Chứng cuồng loạn Hysteria là gì? Bạn biết gì về hội chứng này?

Chứng cuồng loạn Hysteria thường khởi phát ở những người có nhân cách yếu, trẻ em được nuông chiều, bảo bọc quá mức. Hội chứng này có triệu chứng đa dạng nhưng luôn có biểu hiện mất kiểm soát cảm xúc, rối loạn vận động, sững sờ phân ly… Ngày nay, những hiểu biết đúng đắn về Hysteria đã giúp cho công tác chẩn đoán và điều trị trở nên thuận lợi hơn.

chứng cuồng loạn hysteria
Chứng cuồng loạn Hysteria thường xảy ra sau sang chấn tâm lý mạnh gây ra những cảm xúc dữ dội như tức giận, thất vọng, đau khổ…

Hội chứng cuồng loạn Hysteria là gì?

Hội chứng cuồng loạn Hysteria là một dạng rối loạn tâm thần kinh mà người bệnh kích động quá mức và bộc lộ cảm xúc với cường độ cao, vượt quá khả năng kiểm soát. Hội chứng này thường bộc phát sau khi đối mặt với sang chấn tâm lý hoặc những sự kiện gây ra xung đột nội tâm dữ dội.

Hysteria thường gặp ở nữ giới với nguy cơ cao gấp 10 lần so với nam giới. Độ tuổi dễ phát bệnh là từ 14 – 25 tuổi do tâm lý nhạy cảm, tính cách yếu đuối, thiếu khả năng chịu đựng và chống đỡ với stress kém.

Triệu chứng của chứng cuồng loạn vô cùng đa dạng bao gồm cảm xúc lẫn lộn, cười không kiểm soát nhưng cũng có khi gào thét, khóc lóc. Nhảy nhót không ngừng, giãy dụa, run rẩy, co giật hoặc cũng có khi ngất lịm hoàn toàn. Khi khoa học chưa phát triển, người mắc chứng Hysteria thường bị cho là vướng phải lời nguyền, bị bỏ bùa, đoạt hồn…

Hiện nay, Hysteria được xếp vào nhóm rối loạn phân ly – rối loạn đặc trưng bởi mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữa đặc tính cá nhân, ý thức, trí nhớ về quá khứ, khả năng kiểm soát các vận động và cảm giác của cơ thể. Cả ICD và DSM đã công nhận chứng bệnh này là rối loạn tâm thần chính thức, đồng thời đã xây dựng bảng tiêu chuẩn chẩn đoán xác định.

Phân loại chứng cuồng loạn Hysteria

Chứng cuồng loạn Hysteria được chia thành 2 mức độ:

Mức độ 1:

Hysteria mức độ 1 là tình trạng nhẹ, bệnh nhân vẫn giữ được sự tỉnh táo trong các cơn. Triệu chứng thường gặp là hồi hộp, co thắt ngực, chuột rút, thở hổn hển, tay chân có cảm giác nặng nề, nhức đầu, nghẹt thở và nghiến chặt răng. Một số trường hợp có thể xuất hiện các cơn co giật khiến cho bệnh nhân hình thành tư thế uốn cong cơ thể như bị bệnh uốn ván.

Mức độ 2:

Hysteria mức độ 2 thường nghiêm trọng hơn. Trong cơn bộc phát, người bệnh dường như mất ý thức và có xu hướng la hét, gào khóc, co các cơ không tự ý, toàn thân co giật, rối loạn nhịp tim và thường có hành vi nhổ nước bọt liên tục.

Mỗi cơn bộc phát có thể kéo dài khoảng một giờ hoặc dai dẳng đến vài giờ. Sau khi dứt cơn, ý thức của người bệnh sẽ được hồi phục và không hề nhớ đến sự việc đã xảy ra.

Biểu hiện của chứng cuồng loạn Hysteria

Chứng cuồng loạn thường khởi phát sau chấn thương tâm lý, đặc biệt là những sự kiện gây ra sự căng thẳng và xung đột nội tâm dữ dội. Các triệu chứng của Hysteria có đặc điểm là khởi phát đột ngột, có phần kịch tính quá mức, biểu hiện đa dạng và khác biệt ở từng trường hợp.

Thường gặp nhất là co cứng cơ, co giật hoặc vận động mất kiểm soát. Đi kèm là các rối loạn cảm xúc như cảm xúc hỗn độn, không rõ đang khóc hay đang cười, gào thét, giãy dụa… Một vài trường hợp có thể phát triển thêm các triệu chứng khác như ảo giác, rối loạn cảm giác, rối loạn tâm thần, rối loạn giác quan…

Dưới đây là các triệu chứng đầy đủ của hội chứng cuồng loạn Hysteria:

1. Rối loạn vận động

Hầu hết các bệnh nhân Hysteria đều có dấu hiệu rối loạn vận động. Biểu hiện đa dạng, phong phú, có thể là run rẩy, run toàn thân hoặc run cục bộ một phần cơ thể, múa vờn, múa giật, lắc đầu, nháy mắt, tứ chi liệt cứng hoặc liệt mềm.

hội chứng cuồng loạn hysteria
Đa phần những người mắc hội chứng cuồng loạn Hysteria đều có biểu hiện rối loạn vận động

Số ít có thể gặp phải các rối loạn phát âm như câm (không nói), nói lắp, khó có thể phát âm… Các triệu chứng này khởi phát đột ngột và không có liên quan đến chấn thương não bộ hay những nguyên nhân thực thể khác.

2. Rối loạn cảm giác

Người mắc hội chứng cuồng loạn còn có thể gặp phải rối loạn cảm giác. Trong cơn Hysteria, bệnh nhân thường tăng cảm giác đau như có cảm giác đau ở da, đau trong các cơ quan nội tạng như đau vùng tim, đau ngực, đau bụng, đau dữ dội như bị viêm ruột thừa…

Các triệu chứng đau ở bệnh nhân Hysteria rất giống với biểu hiện của các bệnh thể chất. Vì vậy, không ít người cho rằng bệnh nhân đang giả vờ để thu hút sự quan tâm và chú ý của những người xung quanh.

3. Sững sờ phân ly

Sững sờ là trạng thái bất động, mất hoặc giảm đáp ứng với những kích thích bên ngoài như ánh sáng, tiếng động, hình ảnh… Trong cơn cuồng loạn, bệnh nhân thường có biểu hiện sững sờ phân ly. Người bệnh có thể nằm hoặc ngồi bất động trong nhiều giờ liền, ý thức vẫn còn nhưng không có bất cứ đáp ứng nào với những yếu tố bên ngoài.

Hội chứng hysteria nữ
Sững sờ phân ly cũng là triệu chứng thường thấy ở những người mắc chứng cuồng loạn

4. Rối loạn lên đồng và bị xâm nhập

Các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập là nhóm triệu chứng “kỳ lạ”, dễ bị nhầm lẫn với các hiện tượng tâm linh như đoạt hồn, ma nhập, dính phải lời nguyền, bị ếm bùa ngải… Nhóm triệu chứng này đặc trưng bởi tình trạng mất ý thức tạm thời.

Người bệnh thể hiện hành vi, lời nói hoàn toàn khác biệt so với đặc tính cá nhân. Cách thể hiện giống như cơ thể đang bị chi phối bởi thần linh hoặc một linh hồn khác. Các triệu chứng này xuất hiện một cách không mong muốn và không thể kiểm soát, người bệnh hoàn toàn mất đi ý thức trong thời điểm này.

5. Rối loạn các giác quan

Một số ít trường hợp có thể gặp phải các rối loạn giác quan như khứu giác phân ly, mất vị giác, điếc phân ly, mù…

6. Rối loạn tâm thần

Rối loạn tư duy, cảm xúc, quên phân ly… là các rối loạn tâm thần mà bệnh nhân mắc chứng cuồng loạn có thể gặp phải. Cảm xúc lẫn lộn, tâm trạng được thể hiện một cách kịch tính với cường độ cao.

Triệu chứng hysteria
Trong cơn Hysteria, bệnh nhân thường thể hiện cảm xúc một cách hỗn loạn với cường độ cao

Bệnh nhân không thể suy nghĩ một cách minh mẫn, rõ ràng và có biểu hiện quên phân ly (quên đi một phần ký ức – thường là ký ức liên quan đến sang chấn tâm lý). Một số trường hợp có thể xuất hiện ảo giác càng làm nghiêm trọng tình trạng cuồng loạn, bệnh nhân nhảy nhót không ngừng, cười, gào thét… hàng giờ liền.

Đặc điểm của hội chứng cuồng loạn Hysteria là bệnh nhân rất dễ bị ám thị và tự ám thị. Do đó, hội chứng này có “lây lan” trong một tập thể. Nhất là khi tập thể đó đều là nữ giới và có nhân cách yếu.

Hội chứng Hysteria tập thể

Trong lịch sử đã chứng kiến nhiều vụ cuồng loạn Hysteria xảy ra với quy mô lớn. Ở những thời điểm trước, Hysteria được gọi là “bệnh dịch nhảy”, “cơn cuồng khiêu vũ”… vì bệnh nhân thường trải qua một trận cười điên dại, co giật, nhảy múa mất kiểm soát.

Trong suốt một thời gian dài, chứng cuồng loạn Hysteria bị gán ghép với những quan điểm sai lầm và niềm tin dị đoan. Nhiều người tin rằng, các biểu hiện của chứng cuồng loạn là do ma quỷ đoạt hồn hoặc bị bỏ bùa, chơi ngải. Với sự phát triển của khoa học, sự thật về chứng Hysteria đã được “vén màn” và những người mắc chứng bệnh này cũng có cơ hội tiếp cận với các phương pháp điều trị phù hợp.

hội chứng hysteria
Chứng cuồng loạn tập thể – Mass Hysteria từng là “bí ẩn” đối với giới khoa học

Tính từ khi chứng cuồng loạn Hysteria được đề cập, đã chứng kiến không ít vụ cuồng loạn tập thể (Mass Hysteria). Một trong những vụ Hysteria tập thể được biết đến nhiều nhất là vào ngày 24/6/1374, một đám đông nhảy nhót cuồng loạn ở thị trấn Aachen – Đức. Điều kỳ lạ là đám đông này nhảy nhót mất kiểm soát hàng giờ, một vài người nhảy nhót hàng tuần đến hàng tháng và không ít người kiệt sức, thậm chí tử vong do đột quỵ.

Trong vụ cuồng loạn tập thể này, số người nhảy nhót tăng từ vài chục cho đến hàng nghìn người. Sau đó, “dịch nhảy múa cho đến chết” liên tục nổ ra ở các thành phố khác trong suốt thời Trung cổ.

Sự việc đáng nhớ tiếp theo xảy ra vào ngày 30/1/1962, một trận cười không kiểm soát xuất hiện ở một trường nữ sinh truyền đạo tại Kasshasha, Tanzania. Ban đầu, chỉ có 3 nữ sinh xuất hiện cơn cười không kiểm soát và sau đó lan ra gần như cả trường. Cơn cười kéo dài dai dẳng từng giờ và xuất hiện hằng ngày, kéo dài trong nhiều tuần.

Điều trị hysteria
Lịch sử đã chứng kiến nhiều trường hợp cuồng loạn tập thể với tốc độ “lây lan” nhanh chóng

Vì không thể kiểm soát cơn cười, nhà trường buộc phải đóng cửa sau đó gần 2 tháng. Tuy nhiên, “dịch cười” đã nhanh chóng lây lan sang các trường học và khu làng lân cận. Kết quả là 14 trường học gần đó đã phải ngưng hoạt động và dịch dần lắng xuống sau khoảng 18 tháng.

Ở nước ta cũng đã từng xảy ra chứng cuồng loạn tập thể. Vào 15/12/2017 tại trường Nà Bản, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn có 9 em học sinh xuất hiện các biểu hiện bất thường như nói năng không kiểm soát, nhảy nhót bất thường, hành vi hung hăng, ngất lịm… May mắn là cơn cuồng loạn chỉ xuất hiện trong 5 – 10 phút, sau đó các em phục hồi ý thức nhưng không nhớ những sự việc đã xảy ra.

Khoảng 3 ngày sau, Bệnh viện Nhi Trung ương đã xác định các em bị chứng cuồng loạn tập thể và tiến hành điều trị bằng liệu pháp tâm lý, nâng đỡ thể trạng… Chỉ sau vài tuần, các em đều phục hồi tốt.

Hiện tại, những hiểu biết của cộng đồng về chứng cuồng loạn Hysteria đã được nâng cao. Đời sống tinh thần cũng được chú trọng nên khả năng chống đỡ với stress trở nên tốt hơn và các vụ Hysteria tập thể vì vậy cũng ít gặp phải. Nhắc lại các vụ cuồng loạn tập thể để thấy rằng, chứng Hysteria thật sự là vấn đề đáng lo ngại và phải được điều trị càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân gây ra chứng cuồng loạn Hysteria

Hysteria là một trong những rối loạn tâm thần được nhắc đến đầu tiên. Trong y văn thế giới, hội chứng này đã được mô tả bởi Hippocrates – cha đẻ của nền y học. Dù được phát hiện ngay từ thời Hy Lạp cổ đại nhưng những hiểu biết của con người về chứng cuồng loạn là rất hạn chế.

Cho đến thế kỷ 19, Hysteria mới được nhìn nhận là một chứng rối loạn tâm lý – tâm thần. Sau đó, hội chứng này đã được nghiên cứu chuyên sâu hơn, mở ra kỷ nguyên mới về lĩnh vực tâm thần học, xóa bỏ những quan niệm sai lầm và lệch lạc trước đây.

Nhà tâm lý học người Áo – Sigmund Freud được xem là người phát hiện ra cơ chế bệnh sinh của chứng cuồng loạn. Ông cho rằng, các biểu hiện của Hysteria là cách mà tiềm thức nỗ lực để bảo vệ và giải tỏa những căng thẳng, xung đột bên trong. Đây cũng là lý do hội chứng này thường xuất hiện sau những sang chấn mạnh gây ra sự xáo trộn nghiêm trọng về tâm lý, cảm xúc.

Dù cơ chế bệnh sinh đã sáng tỏ nhưng nguyên nhân gây chứng cuồng loạn vẫn chưa được xác định. Bởi không phải ai cũng phát triển hội chứng này khi đối mặt với sang chấn.

Một số yếu tố sau đã được xác định có liên quan đến chứng Hysteria.

1. Chấn thương tâm lý

Ở người mắc chứng cuồng loạn, các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh đều không tìm thấy tổn thương thực thể. Hysteria được cho là kết quả của sang chấn tâm lý nghiêm trọng – đặc biệt là ở những nhóm người có nhân cách yếu.

Chẩn đoán và điều trị hysteria
Hysteria thường xuất hiện sau sang chấn tâm lý hoặc những sự kiện gây ra xung đột nội tâm dữ dội

Sang chấn gây ra căng thẳng cực độ, xung đột nội tâm không thể giải tỏa. Lúc này, tiềm thức sẽ giải tỏa sự dồn nén bằng các cảm xúc lẫn lộn, có thể là tràng cười không kiểm soát, gào thét, khóc lóc… Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng “vô thức” xuất hiện các biểu hiện thể chất để thu hút sự chú ý và quan tâm từ những người xung quanh.

Một vài người cho rằng, bệnh nhân mắc chứng Hysteria “giả vờ” có cảm giác đau, khó chịu như các bệnh thể chất. Tuy nhiên, cảm giác này hoàn toàn có thật và được tạo nên bởi tiềm thức/ vô thức (phần ý thức nằm bên dưới nhận thức). Như vậy, tất cả các triệu chứng người bệnh gặp phải đều là vô thức, không phải giả vờ.

2. Mất cân bằng quá trình hưng phấn – ức chế vỏ não

Trong chứng cuồng loạn Hysteria, não bộ hoàn toàn không bị tổn thương. Tuy nhiên, chức năng và hoạt động của một số vùng não có dấu hiệu rối loạn. Cụ thể, các bác sĩ nhận thấy vỏ não suy yếu nên không thể kiểm soát vùng dưới vỏ.

Khi có sang chấn mạnh gây tức giận quá mức, thất vọng nặng nề hay sợ hãi, vùng dưới vỏ không được điều hòa. Kết quả là tăng hoạt động dưới vỏ khiến cho cảm xúc được bộc lộ với cường độ cao, không thể kiểm soát đi kèm với nhiều triệu chứng khác. Những thay đổi bên trong não bộ được cho là tác động của sang chấn, hoàn toàn không liên quan đến tổn thương thực thể.

3. Nhân cách yếu

Nhân cách là yếu tố có vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của chứng cuồng loạn. Cụ thể, những người có nhân cách yếu sẽ dễ phát triển hội chứng này. Nhân cách yếu đặc trưng bởi những đặc điểm như ưa được chiều chuộng, thiếu chủ động, kiềm chế, thích phô trương và khả năng chịu đựng với khó khăn, áp lực kém.

Triệu chứng bệnh hysteria
Người có nhân cách yếu và trẻ em được bảo bọc, nuông chiều dễ phát triển hội chứng cuồng loạn

Rất lâu sau khi chứng Hysteria được mô tả, các chuyên gia đã phát hiện dạng nhân cách Hysteria. Những người có dạng nhân cách này chắc chắn sẽ phát triển chứng cuồng loạn khi có điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, một số người không có dạng nhân cách Hysteria vẫn có nguy cơ mắc hội chứng này.

Nhân cách Hysteria (rối loạn nhân cách kịch tính) được xác định là kiểu nhân cách đáp ứng cảm xúc thái quá. Dạng nhân cách này phải bao gồm ít nhất 4 đặc điểm trong 8 tiêu chí: Tìm kiếm hoặc đòi hỏi sự khen ngợi từ người khác; quá bận tâm đến những tổn thương của cơ thể; hành vi quyến rũ, thiếu chừng mực; bộc lộ cảm xúc thái quá ngay cả những chuyện rất nhỏ; tính tình dễ thay đổi, hời hợt; bất chấp hành vi để thỏa mãn được mục đích; văn phong hào nhoáng, vĩ mô nhưng nội dung nghèo nàn.

4. Các yếu tố nguy cơ

Môi trường không thuận lợi được xem là yếu tố thúc đẩy chứng Hysteria bùng phát. Triệu chứng xuất hiện đột ngột khi có các yếu tố như:

  • Nghi ngờ bản thân mắc bệnh hiểm nghèo (có triệu chứng rõ rệt hoặc người thân vừa qua đời do bệnh tật…)
  • Môi trường sống căng thẳng
  • Phải nằm viện một thời gian dài
  • Mâu thuẫn trong các mối quan hệ cá nhân
  • Có các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu
  • Thiếu chất dinh dưỡng

Hysteria thường xảy ra ở người có nhân cách yếu nên nữ giới sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đa phần phái nữ đều khá nhạy cảm với các tình huống không thuận lợi, khả năng chịu đựng kém và bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ hơn so với nam giới.

Nếu một tập thể đang cùng đối mặt với những khó khăn và áp lực tương tự như đội thanh niên xung phong, các nữ tu sĩ trong nhà thờ, các em học sinh đang bị căng thẳng thi cử… chứng cuồng loạn có thể “lây lan”. Bởi Hysteria được xem một cơ chế tự giải thoát khỏi áp lực, căng thẳng quá độ của tiềm thức.

Tiến triển và tiên lượng của chứng cuồng loạn

Các triệu chứng của Hysteria xuất hiện và kết thúc một cách đột ngột. Vì biểu hiện rầm rộ nên nhiều người lầm tưởng bệnh nhân đang mắc phải bệnh rất nặng. Trên thực tế, chứng Hysteria có thể điều trị hoàn toàn và thời gian phục hồi khá nhanh.

Phần lớn các trường hợp đều thuyên giảm sau khoảng vài tuần đến vài tháng nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách. Về bản chất, chứng Hysteria có tính ám thị và tự ám thị rất cao. Nghĩa là nếu những người xung quanh tỏ ra quan tâm thái quá hoặc thờ ơ, trách móc, chì chiết… các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Thay vào đó, nên quan tâm đúng mực và khuyến khích người bệnh tự chăm sóc bản thân, chủ động trong cuộc sống. Dần dần, các triệu chứng thể chất và tâm thần sẽ giảm đi hoàn toàn.

Những trường hợp thuyên giảm chậm thường do các vấn đề trong cuộc sống vẫn chưa được giải quyết, mâu thuẫn trong các mối quan hệ càng thêm sâu sắc… Với những tình huống này, cần điều trị lâu hơn và bệnh nhân phải được hỗ trợ tích cực về mặt tâm lý.

Chứng cuồng loạn Hysteria có thể tái phát nếu không rèn luyện, xây dựng những tính cách tốt. Với những người có dạng nhân cách Hysteria (rối loạn nhân cách kịch tính), cần trị liệu tâm lý để điều chỉnh tư tưởng, suy nghĩ không phù hợp. Hình thành lối sống lành mạnh, đúng đắn để tăng khả năng chịu đựng với khó khăn và nỗ lực để đạt được mục đích thay vì bất chấp thực hiện các hành vi thiếu chừng mực.

Nhìn chung, Hysteria không phải là rối loạn quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, do những hiểu biết còn hạn chế nên không phải bệnh nhân nào cũng được điều trị, hỗ trợ kịp thời.

Các phương pháp điều trị chứng cuồng loạn Hysteria

Trước khi điều trị, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán dựa vào tiêu chuẩn của ICD hoặc DSM. Trước đó, các bác sĩ sẽ loại trừ những khả năng có thể gây ra triệu chứng như hạ đường huyết, hạ canxi máu, động kinh…

Sau khi đã chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được can thiệp các phương pháp điều trị sau:

1. Liệu pháp tâm lý

Hysteria thực chất là phản ứng của tiềm thức nhằm bảo vệ cơ thể khỏi sự uất ức cùng cực, thất vọng nặng nề, đau khổ sâu sắc… Vì vậy, liệu pháp tâm lý sẽ giúp ích rất nhiều trong việc xoa dịu tinh thần và làm giảm triệu chứng.

Như đã nói, chứng cuồng loạn không phải bệnh giả vờ mặc dù các triệu chứng có thể “bắt chước” với một bệnh lý nào đó. Gia đình cần tránh phản ứng coi thường, chế giễu, chì chiết người bệnh. Tuy nhiên trong quá trình chăm sóc, chỉ nên bày tỏ sự quan tâm vừa đủ, tránh chiều chuộng quá mức.

Hỗ trợ bệnh nhân khi cần và khuyến khích người bệnh tự chăm sóc bản thân, giúp đỡ công việc gia đình. Mấu chốt để có thể giảm sự “cuồng loạn” về thể chất và tâm thần là cách ly người bệnh khỏi áp lực, căng thẳng, mâu thuẫn và các tình huống sang chấn.

Hysteria thường gặp ở đối tượng sau
Liệu pháp thôi miên là phương pháp tâm lý trị liệu có hiệu quả đối với chứng Hysteria

Khi bệnh nhân đã ổn định phần nào, có thể thực hiện một số liệu pháp tâm lý sau:

  • Liệu pháp thôi miên: Liệu pháp này mang lại hiệu quả tốt trong điều trị chứng cuồng loạn Hysteria do bệnh nhân rất dễ bị ám thị. Thôi miên giúp cân bằng quá trình hưng phấn và ức chế của vỏ não, từ đó làm giảm đáng kể các triệu chứng.
  • Liệu pháp thư giãn luyện tập: Liệu pháp thư giãn luyện tập giúp người bệnh giảm căng thẳng, lo âu, gia tăng khả năng chịu đựng với những tình huống không thuận lợi trong cuộc sống. Liệu pháp này còn giúp nâng đỡ nhân cách, giảm bộc lộ cảm xúc thái quá.
  • Các liệu pháp khác: Bệnh nhân mắc chứng Hysteria cũng có thể được trị liệu bằng liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), liệu pháp hành vi biện chứng, liệu pháp giải mẫn cảm mắt và tái xử lý (EMDR)…

Để người bệnh phục hồi nhanh, gia đình và những người xung quanh cần xây dựng môi trường sống thuận lợi, ôn hòa, yêu thương. Hạn chế các mâu thuẫn, áp lực vì có thể khiến cho chứng Hysteria trở nên trầm trọng hơn.

2. Sử dụng thuốc

Đối với chứng cuồng loạn Hysteria, liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị chính. Bên cạnh đó, thuốc cũng có thể được sử dụng để làm giảm các triệu chứng tâm thần và nâng đỡ thể chất.

Cơn hysteria
Bệnh nhân có thể phải dùng thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm để cải thiện triệu chứng thể chất, tâm thần

Các loại thuốc được sử dụng cho chứng cuồng loạn Hysteria:

  • Thuốc giải lo âu
  • Các loại thuốc chống trầm cảm như thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)…
  • Các loại thuốc bảo vệ tế bào não
  • Vitamin, khoáng chất

3. Các biện pháp hỗ trợ

Một điều đặc biệt ở những bệnh nhân Hysteria là tính tự ám thị và ám thị rất cao. Nếu chỉ hỗ trợ tâm lý mà không có các phương pháp điều trị như dùng thuốc, phẫu thuật… bệnh nhân sẽ không tin bản thân đã khỏi bệnh.

Vì vậy, ngoài liệu pháp tâm lý, một số biện pháp có thể được thực hiện với mục đích “ám thị” để người bệnh thay đổi nhận thức. Các triệu chứng cơ thể, tâm thần vì thế cũng thuyên giảm nhanh sau một thời gian ngắn.

Các biện pháp hỗ trợ điều trị chứng cuồng loạn Hysteria:

  • Xoa bóp bấm huyệt có thể giảm nhẹ một số triệu chứng thể chất.
  • Bác sĩ có thể được chỉ định thêm luyện tập trị liệu, truyền dịch… để bệnh nhân cảm thấy an tâm bản thân được chữa trị tốt và phục hồi nhanh.
  • Chế độ ăn uống hợp lý để bổ sung dinh dưỡng, nâng đỡ thể chất.
  • Tránh rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện.

Phòng ngừa hội chứng cuồng loạn Hysteria

Chứng cuồng loạn Hysteria là phản ứng phòng vệ của tiềm thức trước các sang chấn và áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Vì hội chứng này thường phát triển ở những người có nhân cách yếu, nhân cách Hysteria nên để phòng bệnh cần phải rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp.

Cơn hysteria
Tham gia các hoạt động ngoại khóa, thiện nguyện… sẽ giúp các em học sinh giải tỏa căng thẳng và xây dựng tinh thần đoàn kết, sẻ chia

Các biện pháp phòng ngừa chứng cuồng loạn Hysteria:

  • Gia đình cần giáo dục đúng cách để con trẻ sống tình cảm, biết yêu thương và quan tâm mọi người.
  • Không nên bảo bọc, chiều chuộng hay nghiêm khắc quá mức khiến trẻ hình thành tâm lý thích được nuông chiều, chú ý…
  • Để trẻ tự chăm sóc bản thân và đưa ra quyết định cho những tình huống khó khăn. Như vậy khi trưởng thành, trẻ sẽ có khả năng chịu đựng tốt, có thể tự mình đương đầu với áp lực trong cuộc sống.
  • Nhà trường cũng cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện… để các em giảm căng thẳng trong học tập. Các hoạt động này còn giúp bồi dưỡng nhân cách, xây dựng tình đoàn kết và thân ái.
  • Cân đối giữa thời gian học tập/ làm việc và nghỉ ngơi.
  • Trang bị các kỹ năng giảm stress như tập thể dục, gặp gỡ bạn bè, chơi thể thao… để tránh xung đột nội tâm và lo lắng cực độ khi đối mặt với sang chấn.
  • Tính cách của nữ giới thường nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Trong các tập thể, nên bố trí tỷ lệ nam nữ cân đối để phòng ngừa hội chứng Hysteria tập thể.
  • Nhà trường cần đẩy mạnh chương trình chăm sóc tâm lý học đường. Phải đảm bảo các em được hỗ trợ, chăm sóc về đời sống tinh thần kịp thời.
  • Phổ cập kiến thức về hội chứng cuồng loạn Hysteria để người bệnh được phát hiện, điều trị sớm. Tránh tình trạng bệnh nhân bị nhốt trong phòng, phải thực hiện các nghi thức trừ tà… vì sự thiếu hiểu biết của những người xung quanh.

Ngày nay, cuộc sống luôn bị bủa vây bởi áp lực và căng thẳng nên việc trang bị kiến thức về hội chứng cuồng loạn Hysteria là vô cùng cần thiết. Hiểu biết về hội chứng này còn giúp gia đình, nhà trường có biện pháp phòng ngừa kịp thời và chủ động.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Dấu hiệu trầm cảm nặng: Nhận biết sớm tránh nguy hại về sau

Trầm cảm nặng được xác định khi bệnh nhân có đầy đủ 9 triệu chứng được đề cập trong DSM-5. Do nguy cơ tự sát...

rối loạn lo âu nên ăn gì và kiêng gì
Người bị rối loạn lo âu nên ăn gì và kiêng gì là tốt nhất?

Chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình cải thiện tình trạng rối loạn lo âu ở người bệnh. Một...

Rối Loạn Nhân Cách Nhóm A Là Gì? Những điều cần biết

Rối loạn nhân cách nhóm A nổi bật bởi sự kỳ quái, lập dị trong tư duy, hành vi, lối sống tách biệt và ít...

cách ngồi thiền giúp chữa trầm cảm
Hướng dẫn cách ngồi thiền giúp chữa trầm cảm – Bạn nên thử

Thiền định được biết đến như một phương pháp hỗ trợ cải thiện trầm cảm có tác dụng tương tự như thuốc chống trầm cảm....

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh