Trầm cảm có nguy hiểm không? Chuyên gia giải đáp
Trầm cảm có nguy hiểm không chắc hẳn là câu hỏi được đặt ra bởi rất nhiều người đang mắc phải căn bệnh rối loạn tâm thần này. Thực tế, trầm cảm là một vấn đề sức khỏe nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều hệ lụy nếu không được hỗ trợ can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của bệnh còn phải tùy thuộc vào mức độ trầm cảm và rất nhiều các yếu tố tác động khác.
Trầm cảm có nguy hiểm không?
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần với đặc trưng là sự suy giảm nghiêm trọng về khí sắc, người bệnh luôn cảm thấy buồn bã, mệt mỏi, chán nản, tuyệt vọng và bi quan về cuộc sống. Trầm cảm không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn tác động lớn đến hoạt động của thể chất, gây nên nhiều sự biến đổi về giấc ngủ, chế độ ăn uống, xuất hiện các cơn đau nhức khiến cho đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh dần bị hạn chế.
Trầm cảm có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, không phân biệt độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, giai cấp xã hội, văn hóa vùng miền. Bất cứ ai trong chúng ta đều có nguy cơ rơi vào trạng thái trầm cảm ở nhiều mức độ khác nhau. Dựa vào các nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, mỗi con người đều có khả năng trải qua ít nhất một giai đoạn trầm cảm nhẹ trong suốt cuộc đời.
Vì thế, rất nhiều người luôn tự đặt ra câu hỏi “Liệu trầm cảm có nguy hiểm không?”. Trong thực tế, trầm cảm là một căn bệnh phổ biến được giới chuyên môn đánh giá với mức độ nguy hiểm cao. Trầm cảm thường tiến triển âm thầm và khó nhận biết trong giai đoạn đầu nên việc hỗ trợ can thiệp và điều trị cũng gặp nhiều khó khăn, bệnh tình tái phát nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống của bệnh nhân.
Tuy nhiên, trầm cảm thường được chia thành 3 cấp độ khác nhau, bao gồm trầm cảm cấp độ 1, trầm cảm cấp độ 2 và trầm cảm cấp độ 3. Đối với các trường hợp trầm cảm cấp độ 1 hay còn gọi là trầm cảm nhẹ thì mức độ nguy hiểm không quá đáng kể. Lúc này các triệu chứng bệnh vẫn còn thưa thớt, chưa rõ ràng và không gây ảnh hưởng quá nhiều đến các hoạt động đời sống cũng như sức khỏe của bệnh nhân.
Trầm cảm nhẹ nếu có thể được phát hiện và áp dụng tốt các biện pháp can thiệp phù hợp thì hoàn toàn có khả năng được phục hồi hiệu quả, người bệnh dễ dàng cân bằng lại trạng thái tinh thần và ổn định cuộc sống tốt hơn. Thậm chí có nhiều trường hợp trầm cảm khởi phát ở giai đoạn đầu có thể tự khỏi mà không cần có sự can thiệp của bất kỳ biện pháp điều trị nào.
Thế nhưng, nếu các triệu chứng trầm cảm ở giai đoạn nhẹ không được nhận biết và can thiệp tốt sẽ dần phát triển và trở nên nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng của trầm cảm vừa và nặng sẽ xuất hiện với tần suất liên tục hơn, gây nên các cản trở đối với sinh hoạt đời sống hàng ngày và làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của người bệnh.
Đặc biệt, các trường hợp trầm cảm nặng, người bệnh còn có thể xuất hiện các suy nghĩ về cái chết và liên tục có hành vi muốn tự sát để giải thoát cho chính mình. Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy, trầm cảm chính là nguyên nhân phổ biến gây nên các vụ tự sát ở nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là ở nam giới.
Do đó, có thể nhận thấy rằng, mức độ nguy hiểm của trầm cảm còn phải tùy thuộc khá nhiều vào giai đoạn của bệnh. Nếu trầm cảm chỉ ở mức độ nhẹ thì việc hỗ trợ can thiệp và khắc phục sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trầm cảm nặng lại gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với người bệnh hoặc thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của họ nếu không được can thiệp kịp thời.
Các ảnh hưởng to lớn của trầm cảm
Như đã chia sẻ, trầm cảm là một căn bệnh rối loạn tâm thần nguy hiểm, đặc biệt là ở giai đoạn vừa và nặng. Các biểu hiện của trầm cảm nếu không được sớm phát hiện và có các biện pháp điều trị hiệu quả thì người bệnh sẽ phải đối diện với rất nhiều các hậu quả xảy ra đến từ bệnh lý này.
Cụ thể, một số ảnh hưởng thường gặp ở người bệnh trầm cảm như:
1. Suy giảm sự tập trung
Phần lớn người bệnh trầm cảm đều bị suy giảm về khả năng tập trung, họ không thể chú ý tốt vào việc tiếp nhận và xử lý thông tin hoặc để hoàn thành một công việc nào đó. Theo giải thích của các chuyên gia thì, trạng thái lo lắng, mệt mỏi, buồn phiền của trầm cảm sẽ khiến cho hệ thần kinh bị ức chế, từ đó làm cản trở đến các hoạt động của não bộ và làm cho người bệnh mất tập trung.
Điều này khiến cho bệnh nhân không thể hoàn thành tốt việc học tập, khó có thể đạt được những thành tựu trong công việc, thậm chí không thể thực hiện được các việc làm đơn giản hàng ngày. Thậm chí còn có nhiều người rơi vào trạng thái sa sút trí tuệ, nguy cơ phát triển chứng Alzheimer cũng tăng cao.
2. Mất ngủ kéo dài
Mất ngủ và trầm cảm được nghiên cứu là 2 vấn đề sức khỏe có sự tương tác qua lại mật thiết với nhau. Mất ngủ kéo dài nghiêm trọng sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở nhiều người và ngược lại, có hơn 80% các trường hợp người bệnh trầm cảm bị mất ngủ, khó ngủ liên tục.
Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và đời sống của con người. Nếu một người liên tục mất ngủ, ngủ không đủ giấc sẽ khiến cho cơ thể dần bị suy kiệt, tinh thần suy giảm và không thể hoàn thành tốt các công việc hàng ngày.
Thức dậy với một giấc ngủ chập chờn, không sâu giấc sẽ khiến bạn không có đủ năng lượng để hoạt động cho ngày mới. Kèm theo đó có thể là các triệu chứng đau nhức đầu dữ dội, nhức mỏi chân tay, suy nhược cơ thể hoặc khiến cho tình trạng bệnh trầm cảm càng trở nên nghiêm trọng.
3. Suy giảm ham muốn tình dục
Trầm cảm đôi khi còn có thể ảnh hưởng và làm suy giảm ham muốn tình dục ở nhiều người bệnh. Theo như chia sẻ thì bệnh nhân trầm cảm dường như không có hứng thú để tham gia và làm bất cứ công việc gì, kể cả quan hệ vợ chồng.
Đối với nam giới trầm cảm, họ có thể bị yếu sinh lý, rối loạn cương dương và gặp nhiều vấn đề khác trong quá trình quan hệ. Còn khi trầm cảm xuất hiện ở phụ nữ thì họ sẽ dần mất đi ham muốn tình dục, không thể thăng hoa, dễ bị khô hạn và đau rát khi quan hệ.
Điều này khiến cho nhiều người bệnh có xu hướng tránh né chuyện vợ chồng, họ không muốn gần gũi với bạn đời. Nếu tình trạng kéo dài sẽ dễ gây nên những mâu thuẫn trong mối quan hệ hoặc có thể làm rạn nứt hạnh phúc của gia đình.
4. Gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Dựa vào các nghiên cứu khoa học và chia sẻ của chuyên gia thì những người mắc bệnh trầm cảm sẽ có nguy cơ mắc phải bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn so với bình thường. Cũng bởi, phần lớn những trường hợp mắc bệnh đều có sự thay đổi nhanh chóng và đột ngột về thói quen ăn uống, họ có thể chán ăn, ăn không ngon miệng hoặc ăn liên tục, ăn nhiều đồ ngọt và không kiểm soát được khẩu phần ăn của bản thân.
Nhiều người khi buồn bã, chán nản, suy sụp sẽ có xu hướng tìm đến đồ ăn như một giải pháp để giải tỏa tâm trạng, xua tan phiền muộn. Việc ăn uống quá độ và không đảm bảo được chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ khiến cho cân nặng bị ảnh hưởng, nguy cơ béo phì, tim mạch, tiểu đường gia tăng đáng kể.
5. Xu hướng lạm dụng chất gây nghiện
Người bệnh trầm cảm thường xuyên cảm thấy buồn chán, u sầu và không còn niềm tin vào cuộc sống. Họ dần rơi vào bế tắc, không thể tìm kiếm được lối ra cho bản thân và có nhiều xu hướng tìm đến các chất gây nghiện, chất kích thích để giải tỏa nỗi sầu.
Trong thực tế, việc sử dụng bia rượu, thuốc lá, ma túy có thể giúp cho người bệnh cảm thấy hưng phấn và dễ chịu hơn. Tuy nhien, các chất này đều có tác dụng độc hại với sức khỏe, sau khi hết tác dụng, người bệnh sẽ càng lún sâu vào nỗi buồn và làm cho tình trạng bệnh càng trở nên tồi tệ.
6. Rạn nứt các mối quan hệ lành mạnh
Trầm cảm khiến cho nhiều người bệnh có xu hướng tránh né việc tiếp xúc với mọi người xung quanh, họ luôn tìm cách tránh gặp gỡ, trò chuyện và gần gũi với người khác. Bệnh nhân sẽ thích những nơi tối tăm, không có nhiều tiếng ồn và chỉ muốn ở một mình.
Họ có xu hướng tự cô lập bản thân và chìm đắm vào những sự vụn vỡ trong tâm hồn. Ngoài ra, người bệnh trầm cảm còn có sự thay đổi bất thường về cảm xúc, họ dễ kích động, nhạy cảm hoặc hay cáu gắt và nóng giận với những người xung quanh nên dễ hình thành các mâu thuẫn và gây tác động xấu đến các mối quan hệ.
7. Trầm cảm gia tăng nguy cơ ung thư
Trầm cảm được biết đến là một căn bệnh nguy hiểm với rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Tuy nhiên, cũng rất ít người biết rằng, chứng rối loạn tâm thần này lại có khả năng làm gia tăng nguy cơ phát triển ung thư ở nhiều bệnh nhân.
Theo đó, các triệu chứng tinh thần và thể chất của người bệnh trầm cảm liên tục kéo dài sẽ khiến cho hệ thống miễn dịch của cơ thể dần bị suy giảm, từ đó dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động ảnh hưởng đến sức khỏe, làm gia tăng khả năng mắc bệnh ung thư.
Bên cạnh đó, đối với các trường hợp bệnh nhân ung thư mắc chứng trầm cảm thì càng có xu hướng phát triển bệnh nhân hơn bình thường. Nhiều kết quả nghiên cứu nhận thấy rằng, các khối u có khả năng tiến triển nghiêm trọng hơn khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
8. Suy nghĩ tiêu cực, tự sát
Hậu quả nghiêm trọng nhất thường được nhắc đến khi nói về trầm cảm đó chính là nguy cơ tự sát ở người bệnh, đặc biệt là các trường hợp trầm cảm nặng. Bệnh nhân thường xuyên bị ám ảnh bởi các suy nghĩ tiêu cực, tồi tệ và tự cho bản thân là kẻ vô dụng, bất tài, không xứng đáng để được sống trên cuộc đời.
Vì thế, họ có nhiều xu hướng nghĩ về cái chết, xem cái chết như một cách giải thoát cho chính mình. Trong thực tế đã có không ít các trường hợp trầm cảm cố gắng tìm cách tự sát hoặc tự làm đau bản thân với ý định muốn trừng phạt hoặc kết thúc mọi thứ tồi tệ đang diễn ra.
Khó có thể kể hết được những ảnh hưởng mà trầm cảm gây ra đối với người bệnh và cả gia đình, xã hội. Tuy nhiên, nếu hiểu và biết cách nhận diện trầm cảm ngay từ giai đoạn đầu thì chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn và khắc phục tốt các hậu quả nghiêm trọng mà căn bệnh này gây ra, hạn chế được tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đối với bệnh nhân và những người xung quanh họ.
Làm sao để khắc phục chứng trầm cảm hiệu quả?
Trầm cảm gây ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống của người bệnh, thậm chí nó còn làm suy giảm nghiêm trọng về sức khỏe tổng thể của con người, đe dọa đến tính mạng của họ. Tuy nhiên, với sự phát triển vượt bậc của y học ngày nay thì trầm cảm đã có thể được khắc phục tốt bởi nhiều biện pháp can thiệp khác nhau.
Tùy vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng bệnh lý của mỗi người mà các chuyên gia sẽ tư vấn kỹ lưỡng về việc chọn lựa phương pháp can thiệp phù hợp nhất. Thông thường, đối với các trường hợp trầm cảm phát hiện sớm ở giai đoạn nhẹ, bệnh nhân chỉ cần nhanh chóng thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh, suy nghĩ tích cực hơn để giảm thiểu trầm cảm hiệu quả.
Nhưng khi trầm cảm phát triển lên các giai đoạn nặng hơn thì cần kết hợp thêm nhiều phương pháp chuyên khoa như tâm lý trị liệu, sử dụng thuốc hoặc sốc điện để hỗ trợ kiểm soát triệu chứng bệnh, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe và tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Vì thế, người bệnh ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường nghi ngờ trầm cảm thì cần tiến hành thăm khám cụ thể để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, hỗ trợ hiệu quả.
Cách biện pháp thường được áp dụng để cải thiện chứng trầm cảm như:
1. Cải thiện bệnh tại nhà
Đối với các trường hợp trầm cảm nhẹ, các biểu hiện chưa quá rõ ràng và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống thì có thể được nhanh chóng cải thiện tốt bằng nhiều biện pháp tại nhà. Chủ yếu, người bệnh cần phải xây dựng và thay đổi lối sống sinh hoạt hàng ngày, tăng cường các thói quen sinh hoạt lành mạnh và loại bỏ tốt những hành vi tiêu cực để đời sống tinh thần được cải thiện tốt hơn.
Cụ thể, để khắc phục và phòng ngừa trầm cảm hiệu quả, bạn cần duy trì lối sống theo các cách sau:
- Nâng cao sức khỏe bằng các bài tập thể dục thể thao ngay tại nhà. Mỗi ngày chỉ cần dành ra khoảng 15 đến 30 phút để vận động nhẹ nhàng cũng đủ giúp bạn có được một thể lực tốt, một tinh thần vui vẻ, tràn đầy năng lượng. Đặc biệt là đối với người bệnh trầm cảm nên ưu tiên lựa chọn các bài tập yoga, đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội, đánh cầu lông,…để giúp xua tan mệt mỏi, căng thẳng, buồn phiền hiệu quả, an toàn.
- Chế độ ăn uống hàng ngày cũng cần được đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung nhiều rau xanh, các loại thực phẩm an toàn. Tránh dung nạp các món ăn quá ngọt, quá béo, thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, chế biến sẵn.
- Bệnh nhân trầm cảm tuyệt đối không được sử dụng rượu bia, thuốc lá hoặc bất kỳ chất gây nghiện, chất kích thích nào.
- Hỗ trợ nâng cao chất lượng giấc ngủ, ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày và duy trì giấc ngủ chất lượng. Mỗi ngày cần ngủ sớm trước 23 giờ và thức dậy cùng một khung giờ trong ngày, kể cả ngày nghỉ. Để hạn chế tình trạng khó ngủ, bạn có thể massage cơ thể, đi dạo nhẹ nhàng hoặc ngâm chân với nước ấm trước khi ngủ, sử dụng tinh dầu thơm trong phòng,…
- Chủ động chia sẻ nhiều hơn với những người thân thiết bên cạnh, cùng tâm sự về những khó khăn hoặc những điều tiêu cực mà bạn đang trải qua.
- Học cách sắp xếp thời gian và cân bằng công việc, tránh áp lực kéo dài. Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng quá mức bạn hãy dành một ít thời gian để thư giãn bằng cách ngồi thiền, đọc sách, nghe nhạc, đi bộ vài vòng, uống trà thảo mộc,…để đầu óc được thư giãn tốt hơn.
- Hãy luôn tìm kiếm cho mình một hoạt động để vui chơi, giải trí lành mạnh. Tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng và tránh việc ù lì một chỗ. Hoặc khi rảnh rỗi hãy thử hẹn gặp bạn bè, đồng nghiệp cùng ngồi uống nước, ăn quà vặt và tám về những câu chuyện đời sống.
2. Tâm lý trị liệu
Hiện nay, tâm lý trị liệu được sử dụng rất rộng rãi và phổ biến trong nhiều trường hợp cải thiện sức khỏe cho người bệnh trầm cảm và các trường hợp rối loạn tâm thần khác nhau. Phương pháp này được ưu tiên sử dụng nhiều bởi tính hiệu quả và mức độ an toàn đối với hầu hết các đối tượng bệnh.
Tâm lý trị liệu không sử dụng thuốc, không can thiệp cơ thể nên hoàn toàn không gây ra các tác dụng phụ hoặc biến chứng nguy hiểm. Người bệnh sẽ được hỗ trợ trao đổi và trị liệu trực tiếp cùng với chuyên gia tâm lý để dần tháo gỡ và điều chỉnh các vấn đề khó khăn về mặt tâm lý mà bản thân đang gặp phải.
Bằng cách trò chuyện thông qua ngôn ngữ, chuyên gia sẽ dần hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh cũng như nguyên nhân sâu xa gây ra chứng trầm cảm. Chuyên gia sẽ giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về bản thân mình, biết cách đưa ra những hướng giải quyết phù hợp và cân bằng đời sống tinh thần hiệu quả.
Ngoài ra, người bệnh trầm cảm còn được trang bị thêm về những kỹ năng sống cần thiết, chủ yếu là kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng giảm căng thẳng, kỹ năng vượt qua khó khăn,…để hòa nhập cuộc sống tốt hơn. Bệnh nhân sau khi trị liệu phần lớn đều đã cân bằng được đời sống, tái hòa nhập cộng đồng và phòng tránh tốt nguy cơ tái phát bệnh.
3. Điều trị bằng thuốc
Với các tình trạng trầm cảm ở mức độ nặng hoặc người bệnh có xuất hiện các biểu hiện nguy hiểm như tự sát thì cần được chỉ định sử dụng một vài loại thuốc chống trầm cảm để kiểm soát triệu chứng. Thuốc có tác dụng tốt trong việc làm thuyên giảm các cảm xúc tiêu cực, ngăn chặn những hành vi tồi tệ mà trầm cảm có thể gây ra.
Tuy nhiên, việc dùng thuốc cùng cần được cân nhắc kỹ lưỡng và sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Cũng bởi, phần lớn thuốc hỗ trợ điều trị trầm cảm đều có khả năng gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn hoặc thậm chí là tử vong nếu dùng sai cách.
4. Liệu pháp sốc điện
Trong trường hợp người bệnh trầm cảm không đáp ứng được các phương pháp điều trị trên thì bác sĩ chuyên khoa có thể khuyến khích sử dụng liệu pháp sốc điện. Đây là kỹ thuật sử dụng một nguồn điện có cường độ thấp để truyền vào não bộ của người bệnh và giúp làm đảo ngược các chất hóa học bên trong, từ đó giúp thay đổi và cân bằng lại trạng thái tâm lý của con người.
Phương pháp này hoàn toàn không gây đau đớn bởi trong quá trình thực hiện, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân. Liệu pháp cũng được tiến hành bởi các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm với trình độ chuyên môn cao nên đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Thông tin bài viết trên đây đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc “Bệnh trầm cảm có nguy hiểm không?”. Đây là một căn bệnh có mức độ nghiêm trọng cao và hiện đang ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng nên mỗi chúng ta cần có ý thức phòng tránh, ngăn ngừa thật tốt.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!