Rối loạn cảm xúc theo mùa là gì? Làm thế nào để khắc phục hiệu quả?

Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) là tình trạng giảm khí sắc tái phát định kỳ và bị chi phối bởi yếu tố thời tiết. Triệu chứng thường tái phát vào mùa thu – đông do mặt trời giảm cường độ và thời gian chiếu sáng. Đối với rối loạn này, sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu chỉ có tác dụng hỗ trợ, can thiệp chính và hiệu quả nhất là liệu pháp ánh sáng.

Rối loạn cảm xúc theo mùa là gì?

Rối loạn cảm xúc theo mùa (Seasonal Affective Disorder – SAD) là một dạng rối loạn cảm xúc đặc biệt với triệu chứng tái phát theo mùa (thường là mùa thu đông). Như đã biết, rối loạn cảm xúc được chia thành nhiều loại khác nhau. Trong đó, rối loạn trầm cảm chủ yếu và rối loạn cảm xúc lưỡng cực là 2 dạng có khả năng bị chi phối bởi yếu tố thời tiết (chủ yếu là trong giai đoạn trầm cảm).

Rối loạn cảm xúc theo mùa
Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) tái phát định kỳ vào mùa thu đông với biểu hiện chính là giảm khí sắc

Đa phần các trường hợp đều khởi phát triệu chứng vào mùa thu và nghiêm trọng dần vào những tháng mùa đông. Khi mùa xuân đến, những xáo trộn về cảm xúc sẽ được điều chỉnh và triệu chứng thuyên giảm dần.

Không giống với cảm giác buồn man mác khi mùa đông đến, rối loạn cảm xúc theo mùa ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nếu không được điều trị, người bệnh có thể hình thành ý nghĩ và thực hiện hành vi tự sát.

Vì trầm cảm chiếm chủ đạo nên rối loạn cảm xúc theo mùa còn được gọi là trầm cảm theo mùa. Tuy nhiên, đây là cách gọi không chính thức. Cả trong ICD và DSM, thuật ngữ này đều không được đề cập trong các loại rối loạn cảm xúc mà yếu tố theo mùa chỉ được coi là tiêu chí phân loại trầm cảm, rối loạn lưỡng cực I và II.

Biểu hiện của rối loạn cảm xúc theo mùa

Rối loạn cảm xúc theo mùa đặc trưng bởi biểu hiện trầm cảm xuất hiện cố định vào thời điểm trong năm (thường là mùa thu đông). Tuy nhiên, cũng có những trường hợp tái phát vào mùa hè nhưng rất hiếm gặp.

rối loạn cảm xúc theo mùa
Người bị rối loạn cảm xúc theo mùa luôn cảm thấy buồn bã, chán nản, buồn ngủ và mất hứng thú với các hoạt động

Các triệu chứng thường thấy ở người bị rối loạn cảm xúc theo mùa:

  • Hầu hết thời gian trong ngày đều cảm thấy chán nản, mệt mỏi, u uất và đau khổ.
  • Thường trực sự lo lắng, đôi khi lo âu mơ hồ về một điều gì đó mà ngay cả bản thân cũng không rõ.
  • Kém tập trung.
  • Cơ thể thiếu năng lượng, uể oải, mệt mỏi.
  • Cảm thấy bản thân vô giá trị, vô dụng và là gánh nặng của người khác.
  • Tuyệt vọng, bi quan về cuộc sống, đặc biệt là tương lai.
  • Giảm hoặc mất hứng thú với hầu hết các hoạt động – kể cả những sở thích trước đây.
  • Có xu hướng cô lập, tự nhốt mình trong phòng và hạn chế tham gia các hoạt động xã hội.
  • Rối loạn giấc ngủ, thường là ngủ quá nhiều thay vì mất ngủ, khó ngủ. Triệu chứng này khác với trầm cảm không có yếu tố theo mùa.
  • Thay đổi hành vi, cơ thể giảm hoạt động, tay chân nặng nề. Nhưng cũng có trường hợp cảm thấy bồn chồn, đi lại không yên.
  • Suy nghĩ về cái chết và có ý định tự sát.
  • Thay đổi thói quen ăn uống, thường ăn nhiều hơn so với trước đây. Yêu thích mãnh liệt các món ăn chứa nhiều đường và carbohydrate.

Ở một số trường hợp, rối loạn cảm xúc theo mùa tái phát vào mùa hè do phản ứng của cơ thể với nhiệt độ và độ ẩm cao. Khác với mùa thu đông, biểu hiện của rối loạn cảm xúc theo mùa ở mùa hè sẽ có những khác biệt đáng kể:

  • Giảm cảm giác thèm ăn dẫn đến sút cân
  • Mất ngủ thay vì ngủ nhiều như mùa thu – đông
  • Tâm trạng hay lo âu, bối rối
  • Cơ thể bồn chồn, kích động, thậm chí một số người có thể gia tăng các hành vi bạo lực
  • Đi kèm với các triệu chứng khác của trầm cảm

Nhìn chung, rối loạn cảm xúc theo mùa có biểu hiện không quá khác biệt so với rối loạn trầm cảm đơn cực và giai đoạn trầm cảm trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực I, II. Điểm khác biệt lớn nhất là triệu chứng tái phát cố định theo mùa và xảy ra liên tục trong ít nhất 2 năm.

Nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc theo mùa

Thống kê cho thấy, khoảng 5% dân số Hoa Kỳ được chẩn đoán rối loạn cảm xúc theo mùa. Độ tuổi khởi phát chủ yếu là từ 18 – 30 tuổi với nguy cơ cao hơn ở nữ giới. Nguyên nhân gây bệnh giống với các rối loạn cảm xúc khác nhưng có thêm sự chi phối của yếu tố thời tiết.

Thông thường, rối loạn cảm xúc theo mùa hiếm khi là đợt khởi phát đầu tiên mà chủ yếu là giai đoạn tái phát về sau. Gặp chủ yếu ở người bị trầm cảm và rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

Seasonal affective disorder là gì
Rối loạn cảm xúc theo mùa có liên quan đến giảm hấp thu vitamin D, mất cân bằng serotonin và melatonin

Sau nhiều nghiên cứu, các chuyên gia đã chỉ ra một số lý do khiến cho rối loạn cảm xúc tái phát theo mùa:

Rối loạn đồng hồ sinh học

Đồng hồ sinh học là cách thức mà các cơ quan bên trong cơ thể vận hành để phù hợp với thời gian biểu trong ngày. Vào mùa thu đông, thời gian chiếu sáng và cường độ ánh nắng mặt trời giảm khiến cho đồng hồ sinh học bị rối loạn.

Ở những người bị rối loạn cảm xúc, sự xáo trộn này sẽ gây ra những thay đổi về giấc ngủ, tâm trạng và hành vi. Hơn nữa, khi thời gian chiếu sáng giảm, hormone melatonin do tuyến tùng sản xuất sẽ gia tăng gây ra cảm giác buồn ngủ. Đây là lý do đa phần những người bị rối loạn cảm xúc theo mùa đều có biểu hiện ngủ nhiều, ngủ li bì.

Những thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm vào mùa hè cũng có thể là yếu tố gây rối loạn nhịp sinh học. Thời gian chiếu sáng tăng khiến nồng độ melatonin giảm. Vì vậy ở giai đoạn này, đa phần sẽ có biểu hiện mất ngủ, bồn chồn và kích động.

Mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh

Các chất dẫn truyền thần kinh chi phối các hoạt động của cơ thể, bao gồm cả hành vi, suy nghĩ và tâm trạng. Vào mùa đông, thời gian chiếu sáng giảm khiến cho cơ thể bị thiếu hụt vitamin D – đây là một loại vitamin quan trọng giúp sản xuất serotonin.

Serotonin là hormone tạo cảm giác phấn chấn, vui vẻ, lạc quan, yêu đời, đồng thời chi phối ham muốn tình dục và cảm giác yêu thích với những hoạt động khác. Giảm vitamin D khiến cho nồng độ serotonin giảm thấp, đây là yếu tố thuận lợi để trầm cảm tái phát trở lại. Trong giai đoạn trầm cảm, serotonin ở khe synap giảm đáng kể (khoảng 30% so với người khỏe mạnh).

Mât cân bằng cả serotonin và melatonin làm gián đoạn nhịp điệu của cơ thể, kéo theo những thay đổi về hành vi, tâm trạng và giấc ngủ. Chính vì vậy, vấn đề này có thể lý giải vì sao rối loạn cảm xúc theo mùa có xu hướng tái phát vào mùa thu đông.

Các yếu tố khác

Giống như các loại rối loạn cảm xúc khác, rối loạn cảm xúc theo mùa cũng có liên quan đến những yếu tố sau đây:

  • Di truyền: Hầu hết các rối loạn tâm lý, tâm thần đều có xu hướng di truyền. Nếu bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh lý này, nguy cơ phát triển chứng rối loạn cảm xúc theo mùa sẽ gia tăng đáng kể.
  • Căng thẳng, sang chấn tâm lý: Stress, tổn thương tâm lý là yếu tố kích thích rối loạn cảm xúc tái phát. Vào mùa thu đông, tâm lý sẽ trở nên nhạy cảm, dễ buồn bã và u sầu. Lúc này, những yếu tố gây stress dù nhỏ cũng đều có thể kích hoạt triệu chứng bùng phát.

Những đối tượng có nguy cơ cao bị rối loạn cảm xúc theo mùa:

  • Sống xa xích đạo (thời gian chiếu sáng của mặt trời có sự thay đổi rõ rệt giữa các mùa)
  • Có sẵn các rối loạn cảm xúc như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực – đặc biệt là rối loạn lưỡng cực II
  • Tiền sử gia đình từng bị rối loạn cảm xúc theo mùa, trầm cảm, tâm thần phân liệt
  • Là nữ giới

Rối loạn cảm xúc theo mùa có nghiêm trọng? Gây ra biến chứng gì?

Tương tự như các rối loạn cảm xúc khác, rối loạn cảm xúc theo mùa ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe thể chất, tinh thần. Nếu không được điều trị, giảm khí sắc sẽ khiến cho khả năng tập trung giảm, trí nhớ kém, ngủ nhiều dẫn đến giảm hiệu suất lao động và học tập.

Seasonal affective disorder là gì
Người bị rối loạn cảm xúc theo mùa có thể tự cô lập, hình thành ý nghĩ về cái chết và lên kế hoạch tự sát

Không ít người có xu hướng cô lập và xa rời các hoạt động xã hội, tìm đến bia rượu, chất kích thích để giải tỏa sự u uất và buồn bã. Một số ít trường hợp nghĩ về cái chết và lên kế hoạch tự sát. Thời gian tiến triển của các đợt có thể kéo dài khoảng 3 – 4 tháng hoặc lâu hơn nên không loại trừ tình huống đáng tiếc có thể xảy ra. Chính vì vậy, thăm khám và điều trị sớm là điều cần thiết.

Đa phần các trường hợp rối loạn cảm xúc theo mùa đều có xu hướng tái phát. Tuy nhiên, nếu đã xác định có yếu tố theo mùa, bác sĩ sẽ hướng dẫn một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Tích cực điều trị và chăm sóc đúng cách có thể hạn chế những ảnh hưởng của bệnh đối với chất lượng cuộc sống lẫn sức khỏe thể chất và tinh thần.

Chẩn đoán rối loạn cảm xúc theo mùa

Tương tự như các rối loạn cảm xúc khác, rối loạn cảm xúc theo mùa cũng được chẩn đoán dựa trên biểu hiện lâm sàng. Dựa vào triệu chứng, có thể chẩn đoán cụ thể loại rối loạn cảm xúc là trầm cảm hay rối loạn lưỡng cực I, II.

Ngoài ra, để xác định có yếu tố theo mùa, triệu chứng phải khởi phát cố định vào một thời điểm (mùa xuân hè hoặc thu đông) và tái phát liên tục ít nhất trong 2 năm. Triệu chứng có thể xuất hiện từ từ hoặc đột ngột.

Các phương pháp điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa

Khác với các rối loạn cảm xúc thông thường, rối loạn cảm xúc theo mùa được điều trị chính bằng liệu pháp ánh sáng. Như đã đề cập, cơ chế bệnh sinh có sự tham gia của yếu tố thời tiết dẫn đến xáo trộn các chất dẫn truyền thần kinh. Bằng cách tiếp xúc với ánh sáng, những triệu chứng như giảm khí sắc, năng lượng… sẽ thuyên giảm đáng kể.

Ngoài ra, sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu cũng hữu ích trong việc kiểm soát rối loạn cảm xúc theo mùa. Các lựa chọn trong điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa bao gồm:

Liệu pháp ánh sáng (Phototherapy)

Liệu pháp ánh sáng là lựa chọn ưu tiên trong điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa. Liệu pháp này sử dụng thiết bị có khả năng phát ra ánh sáng nhân tạo với các đặc tính sinh học giống như ánh nắng mặt trời. Người bị rối loạn cảm xúc theo mùa sẽ được tiếp xúc với ánh sáng theo thời gian, cường độ được bác sĩ chỉ định.

Bằng cách này, có thể điều chỉnh nhịp sinh học trở lại bình thường. Cân bằng nồng độ serotonin và melatonin, qua đó cải thiện những thay đổi về tâm trạng, hành vi và phục hồi năng lượng cơ thể. Thông thường, các bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị phát ra cường độ ánh sáng 10.000 lux và thời gian tiếp xúc dao động từ 30 – 90 phút/ ngày.

Rối loạn cảm xúc theo mùa
Liệu pháp ánh sáng giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của rối loạn cảm xúc theo mùa

Liệu pháp ánh sáng giúp ích đáng kể trong việc cải thiện các triệu chứng của rối loạn cảm xúc theo mùa. Sau khoảng 3 – 5 ngày, người bệnh có thể nhận thấy những cải thiện đáng kể. Khi triệu chứng đã thuyên giảm hoàn toàn, liệu pháp này vẫn được khuyến khích thực hiện cho đến hết mùa xuân để tránh tái phát.

Ưu điểm của liệu pháp ánh sáng là không can thiệp cơ thể nên khá an toàn và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, do phải tiếp xúc với ánh sáng cường độ cao nên liệu pháp này chống chỉ định với những trường hợp sau:

  • Giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực
  • Đang sử dụng các loại thuốc gia tăng độ nhạy cảm với ánh sáng
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin
  • Bị tiểu đường
  • Có các vấn đề về mắt như bệnh võng mạc, đục thủy tinh thể…

Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi can thiệp liệu pháp ánh sáng như mệt mỏi, mỏi mắt, mất ngủ, nhức đầu, cáu gắt…

Sử dụng thuốc

Một số trường hợp sẽ phải dùng thêm thuốc để cải thiện tâm trạng, ngăn hành vi tự sát và cải thiện các triệu chứng thể chất. Đối với rối loạn cảm xúc theo mùa, các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRIs) thay vì các nhóm thuốc chống trầm cảm khác.

Rối loạn cảm xúc theo mùa
SSRIs sẽ được sử dụng để cải thiện cảm xúc, giảm tình trạng buồn bã và u uất kéo dài

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa:

  • Fluoxetine
  • Paroxetine
  • Sertraline
  • Escitalopram
  • Citalopram

SSRIs mang lại hiệu quả khá chậm, khoảng 8 – 12 tuần sau khi sử dụng. Thuốc được dùng trong thời gian dài (suốt mùa thu – đông) để cải thiện tâm trạng và hạn chế tái phát. Cơ chế của thuốc là ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, qua đó làm tăng nồng độ serotonin – hormone giúp điều chỉnh tâm trạng và hành vi.

Tâm lý trị liệu

Sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu là liệu pháp bổ sung bên cạnh liệu pháp ánh sáng. Trong đó, liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất. Trong liệu pháp này, chuyên gia sẽ trò chuyện để thấu hiểu tâm lý, xác định suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực.

Bằng cách tìm ra gốc rễ, chuyên gia sẽ từng bước hướng dẫn người bệnh kiểm soát cảm xúc, điều chỉnh suy nghĩ, tâm trạng và hành vi. CBT đã được chứng minh về hiệu quả kiểm soát các rối loạn cảm xúc – đặc biệt là trong giai đoạn trầm cảm.

rối loạn cảm xúc theo mùa
Tâm lý trị liệu được thực hiện nhằm hỗ trợ hiệu quả của liệu pháp ánh sáng và hóa dược

Kỹ năng được trang bị trong quá trình can thiệp tâm lý sẽ giúp người bệnh hòa nhập, thích ứng tốt với cuộc sống. Qua đó hạn chế những tình huống căng thẳng, tăng ngưỡng chịu đựng với stress và sang chấn. CBT còn giúp củng cố nhân cách, thay đổi tính cách nhút nhát, rụt rè, yếu đuối, thiếu kiềm chế, rèn giũa những tính cách tốt như hoạt bát, năng động, mạnh mẽ, tự tin.

Kế hoạch trị liệu tâm lý sẽ được cá thể hóa dựa vào tâm lý, độ tuổi, giới tính và vấn đề mà bệnh nhân gặp phải… Nhờ hướng can thiệp được cá nhân hóa, tâm lý của người bệnh sẽ có những thay đổi đáng kể sau 8 – 12 tuần trị liệu.

Trị liệu tâm lý có thể cải thiện khí sắc trầm buồn, u uất, thay đổi những suy nghĩ tiêu cực như bản thân vô dụng, không có giá trị, ý nghĩ về cái chết và tự sát. Hơn hết, liệu pháp này giúp củng cố tinh thần, qua đó hạn chế tỷ lệ tái phát đáng kể.

Các biện pháp chăm sóc

Trong thời gian điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa, nên thực hiện các biện pháp chăm sóc sau:

  • Ăn uống điều độ, cân bằng, hạn chế bổ sung quá nhiều thực phẩm chứa carbohydrate dẫn đến tăng cân, béo phì. Chế độ ăn nên tập trung vào rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại thịt trắng.
  • Tập thể dục thường xuyên, nên đi bộ, chạy bộ ngoài trời để gia tăng thời gian tiếp xúc với ánh sáng.
  • Nghỉ ngơi, không nên làm việc quá sức trong thời gian này.
  • Rối loạn cảm xúc theo mùa có thể gây buồn ngủ, uể oải. Ban ngày, nên uống trà hoặc cà phê để duy trì sự tỉnh táo. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều và tránh uống sau 15:00 vì có thể gây mất ngủ.
  • Tham gia các hoạt động xã hội, gặp gỡ bạn bè… thay vì nhốt mình trong phòng.
  • Điều chỉnh cảm xúc bằng các hoạt động lành mạnh như chăm sóc cây cối, vẽ tranh, đọc sách, leo núi, đi dạo trong công viên, nấu ăn…

Phòng ngừa rối loạn cảm xúc theo mùa tái phát

Rối loạn cảm xúc theo mùa được chẩn đoán khi tình trạng tái phát liên tục trong ít nhất 2 năm. Vì vậy, rối loạn này có nhiều khả năng sẽ tái phát vào mùa thu đông năm sau. Một điều may mắn đối với người bị rối loạn cảm xúc theo mùa là có thể dự đoán thời điểm triệu chứng khởi phát và ngăn ngừa bằng các biện pháp sau:

rối loạn cảm xúc theo mùa
Nên gia tăng các hoạt động ngoài trời để phòng ngừa rối loạn cảm xúc theo mùa tái phát
  • Kéo rèm cửa, mở cửa sổ vào mùa thu – đông để gia tăng thời gian tiếp xúc với ánh nắng. Nếu xung quanh nhà có nhiều cây cối, nên cắt tỉa bớt cành.
  • Thường xuyên ra ngoài vào ban ngày để có thể tiếp xúc với ánh sáng, duy trì sự cân bằng của hormone melatonin và serotonin.
  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin D như thịt, cá, trứng, sữa, các loại hải sản… Cung cấp đủ vitamin D giúp cơ thể tổng hợp serotonin, qua đó hạn chế tình trạng giảm khí sắc, mệt mỏi và uể oải vào mùa thu đông.
  • Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe thể chất, giải tỏa tinh thần và cân bằng cảm xúc. Những người có thói quen tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ có ít nguy cơ tái phát hơn.
  • Người bị rối loạn cảm xúc theo mùa nên đầu tư thiết bị chiếu sáng nhân tạo. Vào mùa thu đông, nên sử dụng 30 – 60 phút/ ngày để hạn chế tăng hormone melatonin và duy trì nhịp sinh học của cơ thể. Bằng cách này, có thể hạn chế nguy cơ tái phát rối loạn cảm xúc theo mùa.
  • Học cách kiểm soát stress, phiền muộn để giữ tinh thần ổn định.
  • Không hút thuốc lá, chất gây nghiện và hạn chế lạm dụng rượu bia.
  • Nếu cần thiết, có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm trước khi bước vào mùa thu đông và dùng kéo dài cho đến mùa hè để ngăn ngừa tái phát. Tuy nhiên, dùng thuốc phòng ngừa chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.

Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) có thể được kiểm soát và phòng ngừa thông qua một số biện pháp. Nếu nghi ngờ mắc bệnh lý này, nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa trong thời gian sớm nhất. Chẩn đoán và can thiệp kịp thời là “chìa khóa” để quản lý những xáo trộn về cảm xúc, giảm thiểu ảnh hưởng đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe thể chất, tinh thần.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cách ngồi thiền giúp chữa trầm cảm
Hướng dẫn cách ngồi thiền giúp chữa trầm cảm – Bạn nên thử

Thiền định được biết đến như một phương pháp hỗ trợ cải thiện trầm cảm có tác dụng tương tự như thuốc chống trầm cảm....

Rối loạn lo âu gây mất ngủ
Rối loạn lo âu gây mất ngủ kéo dài làm thế nào để cải thiện?

Rối loạn lo âu gây mất ngủ kéo dài là tình trạng rất nhiều người bệnh đang gặp phải. Thiếu ngủ khiến các cơ quan...

Rối loạn tâm trạng
Rối loạn tâm trạng (Mood Disorder) là gì? Ảnh hưởng như thế nào?

Rối loạn tâm trạng (Mood Disorder) là một thuật ngữ dùng để chỉ những dạng rối loạn sức khỏe tâm thần có khả năng gây...

stress căng thẳng kéo dài gây vô sinh ở nam giới
Stress, căng thẳng kéo dài có gây vô sinh ở nam giới hay không?

Nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy, tình trạng stress, căng thẳng kéo dài có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh