Hội chứng Burnout: Những điều cần biết và cách vượt qua
Hội chứng Burnout có lẽ là cụm từ còn khá xa lạ với nhiều người trong số chúng ta. Đây là cụm từ nói về tình trạng kiệt sức nơi công sở do áp lực công việc nặng nề. Hội chứng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến trạng thái tinh thần người mắc phải gây cảm giác mệt mỏi, chán nản khi đến nơi công sở, kèm theo đó là những triệu chứng như nhức đầu, nôn ói, nóng nảy.
Hội chứng Burnout là gì?
Hội chứng Burnout trong ICD-10 được xếp vào nhóm “Các vấn đề liên quan đến khó khăn về quản lý cuộc sống” để nói về tình trạng kiệt sức nơi công sở. Kiệt sức là tình trạng mệt mỏi, chán nản, và kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần khi phải đối mặt với công việc hàng ngày. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi, mọi giới tính, và trong mọi giai đoạn làm việc.
Đương nhiên những người chịu nhiều áp lực trong công việc có tỷ lệ mắc hội chứng này cao hơn, và triệu chứng thường sẽ nghiêm trọng hơn. Hội chứng Burnout gây giảm năng suất lao động và ảnh hưởng đến chất lượng làm việc. Đây cũng là một trong những lý do khiến bạn đột nhiên chán nản với cộng việc hàng nga, không còn cảm thấy hứng thú, thậm chí là tìm cách né tránh và phủi bỏ trách nhiệm trong công việc.
Đối với người trưởng thành, phần lớn thời gian trong ngày của họ dành hết cho công việc, kể cả những lúc phải tăng ca và làm thêm tại nhà vào cuối tuần. Chính vì thế công việc gần như chiếm trọn cuộc sống, và đặt trên vai những người đi làm một áp lực cực lớn. Áp lực này lớn đến mức khiến họ stress, kiệt sức và quay sang chán ghét, hoài nghi năng lực của bản thân đến mức không thiết tha gì đến công việc nữa.
Hội chứng này thường bắt gặp ở những người trẻ vừa mới đi làm, những người buộc phải làm những công việc trái với ý muốn của bản thân, hoặc những người phải chịu sức ép quá lớn từ công việc. Những áp lực về cơm áo gạo tiền, về kỳ vọng của gia đình, và những vấn đề trong công việc rất dễ đẩy những người trẻ vào tình trạng kiệt sức. Họ gặp khó khăn trong việc cân bằng những yếu tố cuộc sống, mà dần đánh mất nhiệt huyết trong công việc.
Hội chứng Burnout có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình làm việc. Bạn có thể kiệt sức sau vài tháng làm quen với công việc, sau 1 năm hoặc vài năm gắn bó với sự nghiệp của mình. Tại một thời điểm nào đó, bạn cảm thấy chán nản, không còn mục tiêu và kỳ vọng, cũng không còn sự hào hứng và nhiệt huyết cho công việc. Bạn tự hỏi những việc mình làm có ý nghĩa không, và bắt đầu hoài nghi bản thân.
Có một điều chúng ta cần lưu ý, kiệt sức trong việc rất khác với cảm giác mệt mỏi và lười biếng thông thường. Sẽ có những ngày bạn thức dậy và không muốn đi làm, không muốn đối mặt với hàng đống công việc đang chờ đợi. Bạn chỉ muốn nằm trên giường nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng. Đây là một tín hiệu cho thấy bạn đang căng thẳng, hoặc có lối sống không lành mạnh. Bạn cần cân đối thời gian dành cho công việc với thời gian dành cho bản thân để vượt qua stress.
Hội chứng này sẽ có những nét tương đồng với căng thẳng và trầm cảm, nhưng về cơ bản đây vẫn là những trạng thái khác biệt hoàn toàn. Căng thẳng có thể khiến bạn mệt mỏi, uể oải và đau nhức tương tự như Burnout. Nhưng cảm giác mà căng thẳng mang đến là sự quá tải và mệt mỏi trong công việc, học tập, hay những áp lực đời sống. Bạn cảm thấy có quá nhiều trách nhiệm cần gánh vác trên vai, và dễ trở nên kích động hơn.
Trong khi đó, hội chứng Burnout là trạng thái trống rỗng và kiệt quệ cả về thể xác và tinh thần trong công việc. Trạng thái này khiến bạn từ bỏ trách nhiệm của mình, cảm thấy không có động lực đi làm và trốn tránh những vấn đề liên quan. Căng thẳng lâu ngày có thể diễn biến thành Burnout và gây ra nhiều hậu quả tồi tệ. Ảnh hưởng lớn nhất của vấn đề này là làm giảm năng suất lao động, và khiến chúng ta dễ mắc trầm cảm.
Hội chứng Burnout được thể hiện qua ba khía cạnh là cảm giác kiệt sức, cảm giác chán ghét công việc, và sự hoài nghi bản thân. Nếu một ngày nọ bạn không còn hứng thú, thậm chí là chán ghét công việc mình đang làm, cảm thấy mệt mỏi đến mức không muốn chạm tay vào bất cứ thứ gì, và bắt đầu hoài nghi bản thân liệu có quá kém cỏi và không phù hợp với công việc hay không, thì có thể bạn đang rơi vào tình trạng kiệt sức.
Những giai đoạn của hội chứng Burnout
Trạng thái kiệt sức không xảy ra một cách đột nhiên, mà thường là kết quả của một quá trình dài. Bạn gần như không thể nhận ra những thay đổi bất thường này, và không biết đó là những yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng burnout. Thông thường những người đối mặt với hội chứng này phải trải qua những giai đoạn nhất định. Dưới đây là một số dấu hiệu rõ ràng mà chúng ta cần chú ý.
Đầu tiên, tham vọng trong công việc của bạn bỗng bùng cháy dữ dội. Bạn cảm thấy bản thân cần phải làm việc nhiều hơn, và mình cần đạt được nhiều thành tựu hơn trong cuộc sống để chứng minh năng lực. Tham vọng này thôi thúc bạn làm việc hết công suất, cố gắng hoàn thành mọi thứ một cách tốt nhất. Trong thời gian này, bạn dành hết sức lực cho công việc, và cũng ít suy nghĩ cho bản thân và những người xung quanh hơn.
Bạn dần bỏ quên những mối quan hệ gần gũi như bạn bè và gia đình, lãng quên những thú vui trong cuộc sống và hy sinh cả thời gian nghỉ ngơi chỉ vì công việc. Bạn hạn chế tiếp xúc với mọi người, hiếm khi quan tâm đến việc tụ tập trò chuyện, ít dành thời gian chú ý đến những thứ khác ngoài công việc trên công ty. Bạn làm việc hết công suất và có thể tăng ca nhiều ngày. Tình trạng này kéo dài khiến bạn cảm thấy mệt mỏi.
Bạn bắt đầu cảm thấy những bất ổn trong tâm lý, cảm giác lo âu hoảng sợ, bồn chồn bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều khi cố gắng làm việc. Những cảm giác bất ổn này khiến tâm trạng của bạn trở nên không ổn định, tính tình thay đổi và trở nên cáu gắt, dễ nổi giận dù bạn vốn là một người ôn hòa. Trạng thái này ảnh hưởng đến cả công việc, khiến bạn gặp khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng công việc, và khộng thể hòa thuận cùng đồng nghiệp.
Đến giai đoạn này, cảm giác trống rỗng xuất hiện khiến bạn mệt mỏi, không muốn làm việc, và không cảm nhận được những giá trị của bản thân. Bạn bỗng cảm thấy trống vắng, buồn phiền, thất vọng và hoài nghi về năng lực của mình. Mỗi sáng thức dậy bạn không còn động lực đi làm, và không còn thiết tha gì đến công việc nữa. Đây là khoảng thời gian khó khăn và là dấu hiệu rõ nhất cho hội chứng Burnout.
Khi bước vào giai đoạn cuối của kiệt sức, sức khỏe của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bạn thường xuyên cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, không thể tập trung làm việc, ăn nhiều hơn bình thường, dễ cáu gắt, thường xuyên mắc phải những sơ suất không đáng có. Đây là lúc những vấn đề tâm lý nghiêm trọng, và những dấu hiệu bất ổn về sức khỏe được thể hiện một cách rõ ràng.
Yếu tố nào ảnh hưởng đến hội chứng Burnout
Trạng thái Burnout là một dạng stress vì công việc ngày càng trở nên phổ biến ở những người đi làm văn phòng. Điều này cũng phản ánh một thực tế là, môi trường làm việc công sở tại nhiều nơi thật sự không thân thiện với người đi làm. Văn hóa làm thêm giờ, lượng công việc lớn với những thủ tục rườm rà, mất thời gian, cùng với những deadline liên tục trong thời gian ngắn gần như vắt kiệt sức lực của nhân viên.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Burnout đến từ rất nhiều yếu tố. Mỗi người trong chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác nhau, nhưng đa phần chúng đến từ đặc trưng nghề nghiệp và môi trường làm việc. Yếu tố then chốt nhất phân biệt kiệt sức nơi công sở với những hội chứng khác là phạm vi tác động của chúng chỉ xuất hiện trong công việc, mà không phải những mặt khác của cuộc sống.
Một số ngành nghề có áp lực công việc cực lớn khiến những người làm trong ngành thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Những ngành này không chỉ yêu cầu kiến thức chuyên môn cao, thể lực tốt, mà còn yêu cầu làm việc trong những khoảng thời gian và môi trường đặc thù. Những ngành nghề đặc thù này bao gồm: bác sĩ, dược sĩ, y tá, điều dưỡng, nghiên cứu khoa học, người làm trong phòng thí nghiệm, lập trình viên, công nhân xưởng hóa chất, công nhân hầm mỏ,…
Văn hóa làm việc 996 (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối mỗi ngày, và suốt 6 ngày trong tuần) tại Trung Quốc từng bị lên án nặng nề và buộc phải bãi bỏ. Một số công ty lớn cũng bị nhiều nhân viên tố cáo vì bắt họ tăng ca suốt một thời gian dài với dealine gấp gáp. Trường hợp này không chỉ gặp ở những nước đang phát triển, mà tại nhiều nước phát triển tình trạng này vẫn đang xảy ra, đặc biệt là ngành liên quan đến công nghệ.
- Áp lực thời gian: Nếu khối lượng công việc quá lớn so với thời gian làm việc quy định, nhân viên có khả năng bị Burnout cao hơn 70% so với bình thường. Áp lực công việc nặng nề, deadline gấp rút, cùng với việc làm thêm giờ triền miên gần như cướp hết thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.
- Thiếu sự hỗ trợ: Nhân viên không nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ đúng lúc của cấp trên có xu hướng dễ rơi vào trạng thái Burnout hơn. Họ phải tự bơi trong mớ công việc đồ sộ, không có phương hướng hay mục tiêu cụ thể. Một số người lại được giao cho công việc vượt quá khả năng, và bắt buộc phải tìm mọi cách để hoàn thành chúng. Điều này khiến họ cảm thấy chán nản và kiệt sức trong công việc.
- Khối lượng công việc quá lớn: Trong quá trình làm việc, có những lúc chúng ta buộc phải xử lý khối lượng công việc lớn trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên nếu tình trạng này xảy ra một cách thường xuyên thì ngay cả những nhân viên kỳ cựu nhất cũng cảm thấy mệt mỏi, chứ đừng nói đến những bạn trẻ vừa mới đi làm. Điều này có thể gia tăng tỷ lệ mắc hội chứng Burnout.
- Đối xử không công bằng: Việc bị tẩy chay, bị đối xử bất công và chèn ép trong công việc cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng kiệt sức trong công việc này. Đi làm trong trạng thái lo sợ, bất an và chán nản khiến bạn không thể tập trung, cảm thấy cô đơn, chán nản và kiệt quệ về cả thể xác và tinh thần.
Những yếu ảnh hưởng đến hội chứng Burnout chủ yếu đến từ công việc. Tuy nhiên không thể loại trừ những tác động từ bên ngoài như tuổi tác, sức khỏe thể chất, trạng thái tinh thần và đặc trưng văn hóa. Ngoài ra, tính cách của từng người, góc nhìn về công việc, khả năng chịu đựng áp lực cũng góp phần làm tình trạng quá tải trở nên tồi tệ hơn. Tất cả những yếu tố này đều làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Burnout.
Những dấu hiệu của hội chứng Burnout
Những dấu hiệu của hội chứng Burnout thể hiện qua những đặc trưng về thể chất, cảm xúc và cả hành vi của người mắc. Phản ứng của mỗi người với các tác nhân gây stress là không giống nhau, vì thế có người biểu hiện triệu chứng này, có người biểu hiện triệu chứng khác, và cả những triệu chứng không được đề cập dưới đây. Bạn có thể tham khảo một số dấu hiệu của hội chứng Burnout thường gặp dưới đây.
Dấu hiệu về thể chất:
- Cảm thấy mệt mỏi vào mỗi buổi sáng thức dậy khi nghĩ đến chuyển phải đi làm. Cảm giác này cũng kéo dài trong suốt thời gian làm việc.
- Sức khỏe giảm sút, thường xuyên cảm thấy cạn kiệt sức lực, chán nản đến mức không thể bắt đầu công việc một cách bình thường.
- Đau nhức cơ thể, cụ thể là phần đầu, vai gáy và tay chân, kèm theo cảm giác chóng mặt, mỏi mệt khi ngồi làm việc.
- Thường xuyên ngủ ngày, cảm giác mệt mỏi khiến bạn không thể tập trung vào công việc
- Tăng cân hoặc sụt cân bất thường do thói quen ăn uống thay đổi.
- Chất lượng giấc ngủ kém, thường xuyên ngủ không ngon giấc, luôn ám ảnh với chuyện hôm sau phải bắt đầu công việc.
Dấu hiệu về cảm xúc:
- Những người bị hội chứng Burnout cảm thấy nghi ngờ năng lực của bản thân. Dù trước đây bạn rất cố gắng nhưng bây giờ không còn cảm hứng sáng tạo, cảm thấy chán ngán công việc đang làm, và luôn tìm cách trốn tránh nghĩa vụ.
- Bạn không còn động lực để hoàn thành công việc nên không thể đáp ứng deadline đặt ra. Mỗi tối đi ngủ, hay mỗi sáng thức dậy, bạn đều chán nản khi nghĩ đến việc phải đi làm. Bạn không muốn đến công ty và trong đầu bạn chỉ nghĩ đến việc xin nghỉ phép.
- Dù xung quanh bạn là rất nhiều đồng nghiệp, nhưng bạn vẫn cảm thấy vô cùng cô đơn và không thể hòa nhập. Bạn giống như không thuộc về tập thể này, thậm chí bạn còn có suy nghĩ đồng nghiệp đang chống lại mình.
- Mỗi ngày đi làm là một cực hình. Bạn phải đối mặt với những thao tác giống nhau, những quy trình giống nhau từ ngày này qua ngày khác và bạn chán ngán điều này. Bạn không thiết tha gì công việc và muốn phủi bỏ trách nhiệm.
Dấu hiệu về hành vi:
- Thường xuyên xin nghỉ hoặc đi muộn về sớm
- Không hoàn thành deadline, chất lượng công việc giảm sút, không có những ý tưởng sáng tạo
- Mất tập trung trong thời gian làm việc, có thể ngủ gục hoặc xao nhãng với mọi thứ xung quanh
- Ít tiếp xúc và không hòa đồng với đồng nghiệp, tách mình ra khỏi những hoạt động tập thể.
- Sử dụng rượu, thuốc ngủ, chất kích thích, hoặc những chất gây nghiện khác nhằm thoát khỏi ám ảnh từ công việc
- Dễ dàng nổi nóng trong quá trình làm việc, cãi cọ và đổ lỗi cho người khác nếu có vấn đề phát sinh
Mức độ của những triệu chứng này có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào sự căng thẳng của bạn. Một số người cũng bộc lộ những dấu hiệu khác với những điểm được đề cập bên trên. Đó là do thể chất và tình trạng sức khỏe của chúng ta không giống nhau. Ngoài ra trong những giai đoạn đặc biệt, bạn cũng có thể có những dấu hiệu của hội chứng Burnout nhưng không nhận ra.
Chẩn đoán hội chứng Burnout
Những dấu hiệu của hội chứng Burnout đôi lúc vẫn còn khá chung chung, và dễ bị nhầm lẫn với những hội chứng khác nếu không được thăm khám kỹ lưỡng. Điều này khiến việc chẩn đoán gặp một chút khó khăn. Tuy nhiên, tạp chí Forbed đã dẫn lại một bài test của Trung tâm nghiên cứu y khoa Mayo Clinic (Mỹ) nhằm kiểm tra hội chứng này. Bài test này bao gồm 10 câu hỏi theo dạng Yes – No với những ý chính như sau:
- Bạn có cảm thấy bực bội và trở nên xét nét hơn trong công việc?
- Bạn cảm thấy không có động lực đi làm vào mỗi buổi sáng, đến công ty một cách miễn cưỡng, và rất khó để bắt đầu công việc?
- Bạn có trở nên nóng nảy hơn, cảm thấy khó chịu với đồng nghiệp và thiếu kiên nhẫn khi nói chuyện với khách hàng?
- Bạn không có động lực làm việc, và không thể hoàn thành công việc như yêu cầu?
- Bạn cảm thấy khó tập trung hơn, dễ xao nhãng và cảm thấy chán nản trong quá trình làm việc?
- Bạn cảm thấy không hài lòng với chất lượng công việc, không đạt đến yêu cầu?
- Bạn vỡ mộng về công việc đang làm?
- Bạn uống nhiều rượu, hút thuốc lá, dùng thuốc an thần, chất kích thích, hay ăn nhiều thực phẩm không tốt cho sức khỏe để mong cải thiệu tâm trạng?
- Chất lượng giấc ngủ của bạn dần trở nên kém hơn?
- Bạn có bị đau đầu, đau nhức cơ thể không rõ nguyên do, hoặc bị các vấn đề về tiêu hóa và thể chất?
Nếu câu trả lời của bạn là Có cho hầu hết những câu hỏi trên thì có lẽ, bạn đang gặp phải tình trạng Burnout. Những vấn đề trên càng trầm trọng thì tình trạng Burnnout của bạn ngày càng nặng. Nếu những tình trạng trên ở mức nhẹ thì bạn chỉ cần nghỉ ngơi nhiều hơn, cân bằng lại cuộc sống, hoặc đi du lịch để đầu óc và cơ thể khuây khỏa. Tuy nhiên nếu trường hợp nặng hơn, bạn cần đến sự giúp đỡ y tế để nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.
Burnout gây ra nhiều tác hại khôn lường cho cuộc sống của bạn. Đầu tiên là tình trạng chán nản, kiệt sức và sự trốn tránh trách nhiệm trong công việc. Các triệu chứng Burnout nếu không được kiểm soát sẽ khiến tình trạng sức khỏe của bạn luôn trong mức báo động, và làm giảm hiệu suất công việc. Bạn sẽ khó tập trung, làm việc thiếu tính sáng tạo, dễ nổi nóng với khách hàng, và có cảm giác tiêu cực về công việc được giao.
Mối quan hệ đồng nghiệp cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, và bạn dễ rơi vào tình trạng bị cô lập do không hòa đồng với mọi người. Sự căng thẳng và bực bội đè nén khi làm việc khiến bạn có lời lẽ và hành động không hay với đồng nghiệp. Bạn cũng nhanh chóng hoài nghi về năng lực bản thân, về môi trường làm việc và chỉ muốn nhanh chóng thoát khỏi công ty, nơi khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và chán nản.
Phòng ngừa và cải thiện các triệu chứng Burnout
Tình trạng Burnout liên quan đến việc quản lý cuộc sống, vì thế để khắc phục chúng ta cần thay đổi bản thân hoặc môi trường làm việc để thích nghi và vượt qua căng thẳng. Bạn cũng có thể tìm đến sự giúp đỡ của những người xung quanh để nhanh chóng vượt qua cảm giác mệt mỏi do tình trạng kiệt sức mang đến. Ngoài ra, việc xây dựng và duy trì lối sống tích cực cũng giúp cải thiện tình trạng này.
Thay đổi môi trường làm việc
Trong một số trường hợp bắt buộc, việc thay đổi môi trường làm việc là giải pháp duy nhất giúp bạn vượt qua Burnout một cách hiệu quả. Nếu môi trường làm việc quá độc hại, công việc không phù hợp với năng lực, hoặc bạn bị chèn ép vì những vấn đề ngoài chuyên môn thì đừng tiếp tục công việc đó nữa. Bởi vì những vấn đề này có thể mãi mãi không được giải quyết, và bạn là người duy nhất chịu ảnh hưởng trong việc này.
Tất nhiên với một số người trong chúng ta, công việc ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, cho nên vấn đề tìm một công việc khác là bất khả thi. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn có thể tìm đến sự giúp đỡ của người thân hay bạn bè để tìm kiếm một cơ hội mới. Ngoài ra, bạn cũng có thể giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực trong công việc bằng những niềm vui khác trong cuộc sống để cân bằng.
Hãy tìm niềm vui trong những việc xung quanh thay vì chú ý đến những mặt tiêu cực của công việc. Ví dụ như tạo dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp cũng khiến bạn giảm căng thẳng. Bạn có thể hẹn mọi ngươi ăn trưa, uống trà, ăn điểm tâm, hoặc thình thoảng tặng mọi người một món quà nho nhỏ. Những mối quan hệ tốt giúp bạn vượt qua sự đơn điệu chán ngán trong công việc.
Trên thực tế việc trò chuyện, đùa giỡn và hòa nhập với đồng nghiệp là một trong những giải pháp chống lại căng thẳng hiệu quả. Bạn không cần luôn bám theo mọi người trong mọi cuộc vui, mà hãy lựa chọn những cuộc vui phù hợp với mình để tìm hiểu mọi người và hòa đồng hơn. Ngoài ra, đồng nghiệp cũng là nơi bạn tìm kiếm sự giúp đỡ nếu công việc gặp trục trặc.
Nói chuyện với người bạn tin tưởng
Khi bạn trở nên kiệt sức vì Burnot, rất khó để tự thoát khỏi những ảnh hưởng đó mà không có sự giúp đỡ từ mọi người. Một số người không có thói quen tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh, và cố gắng tự giải quyết chúng. Điều này không hề xấu vì nó giúp bạn rèn luyện khả năng chịu áp lực và tính tự lập. Nhưng trong vài trường hợp cụ thể như Burnout, trò chuyện với người bạn tin tưởng mang đến hiệu quả giảm căng thẳng tốt hơn.
Trò chuyện trực tiếp với người mà bạn tin tưởng mang đến những hiệu quả rất tích cực trong việc chống căng thẳng. Đối tượng nói chuyện có thể là người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay bất cứ ai cho bạn cảm giác thoải mái và an toàn. Điều bạn cần là một người biết lắng nghe, không phán xét, và không làm trầm trọng thêm những ý nghĩ tiêu cực của bạn. Điều quan trọng nhất là họ chịu lắng nghe và thấu hiểu.
Những người thân yêu luôn quan tâm và muốn dành những lời khuyên tốt nhất cho bạn, nhưng đôi khi họ không biết phải mở lời như thế nào. Việc bạn chủ động có thể giúp họ có cơ hội gần gũi, tìm hiểu vấn đề một cách rõ ràng hơn. Từ đó giúp bạn giảm tỏa những vấn đề trong công việc và cuộc sống. Kinh nghiệm từ những người đi trước rất đáng để bạn tham khảo.
Thiết lập những mối quan hệ mới
Ngoài ra bạn cũng có thể xây dựng những mối quan hệ mới để tìm niềm vui trong cuộc sống, hạn chế những ảnh hưởng mà công việc mang đến. Và đối tượng tốt nhất để làm thân là đồng nghiệp trong công ty. Đồng nghiệp là những người bạn gặp mặt hàng ngày, những người có thể cùng bạn ăn trưa, tán gẫu trong lúc làm việc, và chia sẻ những câu chuyện vui. Có những đồng nghiệp thân thiện giúp công việc của bạn đỡ áp lực.
Tuy vậy, nếu đồng nghiệp xung quanh là những người tiêu cực, thường mang đến nguồn năng lượng xấu và khiến bạn không thoải mái thì đừng cố gắng thân thiết với họ. Điều này chỉ khiến tâm trạng của bạn thêm tồi tệ bên cạnh áp lực công việc đè nặng. Hãy chọn bạn mà chơi, chọn những người giúp bạn thoải mái và yêu đời hơn. Nếu không thể thân thiết với đồng nghiệp, bạn nên tìm những mối quan hệ mới ngoài xã hội.
Hãy thử tham gia một câu lạc bộ, hay một nhóm nhỏ có cùng sở thích với bạn và cùng họ trò chuyện. Đôi khi những người bạn mới có thể cho bạn những góc nhìn độc đáo trong cuộc sống, kéo bạn ra khỏi vũng lầy của những suy nghĩ tiêu cực bủa vây. Nếu có thể, tìm kiếm những người có cùng công việc, và tìm hiểu cách những người ấy vượt qua tình trạng Burnout và tìm kiếm niềm vui mới trong công việc.
Có lẽ bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!