Mất Cảm Xúc, Hứng Thú Với Cuộc Sống: Nguyên nhân và điều trị
Mất cảm xúc, hứng thú với cuộc sống khiến cho bạn khó có thể tập trung tâm trí và dồn hết năng lực để hoàn thành bất cứ điều gì. Nó khiến bạn trở nên thiếu sức sống, phơ bờ và không còn động lực.
Nguyên nhân khiến bạn mất cảm xúc, hứng thú với cuộc sống
Có bao giờ bạn cảm thấy không còn cảm xúc và hứng thú đối với bất kỳ điều gì đang xảy ra xung quanh cuộc sống. Bạn đã từng cảm thấy cuộc đời của mình thật tẻ nhạt, những hoạt động xung quanh không khiến bạn cảm nhận được sự vui vẻ, thoải mái và hài lòng hay chưa?
Đôi khi vì một lý do nào đó, một sự tổn thương về mặt tâm lý hoặc các sự kiện đau buồn xảy ra có thể khiến bạn dần chìm vào trạng thái tiêu cực, không còn cảm xúc và niềm hứng thú với mọi thứ đang diễn ra xung quanh. Nó khiến cho bạn trở nên mệt mỏi, chán chường và không còn niềm tin, hy vọng nào về cuộc sống hiện tại lẫn tương lai.
Trong thực tế, cuộc sống hàng ngày không thể lúc nào cũng chiều theo ý muốn của bạn. Tất nhiên bạn sẽ trải qua những giây phút vui vẻ, tràn ngập tiếng cười nhưng cũng khó có thể tránh khỏi những lúc tụt năng lượng, cảm thấy bản thân không có điểm tựa và mục tiêu để phấn đấu.
Trạng thái tâm lý này dễ xuất hiện ở những người yếu đuối, không có nhiều trải nghiệm thực tế và khả năng chống chọi với khó khăn, thử thách kém. Hoặc nó cũng có nguy cơ tồn tại khi con người trải qua những sang chấn tâm lý, những cú sốc tinh thần hoặc liên tục đối diện với các áp lực, mệt mỏi, thất bại trong cuộc sống.
Khi tình trạng mất cảm xúc và hứng thú với cuộc sống liên tục kéo dài sẽ khiến cho bạn khó có thể hoàn thành tốt các công việc hàng ngày, dần mất đi động lực để học tập, làm việc, xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp. Không những thế nó còn có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe tâm lý nguy hiểm nên cần được hỗ trợ cải thiện sớm.
Để có thể khắc phục tốt tình trạng mất hứng thú với cuộc sống, đầu tiên bạn cần xác định rõ về nguyên nhân gây ra trạng thái tiêu cực này. Sau đây là một vài lý do có thể dẫn đến việc mất hứng thú, cảm xúc như:
1. Mất hứng thú do thất bại
Thất bại là một trong các nguyên nhân hàng đầu và được xem là bình thường nhất có thể khiến con người dần trở nên suy sụp, mệt mỏi và không còn hứng thú, cảm xúc với cuộc sống xung quanh. Đây được xem là trạng thái cảm xúc thường gặp của mỗi con người bởi không ai mong muốn mình vấp ngã, thất bại trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Mỗi người sẽ có khả năng đối mặt và phản ứng với thất bại khác nhau. Có những người dễ dàng chấp nhận và xem thất bại đó như một cơ hội, trải nghiệm tích cực để nỗ lực, cố gắng hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, cũng không ít người dần trở nên chán nản, tuyệt vọng, mất dần niềm tin vào cuộc sống hoặc họ còn cho rằng mọi thứ đang chống lại chính mình.
Các cảm xúc này thường xuất hiện ngay sau khi bạn thất bại và nếu bạn không có cách để vượt qua được trạng thái buồn bã thì nó có thể chuyển thành sự thờ ơ, mất cảm xúc. Nhiều người tự tách biệt bản thân với xã hội, họ cho rằng mình là người kẽm cõi, bất tài và chọn cách buông xuôi tất cả.
Nếu họ có đủ sự mạnh mẽ và nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời thì sẽ dễ dàng vượt qua được những cảm xúc tồi tệ này, cân bằng lại trạng thái tâm lý để tiếp tục cố gắng cho tương lai. Tuy nhiên, cũng có không ít các trường hợp dần bị nhấn chìm bởi thất bại và họ trở nên thờ ơ, vô cảm với mọi thứ. Tình trạng này sẽ dần giết chết đi cuộc sống của họ, thậm chí khiến họ phải đối mặt với các trạng thái rối loạn tâm lý nghiêm trọng hơn, phổ biến nhất là trầm cảm, rối loạn lo âu.
2. Ảnh hưởng từ sang chấn tâm lý
Các sang chấn tâm lý như đột ngột mất đi người thân, phá sản, ly hôn, thất nghiệp, mắc bệnh nan y, nợ nần, thiên tai, tai nạn giao thông nghiêm trọng,…cũng có thể là lý do khiến cho nhiều người dần xuất hiện cảm giác mất hứng thú và cảm xúc với cuộc sống. Các sự kiện này có thể gây tổn thương và để lại một vết xước tâm lý to lớn đối với mỗi con người.
Trạng thái buồn bã, chán nản, mệt mỏi, u sầu, tuyệt vọng khi kéo dài trong một thời gian sẽ làm cho bạn dễ mất đi các động lực tích cực trong cuộc sống, dễ dàng từ bỏ và buông rơi chính cuộc đời của chính mình. Có những người khó có thể chấp nhận và vượt qua những sự kiện gây tổn thương tâm lý và họ cứ mãi chìm đắm trong các cảm xúc tiêu cực, khó có thể cân bằng lại.
3. Biểu hiện các các vấn đề sức khỏe tâm lý
Mất cảm xúc và hứng thú trong cuộc sống có thể là biểu hiện cảnh báo về một số vấn đề sức khỏe tâm lý cần được can thiệp và điều trị sớm. Cũng bởi, các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn giải thể nhân cách cũng có thể làm xuất hiện các cảm xúc tiêu cực, khiến cho người bệnh dần mất hứng thú với cuộc sống và thế giới bên cạnh.
Cụ thể, một số bệnh lý có thể liên quan và gây ra cảm xúc tồi tệ này như:
- Trầm cảm: Chứng rối loạn khí sắc này hiện đang ảnh hưởng rất lớn đến toàn thế giới và ai trong chúng ta cũng có nguy cơ khởi phát căn bệnh này trong các giai đoạn khác nhau. Đặc trưng nổi bậc của chứng trầm cảm đó chính là trạng thái buồn bã, chán nản, mệt mỏi và mất dần hứng thú với những điều xảy ra xung quanh. Người bệnh sẽ không còn cảm thấy hạnh phúc và cảm nhận sự vui vẻ về hầu hết những hoạt động bên ngoài. Kèm theo đó, họ có thể xuất hiện thêm các biểu hiện như rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, tự đổ lỗi cho bản thân, suy nghĩ tiêu cực, muốn có ý định thực hiện việc tự sát.
- Rối loạn cảm xúc theo mùa: Các biểu hiện của rối loạn cảm xúc theo mùa thường khởi phát và trở nên mạnh mẽ hơn vào mùa thu hoặc mùa đông. Người bệnh sẽ chịu tác động từ cường độ ánh sáng cùng với sự suy giảm về mặt thời gian khiến họ dễ nảy sinh các cảm xúc tiêu cực, rối loạn. Những người mắc phải chứng bệnh này cũng sẽ có cảm giác mất hứng thú với những điều đang diễn ra xung quanh cuộc sống, họ cảm thấy chán chường, không còn năng lượng và không có động lực để làm bất cứ việc gì.
- Rối loạn giải thể nhân cách: Chứng rối loạn này còn khá xa lạ đối với nhiều người nhưng nếu trạng thái mất cảm xúc của bạn có kèm theo trạng thái mơ hồ, không xác định, bạn đang có cảm giác như tách rời khỏi cơ thể thì đây có lẽ là dấu hiệu cảnh báo về rối loạn giải thể nhân cách.
- Hội chứng burnout: Theo WHO thì đây là hội chứng có liên quan đến sự căng thẳng kéo dài không được kiểm soát và khắc phục. Nó khiến con người dần mất đi năng lượng, trở nên mệt mỏi, chán chường và không thể đáp ứng tốt với các yêu cầu của đời sống. Tình trạng này có thể dẫn đến việc mất hứng thú với công việc, mất đi động lực để tiếp tục các công việc hàng ngày.
Trạng thái mất hứng thú và cảm xúc với cuộc sống có thể xuất hiện bởi nhiều yếu tố tác động khác nhau. Nó không hẳn là một trong các yếu tố liên quan đến những vấn đề sức khỏe tâm thần nhưng chúng ta cũng cần phải quan tâm, kịp thời hỗ trợ các biện pháp can thiệp, cải thiện phù hợp để mau chóng thoát khỏi các sự tiêu cực này, từ đó dễ dàng hơn trong việc cân bằng cuộc sống.
Mất cảm xúc với cuộc sống có đáng lo ngại không?
Trạng thái mất cảm xúc và hứng thú với cuộc sống không chỉ gây nên những tác động tiêu cực đối với tâm lý mà còn cản trở rất nhiều đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày của con người. Nếu tình trạng này cứ mãi kéo dài sẽ khiến cho bạn dễ mất đi các động lực để nỗ lực, phấn đấu và bắt đầu một công việc mới.
Đồng thời, những người dần không còn cảm xúc với cuộc sống sẽ trở nên vô cảm, thờ ơ, lạnh nhạt với tất cả những gì xuất hiện xung quanh họ. Họ không còn cảm nhận được những cảm xúc vui buồn, hạnh phúc, sung sướng về những điều mà mình đã từng rất yêu thích, đam mê trước đây.
Khi không còn hứng thú và mất dần niềm tin vào cuộc sống, con người sẽ dần tự tạo cho mình một lớp vỏ bọc để tách biệt với thế giới bên ngoài. Họ có thể tự giam lỏng bản thân, không muốn gặp gỡ, giao tiếp với bất kỳ ai và dần trở nên cô đơn, héo mòn trong chính cuộc sống của mình.
Ngoài ra, sự vô cảm, mất hứng thú với cuộc sống cũng khiến cho nhiều người dần không còn động lực, khó có thể hoàn thành tốt bất kỳ công việc gì. Tình trạng này còn gây ra rất nhiều cản trở trong việc học tập, làm việc khiến họ dễ đánh mất chính mình, mất đi những cơ hội để phát triển bản thân và đạt được những thành công trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện như rượu bia, thuốc lá, ma túy còn có thể tăng cao đối với những người đã không còn hứng thú đối với cuộc sống. Họ cảm thấy mọi thứ đang quay lưng lại với mình và chỉ có cách tìm đến những chất kích thích mới có thể tạm thời giúp họ xua tan mệt mỏi. Tuy nhiên, việc lạm dụng các chất này không chỉ gây ra các hậu quả nghiêm trọng về đời sống và còn dần giết chết cơ thể của họ.
Đặc biệt hơn, trạng thái tiêu cực này nếu cứ mãi kéo dài còn có thể làm xuất hiện thêm những cảm xúc tồi tệ hơn. Nó có thể khiến cho con người không thể kiểm soát tốt suy nghĩ, hành vi của bản thân và thôi thúc họ thực hiện các ý đồ tự sát nhằm muốn thoát khỏi cuộc sống tẻ nhạt này.
Cách thoát khỏi trạng thái mất cảm xúc, hứng thú với cuộc sống
Mỗi chúng ta cần có những cảm xúc về sự vui buồn, hạnh phúc, chán nản, hân hoan và những sự hứng thú với các lĩnh vực, hoạt động khác nhau trong cuộc sống. Vì thế, nếu bạn đang rơi vào trạng thái vô cảm, mất dần hứng thú và cảm xúc với mọi thứ thì nên hỗ trợ cải thiện, khắc phục trong giai đoạn sớm.
Dưới đây là một số gợi ý về các biện pháp cải thiện hiệu quả giúp bạn có thể mau chóng thoát khỏi những cảm xúc, trạng thái tồi tệ để tiếp tục phấn đấu trong cuộc sống.
1. Viết nhật ký
Nhiều người thường chia sẻ rằng họ khó có thể mở lòng và tâm sự với những người xung quanh về cảm xúc hiện tại của bản thân. Bên cạnh đó, khi nói ra những suy nghĩ trong lòng, họ thường không nhận được nhiều sự cảm thông và đồng cảm bởi những người thân thiết.
Chính vì thế, cách tốt nhất để bạn có thể cân bằng lại trạng thái tâm lý, lấy lại niềm tin về cuộc sống đó chính là hãy bắt đầu thói quen viết nhật ký. Trong rất nhiều các nghiên cứu khoa học cho biết rằng, viết nhật ký là một hoạt động vô cùng hữu ích giúp bạn có thể dễ dàng giải tỏa các cảm xúc tiêu cực mà không cần phải nhờ đến sự giúp đỡ của bất kỳ ai.
Khi đặt bút viết ra những suy nghĩ, những gì mà bạn đang cảm nhận về thế giới xung quanh sẽ giúp cho bạn phần giải tỏa tốt hơn về những sự trăn trở trong lòng. Với những gì đang diễn ra, bạn hãy viết về những cảm nhận của bản thân về nó và có thể đọc lại sau khi cảm thấy bình tĩnh hơn.
Trang giấy trắng sẽ không bao giờ phản bội bạn và nó chính là công cụ tuyệt vời để bạn có thể xua tan những buồn phiền, những nút thắt trong lòng. Nếu cảm thấy quá tiêu cực về cuộc sống, các cảm xúc đang bị dồn nén một cách mạnh mẽ thì bạn cũng có thể viết chúng ra giấy và rồi xé bỏ trang giấy đó như một cách để loại bỏ những điều tiêu cực.
2. Đặt ra mục tiêu của bản thân
Đôi lúc sự chênh vênh trong cuộc sống cũng có thể khiến bạn trở nên mất phương hướng và không còn thiết tha với những điều đang có hiện tại. Đặc biệt là những trường hợp mất cảm xúc do các sang chấn tâm lý gây ra, những sự kiện khiến họ trở nên thất vọng, bi quan, chán chường, bế tắt sẽ khiến họ dần buông xuôi tất cả.
Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng, trong cuộc sống này luôn đầy rẫy những khó khăn, những tình huống bất ngờ mà bạn không thể nào kiểm soát được. Bạn có thể thất bại nhưng đừng buông bỏ, bạn có thể bị bỏ rơi nhưng tuyệt đối đừng bỏ rơi chính bản thân mình.
Vì thế, hãy luôn đặt ra mục tiêu phấn đấu của bản thân. Nó có thể là trong một tuần, một tháng hoặc thậm chí là một vài năm. Khi có được một đích đến cụ thể bạn sẽ có thêm động lực để cố gắng hơn, biết rõ mình cần làm gì, cần phải hành động để đạt được những điều mà mình mong muốn.
Ví dụ nếu bạn đang rơi vào trạng thái mất hứng thú, suy sụp vì phải đối diện với một khoản nợ quá lớn thì hãy bắt đầu đặt ra mục tiêu trả nợ của mình. Tùy vào năng lực và khả năng của bạn mà bạn có thể đưa ra mục tiêu trả hết nợ trong vòng 1 năm, 2 năm hoặc thậm chí là 10 năm. Đây có thể là một hành trình dài nhưng nếu bạn có sự nỗ lực và tin tưởng vào bản thân thì chắc chắn bạn sẽ vượt qua được nó.
3. Hãy tự thưởng cho bản thân
Đừng quá khắt khe với chính mình và hãy học cách tận hưởng cuộc sống này theo cách riêng của chính mình. Đồng thời, hãy tự tạo động lực cho bản thân bằng cách tự khen thưởng khi nhìn thấy mình làm tốt được một việc gì đó.
Bạn có thể tự thưởng cho mình một ngày nghỉ ngơi, thư giãn sau khi đã cố gắng làm việc vất vả cả tuần. Hoặc dành ra một ít thời gian để mua sắm, chăm sóc sắc đẹp sau khi bản thân buông bỏ được một số cảm xúc tiêu cực.
Hãy cố gắng duy trì những thói quen tích cực hàng ngày. Hãy làm những điều mà bản thân thực sự mong muốn, kể cả những việc nhỏ nhặt nhất có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.
4. Tiếp xúc với những điều tích cực
Xem một bộ phim hài, một số bộ anime, chăm sóc thú cưng, nghe nhạc, đọc sách, tập luyện thể dục thể thao, nấu những món ăn yêu thích, nghỉ ngơi, thư giãn chính là các biện pháp an toàn và hữu hiệu có thể giúp bạn cải thiện trạng thái tâm lý tốt hơn. Khi bạn càng tiếp xúc với những điều tích cực bạn sẽ dễ dàng nhận ra được nhiều giá trị của bản thân và cảm nhận rõ hơn về những điều tươi đẹp hiện có trong cuộc sống.
Những thông điệp quá báu đến từ các bộ phim hài hước sẽ giúp bạn phần nào xua tan những ưu phiền trong lòng, nó mang đến một làn gió mới để giúp bạn vực dậy tinh thần tốt hơn. Hoặc nếu cảm thấy quá tồi tệ, bạn cũng có thể thử gặp gỡ những người có lối suy nghĩ lạc quan, lành mạnh để tiếp nhận tốt nguồn năng lượng tích cực mà họ mang đến.
5. Nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý
Như đã chia sẻ, tình trạng mất cảm xúc và hứng thú với cuộc sống có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe tâm lý. Nếu đã áp dụng hầu hết các cách cải thiện nhưng trạng thái tồi tệ này vẫn cứ đeo bám hoặc thậm chí trở nên nghiêm trọng hơn thì bạn cũng nên cân nhắc đến việc tìm gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ tốt hơn.
Các chuyên gia tâm lý sẽ có nhiều kinh nghiệm trong việc giúp giải tỏa những cảm xúc tiêu cực. Họ biết cách khai thác sâu vào nội tâm của con người và dần giúp họ nhìn nhận ra những sự sai lệch về suy nghĩ, từ đó dễ dàng tìm cách giải quyết và khắc phục hiệu quả.
Hy vọng thông tin bài viết trên đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về trạng thái mất cảm xúc và hứng thú với cuộc sống, từ đó dễ dàng tìm ra các biện pháp can thiệp phù hợp để nhanh chóng đẩy lùi tình trạng tiêu cực này. Bên cạnh các biện pháp nêu trên, bạn cũng cần xây dựng và duy trì tốt một lối sống lành mạnh, ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện thể dục đúng cách để có được một tinh thần khỏe mạnh, một cuộc sống an yên.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!