Trẻ bị tăng động giảm chú ý: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị
Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường khởi phát rất sớm và các triệu chứng sẽ kéo dài mãn tính cho đến tuổi trưởng thành, thậm chí là đến hết cuộc đời. Tình trạng này khiến trẻ trở nên hiếu động quá mức, bốc đồng và sự suy giảm nghiêm trọng về khả năng chú ý, tập trung.
Sơ lược về tình trạng trẻ bị tăng động giảm chú ý
Tăng động giảm chú ý hay còn được gọi tắc là ADHD là một dạng bệnh mãn tính thường xuất hiện phổ biến ở trẻ em và có diễn biến mãn tính cho đến tuổi trưởng thành. Chứng rối loạn này gây nên nhiều phiền toái đối với sinh hoạt đời sống và sự phát triển toàn diện của mỗi trẻ nhỏ.
Những trẻ bị tăng động giảm chú ý thường khó duy trì sự tập trung, dễ bị xao nhãng cùng với các hành vi tăng động, hiếu động quá mức, khó kiểm soát. Những đứa trẻ này thường không thể duy trì tốt hiệu quả học tập, gặp nhiều trở ngại trong việc duy trì các mối quan hệ lành mạnh và khó để phát triển tốt các khía cạnh đời sống khác.
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì những biểu hiện của ADHD có thể dần thuyên giảm theo độ tuổi. Tuy nhiên, vẫn có không ít các trường hợp kéo dài dai dẳng và phát triển mạnh mẽ nếu không sớm được phát hiện, can thiệp phù hợp trong giai đoạn sớm.
Dựa vào số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho thấy, tỷ lệ trẻ bị tăng động giảm chú ý hiện đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể, cứ trong 100 trẻ thì có khoảng trung bình từ 3 đến 5 trẻ mắc phải chứng bệnh này với các triệu chứng khởi phát triển 7 tuổi. Các chuyên gia còn cho biết thêm, tỷ lệ mắc bệnh ở bé trai thường cao hơn gấp 3 lần so với các bé gái, phổ biến nhất là những trẻ từ 8 đến 11 tuổi.
Các biện pháp hỗ trợ điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý không thể chữa khỏi hoàn toàn các triệu chứng của bệnh nhưng sẽ giúp thuyên giảm, ngăn chặn những tác động tiêu cực mà bệnh gây ra. Quá trình điều trị cũng cần phải kiên trì trong khoảng thời gian dài, kết hợp nhiều biện pháp khác nhau để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Nguyên nhân gây ra tăng động giảm chú ý ở trẻ
Tình trạng rối loạn tăng động ở trẻ nhỏ hiện vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân chi tiết, rõ ràng gây ra bệnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã ra một số giả thuyết về các yếu tố tác động đến căn bệnh này. Cụ thể như:
- Yếu tố di truyền: ADHD có khả năng di truyền và nếu trong gia đình có người thân từng mắc phải chứng bệnh này thì trẻ nhỏ khi sinh ra cũng sẽ có nguy cơ khởi phát bệnh cao hơn so với thông thường.
- Quá trình mang thai: Nếu trong thời kỳ mang thai, mẹ mắc phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng thì trẻ cũng có thể gia tăng tỷ lệ bị tăng động giảm chú ý.
- Các tổn thương não bộ: Trong quá trình sinh nở hoặc sau khi sinh, nếu trẻ nhỏ mắc phải các tổn thương ở não thì khả năng bị ADHD cũng sẽ tăng.
- Ảnh hưởng từ thuốc: Một số loại thuốc sử dụng trong thai kỳ hoặc sau sinh cũng có thể là yếu tố gây ra chứng bệnh này.
- Do môi trường: Trẻ nhỏ sinh sống trong môi trường chật chội, ồn ào, ô nhiễm, kém lành mạnh, thường xuyên chịu nhiều áp lực, căng thẳng cũng sẽ có nguy cơ mắc phải chứng tăng động giảm chú ý.
Cách nhận biết trẻ bị tăng động giảm chú ý
Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường có đa dạng các biểu hiện, tuy nhiên phần lớn sẽ tập trung vào các hành vi giảm tập trung, chú ý và hiếu động quá mức của trẻ. Những biểu hiện của bệnh thường khởi phát sớm trước năm 12 tuổi và kéo dài dai dẳng cho đến tuổi trưởng thành nếu không sớm được khắc phục tốt.
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của ADHD mà trẻ nhỏ sẽ có các triệu chứng gây ảnh hưởng khác nhau đến sức khỏe và đời sống. Những biểu hiện này thường cũng dễ bị nhầm lẫn với tình trạng hiếu động thông thường của trẻ nhỏ nên nhiều bậc phụ huynh hay lơ là, thiếu cảnh giác khiến cho trẻ mất đi cơ hội được thăm khám, can thiệp trong giai đoạn sớm.
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì tăng động giảm chú ý ở trẻ thường sẽ được chia thành 3 dạng cụ thể:
- Chủ yếu là tăng động, bốc đồng: Phần lớn các biểu hiện của trẻ là những hành vi hiếu động, tăng động quá mức.
- Chủ yếu là giảm chú ý: Trẻ thường rơi vào trạng thái mất tập trung, không có khả năng chú ý tốt.
- Hỗn hợp: Đây là sự kết hợp giữa các triệu chứng tăng động và giảm chú ý.
Một số biểu hiện thường gặp ở trẻ bị tăng động giảm chú ý như:
1. Biểu hiện giảm chú ý
- Trẻ thường khó duy trì sự tập trung, chú ý vào bất kỳ công việc, hoạt động nào.
- Trẻ không chú ý đến các chi tiết nhỏ, thường bỏ qua những điều quan trọng và dễ mắc phải các sai lầm trong học tập, đời sống.
- Khó duy trì các cuộc hội thoại, trò chuyện trong thời gian dài.
- Dễ bị phân tâm, xao nhãng bởi các tác động bên ngoài.
- Gặp nhiều cản trở trong việc lắng nghe và làm theo hướng dẫn của người khác, vì thế trẻ ít khi hoàn thành tốt các công việc được giao.
- Khó khăn trong việc thiết lập, lên kế hoạch cho các hoạt động, công việc thường ngày.
- Hay quên, lơ đễnh, mơ màng.
2. Biểu hiện tăng động
- Trẻ thường hay nghịch phá, chạy nhảy, leo trèo khắp mọi nơi, bất kể các không gian, địa điểm.
- Trẻ không có nhận thức về những sự nguy hiểm trong hành vi của bản thân.
- Trẻ không thể duy trì việc ngồi yên một chỗ quá lâu, thường cảm thấy khó chịu, bứt rứt chân tay.
- Trẻ di chuyển liên tục, chuyển động nhanh, bất thường
- Trẻ gặp khó khăn trong việc giữ yên lặng.
- Trẻ nói nhanh, nói rất nhiều, nói liên tục.
- Trẻ tăng động giảm chú ý có xu hướng thường xuyên ngắt lời người khác, làm gián đoạn cuộc giao tiếp hoặc đưa ra câu trả lời ngay cả khi đối phương chưa đặt xong câu hỏi.
- Không thể chờ đợi quá lâu.
- Thường có các hành vi bốc đồng làm tổn thương bản thân và những người xung quanh.
- Khó khăn trong việc bày tỏ cảm xúc, dễ cáu gắt, nóng giận, kích động.
Ngay khi nhận thấy các biểu hiện tăng động giảm chú ý của trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên mau chóng cho trẻ tiến hành thăm khám và chẩn đoán chính xác tại các cơ sở chuyên khoa. Cũng bởi, không phải bất kỳ đứa trẻ nào có xuất hiện các triệu chứng nêu trên đều được chẩn đoán mắc phải ADHD. Quá trình thăm khám và đưa ra kết luận cần được xem xét cẩn thận với đầy đủ các yếu tố, từ đó đưa ra biện pháp cải thiện phù hợp cho từng trẻ nhỏ khác nhau.
Trẻ tăng động giảm chú ý có nguy hiểm không?
Trẻ bị tăng động giảm chú ý phải thường xuyên đối mặt với những khó khăn, cản trở trong cuộc sống. Một số trẻ không thể học tập, duy trì các hoạt động đời sống, các mối quan hệ xã hội lành mạnh do ảnh hưởng từ các triệu chứng tăng động, giảm chú ý kéo dài.
Cụ thể một số tác động thường gặp ở trẻ ADHD như:
- Trẻ thường không thể đảm bảo tốt khả năng học tập, khó khăn trong việc tiếp thu và vận dụng các kiến thức được truyền đạt.
- Kết quả học tập của trẻ thường yếu kém hơn so với các bạn cùng trang lứa, đều này khiến trẻ dễ đối mặt với những lời chê trách, phê bình, đánh giá tiêu cực từ thầy cô, gia đình.
- Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường có lòng tự trọng thấp.
- Do sự tăng động quá mức, trẻ nhỏ cũng có nhiều nguy cơ gặp phải các tai nạn ảnh hưởng đến sức khỏe, gây thương tích bởi không thể nhận thức rõ ràng về hệ lụy mà bản thân có thể gây ra.
- Trẻ thường gặp sự hạn chế trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ, khả năng giao tiếp kém.
- Trẻ bị ADHD nếu không được kiểm soát tốt cũng sẽ có nhiều nguy cơ lạm dụng các chất kích thích, chất gây nghiện độc hại hoặc thậm chí là thực hiện các hành vi phạm pháp như cướp giật, bạo lực,..
Bên cạnh đó, tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ nhỏ cũng có thể là nguyên nhân là gia tăng tỷ lệ mắc phải các vấn đề sức khỏe khác. Điển hình như:
- Rối loạn cư xử (Conduct disorder): Trẻ có xu hướng thực hiện các hành vi bốc đồng, chống đối xã hội, phạm pháp như hủy hoại tài sản người khác, hành hạ động vật, dùng bạo lực, trộm cướp, đe dọa, hành hung,…
- Rối loạn thách thức chống đối (ODD): Người bệnh sẽ dần hình thành tâm lý thù địch, thực hiện các hành vi thách thức, chống đối, đe dọa đến những người có thẩm quyền.
- Rối loạn lo âu: Được đặc trưng bởi trạng thái lo lắng, căng thẳng tột độ.
- Rối loạn phổ tự kỷ: Gây nên những cản trở về khả năng giao tiếp, tương tác cùng những hành vi lặp đi lặp lại không rõ mục đích, không thể kiểm soát.
Những ảnh hưởng và hệ lụy của tăng động giảm chú ý đối với trẻ em không hề nhỏ. Vì thế, ngay khi phát hiện các dấu hiệu cảnh báo bệnh, phụ huynh cần cho trẻ thăm khám, can thiệp trong giai đoạn sớm để giúp trẻ dần phục hồi chức năng.
Cách điều trị tăng động giảm chú ý cho trẻ
Hiện nay vẫn chưa có bất kỳ xét nghiệm cụ thể nào đối với quá trình chẩn đoán ADHD ở trẻ nhỏ. Do đó, các bác sĩ chuyên khoa thường sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe tổng quát, hỏi về tình trạng bệnh, các triệu chứng đặc trưng, tiền sử bệnh lý hoặc sử dụng bộ câu hỏi đánh giá.
Việc chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ thường sẽ dựa vào tiêu chuẩn của Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần (DSM-5). Quá trình chẩn đoán cũng cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao để đảm bảo độ chuẩn xác của kết quả.
Hiện nay, có rất nhiều các phương pháp được áp dụng để cải thiện tình trạng trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ cân nhắc kết hợp các biện pháp khác nhau để giúp trẻ nhỏ dần phục hồi được sức khỏe, giảm bớt các triệu chứng ảnh hưởng.
Dưới đây là một số biện pháp giúp khắc phục, kiểm soát ADHD hiệu quả cho trẻ như:
1. Liệu pháp tâm lý
Trong hầu hết các trường hợp bị rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ nhỏ thì liệu pháp tâm lý đều đóng vai trò then chốt và được áp dụng xuyên suốt trong hành trình cải thiện cho trẻ nhỏ. Trẻ cần được hỗ trợ thay đổi và điều chỉnh tốt về hành vi, đồng thời biết cách cân bằng, kiểm soát cảm xúc, tâm lý cá nhân để tránh gây ra những biểu hiện bất thường, tiêu cực.
Các liệu pháp tâm lý được áp dụng cho trẻ nhằm mục đích giúp trẻ giảm bớt sự căng thẳng, lo lắng và rèn luyện tính kỷ luật, kiên trì. Trẻ sẽ được rèn luyện tốt về khả năng ứng xử, phản ứng với các yếu tó tác động từ bên ngoài, xây dựng lối sống có tổ chức, hạn chế những hành vi dư thừa năng lượng do ADHD gây ra.
2. Liệu pháp gia đình
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với quá trình can thiệp của trẻ tăng động giảm chú ý. Dù ở mức độ nặng hay nhẹ thì sự giáo dục, quan tâm, chăm sóc của ba mẹ, người thân cũng luôn cần thiết đối với trẻ nhỏ.
Liệu pháp gia đình sẽ giúp cho các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh của trẻ nhỏ, từ đó được tham vấn về các biện pháp can thiệp, hỗ trợ tại nhà để giúp trẻ có thêm nhiều cơ hội để phục hồi. Để tình trạng bệnh được khắc phục tốt nhất, các bậc phụ huynh cũng nên tham gia vào các hoạt động trị liệu cho trẻ, đồng thời kết hợp với chuyên gia để có cách đối phó, hỗ trợ trẻ hiệu quả.
Ba mẹ cần dành cho trẻ sự quan tâm đúng mực, thường xuyên động viên, kích lệ và trò chuyện để gắn kết với trẻ tốt hơn. Đồng thời, nên tạo cho trẻ nhiều cơ hội để được tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, gia tăng giao tiếp để từng bước phát triển kỹ năng, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh.
3. Sử dụng thuốc
Đối với các trường hợp trẻ bị tăng động giảm chú ở mức độ nặng, các biểu hiện trở nên nghiêm trọng và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống thì sẽ được kiểm soát bằng một số loại thuốc phù hợp. Việc dùng thuốc sẽ giúp trẻ nhỏ dần thuyên giảm các triệu chứng nguy hiểm, ngăn chặn những biến chứng tồi tệ mà ADHD có thể gây ra.
Cụ thể một số loại thuốc có thể được chỉ định dùng như:
- Thuốc nhóm hướng thần: Dextroamphetamine và Methylphenidate
- Atomoxetine hoặc Guafacine
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng và nhóm ức chế chọn lọc tái hấp thu Serotonin
- Clonidine, đồng vận α-Adrenergic
Tuy nhiên, những loại thuốc này có khả năng gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn, đặc biệt là trong thời gian đầu sử dụng. Do đó, bác sĩ thường kê đơn với liều lượng thấp, sau đó mới tăng dần để cơ thể bệnh nhân đáp ứng tốt hơn. Nếu trong thời gian sử dụng có xuất hiện các triệu chứng khác lạ thì nên thông báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ xử lý, khắc phục kịp thời.
Trẻ bị tăng động giảm chú ý cần được phát hiện và can thiệp sớm để phòng tránh các ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, đời sống của trẻ. Hy vọng qua thông tin của bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về ADHD và có cách khắc phục hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!