Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì: Hội chứng tâm lý dễ mắc phải

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì thường bị nhầm lẫn với tâm lý nổi loạn, chống đối ở “tuổi ẩm ương”. Tỷ lệ mắc bệnh đang không ngừng gia tăng nhưng hiểu biết của các bậc cha mẹ về tình trạng này vẫn còn hạn chế. Hậu quả là phần lớn trẻ không được thăm khám kịp thời, sức khỏe và chất lượng cuộc sống phải đối mặt với những ảnh hưởng nghiêm trọng.

Rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì là gì?

Rối loạn cảm xúc là rối loạn tâm thần mà khí sắc (cảm xúc) lên xuống thất thường, tăng cao hoặc giảm thấp quá ngưỡng. Thông thường, cảm xúc sẽ thay đổi biên độ tùy vào tác động bên ngoài. Khi cảm thấy hạnh phúc, hào hứng, cảm xúc sẽ tăng cao và ngược lại cảm giác sẽ giảm thấp khi thất vọng, đau khổ.

Biên độ cảm xúc lên xuống là hiện tượng vô cùng bình thường. Tuy nhiên ở những người bị rối loạn cảm xúc, khí sắc có xu hướng tăng hoặc giảm thấp quá ngưỡng cho phép. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến cả nhận thức (tư duy) và hành vi.

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì
Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì có xu hướng gia tăng trong những năm trở lại đây

Rối loạn cảm xúc có hai dạng là trầm cảm và rối loạn cảm xúc lưỡng cực (bao gồm các giai đoạn trầm cảm – hưng cảm xen kẽ). Bên cạnh đó, còn có các dạng rối loạn cảm xúc khác không đủ tiêu chuẩn để đưa ra chẩn đoán chính thức.

Rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì là tình trạng thay đổi cảm xúc thất thường, khí sắc có thể tăng cao quá mức hoặc giảm thấp dưới ngưỡng. Bất thường về cảm xúc sẽ kéo theo những thay đổi về suy nghĩ, hành vi và một loạt các triệu chứng thể chất.

Trên thực tế, rối loạn cảm xúc gặp ở bất cứ đối tượng nào nhưng phổ biến hơn ở những giai đoạn đặc biệt như dậy thì, mang thai, sau khi sinh và tiền mãn kinh. Tương tự như các vấn đề tâm lý khác, tuổi khởi phát càng sớm thì tiên lượng càng xấu.

Lý do khách quan là vì trẻ ở tuổi dậy thì chưa có kỹ năng, kinh nghiệm sống, nhân cách chưa hoàn thiện và ngưỡng chịu đựng stress kém hơn rất nhiều so với người trưởng thành. Vì vậy, quá trình điều trị rối loạn cảm xúc rất cần đến sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường bên cạnh các can thiệp chính.

Nhận biết rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì

Tương tự như những đối tượng khác, rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì cũng đặc trưng bởi khí sắc không ổn định, có khi u uất, đau khổ có khi lại hào hứng quá mức. Tuy nhiên, tâm lý chung ở độ tuổi này có phần nổi loạn, chống đối nên các biểu hiện bệnh có thể bị che lấp, gây nhầm lẫn với tâm lý nổi loạn.

Cảm xúc không ổn định

Khí sắc không ổn định là biểu hiện đặc trưng của rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì. Trẻ có thể vui buồn thất thường, có khi rất vui vẻ, hào hứng nhưng cũng có khi trở nên buồn bã, khép mình.

Thực tế, thay đổi tâm trạng là đặc điểm tâm lý chung trong giai đoạn dậy thì. Nhưng nếu do rối loạn cảm xúc, tình trạng này xảy ra thường xuyên với mức độ sâu sắc hơn. Nếu chú ý, bố mẹ có thể nhận ra sự “không ổn định” trong cảm xúc và tâm lý của trẻ.

U uất, buồn bã

Rối loạn cảm xúc khiến trẻ bị giảm cảm xúc. Trẻ trở nên buồn bã, u uất, khuôn mặt biểu lộ rõ sự đau khổ và chán chường. Bố mẹ có thể cảm nhận thấy sự đau khổ, buồn bã của con trẻ qua dáng đi và các hoạt động thường ngày. Một số trẻ có thể khóc lóc vô cớ, không rõ lý do.

Cáu bẳn, nóng nảy

Trái ngược với giai đoạn cảm xúc giảm thấp là hưng cảm – cảm giác nâng cao. Giai đoạn này đặc trưng bởi sự nhiệt tình, hào hứng và vui vẻ quá mức, thậm chí có phần thái quá. Tuy nhiên, các biểu hiện này chỉ xuất hiện trong vài ngày sau đó tăng cao dẫn đến nóng nảy, cáu bẳn, dễ tức giận.

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì
Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì đặc trưng bởi tình trạng nóng nảy, cáu bẳn, thiếu kiếm chề và dễ tức giận

So với người trưởng thành, trẻ ở tuổi dậy thì có xu hướng cáu bẳn nhiều hơn do ảnh hưởng của hormone và những thay đổi đột ngột trong tâm sinh lý. Bất cứ cản trở nào trong cuộc sống cũng đều khiến trẻ khó chịu. Thậm chí trẻ trở nên khó chịu, gắt gỏng khi bố mẹ quan tâm.

Hành vi kích động, chống đối

Nếu như rối loạn cảm xúc ở người trưởng thành nổi trội bởi cảm xúc buồn bã, đau khổ, u uất và khí sắc không ổn định thì ở giai đoạn dậy thì, biểu hiện nổi trội là cáu bẳn, nóng nảy và đôi khi có hành vi chống đối.

Những thay đổi về tâm sinh lý khiến trẻ dậy thì nhạy cảm hơn so với bình thường. Cộng hưởng với những thay đổi do rối loạn cảm xúc làm gia tăng các hành vi kích động và chống đối như cãi lời bố mẹ, thầy cô, trốn học, tụ tập bạn bè thực hiện các hành vi gây mất trật tự xã hội…

Mất tập trung, giảm trí nhớ

Ngoài những thay đổi về cảm xúc, rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì cũng ảnh hưởng đến vấn đề trí nhớ và khả năng tập trung. Trẻ gần như không thể tập trung khi học tập, tiếp thu kém, học trước quên sau.

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì
Trẻ dậy thì bị rối loạn cảm xúc sẽ gặp khó khăn khi học tập do mất khả năng tập trung và giảm trí nhớ

Giáo viên thường xuyên phàn nàn về việc trẻ không có thiện chí khi học tập, kết quả giảm sút. Ngoài ra, một số trẻ có thể chủ động chia sẻ với bố mẹ về việc trí nhớ giảm đi rõ rệt và không thể tập trung trong quá trình học tập.

Hoạt động chậm chạp hoặc tăng vận động

Như đã đề cập, rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì không chỉ ảnh hưởng đến khí sắc mà còn gây ra những thay đổi về nhận thức (suy nghĩ) và hành vi. Trẻ có thể bị ức chế vận động với sự chậm chạp trong các hoạt động như đi lại chậm, cử động tay chân, cơ thể thiếu sức sống, ủ rũ…

Một số trường hợp có biểu hiện tăng vận động như bồn chồn, đi đi lại lại không yên hoặc năng động quá mức, giỡn hớt làm ổn gây phiền hà cho những người xung quanh. Những thay đổi này đều gợi ý các bất thường về tâm lý mà cha mẹ không nên bỏ qua.

Suy nghĩ bi quan, tiêu cực

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì còn khiến trẻ hình thành suy nghĩ tiêu cực, bi quan về mọi thứ trong cuộc sống. Trẻ có thể bộc lộ sự bi quan thông qua các cuộc giao tiếp thường ngày. Nếu chú ý đến con trẻ, chắc chắn cha mẹ sẽ phát hiện con gần như không còn cảm xúc tích cực nào, u uất, nhìn về tương lai với cái nhìn bi quan và tiêu cực.

Không có động lực

Rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì khiến trẻ mất động lực trong học tập và cuộc sống. Trẻ cảm thấy chới với, không có điểm tựa. Vì không có động lực, thay vì nỗ lực vượt qua giai đoạn này, đa phần trẻ đều lựa chọn buông xuôi, chìm đắm trong những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực.

Các triệu chứng thể chất đi kèm

Bên cạnh những triệu chứng điển hình, rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì còn gây ra các triệu chứng thể chất đi kèm như:

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì
Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì không chỉ gây xáo trộn về mặt tâm lý mà còn đi kèm với đau đầu, giảm năng lượng, uể oải, chán ăn
  • Đau đầu
  • Mất ngủ, khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Thay đổi thói quen ăn uống (ăn ít, ăn không ngon hoặc ăn uống quá mức dẫn đến tăng cân không kiểm soát)
  • Nhức mỏi, giảm năng lượng
  • Khó chịu ở dạ dày, đường ruột
  • Rối loạn kinh nguyệt

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì cản trở đáng kể đến quá trình phát triển của trẻ ở cả khía cạnh thể chất và tinh thần. Dậy thì là giai đoạn quan trọng, không chỉ đánh dấu sự hoàn thiện về sinh lý mà còn là giai đoạn chuyển giao giúp trẻ hình thành nhân cách. Vì vậy, bố mẹ cần phải chú ý những thay đổi của con trẻ để phát hiện sớm các vấn đề bất thường.

Nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì

Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì. Tương tự như người trưởng thành, rối loạn cảm xúc trong giai đoạn này cũng bắt nguồn từ các yếu tố sinh học, di truyền và môi trường.

Nếu như ở người lớn, di truyền và những thay đổi bên trong não bộ là nguyên nhân chính thì ở giai đoạn dậy thì, yếu tố môi trường được cho là có vai trò nổi trội hơn. Vì chưa hoàn thiện về nhân cách và thiếu kỹ năng nên ngưỡng chịu đựng stress của trẻ khá kém. Tổn thương tâm lý không được chữa lành sẽ phát triển thành rối loạn cảm xúc và nhiều vấn đề tâm lý khác.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì:

Thay đổi tâm sinh lý

Dậy thì là giai đoạn cả tâm lý và sinh lý có những thay đổi đáng kể. Trước những thay đổi có phần đột ngột, trẻ có thể không thể thích ứng. Nhiều trẻ trở nên nhạy cảm với sự phát triển của cơ quan sinh dục, ngực, râu…

Bên cạnh đó, sự gia tăng đột ngột của các hormone cũng khiến cho tâm lý của trẻ nhạy cảm hơn so với giai đoạn trước. Bất kể tác động nào trong cuộc sống cũng đều khiến trẻ khó chịu, căng thẳng, lo âu, buồn bã… Cảm xúc thay đổi nhanh chóng và được bộc lộ một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì
Những thay đổi đột ngột về tâm sinh lý khiến trẻ nhạy cảm và dễ bị rối loạn cảm xúc

Tương tự như các cơ quan khác, não bộ cũng cần thích nghi khi hormone thay đổi. Những hormone này không chỉ tham gia vào quá trình hoàn thiện cơ quan sinh dục và phát triển cơ thể mà còn ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan bên trong não bộ. Chi phối trực tiếp đến các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine, norepinephrine…

Những thay đổi ở cả tâm lý và sinh lý là điều kiện cho các vấn đề tâm lý phát triển trong giai đoạn dậy thì. Ngoài rối loạn cảm xúc, trẻ ở trong giai đoạn này còn phải đối mặt với các vấn đề như rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, hội chứng Self-Harm, rối loạn ăn uống…

Áp lực trong cuộc sống

Cuộc sống không thuận lợi chính là điều kiện để phát triển rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì. Trong giai đoạn này, tâm lý vô cùng nhạy cảm nên dù cường độ stress nhẹ hay nặng đều có thể gây ra những xáo trộn về cảm xúc.

Những áp lực sau có thể gây ra căng thẳng, rối loạn cảm xúc ở trẻ trong độ tuổi dậy thì:

  • Áp lực học tập, điểm số không được như mong đợi, bố mẹ và thầy cô kỳ vọng quá mức
  • Gia đình không hạnh phúc, bố mẹ thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn hoặc ly hôn, điều kiện gia đình khó khăn, tài chính bấp bênh…
  • Mâu thuẫn với bố mẹ, thầy cô, khó chia sẻ và không có điểm tựa khi gặp khó khăn
  • Có các vấn đề với bạn bè như không hòa hợp, bị bắt nạt, tẩy chay, bị nói xấu, miệt thị, cạnh tranh không lành mạnh trong học tập…
  • Ở tuổi dậy thì, trẻ đã bắt đầu có cảm xúc xao xuyến với người khác. Tình yêu không được hồi đáp, bị từ chối, phản bội… đôi khi cũng là nguyên nhân gây ra những xáo trộn, bất ổn về tâm lý.
  • Có khiếm khuyết về ngoại hình như tóc quá mỏng, xoăn, mụn trứng cá, cơ thể thừa cân… khiến trẻ áp lực và tự ti khi đến trường.
  • Thường xuyên bị phê bình vì tác phong, kết quả học tập…

Sang chấn tâm lý

Rối loạn cảm xúc thường phát triển do căng thẳng kéo dài và liên tục. Hoặc cũng có thể là kết quả do sang chấn mạnh như bố mẹ ly hôn, mất người thân, gia đình phá sản, bị lạm dụng, cưỡng bức…

Rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì
Rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì có thể phát triển sau khi trải qua các sự kiện sang chấn mạnh như bố mẹ ly hôn, gia đình ly tán…

Khi đối mặt với các sự kiện này, bản thân các em gần như không thể tự điều chỉnh. Nếu không nhận được sự hỗ trợ kịp thời, nhiều khả năng trẻ sẽ phát triển các vấn đề tâm lý như trầm cảm tuổi dậy thì, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc… Sau những sự kiện sang chấn, trẻ có thể trở nên u uất, tách mình nhưng cũng có khi trở nên ngỗ nghịch, quậy phá.

Gen di truyền

Đa phần các rối loạn tâm thần đều có vai trò của gen di truyền. Nguy cơ bị rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì tăng cao khi bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc rối loạn này. Các chuyên gia chưa tìm ra gen gây bệnh nhưng nhận thấy nguy cơ tăng lên 2 – 5 lần khi gia đình có tiền sử mắc bệnh.

Các yếu tố thuận lợi

Rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì còn liên quan đến những yếu tố sau:

Thiếu kỹ năng sống

Nếu ở độ tuổi tiểu học, trẻ được gia đình và giáo viên hỗ trợ gần như mọi thứ thì khi bước vào giai đoạn dậy thì, trẻ sẽ phải chủ động hơn trong cuộc sống lẫn học tập. Môi trường lúc này cũng phức tạp hơn với các vấn đề với bạn bè, mâu thuẫn với bố mẹ, thầy cô, tiền tiêu vặt, các vấn đề tình cảm…

Với người lớn, những vấn đề này không đáng kể nhưng trẻ trong độ tuổi dậy thì sẽ rất chật vật để có thể giải quyết thỏa đáng các tình huống kể trên. Đặc biệt, những trẻ thiếu kỹ năng sống, không có khả năng xử lý tình huống, vụng về trong cách giao tiếp và thiếu nhạy bén dễ dính vào những rắc rối trong môi trường học đường.

Dù không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng thiếu kỹ năng sống làm gia tăng các yếu tố gây stress. Trẻ sẽ phải đối mặt với căng thẳng trong thời gian dài, đây chính là điều kiện để phát triển rối loạn cảm xúc và nhiều vấn đề tâm lý khác.

Đặc điểm tính cách

Những trẻ có tính cách yếu đuối, nhạy cảm, thiếu kiềm chế, thích được nuông chiều… có nguy cơ phát triển các rối loạn tâm lý, tâm thần cao hơn bình thường – bao gồm cả rối loạn cảm xúc.

Gia đình thiếu sự quan tâm

Trong suốt hành trình trưởng thành, trẻ rất cần sự hỗ trợ của gia đình. Ở giai đoạn dậy thì, trẻ sẽ không khỏi lo lắng, băn khoăn trước những thay đổi của cơ thể và bắt đầu phải đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống.

Thiếu đi sự quan tâm của bố mẹ, hành trình trưởng thành của trẻ sẽ không tránh khỏi khó khăn và việc đối mặt với các vấn đề tâm lý cũng dễ xảy ra.

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì và hệ lụy với sức khỏe, cuộc sống

Tuổi dậy thì là cột mốc vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển. Những tác động trong giai đoạn này đã được chứng minh ảnh hưởng nhiều đến nhân cách và tư duy của trẻ sau này.

Rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì
Rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì khiến quá trình học tập bị cản trở, sức khỏe và chất lượng cuộc sống đều bị ảnh hưởng

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra những hệ lụy sau:

  • Thành tích học tập đi xuống, khả năng tiếp thu giảm, một số trẻ gần như không thể tiếp tục học tập
  • Gia tăng các hành vi tiêu cực như đánh nhau với bạn bè, tụ tập, thực hiện các hành vi chống phá gây mất trật tự…
  • Gia tăng nguy cơ hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng chất gây nghiện
  • Sức khỏe thể chất suy giảm do ăn uống kém, mất ngủ
  • Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì không được điều trị có thể dẫn đến ý nghĩ và hành vi tự sát

Ngoài những ảnh hưởng kể trên, rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì còn gây ra những hệ lụy lâu dài. Các chuyên gia nhận thấy, rối loạn cảm xúc trong giai đoạn này gây méo mó và hình thành những dạng nhân cách không lành mạnh như rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn nhân cách phụ thuộc…

Rối loạn cảm xúc gây giảm trí nhớ và khả năng tập trung khiến cho quá trình học tập bị cản trở. Nếu không được can thiệp kịp thời, trẻ có thể bỏ học hoàn toàn và đánh mất tương lai.

Điều trị rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì

Ngay khi nhận thấy con trẻ có các biểu hiện bất thường, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Sau khi hỏi bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm cận lâm sàng, làm trắc nghiệm tâm lý chuyên sâu để đưa ra chẩn đoán.

Điều trị rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì bao gồm sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu. Bên cạnh đó, sự nâng đỡ, hỗ trợ tích cực từ gia đình cũng có vai trò quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe tinh thần.

Sử dụng thuốc

Nếu như chỉ định thuốc cho trẻ em vô cùng hạn chế thì ở trẻ ở tuổi dậy thì có thể sử dụng một số loại thuốc hướng thần. Trường hợp rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì sẽ được ưu tiên dùng các nhóm thuốc an toàn, ít tác dụng phụ.

Tuy nhiên, nguy cơ gặp phải tác dụng ngoại ý vẫn cao hơn so với người trưởng thành. Vì vậy, gia đình cần phải chú ý biểu hiện và những thay đổi về tâm lý của trẻ trong suốt thời gian điều trị.

Rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì
Thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần… có thể được sử dụng trong điều trị rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) bao gồm Citalopram, Fluoxetine, Sertraline, Escitalopram…
  • Thuốc chống trầm cảm không điển hình Bupropion
  • Thuốc chống loạn thần (Risperidone, Quetiapine, Aripiprazole, Olanzapine…)
  • Thuốc điều chỉnh khí sắc (Lithium)

Các loại thuốc này có thể dùng cho trẻ từ 6 – 7 tuổi trở lên nên khá an toàn khi điều trị rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì. Dù vậy, các bác sĩ vẫn sẽ đánh giá kỹ lưỡng giữa lợi ích và rủi ro trước khi chỉ định.

Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là lựa chọn được ưu tiên hơn so với liệu pháp hóa dược bởi độ an toàn cao, không can thiệp cơ thể và không tác dụng phụ. Phương pháp này được thực hiện bởi chuyên viên tâm lý với mục đích giúp trẻ điều chỉnh cảm xúc, thay đổi các hành vi và suy nghĩ chưa phù hợp.

Trong trị liệu tâm lý, chuyên viên có thể thấu hiểu cảm xúc và dự đoán được phản ứng của trẻ. Nhờ vậy, quá trình giao tiếp mang lại hiệu quả cao, giúp trẻ có lòng tin và thoải mái chia sẻ với chuyên viên những khúc mắc, vấn đề đang gặp phải.

điều trị rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì
Tâm lý trị liệu giúp trẻ vượt qua sự xáo trộn về tâm lý, lấy lại tinh thần lạc quan và có thêm động lực trong cuộc sống

Sau khi đánh giá tâm lý, chuyên viên sẽ lựa chọn phương pháp tâm lý trị liệu phù hợp để giúp trẻ học cách đối phó với stress, điều chỉnh cảm xúc tiêu cực, xây dựng tinh thần sống lạc quan và tích cực.

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì chủ yếu do áp lực và các sự kiện sang chấn mạnh. Vì vậy, nếu chỉ dùng thuốc sẽ khó có thể phục hồi sức khỏe tinh thần một cách toàn diện. Những trường hợp rối loạn cảm xúc nhẹ sẽ được điều trị hoàn toàn bằng tâm lý trị liệu để hạn chế tác dụng phụ của thuốc.

Sự hỗ trợ của gia đình

Trong giai đoạn này, trẻ cần đến sự hỗ trợ của gia đình hơn bất cứ lúc nào. Thực tế, rất nhiều phụ huynh không có hiểu biết về sức khỏe tâm thần, xem nhẹ áp lực và vấn đề mà con trẻ phải đối mặt. Thay vì thể hiện sự đồng cảm và chia sẻ, không ít bậc cha mẹ có phản ứng không phù hợp khi biết con bị rối loạn cảm xúc.

Rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì
Gia đình cần hỗ trợ trẻ trong suốt quá trình điều trị để nâng đỡ tinh thần và phục hồi sức khỏe một cách toàn diện

Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ sẽ tư vấn, nâng cao kiến thức cho các bậc phụ huynh. Nếu cần thiết, gia đình cần tham gia tư vấn tâm lý để thấu hiểu sâu sắc vấn đề con trẻ đang gặp phải, từ đó có cách hành xử, quan tâm phù hợp hơn.

Khi có gia đình làm điểm tựa, trẻ sẽ vững tin hơn vào bản thân, tích cực điều trị và được tiếp thêm động lực trong cuộc sống. Bố mẹ nên chia sẻ, quan tâm con trong giai đoạn đặc biệt này. Hãy để trẻ biết rằng, cuộc sống không tránh khỏi những chông gai, khó khăn nhưng con sẽ luôn có gia đình bên cạnh đồng hành.

Các biện pháp chăm sóc

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc, nhận thức mà còn gây ra nhiều triệu chứng thể chất. Dậy thì là giai đoạn phát triển mạnh mẽ về chiều cao, hoàn thiện cơ quan sinh dục và vóc dáng. Vì vậy, bên cạnh việc phục hồi sức khỏe tinh thần, gia đình cũng cần chú ý chăm sóc và nâng đỡ thể trạng cho trẻ.

Rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì
Nên lên kế hoạch ăn uống hợp lý, cân bằng để đảm bảo trẻ phát triển thuận lợi

Các biện pháp chăm sóc cho trẻ bị rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì:

  • Lên thực đơn ăn uống khoa học phù hợp với độ tuổi và nhu cầu của trẻ. Ưu tiên các nhóm thực phẩm tốt cho sự phát triển thể chất, chiều cao như hải sản, thịt gà, đậu, rau xanh, trái cây, các loại hạt…
  • Một số loại thuốc điều trị rối loạn cảm xúc có thể khiến trẻ bị thừa cân – béo phì. Vì vậy, bố mẹ nên hạn chế đường, chất béo và tinh bột chuyển hóa nhanh vào chế độ ăn của trẻ.
  • Khuyến khích trẻ tập thể dục thường xuyên, có thể tập cùng để giúp trẻ có động lực.
  • Đảm bảo trẻ ngủ trước 11 giờ và ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày. Nếu trẻ thường xuyên khó ngủ, mất ngủ, nên thực hiện các biện pháp vệ sinh giấc ngủ.
  • Hướng dẫn trẻ một số biện pháp thư giãn như thở bụng, ngồi thiền, chăm sóc cây cối, thú cưng, viết nhật ký…
  • Tổ chức các buổi đi chơi ngoài trời để thúc đẩy phát triển thể chất và giúp trẻ hình thành mối liên kết với mọi người. Tránh trường hợp trẻ tự cô lập, nhốt mình trong phòng.

Phòng ngừa rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì

Dậy thì là giai đoạn vô cùng nhạy cảm với những thay đổi đột ngột cả về môi trường, tâm lý và sinh lý. Những năm gần đây, tỷ lệ mắc các vấn đề tâm lý ở giai đoạn này tăng lên đáng kể. Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe thể chất cho trẻ, bố mẹ có thể phòng ngừa rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì thông qua những biện pháp sau:

Rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì
Giáo dục, quan tâm đúng cách là “chìa khóa” giúp trẻ có một tinh thần tốt và ổn định trong giai đoạn dậy thì
  • Giáo dục con về những thay đổi trong giai đoạn dậy thì để tránh tâm lý bỡ ngỡ, lo âu. Hướng dẫn trẻ cách vệ sinh cá nhân, chuẩn bị những đồ dùng cần thiết, giữ tác phong gọn gàng…
  • Thường xuyên chia sẻ, trò chuyện với con, hỗ trợ khi trẻ gặp phải khó khăn và vấn đề trong cuộc sống.
  • Thay đổi cách giáo dục phù hợp với lứa tuổi. Ở trẻ dậy thì, cách giáo dục có phần áp đặt, nghiêm khắc quá mức sẽ gây tác dụng ngược. Thay vào đó, bố mẹ nên mềm mỏng, linh hoạt đồng thời cho trẻ thấy được gia đình luôn là điểm tựa và sẽ đồng hành cùng con trong suốt quá trình trưởng thành.
  • Sát sao việc học, các vấn đề ở trường để có phương án xử lý kịp thời. Nếu trẻ bị bắt nạt, tẩy chay… gia đình cần liên hệ với giáo viên để được giải quyết kịp thời. Trường hợp cần thiết, có thể cho trẻ chuyển trường để đảm bảo môi trường học tập lành mạnh.
  • Không kỳ vọng quá mức về điểm số, thành tích. Chỉ nên khuyến khích trẻ học tập, phát huy khả năng và thế mạnh của bản thân.

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì ngày càng trở nên phổ biến. Ngoài những nguyên nhân khách quan, chính cách giáo dục không phù hợp, thái độ thiếu quan tâm, thờ ơ của gia đình và nhà trường là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ mắc bệnh gia tăng không ngừng. Phụ huynh cần trang bị kiến thức để giúp trẻ có một tinh thần ổn định trong giai đoạn nhạy cảm và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trầm cảm ở phụ nữ
Trầm cảm ở phụ nữ: Dấu hiệu nhận biết và biện pháp điều trị hiệu quả

Trầm cảm là một trong những chứng rối loạn tâm thần dù nam hay đều có khả năng mắc phải. Tuy nhiên, theo nghiên cứu...

chữa trầm cảm tại nhà
9 Cách Chữa Trầm Cảm Tại Nhà hiệu quả, không cần dùng thuốc

Trầm cảm có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, và ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau. Vì thế không phải...

nỗi sợ bị chỉ trích
Nỗi sợ bị chỉ trích: Nguyên nhân, Tác hại và Cách vượt qua

Nỗi sợ bị chỉ trích có thể khiến con người trở nên nhút nhát, mất tự tin, giảm chất lượng học tập và công việc...

Chứng cuồng loạn Hysteria là gì? Bạn biết gì về hội chứng này?

Chứng cuồng loạn Hysteria thường khởi phát ở những người có nhân cách yếu, trẻ em được nuông chiều, bảo bọc quá mức. Hội chứng...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh