Hiệu ứng Mandela (The Mandela Effect): Ký ức giả và cách thoát khỏi

Trong cuộc sống, chắc chắn có ít nhất một lần bạn đã từng rơi vào trường hợp bản thân và những người khác có ký ức khác nhau về cùng một sự kiện. Bạn đinh ninh rằng trí nhớ của mình chính xác, mình đã từng trải qua sự kiện đó, nhưng những người xung quanh lại cung cấp thông tin khác biệt hoàn toàn. Trong tình huống này, tất cả mọi người đang rơi vào hiệu ứng Mandela.

Hiệu ứng Mandela là gì?

Hiệu ứng Mandela mô tả hiện tượng nhiều người cùng chia sẻ một ký ức sai lệch về một sự kiện nào đó. Những ký ức sai lệch này thường liên quan đến một mốc thời gian, một sự kiện, một chi tiết nhỏ, hoặc một biểu tượng trong văn hóa đại chúng. Những hình tượng này vô cùng quen thuộc và phổ biến, nhưng mọi người vẫn nhớ sai rất nhiều về chúng.

hiệu ứng mandela
Nhiều người tin rằng Nelson Mandela đã chết trong tù vào những năm 80 nhưng sự thật là ông đã sống đến tận 2013.

Đây là một dạng ký ức sai lệch mang tính tập thể được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2010 bởi Fiona Broome, một nhà nghiên cứu các hiện tượng huyền bí nổi tiếng. Trong cuộc trò chuyện với những người đồng nghệp, bà đã nhắc về cái chết của nhà lãnh đạo chống phân biệt chủng tộc Nam Phi, Nelson Mandela.

Fiona Broome nói rằng, bà nhớ rất rõ những phương tiện truyền thông đã đưa tin về cái chết của Mandela trong nhà tù vào những năm 1980. Đám tang của nhà lãnh đạo thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng, và bà đã thấy quang cảnh lễ tang cùng với bài phát biểu của vợ Nelson Mandela trên truyền hình.

Một vài người trong buổi nói chuyện đồng ý với lời nói của Fiona Broome vì họ cũng có ký ức tương tự. Nhưng nhiều người khác lại phủ định điều này. Họ nói rằng Nelson Mandela trên thực tế đã trở thành tổng thống Nam Phi vào năm 1994, và đến tận năm 2013 mới qua đời, hưởng thọ 95 tuổi.

Fiona Broome và những người đồng quan điểm với cô có cùng một đoạn ký ức giả về một sự kiện không có thật. Broom rất ngạc nhiên về điều này. Tại sao những người xa lạ lại cùng chia sẻ một ký ức sai lệch? Bà quyết định kể lại câu chuyện này trên một website để tìm hiểu xem, những người khác có rơi vào trường hợp tương tự hay không.

Kết quả là rất nhiều người cũng phản hồi rằng, trong trí nhớ của họ Mandela đúng là đã chết trong tù vào những năm 1980. Họ cũng có ký ức về lễ tang giống như điều Broome đã nói. Chính từ sự kiện này, Fiona Broome đã nghiên cứu nhiều hơn về hiện tượng thú vị này, và gọi nó là hiệu ứng Mandela.

Nguyên nhân hình thành hiệu ứng Mandela

Thông qua câu chuyện của Broome, ta có thể thấy hiệu ứng Mandela có hai đặc điểm chính. Thứ nhất là những sự kiện và chi tiết trong trí nhớ hoàn toàn không xảy ra; hoặc ký ức này có sự biến dạng nhất định so với hiện thực. Thứ hai là những người xa lạ, không quen biết, không liên quan gì nhau lại có cùng một đoạn ký ức tương tự.

Thực tế thì tất cả chúng ta ít nhiều đều đã trải qua hiệu ứng Mandela theo những cách khác nhau. Bạn chắc sẽ nhận ra bản thân thỉnh thoảng sẽ nhớ nhầm những điều rất ngớ ngẩn. Một nghiên cứu về trí nhớ vào năm 2020 được thực hiện tại Mỹ cho thấy, có đến 76% người trưởng thành mắc ít nhất một lỗi sai trong bài trắc nghiệm trí nhớ.

hiệu ứng mandela là gì
Chúng ta thường không nhớ rõ những chi tiết nhỏ trong trong một tổng thể lớn, và dễ nhầm lẫn chi tiết này với những điều quen thuộc.

Vậy, tại sao ký ức của chúng ta lại xuất hiện những sai sót nghiêm trọng như vậy? Và tại sao nhiều người lại có chung một nhận thức về một sự kiện đã xảy ra? Có nhiều cách giải thích cho trường hợp này, và đây là một số giải thích được nhiều người quan tâm và chú ý.

1. Ký ức sai lệch

Ký ức sai lệch là sự “không trung thực” của trí nhớ khi ta hồi tưởng lại một sự vật hay sự kiện nào đó. Xét về khoa học thần kinh, trí nhớ của con người trong nhiều trường hợp là không đáng tin cậy, vì chúng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Ví dụ như những tin tức sai lệch được lặp đi lặp lại, hoặc những bức ảnh giả tạo có thể ảnh hưởng đến trí nhớ của chúng ta.

Những nghiên cứu về trí nhớ cho thấy, ký ức sai lệch có thể xuất phát từ sự giao thoa và trộn lẫn của những ký ức ngắn hạn và dài hạn. Những chi tiết chúng ta nhìn thấy trong thời gian gần đây có thể trộn lẫn với sự kiện trong quá khứ, và tạo thành những ký ức giả.

Chính vì thế, những ký ức được hồi tưởng sau một thời gian dài có thể bị bóp méo bởi nhiều yếu tố mới, tạo nên những chi tiết mới chưa hề tồn tại. Ngoài ra, chúng ta còn có thể bị ảnh hưởng bởi gợi ý hoặc thông tin sai lệch được cung cấp, từ đó tự động sinh ra những ký ức giả với một sự việc hay sự kiện nào đó.

Ngoài ra, mỗi lần chúng ta nhớ đến một sự kiện, não bộ có thể định hình và thay đổi ký ức dựa trên những sự kiện từng xảy ra, dựa trên tình cảm, sự thiên vị hay những trải nghiệm cá nhân. Chính vì thế, chúng không hoàn toàn chính xác, và ký ức mỗi lần hồi tưởng sẽ khác nhau. Ký ức sai lệch là nguyên nhân sinh ra hiệu ứng Mandela.

2. Ký ức kết hợp

Bạn có thể vô tình kết hợp ký ức sẵn có với một câu chuyện được nghe kể, một trò đùa, hay lời nói của một người khác mà bạn tin tưởng, và biến tất cả thành một “sự thật”. Bạn không cố tình kết hợp chúng, không có ý định lừa dối ai, nhưng não bộ của chúng ta đã tự động làm việc đó và tạo ra ký ức kết hợp.

nguyên nhân gây hiệu ứng mandela
Những lý ức lộn xộn trong quá khứ và hiện tại trong bộ nhớ của chúng ta giao thoa, kết hợp với nhau tại thành những ký ức giả.

Bạn hoàn toàn tin rằng ký ức mà mình nhớ là sự thật. Bạn không hề biết rằng ký ức đó đã được ghép nối từ nhiều sự kiện có những điểm tương tự nhau, hoặc bị phóng đại từ một sự kiện có thật. Ký ức mới hình thành tạo nên sự logic, kết nối những ký ức rời rạc thành một chuỗi hành động hợp lý và khiến tất cả trở nên hợp lý như thật.

Việc kết hợp ký ức này rất thường xuyên xảy ra và tạo thành hiệu ứng Mandela nhưng chúng ta lại không chú ý đến. Trí tưởng tượng và khả năng kết nối sự kiện của con người là vô cùng kỳ diệu. Vì thế trong nhiều trường hợp, bạn cảm thấy ngạc nhiên khi những hình ảnh xuất hiện trong đầu vô cùng sống động, nhưng chúng chưa hề xảy ra.

3. Ảnh hưởng của internet

Internet khiến cho việc lan truyền thông tin trở nên nhanh chóng và hỗn loạn. Những thông tin thật và giả đan xen nhau khiến ta không biết đâu mới là nguồn đáng tin cậy. Chính sự hỗn loạn này sẽ tạo nên những ký ức sai lệch cho đám đông. Đây có lẽ cũng là lý do hiệu ứng Mandela xuất hiện rõ ràng, và nhiều hơn trong thời đại thông tin kỹ thuật số.

Chúng ta dễ dàng bị cuốn vào những thông tin sai lệch, bịa đặt vì chúng cuốn hút, logic và gây ấn tượng hơn nhiều so với thông tin thật. Khi những ấn tượng sai lệch này càng gần với niềm tin của con người, chúng ta càng dễ dàng tin nó là thật, vì chúng quá phù hợp với logic và nhận định cá nhân của từng người.

Việc nhiều người cùng lan truyền một thông tin sai cũng khiến chúng ta càng thêm tin tưởng về sự thật sai lệch được truyền bá. Những phương tiện truyền thông xã hội tạo điều kiện cho những thông tin không được chứng thực lan truyền mạnh mẽ và nhanh chóng. Càng nhiều người tin tưởng, thông tin giả tạo càng ghi sâu vào bộ nhớ của chúng ta.

Những thông tin không chính xác, tưởng tượng, xuyên tạc được tích hợp vào trí nhớ của bạn dưới dạng sự thật, nếu chúng cứ xuất hiện lặp đi lặp lại theo thời gian. Trong một khảo sát về mạng xã hội, hơn 70% các thông tin sai lệch, lời đồn hay bịa đặt được truyền bá rộng rãi thông qua mạng xã hội Twitter.

ảnh hưởng của hiệu ứng mandela
Sự lan truyền nhanh chóng của những thông tin sai sự thật, đùa giỡn và bịa đặt trên mạng Internet tạo điều kiện cho hiệu ứng Mandela lan rộng

Hiệu ứng Mandela thật sự tạo được nhiều ký ức giả cho đám đông thông qua mạng xã hội và các diễn đàn chia sẻ thông tin. Con người luôn thích những thông tin giật gân, những giả thuyết và những câu chuyện hấp dẫn xung quanh những người nổi tiếng. Có lẽ đây cũng là yếu tố khiến thông tin sai lệch ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm trí mọi người.

4. Vũ trụ song song

Có một khái niệm trong vật lý lượng tử có thể giải thích hiệu ứng Mandela, đó chính là lý thuyết về đa vũ trụ và dòng thời gian song song. Lý thuyết này mô tả rằng có nhiều vũ trụ, nhiều dòng thời gian song song với chúng ta đang tồn tại. Trong một khoảnh khắc nào đó, hai dòng thời gian giao thoa, và dòng thời gian song song thay thế dòng thời gian của chúng ta.

Những người chịu ảnh hưởng của hiện tượng này sẽ có được những ký ức về dòng thời gian song song, còn những ngươi khác thì không. Ký ức của mọi người có sự khác nhau là do sự chuyển đổi của các dòng thời gian. Có lẽ trog một dòng thời gian khác, Nelson Mandele thật sự đã chết như ký ức của Fiona Broome.

Mặc dù lý thuyết về vũ trụ song song vẫn còn gây nhiều tranh cãi, nhưng cũng không thể bác bỏ sự tồn tại của khái niệm này. Hiệu ứng Mandela đã giúp thuyết vũ trụ song song nhận được nhiều sự chú ý hơn trong cộng đồng, và trở thanh nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn hóa đại chúng.

Cách loại bỏ ảnh hưởng của hiệu ứng Mandela

Điều đầu tiên cần làm để hạn chế ảnh hưởng, và thoát khỏi hiệu ứng Mandela là hiểu về hiệu ứng này. Bạn cần biết rằng những ký ức giả có thể ảnh hưởng đến ta trong vô thức, vì thể cần chủ động ngăn chặn hiện tượng xảy ra. Muốn vậy, bạn cần phải có ý thức kiểm tra và chắt lọc thông tin trước khi phát biểu.

Đừng quá tin tưởng vào trí nhớ của mình, mà nên kiểm tra lại từ nhiều nguồn đáng tin cậy. Bạn cũng nên chia sẻ với những người có chuyên môn để tìm hiểu xem, ký ức của mình có chính xác hay không. Việc này giúp bạn hạn chế việc nhớ sai và bị cuốn vào hiệu ứng Mandela.

hạn chế hiệu ứng mandela
Cách hạn chế ảnh hưởng của hiệu ứng Mandela là không ngừng kiểm tra lại thông tin nhận được, và nên tìm thông tin ở nguồn uy tín.

Hiệu ứng Mandela thường không ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta, trừ trường hợp bạn có những ký ức giả khủng khiếp về một sự kiện gì đó. Ký ức sai lệch này có thể ảnh hưởng đến tình trạng tinh thần, nhận thức và hành vi của người bị ảnh hưởng, khiến họ căng thẳng, nghi ngờ và hoảng sợ.

Ảnh hưởng chú yếu của hiệu ứng này là khiến chúng ta có ký ức và kiến thức sai lệch, ảnh hưởng đến một số tình huống cần sự phán đoán và thông tin chuẩn xác. Chính vì thế việc liên tục cập nhật, chắt lọc, kiểm tra độ tin cậy của những thông tin có được là điều chúng ta cần làm thường xuyên.

Có lẽ bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

xấu hổ
Xấu Hổ Là Gì? Dấu Hiệu Nhận Biết và Cách Vượt Qua

Xấu hổ là một cảm xúc bình thường của con người sinh ra khi chúng ta đối diện với những tình huống mà bản thân...

thuốc chống trầm cảm Moclobemide
Thuốc Chống Trầm Cảm Moclobemide và những lưu ý khi sử dụng

Thuốc chống trầm cảm Moclobemide thường được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu xã hội và trầm cảm nặng. Dù được đánh...

hội chứng sợ đám đông
Hội chứng sợ đám đông: Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ?

Việc bạn không thích đám đông, không thích đứng trước mặt nhiều người, và không muốn đến những chỗ đông người là chuyện hết sức...

rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm
Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm: Triệu chứng, cách điều trị bệnh

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần đặc biệt, có cả triệu chứng của cả hai...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh