Điểm danh những thói quen xấu dễ dẫn đến bệnh trầm cảm
Cho đến hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định cụ thể về nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm. Theo đó, một số nghiên cứu nhận thấy yếu tố di truyền, môi trường và các thói quen sống hàng ngày có tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tinh thần của con người. Do đó, việc hiểu rõ và nhanh chóng loại bỏ các thói quen xấu dễ dẫn đến bệnh trầm cảm sẽ giúp bạn phòng ngừa tốt nguy cơ khởi phát chứng rối loạn cảm xúc nguy hiểm này.
Các thói quen xấu dễ dần đến bệnh trầm cảm mà bạn cần loại bỏ
Trầm cảm hiện đang là một trong các vấn đề sức khỏe tâm thần nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Đây là chứng rối loạn cảm xúc có thể xuất hiện ở bất kỳ ai và theo nghiên cứu, mỗi người trong chúng ta đều có nguy cơ trải qua ít nhất một giai đoạn trầm cảm nhẹ trong suốt cuộc đời.
Trầm cảm khiến cho người bệnh luôn cảm thấy u buồn, chán nản, suy sụp và tuyệt vọng về cuộc sống. Họ dần mất đi sự hứng thú đối với hầu hết các hoạt động xảy ra xung quanh cuộc sống và trở nên tách biệt, cô lập với thế giới hiện tại. Không những thế, những bệnh nhân trầm cảm còn phải đối mặt với hàng loạt những thay đổi và sự suy giảm về mặt thể chất khiến chất lượng cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trầm cảm có thể khởi phát bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là do sự căng thẳng, lo lắng, áp lực quá lớn xoay quanh cuộc sống hàng ngày khiến con người dần trở nên suy kiệt về tinh thần. Bên cạnh đó, việc duy trì và kéo dài các thói quen xấu cũng có thể là yếu tố làm gia tăng nguy cơ dẫn đến bệnh trầm cảm ở nhiều người.
Khó có thể ngăn chặn được hoàn toàn nguy cơ phát triển chứng trầm cảm nhưng nếu bạn biết cách loại bỏ tốt các thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày thì bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc bảo vệ sức khỏe tinh thần, phòng chống tốt nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe thần kinh. Do đó, nếu đang duy trì một lối sống kém lành mạnh với các thói quen tiêu cực sau đây, bạn hãy nhanh chóng điều chỉnh và khắc phục tốt để giảm thiểu nguy cơ trầm cảm cho bản thân.
1. Thức khuya, không đảm bảo giấc ngủ
Chất lượng giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của mỗi con người. Sau một ngày dài làm việc mệt mỏi và căng thẳng, cơ thể luôn cần có được thời gian để nghỉ ngơi, một giấc ngủ trọn vẹn để phục hồi lại nguồn năng lượng tích cực và giúp cho các cơ quan của cơ thể được thư giãn một cách hợp lý.
Trong rất nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã nhận định về mối quan hệ tương tác qua lại lẫn nhau giữa tình trạng mất ngủ và căn bệnh trầm cảm. Các chuyên gia cho biết rằng, có hơn 80% các trường hợp bệnh trầm cảm rơi vào trạng thái mất ngủ kéo dài, giấc ngủ chập chờn, không đảm bảo chất lượng. Ngược lại, mất ngủ, thiếu ngủ kéo dài chính là nguyên nhân phổ biến có khả năng gây ra chứng trầm cảm và làm khởi phát các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Khi cơ thể không đảm bảo được giấc ngủ trong thời gian dài sẽ khiến cho đồng hồ sinh học bị đảo lộn, gây căng thẳng thần kinh và khiến cho não bộ không thể đảm bảo tốt chức năng hoạt động, khó kiểm soát cảm xúc. Chính vì thế, để phòng ngừa tốt nguy cơ mắc phải bệnh trầm cảm hoặc gặp phải các rối loạn tâm thần có liên quan, bạn cần nhanh chóng loại bỏ thói quen thức khuya, ngủ không đủ giấc.
Theo lời khuyên của các chuyên gia thì một người trưởng thành cần duy trì giấc ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày và tập trung thời gian ngủ vào ban đêm. Đồng thời, cần rèn luyện thói quen ngủ và thức dậy vào cùng một khung giờ trong ngày, kể cả ngày nghỉ để có được đồng hồ sinh học lành mạnh. Ngoài ra, bạn cũng cần vệ sinh phòng ngủ, sắp xếp không gian ngủ gọn gàng, thoải mái để có được một giấc ngủ chất lượng và trọn vẹn hơn.
2. Chế độ ăn uống kém lành mạnh
Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cũng chính là một trong các yếu tố có sự ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển và bảo vệ sức khỏe tinh thần, thể chất của con người. Cơ thể luôn cần dung nạp đầy đủ hàm lượng dưỡng chất cần thiết thông qua các loại thực phẩm ăn uống hàng ngày để giúp nuôi dưỡng và duy trì tốt các hoạt động của những bộ phần bên trong cơ thể, bao gồm cả não bộ.
Do đó, nếu bạn có thói quen ăn uống không lành mạnh, thường xuyên dung nạp các loại thực phẩm đóng hộp, đồ ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh chứa nhiều chất bảo quản thì khả năng trầm cảm cũng sẽ cao hơn so với mức bình thường. Ngoài ra, việc lạm dụng quá nhiều các thực phẩm ngọt, ăn các loại đồ ăn béo hoặc những gia vị cay nóng liên tục cũng khiến cho hoạt động của hệ thần kinh bị tác động và gây ra những cảm xúc tiêu cực, nghiêm trọng hơn là trầm cảm.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng thường xuyên chia sẻ về việc cần đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất với đa dạng các thực phẩm an toàn để bảo vệ tốt cho sức khỏe. Nếu thực đơn ăn uống nghèo nàn, không đảm bảo đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất, omega-3,…cần thiết cho cơ thể thì sẽ dễ làm ức chế hoạt động của hệ thần kinh và não bộ, từ đó dẫn đến nguy cơ phát triển các triệu chứng của trầm cảm.
Vì thế, để phòng chống căn bệnh rối loạn tâm thần nguy hiểm này, chúng ta cần phải nhanh chóng điều chỉnh lại chế độ ăn uống hàng ngày, thiết lập thực đơn ăn uống với đầy đủ các dưỡng chất cần thiết để giúp cơ thể luôn được khỏe mạnh. Bạn cần đảm bảo ăn đủ 3 bữa chính trong ngày, đặc biệt là bữa sáng và nên đa dạng các thực phẩm chế biến, sử dụng các loại thịt cá, rau củ quả tươi, an toàn cho sức khỏe.
3. Làm việc quá sức, căng thẳng liên tục
Với sự phát triển vượt trội của xã hội hiện nay, con người luôn phải đối diện với những căng thẳng và áp lực xoay quanh những khía cạnh trong cuộc sống. Từ học tập, công việc, gia đình, các mối quan hệ đều có thể tạo ra những khó khăn, thử thách và bắt buộc mỗi chúng ta phải đương đầu và vượt qua những giai đoạn khó khăn của cuộc đời.
Tuy nhiên, mỗi người sẽ có khả năng đối diện và chịu đựng căng thẳng khác nhau. Có người dễ dàng vượt qua được những thử thách, cản trở nhưng cũng có không ít người dần bị suy sụp và trở nên tuyệt vọng. Khi phải làm việc quá sức và liên tục chịu đựng những căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống sẽ khiến cho con người dần bị suy kiệt về thể chất lẫn tinh thần, từ đó làm gia tăng nguy cơ phát triển chứng trầm cảm.
Đặc biệt, đối với những người phải chịu áp lực kinh tế lớn hoặc người có xu hướng “yêu” công việc hơn cả bản thân thì họ sẽ có xu hướng dành hầu hết thời gian của mình cho công việc. Điều này khiến cho họ không còn nhiều thời gian dành cho chính mình, không thư giãn, không gặp gỡ bạn bè và dường như không có bất kỳ thú vị nào xoay quanh cuộc sống.
Khi cố gắng làm việc ngày đêm, cơ thể sẽ không thể nghỉ ngơi đúng cách và các cơ quan bên trong cơ thể cũng khó duy trì tốt chức năng của mình, từ đó dẫn đến các ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý. Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy, những người thường xuyên làm việc quá sức hoặc đối mặt với căng thẳng trong thời gian dài sẽ có khả năng mắc bệnh trầm cảm cao gấp nhiều lần so với bình thường.
Do đó, cách tốt nhất để phòng tránh nguy cơ rơi vào trạng thái trầm cảm, bạn cần sắp xếp và lên kế hoạch hợp lý cho các công việc hàng ngày, tránh việc bắt ép bản thân phải làm việc quá sức. Hãy dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày để tận hưởng những niềm vui nhỏ nhặt xoay quanh cuộc sống hoặc đơn giản là nghỉ ngơi, nghe nhạc, thư giãn để giúp đầu óc được thảnh thơi, cơ thể lấy lại nguồn năng lượng tích cực tốt hơn.
4. Thường xuyên sử dụng mạng xã hội
Với thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, mỗi chúng ta đều có cơ hội được tiếp xúc với các thiết bị như điện thoại, máy tính ngay từ rất sớm. Kể cả trẻ em hoặc những người già cao tuổi đều biết cách sử dụng mạng xã hội để xem tin tức, giải trí, tra cứu thông tin hoặc giữ liên lạc với người thân, bạn bè.
Tuy nhiên, mạng xã hội lại chính là con dao hai lưỡi có thể mang đến những tác hại tiêu cực đối với sức khỏe của con người. Thói quen sử dụng mạng xã hội quá thường xuyên chính là nguyên nhân chủ yếu khiến cho nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm, dễ dàng xuất hiện các suy nghĩ tiêu cực, bi quan về cuộc sống.
Việc dành hàng giờ đồng hồ hoặc thậm chí là cả ngày dài chỉ để chăm chú vào chiếc điện thoại, lướt xem các thông tin trên mạng hoặc để chơi các trò chơi giải trí sẽ khiến cho bạn dần xa cách với thế giới hiện thực. Bạn sẽ rất dễ bắt gặp những cảnh tượng nhóm bạn hẹn nhau trong quán cà phê nhưng mỗi người lại cầm trên tay một chiếc điện thoại và chẳng thèm nói chuyện với nhau bất cứ câu nào.
Điều này khiến cho con người dần trở nên xa cách và mất đi khả năng giao tiếp, tương tác trực tiếp ngoài xã hội. Họ thường sẽ bị chìm đắm vào thế giới ảo với những điều ảo diệu mà mạng xã hội có thể tạo ra. Thậm chí có không ít trường hợp yêu thích việc sống trang mạng xã hội thay vì là đời thực, họ dần trở nên hoang tưởng và có nhìn nhận sai lệch về bản thân, cuộc sống.
Đây được xem là một trong các thói quen xấu có thể dẫn đến căn bệnh trầm cảm mà bạn cần phải điều chỉnh ngay lập tức. Không thể phủ nhận những lợi ích của mạng xã hội mang đến cho con người nhưng việc sử dụng quá mức và lạm dụng liên tục sẽ gây ra nhiều bất lợi đối với sức khỏe. Tùy vào nhu cầu và công việc của mỗi người mà bạn nên biết cách cân bằng thời gian sử dụng mạng xã hội phù hợp để có một sức khỏe, tinh thần tốt.
5. Trầm cảm do thói quen lười vận động
Kết quả của rất nhiều cuộc nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, khi cơ thể được vận động, tập luyện thể dục thể thao đúng cách sẽ giúp kích thích tiết ra hàm lượng hormone giảm căng thẳng, tạo cảm giác hạnh phúc và vui vẻ. Đây cũng chính là một trong các phương pháp mang lại lợi ích tuyệt vời trong việc phòng tránh và làm giảm nguy cơ mắc phải bệnh trầm cảm ở nhiều đối tượng khác nhau.
Cũng chính vì thế, đối với những người có thói quen lười vận động, không tập luyện thể dục đúng cách sẽ dễ dẫn đến khả năng khởi phát chứng trầm cảm ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, nhất là khi đối mặt với căng thẳng, sang chấn. Những người lười vận động sẽ hay cảm thấy mệt mỏi, sức đề kháng kém và không có đủ khả năng để chống chọi lại với các tác nhân gây hại từ bên ngoài.
Không những thế, thói quen vận động thường xuyên và lành mạnh còn giúp nâng cao sức khỏe thể chất, hỗ trợ tốt cho hoạt động của xương khớp và cải thiện sức khỏe tổng thể một cách an toàn. Do đó, ngay từ bây giờ, bạn hãy nên rèn luyện thói quen tập luyện thể dục thể thao, nâng cao vận động để duy trì một sức khỏe tốt, hạn chế tối đa sự tấn công của các bệnh lý nguy hiểm.
Tùy vào sức khỏe và điều kiện của mỗi người mà bạn có thể lựa chọn bộ môn vận động phù hợp với nhu cầu. Không nhất thiết phải đến các phòng tập chuyên nghiệp, chỉ cần mỗi ngày dành ra khoảng 30 phút để đi bộ, chạy bộ, đap xe đạp, đá cầu, đánh cầu lông, bơi lội, yoga tại nhà cũng có thể giúp bạn vận động hiệu quả, từ đó cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất tốt hơn.
6. Lạm dụng rượu bia, chất kích thích
Thói quen lạm dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích, chất gây nghiện có thể là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ phát triển chứng trầm cảm, đặc biệt là ở trẻ vị thành niên. Các chất này có khả năng gây ức chế hoạt động của hệ thần kinh, tạo sự hưng phấn và thoải mái tạm thời nhưng về lâu dài sẽ gây ra sự suy giảm về khả năng hoạt động của não bộ và ảnh hưởng đến năng lực kiểm soát cảm xúc của con người.
Rượu bia được xem là một chất “trầm cảm”, nó chính là công cụ để giúp chúng ta giải sầu nhưng khi càng uống lại càng cảm thấy buồn bã và chán nản hơn. Nếu bạn chỉ uống rượu bia mỗi khi có tiệc tùng hoặc dịp đặc biệt nào đó thì nó cũng là một cách giải trí lành mạnh, giúp bạn tạo dựng thêm được các mối quan hệ xã hội.
Tuy nhiên, việc lạm dụng các chất này quá thường xuyên và xem chúng như “một người bạn” tâm giao thì nó sẽ khiến cho bạn có thêm nhiều nguy cơ hình thành các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là bệnh trầm cảm. Rượu bia, thuốc lá, ma túy sẽ dần làm hư tổn não bộ, ức chế hoạt động của hệ thần kinh và làm phát triển các cảm xúc tiêu cực, tồi tệ trong tâm trí của con người.
Khi sử dụng quá nhiều chất kích thích sẽ khiến cho bạn không thể kiểm soát tốt cảm xúc và hành vi của mình. Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp do say rượu dẫn đến vi phạm pháp luật như trộm cướp, hành hung người khác. Khi các tình huống đó xảy ra càng gia tăng gánh nặng về mặt tâm lý và khiến cho tinh thần càng trở nên tồi tệ hơn.
7. Thói quen suy nghĩ tiêu cực, tự đổ lỗi cho bản thân
Một thói quen xấu có thể dẫn đến bệnh trầm cảm mà nhiều người thường hay mắc phải đó chính là lối suy nghĩ tiêu cực, luôn tự nhận lỗi về mình và tự tra tấn tinh thần của bản thân. Một số người luôn có cái nhìn bi quan về hầu hết mọi việc xảy ra xung quanh cuộc sống, họ thường nhìn nhận về những khuyết điểm của bản thân thay vì tập trung vào việc phát triển, nâng cao các giá trị cá nhân.
Theo chia sẻ của các chuyên gia cho biết rằng, những người có lối suy nghĩ bi quan, tiêu cực thường có nguy cơ mắc phải bệnh trầm cảm cao hơn gấp nhiều lần so với người có lối sống lạc quan, yêu đời. Nếu chỉ mãi nghĩ đến những điều tồi tệ trong cuộc sống, bạn sẽ luôn thấy một sự tăm tối trong tâm hồn, khó có thể cảm nhận được niềm vui và sự hạnh phúc đối với các hoạt động xảy ra thường ngày.
Không những thế, thói quen này còn làm suy giảm sự tự tin của bản thân, khiến con người dần trở nên nhỏ bé và tự ti đối với tất cả mọi người. Họ luôn có xu hướng nhận lỗi sai về mình, cho rằng bản thân là kẻ vô dụng, bất tài và luôn tự hổ thẹn về những hành vi của chính mình, thậm chí nhiều người còn không cho pháp bản thân được vui vẻ và hạnh phúc.
Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng, mỗi người sẽ có một giá trị riêng và ai trong chúng ta cũng đáng được trân trọng, yêu thương. Hãy luôn suy nghĩ tích cực về mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống, kể cả nhưng lúc khó khăn, thất bại. Để có thể nhanh chóng loại bỏ thói quen này, bạn hãy tìm kiếm những hoạt động mới mẻ để thay đổi tư duy của bản thân. Đồng thời, hãy học cách yêu thương chính mình nhiều hơn để cuộc sống trở nên tươi đẹp, từ đó ngăn chặn tốt nguy cơ gặp phải căn bệnh trầm cảm.
8. Duy trì các mối quan hệ xấu làm gia tăng nguy cơ trầm cảm
Duy trì các mối quan hệ độc hại là một trong các thói quen xấu có thể dẫn đến bệnh trầm cảm hoặc làm gia tăng mức độ nguy hiểm của bệnh. Việc duy trì các mối quan hệ xấu khiến bạn luôn cảm thấy khó chịu và luôn gồng mình chịu đựng những cảm xúc tiêu cực mà đối phương mang lại. Điều này sẽ dần làm cho bạn trở nên suy sụp, mệt mỏi và căng thẳng nhiều hơn, từ đó dễ hình thành nên các triệu chứng của trầm cảm và gây ra hàng loạt những ảnh hưởng đối với sức khỏe, đời sống.
Mối quan hệ độc hại được định nghĩa là bất kỳ mối quan hệ nào đó mà khi bạn tồn tại trong đó, bạn sẽ luôn cảm thấy tồi tệ, bất an và căng thẳng theo thời gian. Cụ thể, nếu trong chuyện yêu đương, đối phương không dành cho bạn sự tôn trọng, bạn không nhận được sự yêu thương mà phải luôn chạy theo những mong muốn, yêu cầu của người yêu thì đó có thể được xem là một mối quan hệ độc hại cần được loại bỏ.
Việc duy trì các mối quan hệ xấu sẽ khiến cho cảm xúc của bạn càng trở nên tiêu cực hơn. Do đó, nếu bạn đang có thói quen cố gắng duy trì các mối quan hệ không lành mạnh thì hãy nhanh chóng loại bỏ ngay để tránh nguy cơ mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm lý. Đồng thời, hãy gia tăng mở gặp các mối quan hệ giúp bạn cảm thấy vui vẻ, thoải mái và mang đến nguồn năng lượng tích cực để tinh thần luôn được bồi bổ đúng cách.
9. Hay so sánh
Thói quen hay so sánh cũng được xem là một trong các nguyên nhân phổ biến khiến cho nhiều người liên tục đối diện với nguy cơ phát triển căn bệnh trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần nguy hiểm khác. Thông thường chúng ta hay có xu hướng so sánh bản thân với các ưu điểm và sự nổi trội của người khác, những điều mà người khác đang có được. Điều này khiến cho bạn cảm thấy bản thân thua thiệt hoặc yếu kém hơn họ, lâu dần hình thành nên sự tự ti và mặc cảm cho chính bản thân.
Việc liên tục so sánh bản thân với những người xung quanh hoặc bị đem ra so sánh sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng của con người. Nó có thể khiến cho một người liên tục nghi ngờ về năng lực của chính mình, từ đó họ luôn e ngại thể hiện bản thân, luôn cho rằng mình kém cỏi và bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực, bi quan.
Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng, mỗi người sẽ có những ưu và nhược điểm khác nhau. Có thể bạn không giỏi toán bằng bạn bè nhưng khả năng văn học của bạn luôn được mọi người công nhận và đánh giá cao. Trong cuộc sống, không có ai là hoàn hảo, bạn chỉ có thể trở nên tốt hơn nếu biết nắm bắt và vận dụng những thế mạnh của bản thân.
Vì thế, đừng nên so sánh với bất kỳ ai bởi chính bản là một cá thể độc lập và duy nhất. Thay vào đó, hãy cố gắng nhìn nhận và tìm ra những điểm mạnh của bản thân, từ đó tạo cơ hội để phát huy chúng, giúp bạn trở nên tốt đẹp và thành công hơn. Bằng cách này bạn sẽ cảm thấy thoải mái, vui vẻ và yêu đời hơn bất cứ ai.
10. Tự cô lập bản thân
Có rất nhiều người thường hay chọn cách thu mình lại, tự tách biệt với thế giới bên ngoài, không duy trì việc liên lạc với bạn bè, người thân sau khi trải qua những tổn thương tinh thần. Sau những vấp ngã, mất mát họ chọn cách im lặng và tự chìm đắm vào nỗi đau của chính mình.
Đôi lúc đây có thể là một lựa chọn tốt để giúp bạn tránh khỏi những sự căng thẳng, vội vã, tấp nập của xã hội hiện đại. Một khoảng trống tĩnh lặng trong tâm hồn có thể phần nào giúp bạn được thoải mái, cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Nó cũng có thể giúp bạn tạm thời lánh xa những sự náo nhiệt bên ngoài, mang đến sự bình yên trong tâm hồn và sau đó bạn vẫn có thể cân bằng tốt trạng thái tâm lý của mình.
Tuy nhiên, nếu sự cô lập này diễn ra thường xuyên và liên tục lặp đi lặp lại nhiều lần thì nó có thể trở thành một thói quen tiêu cực khiến bạn gia tăng nguy cơ bị trầm cảm. Đặc biệt là đối với những người có lối sống tiêu cực, khi càng tách biệt với xã hội, họ sẽ càng nảy sinh những suy nghĩ, cảm xúc tồi tệ và mãi không thể thoát ra được những sự giằng xé trong tâm hồn.
Việc cứ mãi nhốt bản thân vào bốn bức tường, không giao tiếp, trò chuyện với bất kỳ ai sẽ khiến bạn càng cảm thấy cô đơn, trống vắng hơn. Tình trạng này sẽ làm suy giảm cả về mặt tinh thần và thể chất của bạn. Nó không chỉ là nguyên nhân có thể làm khởi phát chứng trầm cảm mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy nguy hiểm khác khiến bạn càng trở nên mệt mỏi, suy kiệt.
Trên đây là thông tin về các thói quen xấu có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh trầm cảm mà bạn nên tránh xa và nhanh chóng loại bỏ. Việc duy trì một nếp sống lành mạnh không chỉ giúp bạn phòng chống được nguy cơ phát triển căn bệnh nguy hiểm này mà còn tạo dựng cho bạn một sức khỏe và cuộc sống tích cực, hạnh phúc hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!