Các loại rối loạn cảm xúc phổ biến và cách phòng ngừa hiệu quả

Rối loạn cảm xúc được chia thành nhiều loại khác nhau nhưng chỉ có trầm cảm và rối loạn lưỡng cực được đề cập nhiều nhất. Hiểu về các loại rối loạn cảm xúc sẽ giúp mỗi người chủ động chăm sóc sức khỏe tinh thần và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

các loại rối loạn cảm xúc
Rối loạn cảm xúc được chia thành nhiều loại khác nhau dựa vào biểu hiện lâm sàng và căn nguyên

Các loại rối loạn cảm xúc thường gặp hiện nay

Rối loạn cảm xúc hay rối loạn khí sắc là một dạng rối loạn tâm thần phổ biến hiện nay. Rối loạn này đặc trưng bởi khí sắc nâng cao hoặc giảm thấp quá mức dẫn đến trạng thái buồn bã, u uất, đau khổ, tuyệt vọng hoặc vui vẻ, hào hứng một cách thái quá, khó kiểm soát.

Tâm trạng chịu sự tác động của các yếu tố bên ngoài và bên trong cơ thể, lên xuống trong biên độ nhất định. Tuy nhiên, ở một số người, khí sắc có thể tăng cao quá mức hoặc giảm thấp dưới ngưỡng. Tình trạng này kéo dài đủ lâu sẽ gây ra rối loạn cảm xúc.

Có hai dạng rối loạn cảm xúc được đề cập nhiều nhất là trầm cảm và rối loạn cảm xúc lưỡng cực (xen kẽ giai đoạn hưng cảm và trầm cảm). Tuy nhiên trên thực tế, có rất nhiều loại rối loạn cảm xúc khác nhau. Triệu chứng của các rối loạn này không quá khác biệt nhưng việc phân loại vẫn được cho là cần thiết để đánh giá tiên lượng và lên kế hoạch điều trị phù hợp.

Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật & vấn đề sức khỏe liên quan (ICD) và Cẩm nang Chẩn đoán & Thống kê Rối loạn tâm thần (DSM) liên tục được đổi mới. Dưới đây là các rối loạn cảm xúc được đề cập trong ICD-10 và DSM-5.

1. Rối loạn trầm cảm chủ yếu

Rối loạn trầm cảm chủ yếu (Major Depressive Disorder) còn được gọi là trầm cảm nặng hoặc trầm cảm điển hình. Đây là rối loạn cảm xúc phổ biến nhất với tỷ lệ khoảng 5% dân số thế giới.

các loại rối loạn cảm xúc
Rối loạn trầm cảm chủ yếu là rối loạn cảm xúc thường gặp và được đề cập, quan tâm nhiều nhất hiện nay

Trầm cảm được hiểu là giai đoạn cảm xúc giảm thấp với các biểu hiện đặc trưng là u uất, đau khổ, buồn bã, bi quan, chán nản, giảm năng lượng và mất hứng thú. Rối loạn trầm cảm chủ yếu được xác định khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau:

  • Khí sắc giảm
  • Giảm hoặc mất hứng thú với hầu hết các hoạt động
  • Mất cảm giác ngon miệng dẫn đến ăn kém, ăn ít và sút cân
  • Cơ thể giảm năng lượng, mệt mỏi, kiệt sức
  • Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều)
  • Rối loạn tâm thần vận động (bao gồm ức chế vận động như vận động cơ thể chậm chạp, nói chậm hoặc tăng vận động như bồn chồn, đi đi lại lại, không thể ngồi yên)
  • Có cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng
  • Tập trung kém, khó suy nghĩ và khó khăn khi đưa ra các quyết định
  • Ý nghĩ về cái chết hoặc hành vi tự sát

Rối loạn trầm cảm chủ yếu được chia thành 3 mức độ (nhẹ, vừa, nặng) với tiên lượng khác nhau. Hiện nay, tỷ lệ tự sát do trầm cảm tăng lên đáng kể nên phát hiện và điều trị sớm là vô cùng quan trọng.

2. Trầm cảm do chất

Theo DSM-5, rối loạn trầm cảm bao gồm rối loạn trầm cảm chủ yếu, loạn khí sắc, trầm cảm do chất và trầm cảm do một bệnh thực tổn. Trầm cảm do chất là trạng thái khí sắc giảm thấp kèm theo ức chế hành vi và tư duy (nhận thức) do ảnh hưởng trực tiếp của một chất nào đó. Có thể là do một số loại thuốc (thường là corticoid, thuốc nội tiết, hướng thần) hoặc chất gây nghiện (ma túy, cần sa, rượu).

các loại rối loạn cảm xúc
Trầm cảm do chất là tình trạng giảm khí sắc, ức chế tư duy và hành vi do ảnh hưởng trực tiếp của rượu, thuốc, ma túy…

Các triệu chứng của trầm cảm do chất giống với rối loạn trầm cảm chủ yếu. Có thể xuất hiện một hoặc nhiều giai đoạn trầm cảm do dùng chất quá liều hoặc lạm dụng trong thời gian dài (thuốc/ chất gây nghiện).

Các chất này đều ảnh hưởng đến nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, từ đó dẫn đến ức chế cảm xúc, hành vi và tư duy. Trầm cảm do chất thường gặp ở người nghiện rượu, sử dụng ma túy hoặc phải dùng thuốc trong thời gian dài.

3. Trầm cảm do bệnh thực tổn

Tương tự như trầm cảm do chất, trầm cảm do bệnh thực tổn là hậu quả trực tiếp của các bệnh cơ thể như tiểu đường, cao huyết áp, ung thư, viêm khớp dạng thấp, suy giáp, Alzheimer… Những bệnh lý này làm thay đổi hormone và nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh, từ đó gây ra xáo trộn về tâm trạng, hành vi và nhận thức (suy nghĩ).

4. Loạn khí sắc

Loạn khí sắc (Dysthymia) là một trong những rối loạn trầm cảm thường gặp nhưng ít được đề cập. Đây là dạng rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi giảm khí sắc kết hợp với triệu chứng trầm cảm mức độ nhẹ kéo dài liên tục trong ít nhất 2 năm (người lớn) và 1 năm (trẻ em). Vì vậy, loạn khí sắc còn được gọi là rối loạn trầm cảm kéo dài.

Dysthymia được xác định khi không có bất cứ giai đoạn nào dài trên 2 tháng, trong khi đó rối loạn trầm cảm chủ yếu phải kéo dài ít nhất 6 tháng. Hiện tại, chưa có thống kê về tỷ lệ loạn khí sắc ở nước ta. Ở Mỹ, có khoảng 0.5% dân số mắc phải rối loạn này, thấp hơn rất nhiều so với rối loạn trầm cảm chủ yếu.

các loại rối loạn cảm xúc
Loạn khí sắc đặc trưng bởi khí sắc giảm thấp, u uất, buồn bã nhưng không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn trầm cảm chủ yếu

Ngoài biểu hiện chính làm giảm khí sắc, loạn khí sắc chỉ được chẩn đoán khi có ít nhất 2 trong số các triệu chứng sau:

  • Mất ngủ hoặc ngủ nhiều
  • Giảm lòng tự trọng (giảm sự tự tin vào bản thân)
  • Ăn quá nhiều hoặc chán ăn, ăn ít do giảm cảm giác ngon miệng
  • Khó đưa ra quyết định và giảm khả năng tập trung, chú ý
  • Mất hy vọng, bi quan

Các triệu chứng phải xuất hiện vào hầu hết thời gian trong ngày. Ngoài ra, loạn khí sắc cũng không phải là hậu quả trực tiếp do chất hay bệnh cơ thể.

5. Trầm cảm không biệt định

Trầm cảm không biệt định là thuật ngữ được sử dụng để chỉ các rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi khí sắc giảm thấp, nhưng không đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán rối loạn trầm cảm chủ yếu, loạn khí sắc, trầm cảm do chất và trầm cảm do bệnh thực tổn.

6. Rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực (Bipolar Disorder) hay còn gọi là rối loạn cảm xúc lưỡng cực và bệnh hưng – trầm cảm. Bên cạnh rối loạn trầm cảm chủ yếu là đây là dạng rối loạn cảm xúc phổ biến thứ 2. Rối loạn lưỡng cực đặc trưng bởi sự xuất hiện của cả trầm cảm (khí sắc giảm) và hưng cảm (khí sắc tăng cao).

các loại rối loạn cảm xúc
Rối loạn lưỡng cực đặc trưng bởi các cơn trầm cảm xen kẽ với hưng cảm, hưng cảm nhẹ hoặc giai đoạn hỗn hợp

Tỷ lệ rối loạn lưỡng cực chỉ khoảng 1% dân số thế giới và tuổi khởi phát thấp hơn so với rối loạn trầm cảm chủ yếu. Bệnh lý này được chia thành các dạng như sau:

Rối loạn lưỡng cực I

Rối loạn lưỡng cực I được xác định khi có ít nhất 1 giai đoạn hưng cảm hoặc một giai đoạn hỗn hợp, bên cạnh đó là một hoặc nhiều giai đoạn trầm cảm. Bệnh lý này thường bị chẩn đoán nhầm là tâm thần phân liệt.

Rối loạn lưỡng cực I có tiên lượng xấu hơn so với rối loạn trầm cảm chủ yếu, dễ tái phát với 4 giai đoạn cảm xúc là trầm cảm chủ yếu, hưng cảm, hỗn hợp hoặc hưng cảm nhẹ. Bệnh tiến triển thành từng giai đoạn nhưng nhìn chung sẽ kéo dài suốt đời. Bệnh nhân cần phải điều trị củng cố để phòng ngừa tái phát và kéo dài thời gian ổn định.

Rối loạn lưỡng cực II

Rối loạn lưỡng cực II chỉ được đề cập trong DSM, không được nhắc đến trong bảng phân loại ICD của Tổ chức Y tế Thế giới. Rối loạn này được xác định là các giai đoạn trầm cảm chủ yếu tái phát, kết hợp với ít nhất một giai đoạn hưng cảm nhẹ. Rối loạn lưỡng cực II không có sự xuất hiện của giai đoạn hưng cảm và giai đoạn hỗn hợp.

Rối loạn lưỡng cực nói chung và rối loạn lưỡng cực II nói riêng có tính chất dai dẳng, mãn tính và hay tái phát. Nhiều trường hợp sau vài năm phát bệnh chuyển sang rối loạn lưỡng cực I do xuất hiện các cơn hưng cảm và hỗn hợp.

Cho đến nay, rối loạn lưỡng cực vẫn là thách thức lớn đối với các bác sĩ tâm thần. Căn nguyên, cơ chế bệnh sinh chưa rõ khiến cho điều trị còn nhiều khó khăn. Người bị rối loạn lưỡng cực phải điều trị củng cố suốt đời để hạn chế tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống.

7. Rối loạn cảm xúc do bệnh cơ thể

Rối loạn cảm xúc do bệnh cơ thể là tình trạng xáo trộn cảm xúc, khí sắc không ổn định do hậu quả trực tiếp của một bệnh cơ thể (nhược giáp, xơ vữa động mạch, tiểu đường). Triệu chứng bao gồm các cơn trầm cảm, hưng cảm, hưng cảm nhẹ hoặc hỗn hợp.

8. Rối loạn cảm xúc do chất

Rối loạn cảm xúc do chất cũng giống như trầm cảm do chất. Các triệu chứng là hậu quả trực tiếp của các chất như thuốc hướng thần, ma túy, rượu, ngộ độc amphetamin, triệu chứng do cai heroin…

Rối loạn cảm xúc do chất thường có cả giai đoạn trầm cảm và hưng cảm (thường là hưng cảm nhẹ). Những trường hợp có liên quan đến chất sẽ không được chẩn đoán là rối loạn trầm cảm hay rối loạn lưỡng cực mà được xếp vào nhóm rối loạn cảm xúc do chất.

9. Rối loạn khí sắc chu kỳ

Rối loạn khí sắc chu kỳ (Cyclothymic Disorder) là loại rối loạn cảm xúc ít phổ biến. Rối loạn này đặc trưng bởi một số cơn hưng cảm nhẹ phối hợp với giảm khí sắc đi kèm với một vài triệu chứng trầm cảm. Triệu chứng trong cơn hưng cảm và trầm cảm không thỏa mãn đầy đủ các tiêu chí nên không được chẩn đoán là rối loạn lưỡng cực mà được xác định là rối loạn khí sắc chu kỳ.

các loại rối loạn cảm xúc
Rối loạn khí sắc chu kỳ (Cyclothymic Disorder) có biểu hiện giống rối loạn lưỡng cực nhưng mức độ nhẹ hơn

Cyclothymic được xem là một dạng rối loạn lưỡng cực mức độ nhẹ. Vì vậy, tiên lượng của rối loạn khí sắc chu kỳ thường tốt hơn so với rối loạn lưỡng cực.

10. Rối loạn lưỡng cực và rối loạn liên quan không biệt định

Rối loạn lưỡng cực và rối loạn liên quan không biệt định được sử dụng để đề cập đến các loại rối loạn cảm xúc không đáp ứng tiêu chuẩn rối loạn lưỡng cực I, II và rối loạn khí sắc chu kỳ. Trong dạng này, triệu chứng sẽ khá đa dạng nhưng vẫn đặc trưng bởi khí sắc tăng cao, giảm thấp đi kèm với một vài triệu chứng khác.

11. Các loại rối loạn cảm xúc mới

Hiện nay, DSM-5 đã thêm 3 rối loạn này vào danh sách các rối loạn cảm xúc mới:

Rối loạn mất điều chỉnh tâm trạng muốn gây rối

Rối loạn mất điều chỉnh tâm trạng muốn gây rối (Disruptive Mood Dysregulation Disorder) hay còn gọi là rối loạn điều hòa khí sắc, rối loạn điều chỉnh cảm xúc, rối loạn xáo trộn cảm xúc. Dạng rối loạn cảm xúc này thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên.

các loại rối loạn cảm xúc
Rối loạn mất điều chỉnh tâm trạng muốn gây rối đặc trưng bởi tình trạng cáu kỉnh, hay nóng nảy, thất vọng do không kiểm soát được tâm trạng

Đặc trưng của rối loạn điều hòa khí sắc là cơn giận dữ có mức độ nghiêm trọng, tái phát dai dẳng, nóng nảy bộc phát không phù hợp với tình huống, đi kèm với tâm trạng cáu kỉnh, tức giận, chán nản, buồn bã.

Hiện tại, DSM-5 chỉ chấp nhận chẩn đoán rối loạn điều hòa khí sắc cho trẻ từ 6 – 18 tuổi, đồng thời cần phải loại trừ các khả năng khác có thể xảy ra như rối loạn lưỡng cực, rối loạn thách thức chống đối, rối loạn hành vi. Khoảng 0.8 – 3.3% trường hợp mắc loại rối loạn cảm xúc này.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

Hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual Dysphoric Disorder) là một rối loạn cảm xúc vô cùng đặc biệt chỉ xảy ra vào giai đoạn tiền kinh nguyệt (7 – 10 ngày trước khi hành kinh). Ở giai đoạn này, nồng độ estrogen và progesterone có sự thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến nồng độ của các chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ.

Hội chứng tiền kinh nguyệt cũng giống như các rối loạn cảm xúc khác với triệu chứng đặc trưng là sự xáo trộn của tâm trạng. Nữ giới mắc hội chứng này thường có tâm trạng cáu kỉnh, nóng nảy xen lẫn với cảm giác u uất, chán nản, buồn bã.

các loại rối loạn cảm xúc
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là một trong các loại rối loạn cảm xúc mới được DSM bổ sung

Tinh thần luôn trong trạng thái căng thẳng và lo âu nhưng nỗi lo thường mơ hồ, không có nguyên nhân cụ thể. Đi kèm với những xáo trộn về cảm xúc là một số triệu chứng thể chất như uể oải, giảm năng lượng, giảm khả năng tập trung, mất ngủ, khó ngủ, ăn uống quá mức…

Phân loại các rối loạn cảm xúc có sự khác biệt trong một số tài liệu. Tuy nhiên, nhìn chung rối loạn trầm cảm và rối loạn lưỡng cực vẫn là hai dạng phổ biến nhất. Các loại rối loạn cảm xúc khác ít gặp hơn, triệu chứng không có tính điển hình cao nên rất dễ chẩn đoán nhầm.

Lưu ý: Rối loạn cảm xúc theo mùa là cách gọi không chính thức của rối loạn lưỡng cực. Một số người có xu hướng tái phát cơn trầm cảm vào mùa thu đông và hưng cảm/ hưng cảm nhẹ vào mùa hè do ảnh hưởng của thời tiết.

Phòng ngừa các rối loạn cảm xúc bằng cách nào?

Mặc dù đã được nghiên cứu từ lâu nhưng cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây rối loạn cảm xúc vẫn chưa được biết rõ. Các chuyên gia nhận thấy có vai trò của di truyền, yếu tố sinh học và môi trường. Tuy nhiên, vai trò của yếu tố môi trường (stress) vẫn còn nhiều tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng, yếu tố này không tham gia vào cơ chế bệnh sinh mà chỉ được xem là yếu tố thuận lợi khiến các triệu chứng khởi phát.

các loại rối loạn cảm xúc
Chăm sóc sức khỏe tinh thần sẽ giúp ổn định tâm trạng và giảm nguy cơ phát triển các loại rối loạn cảm xúc

Dù nguyên nhân chưa rõ ràng nhưng các bác sĩ và chuyên gia tâm lý vẫn khuyến khích nên thực hiện các biện pháp sau để phòng ngừa rối loạn cảm xúc:

  • Hiện nay, lối làm việc công nghiệp và tốc độ đô thị hóa được xem là yếu tố gia tăng các loại rối loạn cảm xúc. Vì vậy, cần cân bằng tâm trạng bằng cách giới hạn thời gian làm việc từ 7 – 8 giờ/ ngày và sắp xếp thời gian nghỉ ngơi.
  • Ngủ đủ giấc là biện pháp hữu hiệu giúp chăm sóc sức khỏe tinh thần và ổn định tâm trạng. Những người có thói quen ngủ sớm, ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày sẽ có ít nguy cơ phát triển các loại rối loạn cảm xúc như trầm cảm, loạn khí sắc…
  • Không lạm dụng rượu bia, thuốc lá.
  • Không sử dụng chất gây nghiện.
  • Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là các loại thuốc nội tiết và thuốc hướng thần.
  • Người có các vấn đề sức khỏe mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, sa sút trị liệu, nhược giáp… cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần, nâng đỡ tâm lý để tránh bị trầm cảm.
  • Tiếp xúc với thiết bị điện tử, đặc biệt là game điện tử có thể gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn cảm xúc. Do đó, cần kiểm soát thời gian và cách sử dụng thiết bị điện tử ở trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi.
  • Trường hợp phải đối mặt với sang chấn tâm lý (mất người thân, tai nạn nghiêm trọng hoặc cơ thể có những thay đổi đột ngột như mang thai, sinh đẻ…) cần được chăm sóc tâm lý kịp thời. Can thiệp tâm lý trị liệu sớm có thể phục hồi tinh thần và hạn chế nguy cơ phát triển các rối loạn cảm xúc.

Phân loại các rối loạn cảm xúc có thể thay đổi theo thời gian. Hiện nay, tâm thần học vẫn là lĩnh vực còn hạn chế và cần được nghiên cứu chuyên sâu thêm. Dù vậy với những hiểu biết hiện tại, việc phát hiện và điều trị rối loạn cảm xúc đã trở nên dễ dàng hơn. Trong cuộc sống hiện đại hóa, ngoài chăm sóc sức khỏe thể chất, đừng quên quan tâm đến tinh thần để giữ sự cân bằng, tránh những xáo trộn về cảm xúc.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Rối loạn cảm xúc theo mùa là gì? Làm thế nào để khắc phục hiệu quả?

Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) là tình trạng giảm khí sắc tái phát định kỳ và bị chi phối bởi yếu tố thời...

rối loạn ám ảnh cưỡng chế ocd
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là gì? Biểu hiện và hướng điều trị

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD có lẽ là một khái niệm không quá xa lạ, vì hội chứng này được đề cập khá...

Stress vì công việc
Stress vì công việc – Làm thế nào để vượt qua cảm giác áp lực

Trách nhiệm công việc quá cao, thời gian làm việc dày đặc, các mối quan hệ đối với đồng nghiệp gặp nhiều khó khăn chính...

Trầm Cảm
Trầm Cảm: Nguyên nhân, Biểu Hiện, Hướng điều trị hiệu quả

Trầm cảm là một trong các chứng rối loạn tâm thần phổ biến nhất hiện nay, đây cũng là một trong các nguyên nhân hàng...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh