Rối loạn cảm xúc là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

Rối loạn cảm xúc là tình trạng mất kiểm soát cảm xúc khiến người bệnh thay đổi tâm trạng một cách đột ngột, đôi lúc không có lý do cụ thể. Rối loạn cảm xúc kéo dài gây ra sự đau khổ và ức chế nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tư duy và hành vi của người bệnh, và có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Có nhiều loại rối loạn cảm xúc khác nhau với những biểu hiện và triệu chứng đặc trưng 

Rối loạn cảm xúc là gì?

Rối loạn cảm xúc là một dạng rối loạn chức năng hoạt động của não thường gặp với đặc trưng là sự thay đổi tâm trạng một cách đột ngột, mất kiểm soát của một người. Rối loạn cảm xúc không giống như sự thay đổi cảm xúc bình thường. Sự thay đổi cảm xúc thường bắt nguồn một nguyên do nào đó, ví dụ như mất ngủ, gặp cú sốc tâm lý, nhìn thấy một điều gì đó hài hước vui nhộn, hoặc nhận được một niềm vui quá lớn.

rối loạn cảm xúc
Sự thay đổi cảm xúc thất thường, không theo quy luật, gây đau khổ và tàn phá tinh thần, thể chất người bệnh là những biểu hiện của rối loạn cảm xúc.

Hầu hết mọi người đều sẽ thay đổi cảm xúc khi đối diện với một sự kiện, hay sự vật có tác động đến tâm lý và tình cảm của bản thân. Đó là cảm xúc bình thường của con người, và được hình thành vì một lý do cụ thể. Cảm xúc vui sướng hoặc đau buồn này có thể diễn ra trong thời gian ngắn hoặc dài, nhưng không gây cảm giác ức chế, hay thay đổi đột ngột mà không có lý do cụ thể. Sự thay đổi tâm lý khi mắc chứng rối loạn cảm xúc thì phức tạp và nặng nề hơn nhiều.

Ví dụ, vào một ngày nào đó, bạn cảm thấy bản thân vô cùng hưng phấn, khỏe khoắn, yêu đời, cơ thể tràn đầy sinh lực và có thể làm việc không ăn không ngủ. Trạng thái tinh thần dường như đạt đỉnh điểm và cảm giác phấn khích tột cùng khiến bạn cảm thấy khó ngủ trong nhiều ngày. Ngoài ra, bạn cũng nhạy cảm hơn với những tác động từ bên ngoài, và trạng thái phấn khích khiến mọi việc bạn đang làm đều trở nên dồn dập và có tiết tấu nhanh hơn bình thường.

Tuy nhiên, trạng thái cảm xúc đó có thể đột ngột tuột dốc không phanh, và chuyển từ thái cực này sang thái cực kia một cách nhanh chóng. Bạn bỗng cảm thấy thật đau khổ và tuyệt vọng, cảm thấy tự ti và mặc cảm về bản thân. Bạn không còn hứng thú với mọi thứ xung quanh, và không muốn làm bất cứ điều gì. Tình trạng mất ngủ, mất kiểm soát cảm xúc xảy ra khiến bạn rơi vào những suy nghĩ tiêu cực, giống như đang chìm vào vũng lầy mà không thể thoát ra.

Đây chính là những biểu hiện của tình trạng rối loạn cảm xúc, với hai thái cực là sự hưng cảm (cảm giác hưng phấn tột cùng, tràn trề sức lực và những ý tưởng mới mẻ) và trầm cảm (cảm giác tuyệt vọng vô tận, đau khổ, đau đớn, mất hứng thú trong mọi việc của cuộc sống). Thông thường, những người bị rối loạn cảm xúc có sự chuyển biến xen kẽ từ trạng thái này sang trạng thái kia, và đột ngột quay trở lại trạng thái bình thường. Trường hợp này được gọi là rối loạn lưỡng cực.

Trong một số trường hợp, người bị rối loạn cảm xúc có kèm theo những triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, xuất hiện ảo giác như nhìn thấy bóng người, hoặc nghe thấy những âm thanh lạ trong đầu. Họ cũng có thể mất liên hệ với thực tế và không kiểm soát được hành động của bản thân. Rối loạn cảm xúc thật sự gây ra sự giày vò rất lớn về mặt tinh thần, và dễ dàng đẩy người bệnh đến những hành động cực đoan.

rối loạn cảm xúc
Mất kiểm soát hành vi trong cơn hưng cảm hay trầm cảm đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng không thể lường trước được.

Biểu hiện cực đoan của trạng thái hưng cảm là mất khống chế và có hành vi bạo lực với những người xung quanh. Trong khi biểu hiện cực đoan của trầm cảm là tự sát. Những biểu hiện này thường xuất hiện ở những đối tượng là thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta rất khó để ngăn chặn những hành vi cực đoan này, bởi vì sự thay đổi cảm xúc nhanh chóng của người bệnh khiến hành vi của họ trở nên khó lường hơn.

Nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn cảm xúc

Nhiều giả thuyết đã được đặt ra về nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn cảm xúc, nhưng chưa có kết luận chính xác về vấn đề này. Các nhà khoa học chỉ có thể dựa trên các nghiên cứu để đưa ra các giả thuyết, và những yếu tố có ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc hội chứng này ở bệnh nhân. Hiện nay có 2 nhóm giả thuyết có tính hợp lý nhất là ảnh hưởng về mặt sinh học và các tác nhân xã hội.

  • Sự thiếu hụt serotonin trong não: Serotonin là một chất hóa học nội sinh có tác dụng truyền dẫn tín hiệu. Nồng độ senrotonin càng thấp thì khả năng truyền dẫn tín hiệu của não càng kém, từ đó tạo ra thông tin sai lệch trong quá trình truyền tải, và ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát cảm xúc. Việc thiếu hụt serotonin làm tăng cảm giác lo âu, mệt mỏi, khiến người bệnh mất ngủ và dễ rơi vào tình trạng rối loạn cảm xúc. Serotonin được cho là liên quan đến trạng thái cảm xúc của một người, vì thế việc gia tăng hàm lượng serotoin trong não là một trong những điều cần thiết trong quá trình điều trị bệnh.
  • Rối loạn nội tiết tố và bệnh lý khác: Sự gia tăng quá mức các hormone ở tuyến thượng thận và tuyến giáp cũng là một trong các nguyên nhân gây ảnh hưởng đến cảm xúc, làm tăng cảm giác lo lắng và căng thẳng ở người bệnh. Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố của cơ thể, gây nên tình trạng rối loạn cảm xúc không thể lường trước được.
  • Gen di truyền: Nhiều nghiên cứu cho thấy những người có cùng huyết thống, đặc biệt là những cặp sinh đôi, có tỷ lệ cao mắc cùng một căn bệnh. Huyết thống càng gần thì khả năng mắc bệnh càng cao. Nguyên nhân được cho là gen mang tính trạng bệnh được di truyền giữa những thành viên trong gia đình. Nhiều thử nghiệm vẫn đang được thực hiện để xác định vai trò, cơ chế và những loại gen nào ảnh hưởng đến tính trạng bệnh này. Rối loạn cảm xúc có thể do ảnh hưởng của một hay nhiều gen.
rối loạn cảm xúc
Những nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để tìm hiều về mối liên hệ giữa gen và tình trạng rối loạn cảm xúc, cũng hư cơ chế di truyền của nó.
  • Đặc trưng tính cách: Trong một số trường hợp, những người quá mức tự ti, yếu đuối, mẫn cảm với sự thay đổi xung quanh, hoặc những người có tính cầu toàn, hiếu thắng, không chấp nhận được thất bại rất dễ rơi vào tình trạng cảm xúc bị rối loạn nếu gặp phải cú sốc nào đó. Sự cực đoan trong tính cách khiến những đối tượng này dễ rơi vào trạng thái hưng cảm hoặc trầm cảm.
  • Yếu tố tâm lý: Những người có thể chất yếu, tinh thần kém, bị ám ảnh tâm lý do những sự kiện trong quá khứ như xâm hại, quấy rối, cô lập, bạo lực thể xác và tinh thần, hoặc những người không được quan tâm đúng mức, thích rượu chè và sa vào con đường nghiện ngập là những đối tượng có khả năng bị rối loạn cảm xúc cao hơn so với bình thường. Những tổn tương tâm lý này thường rất khó chữa trị và cải thiện.
  • Sử dụng thuốc đặc trị: Một số loại thuốc như catecholamine, thuốc hỗ trợ giảm huyết áp, điều trị bệnh tiểu đường, các bệnh về gan, thận,… có thể ảnh hưởng đến các chất nội sinh trong cơ thể, làm tăng tỷ lệ mắc chứng rối loạn cảm xúc ở người bệnh.

Nguyên nhân gây ra rối loạn cảm xúc vẫn chưa được kết luận chính xác. Vì thế có thể có nhiều nguyên nhân hơn chưa được tìm ra. Mỗi người bệnh có thể bị ảnh hưởng bởi 1 hay nhiều nguyên nhân khác nhau tùy vào từng trường hợp cụ thể. Đặc biệt, những ai có tiền sử gia đình mắc các chứng loạn thần là đối tượng cần được chú ý nhiều hơn. Bởi vì họ có khả năng mắc bệnh cao hơn nhiều so với những người bình thường.

Biểu hiện của chứng rối loạn cảm xúc thường gặp

Rối loạn cảm xúc có hai thái cực đối lập là trầm cảm và hưng cảm. Bệnh nhân có thể chìm vào cơn trầm cảm nghiêm trọng khiến họ cảm thấy tuyệt vọng và đau khổ, hoặc trải qua giai đoạn hưng cảm kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tinh thần. Nếu giữa hai trạng thái này có sự thay đổi liên tục và đột ngột, có hoặc không có kèm theo những triệu chứng loạn thần, gặp ảo giác hay kích động quá mức thì đây được gọi là rối loạn lưỡng cực.

Mỗi trạng thái trầm cảm hay hưng cảm đều có những biểu hiện đặc trưng, và độ nghiêm trọng của từng trường hợp tùy thuộc vào đối tượng cụ thể. Trầm cảm được chia làm nhiều loại khác nhau, và tình trạng rối loạn lưỡng cực cũng có hai mức độ bao gồm loại I và loại II.

1. Trầm cảm

Trầm cảm là một dạng bất ổn tâm lý với đặc trưng là cảm xúc tiêu cực kéo dài và gây đau khổ cùng cực cho người bệnh. Người bị trầm cảm luôn cảm thấy đau khổ, mệt mỏi và bi quan về mọi thứ xung quanh. Họ chìm trong sự tuyệt vọng, xa lánh người thân và bạn bè, không thiết tha những thứ từng là sợ thích của bản thân, và không ngừng nghĩ về những sai lầm trong quá khứ để tự dằn vặt. Hậu quả nghiêm trọng nhất của trầm cảm là người bệnh tìm đến cái chết để giải thoát.

rối loạn cảm xúc
Tình trạng trầm cảm là một trong hai thái cực cảm xúc mà bạn phải trải qua khi bị rối loạn cảm xúc, trầm cảm nghiêm trọng có thể dẫn đến giết người và hành động tự sát.

Các triệu chứng trầm cảm có thể xuất hiện trong mọi trường hợp, kéo dài và không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Một số biểu hiện trầm cảm có thể khác nhau ở từng đối tượng, và mức độ ảnh hưởng của những triệu chứng này đến sức khỏe người bệnh cũng hoàn toàn không giống nhau. Dưới đây là một số biểu hiện tiêu biểu về trầm cảm cần chú ý bao gồm:

  • Cảm giác buồn bã, chán nản và tuyệt vọng ập đến bất ngờ mà không vì bất cứ lý do gì cả
  • Cảm giác khó chịu, lo lắng, mệt mỏi bủa vây khiến bạn ăn không ngon, ngủ không yên
  • Dễ khóc và kích động hơn bình thường, chỉ một vấn đề nhỏ cũng có thể khiến bạn xúc động và khóc to
  • Không thể tập trung vào điều đang làm, thường xuyên lơ đễnh dẫn đến việc sai sót trong công việc và học tập
  • Thờ ơ với mọi thứ xung quanh, mất hứng thú với những sở thích và thói quen sinh hoạt hàng ngày
  • Cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống và ngủ ngày nhiều hơn bình thường
  • Thói quen sinh hoạt hàng ngày bị thay đổi, ăn uống và ngủ nghỉ thất thường
  • Cảm thấy chán ăn, không có cảm giác ngon miệng
  • Ngủ không ngon giấc, dễ gặp ác mộng và thức dậy lúc giữa đêm, mệt mỏi vào ban ngày sau khi thức dậy. Bạn cũng có thể cảm thấy khó ngủ và buộc phải dùng thuốc mới có thể ngủ được
  • Thường xuyên nhớ về những sai lầm trong quá khứ, cảm thấy tội lỗi và tự dằn vặt bản thân trong đau khổ
  • Luôn cảm thấy bi quan về cuộc sống, nhìn mọi thứ xung quanh với cái nhìn cực đoan
  • Đau nhức dữ dội ở nhiều bộ phận trên cơ thể như đau đầu, đau ngực, đau lưng
  • Có suy nghĩ tự tử, cảm giác bị thôi thúc tự làm hại bản thân
  • Tìm đến bia rượu và các chất kích thích, thường xuyên trong trạng thái say xỉn và không tỉnh táo
  • Khó kiềm chế hành vi, có những hành động bộc phát bất ngờ
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Một số người có thể có những triệu chứng loạn thần và ảo giác.

Tình trạng trầm cảm được chia làm nhiều loại, và một người có thể mắc những chứng trầm cảm khác nhau. Một số chứng trầm cảm thường gặp bao gồm: rối loạn trầm cảm nặng, rối loạn trầm cảm dai dẳng, trầm cảm chu sinh, trầm cảm sau sinh, trầm cảm theo mùa, trầm cảm nội sinh,…

2. Hưng cảm

Trái ngược với trạng thái trầm cảm là trạng thái hưng cảm. Khi rơi vào trạng thái này, bạn sẽ cảm thấy khỏe mạnh và hưng phấn một cách bất ngờ. Trong trạng thái hưng cảm, cảm xúc được đẩy lên đến đỉnh điểm, khiến bạn cảm thấy mình có rất nhiều ý tưởng, tràn năng lượng để bắt tay vào làm việc. Thậm chí bạn còn không có cảm giác buồn ngủ hay mệt mỏi, và có thể liên tục không ngủ trong nhiều ngày.

Trạng thái hưng phấn, kích động và tăng động quá mức kéo dài có thể gây ra ảo giác, khiến người bệnh không làm chủ được hành động. Việc thức đêm liên tục trong nhiều ngày cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ, giảm sức đề kháng, tổn hại sức khỏe tinh thần của người bệnh. Nếu bạn thấy mình có dấu hiệu dưới đây, và tình trạng này kéo dài thì có lẽ bạn đang rơi vào trạng thái hưng cảm.

rối loạn cảm xúc
Trạng thái hưng cảm kéo dài làm cạn kiệt sức lực, ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học và khiến người bệnh không thể ngủ vì luôn trong trạng thái hưng phấn.
  • Cảm thấy cơ thể tràn đầy, thậm chí là dư thừa nguồn năng lượng khiến bạn có thể làm việc xuyên suốt trong một thời gian dài mà không thấy mệt
  • Có cảm giác hưng phấn, tràn đầy lòng tự tin với bản thân, cảm thấy mình có thể đưa ra những ý tưởng và quyết định chính xác
  • Tốc độ và cường độ nói chuyện tăng nhanh bất thường trong cơn hưng phấn
  • Nói rất nhanh và nói rất nhiều trong thời gian dài. Có lúc người bệnh nói chuyện không mạch lạc, ý tứ không hoàn chỉnh do dòng ý tưởng trôi qua quá nhanh, không kịp sắp xếp thành lời
  • Cảm thấy ý tưởng và sức lực dường như không bao giờ cạn
  • Hành động bốc đồng, thiếu suy nghĩ, đưa ra quyết định quá nhanh chóng nên thường gây ra những hậu quả xấu
  • Đùa giỡn nhiều, đôi khi quá lố mà không chú ý đến tình huống xung quanh
  • Không có nhu cầu ngủ hay nghỉ ngơi, làm việc liên tục trong trạng thái hưng phấn
  • Khó kiềm chế cảm xúc, dễ kích động, trở nên hiếu chiến và bốc đồng trong cơn hưng phấn vì những lý do không đáng
  • Ham muốn tình dục gia tăng, hưng phấn hơn trong chuyện tình dục
  • Thói quen ăn uống thay đổi do ăn nhiều hơn, đặc biệt là đồ ngọt
  • Không thể đi vào giấc ngủ trong thời gian dài, ngủ ít hơn bình thường
  • Bạn có thể thấy bản thân tự tin hơn, và không sợ bất cứ thứ gì khi hưng phấn
  • Xuất hiện ảo giác, ảo tưởng có giọng nói trong đầu hoặc bên tai

Có thể thấy những biểu hiện của hưng cảm trái ngược hoàn toàn với trạng thái trầm cảm, tuy nhiên ảnh hưởng tiêu cực mà chúng mang đến cho người bệnh là như nhau. Nếu không được phát hiện mà điều trị sớm, tình trạng hưng cảm kéo dài có thể khiến bệnh nhân suy nhược thần kinh, và tăng nguy cơ đột quỵ do làm việc quá sức mà không nghỉ ngơi. Đặc biệt là trong cơn hưng cảm, bệnh nhân có thể có những hành vi nguy hiểm với bản thân và những người xung quanh

3. Rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực là tình trạng người bệnh có sự thay đổi đột ngột, và luân phiên giữa hai tình trạng trầm cảm và hưng cảm. Do đó rối loạn lưỡng cực còn gọi là hưng trầm cảm. Rối loạn lưỡng cực được chia làm hai loại là rối loạn lưỡng cực loại I và rối loạn lưỡng cực loại II. Lưỡng cực loại I là khi bệnh nhân có những biểu hiện hưng cảm dữ dội, dồn dập và ảnh hưởng mạnh đến cảm xúc. Trong khi loại II thì những triệu chứng bệnh nhẹ hơn, nên được gọi là hưng cảm nhẹ.

rối loạn cảm xúc
Rối loạn lưỡng cực gây ra tình trạng hưng phấn và đau khổ luân phiên, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và giam chất lượng cuộc sống.

Sự thay đổi cảm xúc liên tục làm đảo lộn cuộc sống của người bệnh, rối loạn kế hoạch làm việc và học tập, làm giảm năng suất lao động cùng nhiều ảnh hưởng nặng nề khác. Do đó chúng ta cần biết và hiểu về hai dạng rối loạn lưỡng cực để có cách ngăn chặn và giảm bớt những ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe. Mỗi loại sẽ có đặc điểm và triệu chứng khác nhau giúp bạn phân biệt rõ ràng.

  • Rối loạn lưỡng cực loại I: Những biểu hiện hưng cảm trong trạng thái lưỡng cực loại I có tính dữ dội hơn, và kéo dài ít nhất 7 ngày. Người bệnh có thể có, hoặc không, nhìn thấy ảo giác, nghe thấy những lời nói trong đầu hoặc những triệu chứng loạn thần khác. Sự hưng phấn quá đà trong cơn rối loạn cảm xúc có thể thúc đẩy người bệnh thực hiện những hành động bốc đồng, thiếu suy nghĩ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng vi phạm pháp luật, và làm ảnh hưởng đến chính bản thân mình hoặc những người xung quanh.
  • Rối loạn lưỡng cực loại II: Những biểu hiện hưng cảm trong rối loạn lưỡng cực loại II không nghiêm trọng và dữ dội như loại I, nên được gọi là hưng cảm nhẹ. Những người rơi vào tình trạng này thường phải có ít nhất một cơn trầm cảm kéo dài hơn 2 tuần trước đó, sau đó là giai đoạn hưng cảm nhẹ. Một số người không nhận thấy được cơn hưng cảm nhẹ này và có xu hướng bỏ qua. Nếu rối loạn lưỡng cực loại I gây mất kiểm soát hành vi một cách nặng nề, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày, thì loại II lại nhẹ hơn hẳn.

Rối loạn cảm xúc khiến tâm trạng của người bệnh thay đổi thất thường, lúc lên cao lúc xuống thấp, lúc hưng phấn lúc tuyệt vọng. Sự bất ổn định này khiến người bệnh luôn trong trạng thái khó làm chủ bản thân, luôn có những hành vi kích động quá đà, hoặc suy nghĩ tiêu cực và ý nghĩ tự sát. Việc không thể kiểm soát cảm xúc cũng gây nên ảnh hưởng nặng nề đến công việc, hoc tập, sinh hoạt và những mối quan hệ xã hội.

Hội chứng này cần được phát hiện và điều trị sớm để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của chúng lên sức khỏe tinh thần và thể chất người bệnh. Một số người nhận ra những biểu hiện bất thường của cơ thể, nhưng lại cố ý che giấu vì sợ bị dè bỉu, hoặc sợ ảnh hưởng đến công việc hiện có. Tuy nhiên việc che giấu chỉ khiến tình hình ngày một tồi tệ hơn, chứ không giúp bệnh tự khỏi.

Làm sao để vượt qua cơn rối loạn cảm xúc

Làm sao để vượt qua cơn rối loạn cảm xúc? Đây chắc chắn là thắc mắc của nhiều người khi đã hiểu về những tác động tiêu cực của căn bệnh này đến cuộc sống người bệnh. Việc che giấu hay cố gắng bỏ qua những thay đổi tâm trạng bất thường không phải là cách để cải thiện tình hình. Thay vào đó, điều cần làm là đến gặp bác sĩ hoặc các chuyên viên tâm lý để xác định tình trạng và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

rối loạn cảm xúc
Đừng tìm cách che giấu, hoặc cho rằng những dấu hiệu rối loạn cảm xúc sẽ nhanh chóng biến mất vì điều đó chỉ khiến tình hình bệnh ngày càng nghiêm trọng.

Chữa trị sớm và tuân theo đúng hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình trị liệu làm tăng khả năng khỏi bệnh, rút ngắn thời gian điều trị, và ngăn ngừa khả năng tái phát trong tương lai. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình hình bệnh nhân để đưa ra phương pháp tư vấn tâm lý hiệu quả, cũng như chọn loại thuốc phù hợp để giảm tác động của bệnh lên cơ thể. Kết hợp với chế độ sinh hoạt lành mạnh và thái độ sống tích cực, rối loạn cảm xúc có thể bị đẩy lùi.

1. Hóa dược trị liệu

Nếu bệnh nhân rơi vào tình trạng rối loạn cảm xúc nặng, kèm theo những triệu chứng loạn thần thì hóa dược trị liệu là phương pháp được ưu tiên trong quá trình điều trị. Dựa trên tình hình bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra những loại thuốc phù hợp để điều trị triệu chứng bệnh. Những loại thuốc điều trị rối loạn cảm xúc thường được dùng bao gồm: thuốc chống lo âu, thuốc chống loạn thần, và các nhóm thuốc trị trầm cảm phổ biến khác.

Người bệnh trong quá trình sử dụng thuốc phải tuân thủ đúng liều lượng, và thời gian trị liệu để đạt được kết quả điều trị tốt nhất. Hiệu quả của mỗi nhóm thuốc là khác nhau ở từng bệnh nhân, do đó bác sĩ có thể thay đổi liều lượng thuốc, cũng như các loại thuốc khác nhau trong quá trình điều trị để tìm ra loại có hiệu quả nhất. Người bệnh cần theo dõi tình trạng của cơ thể để đưa ra phản hồi đúng nhất về ảnh hưởng của thuốc lên các triệu chứng bệnh.

Thuốc luôn là một con dao hai lưỡi. Chính vì thế việc sử dụng thuốc phải vô cùng cẩn trọng để tránh hậu quả xấu cho cơ thể. Một số loại thuốc điều trị gây những tác dụng phụ lên người bệnh như đau đầu, nôn ói, chóng mặt, tiêu chảy, đau nhức, giảm ham muốn,… Nếu những ảnh hưởng này ở mức nghiêm trọng, và không có dấu hiệu thuyên giảm thì cần dừng thuốc và đưa ngay người bệnh đến bệnh viện cấp cứu.

2. Tâm lý trị liệu

Trị liệu tâm lý luôn là lựa chọn đầu tiên dành cho những trường hợp rối loạn cảm xúc dạng nhẹ. So với việc dùng thuốc thì điều trị tâm lý yêu cầu thời gian dài hơn, nhưng lại không gây hại gì đến sức khỏe, vì không tác động trực tiếp đến cơ thể. Chính vì thế tâm lý trị liệu là phương pháp chính cho những trường hợp dạng nhẹ, còn thuốc điều trị rối loạn cảm xúc chỉ là phương pháp phụ trợ để giảm thiểu những triệu chứng trầm cảm và hưng cảm ở bệnh nhân khi cần thiết.

rối loạn cảm xúc
Đến gặp bác sĩ để được tư vấn chính xác về tình trạng của bản thân sẽ giúp bạn có liệu trình điều trị bệnh tốt hơn.

Tư vấn tâm lý giúp người bệnh nhanh chóng nhận ra và có biện pháp đối phó với cơn trầm cảm hay hưng cảm khi chúng có dấu hiệu xuất hiện. Việc nhìn thẳng vào tình trạng của bản thân, và quan tâm đến những thay đổi dù là nhỏ nhất trong tâm trạng, có thể giúp bệnh nhân chọn lựa thời điểm phù hợp để làm việc và học tập. Tránh để những triệu chứng bệnh làm ảnh hưởng đến công việc, hay những dịp quan trọng của bản thân.

Học cách kiềm chế cảm xúc cũng là một trong những điều bạn được hướng dẫn trong quá trình trị liệu. Bằng cách giúp bản thân bình tĩnh hơn khi rơi vào trạng thái hưng cảm hay trầm cảm, người bệnh có thể hạn chế những hành vi quá khích, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, tránh ẩu đả và sử dụng bạo lực với những người xung quanh. Vấn đề rối loạn cảm xúc cần được cải thiện từng ngày, và cần sự cố gắng rất lớn từ bệnh nhân.

3. Điều trị tại nhà

Người bệnh cũng nên dành nhiều thời gian tập thể dục, ăn uống ngủ nghỉ điều độ, và tránh cho bản thân bị căng thẳng nhằm tăng cường sức khỏe và sức đề kháng. Quá trình cải thiện và loại bỏ những ảnh hưởng của rối loạn cảm xúc đến sức khỏe là một quá trình lâu dài, nên rất cần sự tự giác và cố gắng của bệnh nhân. Việc điều trị tại nhà nên được diễn ra song song với điều trị bằng thuốc và điều trị tâm lý để mang đến hiệu quả tốt nhất.

  • Chế độ sinh hoạt lành mạnh: Giữ cho tinh thần thoải mái và không bị những đợt căng thẳng kéo dài đeo bám là cách tốt nhất nhằm hạn chế những ảnh hưởng của rối loạn cảm xúc đến sức khỏe. Chế độ sinh hoạt lành mạnh bắt đầu từ việc ngủ đúng giờ, ngủ sớm dậy sớm, ăn cơm đúng bữa với nhiều thực phẩm tốt cho sức khỏe, hạn chế thức ăn có hại trong chề độ ăn, dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn nhiều hơn, tránh chạm tới rượu bia và chất kích thích. Ngoài ra, người bệnh cũng cần chú ý kiêm tra sức khỏe thường xuyên để ngăn ngừa dấu hiệu bệnh tái phát.
  • Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục đều đặn giúp săn chắc cơ thể, cải thiện sức khỏe, thư giãn tinh thần và luôn có tác động tích cực đến tình trạng tâm lý. Do đó, dù bạn có bị rối loạn lo âu hay không thì tập thể dục thường xuyên vẫn là một thói quen tốt cần duy trì. Hãy chú ý lựa chọn những môn thể dục thể thao vừa sức, phù hợp với tình trạng sức khỏe và tập luyện một cách bài bản khoa học. Những môn thể dục thể thao mà bạn nên thử làm quen bao gồm: gym, aerobic, cầu lông, đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, nhảy quãng trường, nhảy dân vũ,..

 

rối loạn lo âu
Tập thể dục đúng cách với cường độ thích hợp rất có ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
  • Thiền hoặc yoga: Thiền và yoga có tác dụng tuyệt vời trong việc thả lỏng cơ thể, loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, tăng cường sự dẻo dai, tăng sức đề kháng cho cơ thể, và nhiều tác dụng tuyệt vời khác. Đặc biệt, thiền và yoga rất chú trọng việc điều chỉnh hơi thở, luyện khả năng tập trung, và giúp điều chỉnh cảm xúc nếu rơi vào tình trạng hung hăng, nóng nảy bất thường. Những người kiên trì tập luyện thiền và yoga cho thấy họ có khả năng làm chủ bản thân, và lấy lại bình tịnh tốt hơn những người khác.
  • Không dùng chất kích thích: Chất kích thích là một trong những nguyên nhân chính làm tăng suy nghĩ tự tử, kích thích hành vi bạo lực, và khiến người bệnh không thể làm chủ bản thân khi mất tỉnh táo. Những người bị rối loạn cảm xúc, đặc biệt là đàn ông, nếu muốn cải thiện tình trạng bệnh thì cần tránh xa bia rượu, ma túy, thuốc lá, hay những cuộc vui chơi thâu đêm suốt sáng để cơ thể không rơi vào trạng thái say xỉn hay căng thẳng.
  • Chia sẻ cảm xúc với người thân và bạn bè: Trong cuộc sống có những lúc bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và mờ mịt về tương lai phía trước. Bạn cần một ai đó thấu hiểu và đủ tin tưởng để tâm sự và tìm kiếm những lời khuyên hữu ích về những vấn đề trong cuộc sống. Đây là lúc bạn nên nói chuyện với cha mẹ, anh chị, bạn bè, hay một ai đó bạn cảm thấy tin tưởng, và nâng đỡ bạn rất nhiều trong những năm tháng vừa qua. Tâm sự với người thân cũng là một trong những yếu tố giúp quá trình trị liệu tại nhà hiệu quả hơn.
  • Tìm kiếm một thói quen mới: Một số người cảm thấy bản thân thoải mái, tự tin và kiềm chế cảm xúc tốt hơn khi tìm đươc một thú vui lành mạnh nào đó. Bạn nên thử đọc một cuốn sách mới, nuôi một con vật, đi du lịch đến một vùng quê yên bình, học vẽ tranh, hay tìm hiểu về một loại nhạc cụ nào đó. Những thú vui này giúp bạn chuyển hướng tập trung sang những điều có ích, giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực và sự mệt mỏi mà rối loan cảm xúc mang đến.
  • Ăn uống điều độ: Chế độ ăn uống khoa học là chìa khóa cho việc giảm thiểu những tác động có hại của chứng rối loạn càm xúc đến sức khỏe của chúng ta. Một số thực phẩm chứa nhiều omega-3 và cách chất cần thiết khác thúc đẩy sản sinh serotonin, cũng như các chất dẫn truyền thần kinh khác, giúp tinh thần tỉnh táo và hạn chế những triệu chứng trầm cảm tác động lên con người. Chúng ta nên bổ sung vài chế độ ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, sữa, trứng, cá ngừ, cá mòi, cà hồi, cá trích, măng tây, socola nguyên chất,…
rối loạn cảm xúc
Ăn uống điều độ giúp cải thiện sức khỏe, tăng sức đề kháng và cung cấp năng lượng cần thiết cho hoạt động của cơ thể.

Những phương pháp tại nhà giúp cải thiện tình trạng rối loạn cảm xúc có thể tiếp tục ngay cả khi cơn rối loạn đã trôi qua. Đây là những thói quen tốt cho sức khỏe cần được duy trì thường xuyên. Và vì rối loạn cảm xúc có nguy cơ tái phát, nên những thói quen này cũng giúp phòng ngừa hội chứng này quay trở lại, và giúp những triệu chứng bệnh không trầm trọng thêm trong những lần sau.

Rối loạn cảm xúc gây ra rất nhiều bất ổn trong cuộc sống người bệnh, khiến họ đánh mất bản thân, đánh mất những mối quan hệ quan trọng, và ngày càng chìm vào những suy nghĩ tiêu cực. Sự thay đổi tâm trạng thất thường cản trở giấc ngủ, đảo lộn thói quen sinh hoạt, gia tăng hành vi bạo lực và suy nghĩ tự tử ở người bệnh. Rối loạn cảm xúc không thể tự khỏi nếu không có sự can thiệp của y tế. Do đó đừng chần chừ mà hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường về cảm xúc.

Có lẽ bạn quan tâm:

 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

rối loạn cảm xúc ở trẻ
Rối loạn cảm xúc ở trẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và điều trị

Rối loạn cảm xúc có thể gặp ở mọi độ tuổi kể cả trẻ, tuổi vị thành niên lẫn người trưởng thành và người già....

Rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu
Rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu: Nguyên nhân và cách khắc phục

Rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu được đặc trưng bởi nỗi lo sợ, ám ảnh phi lý, quá mức, không tương ứng với các...

mẹo xả stress cho dân văn phòng
10 Mẹo Xả Stress Cho Dân Văn Phòng Hiệu Quả Bạn Nên Biết

Đối với dân văn phòng, việc phải đối diện với những căng thẳng, áp lực trong công việc là điều không thể tránh khỏi. Tuy...

Hội Chứng Ám Ảnh Tình Yêu
Hội Chứng Ám Ảnh Tình Yêu: Nhận biết và cách điều trị

Hội chứng ám ảnh tình yêu được xem như một dạng rối loạn tâm thần hiếm gặp khiến cho người bệnh có sự ám ảnh...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh