Rối Loạn Nhân Cách Chống Đối Xã Hội (ASPD): Chẩn đoán và điều trị

Những người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD) thường phớt lờ, và làm mọi cách nhằm chống đối những chuẩn mực xã hội, xâm phạm quyền lợi và thiếu tôn trọng người khác. Họ không hề hối hận bởi hành động sai trái của mình. ASPD nếu không được kiểm soát sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp cho xã hội, vì đây là căn bệnh gắn liền với nhiều tên tội phạm nguy hiểm.

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD) là gì?

Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của những người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội là việc coi thường luật pháp, đạo đức, và những tiêu chuẩn xã hội. Những đối tượng này thể hiện sự bất thường trong suy nghĩ và hành vi, thích lừa dối và thao túng nhằm xâm phạm quyền lợi và cảm xúc của người khác. Họ cũng có tính cách liều lĩnh, điên cuồng, hung hăng, dễ kích động, và sẵn sàng chống đối mọi luật lệ, hay quy tắc có tác dụng ước thúc hành động của con người.

rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Những người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội sẽ có những hành vi tổn hại người lợi ích và tính mạng người khác, đi ngược với đạo đức xã hội.

ASPD trong ICD-10 được xếp vào nhóm “Rối loạn nhân cách đặc hiệu”, trong nhóm này còn bao gồm rối loạn nhân cách phân liệt và rối loạn nhân cách lo âu (tránh né). Theo DSM-5 của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, ASPD được chẩn đoán cho những đối tượng có thái độ vô cảm, coi thường quyền lợi và sức khỏe của người khác, vi phạm pháp luật và những quy tắc xã hội một cách thường xuyên mà không hề có cảm giác hối hận.

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là tình trạng thường thấy ở những tên tội phạm biến thái và đặc biệt nguy hiểm. Theo một cuộc khảo sát ngẫu nhiên từ 320 tên tội phạm ở Mỹ, 35% trong số họ cho thấy dấu hiệu của ASPD. Có thể nói ASPD là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến những hành vi phạm tội ở một số đối tượng, khiến họ suy nghĩ lệch lạc và đi chệch với những định hướng đúng đắn của xã hội.

ASPD khiến lương tâm đạo đức của con người biến mất. Họ chỉ hành động theo ý thích cá nhân, chứ không quan tâm liệu việc làm của mình có gây hại đến người khác, hoặc gây ra những hậu quả nghiêm trọng nào hay không. Họ có những hành động vô đạo đức, đạp lên lý trí và lương tri của con người mà không hề cảm thấy thương xót hay hối hận. Chính vì thế, chúng ta còn dùng cụm từ “thái nhân cách” hay “bệnh xã hội” để nói về trường hợp này.

Đặc điểm của những người rối loạn nhân cách chống đối xã hội là sự vô cảm, biến thái, điên cuồng, và có những hành vi phi đạo đức và vô trách nhiệm. Tuy nhiên, có một khía cạnh khác của những đối tượng này mà không phải ai cũng nhận ra. Nhiều trường hợp mắc ASPD thật sự có trí thông minh rất cao, và là bậc thầy trong việc thao túng và đùa giỡn với cảm xúc của người khác. Thế nên họ được xếp vào nhóm những đối tượng cực kỳ nguy hiểm.

Khác với những đối tượng thể hiện sự chống đối xã hội của mình thông qua những hành động phạm tội rõ ràng, những kẻ mắc ASPD có IQ cao thật sự là những diễn viên đích thực. Họ rất giỏi trong việc lừa dối người khác bằng vẻ ngoài vô hại. Họ biết cách đánh vào sự đồng cảm, tình yêu thương và tâm lý yếu đuối của con người để quyến rũ và lấy thiện cảm, lừa gạt và tìm cách thao túng, lợi dụng người khác theo ý muốn của mình.

rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Một số người mắc ASPD rất giỏi trong việc ngụy trang sự lạnh lùng, vô cảm của mình dưới chiếc mặt nạ thân thiện, hòa nhã.

Những đối tượng này là những tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm, vì họ có sự xảo quyệt, ranh mãnh, và trực giác nhạy bén trong việc quan sát, phân tích và nắm bắt tâm lý con người. Việc sai khiến, lợi dụng và làm hại người khác để đạt được mục đích cá nhân không khiến họ cảm thấy xấu hổ, tội lỗi hay hối hận. Họ sẵn sàng lợi dụng sự đồng cảm của người bị thao túng để trải nghiệm và đạt được niềm vui trong sự đau khổ của nạn nhân.

Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu cho rằng, rối loạn nhân cách chống đối xã hội cũng nên được nhìn nhận như một hình thức tự bảo vệ và sinh tồn, chứ không nên quá chú trọng vào vấn đề phạm tội. Việc áp đặt tình trạng này với những hành vi phạm tội có thể làm sai lệch chẩn đoán trong một số trường hợp đặc biệt. Chúng ta nên nhận thức rõ ràng, không phải ai mắc ASPD đều là tội phạm nguy hiểm và có hành vi gây hại cho xã hội.

Yếu tố ảnh hưởng đến rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Theo nghiên cứ và ước tính, hội chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới. Chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận ra điều này khi nghiên cứu những tên tội phạm nguy hiểm có triệu chứng ASPD với số lượng nam giới gần như áp đảo. Đa phần những đối tượng được phát hiện mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội đều là những người còn khá trẻ, thậm chí còn có trẻ vị thành niên.

ASPD hình thành do ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố, trong đó bao gồm vấn đề di truyền, mất cân bằng sinh lý, ảnh hưởng từ các hội chứng rối loạn tinh thần và rối loạn hành vi, cùng với yếu tố môi trường. ASPD thường sinh ra do sự tổng hòa của nhiều nguyên nhân, và trong đó thường thấy nhất là vấn đề di truyền và những tổn thương tâm lý trong quá trình trưởng thành.

1. Vấn đề di truyền

Các nghiên cứu được thực hiện trên những gia đình có người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội cho thấy ảnh hưởng của gen di truyền đến tình trạng này là rất lớn. Những gia đình có tiền sử mắc ASPD, rối loạn nhân cách, bệnh tâm thần, và trong những cặp song sinh có 1 trong 2 người mắc bệnh, thì con cái và anh chị em của họ cũng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Đương nhiên, ở đây chứng ta đã loại trừ yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến việc mắc ASPD.

rối loạn nhân cách chống đối xã hội
ASPD cũng như nhiều căn bệnh tâm thần khác đều chịu ảnh hưởng từ cơ chế di truyền và vấn đề biến đổi gen.

Di truyền là một cơ chế phức tạp, vì thế nhiều nghiên cứu vẫn đang được thực hiện nhằm tìm ra những gen hay cơ chế nào ảnh hưởng đến việc di truyền ASPD. Một nghiên cứu cho thấy những biến thể của gen mã hóa cho monoamine oxidase A (MAO-A) khiến enzyme này bị thiếu hụt có thể khiến nam giới hung hăng hơn. Nghiên cứu khác cũng đưa ra chứng cứ về gen mã hóa cho chất vận chuyển serotonin (SCL6A4) cũng ảnh hưởng đến vấn đề điều chỉnh cảm xúc và ASPD.

2. Giới tính

Tỳ lệ nam giới mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội cao hơn nhiều so với phụ nữ. Đây có thể là ảnh hưởng từ gen di truyền do nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự bất thường trong gen ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của nam giới nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, những chấn thương tâm lý hoặc môi trường sống cũng có ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn, vì họ khó bộc lộ cảm xúc hơn so với nữ giới.

3. Tổn thương não và bệnh lý tâm thần

Sự bất thường trong hoạt động của não có thể làm tăng tỷ lệ mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Những tổn thương não do chấn thương, viêm não hay các biến chứng chu sinh và sau sinh có thể khiến một số vùng của não như thùy đảo bên trái và vỏ não vùng trán hoạt động bất thường. Điều này có thể làm tăng tỷ lệ mắc ASPD ở người. Những vấn đề liên quan đến não luôn rất phức tạp, thế nên các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này.

Ngoài ra, những người mắc chứng ái kỷ, tâm thần phân liệt, bạo dâm, và một số bệnh lý tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn hành vi,… cũng có khả năng mắc kèm rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Trong trường hợp một người mắc nhiều chứng tâm thần, rất khó để xác định đâu là nguyên nhân chính cho toàn bộ những vấn đề tâm lý họ đang mắc phải.

4. Thiếu hụt chất truyền dẫn thần kinh

Nội tiết tố và các chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bình thường của não bộ và hệ thần kinh. Chúng cũng giúp điều chỉnh cảm xúc, thúc đẩy nguồn năng lượng tích cực, và ngăn chúng ta thực hiện những hành vi quá khích. Việc thiếu hụt các hormone như testosterone, senrotonin, hay monoamine oxidase A đều có thể ảnh hưởng đến cảm xúc, và tăng tỷ lệ mắc ASPD ở người.

rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Những chất dẫn truyền thần kinh trong não có vai trò quan trọng trong việc điêu khiển cảm xúc và ngăn chặn những suy nghĩ tiêu cực.

Đương nhiên đây chỉ là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc rối loạn nhân cách cách chống đối xã hội, chứ không phải là nguyên nhân chính yếu. Việc thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh còn là nguyên nhân của nhiều hội chứng khác như trầm cảm, hưng cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, stress,… Điểm chung của những hội chứng này là hành vi bốc đồng và khó kiểm soát.

5. Môi trường sống

Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng di truyền và môi trường sống là hai yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến tình trạng ASPD ở người. Nếu cha mẹ của một đứa trẻ thể hiện sự chống đối xã hội, và cố ý (hoặc vô ý) truyền đạt tư tưởng này cho con cái, thì đứa con có thể mắc ASPD trong tương lai. Trường hợp này xảy ra ở cả con ruột và con nuôi, vì thế chúng ta có thể loại trừ yếu tố di truyền mà chỉ xem xét yếu tố môi trường.

Những đứa trẻ phải sống trong môi trường thiếu thốn tình thương, thường xuyên chịu nhiều căng thẳng, tra tấn tinh thần và thể xác, cùng sự thờ ơ, không chăm sóc và dạy dỗ đúng đắn của cha mẹ có thể lớn lên với nhân cách và cái nhìn méo mó về thế giới. Trẻ thiếu đi sự đồng cảm, không có lòng trắc ẩn, chai sạn cảm xúc và tình cảm vì chịu nhiều tổn thương do hoàn cảnh sinh sống mang đến.

Một số lượng không nhỏ những người mắc ASPD có tuổi thơ cơ cực, không hạnh phúc, phải sống trong những ngày tháng bị giày vò về cả tinh thần và thể xác. Một số bậc phụ huynh của người mắc ASPD thường xuyên say xỉn và dùng chất kích thích. Họ cũng thể hiện sự nghiêm khắc quá đáng, đòi hỏi cao so với khả năng của trẻ, cùng thái độ thiếu nhất quán trong việc nuôi dạy con. Những yếu tố này khiến trẻ có một tuổi thơ đầy ám ảnh, tạo điều kiện cho ASPD xuất hiện.

Ngoài gia đình thì xã hội cũng có ảnh hưởng nhất định đến nhận thức của trẻ trong quá trình trưởng thành. Sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội, những trào lưu mới, cùng những mối đe dọa tiềm ẩn trên không gian mạng có thể ảnh hưởng đến nhận thức của những đứa trẻ. Trẻ con ngày nay tiếp xúc rất sớm với công nghệ và các nguồn thông tin, do đó những vấn đề tâm sinh lý cũng theo đó mà bị ảnh hưởng nếu cha mẹ không quan tâm theo dõi sát sao.

rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Những ảnh hưởng to lớn của gia đình và xã hội đến việc hình thành hội chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội là không thể bỏ qua.

Sự lên ngôi của ý thức cá nhân, sự xói mòn của những giá trị tập thể, cùng sự thờ ơ, vô cảm, sống chỉ vì bản thân mình do được nuông chiều hoặc bỏ mặc từ thuở ấu thơ là những yếu tố tạo nên những con người vặn vẹo về nhân cách. Ngoài ra trong một số trường họp, rối loạn nhân cách chống đối xã hội xuất hiện khi một người muốn bảo vệ và đảm bảo sự sinh tồn của bản thân trước những tác động xã hội.

6. Ám ảnh tâm lý

Những đứa trẻ phải sống trong bạo lực tinh thần, bạo lực thể xác, lạm dụng tình dục, hoặc trải qua những sang chấn tâm lý nặng nề như chứng kiến những sự việc kinh khủng, bị bắt cóc, bị hành hạ, bị bỏ rơi thời gian dài trong thời thơ ấu có thể sinh ra những mấm móng đầu tiên của rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Những ám ảnh này có thể theo trẻ suốt đời, và trong giai đoạn 11-15 tuổi, trẻ sẽ bắt đầu bộc lộ những hành vi bất thường.

Biểu hiện của rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Như đã nói ở trên, những biểu hiện đầu tiên của ASPD xuất hiện từ trước 11 tuổi, nhưng chỉ được chẩn đoán khi đủ 18 tuổi. Lý do là khi đạt đến độ tuổi trưởng thành, con người đã có khả năng nhận thức về thế giới, và chịu trách nhiệm cho những suy nghĩ và hành vi của bản thân. Dưới đây là một số biểu hiện đặc trưng của rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường thấy và có tính lặp lại của bệnh nhân ASPD:

  • Không quan tâm, coi thường những chuẩn mực đạo đức xã hội và con người. Điều này thể hiện cả qua thái độ, cách đối xử với mọi người, suy nghĩ, lời nói và việc làm.
  • Hành động bất chấp đúng sai và kinh thường cảm xúc của người khác.
  • Chai lỳ cảm xúc, luôn bình thản kỳ lạ trong mọi tình huống, dù những tình huống đó thường khiến những người bình thường giật mình hay sợ hãi. Họ có thể che giấu điều này trước mặt người khác bằng những cảm xúc giả tạo.
  • Không đồng cảm với người khác, không thương xót cho những người bất hạnh mà còn có thể lợi dụng họ phục vụ cho mục đích bản thân.
  • Hành vi ứng xử đi ngược với những quy tắc xã hội, chỉ thích làm theo ý mình bất chấp hành động có thể ảnh hưởng đến quyền lợi, cảm xúc, tính mạng của người khác, hoặc gây ra những hậu quả nặng nề.
  • Những đối tượng ASPD có IQ và EQ cao là cao thủ trong việc lừa gạt, thao túng và lợi dụng người khác theo ý muốn của họ nhằm chiếm đoạt tài sản, quyền lực, hoặc đạt được lợi ích nào đó.
rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Những biểu hiện của ASPD rất phức tạp, và có thể giảm dần hoặc tăng dần theo thời gian tùy đối tượng cụ thể.
  • Điên cuồng, kiêu ngạo, cố chấp, không nghe khuyên bảo, ghét bị người khác dạy dỗ, cảm thấy bản thân giỏi hơn tất cả mọi người và thích thú trong việc đùa bỡn người khác, đặc biệt là đùa bỡn lòng người cùng với tình cảm.
  • Không có thái độ hối hận khi bị phát hiện, không cảm thấy việc làm của mình là sai trái dù trong tình huống bất lợi.
  • Có những hành vi trái với đạo đức và chuẩn mực xã hội như: hành hạ động vật, đánh người, hãm hại và trả thù người khác một cách ác ý, nói dối, trộm cắp, tham gia các băng nhóm tội phạm, giết người, cưỡng hiếp, phóng hỏa,… Ngoài ra họ còn có thể đua xe bất chấp gây tai nạn, sử dụng rượu bia, chất kích thích, và nhiều hành vi nguy hiểm khác.
  • Có xu hướng đỗ lỗi cho người khác, phủi sạch trách nhiệm, và biện minh cho những hành vi sai trái của bản thân bằng lý lẽ khéo léo để thuyết phục mọi người. Họ luôn đặt bản thân trong tâm thế kẻ yếu để lừa gạt tình cảm và lòng thương hại. Một số người cảm thấy
  • Dễ mất kiểm soát khi bị kích thích và trở nên hung bạo, sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết vấn đề, thậm chí đe dọa tính mạng người khác.
  • Không chung thủy trong tình yêu, thích lợi dụng và đùa giỡn tình cảm, hoặc có những hành vi biến thái để chiếm đoạt một người nào đó. Một số người mắc ASPD cũng có sở thích bạo dâm.
  • Không có trách nhiệm trong công việc. Tuy nhiên, một số người lại thể hiện sự chăm chỉ và khả năng giao tiếp tốt nhằm lừa gạt mọi người xung quanh.

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội tồn tại suốt đời. Một số người có xu hướng ngày càng nghiêm trọng và khó kiểm soát, dẫn đến những hành vi phạm tội hoặc đe dọa tính mạng người khác. Một số người lại cho thấy những triệu chứng chống đối xã hội giảm dần, cùng với những suy nghĩ lệch lạc dần biến mất khi lớn lên. Các nhà khoa học dẫn chưa xác định rõ nguyên nhân của tình trạng này là do đâu.

Chẩn đoán rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Những biểu hiện đầu tiên của hội chứng ASPD như coi thường và xâm phạm quyền lợi của người khác thường xuất hiện từ rất sớm trong độ tuổi từ 8 đến 11. Tuy nhiên, để chắc chắn một người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội thì những biểu hiễn này phải kéo dài đến khi khi đó 18 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh ASPD cao nhất ở những người từ 24 đến 44 tuổi, và thường giảm dần khi về già.

rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Để chẩn đoán chính xác tình trạng ASPD cần rất nhiều yếu tố, và cần tiến hành đánh giá một cách cẩn thận để không nhầm với những hội chứng khác.

Việc chẩn đoán và điều trị tình trạng ASPD gặp nhiều khó khăn vì hai lý do. Thứ nhất, người bệnh không tự ý thức được vấn đề tâm lý của bản thân, bởi vì suy nghĩ của họ đã bị định hình một cách lệch lạc. Hầu hết những người đến gặp bác sĩ để chẩn đoán rối loạn nhân cách chống đối xã hội là bị ép buộc. Và hơn 70% số người tham gia điều trị bỏ ngang quá trình điều trị, một số người còn tỏ thái độ không hợp tác.

Thứ hai, những đối tượng này nếu tiếp tục sống trong môi trường độc hại trong thời gian dài rất dễ trở thành tội phạm. Họ phải đối mặt với việc rơi vào những cuộc thanh toán lẫn nhau giữa các băng đảng, chết vì lạm dụng rượu bia ma túy, bị bắt giam khi tham gia những phi vụ phi pháp, hoặc tự sát do những vấn đề tâm lý nghiêm trọng khác trước khi được phát hiện và cải thiện kịp thời.

Để được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội, bạn phải đáp ứng một số tiêu chí dưới đây:

  • Người trên 18 tuổi (điều kiện bắt buộc)
  • Có biểu hiện rối loạn hành vi trước năm 15 tuổi
  • Vi phạm pháp luật nhiều lần nhưng không có thái độ hối cãi hay hối hận
  • Có tính cách xảo quyệt, gian dối, thích lừa gạt mọi người bằng vẻ ngoài hay những hành động lịch thiệp, nho nhã
  • Xem thường sự an toàn của bản thân và những người xung quanh
  • Coi thường và xâm phạm quyền lợi, cảm xúc của người khác
  • Không thể hòa nhập xã hội một cách bình thường vì không coi trọng những chuẩn mực xã hội và đạo đức
  • Nếu bị kích thích sẽ có hành vi bạo lực, gây hấn với người khác, thậm chí đe dọa tính mạng.
  • Vô cảm, máu lạnh, không cảm thấy thương cảm, đau xót, bình thản lạ lùng trước mọi trường hợp

Sau khi người cần chẩn đoán đáp ứng những tiêu chí kể trên, bác sĩ còn phải dựa vào nhiều yếu tố cần thiết để xác định chính xác bệnh nhân có mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội hay không. Quy trình này cần sự cẩn thận và chi tiết cao để tránh nhầm lẫn ASPD với hội chứng khác. Khi đã có kết luận chính xác, bác sĩ sẽ đưa ra liệu pháp cải thiện phù hợp dựa trên tình trạng thực tế.

Những tác hại của ASPD đến con người và xã hội

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường dẫn đến những rối loạn tâm thần khác, cùng các hành vi liên quan đến rượu bia và chất kích thích. Một số lượng không nhỏ những người mắc ASPD dạng nặng đều trở thành tội phạm với nhiều hành vi mất nhân tính như lừa gạt tình cảm và tài sản, buôn bán hàng cấm, phòng hỏa, giết người, tấn công tình dục, tra tấn hoặc thậm chí là tự sát trong trường hợp trầm cảm.

rối loạn nhân cách chống đối xã hội
ASPD có thể ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người bệnh lẫn xã hội nếu không được khống chế và cải thiện một cách hợp lý.

Trong cơn kích động, những đối tượng này có thể có những hành vi bốc đồng, mạo hiểm, liều mạng mà không quan tâm đến an nguy của bản thân và những người xung quanh. Chính vì những người ASPD thường vô cảm, khinh thường cảm xúc của con người, và có quan niệm méo mó về xã hội nên họ chẳng bao giờ cảm thấy hối hận với những hành vi của bản thân, dù hành vi này gây hại cho nhiều người.

Những tên tội phạm ASPD thông minh, ma mãnh, có khả năng thao túng tâm lý người khác là những đối tượng nguy hiểm nhất cần đặc biệt chú ý. Nếu không có biện pháp cải thiện tình trạng bệnh, hoặc hạn chế hoạt động của những đối tượng này thì sẽ gây nguy hại cho xã hội. Họ có thể lôi kéo những người khác vào con đường phạm tội, hoặc làm tổn thương sức khỏe, tính mạng của những người xung quanh.

Can thiệp và cải thiện chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Vấn đề hỗ trợ và cải thiện tình trạng rối loạn nhân cách chống đối xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, và chưa có phương pháp hiệu quả để chặn đứng hay cải thiện triệu chứng bệnh ở những trường hợp rối loạn nặng. Lý do là vì những đặc trưng về hành vi và suy nghĩ khiến nhiều đối tượng không hợp tác trong quá trình chữa trị, hoăc bỏ dở giữa chừng nên không thu được kết quả khả quan.

Đối với trẻ nhỏ, can thiệp từ sớm bằng tâm lý trị liệu, hoặc thuốc trong trường hợp bắt buộc, có thể giảm ảnh hưởng của ASPD đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Một số trường hợp trẻ mắc ASPD có triệu chứng giảm dần và biến mất khi trưởng thành. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về việc rối loạn nhân cách chống đối xã hội đã hoàn toàn biến mất, hay được che giấu tốt hoặc diễn biến thành một hội chứng khác.

1. Trị liệu tâm lý

Những trường hợp người bệnh ASPD nhẹ, bệnh mới khởi phát, hoặc một số đối tượng đặc biệt cần điều chỉnh tâm lý thì tâm lý trị liệu là biện pháp được khuyên dùng. Trên thực tế, việc điều trị tâm lý cho người rối loạn nhân cách chống đối xã hội là không hề dễ dàng. Họ có thể thể hiện thái độ thiếu hợp tác, hoặc có hành vi bạo lực nếu bị kích thích. Tuy nhiên, điều trị tâm lý và điều trị bằng thuốc là hai phương pháp khả dĩ nhất để cải thiện tình trạng này.

rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Việc điều trị tâm lý dù gặp nhiều khó khăn, nhưng là phương pháp bắt buộc để thay đổi suy nghĩ và góc nhìn sai lệch của người bệnh.

Các bác sĩ thường thông qua xét nghiệm, hay tiểu sử bệnh nhân để phát hiện những bất thường trong quá trình trưởng thành, tìm kiếm những yếu tố hay sự kiện có khả năng ảnh hưởng đến ASPD. Sau đó, thông qua trò chuyện họ sẽ phân tích suy nghĩ, tư duy và hành động của bệnh nhân, từ đó tìm ra cách giải quyết những ám ảnh và vấn đề tâm lý người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội mắc phải.

Phương pháp hành vi nhận thức là phương pháp được sử dụng nhiều nhất trong điều trị ASPD. Mục đích là giúp người bệnh nhận thức những quan niệm sai lầm, méo mó của bản thân và nỗ lực thay đổi tư duy, hành vi theo hướng tích cực hơn. Trị liệu tâm lý có thể khó khăn hơn khi đối diện với những đối tượng bất hợp tác và nguy hiểm. Do đó, bác sĩ cũng cần chú ý nhiều hơn trong quá trình điều trị cho người bệnh.

2. Trị liệu bằng thuốc

Trị liệu bằng thuốc sẽ được sử dụng trong những trường hợp bắt buộc để làm dịu tâm trạng, ngăn cản những hành vi bốc đồng, nóng nảy của người bệnh. Nếu không, họ có thể làm ra những hành động liều lĩnh, không màng đến tính mạng của bản thân và người khác. Trong cơn kích động, những người mắc ASDPD có thể làm ra những hành động không thể đoán trước. Thậm chí họ còn có thể tự sát.

Hiện nay chưa có loại thuốc đặc trị cho ASPD. Bác sĩ sẽ dựa trên những biểu hiện bệnh để quyết định nên cho người bệnh dùng loại thuốc nào. Đó có thể là thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, hay thuốc chống co giật tùy theo trường hợp cụ thể. Sử dụng thuốc đồng nghĩa với việc chấp nhận những tác dụng phụ không mong muốn, hoặc xuất hiện tình trạng thôi thúc tự tử và nghiện thuốc. Do đó bác sĩ sẽ cân nhắc và đưa ra quyết định cuối cùng.

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là một hội chứng không phổ biến, nhưng lại mang đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho bản thân người mắc bệnh, gia đình và cả xã hội. Khi bệnh diễn biến nghiêm trọng, người mắc ASPD có thể tổn hại đến cảm xúc, lợi ích, thân thể, và cả tính mạng của những người xung quanh. Vì thế những đối tượng mắc bệnh cần chấp nhận điều trị lâu dài, và nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của người thân.

Có lẽ bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Rối loạn lo âu ở trẻ
Rối loạn lo âu ở trẻ: Nguyên nhân, Chẩn đoán và Hướng điều trị

Rối loạn lo âu là hội chứng có thể dễ dàng xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào. Trong đó, trẻ em cũng không...

Chữa Stress, căng thẳng kéo dài bằng liệu pháp xoa bóp bấm huyệt

Xoa bóp bấm huyệt đã được chứng minh về hiệu quả chữa stress. Nếu đang bị căng thẳng quá mức, bạn có thể thực hiện...

trầm cảm có chữa được không
Trầm cảm có chữa được không? Cần làm gì khi bị trầm cảm

Trầm cảm không phải là một căn bệnh nan y không có thuốc chữa. Vì thế khi bản thân bạn, hoặc bạn bè hay người...

rối loạn lo âu có tái phát không
Bệnh rối loạn lo âu có tái phát không? Cách nhận biết và phòng ngừa

Những ảnh hưởng của rối loạn lo âu đến sức khỏe, và trạng thái tinh thần của người bệnh là rất nặng nề nếu không...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh