Các dấu hiệu trầm cảm ở học sinh: Nhận biết sớm tránh hậu quả
Trầm cảm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi chứ không riêng gì người lớn. Do đó, quan niệm học sinh không thể bị trầm cảm hoàn toàn sai lầm. Tình trạng trầm cảm khi còn nhỏ tuổi ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tinh thần, cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ. Vì thế cha mẹ cần sớm phát hiện các dấu hiệu trầm cảm ở học sinh, để nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ và chuyên viên tâm lý để được hỗ trợ kịp thời.
Tình trạng trầm cảm ở học sinh hiện nay
Đặc trưng của trầm cảm là cảm giác tiêu cực, và sự tiêu cực này ảnh hưởng đến mọi suy nghĩ và hành động của người mắc bệnh. Trầm cảm không giống như đau buồn, mặc dù đau buồn là cảm xúc thường gặp của người trầm cảm. Đau buồn thường có nguyên nhân cụ thể như người thân mất, áp lực công việc, không thuận lợi trong chuyện tình cảm,… và có thể được giải tỏa bằng nhiêu cách như khóc, tâm sự với người thân bạn bè, hoặc tự bản thân vượt qua.
Trầm cảm thì khác. Cảm giác buồn bã, mất hứng thú với mọi thứ của người trầm cảm kéo dài gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm trạng và chất lượng cuộc sống. Trầm cảm khiến con người suy nghĩ tiêu cực, thay đổi tính cách, giảm khả năng tập trung, mất động lực, luôn cảm thấy bi quan, có suy nghĩ tiêu cực và nhiều hành vi tự tổn hại bản thân như rạch tay hay tự tử. Trầm cảm mang đến những hậu quả nghiêm trọng nếu không được hỗ trợ sớm, đặc biệt là ở lứa tuối học sinh.
Trầm cảm ở học sinh là một căn bệnh về tinh thần có thể nhận thấy thông qua sự thay đổi tâm trạng ở trẻ. Ví dụ trước đây trẻ rất hoạt bát, hiếu động, thích nói thích cười, nhưng đột nhiên lại trở nên lầm lì, ít nói, phản ứng mạnh với cha mẹ và có những hành vi tự tổn thương bản thân. Trầm cảm cũng ảnh hưởng đến khả năng tập trung khiến kết quả học tập của trẻ sa sút. Trẻ cũng bắt đầu xa cách mọi người. Đây là những dấu hiệu trầm cảm ở học sinh điển hình.
Một số dấu hiệu trầm cảm ở học sinh
Số lượng học sinh bị trầm cảm ngày càng tăng cao và đạt đến mức báo động. Đây là lý do việc tư vấn tâm lý học đường dần được quan tâm hơn nhằm đảm bảo sức khỏe tinh thần cho trẻ. Tuy nhiên, vấn đề này còn nhiều bất cập và không giúp ích quá nhiều trong việc hạn chế và hỗ trợ trẻ trầm cảm. Trầm cảm có một số biểu hiện thường thấy từ nhẹ đến nặng, tùy vào tình hình bệnh của trẻ như:
- Khả năng tập trung của trẻ kém, khó ghi nhớ dẫn đến kết quả học tập sa sút
- Trẻ không còn hứng thú với những hoạt động từng yêu thích
- Trẻ đột nhiên trở nên ít nói, không hoạt bát và nói nhiều như trước
- Trẻ khó ngủ, đêm ngủ không yên giấc, dễ bị giật mình giữa đêm
- Trẻ ngủ nhiều bất thường, luôn cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ đặc biệt là vào buổi sáng
- Trẻ không muốn đến chỗ ồn ào và đông người, cũng như ngày càng ít có nhu cầu giao tiếp
- Thói quen và sở thích ăn uống của trẻ thay đổi
- Trẻ luôn trong trạng thái lờ đờ, mệt mỏi, không có sức sống
- Trẻ cảm thấy ăn không ngon, không có hứng ăn uống, hoặc ăn nhiều bất thường
- Trẻ thường cảm thấy lo lắng, nôn nóng, bực bội và khó chịu không rõ nguyên do
- Trẻ cảm thấy tự ti, thấy bản thân vô dụng, thua sút bạn bè xung quanh
- Trẻ dễ trở nên kích động, có thể có hành vi bạo lực
- Trẻ gặp một số vấn đề về sức khỏe như thường xuyên cảm thấy đau đầu, nhức mỏi, uể oải, nôn ói,…
- Trẻ suy nghĩ mọi thứ theo hướng tiêu cực và có thể dẫn đến hành vi tự tử
Nếu những dấu hiệu trầm cảm ở học sinh xảy ra liên tục trong thời gian dài từ 2 tuần trở lên thì rất có thể, trẻ đang mắc chứng trầm cảm. Một số phụ huynh có thể xem nhẹ những dấu hiệu này, và cho rằng trẻ chỉ đang lười biếng và không ngoan ngoãn. Vì thế cha mẹ bắt đầu đánh mắng và ép buộc trẻ học hành chăm chỉ. Việc làm này không những không có tác động tích cực mà chỉ khiến tình trạng trầm cảm của trẻ trở nên trầm trọng hơn.
Phụ huynh cần tinh ý và khéo léo trong vấn đề phát hiện và hỗ trợ trẻ trầm cảm. Nếu không, tình hình của trẻ sẽ ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt có thể đẩy trẻ đến bước đường tự sát nếu tạo áp lực quá lớn. Những năm gần đây có không ít những vụ học sinh, sinh viên tự tử do trầm cảm vì không được phát hiện và tư vấn kịp thời. Có thể thấy, trầm cảm ở học sinh đang trở thành nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh và toàn xã hội.
Nguyên nhân trầm cảm ở học sinh
Vấn đề trầm cảm ở học sinh có thể xảy ra trong mọi độ tuổi từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến đại học. Mặc dù đa số những trường hợp trầm cảm được phát hiện khi trẻ bước vào độ tuổi dậy thì, thường là 15 tuổi trở lên, nhưng tỉ lệ trẻ bị trầm cảm ở lứa tuổi nhỏ hơn cũng đang có chiều hướng gia tăng. Đo là do trong thời đại này, những áp lực mà các em phải chịu khi còn nhỏ tuổi là quá lớn.
Có thể thấy, trầm cảm đang trở thành một trong những căn bệnh của thời đại, và nguyên nhân gây ra tình trạng trầm cảm xuất phát từ nhiều vấn đề tâm lý và cả vấn đề xã hội đương thời. Khi cha mẹ không có thời gian quan tâm con cái, những đứa trẻ lớn lên trong sự cô độc có nguy cơ trầm cảm ngày một tăng cao. Những dấu hiệu trầm cảm ở học sinh có thể được nhận thấy từ sớm nếu cha mẹ có sự quan tâm nhất định đến con cái.
Sự thay đổi tâm sinh lý
Sự mất cân bằng hormone trong cơ thể và những vấn đề tâm sinh lý tuổi dậy thì là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trầm cảm ở học sinh. Khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ bắt đầu quá trình “lột xác” từ trẻ em thành người trưởng thành. Quá trình này xảy ra ở cả tâm lý và sinh lý khiến trẻ chưa kịp làm quen, cũng như chưa có cái nhìn chính xác về những vấn đề gặp phải trong cuộc sống.
Trẻ trong độ tuổi này bắt đầu có suy nghĩ riêng và phải đối mặt với những vấn đề của người trưởng thành. Chính vì chưa đủ chín chắn về nhận thức nên các em dễ sa vào những suy nghĩ tiêu cực, dễ cảm thấy căng thẳng và chán nản khi gặp khó khăn mà không biết cách giải quyết. Lâu dần, những ý nghĩ tiêu cực này sẽ giống như quả cầu tuyết càng lăn càng lớn và khiến trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm kéo dài.
Ảnh hưởng từ mạng xã hội
Trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay, trẻ em được tiếp xúc với những sản phẩm công nghệ từ quá sớm. Do đó, trẻ bắt đầu chơi game, tìm tòi thông tin thông qua các trang web và ứng dụng phần mềm, cũng như tham gia những nền tảng ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Tiktok, Youtube,… Tuy nhiên nhiều phụ huynh không nhận thức được rằng, việc tiếp xúc với Internet quá sớm có thể làm tăng tỉ lệ trẻ bị trầm cảm.
Thứ nhất, vấn đề nghiện game, nghiệm ứng dụng mạng xã hội khiến trẻ mất đi hứng thú với việc học tập và những hoạt động ngoài trời. Việc chìm đắm vào thế giới ảo cùng sự tương tác có phần 1 chiều khiến trẻ ngày càng chậm chạp, lười biếng, không muốn giao tiếp, và trẻ có thể bị ám ảnh bởi những tình tiết và hình ảnh từ những tựa game hoặc ứng dụng mạng xã hội đang sử dụng hàng ngày.
Thứ hai, luồng thông tin trên internet không được kiểm chứng nên không tránh khỏi sự lệch lạc trong một số vấn đề. Trẻ lại chưa có đủ nhận thức và khả năng phân tích đúng sai, nên dễ bị thu hút bởi thông tin sai lệch, đồi trụy làm nảy sinh những suy nghĩ không đúng đắn và tiêu cực.
Ngoài ra, trẻ còn có thể bị những kẻ xấu xa trên mạng dụ dỗ và tiêm nhiễm những điều kinh khủng. Từ đó khiến trẻ ám ảnh và rơi vào tình trạng trầm cảm. Những điều này ảnh hưởng rất xấu đến nhận thức và quá trình hình thành nhân cách của trẻ, khiến trẻ cảm thấy hoang mang, căng thẳng và sợ hãi.
Áp lực gia đình và áp lực học tập
Một trong những lý do thường thấy và dễ bắt gặp nhất gây nên tình trạng trầm cảm ở trẻ là sự kỳ vọng quá lớn từ gia đình và áp lực học tập. Đương nhiên cha mẹ nào cũng muốn con học tập tốt để có tương lai xán lạn, nhưng nhiều phụ huynh đã ép trẻ phải đạt được những mục tiêu vượt quá khả năng. Thậm chí nhiều phụ huynh còn bắt ép trẻ học tập theo yêu cầu của cha mẹ, chứ không hề quan tâm trẻ thích cái gì, giỏi cái gì.
Mỗi đứa trẻ được sinh ra với những tài năng khác biệt, và trẻ cần được phát triển theo đúng những thế mạnh của mình. Việc bị cha mẹ và thầy cô ép từ bỏ những thứ yêu thích, và nhồi nhét những điều trẻ chán ghét có thể khiến trẻ trầm cảm. Trẻ không thể phản kháng yêu cầu của cha mẹ nên những ấm ức, mệt mỏi đều được giấu kín trong lòng và diễn biến thành trầm cảm nếu tình trạng này kéo dài.
Căn bệnh thành tích trong giáo dục, sự kỳ vọng của cha mẹ và họ hàng, những so sánh về thành tích học tập với anh chị em và bạn bè xung quanh, cùng những mục tiêu trẻ tự đặt ra cho mình giống như những tòa núi lớn đè nặng lên đôi vai của các em học sinh. Trẻ sẽ cảm thấy mất tự tin, cảm thấy bản thân vô dụng và thất bại. Những cảm xúc tiêu cực này nếu không được giải tỏa sớm thì sẽ gây nên tình trạng trầm cảm nặng nề.
Thái độ thất vọng và sự nghiêm khắc quá đáng của cha mẹ trong việc học tập khiến trẻ ngày càng khủng hoảng nặng nề hơn. Để phát triển khỏe mạnh về tinh thần và thể chất thì ngoài thời gian học, trẻ cũng cần thời gian vui chơi và nghỉ ngơi để cơ thể hồi phục năng lượng. Sức ép qua tự việc học tập khiến trẻ không có thời gian thư giãn, không được nghỉ ngơi dẫn đến căng thẳng mệt mỏi kéo dài.
Thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình
Rất nhiều trường hợp trẻ trầm cảm xuất phát từ sự thờ ơ của cha mẹ dành cho con cái. Cha mẹ bận rộn công việc, không quan tâm đến tâm trạng và ước muốn của trẻ. Trẻ không có người dẫn đường, không có ai để chia sẻ những khó khăn và thắc mắc trong đời sống, không có nơi để triệt tiêu nguồn năng lượng tiêu cực tích tụ trong lòng. Từ đó dẫn đến việc trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm.
Cha me bận công việc, ít quan tâm đến con khiến cho trẻ ngoài việc học thì dồn toàn bộ sự chú ý vào tivi, hay các phương tiện giải trí khác. Sự kém câu thông giữa những thành viên trong gia đình dần tạo nên một khoảng cách không thể xóa nhòa. Cha mẹ chỉ quan tâm đến điểm số và thứ hạng, con cái không nhận được tình yêu thương và sự kích lệ đúng đắn. Đây là cảnh tưởng xảy ra ở rất nhiều gia đình có con bị trầm cảm.
Sự quan tâm chăm sóc của gia đình đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển tâm sinh lý ở trẻ. Cha mẹ chính là người bạn, người thầy, người dạy cho trẻ cách suy nghĩ tích cực và định hình nhân cách. Cha mẹ cũng là người lắng nghe và thấu hiểu những tâm sự thầm kín, những nỗi niềm hoang mang và lo lắng của trẻ trong mọi mặt đời sống.
Nếu thiếu hụt sự quan tâm từ gia đình, trẻ sẽ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm vì không có người bên cạnh để tâm sự và thấu hiểu.
Bạo lực học đường gây trầm cảm ở học sinh
Bạo lực học đường là một vấn nạn gây nhức nhối mà chưa thể giải quyết triệt để trong giáo dục. Những trẻ rơi vào tình trạng bạo lực học đường thường là những trẻ rụt rè, nhút nhát, hiền lành, không có nhiều bạn bè, gia đình không khá giả, hoặc có dị tật trên cơ thể. Trẻ có thể bị bắt nạt và cả thể xác và tinh thần bởi bạn bè hoặc thầy cô. Trẻ rơi vào trường hợp này thường tìm mọi cách che giấu việc mình bị bắt nạt, không dám nói cho phụ huynh biết.
Chính vì không có sự can thiệp và quan tâm đúng đắn từ phụ huynh, trẻ bị bạo lực học đường có khuynh hướng ngày càng tự ti, tổn thương, cô đơn, suy sụp tinh thần, sợ hãi người lạ, từ chối giao tiếp, tự hủy hoại bản thân, và có những ý nghĩ tiêu cực như tự sát để chấm dứt đau khổ.
Nếu không phát hiện sớm những dấu hiệu trầm cảm ở học sinh thì hậu quả gây ra cho tinh thần và thể xác của các em là không thể lường trước. Thậm chí những tổn thương này có thể theo các em đến suốt đời.
Chấn thương tinh thần
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng chấn thương tinh thần ở trẻ như người thân qua đời, bạo lực học đường, cha mẹ ly hôn, bị lạm dụng, bị bạo hành tinh thần, nhìn hoặc nghe thấy những cảnh tượng kinh hoàng,… Tất cả những vấn đề này đều khiến trẻ cảm thấy buồn bã, đau khổ, bất an, đau đớn, và trở nên khép kín hơn. Trẻ sẽ từ chối việc giao tiếp với mọi người, la hét khi người lạ đến gần, thậm chí có những hành vi bạo lực.
Những chấn thương tinh thần này nếu không được phát hiện sớm có thể dẫn đến việc trẻ bị trầm cảm. Trẻ cần được can thiệp tâm lý để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và có hướng xử lý kịp thời. Những chấn thương tinh thần để lại nhiều hệ lụy hơn chúng ta tưởng tượng. Dù đã trải qua nhiều đợt trị liệu tâm lý, một số trẻ chỉ tạm thời quên đi, chứ vẫn không thể hoàn toàn thoát khỏi những ám ảnh để lại.
Gen di truyền có ảnh hưởng đến tình trạng trầm cảm ở học sinh
Nếu trong gia đình có người thân bị trầm cảm thì tỉ lệ trẻ mắc chứng trầm cảm là rất cao. Gien di truyền thật sự có ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý và tinh thần của một người. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, tỉ lệ trẻ mắc chứng trầm cảm nếu trong gia đình có người có tiền sử bệnh cao gấp 3 lần so với những trẻ khác.
Hậu quả của tình trạng trầm cảm ở học sinh
Dấu hiệu trầm cảm ở học sinh có thể xuất hiện ở cả học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Lý do là vì trong thời đại ngày nay, sự ganh đua thành tích và những áp lực mà trẻ phải chịu bắt đầu từ rất sớm. Ví dụ trước khi vào lớp Một, trẻ phải đi học trước để đảm bảo theo kịp bạn bè trong trường. Trẻ cũng phải trải qua nhiều cuộc thi để được tuyển vào trường chuyên lớp chọn ngay từ cấp 1.
Tình trạng trầm cảm ở trẻ có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về tinh thần, ảnh hưởng đến kết quả học tập và sinh hoạt bình thường của trẻ. Vì thề cha mẹ cần quan tâm chăm sóc và phát hiện những dấu hiệu trầm cảm ở học sinh để có hướng giải quyết thích hợp. Nếu không, trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng khi trầm cảm kéo dài.
Giảm chất lượng cuộc sống
Vấn đề đầu tiên trẻ phải đối mặt là chất lượng cuộc sống giảm sút. Trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải vì khó ngủ, ngủ không sâu hoặc do ngủ quá nhiều khiến cơ thể lờ đờ mệt mỏi. Trẻ không muốn vận động, không còn hứng thú với những điều mình từng ham thích. Một số phụ huynh không chú ý đến điều bất thường này, chỉ nghĩ đơn giản là trẻ lười biếng nên vô tình bỏ qua dấu hiệu trầm cảm ở trẻ.
Trẻ cũng không quan tâm đến những người xung quanh, luôn thu mình lại và nhốt bản thân vào phòng. Điều này có thể dẫn đến những thói quen xấu trong sinh hoạt, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ cả về thể chất và tâm lý. Những đứa trẻ trầm cảm kéo dài nếu không được hỗ trợ và tư vấn tâm lý kịp thời có thể dẫn đến tự làm hại bản thân, thậm chí là tự sát.
Kết quả học tập giảm sút là dấu hiệu trầm cảm ở học sinh
Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần và tâm trạng của trẻ, mà còn khiến trẻ mất tập trung và giảm trí nhớ. Những học sinh bị trầm cảm thường có kết quả học tập sa sút một cách đột ngột do không thể chú tâm vào bài vở, không thể ghi nhớ kiến thức đã học và thường cảm thấy đầu óc trống rỗng.
Trẻ sẽ có những biểu hiện như không hoàn thành bài tập, không học bài, không thể tận dụng kiến thức khi làm bài trên lớp, không chăm chú nghe giảng, thường xuyên thất thần, xa cách với bạn bè, hoặc có thái độ chống đối thầy cô. Hậu quả là trẻ thường bị cha mẹ la mắng, bắt ép học nhiều hơn trong khi bản thân đang phải đối mặt với vấn đề trầm cảm.
Không thể tạo dựng mối quan hệ
Trẻ trầm cảm có xu hướng khép mình, sợ hãi và xa lánh mọi người. Đặc biệt với những trẻ trầm cảm do bị bắt nạt, lạm dụng và bạo hành tinh thần. Khả năng tạo dựng và duy trì mối quan hệ của những trẻ rơi vào tình trạng này với những người bên cạnh càng khó khăn hơn. Trẻ sợ hãi tiếp xúc với những người xung quanh thì lâu dần sẽ bị cô lập, không có bạn bè hay người tâm sự.
Chính vì cô đơn và không có người tâm sự, không thể phát tiết những dồn nén trong lòng dẫn đến việc trẻ có những hành vi tự hành hạ bản thân như rạch tay. Sự cô lập này kéo dài thì tình trạng trầm cảm của trẻ sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Trầm cảm ở học sinh ảnh hưởng đến sức khỏe
Trầm cảm thường đi kèm với những triệu chứng như biếng ăn hoặc ăn quá nhiều. Dinh dưỡng có vai trò quan trọng giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và toàn diện. Do đó chế độ ăn của trẻ cần được cân bằng và bổ sung nhiều dưỡng chất cần thiết. Biếng ăn khiến trẻ thiếu hụt năng lượng cho các hoạt động hàng ngày.
Việc thiếu chất dinh dưỡng sẽ làm ảnh hưởng đến những cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ miễn dịch khiến trẻ ngày càng ốm yếu và dễ mắc bệnh. Còn nếu ăn quá nhiều, trẻ có thể rối loạn tiêu hóa và mắc chứng béo phì vì ăn quá nhiều đồ ngọt và thực phẩm bẩn. Cả hai trường hợp trên đều rất có hại cho sức khỏe của trẻ.
Nguy cơ tự tử cao
Hậu quả nghiêm trọng nhất mà trầm cảm mang đến cho trẻ là những suy nghĩ tiêu cực cùng sự tự ti, thất vọng về bản thân. Trẻ sẽ cảm thấy sự tồn tại của mình không có ý nghĩa, cảm thấy cần sự giải thoát nên tìm đến cái chết để thoát khỏi những bế tắc, mệt mỏi đang phải chịu đựng. Tình trạng các em học sinh tự tử do trầm cảm đang dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho xã hội về những áp lực khủng khiếp mà các em mang trên vai.
Nhiều phụ huynh phải đến khi xảy ra hậu quả không thể cứu vãn thì mới nghiêm túc nhìn vào sự thật, và nhận ra những dầu hiệu trầm cảm ở học sinh mà con mình mắc phải. Tuy nhiên lúc này mọi thứ đã quá muộn, và cha mẹ không thể làm gì để giúp trẻ được nữa. Chính vì thế cha mẹ cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn, dành nhiều thời gian cho con để nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu bất thường.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ trầm cảm
Vấn đề trầm cảm ở học sinh đang nhức nhối hơn bao giờ hết và trở thành nỗi lo sợ của cha mẹ. Điều tốt nhất cha mẹ cần làm là quan tâm nhiều hơn đến trẻ, giúp trẻ tháo gỡ những khúc mắc và cùng con đồng hành trên con đường hoàn thiện bản thân. Nếu phát hiện con có những dấu hiệu trầm cảm, cha mẹ cần lập tức đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn tâm lý, cũng như tìm cách hỗ trợ trẻ vượt qua những khó khăn đang phải gánh chịu.
- Đưa trẻ đến gặp bác sĩ và chuyên gia tâm lý nếu thấy trẻ có những biểu hiện như mệt mỏi kéo dài, ngủ nhiều vào buổi sáng, thức giấc giữa đêm, giảm trí nhớ, khó tập trung trong giờ học, kết quả học tập giảm sút, tâm trạng không ổn định, thích ở một mình,…
- Dành nhiều thời gian tâm sự với trẻ, giúp trẻ giải đáp thắc mắc tuổi mới lớn
- Lắng nghe khi trẻ có nhu cầu nói chuyện và không phán xét
- Cha mẹ cần chú ý kiểm tra cơ thể trẻ có dấu tích bị bạo hành hay bắt nạt không
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với internet và các thiết bị điện tử quá lâu
- Đưa trẻ ra ngoài tham gia những hoạt động ngoài trời để cải thiện sức khỏe
- Thiết kế chế độ ăn uống khoa học theo lời khuyên của chuyên gia để cung cấp đủ chất cho trẻ
- Tập cho trẻ thói quen sinh hoạt lành mạnh
- Tránh để những vật sắc nhọn, có khả năng sát thương ở gần trẻ
- Kiên nhẫn và bình tĩnh khi nói chuyện với trẻ, không la mắng hay có thái độ hung dữ
- Cho trẻ uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ
- Nói chuyện với những phụ huynh cũng có con bị trầm cảm để học hỏi kinh nghiệm
Trầm cảm ở học sinh thật sự là một vấn đề cần được thầy cô và gia đinh đặc biệt xem trọng. Trẻ trong độ tuổi trưởng thành đang phả trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời. Trẻ chưa có đủ kinh nghiệm và cách nhìn nhận sự việc để thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ nhiều phía. Do đó trẻ dễ bị tác động và rơi vào trạng thái chán nản, tự hoài nghi bản thân.
Những lúc này, điều trẻ cần nhất là sự quan tâm và tình yêu thương của cha mẹ để trải lòng hơn, và cùng cha mẹ vượt qua những khó khăn mà trẻ đang phải đối mặt. Phụ huynh cũng cần phải tinh ý và quan tâm đến những thay đổi nhỏ nhất của con, từ đó giúp con thoát khỏi trầm cảm và phát triển khỏe mạnh hơn.
Có lẽ bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!