Cách nói chuyện với người trầm cảm giúp họ vượt qua cảm xúc tiêu cực

Thường xuyên nói chuyện với người bị trầm cảm là cách giúp họ có thêm động lực để vực dậy tinh thần và tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống. Tuy nhiên, để tránh vô tình khiến họ bị tổn thương, bạn nên trang bị kỹ năng trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện.

Vì sao cần phải chú ý khi nói chuyện với người bị trầm cảm?

Trầm cảm đang trở thành gánh nặng đối với y tế và kinh tế xã hội chỉ sau các vấn đề tim mạch. Trước đây, tỷ lệ mắc bệnh chỉ rơi vào khoảng 5% nhưng đang có xu hướng gia tăng mạnh sau đại dịch Covid – 19. Có thể nói, ảnh hưởng của đại dịch, suy thoái kinh tế tác động mạnh mẽ đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần.

Trầm cảm không đơn thuần là một giai đoạn cảm xúc mà là rối loạn tâm thần cần được điều trị y tế. Ngoài cảm xúc buồn bã và đau khổ kéo dài, người bệnh còn mất dần hứng thú với các hoạt động, bi quan, có cảm giác tội lỗi, bị bỏ rơi, không được yêu thương.

nói chuyện với người bị trầm cảm
Người bị trầm cảm có tâm lý nhạy cảm quá mức nên dễ bị tổn thương trước những lời nói tưởng chừng như bình thường

Bên cạnh đó, trầm cảm còn gây ra những triệu chứng thể chất như rối loạn ăn uống, mất ngủ/ ngủ quá nhiều, trí nhớ giảm, tập trung kém, giảm sút năng lượng, đau đầu, đau dạ dày, rối loạn kinh nguyệt, tình dục… Ở giai đoạn nặng, trầm cảm còn đi kèm với các triệu chứng loạn thần, ý nghĩ và hành vi tự sát.

Người bị trầm cảm có cảm xúc không ổn định và tâm lý vô cùng nhạy cảm. Vì vậy, khi trò chuyện, cần phải chú ý lời nói và ngôn ngữ hình thể. Bởi người bệnh rất dễ bị tổn thương trước những lời nói tưởng chừng như bình thường.

Giao tiếp là hình thức kết nối người bị trầm cảm với cộng đồng, tránh tình trạng tự cô lập và cách ly xã hội. Do đó, gia đình và những người xung quanh nên trò chuyện thường xuyên để người bệnh xây dựng mối liên kết, dần lấy lại động lực và cảm xúc tích cực.

Cách nói chuyện với người trầm cảm giúp vực dậy tinh thần

Trò chuyện với người trầm cảm là cách để bạn có thể bày tỏ sự ủi an, chia sẻ. Tuy nhiên, để bệnh nhân có thể vực dậy tinh thần, nên trò chuyện đúng cách. Những hướng dẫn sau sẽ giúp bạn đọc biết cách trò chuyện phù hợp, không gặp phải lúng túng khi giao tiếp.

1. Lắng nghe là chìa khóa quan trọng nhất

Nói chuyện với người trầm cảm thực sự không hề đơn giản, bởi nhiều người không có nhu cầu nhu cầu giao tiếp và thường bày tỏ thái độ thiếu thiện chí khi ai đó bắt chuyện. Sẽ rất khó khăn để bạn có thể trò chuyện có hiệu quả ngay từ lần đầu tiên.

Đôi khi, bạn không nhất thiết phải bắt chuyện mà chỉ cần ngồi cạnh khi cảm thấy họ có tâm sự hay có điều gì đó không ổn. Khi nhận thấy thiện chí từ bạn, người bị trầm cảm có thể chủ động chia sẻ những điều giấu kín trong lòng.

nói chuyện với người bị trầm cảm
Lắng nghe là chìa khóa quan trọng khi nói chuyện với người bị trầm cảm

Hoặc bạn cũng có thể bắt chuyện bằng một số câu thể hiện sự quan tâm như “Tôi có thể giúp gì cho bạn?” hay “Bạn có muốn chia sẻ điều gì với tôi không?”. Đừng đề cập đến những câu nói cho thấy họ đang không ổn, chẳng hạn như “Trông bạn không ổn lắm?” hay “Có vẻ như bạn đang gặp khó khăn phải không?”. Những câu nói này khá nhạy cảm, có thể khiến cho người bị trầm cảm cảm thấy bản thân vô dụng, thất bại.

Khi giao tiếp với người bị trầm cảm, bạn không nhất thiết phải trò chuyện quá nhiều. Thay vào đó, lắng nghe được cho là chìa khóa quan trọng nhất. Bạn có thể bày tỏ sự lắng nghe thông qua ánh mắt hay cái gật đầu. Những hành động nhỏ này chính là sự ủi an lớn nhất cho người bị trầm cảm. Họ sẽ cảm thấy vô cùng thoải mái, an tâm, từ đó cởi mở hơn trong việc chia sẻ.

2. Bày tỏ sự quan tâm qua lời nói, hành động

Người bị trầm cảm luôn có cảm giác bản thân không được yêu thương, bị bỏ rơi, giảm lòng tự trọng. Để giúp họ vực dậy tinh thần và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực, nên bày tỏ sự quan tâm qua lời nói và hành động.

Khi họ bày tỏ những khó khăn đang phải đối mặt, có thể quan tâm bằng cách vỗ vai hoặc nắm tay. Hành động nhỏ này sẽ tiếp thêm động lực để họ biết rằng, bản thân luôn được yêu thương và quan tâm.

nói chuyện với người bị trầm cảm
Đừng quên bày tỏ sự quan tâm qua lời nói, hành động khi giao tiếp với người bị trầm cảm

Những câu nói thể hiện sự quan tâm, yêu thương như “Chắc hẳn bạn đã trải qua một khoảng thời gian vô cùng khó khăn”, “Thật may mắn khi bạn đã vượt qua khoảng thời gian đó” hay “Tôi ước mình có thể ở bên cạnh bạn trong những lúc tồi tệ nhất”. Một câu nói, hành động dù nhỏ cũng là nguồn động lực to lớn đối với bệnh nhân trầm cảm.

Từng bước, từng bước, bạn có thể giúp họ vực dậy sau những tổn thương tâm lý. Nếu sống cùng họ, hãy bày tỏ sự quan tâm bằng cách nấu cho họ một bữa ăn, hỗ trợ làm những công việc hằng ngày. Bạn cũng có thể nhờ họ hỗ trợ một số việc đơn giản để xây dựng sự tương tác qua lại. Điều này đóng góp rất lớn vào việc ngăn chặn tình trạng tự cô lập, cách ly xã hội.

3. Tôn trọng cảm xúc của họ

Rất nhiều người trầm cảm bị phủ nhận, xem nhẹ cảm xúc vì sự thiếu hiểu biết của những người xung quanh. Khi nói chuyện với người trầm cảm, tuyệt đối không phủ nhận mọi cảm xúc của họ.

Hãy bày tỏ sự tôn trọng vì cảm nhận của mỗi người về cuộc sống là khác nhau. Bạn có thể cảm thấy câu chuyện không quá nặng nề nhưng bản thân họ đang phải giằng xé với nỗi đau, sự mất mát và bi quan.

cách nói chuyện với người bị trầm cảm
Tôn trọng cảm xúc là cách để bạn tiếp cận và đến gần hơn với người bị trầm cảm

Tôn trọng cảm xúc sẽ giúp người bị trầm cảm cảm thấy bản thân có giá trị và được quan tâm đúng mực. Sự thoải mái sẽ giúp họ cởi mở, chủ động chia sẻ những khó khăn và vướng mắc với bạn. Theo thời gian, bạn có thể giúp họ vượt qua rào cản tâm lý, rũ bỏ nỗi buồn và cảm giác đau khổ thường trực.

4. Không so sánh họ với bất kỳ ai

Trầm cảm thường xảy ra sau những biến cố lớn như mất người thân, gia đình ly tán, bản thân mất việc… Thông thường những người có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán có thể điều chỉnh tâm trạng sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, một số ít người chìm đắm trong đau khổ, buồn bã, u uất mà không thể nào chế ngự cảm xúc tiêu cực.

Ngưỡng chịu đựng stress của mỗi người là khác nhau. Bạn không buồn không có nghĩa là người khác cũng có cảm nhận tương tự. Vì vậy, khi nói chuyện với người bị trầm cảm, tuyệt đối không so sánh họ với bất cứ ai.

Những câu nói như “Tôi thấy chuyện này không có gì to tát. Rất nhiều người phải đối mặt với những chuyện còn kinh khủng hơn” hay “Chỉ vì chuyện này mà bạn trở nên u uất, buồn bã hay sao? Tôi thấy mọi chuyện chẳng có gì nghiêm trọng” sẽ khiến cho người bị trầm cảm ngày càng trở nên u uất. Cảm giác bản thân yếu đuối, thấp kém trở nên sâu sắc hơn và dần phát triển thành nỗi ám ảnh.

Những cuộc trò chuyện như thế này không khiến cho người bị trầm cảm cảm thấy tốt hơn. Ngược lại, tinh thần của bệnh nhân ngày một bất ổn, sự tự ti và mặc cảm lớn dần theo thời gian. Người bệnh có thể nghĩ đến tự sát như một cách để giải thoát bản thân khỏi nỗi đau và sự u uất dai dẳng.

5. Thể hiện sự đồng cảm

Thật khó để có thể cảm nhận nỗi đau của người bị trầm cảm. Tuy nhiên, khi nói chuyện với họ, hãy thể hiện sự đồng cảm qua lời nói và ngôn ngữ hình thể. Dù không cảm nhận trọn vẹn nỗi đau của đối phương, bạn vẫn hình dung được phần nào cảm giác buồn bã, đau khổ mà họ đang phải đối mặt từng giây, từng giờ.

cách nói chuyện với người bị trầm cảm
Người bị trầm cảm sẽ thoải mái hơn khi bạn thể hiện sự đồng cảm qua lời nói và ngôn ngữ hình thể

Ngoài sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý, sự đồng cảm từ những người xung quanh chính là “liều thuốc” tự nhiên giúp bệnh nhân điều chỉnh cảm xúc tốt nhất. Hơn hết, người bệnh biết rằng bản thân luôn được yêu thương và quan tâm. Tia hy vọng nhỏ nhoi này sẽ giúp bệnh nhân có động lực vượt qua khoảng thời gian u tối, gạt bỏ mọi nỗi buồn và mặc cảm.

6. Tạo động lực thông qua lời nói

Người bị trầm cảm luôn nhìn mọi thứ dưới con mắt bi quan, đặc biệt là cảm nhận về tương lai. Họ cảm thấy cuộc sống không hề có ý nghĩa, không niềm vui và không có bất cứ điều gì tích cực. Vì không có động lực, rất nhiều bệnh nhân không có ý định điều trị và muốn từ bỏ cuộc sống bằng cách tìm đến cái chết.

cách nói chuyện với người bị trầm cảm
Đừng quên truyền động lực cho người bị trầm cảm thông qua những câu nói khéo léo, tinh tế

Khi nói chuyện với người bị trầm cảm, hãy tạo động lực cho họ bằng những câu nói động viên như “Tôi biết bạn có thể vượt qua những điều tồi tệ này”, “Tôi tin rằng bạn đủ mạnh mẽ để có thể đối mặt với khó khăn vừa rồi”. Ngoài ra, có thể an ủi họ bằng những câu nói thể hiện sự quan tâm như “Luôn có tôi và mọi người ở bên cạnh bạn”, “Mọi thứ đã qua nhưng tôi vẫn muốn cùng bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Đừng đưa ra lời khuyên sáo rỗng vì điều này hoàn toàn không có ý nghĩa với họ. Thay vào đó, tập trung vào việc bày tỏ sự quan tâm và nhấn mạnh sự hiện diện của bạn trong cuộc sống của họ. Đây chính là sự an ủi lớn nhất mà người bị trầm cảm cần.

7. Đừng quên chia sẻ niềm vui với họ

Cuộc sống của người bị trầm cảm gần như không có bất cứ cảm xúc tích cực nào. Ngay cả khi đón nhận những điều may mắn, họ cũng không cảm thấy hạnh phúc hay vui mừng.

Khi nói chuyện an ủi người trầm cảm, bạn nên chia sẻ niềm vui của mình với họ. Tuy nhiên, đừng nên đề cập đến những thành tựu to lớn, hãy kể về những niềm vui nhỏ bé trong cuộc sống thường nhật. Là cảm giác vui vẻ khi được ăn món mình thích, hạnh phúc khi nuôi một em cún hay cảm giác tự hào khi tham gia các hoạt động xã hội.

Những niềm vui này không khó tìm và bất cứ ai cũng có thể tìm thấy – kể cả người bị trầm cảm. Bạn có thể động viên, khuyến khích họ nuôi thú cưng hay tham gia các hoạt động xã hội để khơi dậy những cảm xúc tích cực.

Lưu ý, không nên đề cập đến những thành tựu bản thân đạt được trong học tập hay công việc. Điều này sẽ khiến bệnh nhân càng tự ti, cảm thấy bản thân vô dụng. Chia sẻ niềm vui từ những điều nhỏ nhặt để họ biết rằng, cuộc sống luôn tràn ngập những điều tích cực, quan trọng nhất là phải thay đổi chính mình để có thể cảm nhận niềm vui một cách trọn vẹn.

8. Cho họ thấy bản thân thật sự quan trọng

Giảm lòng tự trọng là tình trạng thường thấy ở người bị trầm cảm. Họ luôn cho rằng mình thấp kém, không có năng lực, không xứng đáng được quan tâm và yêu thương. Khi nói chuyện với người trầm cảm, bạn nên khéo léo nhấn mạnh sự quan trọng của họ.

Sau khi lắng nghe họ tâm sự, bạn cũng có thể chủ động chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Sau đó, đừng quên bày tỏ lòng biết ơn bằng những câu nói như “Thật may mắn khi có bạn ở bên cạnh lắng nghe”, “Chia sẻ mọi thứ với bạn khiến tôi cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm hơn rất nhiều”.

cách nói chuyện với người bị trầm cảm
Khi trò chuyện với người bị trầm cảm, hãy cho thấy bản thân họ thực sự quan trọng đối với bạn và những người xung quanh

Người bị trầm cảm có tính cách khép kín, tự ti và họ luôn cho rằng mình nhàm chán, thiếu hấp dẫn. Về lâu dài, bệnh nhân nghĩ rằng, mình đang là gánh nặng của mọi người. Tìm đến cái chết là cách duy nhất để mọi người không phải lo lắng về bản thân.

Khi đã cởi mở hơn, bạn nên nhấn mạnh họ là một phần quan trọng trong cuộc sống. Tính cách đặc biệt của họ tạo cho bạn cảm giác thoải mái, bình yên khi ở bên cạnh. Hãy nói rằng, kết giao với họ giúp bạn có nhiều trải nghiệm và bạn thật sự vui khi được quen biết họ.

9. Khích lệ thay vì tranh luận

Trầm cảm đặc trưng bởi cảm giác tội lỗi, người bệnh tin rằng bản thân là nguyên nhân cho mọi biến cố trong cuộc sống. Họ rơi vào trạng thái u uất, đau khổ và luôn dằn vặt bản thân. Khi họ chia sẻ những điều này, bạn không nên phủ nhận hay tranh luận mà nên khuyến khích họ.

Trước tiên, hãy lắng nghe những điều mà họ chia sẻ, bộc bạch. Nếu nhận thấy họ luôn cho rằng bản thân đã phạm phải tội lỗi nghiêm trọng, hãy cho thấy họ đã làm tốt thông qua một số câu nói như “Bạn đã làm rất tốt mà”, “Tôi không biết nếu rơi vào hoàn cảnh đó, tôi có thể làm tốt như bạn hay không” hay “Nếu là bạn, tôi cũng sẽ xử sự như vậy”.

Đồng thời cũng nên khích lệ người bệnh, cho rằng những biến cố vừa qua không hoàn toàn là lỗi của họ và bản thân họ cũng đã cố gắng rất nhiều. Những việc đã qua là chuyện của quá khứ, dằn vặt bản thân không phải là cách hay. Sửa chữa sai lầm bằng thái độ sống tích cực, có ích là cách bù đắp tốt nhất.

Những lời động viên không thể mang lại kết quả trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, những nỗ lực của bạn cùng với sự hỗ trợ của các phương pháp y tế ít nhiều sẽ tác động tích cực đến tâm lý của người bệnh. Họ sẽ dần buông bỏ chấp niệm, thôi dằn vặt bản thân về những chuyện đã qua.

10. Không đánh giá, bình phẩm

Một điều tối kỵ khi nói chuyện với người trầm cảm là đánh giá, bình phẩm họ. Điều này chỉ khiến cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, tuyệt đối không được đưa ra bất cứ đánh giá nào trong quá trình giao tiếp.

cách nói chuyện với người bị trầm cảm
Hãy bày tỏ sự quan tâm thay vì đánh giá, bình phẩm khi giao tiếp với người bị trầm cảm

Những câu nói như “Bạn thật yếu đuối, hãy mạnh mẽ lên” hay “Tôi nghĩ bạn đang quá ủy mị, hãy cố gắng vượt qua thay vì chìm đắm trong đau khổ” chỉ khiến cho người bị trầm cảm cảm thấy bản thân vô dụng, thấp kém. Câu nói của bạn chính là “nhát dao” vô hình khiến cho tâm trạng của họ ngày càng tồi tệ.

Khi nói chuyện với người trầm cảm, hãy thể hiện sự đồng cảm và quan tâm thay vì đánh giá, bình phẩm. Bạn không thể hiểu được những đau khổ, giằng xé mà bệnh nhân phải đối mặt. Vì vậy, hãy chuẩn bị kỹ càng trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện.

11. Hạn chế đề cập đến bệnh tình

Ngày nay, các vấn đề tâm lý, tâm thần được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, định kiến về trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác vẫn chưa được gỡ bỏ hoàn toàn. Vì vậy khi trò chuyện, nên hạn chế đề cập đến bệnh tình dù thật lòng bạn chỉ đang bày tỏ sự quan tâm.

Khi trò chuyện với người bị trầm cảm, nếu nhận thấy họ có ý định từ bỏ điều trị hoặc chưa đến thăm khám, hãy khuyến khích họ tìm gặp bác sĩ. Tuy nhiên, không nên sử dụng những từ nhạy cảm như “khám, điều trị, bệnh nhân” vì điều này sẽ khiến mặc cảm trong lòng ngày càng sâu sắc.

Nên dùng những câu nói khéo léo như “Ai cũng sẽ gặp những khó khăn về mặt tâm lý. Tôi nghĩ bạn sẽ vượt qua giai đoạn này nhanh chóng nếu có sự hỗ trợ của bác sĩ/ chuyên gia tâm lý”. Hay “Tôi cũng có vài người bạn gặp phải tình trạng tương tự, mọi thứ tốt hơn khi nhận được sự giúp đỡ của các chuyên gia”.

Trường hợp bệnh nhân không tiếp nhận điều trị và thường xuyên bỏ lỡ các buổi trị liệu, nên đồng hành cùng họ trong quá trình điều trị. Khi có ai đó kề cạnh, chắc hẳn người bệnh sẽ cảm thấy có động lực hơn. Tuy nhiên, nên giữ thái độ lạc quan, vui vẻ, tránh than phiền khiến họ có cảm giác bản thân đang là gánh nặng của mọi người.

12. Cho họ thấy bạn chính là người đồng hành tuyệt vời

Hành trình vượt qua căn bệnh trầm cảm thật sự không hề dễ dàng. Trong hành trình này, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với cảm giác buồn bã, đau khổ, u uất, mệt mỏi và bi quan. Đây cũng là lý do rất nhiều người quyết định từ bỏ điều trị để tìm đến cái chết.

cách nói chuyện với người bị trầm cảm
Khi có người đồng hành, người bệnh sẽ có thêm động lực và hy vọng trong quá trình điều trị

Để vượt qua hành trình này, chắc hẳn họ sẽ cần đến gia đình và bạn bè. Khi nói chuyện với người trầm cảm, hãy thể hiện bạn là một người đồng hành tuyệt vời. Bạn có thể ở cạnh bên khi họ cảm thấy không vui, có thể đồng hành trong suốt quá trình trị liệu và tái khám.

Hãy để họ cảm thấy rằng, hành trình này không hề đơn độc. Bản thân họ luôn sống trong tình yêu thương và sự quan tâm của mọi người. Đây là điều kiện lý tưởng để người bệnh phục hồi cảm xúc, vực dậy tinh thần sau thời gian dài chìm đắm trong đau khổ.

Một số lưu ý khi nói chuyện với người trầm cảm

Khác với người có sức khỏe tinh thần ổn định, người bị trầm cảm vô cùng nhạy cảm, tâm trạng u uất và buồn bã kéo dài. Họ gần như mất đi mọi cảm xúc tích cực và không nhìn thấy bất cứ hy vọng nào trong cuộc sống. Vì vậy, khi nói chuyện với người trầm cảm, nên chú ý những điều quan trọng sau:

1. Lựa chọn thời điểm thích hợp

Người bị trầm cảm thường khóc lóc vô cớ, đôi khi thơ thẩn vì cả cảm xúc, tư duy và vận động đều bị ức chế. Một số trường hợp kích động do hoang tưởng, ảo thanh và ảo giác.

Khi nói chuyện với người trầm cảm, nên lựa chọn thời điểm bệnh nhân tỉnh táo, tinh thần ổn định. Trò chuyện khi tinh thần người bệnh bất ổn sẽ khó đạt được hiệu quả. Khi bệnh nhân kích động, hãy đảm bảo người bệnh không tự gây tổn thương cho chính mình và những người xung quanh.

2. Suy nghĩ trước mọi lời nói

Tâm lý của người trầm cảm vô cùng phức tạp. Một câu nói tưởng chừng như bình thường có thể vô tình khiến họ cảm thấy tổn thương, đau khổ. Mặc cảm về tội lỗi vì thế trở nên sâu sắc hơn, kéo theo suy nghĩ về cái chết để giải thoát cho bản thân và những người xung quanh.

Lưu ý quan trọng khi nói chuyện với người trầm cảm là cần suy nghĩ kỹ trước mọi lời nói. Từng câu, từng chữ đều có thể là nguồn động lực để họ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nhưng đồng thời cũng có thể nhấn chìm họ trong đau khổ, u uất, dằn vặt dai dẳng.

3. Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bản thân

Tiếp xúc thường xuyên với người bị trầm cảm sẽ khiến cho cảm xúc của bạn bị ảnh hưởng đáng kể. Nhiều người thừa nhận rằng, bản thân dần bi quan, buồn bã do sống chung với bệnh nhân trầm cảm trong một thời gian dài. Vì vậy, đừng quên chăm sóc sức khỏe tinh thần cho chính minh.

cách nói chuyện với người bị trầm cảm
Đừng quên chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bản thân trong hành trình hỗ trợ bệnh nhân trầm cảm

Hãy giữ tinh thần thoải mái, cởi mở bằng lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ và ngủ đủ giấc. Nên tập thể dục mỗi ngày để giải tỏa cảm xúc tiêu cực, tăng ngưỡng chịu đựng stress của cơ thể. Nói không với rượu bia, chất gây nghiện và hạn chế đồ uống chứa caffeine.

Nếu cần thiết, bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý để nâng đỡ tinh thần trước khi hỗ trợ bệnh nhân trầm cảm.

Chiến thắng trầm cảm không chỉ cần sự nỗ lực của người bệnh mà còn nhờ vào sự hỗ trợ tích cực của những người xung quanh. Cách đơn giản nhất để ủi an là nói chuyện với người trầm cảm thường xuyên. Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp bạn đọc có kinh nghiệm, cởi mở hơn khi giao tiếp với người bị trầm cảm.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

rối loạn hành vi giấc ngủ rem
Rối loạn hành vi giấc ngủ REM: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Rối loạn hành vi giấc ngủ REM là một chứng rối loạn hành vi diễn ra trong quá trình ngủ sâu. Người bệnh thường la...

Trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh
Trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa

Trong rất nhiều nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, phụ nữ là đối tượng có tỷ lệ trầm cảm cao và đặc biệt phụ...

Nghiện cờ bạc online: Nguyên nhân và cách cai nghiện hiệu quả

Dù là một trong những trò giải trí kém lành mạnh nhưng cờ bạc online lại có sức hút lớn với rất nhiều người, đặc...

mất cảm xúc hứng thú với cuộc sống
Mất Cảm Xúc, Hứng Thú Với Cuộc Sống: Nguyên nhân và điều trị

Mất cảm xúc, hứng thú với cuộc sống khiến cho bạn khó có thể tập trung tâm trí và dồn hết năng lực để hoàn...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh