10 Cách Giúp Thoát Khỏi Suy Nghĩ Tiêu Cực Cho Mẹ Bầu
Sự thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể khiến cho nhiều mẹ bầu thường xuyên xuất hiện những cảm xúc tiêu cực, dễ xúc động và nhạy cảm hơn so với mức bình thường. Chính vì thế, trong giai đoạn này, mẹ bầu cần tìm hiểu và áp dụng hiệu quả các cách giúp thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực, cân bằng tâm trạng để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển tự nhiên của thai nhi.
Tâm lý mẹ bầu ảnh hưởng đến thai nhi thế nào?
Tâm lý của phụ nữ khi mang thai rất dễ bị thay đổi và ảnh hưởng bởi nhiều tác động từ cả bên ngoài và bên trong cơ thể. Theo đó, các chuyên gia cho biết rằng, trong giai đoạn này, cơ thể mẹ bầu sẽ có sự biến đổi nhanh chóng và đột ngột về nội tiết tố gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng và cảm xúc của họ.
Bên cạnh đó, những áp lực trong quá trình mang thai cũng chính là yếu tố làm phát triển các cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực của mẹ bầu. Đặc biệt là những trường hợp lần đầu có thai, mẹ bầu thường xuyên cảm thấy lo lắng về tình trạng sức khỏe của bản thân, chế độ ăn uống hàng ngày và các yếu tố tác động khác.
Điều này khiến cho các mẹ bầu thường xuyên có những cảm xúc tiêu cực và trở nên nhạy cảm hơn so với bình thường. Trong giai đoạn này, chỉ cần có một vài tác động xấu ảnh hưởng như mâu thuẫn gia đình, thiếu thốn tài chính, áp lực công việc, vấn đề sức khỏe cũng có thể khiến cho mẹ bầu hình thành các suy nghĩ tồi tệ.
Theo đó, các chuyên gia cho biết rằng, tâm lý của mẹ bầu có sự ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình phát triển tự nhiên của thai nhi. Nếu không biết cách kiểm soát và cân bằng hợp lý sẽ gây ra những tác động vô cùng tiêu cực đối với trẻ và cả người mẹ.
Cụ thể một số sự ảnh hưởng nghiêm trọng có thể xảy ra nếu mẹ bầu thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực như:
- Ảnh hưởng đến tính cách của trẻ: Nếu trong suốt giai đoạn này mẹ bầu thường xuyên có những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực thì trẻ cũng sẽ bị tác động rất nhiều đến tâm trạng và tính cách. Trẻ ra được sinh ra có thể dễ bị rối loạn cảm xúc, dễ cáu gắt, kích động và nóng giận hơn so với bình thường.
- Ảnh hưởng đến khả năng học tập và trí thông minh của trẻ: Sự phát triển não bộ và sức khỏe tinh thần có mối liên hệ vô cùng mật thiết với nhau nên nếu trạng thái tâm lý không được ổn định sẽ gây ra rất nhiều các ảnh hưởng lớn đối với trí thông minh của trẻ. Trẻ có thể bị suy giảm khả năng tư duy, sáng tạo, học hỏi kém và gây ra nhiều cản trở đối với quá trình học tập.
- Gia tăng khả năng tăng động ở trẻ nhỏ: Khi tâm trạng không được ổn định và trở nên suy sụp sẽ khiến cơ thể mẹ bầu kích thích sản sinh ra nhiều loại hormone gây căng thẳng, điển hình là dopamine và cortisol. Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động của thần kinh và có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tăng động ở trẻ nhỏ.
- Nguy cơ chậm nói, rối loạn ngôn ngữ: Sự suy giảm về tinh thần trong quá trình mang thai chính là một trong các nguyên nhân khiến cho nhiều trẻ nhỏ hiện nay bị chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ.
- Tăng tỷ lệ rối loạn tâm lý ở trẻ: Dựa vào kết quả một số cuộc nghiên cứu nhận thấy rằng, trẻ nhỏ sẽ có nguy cơ bị rối loạn tâm lý tăng gấp 2 lần so với bình thường nếu mẹ bầu thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực trong thai kỳ, đặc biệt là từ tuần 32 đến tuần 40.
- Nguy cơ sảy thai, sinh non: Sự lo lắng, căng thẳng, tiêu cực của mẹ bầu có thể gây tác động lớn đến quá trình phát triển toàn diện của thai nhi và nhiều khả năng trẻ có thể đối diện với tình trạng sinh non, sảy thai hoặc mắc phải các dị tật nguy hiểm.
Với những ảnh hưởng nghiêm trọng kể trên thì việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho mẹ bầu đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Trong giai đoạn này các chị em cần phải chú ý nhiều đến việc cân bằng cảm xúc, loại bỏ những tác động tiêu cực và kịp thời áp dụng tốt các biện pháp hỗ trợ để mau chóng loại bỏ những suy nghĩ tồi tệ, bi quan để mang đến một thai kỳ khỏe mạnh, hạnh phúc.
Cách giúp mẹ bầu thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực
Suy nghĩ tiêu cực trong quá trình mang thai gây nên rất nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe mẹ bầu và cả sự phát triển của thai nhi. Chính vì thể, bản thân của những người chuẩn bị làm mẹ cần phải biết cách cân bằng cảm xúc và giúp bản thân mau chóng thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, tồi tệ.
Để giúp các mẹ bầu có thể dễ dàng vượt qua những áp lực, suy nghĩ tiêu cực trong 9 tháng 10 ngày, chuyên gia sẽ gợi ý một số cách hiệu quả, an toàn và dễ thực hiện sau đây:
1. Chia sẻ cảm xúc với người thân, bạn bè
Cách hiệu quả nhất để giúp các bà bầu mau chóng thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực đó chính là hãy chia sẻ, tâm sự về những cảm xúc của chính mình với những người thân thiết bên cạnh, đặc biệt là chồng. Trong giai đoạn này, phụ nữ có thể trở nên nhạy cảm và dễ xúc động hơn so với bình thường, tâm trạng của họ cũng rất dễ bị biến đổi và khó kiểm soát nên hãy luôn khuyến khích họ chia sẻ về những điều mà bản thân đang suy nghĩ, cảm nhận.
Bằng cách nói ra những suy nghĩ, những dồn nén trong tâm trạng sẽ giúp các mẹ bầu giải tỏa cảm xúc một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, việc được chia sẻ sẽ tạo cho họ cảm giác được quan tâm, giảm bớt sự cô đơn, trống vắng, tủi thân trong gia đoạn quan trọng này.
Những người thân bên cạnh cũng nên dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc và lắng nghe những tâm tư, suy nghĩ của các mẹ bầu. Khi được lắng nghe và thấu hiểu, họ sẽ cảm thấy tâm trạng trở nên thoải mái, tích cực hơn. Đôi khi những người bên cạnh cũng có thể dành cho họ những lời động viên, cổ vũ và một số lời khuyên hữu ích để họ có thể dễ dàng vượt qua được những sự tồi tệ về mặt cảm xúc, suy nghĩ.
2. Tập luyện yoga, thiền định
Yoga và thiền được xem là biện pháp hữu hiệu và an toàn có tác dụng rất tốt trong việc điều chỉnh tâm trạng dành cho nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có cả phụ nữ đang mang thai. Đây là hai bộ môn được thực hiện dựa trên kỹ thuật hít thở sâu, đều cùng với một vài động tác cơ thể uyển chuyển, dẻo dai giúp mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe tổng thể của mỗi con người.
Các chuyên gia cũng thường xuyên khuyến khích mẹ bầu nên duy trì chế độ tập luyện yoga hoặc thiền định mỗi ngày để có được một thai kỳ khỏe mạnh. Duy trì một thói quen luyện tập hàng ngày sẽ giúp bạn dễ dàng kiểm soát và loại bỏ được những cảm xúc tiêu cực, mang đến trạng thái cân bằng, bình yên và thoải mái để nuôi dưỡng tâm hồn một cách hiệu quả.
Việc áp dụng tốt các kỹ thuật hít thở sẽ giúp cơ thể được hoạt động lành mạnh, máu huyết lưu thông, giảm thiểu tối đa các rối loạn về tim mạch, huyết áp. Đồng thời, hai bộ môn này còn có tác dụng tốt trong việc làm suy giảm các triệu chứng mệt mỏi, đau nhức do sự suy giảm về tinh thần gây ra, hỗ trợ nâng cao sức khỏe của các mẹ bầu và bảo vệ tốt sự phát triển của thai nhi.
3. Duy trì giấc ngủ chất lượng
Chất lượng giấc ngủ có sự liên quan và ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tinh thần của con người, đặc biệt là các trường hợp phụ nữ mang thai. Theo chia sẻ từ các chuyên gia cho thấy rằng, sự thay đổi của nồng độ hormone bên trong cơ thể cùng các tác động từ bên ngoài có thể khiến cho nhiều mẹ bầu cảm thấy khó ngủ, giấc ngủ không được đảm bảo và điều này sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đối với tinh thần, thể chất của họ.
Tình trạng mất ngủ, thiếu ngủ kéo dài có thể là nguyên nhân làm thúc đẩy các suy nghĩ tiêu cực đối với mẹ bầu. Khi cơ thể không được nghỉ ngơi phù hợp sẽ khiến cho họ bị giảm đi nguồn năng lượng tích cực, sức khỏe dần suy giảm và dễ hình thành những suy nghĩ bi quan, tồi tệ.
Do đó, để cách tốt nhất để giúp các mẹ bầu thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng trong giai đoạn này đó chính là cân bằng và nâng cao chất lượng giấc ngủ phù hợp. Mỗi ngày cần duy trì giấc ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng và tập trung ngủ vào buổi đêm.
Nếu cảm thấy khó ngủ, trằn trọc không ngủ được, các mẹ có thể thử áp dụng các biện pháp hỗ trợ an toàn tại nhà như:
- Uống trà thảo mộc
- Sử dụng tinh dầu thơm
- Massage cơ thể
- Thiền định
- Uống sữa ấm
- Ngâm chân với nước ấm
- Nghe nhạc thư giãn
Mẹ bầu tuyệt đối không nên lạm dụng hoặc tự ý sử dụng các loại thuốc an thần khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Việc dùng thuốc có thể gây ra một số tác hại tiêu cực đối với sức khỏe của cả mẹ và bé nên chị em cần phải thực sự cẩn trọng.
4. Chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày
Chế độ ăn uống hàng ngày cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nuôi dưỡng và nâng cao sức khỏe tinh thần cho các mẹ bầu. Nếu trong giai đoạn mang thai, chị em không đảm bảo tốt về chế độ dinh dưỡng, ăn uống thất thường và thiếu chất cũng có thể gây ra những cảm xúc tiêu cực và phát triển các bệnh lý nghiêm trọng.
Lời khuyên tốt nhất dành cho các mẹ bầu đang phải đối mặt với những suy nghĩ tiêu cực đó chính là nâng cao chất lượng bữa ăn, tăng cường bổ sung đa dạng và đầy đủ các loại dưỡng chất thông qua những thực phẩm ăn uống hàng ngày. Trong thực tế, việc ăn uống của mẹ bầu không cần quá khắt khe, mẹ vẫn có thể dung nạp đầy đủ các loại thực phẩm dinh dưỡng với liều lượng vừa phải, cân bằng.
Vì thế, hãy tham khảo và thiết kế cho bản thân một chế độ ăn uống thật lành mạnh cùng với nhiều rau xanh, các loại hoa củ quả, thịt cá, hải sản, các loại đậu, trứng,…để bảo vệ và đẩy lùi các tác hại tiêu cực về tinh thần. Đồng thời, để nhanh thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực, mẹ bầu cũng nên hạn chế việc dung nạp các loại thực phẩm cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn đóng hộp, chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản.
5. Loại bỏ các thói quen tiêu cực
Các thói quen tiêu cực như thường xuyên sử dụng điện thoại, thức khuya, tiếp xúc với các thông tin tiêu cực, duy trì các mối quan hệ độc hại, nghiện chất kích thích, lạm dụng thuốc,…cũng có thể gia tăng những suy nghĩ, cảm xúc tồi tệ ở các mẹ bầu. Việc cứ liên tục cập nhật các thông tin không lành mạnh hoặc thường xuyên nói chuyện với những người có những suy nghĩ tiêu cực, bi quan sẽ khiến cho các mẹ bầu càng dễ hình thành và phát triển những sự bất ổn về mặt tâm lý.
Chính vì thế, khi mang thai, mẹ bầu cần nhanh chóng loại bỏ các thói quen tiêu cực hàng ngày, đồng thời hãy gia tăng việc thực hiện những điều lành mạnh, tích cực để xây dựng một đời sống tinh thần khỏe mạnh. Nếu cảm thấy quá tiêu cực, bạn hãy thử tìm đến một số hoạt động thư giãn hoặc thử tìm hiểu một số lĩnh vực mới mẻ để tạo niềm vui, sự hưng phấn cho chính mình.
Các mẹ bầu có thể dành thời gian để học thêm một ngôn ngữ mới, nghiên cứu các món ăn ngon, tham gia các câu lạc bộ chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc thai kỳ để mang đến những luồng gió mới thổi mát tâm hồn. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, các mẹ bầu cũng có thể tham khảo và tìm đọc những mẩu truyện, xem những video, thước phim hài hước, vui nhộn để giúp tinh thần được thoải mái, thư giãn, xua tan ưu phiền tốt hơn.
6. Dành thời gian cho bản thân
Hãy dành thời gian cho bản thân là một trong những lời khuyên hữu ích và rất cần thiết đối với phụ nữ đang mang thai. Việc có thêm một sinh linh bé nhỏ tồn tại trong bụng mẹ sẽ khiến cho sức khỏe của mẹ bầu có nhiều sự thay đổi và dễ trở nên nhạy cảm hơn so với bình thường.
Do đó, hãy cố gắng sắp xếp công việc, cân bằng thời gian hàng ngày để có được một khoảng thư giãn lành mạnh dành cho bản thân. Duy trì công việc hàng ngày là điều cần thiết nhưng các mẹ bầu cũng đừng quên nuông chiều bản thân một chút để có được một sức khỏe thể chất và tinh thần tốt giúp mang đến những điều tốt đẹp cho thai nhi.
7. Viết nhật ký
Viết nhật ký cũng là một trong các cách hiệu quả giúp mẹ bầu dễ dàng thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Nếu cảm thấy khó khăn trong việc chia sẻ và bày tỏ cảm xúc với những người xung quanh, các mẹ hãy thử duy trì thói quen ghi chép lại những cảm xúc, những phản ứng và tình huống diễn ra hàng ngày để giải tỏa tâm trạng hiệu quả hơn.
Trong rất nhiều các nghiên cứu khoa học đã chứng minh được tác dụng của việc viết nhật ký đối với quá trình cải thiện sức khỏe tinh thần của con người. Khi viết nhật ký, bạn sẽ được sống thực và đối diện với những cảm xúc của bản thân, dễ dàng bày tỏ và thể hiện nó qua từng dòng chữ, trang giấy.
Theo lời khuyên của các chuyên gia thì bạn nên duy trì thói quen viết nhật ký khoảng 20 phút mỗi ngày và khi viết nên viết thật nhanh, ghi chép lại những dòng suy nghĩ tuôn trào để không phải phụ thuộc vào bất kỳ quy tắc, định luận nào. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế việc đọc lại những trang nhật ký có nội dung tiêu cực hoặc thậm chí có thể xé bỏ nó ngay sau khi vừa viết xong giống như việc loại bỏ những điều tồi tệ ra khỏi tâm trí.
8. Trang bị kiến thức cần thiết
Mang thai là một hành trình không quá dài cũng không quá ngắn đối với mỗi người phụ nữ. Trong 9 tháng 10 ngày, chị em có thể trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau và những sự kiện, những trải nghiệm tuyệt vời trong quá trình mang thai.
Tuy nhiên, bên cạnh những cảm xúc hạnh phúc, mong chờ thì hành trình mang thai cũng tồn tại rất nhiều khó khăn và thử thách. Nhất là đối với những chị em lần đầu sinh con sẽ không thể tránh được những sự bỡ ngỡ, xa lạ về các triệu chứng, dấu hiệu trong giai đoạn này.
Nhiều mẹ bầu do quá lo lắng về tình trạng sức khỏe thai kỳ nên dễ hình thành các cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, trước và trong giai đoạn mang thai, chị em phụ nữ cũng nên trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản và cần thiết để có thể tự tin chăm sóc bản thân, bảo vệ sự phát triển thai nhi.
Bạn có thể tìm đọc thông tin qua sách vở, các trang mạng uy tín, tham gia các hội nhóm dành cho mẹ bầu hoặc tham khảo trực tiếp ý kiến của chuyên gia để có được lời khuyên hữu ích và phù hợp. Khi có được kiến thức vững chắc sẽ phần nào giúp các mẹ bầu cảm thấy an tâm hơn trong quá trình mang thai, từ đó dễ dàng loại bỏ các tác động của những suy nghĩ tiêu cực.
9. Áp dụng các liệu pháp thư giãn tại nhà
Nếu các suy nghĩ tiêu cực cứ quấn lấy tâm trí và gây ảnh hưởng lớn đến trạng thái sức khỏe cùng đời sống sinh hoạt hàng ngày thì các mẹ bầu cũng nên thử áp dụng ngay các liệu pháp thư giãn phù hợp tại nhà để điều chỉnh tâm trạng tốt hơn. Khi cảm xúc trở nên tồi tệ, bạn hãy thử tìm kiếm những hoạt động giải trí dựa trên sở thích của bản thân để giúp nâng cao tinh thần tốt hơn.
Các mẹ bầu có thể nghe nhạc, đọc sách, xem phim, chăm sóc cây cảnh, chơi với thú cưng, trò chuyện với bạn bè, đi bộ dạo mát,…hoặc làm bất cứ công việc nào mà bản thân cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Bằng các liệu pháp thư giãn nhẹ nhàng, đơn giản sẽ giúp các mẹ giảm bớt thời gian để suy nghĩ về những điều bi quan, tồi tệ trong cuộc sống, từ đó loại bỏ tốt những cảm xúc tiêu cực.
10. Nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý
Nếu đã áp dụng hầu hết các biện pháp nêu trên nhưng trạng thái tiêu cực vẫn không được kiểm soát và loại bỏ tốt thì các mẹ bầu cũng nên cân nhắc đến việc tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý. Các suy nghĩ tiêu cực kéo dài dai dẳng có khả năng làm gia tăng những rối loạn tâm thần nguy hiểm trong giai đoạn mang thai nên các mẹ bầu cần phải thực sự cẩn trọng và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Việc được trò chuyện và thăm khám sức khỏe cùng chuyên gia tâm lý sẽ giúp chị em dễ dàng giải tỏa cảm xúc, hiểu rõ hơn về những suy nghĩ chưa phù hợp của chính mình và có hướng khắc phục, kiểm soát hiệu quả, lành mạnh. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng sẽ giúp mẹ bầu trang bị thêm những kỹ năng cần thiết để chống chọi và vượt qua tốt những sự căng thẳng, lo lắng, áp lực, thử thách trong quá trình mang thai, hỗ trợ họ xây dựng một thai kỳ khỏe mạnh.
Trên đây là một số chia sẻ về những cách giúp cho mẹ bầu thoát khỏi các suy nghĩ tiêu cực trong giai đoạn nhạy cảm này. Việc thoát khỏi những cảm xúc tồi tệ khi mang thai không phải là điều dễ dàng nên các mẹ bầu cần phải kiên trì và nỗ lực nhiều hơn trong việc kiểm soát, cân bằng trạng thái tâm lý để có thể bảo vệ tốt cho sức khỏe thai kỳ, giúp thai nhi phát triển toàn diện và mạnh khỏe.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!