh lý đề cập đến hiện tượng Déjà Vu có mối liên hệ với các bệnh lý như động kinh, tổn thương não bộ hoặc các rối loạn tâm thần khác. Nếu có liên quan đến bệnh lý, hiện tượng này có thể xuất hiện với tần suất thường xuyên, kéo dài đi kèm với hoang tưởng và ảo giác.
- Déjà Vu không phải bệnh lý: Déjà Vu có thể là hiện tượng tâm lý bình thường, xảy ra ở cả trẻ em và người lớn hoàn toàn khỏe mạnh. Ở những đối tượng này, cảm giác quen thuộc có thể là trải nghiệm mà não nhớ ghi nhớ khi đi du lịch hoặc xem nhiều bộ phim.
2. Theo biểu hiện lâm sàng
Dựa vào biểu hiện lâm sàng, nhà Tâm lý học Arthur Funkhouser chia hội chứng này 3 loại bao gồm Deja vecu, Deja visite, Deja senti:
- Deja senti: Deja senti trong tiếng Pháp có nghĩa là đã từng cảm thấy/ cảm giác như vậy trong quá khứ. Dạng Déjà Vu này mô tả trạng thái cảm xúc hiện tại giống với trạng thái trong quá khứ nhưng không thể nhớ được chính xác thời điểm và sự kiện. Deja senti thường gặp ở những người bị động kinh và có vấn đề ở thùy thái dương.
- Deja vecu: Deja vecu có nghĩa là đã từng trải qua. Thuật ngữ này được sử dụng để mô tả hiện tượng Déjà Vu gây ra cảm giác quen thuộc, cảm giác như đã từng trải qua sự kiện đó trong quá khứ dù theo trí nhớ thì đây là đầu tiên sự kiện xảy ra.
- Deja visite: Deja visite là dạng ít gặp nhất, có nghĩa là “đã từng ghé thăm” trong tiếng Pháp. Thuật ngữ này mô tả hiện tượng Déjà Vu mà bạn có cảm giác đã từng địa điểm này ở đâu đó mặc dù mới đặt chân đến lần đầu tiên. Thậm chí một số người còn có thể tường tận ngõ ngách của một thành phố mà họ chưa từng đến bao giờ.
Ngoài 3 loại Déjà vu được Tâm lý học Arthur Funkhouser đề cập, hiện tượng này còn được cho là có nhiều loại khác như:
- Déjà entendu – Đã từng nghe thấy
- Déjà pensé – Đã từng nghĩ
- Déjà éprouvé – Đã từng có trải nghiệm
- Déjà su – Đã từng biết đến
- Déjà fait – Đã từng thực hiện
- Déjà raconté – Đã từng kể lại
- Déjà trouvé – Đã từng tìm thấy
- Déjà voulu – Đã từng mong muốn/ khao khát
Giả thuyết về hiện tượng Déjà Vu
Déjà Vu được mô tả từ rất lâu và được nhắc đến trong nhiều khía cạnh khác nhau từ văn chương, yếu tố văn hóa, tâm linh. Rất lâu sau đó, Déjà Vu mới được nhìn nhận đúng bản chất là một hiện tượng tâm lý. Các chuyên gia tin rằng, Déjà Vu gặp ở người từ 15 – 25 tuổi và ảnh hưởng đến khoảng 70% dân số thế giới. Khả năng gặp phải hiện tượng này có xu hướng giảm dần theo độ tuổi.
Mặc dù có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhưng các chuyên gia vẫn chưa có lý giải hợp lý nhất cho Déjà Vu. Dù vậy, một số giả thuyết về hiện tượng Déjà Vu đã được ủng hộ và công nhận.
1. Déjà Vu là biểu hiện của bệnh động kinh
Hiện tượng tâm lý Déjà Vu thường gặp ở người bị động kinh thùy thái dương. Trước khi cơn động kinh bắt đầu, một số người xuất hiện cảm giác Déjà Vu.
Mối liên hệ giữa động kinh và hiện tượng tâm lý này đã được nhắc đến từ thế kỷ 19. Tuy nhiên, do y học còn hạn chế nên các chuyên gia chưa thể lý giải vì sao Déjà Vu gặp nhiều ở trẻ em và người trưởng thành bị động kinh.
Thùy thái dương là cơ quan chi phối ngôn ngữ, cảm nhận giác quan và kết hợp trí nhớ. Động kinh xảy ra khi các noron thần kinh hoạt động quá mức và rối loạn dẫn đến sự phóng điện đột ngột. Tình trạng này có thể gây ra sự xáo trộn trí nhớ, kết quả là tạo nên cảm giác quen thuộc mơ hồ dù không thể nhớ rõ đã từng thấy điều đó trong quá khứ hay chưa.
2. Déjà Vu xuất hiện do tổn thương não
Các vùng não bộ có mối liên hệ mật thiết, hỗ trợ và tương tác qua lại. Tổn thương thực thể ở não bộ có thể khiến trí nhớ suy giảm và tạo nên ký ức lẫn lộn, không chính xác. Điều này gây ra cảm giác “đã từng nhìn thấy” các sự kiện mới xảy ra ở đâu đó nhưng không thể nhớ được.
Những người bị tổn thương não bộ thường xuyên xuất hiện cảm giác Déjà Vu. Ở những đối tượng này, cảm giác Déjà Vu có thể khiến nhận thức trở nên xáo trộn, gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Một số người gần như không thể nhớ được vật dụng nào đã mua hoặc chưa từng mua. Họ cũng khó xác định được đối tượng nào đã gặp và chưa từng gặp. Thậm chí những người này có thể né tránh việc đi du lịch, xem ti vi, đọc báo… vì bất cứ khung cảnh nào cũng tạo cảm giác quen thuộc mơ hồ.
Cảm giác Déjà Vu xuất hiện liên tục gây ra sự bức bối, khó chịu. Déjà Vu trở nên mãn tính ở những người bị tổn thương ở thùy trán và thùy thái dương sau tai nạn, chấn thương nghiêm trọng.
3. Do vấn đề ở vùng lưu trữ trí nhớ
Cho đến nay, giả thuyết Déjà Vu bắt nguồn từ các vấn đề ở vùng lưu trữ trí nhớ nhận được nhiều ủng hộ từ giới chuyên môn. Có khá nhiều cách lý giải cho vấn đề này.
Hiện tượng tâm lý Déjà Vu có thể xuất hiện do các vùng của não bộ hoạt động không đồng bộ và thiếu sự kết nối. Việc xử lý trí nhớ đòi hỏi các vùng não bộ phải hoạt động đồng thời, phối hợp chặt chẽ. Khi một hoặc nhiều vùng não bộ có vấn đề có thể tạo ra trí nhớ sai, hệ quả là làm xuất hiện cảm giác Déjà Vu khi nhìn thấy địa điểm hoặc chứng kiến tình huống nào đó mới xảy ra lần đầu tiên.
Một cách lý giải khác là Déjà Vu bắt nguồn từ vấn đề giữa vùng não lưu trữ trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Mỗi ngày, não bộ sẽ phải ghi nhớ thêm nhiều thông tin và sự kiện. Một số sự kiện sẽ được chuyển từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn, tạo nên ký ức lâu dài.
Trong quá trình chuyển giao, não bộ có thể gặp phải trục trặc khiến cho quá trình xử lý thông tin bị trì hoãn. Lúc này nếu tiếp nhận những dữ liệu mới (gặp gỡ một người lạ, đến một địa điểm mới…), não bộ có thể xử lý nhầm và xếp dữ liệu mới thành ký ức. Điều này tạo ra cảm giác quen thuộc sai lệch.
4. Déjà Vu là do các giác quan đánh lừa
Một giả thuyết khác cũng được ủng hộ là Déjà Vu chính là kết quả do sự đánh lừa của các giác quan. Nhận thức của con người được tạo nên từ 5 giác quan và các giác quan này sẽ truyền tín hiệu về não bộ khi tiếp nhận những thông tin mới.
Ở một số thời điểm, giác quan có thể truyền tín hiệu sai tạo ra cảm giác quen thuộc, “đánh lừa” trí nhớ. Giả thuyết này cũng giải thích vì sao cảm giác Déjà Vu thường rất mơ hồ và dù nỗ lực cũng không thể nhớ chính xác sự việc đã từng xảy ra trong quá khứ hay chưa.
5. Déjà Vu là kết quả của những giấc mơ
Déjà Vu là kết quả của những giấc mơ cũng là giả thuyết được ủng hộ hiện nay. Nghiên cứu vào năm 2004 được thực hiện bởi Brown University cho thấy, 20% người gặp phải hiện tượng Déjà Vu cho biết cảm giác này xuất hiện trong giấc mơ và 40% trường hợp gặp phải Déjà Vu ở cả trong lẫn giấc mơ lẫn đời thực.
Không biết bằng một lý do nào đó, não bộ tạo nên những giấc mơ trùng hợp hoàn toàn với những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai. Điều này tạo ra cảm giác vô cùng quen thuộc dù sự việc chỉ mới xảy ra lần đầu.
6. Những yếu tố khác
Bên cạnh những giả thuyết trên, các chuyên gia cho rằng hiện tượng tâm lý Déjà Vu có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố như:
- Sự trùng hợp ngẫu nhiên: Cuộc sống vốn có nhiều điều trùng hợp và hiện tượng tâm lý Déjà Vu có thể một trong những điều đó. Cảm giác quen thuộc khi đến một địa điểm hoặc gặp gỡ một ai đó có thể xuất phát từ một ký ức vô thức. Ký ức này có thể được tạo ra sau những lần đi du lịch, xem phim ảnh, tài liệu…
- Có các vấn đề tâm thần: Cảm giác “đã từng nhìn thấy” có thể gặp ở người bị tâm thần phân liệt hoặc các rối loạn tâm thần có biểu hiện loạn thần. Theo các chuyên gia, hoang tưởng, ảo giác do các rối loạn này có thể tạo ra ký ức. Và ký ức này tạo ra cảm giác quen thuộc khi vô tình gặp gỡ ai đó hoặc chứng kiến sự kiện nào đó đã từng xuất hiện trong cơn ảo giác, hoang tưởng.
- Khả năng ngoại cảm: Trong một số nền văn hóa, hiện tượng Déjà Vu được cho là chỉ có thể gặp ở những người có khả năng ngoại cảm. Khả năng giúp con người dự đoán trước tương lai hoặc nhớ được ký ức của kiếp trước. Do đó, khi gặp gỡ ai đó hoặc đi đến một địa điểm mới, chứng kiến những sự việc xảy ra lần đầu nhưng lại có cảm giác vô cùng quen thuộc.
- Căng thẳng quá mức: Hiện tượng tâm lý Déjà Vu thường xảy ra khi con người rơi vào trạng thái căng thẳng quá mức. Khi căng thẳng, hormone cortisol gia tăng và nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ sẽ có biến động lớn. Một số vùng não có thể bị ức chế, hoạt động sai lệch dẫn đến tạo ra các ký ức không có thực hoặc quên mất ký ức đã từng trải qua, dẫn đến cảm giác quen thuộc khi gặp gỡ hoặc đến tham quan địa điểm nào đó.
- Chất lượng cuộc sống: Một điều đặc biệt là hiện tượng tâm lý Déjà Vu chỉ xảy ra ở những người có đời sống đủ đầy, trình độ học vấn cao, sinh sống ở những thành phố phát triển, tiện nghi…
- Đi du lịch với tần suất cao: Những người thường xuyên đi du lịch sẽ dễ gặp hiện tượng tâm lý Déjà Vu hơn bình thường. Các chuyên gia cho rằng, việc tham gia các địa điểm mới và gặp gỡ nhiều người tạo nên một lượng lớn ký ức. Não bộ có thể không xử lý tốt dẫn đến trí nhớ sai lệch, tạo ra cảm giác quen thuộc mơ hồ, không rõ ràng.
- Tác dụng phụ của thuốc: Cảm giác quen thuộc ở hiện tượng tâm lý Déjà Vu có thể là tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc hướng thần. Các loại thuốc này gây ra cảm giác miên man, thiếu tập trung, khó suy nghĩ dẫn đến cảm giác quen thuộc nhưng không thể nhớ chính xác đã gặp tình huống này tại thời điểm nào.
Dù được nghiên cứu tích cực nhưng hiện tượng tâm lý Déjà Vu vẫn còn là một bí ẩn, chưa thể tìm ra câu trả lời xác đáng. Nhưng nhìn chung, đa số các trường hợp gặp phải cảm giác Déjà Vu đều không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Thứ khó chịu duy nhất mà hiện tượng tâm lý này gây ra cảm giác bức bối khi không thể nhớ rõ sự kiện đó có thật sự xảy ra hay chưa.
Làm thế nào khi gặp phải hiện tượng tâm lý Déjà Vu?
Déjà Vu là hiện tượng tâm lý có thể gặp ở mọi đối tượng. Vì vậy, không cần quá lo lắng nếu có cảm giác quen thuộc mơ hồ khi lần đầu tiên nhìn thấy ai đó hoặc chứng kiến sự việc nào đó.
Điều trị Déjà Vu được cho là không cần thiết vì hiện tượng này đa phần là vô hại. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế tần suất gặp phải cảm giác Déjà Vu bằng một số cách sau:
1. Giữ sự bình tĩnh
Trong một số nền văn hóa, Déjà Vu được cho gắn liền với những yếu tố tâm linh. Vì vậy, không ít người cảm thấy choáng ngợp khi xuất hiện cảm giác quen thuộc mơ hồ trước những sự việc xảy đến lần đầu tiên.
Giữ bình tĩnh là lời khuyên dành cho người gặp phải hiện tượng tâm lý Déjà Vu. Có thể kiềm chế sự hoảng loạn, sợ hãi bằng cách hít thở sâu để điều hòa lại nhịp tim và nhịp thở. Sau đó có thể chia sẻ trải nghiệm về hiện tượng tâm lý này với những người xung quanh để tìm kiếm sự đồng cảm, vì Déjà Vu là hiện tượng vô cùng quen thuộc và bất cứ ai cũng có thể gặp phải.
Chủ động tìm hiểu về Déjà Vu cũng là giải pháp giúp trấn an tinh thần, giảm cảm giác hoảng loạn quá mức. Khi hiểu rõ bản chất của hiện tượng này, bạn sẽ hiểu được Déjà Vu là một phản ứng hoàn toàn bình thường, không hề liên quan đến yếu tố tâm linh như mọi người vẫn đồn thổi.
2. Loại trừ các yếu tố nguy cơ
Nếu Déjà Vu xuất hiện thường xuyên, bạn có thể cải thiện bằng cách điều chỉnh các yếu tố nguy cơ. Hầu hết mọi người đều nhận thấy tần suất gặp phải hiện tượng này giảm đi rõ rệt sau khi loại trừ căn nguyên.
- Điều trị bệnh nguyên: Như đã đề cập, hội chứng Déjà Vu có liên quan đến các rối loạn tâm thần và bệnh động kinh – đặc biệt là động kinh khởi phát ở thùy thái dương. Bằng cách kiểm soát bệnh nguyên, cảm giác Déjà Vu giảm đi rõ rệt và tránh được những xáo trộn về ký ức, trí nhớ sai.
- Thay đổi các loại thuốc: Các loại thuốc hướng thần, đặc biệt là thuốc làm thay đổi nồng độ dopamin có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng tâm lý Déjà Vu. Nếu hiện tượng này xuất hiện thường xuyên, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được giảm liều hoặc thay đổi thuốc trong trường hợp cần thiết.
- Ngưng rượu bia, chất gây nghiện: Sử dụng chất gây nghiện, rượu bia có thể gây ra ảo giác, hoang tưởng và gia tăng tần suất gặp phải hiện tượng Déjà Vu. Để hạn chế tình trạng tái diễn, bạn nên ngừng sử dụng rượu bia và tiến hành cai nghiện.
3. Chăm sóc sức khỏe
Cảm giác Déjà Vu thường xuất hiện khi cơ thể bị suy nhược, mệt mỏi và căng thẳng quá mức. Chăm sóc sức khỏe hợp lý sẽ giúp não bộ hoạt động hiệu quả, từ đó giảm đáng kể sự sai lệch về ký ức và trí nhớ.
Các biện pháp chăm sóc sức khỏe giúp cải thiện hiện tượng tâm lý Déjà Vu:
- Hạn chế căng thẳng bằng cách cân đối thời gian nghỉ ngơi và làm việc, học tập.
- Ngủ sớm và ngủ đủ giấc để não bộ được nghỉ ngơi, phục hồi. Chất lượng giấc ngủ có mối tương quan với hoạt động của não bộ. Giấc ngủ giảm sút có thể khiến cho vùng lưu trữ trí nhớ gặp vấn đề dẫn đến cảm giác Déjà Vu, trí nhớ sai, suy giảm trí nhớ…
- Tránh các chất kích thích như rượu bia, trà đặc, cà phê, thuốc lá…
- Tập thể dục thường xuyên là một trong những cách kiểm soát hiện tượng Déjà Vu hữu hiệu. Tập luyện thường xuyên giúp não bộ duy trì sự tỉnh táo, minh mẫn, đồng thời gia tăng khả năng ghi nhớ, tránh tình trạng nhầm lẫn giữa “ký ức” và các sự kiện mới xảy ra. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp giải tỏa năng lượng dư thừa, cân bằng nồng độ dopamin – chất dẫn truyền thần kinh có mối liên hệ mật thiết với hiện tượng tâm lý Déjà Vu.
- Có thể thực hiện các bài tập rèn luyện trí nhớ để tăng khả năng ghi nhớ, tránh nhầm lẫn. Bằng cách cải thiện trí nhớ, cảm giác quen thuộc mơ hồ khi chứng kiến sự việc nào đó sẽ giảm đi đáng kể.
4. Tận dụng trải nghiệm mà Déjà Vu mang lại
Trái ngược với cảm giác hoảng loạn, một số người có cảm giác tận hưởng khi gặp phải hiện tượng tâm lý Déjà Vu. Đa phần những đối tượng này đều có trình độ nhận thức cao, thấu hiểu bản chất của Déjà Vu.
Nhiều người thú nhận rằng, cảm giác Déjà Vu mang đến sự thú vị, mới mẻ và họ có thể tận dụng ký ức để luyện tập khả năng ghi nhớ. Thay vì quá quan tâm đến việc sự việc đó đã từng xảy ra trong quá khứ hay chưa, những người này thường tận hưởng các sự kiện hàng ngày, chú ý đến mùi hương, âm thanh, mùi vị… mà bản thân cảm thấy quen thuộc.
Về bản chất, hiện tượng Déjà Vu không đáng lo ngại. Vì vậy, thay vì loại bỏ cảm giác này, nhiều người chọn cách tận hưởng và khám phá những điều kỳ lạ, bí ẩn khoa học chưa thể giải đáp. Và rõ ràng, khi đối diện với Déjà Vu bằng thái độ tích cực, cảm giác mà hiện tượng này mang đến không phải là sự khó chịu mà là cảm xúc hân hoan, phấn khởi, thậm chí là thích thú.
5. Tìm gặp bác sĩ tâm thần
Trong một số trường hợp, Déjà Vu có thể là tình trạng mãn tính xuất hiện với tần suất dày đặc. Cảm giác quen thuộc mơ hồ có thể gây lẫn lộn các sự việc xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, làm cản trở công việc, học tập và các mối quan hệ.
Nếu hiện tượng Déjà Vu gây ra sự ám ảnh và làm xáo trộn cuộc sống, bạn nên tìm gặp bác sĩ tâm thần. Đa phần những trường hợp này đều có tổn thương nghiêm trọng ở não bộ hoặc bị rối loạn tâm thần do nghiện rượu, nghiện chất.
Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng, xác định nguyên nhân và xem xét các phương pháp điều trị phù hợp. Tiên lượng cho hiện tượng tâm lý Déjà Vu phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân. Ở một số trường hợp, cảm giác Déjà Vu không biến mất hoàn toàn nhưng một số biện pháp có thể giảm đáng kể tần suất hiện tượng này xuất hiện.
Hiện nay, những hiểu biết về hiện tượng tâm lý Déjà Vu đã trở nên rõ ràng và đúng đắn hơn so với thời kỳ trước. Dù vậy, hiện tượng này vẫn còn nhiều bí ẩn với khoa học và là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật. Nếu gặp phải cảm giác Déjà Vu với tần suất thường xuyên, bạn nên xem xét tìm gặp bác sĩ để được hỗ trợ, hướng dẫn giải pháp cải thiện.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!