Bị trầm cảm có phải uống thuốc suốt đời không? Giải đáp từ bác sĩ

Không như các bệnh lý thông thường, bệnh nhân trầm cảm phải dùng thuốc kéo dài ngay cả triệu chứng đã giảm hẳn để ngăn ngừa tái phát. Vậy nên không ít người băn khoăn bị trầm cảm có phải uống thuốc suốt đời không. Những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc để chủ động hơn trong điều trị, chăm sóc.

Bị trầm cảm có phải uống thuốc suốt đời không?

Hiện nay, liệu pháp hóa dược vẫn là phương pháp chính trong điều trị trầm cảm. Các loại thuốc được sử dụng đều có tác dụng cải thiện tâm trạng, nâng cao khí sắc, giảm lo âu, buồn rầu, lấy lại hứng thú và cảm giác thích thú với các hoạt động. Một số loại thuốc còn có thể cải thiện các triệu chứng thể chất liên quan đến trầm cảm như mất ngủ, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim…

Điều trị trầm cảm thường sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần và thuốc an thần nhóm benzodiazepin. Trong đó, thuốc chống trầm cảm là nhóm thuốc chính được dùng trong cả điều trị tấn công và điều trị củng cố nhằm hạn chế tái phát.

trầm cảm có phải uống thuốc suốt đời không
Bị trầm cảm có phải uống thuốc suốt đời không là băn khoăn của nhiều bệnh nhân

Mặc dù mang lại hiệu quả tốt nhưng dùng thuốc lâu dài gây ra không ít tác dụng phụ như tăng cân, giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, táo bón… Do đó, không ít người băn khoăn liệu bị trầm cảm có phải uống thuốc suốt đời không?

Theo các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần, đa phần người bị trầm cảm đều không phải sử dụng thuốc suốt đời. Thời gian dùng thuốc trung bình từ 1 – 2 năm hoặc lâu hơn tùy theo tình trạng cụ thể.

Trong đó, điều trị tấn công kéo dài khoảng 4 – 8 tuần nhằm khống chế các triệu chứng của cơn trầm cảm. Trong điều trị tấn công, thuốc chống trầm cảm thường được kết hợp với thuốc an thần benzodiazepin hoặc thuốc chống loạn thần.

Nếu ngưng thuốc trong thời gian này, trầm cảm sẽ tái phát sau một thời gian ngắn. Vì vậy, bệnh nhân cần dùng thuốc thêm ít nhất 1 năm. Sử dụng thuốc lâu dài nhằm mục đích cân bằng nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, từ đó giúp ổn định tâm trạng và tránh xáo trộn khí sắc.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp trầm cảm phải dùng thuốc suốt đời. Những trường hợp này đều có triệu chứng nặng, nếu ngưng thuốc sẽ tái phát trở lại với mức độ nghiêm trọng hơn. May mắn là chỉ có một số ít bệnh nhân trầm cảm phải điều trị củng cố suốt đời. Phần lớn trường hợp đều có đáp ứng tốt với thuốc và tỷ lệ tái phát giảm đáng kể khi được điều trị củng cố trong 1 – 2 năm.

Những trường hợp trầm cảm phải dùng thuốc suốt đời

Như đã giải đáp, đa phần các trường hợp trầm cảm đều không phải uống thuốc suốt đời. Bên cạnh đó, một số ít trường hợp sẽ được điều trị củng cố suốt đời để phòng ngừa tái phát. Thực tế, dùng thuốc đôi khi không thể ngăn ngừa tái phát hoàn toàn nhưng phần nào giảm mức độ triệu chứng trong các cơn.

Cho đến nay, điều trị trầm cảm vẫn còn nhiều thách thức do căn nguyên và cơ chế bệnh sinh còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Vì vậy, mặc dù được điều trị tích cực nhưng vẫn có nhiều trường hợp kháng thuốc, không có đáp ứng tốt.

Dưới đây là những trường hợp trầm cảm có chỉ định điều trị củng cố suốt đời:

Tái phát cơn thứ 5 trở lên

Trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc có khả năng tái phát. Những người bị trầm cảm thường có sẵn các yếu tố thuận lợi như nồng độ serotonin giảm thấp, tinh thần không ổn định, tính cách nhạy cảm, hay lo lắng… Vì vậy, khi đối mặt với các sang chấn trong cuộc sống, khí sắc dễ bị xáo trộn và nhiều khả năng sẽ tái phát trầm cảm.

Thời gian điều trị củng cố sẽ kéo dài ở những cơn tái phát tiếp theo. Vì vậy, khi đã xuất hiện cơn thứ 5, bệnh nhân trầm cảm sẽ phải dùng thuốc suốt đời để ngăn ngừa tái phát.

trầm cảm có phải uống thuốc suốt đời không
Những trường hợp trầm cảm đã tái phát cơn thứ 5 trở lên sẽ được chỉ định điều trị củng cố suốt đời

Thời gian điều trị củng cố cụ thể như sau:

  • Cơn trầm cảm đầu tiên: Thời gian điều trị củng cố tối thiểu 1 năm
  • Cơn trầm cảm thứ 2: Điều trị củng cố trong ít nhất 2 năm
  • Cơn trầm cảm thứ 3: Nên điều trị củng cố trong thời gian tối thiểu 3 năm
  • Cơn trầm cảm thứ 4: Thời gian điều trị củng cố kéo dài ít nhất 4 năm
  • Cơn trầm cảm thứ 5: Phải điều trị củng cố suốt đời bằng thuốc chống trầm cảm và thuốc chỉnh khí sắc.

Có thể thấy, nếu đã tái phát đến cơn thứ 5, khả năng tái phát cơn thứ 6 là rất cao vì đã chuyển sang trầm cảm mãn tính. Ở những lần tái phát tiếp theo, triệu chứng thường có mức độ nặng hơn, đôi khi đi kèm loạn thần và đáp ứng kém với thuốc. Do đó, cách tốt nhất là uống thuốc suốt đời để duy trì sự cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh nhằm phòng ngừa và giảm mức độ triệu chứng nếu bệnh tái phát.

Thời gian điều trị củng cố có sự khác biệt ở những đối tượng đặc biệt:

  • Học sinh – sinh viên: Trầm cảm tuổi học đường thường có liên quan đến áp lực học tập, kỳ vọng của gia đình, thầy cô… Vì vậy để tránh tái phát, phải điều trị củng cố cho đến khi ra trường. Nghĩa là sinh viên năm nhất nếu bị trầm cảm sẽ phải dùng thuốc thêm 3 – 4 năm cho đến khi tốt nghiệp, rời khỏi môi trường học đường.
  • Người trên 45 tuổi: Bệnh nhân trầm cảm trên 45 tuổi sẽ phải điều trị củng cố suốt đời – ngay cả khi đó là cơn đầu tiên. Tuổi khởi phát càng cao, nhiều khả năng sẽ đi kèm với loạn thần và nhiều rối loạn khác. Vì vậy, cần phải điều trị củng cố suốt đời để hạn chế tối đa tái phát.

Rối loạn trầm cảm dai dẳng

Rối loạn trầm cảm dai dẳng hay loạn khí sắc là một trong các loại rối loạn cảm xúc. Loại trầm cảm này ít được đề cập hơn trầm cảm điển hình (rối loạn trầm cảm chủ yếu).

trầm cảm có phải uống thuốc suốt đời không
Bệnh nhân loạn khí sắc thường phải điều trị duy trì trong ít nhất 5 năm và một vài trường hợp phải dùng thuốc suốt đời

Trầm cảm mãn tính được xác định khi tình trạng giảm khí sắc xảy ra ở hầu hết thời gian trong ngày và kéo dài ít nhất 2 năm. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có các triệu chứng giống như trầm cảm điển hình như mất ngủ/ ngủ nhiều, giảm sự tự tin, mệt mỏi, giảm năng lượng, khó đưa ra quyết định…

Tương tự như trầm cảm điển hình, rối loạn trầm cảm dai dẳng cũng được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Thời gian điều trị tấn công khoảng 8 tuần và điều trị củng cố tối thiểu ít nhất 5 năm. Một vài trường hợp sẽ phải dùng thuốc suốt đời.

Trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực là rối loạn cảm xúc có cả giai đoạn trầm cảm, hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ, giai đoạn hỗn hợp. Trong đó, ở cả rối loạn lưỡng cực I và II, trầm cảm đều chiếm ưu thế nên rất nhiều người chỉ ý đến các triệu chứng của trầm cảm.

Rối loạn lưỡng cực là bệnh mãn tính và hay tái phát. Chỉ khoảng 7% có thể khỏi hoàn toàn, còn lại đều phải uống thuốc suốt đời. Tùy theo cơn hiện tại là trầm cảm hay hưng cảm, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp để điều trị củng cố.

Trong rối loạn lưỡng cực, cơn trầm cảm được quan tâm hơn hưng cảm do xảy ra trong thời gian dài, triệu chứng phức tạp và nguy cơ tự sát cao. Sau khi kiểm soát cơn trầm cảm, bệnh nhân thường sẽ ngừng thuốc chống trầm cảm và điều trị củng cố bằng thuốc chỉnh khí sắc. Nếu là rối loạn lưỡng cực II, điều trị củng cố sẽ kết hợp cả thuốc chống trầm cảm và thuốc chỉnh khí sắc.

Trên đây là những trường hợp trầm cảm sẽ phải uống thuốc suốt đời để tránh tái phát. Mặc dù thuốc gây ra không ít tác dụng phụ nhưng có thể quản lý các rối loạn khí sắc, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Bị trầm cảm cần làm gì để hạn chế nguy cơ dùng thuốc suốt đời?

Đa phần các trường hợp trầm cảm đều có đáp ứng tốt với thuốc. Nếu đơn trị liệu không hiệu quả, bệnh nhân sẽ được chỉ định đa trị liệu để khống chế các triệu chứng như giảm khí sắc, tư duy ức chế, vận động chậm chạp hoặc kích động, bồn chồn…

Dù vậy, vẫn có một số ít trường hợp trầm cảm phải uống thuốc suốt đời. Để hạn chế nguy cơ phải điều trị củng cố suốt đời, bệnh nhân nên lưu ý những vấn đề sau:

Dùng thuốc đúng chỉ định

Rất nhiều bệnh nhân tự ý ngưng thuốc sớm hơn so với chỉ định khi nhận thấy triệu chứng thuyên giảm. Không điều trị củng cố đủ thời gian là nguyên nhân chủ yếu khiến trầm cảm tái phát. Ở các đợt tái phát, triệu chứng thường nặng hơn, giảm đáp ứng với thuốc và có thể đi kèm với loạn thần.

trầm cảm có phải uống thuốc suốt đời không
Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ là cách để hạn chế nguy cơ phải dùng thuốc suốt đời

Để kiểm soát trầm cảm và ngăn ngừa tái phát, phải sử dụng thuốc đúng liều lượng, thời gian mà bác sĩ chỉ định. Đa phần các trường hợp đều phải dùng thuốc duy trì tối thiểu 1 năm và học sinh – sinh viên phải dùng thuốc cho đến khi ra trường.

Khi dùng thuốc lâu dài, việc gặp phải tác dụng phụ là điều không tránh khỏi. Nên trao đổi với bác sĩ về vấn đề này để được hỗ trợ, tránh tự ý ngưng hoặc giảm liều. Không tuân thủ chỉ định khi dùng thuốc sẽ khiến tỷ lệ bệnh tái phát cao, tiến triển bệnh cũng trở nên phức tạp và nhiều khả năng sẽ phải dùng thuốc lâu dài.

Kết hợp tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp được áp dụng rộng rãi hiện nay. Phương pháp này được thực hiện thông qua giao tiếp giữa người bệnh và chuyên viên tâm lý. Đối với tâm lý trị liệu, hiệu quả sẽ phụ thuộc vào trình độ, năng lực của chuyên gia thực hiện.

Thông qua giao tiếp, chuyên gia có thể thấu hiểu tâm lý của người bệnh. Xác định được suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng như thế nào đến cảm xúc và hành vi. Tìm ra gốc rễ gây tổn thương tâm lý dẫn đến khí sắc trầm buồn, u uất, mất hy vọng và bi quan về cuộc sống. Chuyên gia sẽ cung cấp các giải pháp, kỹ năng để bệnh nhân có thể thay đổi suy nghĩ, hình thành thái độ sống tích cực hoặc lên kế hoạch giải quyết những vấn đề đang phải đối mặt.

trầm cảm có phải uống thuốc suốt đời không
Bệnh nhân trầm cảm nên kết hợp dùng thuốc và trị liệu tâm lý để ổn định tinh thần nhanh chóng

Bệnh nhân cũng được hướng dẫn cách thư giãn, tăng khả năng tập trung và tạo năng lượng, động lực trong cuộc sống. Tâm lý trị liệu dù không can thiệp cơ thể nhưng được đánh giá có hiệu quả tương đương thuốc chống trầm cảm.

Hiện nay, ngoài liệu pháp hóa dược, bệnh nhân trầm cảm sẽ được điều trị kết hợp với liệu pháp tâm lý. So với dùng thuốc đơn thuần, những trường hợp can thiệp cả tâm lý trị liệu thường ổn định tinh thần nhanh chóng. Khí sắc trở lại trạng thái cân bằng, giảm u uất, buồn bã, đau khổ và lấy lại sự lạc quan, tích cực trong cuộc sống.

Ngoài ra những kỹ năng, kinh nghiệm được hướng dẫn trong liệu pháp tâm lý sẽ giúp người bệnh biết cách đối phó với những tình huống không thuận lợi. Qua đó, hạn chế stress và trầm cảm tái phát. Hơn nữa, triệu chứng ở các đợt tái phát về sau cũng có triệu chứng không quá nghiêm trọng, bệnh nhân làm chủ được suy nghĩ, ít xuất hiện triệu chứng loạn thần.

Tạo dựng môi trường sống thuận lợi

Trầm cảm là bệnh lý có liên quan đến các yếu tố nội sinh. Tuy nhiên, môi trường cũng có tác động đáng kể đến nguy cơ mắc bệnh và tỷ lệ tái phát. Để hạn chế trầm cảm kéo dài dai dẳng hoặc tái phát phải dùng thuốc suốt đời, bệnh nhân cần tạo dựng môi trường sống thuận lợi:

trầm cảm có phải uống thuốc suốt đời không
Một lối sống khoa học, thuận lợi có thể hạn chế tái phát trầm cảm và phòng ngừa nguy cơ phải dùng thuốc lâu dài
  • Học cách quản lý stress, giải tỏa áp lực và căng thẳng trong cuộc sống. Khi biết cách kiểm soát stress, bệnh nhân có thể giữ được tinh thần ổn định và tăng ngưỡng chịu đựng của cơ thể với các sự kiện sang chấn.
  • Thay đổi tính cách hay lo âu, nhạy cảm, yếu đuối… rèn luyện những phẩm chất tốt để có thể đương đầu với những tình huống không thuận lợi như kiên cường, mạnh mẽ, chủ động.
  • Bia rượu, thuốc lá, ma túy và game điện tử đều có thể gây ra trầm cảm. Vì vậy, cần loại bỏ hoàn toàn các yếu tố này nếu muốn giữ tinh thần ổn định.
  • Gia đình nên hỗ trợ người trầm cảm xây dựng các mối quan hệ xã hội, tìm kiếm công việc ổn định… Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy, người có cuộc sống ổn định, ít lo lắng về tài chính và có điểm tựa tinh thần sẽ ít có nguy cơ tái phát trầm cảm.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ chất.

Mục đích sau cùng của việc tạo dựng một môi trường sống thuận lợi là ngăn ngừa trầm cảm tái phát và nâng cao chất lượng cuộc sống. Khi tỷ lệ tái phát thấp, khả năng phải uống thuốc suốt đời sẽ giảm đi đáng kể.

Hiện tại, trầm cảm vẫn đang là vấn đề lớn đối với sức khỏe và cuộc sống của con người. Các phương pháp điều trị vẫn chưa thật sự tối ưu, toàn diện nên vẫn có trường hợp đáp ứng kém và tái phát nhiều lần. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã được giải đáp thắc mắc Bị trầm cảm có phải uống thuốc suốt đời không? và biết cách quản lý bệnh, tránh phải điều trị củng cố kéo dài.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thuốc chống loạn thần Olanzapine: Công dụng & Lưu ý khi dùng

Olanzapine là thuốc chống loạn thần thế hệ mới. Với hiệu quả chống loạn thần, hưng cảm, ổn định khí sắc và an thần, gây...

Trầm cảm u sầu là gì?
Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm u sầu (Melancholia) được thể hiện rõ qua các trạng thái như người bệnh bị cạn kiệt năng lượng, khí sắc buồn bã,...

Stress, Căng Thẳng Gây Rụng Tóc – Làm thế nào để khắc phục?

Stress là nguyên nhân gây rụng tóc mà nhiều người không ngờ đến. Tình trạng này tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng khiến...

Hội chứng tiền kinh nguyệt – Cảm xúc thay đổi thất thường ở chị em

Hội chứng tiền kinh nguyệt là rối loạn pha hoàng thể đặc trưng bởi sự thay đổi tâm trạng rõ rệt, đi kèm với các...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh