Thuốc chống loạn thần Olanzapine: Công dụng & Lưu ý khi dùng

Olanzapine là thuốc chống loạn thần thế hệ mới. Với hiệu quả chống loạn thần, hưng cảm, ổn định khí sắc và an thần, gây ngủ… loại thuốc này được sử dụng rộng rãi trong điều trị các rối loạn tâm thần.

Thuốc chống loạn thần Olanzapine
Olanzapine là thuốc chống loạn thần thế hệ mới hay còn gọi là thuốc chống loạn thần không điển hình

Olanzapine là thuốc gì? Thông tin cơ bản

Olanzapine là loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị các rối loạn tâm thần. Loại thuốc này thuộc nhóm thuốc chống loạn thần/ thuốc an thần kinh hay cụ thể hơn là thuốc chống loạn thần thế hệ mới. Đây là một trong bốn nhóm thuốc hướng thần có vai trò quan trọng.

Thuốc chống loạn thần thế hệ mới ra đời vào năm 1990 và hiện được sử dụng vô cùng rộng rãi. So với thế hệ cũ, thuốc cho tác dụng chậm hơn nhưng ít gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì vậy, thuốc chống loạn thần thế hệ mới, trong đó có Olanzapine thường được sử dụng cho bệnh nhân điều trị ngoại trú.

Thông tin cơ bản về thuốc Olanzapine:

  • Tên hoạt chất: Olanzapine
  • Phân nhóm: Thuốc an thần kinh/ thuốc chống loạn thần
  • Tên thương mại: Opelan, Oliza, Olanstad, Manzura, Zolaxa, Olanzap
  • Hàm lượng: 5mg, 10mg
  • Dạng bào chế: Viên nén, dung dịch tiêm bắp

Cơ chế và công dụng của thuốc Olanzapine

Olanzapine là dẫn chất của dibenzodiazepine với cơ chế đối kháng với các thụ thể dopamin ở hệ thần kinh trung ương và serotonin typ 2 (5-HT2A, 5-HT2C), typ 3 (5-HT3), typ 6 (5-HT6). Ức chế, giảm đáp ứng thụ thể 5HT2A và ức chế thụ thể D2 của dopamin. Đồng thời đối kháng với các thụ thể muscarinic ở những vị trí như M1, M2, M3, M4 và M5, thụ thể alpha-1 adrenergic và thụ thể histamin H1.

Có thể thấy, Olanzapine có cơ chế vô cùng phức tạp và hiện nay vẫn chưa được biết rõ hoàn toàn. Giống như các loại thuốc chống loạn thần khác, Olanzapine có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng loạn thần và một số biểu hiện tâm thần khác.

Thông qua cơ chế trên, thuốc Olanzapine có những công dụng như sau:

  • Giảm các triệu chứng loạn thần (ngôn ngữ, tư duy thiếu tổ chức, ảo giác, hoang tưởng, hành vi vận động kỳ dị…)
  • Chống hưng cảm (trạng thái cảm xúc tăng cao quá mức gây kích động, hung hăng, gia tăng các hoạt động bản năng)
  • Tác dụng an thần, gây ngủ
  • Ổn định khí sắc

Cơ chế của thuốc chống loạn thần Olanzapine rất phức tạp nên một số tác dụng có thể chưa được biết đến.

Chỉ định – Chống chỉ định

Thuốc chống loạn thần Olanzapine được sử dụng rộng rãi trong điều trị các rối loạn tâm thần. Thuốc có thể được dùng đơn độc hoặc kết hợp với các loại thuốc khác để gia tăng hiệu quả.

thuốc olanzapine 10mg là thuốc gì
Thuốc Olanzapine được chỉ định trong điều trị rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, mất ngủ tiên phát, trầm cảm…

Chỉ định của thuốc Olanzapine:

  • Tâm thần phân liệt (hiệu quả với cả các triệu chứng dương tính và âm tính)
  • Rối loạn lưỡng cực (đặc biệt là trường hợp rối loạn lưỡng cực chu kỳ nhanh. Nhờ có tác dụng an thần, chống hưng cảm, ổn định khí sắc nên thuốc được dùng trong giai đoạn hưng cảm và hỗn hợp)
  • Kích động, rối loạn hành vi trong tâm thần phân liệt hoặc cơn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực
  • Các rối loạn tâm thần khác có biểu hiện kích động, hoang tưởng, mất kiểm soát hành vi…
  • Mất ngủ tiên phát
  • Kết hợp với thuốc chống trầm cảm trong điều trị bệnh trầm cảm

Thuốc Olanzapine có thể được sử dụng trong một số rối loạn khác. Việc chỉ định Olanzapine phụ thuộc khá nhiều vào kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ vì đáp ứng thuốc ở mỗi bệnh nhân thường không giống nhau.

Chống chỉ định thuốc chống loạn thần Olanzapine:

  • Quá mẫn với Olanzapine hoặc các thuốc chống loạn thần khác
  • Phụ nữ đang cho con bú
  • Olanzapine dạng tiêm bắp chống chỉ định với người có nguy cơ bị glaucoma góc đóng, mới phẫu thuật tim mạch, hạ huyết áp nặng, đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim cấp.

Cách dùng – Liều lượng thuốc Olanzapine

Thuốc Olanzapine thường được sử dụng ở đường uống (viên nén, viên nang) và đường tiêm (dung dịch tiêm bắp). Tuy nhiên, loại thuốc này chủ yếu được dùng ở đường uống để thuận tiện cho bệnh nhân điều trị ngoại trú. Những trường hợp điều trị nội trú sẽ được ưu tiên dùng các loại thuốc chống loạn thần thế hệ cũ.

Liều lượng thuốc Olanzapine được chỉ định dựa vào độ tuổi, mức độ triệu chứng và vấn đề mà bệnh nhân gặp phải. Trong đơn trị liệu, thuốc thường được dùng ở liều cao hơn so với đa trị liệu (kết hợp với nhóm thuốc khác).

Olanzapine 5mg là thuốc gì
Olanzapine thường được dùng bằng đường uống với liều lượng dao động 5mg – 20mg tùy theo từng trường hợp cụ thể

Liều dùng ở người lớn:

Rối loạn lưỡng cực (dùng trong giai đoạn hưng cảm cấp hoặc giai đoạn hỗn hợp)

  • Đơn trị liệu: Liều khởi đầu 10 – 15mg/ lần/ ngày, tăng lên 5mg sau 24 giờ cho đến khi đạt liều 20mg/ lần/ ngày.
  • Đa trị liệu (phối hợp với thuốc chống co giật Valproat hoặc muối Lithi): Liều khởi đầu 10mg/ lần/ ngày và tăng lên cho đến khi đạt hiệu quả. Liều tối đa 20mg/ lần/ ngày.

Tâm thần phân liệt

  • Liều khởi đầu: 5 – 10mg/ lần/ ngày, sau 5 – 7 ngày tăng lên 5mg/ ngày cho đến đạt liều hiệu quả 10mg/ ngày. Sau đó tiếp tục tăng 5mg sau 7 ngày cho đến khi đạt liều tối đa 20mg/ ngày.
  • Liều duy trì: 10 – 20mg/ lần/ ngày.
  • Người dễ bị hạ huyết áp, người trên 65 tuổi, bị suy nhược thần kinh: Liều khởi đầu khuyến cáo 5mg/ lần/ ngày.

Để hạn chế tác dụng phụ, bệnh nhân có đáp ứng nên dùng Olanzapine với thấp nhất có hiệu quả. Khi được chỉ định liều lượng, bệnh nhân cần dùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý tăng liều lượng để rút ngắn thời gian dùng thuốc.

Cơn kích động cấp trong giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt:

  • Liều khởi đầu: Tiêm bắp 5 – 10mg
  • Sau 2 giờ, tiêm thêm 5 – 10mg nếu cần thiết

Liều dùng ở trẻ em (13 – 17 tuổi):

Tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực:

  • Liều khởi đầu: 2.5 – 5mg/ lần/ ngày
  • Mỗi tuần tăng lên 2.5 – 5mg cho đến khi đạt liều 10mg/ ngày, trường hợp cần thiết có thể dùng đến 20mg/ ngày
  • Thuốc Olanzapine không được chỉ định cho trẻ em dưới 13 tuổi do độ an toàn chưa được xác định.

Liều dùng cho người cao tuổi:

  • Liều khởi đầu 2.5 – 5mg/ lần/ ngày, sau 2 giờ có thể dùng thêm 2.5 – 5mg nếu cần thiết
  • Liều tối đa 20mg/ ngày, đối với dạng tiêm bắp liều tối đa 3 liều 10mg/ lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 2 – 4 giờ đồng hồ.
  • Tiêm bắp tối đa 3 ngày, sau đó chuyển sang dạng uống để hạn chế nguy cơ hạ huyết áp thế đứng
  • Người bị suy gan, suy thận không cần hiệu chỉnh liều

Tác dụng phụ của thuốc Olanzapine

Tất cả các loại thuốc chống loạn thần, bao gồm cả Olanzapine đều tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Tuy nhiên so với rủi ro, loại thuốc này mang lại nhiều lợi ích và có vai trò quan trọng trong quản lý các rối loạn tâm thần như rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, trầm cảm…

Tác dụng phụ của thuốc chống loạn thần Olanzapine có thể có mức độ nhẹ hoặc nặng. Trường hợp nhận thấy các biểu hiện nghiêm trọng, nên thông báo với bác sĩ hoặc gọi cấp cứu để được xử trí kịp thời.

Olanzapine gây ức chế nhiều hệ thống từ serotonin, histamin, muscarinic, dopamine… nên tác dụng ngoại ý có thể xảy ra ở hầu hết các cơ quan. Dưới đây là các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng loại thuốc này:

Kinh nghiệm dùng Olanzapine
Thuốc Olanzapine có tác dụng an thần nên có thể gây ra cảm giác buồn ngủ quá mức, ngủ gà vào ban ngày

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Hội chứng ngoại tháp (rối loạn vận động)
  • Ngủ gà, mất ngủ
  • Sốt
  • Hưng cảm, sảng khoái
  • Rối loạn phát âm
  • Chóng mặt
  • Tăng cân
  • Khô miệng
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Chán ăn hoặc tăng cảm giác thèm ăn
  • Khó tiêu, táo bón
  • Nhịp tim nhanh, hạ huyết áp
  • Giảm thị lực, viêm kết mạc

Tác dụng phụ ít gặp:

  • Nhịp tim chậm, kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ
  • Co giật, không kiểm soát cử động tay, chân, môi, lưỡi và mắt
  • Rối loạn phát âm và nuốt
  • Tăng nhạy cảm với ánh sáng
  • Rối loạn công thức máu (giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính)

Tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Hội chứng an thần kinh ác tính (thay đổi trạng thái tâm tính, co cứng cơ, tăng thân nhiệt, huyết áp và nhịp tim không ổn định)
  • Viêm tụy
  • Suy nghĩ, hành vi bất thường
  • Lở loét trong miệng và cổ họng

Khi gặp phải tác dụng ngoại ý, nên thông báo ngay với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn hướng xử trí. Nếu là tác dụng phụ nhẹ, tình trạng có thể tự thuyên giảm sau một thời gian. Tuy nhiên trường hợp gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng cần phải nhập viện để xử trí kịp thời.

Tương tác – Tương kỵ thuốc

Tương tác, tương kỵ thuốc sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của Olanzapine. Vì vậy, khi dùng thuốc cần phải lưu ý đến vấn đề này.

Kinh nghiệm dùng Olanzapine
Olanzapine có thể tương tác và tương kỵ với nhiều loại thuốc khác nhau

Tương kỵ thuốc

Nếu sử dụng Olanzapine tiêm bắp, không được trộn lẫn với các dung dịch chứa dẫn chất Haloperidol vì pH kiềm của dẫn chất này sẽ phá hủy Olanzapine. Không trộn với dung dịch chứa dẫn chất benzodiazepine vì có thể gây kết tủa.

Tương tác thuốc

Olanzapine đã được xác định có tương tác với những nhóm thuốc sau:

  • Các loại thuốc kháng cholinergic
  • Thuốc điều trị Parkinson
  • Các loại thuốc ức chế CYP450 như thuốc chống trầm cảm Fluvoxamine, Quinidin, cimetidin, Erythromycin, Ciprofloxacin…
  • Các loại thuốc gây cảm ứng CYP450 bao gồm Omeprazol, Phenytoin, Rifampicin, Phenobarbital, Carbamazepin…
  • Các loại thuốc, chất ức chế hệ thần kinh trung ương như dẫn chất benzodiazepin, rượu, chất gây nghiện…
  • Chất phong bế thụ thể dopamin như Metoclopramid
  • Thuốc giảm đau gây nghiện như Levomethadyl
  • Thuốc chẹn alpha điều trị tăng huyết áp

Ngoài những loại thuốc kể trên, Olanzapine cũng có khả năng tương tác với những loại thuốc khác. Hiệu quả của thuốc cũng có thể thay đổi do tương tác với viên uống, thực phẩm chức năng và ảnh hưởng của một số loại đồ uống, thức ăn…

Tốt nhất, không nên tự ý dùng thuốc trong thời gian đang điều trị bằng thuốc chống loạn thần Olanzapine. Nếu phải điều trị các bệnh lý khác, nên thông báo với bác sĩ lịch sử dùng thuốc và tình trạng sức khỏe để được chỉ định loại thuốc phù hợp.

Nhận biết – Xử trí quá liều

Thuốc chống loạn thần Olanzapine được sử dụng với liều khuyến cáo từ 5 – 20mg. Ở liều điều trị, loại thuốc này tương đối an toàn. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể tích lũy thuốc để thực hiện hành vi tự sát.

Gia đình cần phải trang bị kiến thức để nhận biết quá liều thuốc Olanzapine. Sử dụng liều trên 200mg có thể dẫn đến tử vong và liều thấp hơn gây độc tính lên hệ thần kinh.

Các dấu hiệu nhận biết quá liều thuốc chống loạn thần Olanzapine:

  • Nhịp tim nhanh
  • Giãn đồng tử
  • Nhịp tim nhanh
  • Kích động
  • Xuất hiện các triệu chứng ngoại tháp (chuyển động bất thường, rối loạn vận động)
  • An thần quá mức với mức độ an thần gây ngủ cho đến hôn mê. Nếu dùng liều quá cao có thể gây ngừng tim và tử vong.
  • Co cứng cơ
  • Tăng tiết nước bọt
  • Có biểu hiện suy giảm ý thức
  • Động kinh
  • Tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp
  • Ức chế hô hấp

Ngay khi có những biểu hiện này, cần gọi cấp cứu để được xử trí kịp thời. Hiện tại, chưa có thuốc giải độc đặc hiệu nên bệnh nhân sẽ được rửa dạ dày kết hợp uống thuốc hoạt tính và sorbitol.

Sau khi thực hiện các biện pháp nhằm giảm hấp thu thuốc, bệnh nhân sẽ được điều trị điều trị và hỗ trợ chức năng tim mạch, hô hấp bằng các biện pháp như đặt máy thở, thông khí hỗ trợ, dùng thuốc… Nếu được cấp cứu kịp thời, có thể bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân dùng Olanzapine quá liều.

Lưu ý khi dùng thuốc Olanzapine

Olanzapine và các loại thuốc chống loạn thần khác được sử dụng phổ biến trong điều trị các rối loạn thâm thần như rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, trầm cảm, mất ngủ tiên phát và một số rối loạn có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác…

Olanzapine 5mg trị bao lâu
Dùng Olanzapine cho người bị tiểu đường, glaucoma góc hẹp, phì đại tuyến tiền liệt, liệt ruột… cần phải thận trọng và theo dõi chặt chẽ

Loại thuốc này chủ yếu được dùng để điều trị ngoại trú, vì vậy cần lưu ý một số vấn đề trước khi sử dụng:

  • Olanzapine là thuốc hướng thần nên không thể tự ý như các loại thuốc không kê toa. Khi dùng thuốc, phải tuân thủ tuyệt đối chỉ định từ loại thuốc, liều lượng, tần suất, thời gian…
  • Nguy cơ gặp phải tác dụng phụ cao hơn ở người dưới 18 tuổi, người cao tuổi… Vì vậy, gia đình cần phải chú ý các biểu hiện bất thường của bệnh nhân trong thời gian dùng thuốc.
  • Olanzapine làm tăng tỷ lệ đột tử, suy tim và viêm phổi ở người cao tuổi bị sa sút trí tuệ.
  • Thận trọng khi dùng thuốc nếu có các vấn đề như tiền sử liệt ruột, glaucoma góc hẹp, phì đại tuyến tiền liệt lành tính, có các vấn đề về não và tim mạch.
  • Trong thời gian dùng thuốc, thân nhiệt có thể tăng nếu bị mất nước và lao động nặng.
  • Người bị tiểu đường cần kiểm soát đường huyết trước khi dùng thuốc. Nếu dùng Olanzapine khi đường huyết cao, nồng độ glucose huyết thanh có tăng không kiểm soát ngay cả khi ngưng thuốc.
  • Trường hợp suy gan không cần hiệu chỉnh liều nhưng cần xét nghiệm định kỳ.
  • Cân nhắc ngừng thuốc ở người cao tuổi gặp phải hội chứng ngoại tháp (rối loạn vận động muộn).
  • Co giật khi dùng Olanzapine thường gặp ở người bị chấn thương vùng đầu và có tiền sử động kinh. Lý do là vì loại thuốc này làm giảm ngưỡng động kinh.
  • Do tác dụng an thần nên trong thời gian sử dụng, bệnh nhân có thể cảm thấy buồn ngủ và giảm khả năng tập trung. Nên hạn chế bằng cách dùng buổi tối trước khi ngủ, hạn chế điều khiển máy móc và làm việc trên cao trong thời gian điều trị.
  • Không dùng thuốc Olanzapine cho phụ nữ mang thai. Phản ứng bất lợi của thuốc trên phụ nữ cho con bú đã được xác định. Trường hợp bắt buộc dùng thuốc, phải ngừng cho con bú để đảm bảo an toàn.

Câu hỏi liên quan đến thuốc chống loạn thần Olanzapine

Thuốc chống loạn thần Olanzapine được sử dụng phổ biến trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như rối loạn lưỡng cực, trầm cảm – đặc biệt là trầm cảm kèm loạn thần, tâm thần phân liệt… Đa phần các bệnh lý này đều mãn tính và phải điều trị củng cố bằng thuốc suốt đời.

Vì vậy, nên tham khảo một số câu hỏi liên quan đến thuốc để có thêm kinh nghiệm khi sử dụng:

Thuốc Olanzapine dùng để điều trị bệnh gì?

Olanzapine là thuốc chống loạn thần với cơ chế phức tạp. Nhưng nhìn chung, thuốc có tác dụng giảm các triệu chứng loạn thần, ổn định khí sắc, chống hưng cảm và an thần.

Hiện nay, thuốc Olanzapine được dùng chủ yếu trong điều trị tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực (giai đoạn hưng cảm và hỗn hợp). Trường hợp trầm cảm kèm loạn thần, rối loạn hoang tưởng, rối loạn nhân cách hoang tưởng, mất ngủ tiên phát… cũng có thể được chỉ định loại thuốc này.

Olanzapine có thể dùng trong đơn trị liệu hoặc đa trị liệu (thường phối hợp với thuốc chống động kinh/ co giật hoặc thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc).

Thuốc Olanzapine có gây tăng cân, béo phì?

Tăng cân, béo phì… là tác dụng phụ thường gặp của thuốc chống trầm cảm. Ngoài ra, thuốc chống loạn thần, cụ thể là Olanzapine cũng có thể gây tăng cân nếu sử dụng trong một thời gian dài.

Olanzapine có gây nghiện không
Thuốc chống loạn thần Olanzapine có thể gây tăng cân do tác dụng ức chế dopamin ở thụ thể D2

Thống kê cho thấy, 75% trường hợp dùng Olanzapine đều bị tăng cân. Nguyên nhân là do thuốc ức chế dopamin ở thụ thể D2 dẫn đến rối loạn điều hòa năng lượng. Kết quả là tạo cảm giác ăn miệng khi ăn, đặc biệt là các món ăn chứa nhiều đường và chất béo.

Thuốc Olanzapine có tốt không?

Thuốc chống loạn thần thế hệ mới nói chung và Olanzapine nói riêng đang dần thay thế cho các loại thuốc thế hệ cũ. Về hiệu quả, cả hai nhóm thuốc đều cho tác dụng tương đương nhưng thuốc thế hệ mới ít tác dụng phụ hơn.

Thuốc Olanzapine có tốt không là băn khoăn của những người được bác sĩ chỉ định điều trị bằng loại thuốc này. Thực tế, khả năng đáp ứng với thuốc ở mỗi cá thể là khác nhau. Một số bệnh nhân phải thử nhiều loại thuốc trước khi tìm được loại thuốc cho đáp ứng tốt và ít tác dụng phụ.

Dựa trên kinh nghiệm lâm sàng, Olanzapine là một trong những loại thuốc chống loạn thần cho hiệu quả khả quan và ít tác dụng phụ nhất. Đây cũng là lý do loại thuốc này được sử dụng vô cùng rộng rãi và là lựa chọn ưu tiên trong điều trị nhiều rối loạn tâm thần.

Thuốc Olanzapine có gây nghiện không?

Thuốc Olanzapine có gây nghiện không là băn khoăn của không ít người. Thực tế, các loại thuốc hướng thần đều có nguy cơ gây nghiện, nhất là khi sử dụng liều cao.

Nghiên cứu về Olanzapine cho thấy, loại thuốc này ít có khả năng gây nghiện nên có thể dùng lâu dài cho bệnh nhân rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt. Thuốc Olanzapine cũng được sử dụng để điều trị mất ngủ tiên phát để hạn chế lạm dụng các loại thuốc an thần gây nghiện như benzodiazepine.

Thời gian sử dụng thuốc Olanzapine là bao lâu?

Thời gian điều trị bằng Olanzapine tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe. Vì thuốc có tác dụng khá chậm nên thường phải sử dụng khoảng vài tháng cho đến vài năm.

Olanzapine có gây nghiện không
Thời gian sử dụng thuốc Olanzapine phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và đáp ứng của từng trường hợp

Olanzapine cho hiệu quả chống loạn thần sau 4 – 6 tuần. Nhưng phải mất 6 – 12 tháng mới có thể cải thiện các triệu chứng âm tính. Vì vậy, thời gian điều trị bằng Olanzapine ở bệnh nhân tâm thần phân liệt sẽ dài hơn so với rối loạn lưỡng cực và trầm cảm có loạn thần.

Nếu có đáp ứng tốt, Olanzapine sẽ được sử dụng duy trì ở liều thấp trong thời gian dài để kéo dài giai đoạn ổn định, tránh tái phát.

Làm cách nào để hạn chế tác dụng phụ của thuốc Olanzapine?

So với các loại thuốc chống loạn thần thế hệ cũ, Olanzapine có hiệu quả tương đương nhưng ít gây ra hội chứng ngoại tháp ở liều điều trị. Loại thuốc này cũng ít gây độc cho thận, gan, cơ tim và cơ quan tạo máu nên không phải làm xét nghiệm định kỳ – trừ trường hợp bị suy gan.

Dù ít tác dụng phụ nhưng Olanzapine cũng có thể gây ra cảm giác buồn ngủ quá mức vào ban ngày, khô miệng, khát nước, tăng thân nhiệt… Tương tự như các loại thuốc hướng thần khác, Olanzapine được dùng lâu dài. Vì vậy, nên trang bị một số kinh nghiệm sau để hạn chế tác dụng ngoại ý của thuốc:

  • Olanzapine có thời gian bán hủy dài (36 giờ) nên chỉ cần dùng 1 lần/ ngày. Để hạn chế ảnh hưởng của tác dụng an thần gây ngủ, nên dùng thuốc vào buổi tối để tránh buồn ngủ quá mức vào ban ngày.
  • Khi sử dụng thuốc, nên tránh điều khiển máy móc và làm việc trên cao nên cảm thấy buồn ngủ, thiếu tỉnh táo.
  • Olanzapine có tác dụng kháng cholinergic nên có thể gây khô miệng, táo bón, tăng nhiệt độ cơ thể… Các tác dụng phụ này thường không quá nghiêm trọng nên có thể cải thiện bằng cách uống đủ nước, bổ sung nhiều rau xanh, hạn chế vận động mạnh, lao động nặng và tránh ra ngoài khi thời tiết nắng nóng.
  • Trong thời gian điều trị bằng thuốc chống loạn thần Olanzapine, nên ăn uống cân bằng, đủ chất và tập thể dục đều đặn. Một lối sống khoa học sẽ giúp nâng đỡ thể trạng và hạn chế các tác dụng ngoại ý của thuốc.

Thuốc chống loạn thần Olanzapine được sử dụng rộng rãi trong điều trị các rối loạn tâm thần. So với các loại thuốc chống loạn thần thế hệ cũ, Olanzapine an toàn hơn ở liều điều trị và ít gây ra tác dụng nghiêm trọng. Hiện tại, loại thuốc này chủ yếu được dùng cho bệnh nhân điều trị ngoại trú. Vì vậy, nên trang bị kiến thức để dùng thuốc đúng cách và hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bị trầm cảm có phải uống thuốc suốt đời không? Giải đáp từ bác sĩ

Không như các bệnh lý thông thường, bệnh nhân trầm cảm phải dùng thuốc kéo dài ngay cả triệu chứng đã giảm hẳn để ngăn...

thuốc trầm cảm amitriptyline
Thuốc trầm cảm amitriptyline: Cách dùng và những lưu ý

Thuốc trầm cảm amitriptyline là loại thuốc quen thuộc và được sử dụng nhiều nhất trong nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng. Loại thuốc...

Trầm cảm cấp độ 3
Trầm cảm cấp độ 3: Các dấu hiệu nhận biết và phương hướng điều trị

Trầm cảm cấp độ 3 hay còn gọi là trầm cảm nặng là giai đoạn nghiêm trọng của bệnh với những biểu hiện buồn bã,...

Rối Loạn Hoảng Sợ Là Gì? Biểu hiện, Chẩn đoán và Điều trị

Rối loạn hoảng sợ là một rối loạn tâm thần khá phổ biến với tỷ lệ 1.6% dân số. Biểu hiện đặc trưng là các...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh