Trầm cảm có chữa được không? Cần làm gì khi bị trầm cảm
Trầm cảm không phải là một căn bệnh nan y không có thuốc chữa. Vì thế khi bản thân bạn, hoặc bạn bè hay người thân mắc chứng trầm cảm thì không cần quá lo lắng về việc trầm cảm có chữa được không. Trầm cảm nếu được can thiệp sớm và chữa trị đúng cách thì có thể hoàn toàn khỏi hẳn và không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Vì thế nếu cảm thấy bản thân có những dấu hiệu trầm cảm thì hãy đến gặp bác sĩ để nghe lời khuyên.
Những điều cần biết về trầm cảm
Nếu một ngày nào đó bạn đột nhiên không còn hứng thú với mọi thứ xung quanh, cảm thấy chán nản, tâm trạng lên xuống thất thường, và những suy nghĩ bi quan, tiêu cực bắt đầu xâm lấn tâm trí thì có lẽ bạn đang rơi vào tình trạng trầm cảm mà không nhận ra. Đặc biệt nếu những triệu chứng này kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm thì bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được can thiệp kịp thời.
Đặc trưng của trầm cảm là cảm giác bi quan, buồn bã, trống rỗng, và mất niềm vui vào cuộc sống. Tình trạng chán nản và bi quan của trầm cảm không giống với nỗi buồn hay sự mất mát, những thứ có thể biến mất theo thời gian hoặc theo hoàn cảnh. Ví dụ những người cảm thấy buồn bã vẫn có thể nhanh chóng vui vẻ khi nhìn thấy một điều hài hước, cảm thấy nhẹ lòng sau khi khóc hoặc tâm sự với người khác.
Người bị trầm cảm thì không như vậy. Những cảm xúc tiêu cực mà trầm cảm mang đến kéo dài dai dẳng và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Sự trống rỗng và mệt mỏi do trầm cảm mang lại vô cùng mãnh liệt, và nó không hề mất đi dù bạn đã thay đổi hoàn cảnh để tìm niềm vui. Nếu cảm giác tồi tệ này diễn ra liên tục trong hai tuần, và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày thì đây là lúc bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của chuyên viên tâm lý hoặc bác sĩ.
Trầm cảm không chỉ gây rối loạn cảm xúc, khiến người bệnh có những suy nghĩ tiêu cực, mà còn có thể dẫn đến tình trạng tự tổn hại bản thân và tự sát. Đối với một số trường hợp trầm cảm nặng nếu không áp dụng biện pháp hợp lý, uống thuốc đúng liều và chữa trị đúng cách thì trầm cảm có thể tái đi tái lại mà không có biện pháp chữa trị dứt điểm.
Nguyên nhân gây nên hiện tượng trầm cảm
Nguyên nhân gây nên tình trạng trầm cảm rất phức tạp và khó để xác định chính xác. Việc một người bị trầm cảm có thể do một nguyên nhân, hoặc tổng hợp của nhiều lý do khác nhau. Trầm cảm có thể xuất phát từ những thay đổi trong cuộc sống, do tổn thương và sốc tâm lý, bệnh tật, bị bạo hành, tiền sử gia đình, do thời tiết (trầm cảm theo mùa), do sự thay đổi nội tiết tố, hay một số lý do khác tùy vào từng trường hợp.
Vấn đề tuổi tác
Trầm cảm xảy ra ở mọi lứa tuổi, không phân biệt là già hay trẻ. Trước đây tỉ lệ những người già mắc chứng trầm cảm cao hơn người trẻ. Lý do là vì người lớn tuổi không còn khả năng lao động cảm thấy cô đơn, thấy bản thân vô dụng, thói quen làm việc hằng ngày không còn khiến họ sinh ra cảm giác buồn chán và tự ti. Một số người lớn tuổi sống một mình, không có ai chăm sóc và thiếu sự quan tâm của xã hội khiến tỉ lệ trầm cảm lại càng cao hơn.
Tuy nhiên hiện nay, tỉ lệ người trẻ mắc trầm cảm lại đang tăng vọt. Nguyên nhân là do nhiều vấn đề xã hội, cùng những áp lực trong cuộc sống và công việc đang đè nặng lên đôi vai những người trẻ tuổi. Người trẻ hiện nay nhận được quá nhiều kỳ vọng từ gia đình và xã hội, bản thân họ cũng tự tin vào bản thân. Thế nhưng khi bước chân ra xã hội, sự thật lại nghiệt ngã hơn tưởng tượng rất nhiều.
Chính vì thế, họ cảm thấy buồn bã, suy sụp, dễ trở nên trầm cảm và hoài nghi vào bản thân. Người trẻ cũng ít có kinh nhiệm đối phó và chịu đựng áp lực, dẫn đến việc họ khó vượt qua những va vấp đầu đời. Công nghiệp hóa và hiện đại hóa cũng góp phần khiến con người ta xa nhau, ít đồng cảm và chia sẻ về cuộc sống. Tất cả những lý do đó đều có ảnh hưởng đến tình trạng trầm cảm của người trẻ.
Bạo hành và lạm dụng
Có rất nhiều trường hợp những đứa trẻ lớn lên trong bạo lực, hoặc những người bị bạo hành và lạm dụng lâu ngày, có vấn đề vể sức khỏe tinh thần. Những hành vi gây tổn thương đến cả thể xác và tâm lý này khiến người bệnh cảm thấy đau khổ, tuyệt vọng, sợ hãi và ám ảnh tinh thần trầm trọng. Đây là những đối tượng có tỷ lệ trầm cảm cao, cũng như dễ mắc các bệnh về thần kinh khác.
Trầm cảm do bị bạo hành và lạm dụng trong thời gian dài rất dễ đi đến hành vi tự tử. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thường thấy, và gây trầm cảm nặng cho trẻ con và người lớn, đặc biệt là phụ nữ. Những đối tượng bị bạo hành là những người có tính cách nhút nhát, yếu đuối, ít giao tiếp với những người xung quanh dẫn đến việc không có ai để chia sẻ nỗi đau. Dần dần, học rơi vào tình trạng trầm cảm
Tính chất di truyền
Nguy cơ trầm cảm ở một người có thể gia tăng nếu trong gia đình có người thân trực hệ bị trầm cảm. Điều này chứng tỏ gen di truyền có ảnh hưởng ít nhiều đến tỷ lệ mắc trầm cảm ở một người. Huyết thống càng gần thì tỷ lệ mắc bệnh càng cao. Ví dụ những người có cha mẹ, anh chị em ruột mắc trầm cảm sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, so với những người có họ hàng xa mắc bệnh trầm cảm.
Một số nhà khoa học cho rằng tình trạng trầm cảm là do ảnh hưởng của nhiều gen, chứ không phải do một gen quyết định. Những gen này có thể tác động đặc biệt đến cơ thể và tinh thần của một người, và tương tác với nhau làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
Giới tính
Các số liệu thống kê cho thấy trầm cảm xảy ra ở cả hai giới, nhưng tỷ lệ phụ nữ trầm cảm cao hơn nhiều so với đàn ông. Các nhà khoa học chưa có kết luận chính xác về lý do gây nên hiện tượng này. Tuy nhiên, giả thuyết đặt ra là sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể trong giai đoạn kinh nguyệt, mang thai hay sau sinh có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng trầm cảm ở phụ nữ trong nhiều giai đoạn của cuộc đời.
Tỉ lệ phụ nữ mắc trầm cảm cao gấp 2 lần nam giới. Đặc biệt, giai đoạn tuổi dậy thì, mang thai và sau sinh là những giai đoạn phụ nữ dễ rơi vào tình trạng trầm cảm nhất. Trầm cảm ở phụ nữ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ, mà còn có thể làm tổn thương đến thai nhi và trẻ sơ sinh. Trẻ có nguy cơ mắc các bệnh rối loạn thần kinh hoặc dị tật bẩm sinh nếu thai phụ trầm cảm lâu ngày. Thậm chí có trường hợp mẹ còn làm tổn hại đến trẻ vì trầm cảm sau sinh.
Bệnh nặng, bệnh nan y
Trong một số trường hợp, trầm cảm được kích phát từ một loại bệnh khác. Những người bệnh nặng hoặc bệnh nan y như ung thư, tim mạch, tiểu đường, suy thận, HIV/AIDS thường có cảm giác đau buồn, tuyệt vọng cùng những suy nghĩ tiêu cực về tương lai phía trước. Bởi vì những căn bệnh này không chỉ khó chữa, mà thời gian chữa trị còn rất dài, cộng thêm việc phải hóa trị và xạ trị khiến hệ miễn dịch yếu đi, sức khỏe tinh thần suy giảm khiến bệnh nhân càng dễ mắc trầm cảm hơn.
Những người mắc bệnh vốn đã đau buồn, mệt mỏi và có nhiều suy nghĩ tiêu cực. Trầm cảm lại càng phóng đại những điều đó hơn khiến người bệnh cảm thấy tuyệt vọng vào tương lai. Từ đó khiến người trầm cảm dần buông xuôi mọi hy vọng, có những hành động tự tổn hại bản thân, đặc biệt là có suy nghĩ tự sát.
Tổn thương, đau buồn và sốc tâm lý
Những xung đột trong gia đình, đau buồn vì mất người thân, bị hiểu lầm, bị cô lập, bắt gặp những hình ảnh kinh khủng, thất tình, mất việc làm, giảm thu nhập, chuẩn bị chuyển nhà, ly dị, ly thân, nghỉ hưu,… đều có những ảnh hưởng nhất định đến tâm trạng và sức khỏe tinh thần của bạn. Những vấn đề này có thể không quá nghiêm trọng với một số người, nhưng với một số khác thì lại gây tổn thương và sốc tâm lý trầm trọng.
Những cảm xúc đau buồn và mất mát là không tránh khỏi nếu bạn rơi vào những tình trạng kể trên. Đó là những cảm xúc tự nhiên của con người. Tuy nhiên, sự đau buồn có thể giảm dần và trôi qua sau một thời gian. Bạn có thể thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực sau khi khóc, nghỉ ngơi, hoặc tâm sự với người mà mình tin tưởng. Nhưng cảm giác tự ti và suy nghĩ tiêu cực mà trầm cảm mang đến lại tồi tệ hơn nhiều.
Áp lực học tập và công việc
Ngày nay những áp lực trong học tập và công việc đang ngày một đè nặng lên đôi vai của những người trẻ. Áp lực phải có thành tích học tập tốt, áp lực phải đáp ứng được kỳ vọng của gia đình, áp lực phải tìm được công việc có lương cao, áp lực phải lập gia đình và sinh con,… khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy chán nản, mệt mỏi, mất hứng thú trong học tập và công việc. Từ đó, họ rơi vào trầm cảm nặng kéo dài.
Một số bạn trẻ có tính cách nhút nhát, hiền lành, không giỏi giao tiếp là những đối tượng dễ bị trầm cảm hơn so với những bạn khác. Những bạn yếu đuối, nhạy cảm và không có sức khỏe tinh thần tốt khi gặp áp lực rất dễ nảy sinh những ý nghĩ tiêu cực. Từ đó có nhiều hành động dạy dột làm tổn hại đến bản thân.
Lạm dụng rượu bia và chất kích thích
Một số người tìm đến rượu bia để giảm căng thẳng, nhưng rồi ngày càng phụ thuộc vào những chất kích thích này hơn. Việc lạm dụng chất kích thích lâu ngày lại làm tăng nguy cơ trầm cảm. Đây là một vòng lẩn quẩn không hồi kết, khiến tình trạng trầm cảm của bạn ngày càng tồi tệ mà không có cách nào giải quyết. Ngoài ra, bia rượu có tác dụng là tê mỏi thần kinh, khiến người nghiện không thể kiếm soát suy nghĩ và hành động.
Những chất gây nghiện có thể khiến bạn hưng phấn và vui vẻ nhất thời, tạm quên đi những mệt mỏi, đau khổ và trách nhiệm đang phải chịu đựng. Tuy nhiên những hậu quả mà chúng mang đến lại lớn hơn nhiều. Trong cơn say rượu hay say thuốc, người trầm cảm có thể làm ra những hành động sai trái, làm ảnh hưởng đến bản thân, và cả sức khỏe và tính mạng của những người xung quanh
Trầm cảm có chữa được không?
Trầm cảm có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và có phương pháp điều trị thích hợp. Để đạt đến hiệu quả điều trị tốt nhất, các bác sĩ sẽ kết hợp nhiều biện pháp trị liệu nhằm ổn định tinh thần, giảm nhẹ những triệu chứng trầm cảm, giúp người bệnh suy nghĩ thoát hơn cũng như tăng cường sức khỏe để chống lại những ảnh hưởng xấu mà trầm cảm mang đến.
Trị liệu tâm lý và trị liệu bằng thuốc hiện đang là hai phương án được sử dụng phổ biến để điều trị trầm cảm, kết hợp với đó là những biện pháp thư giãn tại nhà giúp người bệnh giảm bớt căng thẳng và áp lực. Bác sĩ sẽ căn cứ trên tình hình bệnh, khả năng tiếp nhận, cũng như tốc độ cải thiện của bệnh nhân mà quyết định phương pháp và thời gian thực hiện thích hợp.
1. Điều trị trầm cảm bằng liệu pháp tâm lý
Tư vấn tâm lý là bước đầu tiên cần làm để hỗ trợ người bệnh vượt qua cơn trầm cảm đang đeo bám. Phương pháp này có hiệu quả với cả những trường hợp trầm cảm nặng và nhẹ. Liệu pháp tâm lý là liệu pháp chính khi điều trị trầm cảm dạng nhẹ. Còn đối với những bệnh nhân trầm cảm nặng và trầm cảm mãn tính, phương pháp điều trị chính là điều trị bằng thuốc, liệu pháp tâm lý có tác dụng hỗ trợ.
Một số người cảm thấy dễ dàng khi bộc bạch những suy nghĩ, cũng như cảm xúc của mình cho bác sĩ hoặc một người xa lạ hơn những người thân quen. Vì thế, bác sĩ tâm lý sẽ là một thính giả phù hợp để lắng nghe và phân tích những khó khăn vướng mắc bệnh nhân luôn giấu trong lòng. Bác sĩ cần xác định những nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến cơn trầm cảm để có phương pháp phù hợp giúp đỡ người bệnh.
Mục đích tâm lý trị liệu là giúp người bệnh cảm thấy thoái mái, thư giãn và hướng người bệnh đến những suy nghĩ tích cực, có thêm niềm tin vào cuộc sống. Thông qua việc điều trị tâm lý, bác sĩ cũng có thể nắm bắt những thay đổi trong tâm lý và tinh thần người bệnh, giúp phát hiện sớm nếu trầm cảm có chiều hướng xấu đi. Tâm lý trị liệu cũng là biện pháp cần thiết để hạn chế tác dụng phụ từ thuốc chống trầm cảm lên tinh thần người bệnh.
2. Điều trị trầm cảm bằng thuốc
Với những bệnh nhân trầm cảm trung bình, nặng hoặc trầm cảm theo mùa, nếu chỉ áp dụng trị liệu tâm lý thì không đủ đế giúp người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn. Vì thế, bác sĩ sẽ kê thêm những loại thuốc trầm cảm để giúp hỗ trợ quá trình trị bệnh. Thuốc chống trầm cảm không được khuyến khích sử dụng trong những trường hợp trầm cảm nhẹ, vì thuốc có trể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến cơ thể. Tuy nhiên, việc trị liệu bằng thuốc được chấp nhận nếu những phương pháp khác không mang đến hiệu quả.
Cách thức hoạt động của thuốc chống trầm cảm là làm tăng serotonin và noradrenalin trong não. Đây là những chất dẫn truyền thần kinh có ảnh hưởng đến cảm xúc và tâm trạng của bệnh nhân. Việc thiếu hụt những chất dẫn truyền thần kinh là nguyên nhân gây ra hiện tượng trầm cảm. Do đó việc tăng cường những chất này có thể kích thích tinh thần, giúp người bệnh thoải mái, thư giãn và suy nghĩ tích cực hơn.
Hiện nay SSRIs (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc) và SNRIs (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrin) là hai nhóm thuốc chữa trầm cảm phổ biến được kê cho bệnh nhân nhờ hiệu quả điều trị tốt, ít gây tác dụng phụ và an toàn cho sức khỏe người dùng. So với những loại thuốc đời đầu, hai nhóm thuốc này kế thừa được nhiều ưu điểm của nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng hay MAOIs cũ, nhưng lại lành tính và an toàn hơn.
Việc sử dụng thuốc cần tuân theo đúng yêu cầu của bác sĩ. Ngoài ra người bệnh cũng phải theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh của mình. Một số loại thuốc trầm cảm có thể thôi thúc ý muốn tự tử, làm tăng nguy cơ tự sát của người bệnh nhất là ở độ tuổi thanh thiếu niên. Việc thay đổi liều lượng hay đột ngột bỏ thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ cũng gây nên nhiều hệ lụy ảnh hương nặng nề đến sức khỏe.
Có lẽ bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!