Suy nghĩ tiêu cực là gì? Nguyên nhân, Tác hại, Cách thoát khỏi
Suy nghĩ tiêu cực là trạng thái tâm lý mà trong đó, một người thường xuyên hướng tới các quan điểm, suy nghĩ, hoặc đánh giá tiêu cực về bản thân và mọi thứ xung quanh.
Suy nghĩ tiêu cực là gì?
Suy nghĩ tiêu cực là tập hợp những góc nhìn bi quan, thiếu tích cực về những sự vật, sự việc trong cuộc sống. Người có suy nghĩ tiêu cực luôn nhìn nhận mọi thứ theo chiều hướng xấu.
Họ thường xuyên hướng sự chú ý về những khía cạnh tiêu cực, mà bỏ qua những mặt tích cực. Điều này dẫn đến những đánh giá thiếu cơ sở về mọi thứ xung quanh.
Người tiêu cực thường tự đánh giá thấp bản thân, thiếu tự tin, và vô trách nhiệm. Họ rất dễ bỏ cuộc, và không dám đối đầu với khó khăn vì sợ thất bại.
Suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm xúc và hành vi của con người. Họ có nguy cơ cao bị stress, trầm cảm, rối loạn lo âu, và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Biểu hiện của suy nghĩ tiêu cực
Những dấu hiệu của người hay suy nghĩ tiêu cực rất đa dạng và dễ nhận thấy. Dưới đây là một số biểu hiện phổ biến:
- Thường xuyên phòng đại mức độ tiêu cực của tình huống
- Nhìn nhận mọi thứ theo chiều hướng xấu mà không có cơ sở thực tế
- Luôn nhìn vào mặt tiêu cực của vấn đề, bỏ qua mặt tích cực
- Dễ chán nản, dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn
- Đưa ra kết luận vội vàng, không tìm cách giải quyết vấn đề
- Xem bản thân là kẻ thất bại, bất tài
- Nhạy cảm quá mức với lời nói và hành vi của người khác
- Luôn đổ lỗi cho bản thân, hoặc những người xung quanh
- Áp đặt những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ cho hiện tại
- Phỏng đoán suy nghĩ của người khác theo hướng tiêu cực
- Suy nghĩ phiến diện, thiếu khách quan về sự việc
Những biểu hiện này thể hiện rõ trong hành vi và lời nó. Trạng thái tiêu cực có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, hành vi, và quyết định của một người khi tương tác với người khác.
Nguyên nhân hình thành suy nghĩ tiêu cực
Suy nghĩ tiêu cực thường hình thành do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Ví dụ như tính cách tự thân, yếu tố môi trường, hoặc biểu hiện của bệnh lý tâm thần.
1. Tình trạng sức khỏe tâm thần
Các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, hoặc rối loạn lưỡng cực có thể làm gia tăng suy nghĩ tiêu cực. Nguyên nhân là do người bệnh luôn rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu.
Những suy nghĩ không tích cực khiến người bệnh nóng nảy, mất kiềm chế cảm xúc. Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể thúc đẩy hành vi tự làm hại bản thân, thậm chí tự sát.
2. Môi trường sống độc hại
Người sống trong môi trường độc hại, thường xuyên bị la mắng, chỉ chiết, xúc phạm cũng dễ nhìn nhận mọi thứ theo chiều hướng đen tối, không tươi sáng.
Con cái luôn chịu ảnh hưởng từ cách giáo dục của cha mẹ. Nếu phụ huynh thường làm quá mọi vấn đề, thich suy nghĩ theo hướng xấu thì trẻ con lớn lên cũng tương tự.
Ngoài ra, tiếp xúc lâu dài với tin tức tiêu cực trên mạng xã hội, hoặc các phương tiện truyền thông cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ của mọi người,
Chúng ta rất dễ liên tưởng bản thân đến những sự kiện kinh khủng trên tivi, sách báo. Suy nghĩ tiêu cực này khiến ta lo lắng, sợ hãi, nhìn nhận mọi thứ theo góc nhìn phiến diện.
3. Ám ảnh quá khứ
Những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ như: bị lạm dụng, bị bạo hành, mất người thân, chấn thương tâm lý từ những sự kiện kinh khủng đều dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực.
Người bệnh bị ám ảnh về quá khứ, lo sợ những trải nghiệm kinh khủng lặp lại. Những tổn thương khiến họ luôn nhìn mọi thứ theo hướng cực đoan.
Những thất bại liên tiếp trong quá khứ cũng có thể đẩy con người đến những suy nghĩ không tích cực. Họ không còn tin tưởng vào bản thân và luôn nghĩ đến chiều hướng xấu.
4. Tính cách tự thân
Trên thực tế, những người nhạy cảm, yếu đuối, nhút nhát, ít giao tiếp sẽ hiếm có những suy nghĩ tích cực so với người hoạt bát, tự tin và mạnh mẽ.
Những người tự ti không có dũng khí đương đầu với khó khăn, do đó họ rất dễ bỏ cuộc. Họ cũng thường xuyên tự phê bình, và suy nghĩ về những điều tồi tệ.
Những áp lực trong xã hội cũng khiến những người trẻ mất đi động lực, niềm tin vào bản thân. Họ dễ sa ngã sau thất bại, có những suy nghĩ cực đoan, không tích cực về tương lai.
5. Thiếu kỹ năng đối phó với căng thẳng
Khi không có kỹ năng đối phó với căng thẳng, một người có thể dễ dàng trở nên tiêu cực khi đối mặt với thách thức hoặc stress.
Khó khăn, áp lực là điều không thể tránh trong cuộc sống hiện nay. Do đó, nếu không biết cách thả lỏng bản thân, chúng ta rất dễ hấp thụ nhiều năng lượng tiêu cực.
Năng lượng tiêu cực tích tụ lâu ngày sẽ sinh ra những suy nghĩ tiêu cực. Kỹ năng đối phó với căng thẳng chính là cách giúp ta điều chỉnh trạng thái tâm lý.
Xem thêm: 10 Cách giúp bạn giảm Stress, giải tỏa căng thẳng hiệu quả, đơn giản
Làm sao để cải thiện suy nghĩ tiêu cực?
Chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện suy nghĩ theo chiều hướng tích cực hơn. Nếu bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, và có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống, hãy thử những cách dưới đây:
1. Chấp nhận tình trạng của bản thân
Chúng ta cần chấp nhận rằng, suy nghĩ tiêu cực là một phần tất yếu của cuộc sống. Ta không nên chối bỏ, mà cần học cách đối diện và vượt qua.
Chối bỏ những cảm xúc tiêu cực có thể khiến bạn rơi vào trạng thái tích cực độc hại. Cả hai trạng thái tâm lý này đều không tốt cho sức khỏe tinh thần của con người.
Chỉ khi nhận thức được cảm xúc của bản thân và nguyên nhân hình thành, bạn mới có cách phù hợp để đối phó.
2. Chia sẻ với người thân, bạn bè
Giữ mãi những cảm xúc tiêu cực trong lòng không hề có lợi cho sức khỏe. Do đó bạn nên chia sẻ những suy nghĩ chân thật của mình cho một người mình tin tưởng.
Mội trường sống và ám ảnh quá khứ có thể khiến bạn có suy nghĩ sai lệch, bi quan về một vấn đề nào đó. Trong trường hợp này, lời khuyên từ người thân có thể giúp bạn thay đổi góc nhìn.
Tốt nhất hãy nói chuyện với những người vui vẻ, lạc quan, có cái nhìn tích cực về cuộc sống. Năng lượng tích cực từ họ có thể giúp bạn thoát khỏi phiền muộn.
Gia đình và bạn bè là chỗ dựa vững chắc khi bạn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng. Với những người yêu thương bạn thật lòng, chắc chắn họ sẽ cho bạn những lời khuyên quý giá.
3. Tham khảo ý kiến chuyên gia
Thường xuyên có suy nghĩ tiêu cực cũng là biểu hiện của các rối loạn tâm thần như stress hay trầm cảm. Nếu không phát hiện và cải thiện kịp thời, tình trạng bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Do đó, bạn nên cân nhắc tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ, hoặc các chuyên gia tâm lý uy tín. Chuyên gia sẽ tiến hành thăm khám và giúp ta xác định chính xác nguy cơ mắc bệnh.
Sau khi chẩn đoán, chuyên gia sẽ dựa trên mức độ bệnh để áp dụng các liệu pháp phù hợp. Hiện nay, liệu pháp tâm lý và liệu pháp hóa dược đang là hai hướng điều trị chính.
Liệu pháp hành vi-nhận thức mang đến hiệu quả cao, an toàn cho sức khỏe nên được ứng dụng phổ biến. Các chuyên gia sẽ giúp người bệnh nhận thức, và thay đổi những suy nghĩ sai lệch.
Quá trình điều trị tâm lý cần thời gian dài, cùng sự phối hợp giữa bệnh nhân và chuyên gia tâm lý. Người bệnh nên tìm đến những trung tâm uy tín để đảm bảo hiệu quả.
4. Thay đổi lối sống
Những người thường có cảm xúc tiêu cực có thể do chịu ảnh hưởng của lối sống thiếu khoa học. Chính vì thế, cách tốt nhất để thay đổi suy nghĩ là thay đổi lối sống.
Lối sống tích cực vừa giúp cải thiện tâm trạng và suy nghĩ, vừa hỗ trợ quá trình điều trị tâm lý. Để xây dựng lối sống khoa học, chúng ta cần:
- Ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều chất dinh dưỡng
- Tập thể dục đều đặn, vừa sức giúp loại bỏ năng lượng tiêu cực
- Ngủ đủ 8 tiếng/ngày, duy trì thói quen ngủ sớm dậy sớm
- Dành thời gian thư giãn, không nên làm việc hay học tập quá sức
- Thực hành thiền chánh niệm, tập thở sâu để giảm căng thẳng
- Tăng cường các hoạt động ngoài trời, hoặc các hoạt động sáng tạo
- Tạo một không gian sống và làm việc thoải mái
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường hoặc mối quan hệ gây stress.
Trên đây là những điều cần biết về suy nghĩ tiêu cực và cách cải thiện nếu bạn thường xuyên có những suy nghĩ không lành mạnh.
Suy nghĩ tiêu cực có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần, gây ra những suy nghĩ sai lệch, và khiến chúng ta mất đi tự tin vào bản thân. Do đó, cách tốt nhất là giải quyết chúng từ sớm.
Có lẽ bạn quan tâm:
- 10 Cách Giúp Thoát Khỏi Suy Nghĩ Tiêu Cực Cho Mẹ Bầu
- Tích cực độc hại (Toxic Positivity): Tưởng tốt nhưng hậu quả khôn lường
- Nỗi sợ bị chỉ trích: Nguyên nhân, Tác hại và Cách vượt qua
- 12 Cách Kiểm Soát Cơn Nóng Giận – Giúp bạn làm chủ cảm xúc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!