Thuốc điều trị rối loạn cảm xúc: Hướng dẫn sử dụng hiệu quả
Thuốc điều trị rối loạn cảm xúc có hiệu quả trong việc điều hòa khí sắc, giảm lo âu, căng thẳng, đồng thời giúp cải thiện các triệu chứng thể chất đi kèm như mất ngủ, bồn chồn, giảm năng lượng. Trong quá trình dùng thuốc, phải thật cẩn trọng để đạt hiệu quả tối đa và giảm thiểu tác dụng phụ gặp phải.
Vai trò của liệu pháp hóa dược (thuốc) trong điều trị rối loạn cảm xúc
Rối loạn cảm xúc hay rối loạn khí sắc là rối loạn tâm thần phổ biến hiện nay. Bệnh lý này đặc trưng bởi khí sắc tăng hoặc giảm quá ngưỡng. Người bệnh có thể bị trầm cảm (u uất, buồn bã, tuyệt vọng) và một số trường hợp có xen kẽ các cơn hưng cảm (cảm xúc tăng cao, phấn kích, thậm chí kích động). Trường hợp có cả trầm cảm và hưng cảm được gọi là rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
Mặc dù được nghiên cứu nhiều nhưng cho đến nay, nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc vẫn chưa được biết rõ. Các chuyên gia nhận thấy có vai trò của gen, yếu tố sinh học và môi trường trong cơ chế bệnh sinh.
Ở người bị rối loạn cảm xúc, nhận thấy nồng độ chất dẫn truyền thần kinh thay đổi rõ rệt (giảm serotonin, thừa dopamin…). Đây chính là yếu tố trực tiếp dẫn đến những thay đổi về khí sắc, kéo theo bất thường về nhận thức và hành vi. Chính vì vậy, sử dụng thuốc vẫn là phương pháp chính trong điều trị rối loạn cảm xúc.
Các loại thuốc được sử dụng có thể điều hòa các chất dẫn truyền thần kinh, qua đó cải thiện tâm trạng, giảm biểu hiện về hành vi và thể chất. Trên lâm sàng, đa phần các trường hợp rối loạn cảm xúc đều có đáp ứng tốt với liệu pháp hóa dược. Dùng thuốc duy trì còn giúp hạn chế nguy cơ tái phát, qua đó cải thiện và nâng cap chất lượng cuộc sống.
Sang chấn tâm lý được xem là yếu tố thuận lợi kích hoạt rối loạn cảm xúc bùng phát. Tuy nhiên, nếu chỉ can thiệp liệu pháp tâm lý sẽ khó có thể kiểm soát hoàn toàn rối loạn này. Trong khi đó, dùng thuốc giúp giảm nhanh triệu chứng và mang lại hiệu quả rõ rệt trong cả điều trị lẫn phòng ngừa. Sau khi tình trạng ổn định, có thể can thiệp liệu pháp tâm lý để củng cố hiệu quả và hạn chế tái phát.
Các loại thuốc điều trị rối loạn cảm xúc phổ biến hiện nay
Rối loạn cảm xúc có biểu hiện khá đa dạng, tùy theo giai đoạn (trầm cảm/ hưng cảm) mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Ngoài ra, loại thuốc được sử dụng cũng phụ thuộc vào thể trạng, độ tuổi và mức độ đáp ứng của từng người. Tuy nhiên, nhìn chung điều trị rối loạn cảm xúc thường sử dụng các loại thuốc sau:
Thuốc an thần, giải lo âu
Thuốc an thần giải lo âu còn được gọi là thuốc bình thần – một trong những nhóm thuốc quan trọng trong điều trị rối loạn tâm thần. Có hai nhóm thuốc an thần là benzodiazepine và non-benzodiazepine.
Nhóm thuốc này thường được dùng trong điều trị rối loạn lo âu nhưng cũng có hiệu quả đối với bệnh nhân rối loạn cảm xúc. Thuốc chủ yếu được dùng với thuốc chống trầm cảm trong thời gian ngắn để cải thiện tình trạng mất ngủ, giảm hành vi kích động, hung hăng, chống co giật và giãn cơ nhẹ.
Thuốc an thần benzodiazepine có hiệu quả tốt, tác dụng nhanh nhưng có thể lệ thuộc thuốc gây ra hội chứng cai nghiện nếu lạm dụng. Do đó, thuốc chỉ được dùng khi cần thiết – đặc biệt là trong trường hợp hưng cảm nặng.
Các loại thuốc an thần được sử dụng trong điều trị rối loạn cảm xúc bao gồm:
- Clonazepam
- Diazepam
- Nitrazepam
- Lorazepam
Nhóm thuốc này thường gây buồn ngủ quá mức, khô miệng, lú lẫn, uể oải… Dùng dài ngày có thể gây độc tính trên thần kinh và nguy cơ cao hơn ở người cao tuổi. Vì vậy, thuốc an thần chỉ được dùng liều thấp trong thời gian ngắn để tránh lạm dụng, phụ thuộc.
Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm có vai trò quan trọng trong điều trị rối loạn cảm xúc, đặc biệt là ở giai đoạn trầm cảm. Nhóm thuốc này có tác dụng chính là cải thiện tâm trạng, giảm trạng thái buồn bã, u uất, đau khổ, tuyệt vọng. Ngoài ra, thông qua cơ chế tăng chất dẫn truyền thần kinh, các biểu hiện thể chất đi kèm cũng sẽ được cải thiện đáng kể.
Thuốc chống trầm cảm được chia thành khá nhiều loại, trong đó có 3 loại được sử dụng phổ biến trong điều trị rối loạn cảm xúc bao gồm:
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc là nhóm thuốc chống trầm cảm thông dụng nhất hiện nay. Ưu điểm của nhóm thuốc này là độ an toàn cao, đáp ứng tốt, phạm vi chỉ định động.
SSRIs hoạt động bằng cách ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin, qua đó giúp tăng nồng độ serotonin trong não bộ. Thông qua cơ chế này, thuốc giúp cải thiện tâm trạng u uất, buồn bã, đau khổ… ở giai đoạn trầm cảm.
Các loại thuốc SSRIs thông dụng bao gồm:
- Escitalopram
- Citalopram
- Fluoxetine
- Paroxetine
- Sertraline
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs)
SNRIs được sử dụng phổ biến không kém SSRIs. Tuy nhiên, do kinh nghiệm lâm sàng với những đối tượng đặc biệt (phụ nữ mang thai, cho con bú, thanh thiếu niên) còn hạn chế nên SSRIs vẫn được ưu tiên. Cơ chế của thuốc là ức chế tái hấp thu đồng thời serotonin và norepinephrine.
Khi nồng độ chất dẫn truyền thần kinh được cải thiện, tế bào não sẽ hoạt động ổn định trở lại. Tương tự như các loại thuốc chống trầm cảm khác, SNRIs có hiệu quả cải thiện tâm trạng, giảm trạng thái u uất, đau khổ, buồn bã sâu sắc.
Các loại thuốc SNRIs được FDA Hoa Kỳ phê duyệt để điều trị rối loạn cảm xúc:
- Venlafaxine
- Levomilnacipran
- Desvenlafaxine
- Duloxetine
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI) có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, táo bón, mệt mỏi… So với SSRIs, SNRIs ít ảnh hưởng đến chức năng tình dục nên được sử dụng thay thế nếu bệnh nhân gặp phải các vấn đề như rối loạn cương dương, khó đạt cực khoái, giảm ham muốn tình dục.
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA)
Trước khi có SSRIs và SNRIs, thuốc chống trầm cảm 3 vòng là loại thuốc được dùng phổ biến nhất. TCA được chỉ định trong điều trị trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Ngoài ra, người bị rối loạn lo âu có biểu hiện buồn bã, u uất cũng có thể sử dụng thuốc để cải thiện tâm trạng.
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng gây ức chế tái hấp thu serotonin, norepinephrine, dopamine, monoamine, kháng cholinergic ở hệ thần kinh trung ương và ngoại vi. Do tác động đến nhiều chất dẫn truyền thần kinh nên TCA tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ hơn so với SSRIs và SNRIs. Trong thực tế, nhóm thuốc này chỉ được sử dụng khi hai nhóm thuốc trên không có đáp ứng.
Thử nghiệm lâm sàng cho thấy, thuốc chống trầm cảm 3 vòng có hiệu quả với trầm cảm nội sinh và giai đoạn trầm cảm trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Trầm cảm phản ứng (trầm cảm do sang chấn tâm lý) thường không đáp ứng tốt. Nếu do tổn thương tâm lý, lựa chọn tốt nhất là can thiệp trị liệu tâm lý.
Các loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng trong điều trị rối loạn cảm xúc:
- Amitriptyline
- Clomipramine
- Tianeptine
Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm 3 vòng nghiêm trọng hơn so với SSRIs và SNRIs. Các phản ứng không mong muốn bao gồm rối loạn thị giác, tiểu khó, khô miệng, táo bón, hạ huyết áp thế đứng, dị ứng da, buồn ngủ…
Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI) là thuốc chống trầm cảm có hiệu quả tốt nhưng tiềm ẩn rất nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Hiện nay trên lâm sàng, các bác sĩ rất dè dặt khi chỉ định nhóm thuốc này.
Thuốc chỉnh khí sắc
Thuốc chỉnh khí sắc là nhóm thuốc quan trọng đối với rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Thuốc thường được chỉ định trong cơn hưng cảm, đôi khi dùng cả trong cơn trầm cảm và có vai trò quan trọng trong điều trị củng cố, ngăn ngừa tái phát. Rối loạn lưỡng cực là rối loạn tâm thần nội sinh nên bệnh nhân phải điều trị củng cố suốt đời.
Thuốc điều chỉnh khí sắc có tác dụng cân bằng tâm trạng, giảm sự hưng phấn, kích động quá mức trong cơn hưng cảm và nâng cao tâm trạng trong giai đoạn trầm cảm, cải thiện tình trạng buồn bã, đau khổ, bi quan. Với những lợi ích mang lại, loại thuốc này giúp bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực duy trì tâm trạng ổn định, tránh tái phát cơn.
Các loại thuốc chỉnh khí sắc được dùng trong điều trị rối loạn cảm xúc:
- Muối Lithium
- Lamotrigine
- Carbamazepin
Mặc dù có hiệu quả tốt nhưng thuốc chỉnh khí sắc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, run rẩy, tiểu nhiều, tăng cân… Tình trạng vảy nến, mụn trứng cá có thể nghiêm trọng hơn khi dùng loại thuốc này.
Thuốc chống loạn thần
Thuốc chống loạn thần hay thuốc an thần kinh được dùng trong điều trị tâm thần phân liệt hoặc các rối loạn tâm thần kèm loạn thần. Rối loạn cảm xúc nặng đi kèm với loạn thần sẽ được cân nhắc dùng loại thuốc này.
Cơ chế của thuốc chống loạn thần là ức chế dopamin ở thụ thể D2, muscarin, histamin H1 và alpha-1. Thuốc không những có tác dụng giảm các triệu chứng loạn thần (hoang tưởng, ảo thanh, ảo giác) mà còn giúp giảm kích động, hung hăng trong giai đoạn hưng cảm lẫn trầm cảm.
Các loại thuốc chống loạn thần được dùng trong điều trị rối loạn cảm xúc bao gồm:
- Perphenazine
- Levomepromazine
- Haloperidol
- Amisulpride
- Aripiprazole
Thuốc chống loạn thần cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ như thuốc chống trầm cảm. Các tác dụng không mong muốn có thể gặp phải bao gồm bồn chồn, khó chịu, cứng, run người, tăng cân, táo bón, khô miệng…
Hướng dẫn dùng thuốc trị rối loạn cảm xúc hiệu quả, an toàn
Liệu pháp hóa dược có vai trò quan trọng trong điều trị rối loạn cảm xúc. Thuốc vừa giúp kiểm soát các cơn hưng cảm, trầm cảm, loạn khí sắc vừa có hiệu quả ngăn ngừa, tái phát hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích mang lại, thuốc cũng gây ra không ít tác dụng ngoại ý. Chính vì vậy khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn cảm xúc, cần lưu ý những vấn đề quan trọng sau:
Sử dụng đúng chỉ định
Khác với thuốc không kê toa, thuốc điều trị rối loạn cảm xúc chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, khi sử dụng, cần tuân thủ hướng dẫn về cách dùng, thời gian và liều lượng.
Đặc điểm của các loại thuốc điều trị rối loạn tâm thần là phải dùng liều thấp, sau đó tăng dần cho đến khi đạt liều có hiệu quả. Khi ngưng thuốc cũng vậy, cần phải giảm liều từ từ, tránh ngừng đột ngột gây ra hội chứng cai nghiện và tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì có khá nhiều lưu ý nên người nhà cần hỗ trợ bệnh nhân trong vấn đề này.
Trong trạng thái tinh thần không ổn định, bệnh nhân khó tránh khỏi nhầm lẫn khi sử dụng thuốc. Ngoài ra, gia đình cũng cần đảm bảo người bệnh đã uống thuốc, tránh trường hợp tích trữ thuốc với mục đích tự sát.
Phát hiện sớm tác dụng phụ
Tác dụng phụ là điều không tránh khỏi khi điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, so với lợi ích mang lại, rủi ro tiềm ẩn thường thấp hơn. Nếu không dùng thuốc, không những sức khỏe bị ảnh hưởng mà bệnh nhân có nhiều khả năng sẽ thực hiện hành vi tự sát.
Các tác dụng phụ có thể xuất hiện ngay trong thời gian đầu sử dụng. Để hạn chế phải tái khám thường xuyên, bác sĩ sẽ tư vấn trước các tác dụng ngoại ý có thể gặp phải.
Những biểu hiện nhẹ như táo bón, buồn ngủ, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu… không nhất thiết phải tái khám. Ngược lại, nếu gặp phải các triệu chứng nặng như khó thở, tăng nhịp tim, giảm ham muốn, khó thở… cần thông báo ngay với bác sĩ.
Điều trị bằng thuốc cho bệnh nhân rối loạn cảm xúc thường kéo dài ít nhất 1 năm (đối với trầm cảm đơn thuần) và điều trị củng cố suốt đời (đối với rối loạn lưỡng cực). Vì phải dùng thuốc trong thời gian dài nên việc gặp phải tác dụng phụ là không thể tránh khỏi. Do đó, phát hiện sớm tác dụng ngoại ý là cách duy nhất để hạn chế ảnh hưởng lên sức khỏe.
Tránh tương tác thuốc
Tương tác thuốc là phản ứng qua lại giữa thành phần trong hai hoặc nhiều loại thuốc. Ngoài ra, một số loại thuốc hướng thần như thuốc ức chế monoamine oxidase còn tương tác với nhiều loại thực phẩm và đồ uống.
Khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn cảm xúc, cần tránh tự ý dùng các loại thuốc, viên uống và TPCN khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Trường hợp phải dùng các loại thuốc khác, nên thông báo với bác sĩ về việc đang sử dụng thuốc hướng thần.
Tương tác thuốc ảnh hưởng đến hiệu quả của một hoặc cả hai loại thuốc. Thậm chí sự tác động qua lại giữa các hoạt chất còn gia tăng độc tính lên gan, thận, thần kinh dẫn đến tác dụng phụ nghiêm trọng. Nhiều trường hợp tương tác thuốc nặng có thể đe dọa đến tính mạng.
Kiểm soát tác dụng phụ bằng lối sống khoa học
Thuốc điều trị rối loạn cảm xúc có thể gây tăng cân dẫn đến thừa cân – béo phì, giảm cực khoái khi quan hệ, vô kinh… Những vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Không ít người trở nên mặc cảm, tự ti vì khiếm khuyết về ngoại hình và sức khỏe của bản thân.
Như đã đề cập, nhiều trường hợp rối loạn cảm xúc sẽ phải dùng thuốc suốt đời. Vì vậy, nên tổ chức lối sống khoa học, lành mạnh để cải thiện tác dụng phụ của thuốc.
Cách xây dựng lối sống giúp kiểm soát tác dụng phụ của thuốc điều trị rối loạn cảm xúc:
- Lên thực đơn ăn uống khoa học, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, vitamin, khoáng chất cho cơ thể. Ưu tiên các nhóm thực phẩm lành mạnh không gây tăng đường huyết và tích trữ mỡ.
- Tập thể dục mỗi ngày để kiểm soát cân nặng và cải thiện các tác dụng phụ của thuốc như táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, khó chịu ở vùng thượng vị… Ngoài ra, yoga và ngồi thiền còn giúp ích trong việc giải tỏa căng thẳng, lo âu và điều hòa khí sắc.
- Đảm bảo ngủ đủ giấc để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Tốt nhất nên ngủ trước 11 giờ và thời gian ngủ kéo dài từ 7 – 8 tiếng.
- Nếu buồn ngủ nhiều vào ban ngày, có thể uống trà và cà phê để giữ sự tỉnh táo. Tuy nhiên không nên sử dụng đồ uống chứa caffeine sau 17:00 để tránh mất ngủ, khó ngủ vào ban đêm.
- Trường hợp cần thiết, nên trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh liều hoặc thay đổi loại thuốc ít tác dụng phụ hơn.
Thuốc điều trị rối loạn cảm xúc có hiệu quả với các triệu chứng tâm thần và thể chất giúp bệnh nhân ổn định tinh thần để quay trở lại cuộc sống. Dù còn nhiều hạn chế nhưng hiện nay liệu pháp hóa dược vẫn là phương pháp tối ưu nhất. Nếu trang bị đầy đủ kiến thức, bệnh nhân có thể chủ động hơn khi dùng thuốc và kiểm soát được tối đa tác dụng không mong muốn.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!