Phân biệt điểm giống và khác nhau giữa rối loạn lo âu và trầm cảm
Rối loạn lo âu và trầm cảm là hai dạng rối loạn tâm lý khá phổ biến với các đặc điểm điển hình là sự thay đổi khí sắc, cảm xúc và hành vi bất thường. Đôi khi các biểu hiện của hai rối loạn có thể chồng lấp lên nhau rất khó phân biệt và khiến cho việc điều trị đi sai hướng. Vậy làm sao để phân biệt rối loạn lo âu và trầm cảm chính xác?
Phân biệt trầm cảm và rối loạn lo âu
Một thống kê được thực hiện năm 2022 tại Việt Nam cho thấy có đến 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần, trong đó số người mắc trầm cảm và rối loạn lo âu chiếm đến 5- 6%. Tỷ lệ trầm cảm, rối loạn lo âu thường khá xấp xỉ nhau, đồng thời tỷ lệ số người tự tử vì hai căn bệnh này cũng cực kỳ cao.
Các dạng bệnh của trầm cảm và rối loạn lo âu khá đa dạng, tuy nhiên các biểu hiện chung của hai rối loạn này khá tương đồng, đôi khi có các triệu chứng chồng chéo nhau rất khó phân biệt. Một thực tế là người mắc bệnh nào cũng có nguy cơ mắc bệnh kia, do đó nếu không xác định được rối loạn tâm lý nào là gốc rễ, đôi khi có thể gây khó khăn trong điều trị.
Một số đặc điểm giúp phân biệt trầm cảm & rối loạn lo âu như sau
Điểm giống nhau giữa trầm cảm và rối loạn lo âu
Giữa trầm cảm và rối loạn lo âu có rất nhiều đặc điểm giống nhau, từ nguyên nhân gây bệnh, các biểu hiện hay các đặc điểm sinh học trong não bộ. Người lo âu quá mức cũng có xu hướng cô lập, tách biệt bản thân, rút lui khỏi các hoạt động xã hội, tương như trạng thái tránh giao tiếp xã hội ở người trầm cảm. Do đó nếu không có đủ chuyên môn sẽ rất khó phân biệt chính xác.
Cụ thể, một số đặc điểm giống nhau giữa rối loạn lo âu & trầm cảm bao gồm
- Không thể xác định được cơ chế sinh học của cả hai rối loạn tâm lý này, tuy nhiên theo các chuyên gia, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đều bao gồm di truyền, những sự kiện gây sang chấn từ quá khứ, môi trường sống. Chẳng hạn như người bị bạo hành gia đình bởi người cha vừa có thể phát triển thành trầm cảm hoặc cũng có thể phát triển thành chứng Androphobia – chứng sợ đàn ông khi trưởng thành
- Các nghiên cứu về não bộ ở cả hai bệnh lý này đều nhận thấy có sự rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt là sự thiếu hụt serotonin, dopamine và epinephrine – các hormone mang đến cảm giác hạnh phúc cho não bộ
- Một số biểu hiện giống nhau giữa trầm cảm và rối loạn lo âu như mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, ăn uống không ngon, đau đầu, suy nhược cơ thể, tính tình thay đổi, không kiểm soát được cảm xúc và hành vi, suy nghĩ tiêu cực, khó tập trung, né tránh việc ra ngoài. Tất nhiên cả rối loạn lo âu hay trầm cảm đều có nhiều dạng nên không phải tất cả các đặc điểm này đều tương đồng, nhưng nhìn chung đều có những phản ứng này do não bộ đã bị chi phối vì đã ở trong trạng thái căng thẳng quá lâu.
- Đều gây ra sự đau khổ về mặt tinh thần và tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý về tim mạch, huyết áp, hệ tiêu hóa, căng cơ, đau nhức cơ thể kéo dài mà không rõ nguyên nhân
- Giảm khả năng tham gia vào các hoạt động trong đời sống, giảm hiệu suất học tập và công việc; có thể gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh
Điểm khác nhau giữa trầm cảm và rối loạn lo âu
Trầm cảm và rối loạn lo âu vẫn có rất nhiều đặc điểm khác nhau, cần xem xét về các đặc điểm tâm lý nổi bật hơn để xác định phân biệt.
Các triệu chứng về tinh thần
Rối loạn lo âu được đặc trưng bằng cảm xúc lo âu và trầm cảm trạng thái buồn bã chiếm thế mạnh chính. Tuy khi cả hai cảm xúc này kéo dài, các trạng thái này rất dễ chồng chéo lên nhau nên mới dễ gây ra nhầm lẫn.
- Trạng thái lo lắng, hoảng loạn diễn ra quá mức so với tính chất sự việc/ đối tượng/ tình huống đó, có tính chất phi lý ( các đối tượng này có thể cụ thể hoặc bao trùm tất cả). Chẳng hạn một người có thể rơi vào hoảng loạn khi thấy bóng bay, khi đứng trong xe bus hay khi đến những nơi đông người
- Cảm giác lo lắng, bồn chồn, bất an, cho rằng đối tượng đó tiềm ẩn nhiều mối đe dọa nên mới hình thành xu hướng hoảng loạn hay bỏ chạy
- Không thể kiểm soát hay giảm mức độ lo âu, kể cả khi người bệnh nhận thức được cảm xúc đó là phi lý
- Luôn tìm cách né tránh các tình huống, địa điểm phải tiếp xúc với các đối tượng khiến họ lo âu
- Các phản ứng lo âu chỉ xảy ra khi họ tiếp xúc với đối tượng gây lo âu ( tùy dạng rối loạn lo âu). Điều này có nghĩa là nếu họ sống tách biệt với các đối tượng đó hoặc tính chất đối tượng đó không phổ biến thì hầu như không gây ra nhiều ảnh hưởng đến tinh thần, cuộc sống.
- Cảm giác đau khổ, tuyệt vọng, chán nản, mất niềm tin vào tương lai, nỗi buồn dai dẳng không thể thuyên giảm ảnh hưởng chính đến tinh thần của người bệnh
- Cảm thấy rằng không có điều gì tích cực mà chỉ toàn đau khổ chờ đợi mình phía trước
- Luôn có suy nghĩ tội lỗi, cảm thấy bản thân vô dụng, vô giá trị, không ai cần đến, cho rằng sự xuất hiện của bản thân là sai lầm và bản thân là gánh nặng của người khác
- Mất tập trung, tư duy đình trệ, chậm chạp, không hoàn thành được học tập hay công việc do nhận thức đã bị chi phối bởi những điều tiêu cực
- Dần tách biệt bản thân với xung quanh, cảm thấy sợ hãi con người
- Mất hứng thú với mọi thứ, rất ít điều khiến họ cảm thấy hạnh phúc hoặc chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, trạng thái đau buồn vẫn xâm chiếm về mặt cảm xúc
- Các triệu chứng của trầm cảm ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong đời sống, diễn ra hầu như xuyên suốt
- Có suy nghĩ tự tử để giải thoát, một số người còn xây dựng các kế hoạch, chuẩn bị sắp xếp mọi thứ để chắc chắn tự tử thành công
Các triệu chứng về thể chất
Rối loạn lo âu và trầm cảm cũng có những biểu hiện khác biệt nhau hoàn toàn. Cụ thể
Rối loạn lo âu
- Các triệu chứng rối loạn lo âu đặc trưng bao gồm run rẩy, toát mồ hôi lạnh ở lòng bàn tay và chân; khó thở, khô miệng, huyết áp tăng, nhịp tim tăng, choáng váng, giảm nhận thức về thực tại, thậm chí có thể ngất xỉu.
- Có thể gia tăng năng lượng mạnh mẽ trong các tình huống đối mặt với nguy hiểm, người bệnh có thể bỏ chạy nhanh chóng ( tuy nhiên một vài trường hợp cũng có thể ngất xỉu vì quá sợ hãi)
- Có thể nói nhanh với tốc độ bất ngờ nếu ở trong các tình huống tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm
- Đau nhức toàn thân, căng cơ vì căng thẳng quá mức
- Ngủ gặp ác mộng nếu nghĩ hay tiếp xúc với các đối tượng gây lo âu
- Có thể có các hành vi như bứt/ giật tóc trong vô thức, bấm móng tay vào da để giảm lo âu, dần hình thành các thói quen vô thức
Trầm cảm
- Luôn trong trạng thái mất năng lượng, không muốn làm gì khác
- Phản ứng chậm chạp, kể cả khi đối mặt với tình huống nguy hiểm cũng có xu hướng không muốn tránh né
- Di chuyển hay làm mọi việc đều chậm chạp, rề rà, bao gồm cả lời nói
- Ăn quá ít, không muốn ăn uống hoặc ăn uống vô độ không thể kiểm soát
- Mất ngủ hoặc có nhu cầu ngủ quá nhiều
- Có thể làm thay đổi nồng độ các hormone trong cơ thể, chẳng hạn nữ giới mất kinh nguyệt khi bị trầm cảm nặng kéo dài
- Cảm giác đau đớn về cơ thể nhưng không tìm ra được tổn thương về thể chất
- Làm đau bản thân bằng cách nhổ tóc, đập đầu vào tường hay rạch tay/ chân để xoa dịu cảm xúc hoặc trừng phạt bản thân
Trầm cảm hay rối loạn lo âu nghiêm trọng hơn?
Trầm cảm và rối loạn lo âu, đâu là bệnh lý nghiêm trọng hơn là một trong những vấn đề rất nhiều người thắc mắc. Thực tế cả hai rối loạn này đều tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của con người, từ thể chất, tinh thần, các mối quan hệ, học tập/ công việc, thậm chí làm thay đổi hoàn toàn tương lai của người bệnh.
Cả trầm cảm và rối loạn lo âu kéo dài đều có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như huyết áp, tim mạch hay bệnh về tiêu hóa do các phản ứng căng thẳng kéo dài khiến cơ thể tiết ra các hormone ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan này. Sức khỏe người đều suy giảm đáng kể nếu phải chiến đấu với một trong hai rối loạn này trong thời gian dài.
Sức khỏe tinh thần và thể chất đi xuống cũng khiến người bệnh không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, dễ nổi nóng, cáu gắt, hành động bốc đồng và ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh. Đây chính là những hệ quả có thể thấy rõ ràng khi mà tinh thần chúng ra lúc nào cũng ở trạng thái căng thẳng, tiêu cực.
Để đánh giá trầm cảm hay rối loạn lo âu nguy hiểm hơn còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tính chất và gốc rễ nguyên nhân gây ra từng tình trạng. Tuy nhiên hầu hết các ảnh hưởng của trầm cảm diễn ra xuyên suốt, chi phối mọi suy nghĩ, hành vi của người bệnh trong cuộc sống, trong khi đó, rối loạn lo âu hầu như chỉ xảy ra khi họ phải tiếp xúc với các tình huống nguy hiểm mà thôi. Nguy cơ tự tử ở trầm cảm cũng cao hơn rối loạn lo âu. Do đó có thể đánh giá, trầm cảm gây ra nhiều ảnh hưởng nguy hiểm hơn rối loạn lo âu.
Trầm cảm và rối loạn lo âu có thể mắc đồng thời không?
Trầm cảm và rối loạn lo âu hoàn toàn có thể mắc đồng thời, tình trạng này được gọi là hỗn hợp rối loạn lo âu và trầm cảm. Đặc trưng của rối loạn tâm lý này có các triệu chứng bao gồm cả lo âu, cả trầm cảm nhưng không đạt đủ tiêu chí để chẩn đoán riêng biệt tình trạng nào.
Thực tế một rối loạn tâm lý này kéo dài đều có xu hướng kèm theo rối loạn còn lại. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra hỗn hợp rối loạn lo âu và trầm cảm đều xuất phát từ việc người bệnh đã mắc 1 trong 2 hội chứng trước đó. Bệnh nhân có thể đã từng trải qua trầm cảm hay lo âu trong một giai đoạn nào đó nhưng không được điều trị trước đó.
Một thống kê cũng cho thấy có đến 72% người mắc rối loạn lo âu lan tỏa có từng có tiền sử mắc trầm cảm. Và cũng có khoảng 48% bệnh nhân trầm cảm được chẩn đoán lo âu trước đó. Trên thực tế, tỷ lệ hỗn hợp rối loạn lo âu và trầm cảm cũng khá cao.
Mặt khác, có thể thấy các nguyên nhân mắc hai dạng rối loạn tâm lý này khá tương đồng với nhau nên việc mắc đồng thời cả hai bệnh lý không phải điều khó hiểu. Một người luôn trong trạng thái lo âu, sợ hãi kéo dài sẽ dễ rơi vào trạng thái tuyệt vọng, khi cảm thấy nỗi ám ảnh luôn đeo bám. Và ngược lại, một người buồn bã, đau khổ kéo dài cũng có thể hình thành nỗi lo lắng, sợ hãi xã hội xung quanh.
Hỗn hợp rối loạn lo âu và trầm cảm có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn tăng nguy cơ suy nhược cơ thể, dễ mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ và nguy cơ cơ tự sát cũng cao hơn. Do đó cần nhanh chóng có phương pháp phát hiện và điều trị kịp thời khi thấy sức khỏe tinh thần có những dấu hiệu bất ổn.
Phòng tránh trầm cảm và rối loạn lo âu
Trong những năm gần đây, sức khỏe tinh thần là một lĩnh vực đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các cơ quan y tế, cơ quan chăm sóc sức khỏe con người khi đứng trước tỷ lệ dân số tự tử vì rối loạn tâm lý đang ngày càng tăng. Rất nhiều vụ việc đáng thương tiếc vì người bệnh mắc trầm cảm, rối loạn lo âu nhưng không được quan tâm và phát hiện kịp thời nên đã đi đến hành vi tiêu cực là tự sát.
Dưới áp lực từ sự phát triển của xã hội, ngay cả những đứa trẻ khi vừa mới chào đời đã được giao trọng trách là phải thành công. Sự phát triển của mạng xã hội cũng khiến con người tiếp cận với nhiều thông tin hơn nhưng cũng mang đến nhiều áp lực, nhiều cảm xúc tiêu cực hơn. Bởi thế cho dù các thông tin về trầm cảm hay rối loạn lo âu ngày càng được phổ biến rộng rãi nhưng tỷ lệ người mắc bệnh vẫn rất cao.
Để phòng tránh trầm cảm và rối loạn lo âu, cần chú ý đến những vấn đề sau
- Dành thời gian để tìm hiểu, kết nối với chính bản thân, biết mình cần gì, muốn gì và đặt ra mục tiêu phù hợp
- Thực hành các biện pháp thư giãn hằng ngày đơn giản, chẳng hạn như tắm với nước ấm, sử dụng máy khuếch tán tinh dầu trong phòng, dùng nến thơm, nghe nhạc hay đi dạo bộ
- Các nghiên cứu đã chỉ ra thực hành thiền mỗi ngày có thể phòng tránh nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu và các rối loạn tâm lý khác cực kỳ hiệu quả
- Hạn chế phụ thuộc vào mạng xã hội, chắt lọc những thông tin tiếp xúc hằng ngày để tránh bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực không đáng
- Xây dựng và hình thành thói quen sinh hoạt khoa học để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần. Những điều đơn giản như ăn uống đúng bữa, ngủ đủ giấc, tập thể dục hằng ngày sẽ làm giảm thiểu nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý cực kỳ hiệu quả
- Rèn luyện thói quen tư duy tích cực, nhìn nhận mỗi vấn đề theo nhiều chiều hướng để có nhiều cách giải quyết hơn
- Chia sẻ với những người đáng tin cậy nếu đang cảm thấy tâm trí rối loạn hoặc viết nhật ký để tâm lý được thoải mái, thả lỏng
- Tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần nếu cần thiết. Hiện nay các dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý đã bắt đầu được quan tâm và phổ biến hơn tại Việt Nam. Không nhất thiết bạn phải mắc các bệnh tâm lý mới có thể tìm đến sự hỗ trợ mà với những người đang cảm thấy rối loạn, mất phương hướng trong cuộc sống, mất cân bằng cảm xúc vẫn có thể liên hệ với các chuyên gia để được tư vấn
- Yêu thương bản thân mình, coi trọng giá trị bản thân, tránh để phụ thuộc vào bất cứ ai
- Đối xử chân thành, nhẹ nhàng, yêu thương với tất cả mọi người xung quanh
Các cách phân biệt trầm cảm và rối loạn lo âu trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, để được chẩn đoán chính xác, người bệnh vẫn nên đến bệnh viện hay các trung tâm tâm lý trị liệu có uy tín. Các xét nghiệm thể chất, các bài test tâm lý chuyên môn sẽ khẳng định chính xác bạn đang gặp phải tình trạng nào, từ đó có hướng điều trị phù hợp, sớm lấy lại cuộc sống an yên, hạnh phúc nhất.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!