12 Cách Kiểm Soát Cơn Nóng Giận – Giúp bạn làm chủ cảm xúc
Tức giận làm bộc phát những hành vi thiếu chừng mực như quát tháo, tranh cãi gay gắt và thậm chí là bạo lực. Học cách kiểm soát cơn nóng giận là kỹ năng mà bất cứ ai cũng nên trang bị. Kỹ năng này giúp bạn làm chủ cảm xúc của chính mình và tránh được những phiền toái do sự nóng nảy gây ra.
Vì sao cần kiểm soát cơn nóng giận?
Tức giận là cảm xúc thông thường của con người bên cạnh cảm giác vui vẻ, hạnh phúc, buồn bã, lo lắng… Cơn giận là phản ứng tự nhiên khi chúng ta phải đối mặt với những tình huống không mong muốn như mâu thuẫn, bất đồng quan điểm hay các sự kiện ảnh hưởng đến hình ảnh và quyền lợi của bản thân.
Cảm xúc có mối liên hệ mật thiết với hành vi và suy nghĩ. Khi ở trạng thái vui vẻ, chúng ta thường sẽ có những hành vi và suy nghĩ tích cực. Trong khi đó nếu giận dữ và nóng nảy, lý trí sẽ bị lấn át. Các hành vi không đúng mực như hung hăng, kích động, gây hấn có thể bộc phát.
Học cách kiểm soát cảm xúc nói chung và xoa dịu cơn nóng giận nói riêng là kỹ năng cần thiết mà bất cứ ai cũng đều nên trang bị. Nếu cơn giận không được kiểm soát, sẽ khó có thể tránh khỏi các hành vi thiếu chừng mực như quát mắng người khác hay thậm chí là bạo lực.
Giải tỏa cơn giận bằng những hành vi này không thật sự là giải pháp tối ưu. Sau khi bình tĩnh lại, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy hối hận về cách xử sự thiếu kiềm chế của bản thân. Tuy nhiên, kìm nén cơn giận để tránh làm mất lòng người khác cũng không phải là cách hay.
Khi cố gắng kìm nén cảm xúc, sự tức giận vẫn sẽ hiện diện ở đó. Theo thời gian, cơn giận sẽ lớn dần lên và bằng một cách nào đó, bạn sẽ “bùng nổ” bằng các hành vi tiêu cực như la hét hay thậm chí là gây hấn với người khác.
Kiểm soát cơn nóng giận không đồng nghĩa với việc kìm nén và che giấu cảm xúc của bản thân. Kiểm soát có nghĩa là bạn phải làm chủ tâm trạng của chính mình, biết xoa dịu cơn giận, đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực để duy trì trạng thái cân bằng.
Kỹ năng này sẽ giúp hạn chế những tình huống đáng tiếc, công việc, học tập và các mối quan hệ đều phát triển thuận lợi. Ngoài ra, những người có khả năng làm chủ cảm xúc cũng ít bị stress, nguy cơ phát triển bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu cũng giảm đi đáng kể.
12 Cách kiểm soát cơn nóng giận xoa dịu cảm xúc tức thì
Sự tức giận giống như một ngọn lửa thiêu cháy hết lý trí và sự chừng mực vốn có. Các hành vi bộc phát trong cơn giận không chỉ làm tổn thương những người xung quanh mà còn gây ra cho bạn các cảm xúc tiêu cực khác như sự dằn vặt, tội lỗi, xấu hổ…
Vậy làm thế nào để kiểm soát cơn nóng giận và làm chủ cảm xúc của chính mình? Một số mẹo đơn giản sau sẽ giúp bạn chế ngự sự nóng nảy để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra:
1. Hít thở sâu
Khi tức giận, cơ thể sẽ có những phản ứng sinh lý như tăng thân nhiệt, mặt đỏ bừng, tăng nhịp tim… Các phản ứng này càng thôi thúc bạn thực hiện hành vi “giải tỏa”. Để chế ngự cảm giác nóng nảy và điều hòa tâm trạng, bạn có thể thử kỹ thuật hít thở sâu.
Hít thở sâu giúp điều hòa các phản ứng sinh lý khi nóng nảy, lo âu và căng thẳng. Đặc biệt, kỹ thuật thở bụng có thể cải thiện hầu hết các triệu chứng này. Đồng thời điều hòa cảm xúc, giảm bớt sự tức giận và bức bối. Chỉ sau khoảng vài phút, bạn có thể bình tĩnh lại để đánh giá sự việc trước khi đưa ra hướng xử lý.
Hướng dẫn kỹ thuật thở bụng giúp kiểm soát cơn nóng giận tức thì:
- Hít sâu bằng mũi, đưa không khí vào sâu bên trong cơ hoành cho đến khi bụng phình ra.
- Sau đó, thở từ từ ra bằng miệng cho đến khi bụng xẹp lại bình thường.
- Thực hiện liên tục trong vài phút.
- Khi thở bụng, bạn có thể nhẩm đếm nhịp thở để tự gây xao nhãng. Cách này cũng sẽ giúp giảm bớt sự nóng nảy và cáu kỉnh.
2. Giải tỏa sự tức giận bằng các hoạt động thư giãn
Giống như các cảm xúc tiêu cực khác, cảm giác nóng giận có thể được giải tỏa sau khi thực hiện những hoạt động thư giãn. Thay vì suy nghĩ đến vấn đề gây ra sự khó chịu và nóng nảy, bạn nên dành thời gian cho các hoạt động yêu thích như nghe nhạc, chơi với thú cưng, đi dạo, chăm sóc cây cối…
Những hoạt động này sẽ mang đến cảm giác thoải mái và nhẹ nhàng. Cảm xúc tích cực gia tăng sẽ giúp “áp chế” cơn nóng giận đang “sôi sục”.
Sau khi trở lại trạng thái cân bằng, bạn có thể suy xét vấn đề một cách sâu xa và đưa ra giải pháp tối ưu. Hơn hết khi học được cách kiểm soát cơn giận, bạn sẽ nhận được sự tôn trọng từ những người xung quanh. Các vấn đề vì thế cũng được giải quyết một cách ổn thỏa, tránh mâu thuẫn càng thêm sâu sắc do các hành vi bộc phát.
3. Tự nhủ bản thân phải bình tĩnh
Bạn có thể kiểm soát cơn nóng giận bằng cách tự nhủ bản thân phải bình tĩnh. Bằng cách lặp đi lặp lại những câu “thần chú” như không được nóng giận, phải bình tĩnh… cảm giác tức giận sẽ giảm đi đáng kể.
Thực tế, biện pháp này là hình thức tự ám thị. Khi nhắc bản thân phải bình tĩnh, cơn nóng giận sẽ được xoa dịu đi vài phần. Hơn nữa, việc nhắc đi nhắc lại những câu nói này còn giúp bạn giữ sự lý trí, tránh các hành vi thiếu chừng mực trong khi đang giận dữ.
4. Dừng cuộc tranh luận kịp thời
Nếu đang trong một cuộc tranh luận, bạn nên yêu cầu đối phương dừng lại khi cảm thấy bản thân đang tức giận và mất đi sự bình tĩnh. Tạm hoãn cuộc trò chuyện sẽ tránh mâu thuẫn bị đẩy lên cao, đồng thời giúp cả hai có thời gian để bình tâm và nhìn nhận mọi chuyện một cách thấu đáo hơn.
5. Đặt bản thân vào vị trí của người khác
Sau khi có thời gian suy nghĩ, bạn nên thử đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu hơn về cảm nhận của họ. Cách nhìn nhận cá nhân thường có tính chất chủ quan, phiến diện vì cảm xúc, lợi ích của bản thân luôn được đặt lên vị trí hàng đầu.
Thử đặt mình vào vị trí của người khác sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về sự việc. Nếu ở trong vị trí của đối phương, bạn cũng có những hành động và phản ứng như vậy thì thay vì tranh cãi, hãy tìm cách hòa giải.
Hiểu được cảm xúc và suy nghĩ của người khác sẽ giúp bạn giảm bớt cảm giác nóng nảy không cần thiết. Hơn nữa, bằng cách này, bạn cũng sẽ hình thành cách nhìn nhận sâu sắc và đa chiều hơn về cuộc sống.
6. Thay đổi suy nghĩ
Đa phần những người hay nóng giận đều có suy nghĩ tiêu cực và gặp một số lỗi tư duy như tư duy trắng đen, khái quát hóa thái quá, chú ý vào chi tiết… Những lỗi tư duy này sẽ khiến bạn luôn có suy nghĩ không tốt về người khác và dễ cảm thấy nóng giận do bất mãn, không hài lòng.
Thay đổi suy nghĩ không đơn thuần là thay đổi tư duy của chính bạn. Suy nghĩ khác đi sẽ kéo theo sự chuyển biến của cảm xúc, thế giới quan, hành vi… Khi hình thành nhận thức đúng đắn, bạn sẽ hạn chế, kiểm soát được cơn nóng giận, chủ động hơn trong cuộc sống và tránh được những mâu thuẫn không đáng có.
7. Từ bỏ các mối quan hệ độc hại
Ngoài những cách kiểm soát cơn nóng giận tức thì, bạn cũng cần tìm cách đẩy lùi cảm xúc tiêu cực này trong tương lai. Sau khi đã thay đổi bản thân, bạn cũng nên nhìn nhận lại những mối quan hệ xung quanh. Cảm xúc tức giận đôi khi không bắt nguồn từ bạn mà do bạn bè, đồng nghiệp hoặc người yêu.
Bạn không thể có một đời sống tinh thần lành mạnh nếu duy trì những mối quan hệ độc hại. Trong khi đó, từ bỏ những mối quan hệ tiêu cực sẽ giúp bạn thoát khỏi mớ cảm xúc hỗn độn như thất vọng, đau khổ, lo lắng, buồn phiền, tức giận và khó chịu.
8. Kiểm soát các yếu tố gây ra sự nóng nảy, tức giận
Những sự kiện nhỏ trong cuộc sống hằng ngày như kẹt xe, công việc chậm trễ, thường xuyên quên đồ đạc… tích tụ lại cũng có thể khiến bạn cảm thấy nóng nảy và bực bội. Trong trường hợp này, cách tốt nhất để kiểm soát cơn nóng giận là tìm cách khắc phục nguyên nhân.
Tâm trạng không tốt sẽ khiến bạn khó có thể làm việc, học tập với tinh thần hào hứng và tập trung. Bạn cũng có thể vô tình “to tiếng” với những người xung quanh chỉ vì đang nóng giận với chính bản thân mình.
Khi kiểm soát được những yếu tố gây ra sự nóng nảy, bạn có thể làm chủ cảm xúc và giữ được một tinh thần tốt nhất. Cuộc sống thuận lợi cũng giúp bạn tránh được những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo âu, buồn phiền, chán nản…
9. Xây dựng môi trường sống lành mạnh
Môi trường sống ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng. Sự nóng giận cũng thể lên đến đỉnh điểm nếu bạn sống trong môi trường ô nhiễm, đầy tiếng ồn, không gian bừa bộn, không được vệ sinh thường xuyên.
Các nghiên cứu về ảnh hưởng của môi trường đối với tâm trạng cho thấy, những người sống gần gũi với thiên nhiên, môi trường yên tĩnh, trong lành sẽ ít phát triển các cảm xúc tiêu cực. Trong khi đó, môi trường không thuận lợi sẽ gây stress và tăng cường độ của các cơn giận dữ.
Nếu thường xuyên nóng nảy và nhạy cảm quá mức, hãy bắt đầu thay đổi từ môi trường sống. Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, giữ không gian sống ngăn nắp, trồng thêm cây xanh… sẽ giúp tâm trạng trở nên tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể đi dạo ở công viên sau giờ làm việc để bình tâm và chế ngự cơn nóng giận.
10. Tập thể dục
Khi tức giận, cơ thể sẽ tăng sản xuất hormone cortisol dẫn đến tăng năng lượng, nhịp tim và huyết áp. Ở trong trạng thái này, các hành vi thiếu chừng mực có thể bộc phát. Để giải tỏa cơn giận, bạn nên tập thể dục thay vì bộc phát các hành vi có thể gây tổn thương những người xung quanh.
Tập thể dục giúp bạn giải phóng năng lượng do hormone cortisol tạo ra. Ngoài ra khi tập luyện, não bộ sẽ tăng tiết các hormone giúp điều hòa tâm trạng như serotonin, endorphine… Bằng cách này, bạn có thể lấy lại sự bình tĩnh và kiểm soát cơn nóng giận để tránh những tình huống đáng tiếc.
11. Tập trung vào những điều có ý nghĩa
Cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra đúng như mong muốn. Đôi khi, những tình huống không may có thể xảy ra khiến cho bạn cảm thấy không thoải mái, uất ức và tức giận. Tuy nhiên, thay vì lúc nào cũng đòi hỏi mọi thứ phải rõ ràng, học cách bỏ qua những điều nhỏ nhặt đôi khi là giải pháp tốt hơn.
Bạn nên tập trung vào những điều có ý nghĩa trong cuộc sống như công việc, học tập, gia đình, bạn bè, các mối quan hệ tình cảm… Những vấn đề khác nếu không quá quan trọng, đừng nên để tâm quá nhiều.
Giảm bớt những mối quan tâm không thật sự cần thiết sẽ giúp hạn chế các cảm xúc tiêu cực, bao gồm cả cơn nóng giận. Khi tinh thần ổn định và biết bản thân mình cần gì, muốn gì, điều gì là quan trọng nhất, bạn có thể làm chủ cảm xúc và bỏ qua những thứ vặt vãnh để tập trung cho những điều lớn lao hơn.
12. Chia sẻ cảm xúc với người khác
Kìm nén cảm xúc không phải là điều nên làm. Cơn giận dữ như một ngọn lửa, nó vẫn sẽ bùng nổ theo một cách khác. Thay vì bộc lộ sự nóng giận bằng những hành vi thiếu kiềm chế, bạn nên tìm đến bạn bè, người thân để chia sẻ cảm xúc.
Khi giãi bày hết những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, tâm trạng của bạn sẽ trở nên tốt hơn. Bên cạnh đó, người ngoài cuộc cũng sẽ giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn về sự việc, tìm ra giải pháp tốt nhất cho những vấn đề mà bản thân đang phải đối mặt.
Tức giận là cảm xúc tiêu cực cần phải được chế ngự để tránh những hành vi thiếu chừng mực.Trang bị cách kiểm soát cơn nóng giận sẽ giúp bạn tránh được những phiền toái trong cuộc sống, làm chủ cảm xúc và có một đời sống tinh thần lành mạnh hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!