Stress ở sinh viên: Biểu hiện và cách phòng ngừa hiệu quả

Vấn đề stress ở sinh viên là tình trạng thường thấy không chỉ trong mùa thi cử, mà còn cả trong cuộc sống hàng ngày do các bạn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và áp lực. Tỷ lệ các bạn sinh viên bị stress, căng thẳng lâu ngày dẫn đến trầm cảm và tự tử đang ngày càng tăng cao. Do đó việc giúp các bạn sinh viên giải tỏa áp lực, suy nghĩ tích cực, và phòng ngừa những ảnh hưởng xấu của stress lên tinh thần và cuộc sống là vô cùng quan trọng.

Thực trạng stress ở sinh viên hiện nay

Stress, hay căng thẳng, là một phần tất yếu của cuộc sống, là điều chúng ta cần phải đối mặt hàng ngày. Tuy nhiên mức độ stress và khả năng chịu đựng của mỗi người là khác nhau. Một số người chỉ đối mặt với những cơn stress cấp tính, và đủ sức vượt qua những ảnh hưởng mà stress mang đến. Một số khác thì phải chịu ảnh hưởng của stress mãn tính khiến họ luôn trong tình trạng căng thẳng kéo dài.

stress ở sinh viên
Căng thẳng ở sinh viên là tình trạng phổ biến, nhưng kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng nếu không có cách cái thiện kịp thời.

Hầu hết những người trong chúng ta đều phải đối mặt với stress ít nhất một lần trong đời, và các bạn sinh viên cũng không ngoại lệ. Stress ở sinh viên có nhiều mức độ, và xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, tùy vào tình hình học tập, tình trạng kinh tế, hay các mối quan hệ xã hội của từng người. Cách các bạn đối mặt và phản ứng với sự căng thẳng cũng có nhiều khác biệt, dẫn đến việc có những bạn có thể vượt qua cơn stress, trong khi những bạn khác thì không.

Stress ở sinh viên có thế xảy ra ở mọi giai đoạn, dù là sinh viên năm nhất hay sinh viên năm cuối chuẩn bị ra trường. Năm đầu vào đại học là giai đoạn chuyển giao giữa học sinh phổ thông và sinh viên đại học. Các bạn học sinh lúc này đã vượt qua năm lớp 12 căng thẳng, và kỳ thi tốt nghiệp quan trọng để giành lấy một vị trí trong giảng đường đại học. Sự chuyển giao này có ý nghĩa vô cùng to lớn, chứng tỏ bạn đã bắt đầu trưởng thành, và đủ khả năng chịu trách nhiệm với cuộc đời của chính mình.

Phong cách giảng dạy và học tập ở trường đại học rất khác biệt so với phổ thông, do đó nhiều bạn không tránh khỏi việc bị sốc và căng thẳng trong giai đoạn đầu làm quen. Nếu khi học phổ thông, bạn được thầy cô hướng dẫn từng chút, từng chút những kiến thức cần thiết thì khi lên đại học, bạn gần như phải tự “bơi” trong kho kiến thức vô tận. Giảng viên chỉ hướng dẫn những điều cơ bản và quan trọng, còn việc đào sâu và hiểu thêm về bài học đòi hỏi các bạn phải tự mày mò trong tài liệu.

Sự chuyển biến đột ngột này làm nhiều bạn chới với và mất phương hướng, do đó không khó để nhận ra đại học và sự căng thẳng luôn gắn liền với nhau. Không ít những trường hợp các bạn trẻ phải tìm đến tư vấn tâm lý vì stress nặng ở trường đại học và có dấu hiệu trầm cảm, do có quá nhiều khó khăn bủa vây từ việc học tập, tình hình kinh tế, hoạt động cộng đồng, các mối quan hệ xã hội, đến việc tự lập, tự chăm sóc bản thân do sống xa nhà, và khó khăn trong việc cân bằng cuộc sống.

Stress ở sinh viên cũng bắt nguồn từ việc các bạn có tâm lý thả lỏng, tập trung vào các mối quan hệ và hứng thú cá nhân, cũng như để bản thân tự do quá đà nhằm bù lại khoảng thời gian cấp 3 căng thẳng. Điều này có thể dẫn đến việc bạn không theo kịp tốc độ và phong cách học ở trường, không thể hiện được khả năng của bản thân. Việc buông thả bản thân khiến các bạn gặp ăn không đúng bữa, ngủ không đủ giấc và lười vận động. Từ đó khiến bản thân ngày càng căng thẳng hơn.

Stress ở sinh viên cuối cấp thường đến từ những kỳ thi quan trọng, chuẩn bị sẵn sàng cho việc ra trường hoặc học lên Thạc sỹ. Ngoài ra họ cũng phải lên kế hoạch cho công việc và những dự định về sau. Đặc biệt với những bạn gia đình không khá giả, luôn bị áp lực kinh tế đè nặng thì càng dễ bị stress hơn do có quá nhiều yếu tố bủa vây. Một chút căng thăng có thể thúc đẩy bản thân tiến bộ, nhưng căng thẳng quá đà lại ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống.

stress ở sinh viên
Tất cả các bạn sinh viên từ năm cuối đến năm nhất đều có thể bị stress do nhiều lý do khác nhau.

Căng thẳng mãn tính tác động đến cả trạng thái cảm xúc và tình trạng thể chất của một người. Stress kéo dài có thể thay đổi tính tình và hành vi của người bệnh, khiến họ khó kiềm chế cảm xúc và dễ trở nên cáu gắt hơn. Kéo theo đó là những phản ứng sinh lý như đau đầu, chóng mặt, đau nhức toàn thân, mệt mỏi, khó ngủ vào ban đêm, ngủ ngày, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, mất tập trung, suy giảm trí nhớ,…

Căng thẳng ở sinh viên làm ảnh hưởng đến kết quả học tập, vì các bạn dễ rơi vào tình trạng ngủ trên lớp, mất tập trung vào bài học, và không thể ghi nhớ kiến thức. Bạn càng cố gắng nhồi nhét kiến thức thì càng không nhớ gì, dẫn đến hiệu suất học tập giảm mạnh. Cộng thêm những vấn đề như mất ngủ, làm thêm quá sức, không ăn uống đầy đủ,… có thể gây những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc,…

Những biểu hiện stress ở sinh viên thường gặp

Stress được chia làm 2 dạng là stress cấp tính và stress mãn tính. Stress cấp tính là tình trạng căng thẳng ngắn hạn, chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định khi chúng ta gặp phải những áp lực hay khó khăn. Stress cấp tính có thể biến mất sau khi vấn đề đã được giải quyết, và không gây quá nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của các bạn sinh viên. Stress mãn tính thì khác, tình trạng stress mãn tính ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần và chất lượng cuộc sống.

Khả năng chịu đựng và phản ứng với stress ở mỗi người là không giống nhau, do đó dấu hiệu stress ở mỗi đối tượng cũng có nhiều khác biệt. Có bạn sẽ cảm thấy nhức đầu, đau bụng, chóng mặt và đau toàn thân. Trong khi những bạn khác bị rối loạn tiêu hóa, chán ăn, thường xuyên ngủ ngày, hoặc có một số biểu hiện bất thường khác. Các triệu chứng căng thẳng có thể nặng hay nhẹ tùy vào tình hình bệnh.

Tuy triệu chứng stress ở sinh viên là khác nhau ở từng đối tượng, nhưng chung quy chúng ta vẫn có một số biểu hiện tiêu biểu. Nếu thấy người thân, bạn bè hay chính bản thân bạn xuất hiện những dấu hiệu dưới đây, điều cần làm là đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Một số triệu chứng stress trùng với triệu chứng của một số bệnh rối loạn tâm thần khác. Do đó bạn cần đến gặp người có chuyên môn để được tư vấn.

  • Cảm thấy mệt mỏi, mất sức sống, không có động lực học tập trên lớp, chan nản đến mức không thể hoàn thành bài tập
  • Cảm thấy đau nhức các bộ phận trên cơ thể như đầu, vai, cổ, gáy, ngực, bụng, tay chân. Những cơn đau này có thể diễn ra dữ dội và kéo dài trong thời gian dài.
  • Đôi lúc cảm thấy đau ngực và khó thở.
  • Stress khiến bạn mất tập trung vào việc đang làm, giảm sự chú ý nên thường làm giảm tiến độ làm bài và trễ deadline. Ngoài ra bạn cũng dễ mắc sai lầm trong bài học và trong các kỳ thi do thường bị mắc những lỗi nhỏ nhặt.
  • Cảm giác buồn bã và tiêu cực bủa vây khiến bạn mệt mỏi, chán chường, không muốn tiếp tục việc học. Bạn cảm thấy bản thân vô dụng, tồi tệ, không có giá trị trên đời, cảm thấy cuộc sống trống rỗng và vô vị.
  • Rút lui khỏi những hoạt động hội nhóm, không còn hứng thú nói chuyện hay tham gia hoạt động cùng bạn bè, tách biệt bản thân ra khỏi xã hội.
  • Dễ bị kích động vì những vấn đề nhỏ nhặt và không đáng, khó kiểm soát cảm xúc và hành động khi cần thiết
  • Khó ngủ vào ban đêm, phải dùng thuốc ngủ để có giấc ngủ ngon.
  • Thường cảm thấy mệt mỏi, không có động lực vào sáng sớm sau khi ngủ dậy. Bạn sẽ ngủ nhiều hơn vào ban ngày vì cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, nhưng lại khó ngủ vào ban đêm.
stress ở sinh viên
Hiện tượng khó ngủ, mệt mỏi vào buổi sáng và ngủ ngày nhiều là dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang bị stress.
  • Rối loạn tiêu hóa khiến bạn chướng bụng, tiêu chảy, ăn không tiêu, nôn ói diễn ra thường xuyên với tần suất cao, khiến việc ăn uống và nghỉ ngơi của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
  • Không cảm thấy thư giãn, thoải mái và làm dịu tâm trạng dù đã thử nhiều cách. Bạn luôn nhìn mọi thứ dưới góc nhìn tiêu cực, và không có cách nào thoát ra được những suy nghĩ ấy.
  • Có xu hướng đỗ lỗi cho người khác, dễ giận dữ và cáu gắt vì những chuyện không đáng.
  • Sức đề kháng giảm mạnh làm bạn dễ cảm thấy ù tai, tay chân lạnh hơn bình thường, và dễ mắc các bệnh như sốt cao, cảm lạnh, viêm họng,…
  • Lo lắng thái quá về một vấn đề nào đó (điểm số, bài thi, quan hệ bạn bè, quan hệ xã hội, tiền nong,…).
  • Hành động nông nỗi, đưa ra kết luận vội vàng, hành động thiếu suy nghĩ khi bị kích động.
  • Khẩu vị thay đổi dẫn đến thói quen ăn uống thay đổi. Một số bạn có xu hướng ăn nhiều đồ ngọt, uống nhiều thức uống có gas và cà phê hơn bình thường.
  • Sử dụng rượu, ma túy hoặc các chất kích thích khác như một cách để trốn tránh hiện thực, giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên việc uống rượu và sử dụng chất cấm sẽ gây nghiện, và gây ra tình trạng sốc thuốc, ngộ độc rượu vô cùng nguy hiểm.

Ngoài những dấu hiệu trên, một số đối tượng bị stress có thể biểu hiện những đặc điểm khác. Những biểu hiện này nặng hay nhẹ còn tùy vào tình trạng bệnh. Một số người không nhận ra những bất ổn của bản thân mà chỉ nghĩ rằng đó là biểu hiện của mệt mỏi hoặc một chứng bệnh khác. Kết quả, những ảnh hưởng của stress ngày càng nặng nề và làm đảo lộn cuộc sống của người bệnh.

Stress ở sinh viên có thể gặp ở cả nam và nữ. Tuy nhiên những bạn nữ thường dễ dàng bày tỏ cảm xúc, cũng như những bất ổn của bản thân hơn những bạn nam. Những định kiến giới tính về nam giới cũng khiến các bạn nam sinh không muốn thể hiện sự yếu đuối và những bất ổn của bản thân với mọi người. Vì thế các bạn thường tìm đến bia rượu, chất kích thích, hay những trò chơi cảm giác mạnh, những thứ rất dễ gây ra những hậu quả không ngờ tới.

Nguyên nhân gây stress ở sinh viên

Stress hình thành từ những áp lực cuộc sống, áp lực học tập, từ sự lo lắng và nhạy cảm quá mức với mọi thứ xung quanh, từ áp lực kinh tế và vấn đề cơm áo gạo tiền. Stress ở sinh viên cũng có thể hình thành từ những trải nghiệm không tốt trong học tập và cuộc sống, từ suy nghĩ tiêu cực, hoặc một số vấn đề riêng tư khác. Nói chung, nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng rất đa dạng và phụ thuộc vào nhận thức của người bệnh

1. Áp lực học tập và thi cử

Áp lực học tập là nguyên nhân dễ thấy và phổ biến nhất gây căng thẳng cho các bạn sinh viên. Đối với những bạn năm nhất, sự thay đổi tư môi trường phổ thông lên môi trường đại học, cùng với cách giảng dạy và thi cử mới lạ khiến không ít bạn cảm thấy “ngộp” khi lần đầu tiên tiếp xúc. Trong một số trường hợp, ngành học mà các bạn đang theo không đúng với sở thích và năng lực của các bạn, mà là do phụ huynh chọn. Điều này còn khiến tình trạng stress của các bạn tồi tệ hơn.

stress ở sinh viên
Sinh viên khoa Y, Dược và các ngành nghề top đầu có tỷ lệ stress cao hơn so với các ngành khác do yêu cầu đặc thù của ngành học.

Một số ngành học đặc thù, ví dụ như Y và Dược, có số lượng kiến thức lớn và chuyên sâu đòi hỏi người học phải có khả năng tư duy và tiếp thu kiến thức tốt. Yêu cầu dành cho sinh viên cũng ở mức cao so với mặt bằng chung. Áp lực học tập và thi cử ở những ngành học này, hoặc ở những trường top đầu, những ngành mũi nhọn luôn nặng nề hơn rất nhiều so với một số ngành khác. Do đó sinh viên cũng dễ bị stress kéo dài khi phải ứng phó với quá nhiều kiến thức mới lạ và việc thi cử dồn dập.

Đối với những bạn giành được học bổng thì việc giữ được học bổng qua từng năm cũng không hề là việc dễ dàng. Bạn buộc phải cố gắng học tập để giành được điểm số cao, và còn phải cạnh tranh với bạn bè xung quanh vì học bổng có giới hạn. Áp lực đứng đầu và phải dạt điểm cao khiến nhiều bạn rơi vào tình trạng căng thẳng tột cùng trước những kỳ thi. Kết quả là không ít bạn bị stress kéo dài mà không thoát ra được.

2. Áp lực gia đình và bản thân

Sự kỳ vọng thái quá từ gia đình và xã hội cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng stress ở sinh viên. Cha mẹ ai cũng muốn con mình học giỏi và thành đạt để có cuộc sống hạnh phúc và ấm no về sau. Tuy nhiên, một số bậc phụ huynh lại biến kỳ vọng đó thành một thứ lý tưởng cực đoan và áp đặt lên cuộc đời con cái. Tiêu biểu cho hành động đó là việc buộc con thi vào trường/ngành mà cha mẹ chọn, mà không quan tâm đến khả năng của con.

Lý do phụ huynh làm vậy có rất nhiều, ví dụ như: hy vọng con hoàn thành tâm nguyện của bản thân, muốn nở mày nở mặt với hàng xóm và bạn bè, muốn con có nhiều tiền để chăm sóc mình lúc tuổi già, hoặc chỉ đơn giản là phụ huynh cho rằng đây là lựa chọn tốt nhất cho con. Nhưng dù với bất cứ lý do gì, sự kỳ vọng và áp lực cha mẹ dành cho con khiến các bạn học sinh cảm thấy chán chường, mệt mỏi, căng thẳng và không có động lực học tập.

Ngoài ra, sự đánh giá từ những người xung quanh, và nhu cần tìm kiếm việc làm sau khi ra trường cũng khiến các bạn sinh viên lo nghĩ ngày đêm. Áp lực phải có tấm bằng giỏi, phải tích lũy kiến thức từ khi còn trên ghế nhà trường để dễ tìm việc, hoặc học thêm nhiều tín chỉ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng từ những công ty lớn cũng là áp lực đè nặng trên vai những bạn sinh viên năm cuối khiến họ bị stress nghiêm trọng.

3. Áp lực tài chính

Tiền bạc là vấn đề mà những bạn sinh viên có gia cảnh không khá giả, hoặc học tập bằng tiền học bổng phải lo nghĩ. Ngoài việc đảm bảo kết quả học tập không sa sút, các bạn còn phải làm thêm để trang trải chi phí cho bản thân, giúp đỡ bố mẹ ở quê và nuôi em nhỏ. Vấn đề vừa làm vừa học có thể nhanh chóng bào mòn sức khỏe và tinh thần của các bạn, dẫn đến căng thẳng và ăn không ngon ngủ không yên.

stress ở sinh viên
Sinh viên phải đối mặt với rất nhiều khoản chi như sinh hoạt phí, học phí, tiền mua sách vở, tiền gửi về cho gia đình,….

Sự mất cân bằng giữa học tập và làm việc, cộng thêm việc nhiều bạn nhịn ăn nhịn mặc khiến cơ thể thiếu chất trầm trọng và giảm sức đề kháng là cơ hội tuyệt vời để stress tấn công. Tiết kiệm chi tiêu quá đáng, cố gắng làm kiếm tiền nhưng không yêu quý bản thân, không nghỉ ngơi để lấy lại sức khiến các bạn trượt dài trong sự mệt mỏi và bất lực. Có trường hợp các bạn sinh viên vì không chịu nổi áp lực đã nghĩ đến chuyện tự tử.

4. Môi trường sống thay đổi

Các bạn sinh viên xa nhà phải đối mặt với vấn đề thay đổi môi trường sống. Những khó khăn và sự lạ lẫm trong thời gian đầu xa nhà khiến các bạn trở nên nhạy cảm và dễ bị stress hơn. Những thói quen sinh hoạt hàng ngày cần thay đổi để thích nghi với môi trường sống và lịch học mới. Đặc biệt với những bạn nhút nhát và tâm lý yếu, hoặc có yêu cầu cao với chất lượng sống thì việc hòa nhập sẽ cần nhiều thời gian để làm quen.

Ngoài ra khi ở riêng, xung quanh sẽ không còn người quen, và bạn phải tự đối mặt với nhiều vấn đề như ăn uống, chỗ ở, môi trường sinh hoạt, việc học hành, và cả những mối quan hệ xã hội khác. Bạn có thể sống trọ một mình, hoặc sống trong ký túc xá cùng những người bạn khác. Lúc này đây, kỹ năng giao tiếp và sự tế nhị trong cách sống sẽ là điều quan trọng bạn cần lưu ý. Nếu không, bạn rất dễ rơi vào tình trạng bị cô lập dẫn đến căng thẳng tăng cao.

5. Sức khỏe thể chất không đảm bảo

Những bạn có sức khỏe kém, tâm lý yếu và nhạy cảm là những đối tượng dễ bị stress, vì các bạn rất dễ bị ảnh hưởng bời các yếu tố bên ngoài. Khi trở thành sinh viên, bạn phải đối mặt với lượng kiến thức khổng lồ cần tiếp thu. Việc ăn uống và thói quen sinh hoạt có thể ảnh hưởng vì bạn phải thức khuya dậy sớm để ôn bài, đặc biệt là trong mùa thi. Do đó những bạn có thể chất yếu có tỷ lệ stress vào mùa thi cao hơn những bạn khác.

Ngoài ra, những bạn tự đặt kỳ vọng quá cao vào bản thân, và cố gồng mình để đạt được mục đích bất chấp tình trạng sức khỏe cũng là đối tượng dễ bị stress tấn công. Sự sợ hãi, lo âu, căng thẳng vì sợ không đạt được yêu cầu bản thân đặt ra có thể đánh gục bạn trong cơn stress dai dẳng. Bạn cảm thấy hoảng loạn và mệt mỏi vì cố gắng hết sức nhưng không thể đáp ứng kỳ vọng của bản thân. Trạng thái này kéo dài có thể gây ra những vấn đề tâm lý nghiêm trọng.

Ảnh hưởng của stress đối với sinh viên

Căng thẳng là hiện tượng tâm lý bình thường của cơ thể khi đừng trước những sự kiện hay sự vật quan trọng. Trong một số trường hợp cụ thể, căng thẳng còn kích thích não hoạt động, tăng khả năng tập trung, tăng cường tư duy, và giúp chúng ta sáng tạo, học tập và làm việc một cách có hiệu quả hơn. Không ít các bạn sinh viên chỉ thật sự học tập có hiệu quả khi chịu một áp lực nhất định.

stress ở sinh viên
Những ảnh hưởng của stress đến từng đối tượng là không giống nhau, nhưng tác hại mà căn bệnh này mang đến đều vô cùng nghiêm trọng.

Tuy nhiên khi sự căng thẳng vượt quá mức chịu đựng dẫn đến stress kéo dài, đây là lúc các bạn sinh viên nên cân nhắc về việc thả lỏng bản thân, rèn luyện suy nghĩ tích cực, hoặc đến gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn. Stress ở sinh viên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, mà còn khiến kết quả học tập giảm sút, tăng tỷ lệ sử dụng rượu bia và chất kích thích ở các bạn sinh viên, và kéo theo những bệnh lý khác về thần kinh.

  • Khả năng tập trung giảm sút, không còn hứng thú trong việc học tập, cùng vấn đề mệt mỏi về cả thể xác và tinh thần khiến các bạn sinh viên thường bị trễ dealine, không hoàn thành bài tập và bài thi. Hậu quả là các bạn bị điểm kém, thành tích học tập suy giảm, và còn liên lụy bạn bè xung quanh nếu làm việc nhóm.
  • Stress là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng giữ bình tĩnh và kiểm soát hành vi của một người. Vì thế những bạn bị căng thẳng có xu hướng bạo lực gia tăng bất thường. Các bạn cũng dễ kích động, nóng nảy vì những lý do nhỏ nhặt, và có thể hành động không màng hậu quả trong cơn nóng giận. Điều này khiến mối quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
  • Áp lực quá lớn trong học tập và cuộc sống khiến nhiều bạn trẻ tìm đến bia rượu, ma túy và những trò chơi cảm giác mạnh như đua xe để tìm kiếm cảm giác kích thích nhằm quên đi muộn phiền. Lối sống phóng túng và coi thường bản thân này có thể đẩy các bạn sinh viên vào con đường cờ bạc, rượu chè, hút chích, dẫn đến những hành vi vi phạm phát luật và trở thành giánh nặng cho xã hội.
  • Kết quả học tập bị ảnh hưởng khiến các bạn đứng trước vấn đề tìm việc sau khi ra trường. Thiếu hụt kiến thức, thiếu trải nghiệm và không có những mối quan hệ xã hội tốt khiến vấn đề tìm việc làm trở nên khó khăn, từ đó gây nên áp lực kinh tế nặng nề với các bạn trẻ.
  • Stress ở sinh viên còn là yếu tố thúc đẩy những vấn đề tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn tiền đình, đau nửa đầu,.. Ngoài ra stress cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày do ăn uống không đúng bữa, mệt mỏi do thiếu chất, rối loạn giấc ngủ, thiếu máu. Đối với những ai có gen di truyền bệnh trong người, hoặc có bệnh cũ như hen suyễn và dị ứng thì stress có thể thúc đẩy gen bệnh hoạt động mạnh hơn, và tăng nguy cơ tái phát bệnh cũ.

Có thể thấy stress ở sinh viên tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến những nhân tài tương lai của đất nước, mà còn tạo tạo thêm gánh nặng cho xã hội. Chính vì thế chúng ta cần có biện pháp ngăn chặn, giảm thiếu đến mức thấp nhất ảnh hưởng của stress đến các bạn sinh viên. Căng thẳng hoàn toàn có thể ngăn chặn nếu các bạn quan tâm nhiều hơn đến lối sống, và sức khỏe tinh thần của bản thân.

Cách để khắc phục tình trạng stress ở sinh viên

Stress ở sinh viên có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt là ảnh hưởng đến kết quả học tập, cũng như những mối quan hệ xã hội khác. Stress và căng thẳng kéo dài có thể diễn biến thành trầm cảm, hoặc nhiều vấn đề tâm lý nghiêm trọng khác không thể lường trước. Do đó các bạn sinh viên cần biết cách xây dựng lối sống lành mạnh, có thời gian biểu khoa học, và hướng đến suy nghĩ tích cực để hạn chế ảnh hưởng của stress đến cơ thể.

1. Có kế hoạch học tập và nghỉ ngơi hợp lý

Nhiệm vụ chính của sinh viên là học tập, vì thế bạn nên chú tâm vào việc học và nghỉ ngơi nhiều hơn. Thay vì đi làm thêm quá sức, tham gia nhiều hoạt động, hoặc bỏ thời gian rảnh rỗi vào những việc không cần thiết thì hãy chú trọng vào bài học và chăm sóc sức khỏe bản thân. Thời gian học tập cần được chia nhỏ hợp lý, có khoảng nghỉ giữa giờ để thả lỏng đầu óc. Không nên dồn bài tập lại để hoàn thành trong thời gian ngắn, mà nên chia nhỏ từng phần để có thời gian nghiên cứu sâu hơn.

stress ở sinh viên
Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để hạn chế căng thẳng, thả lỏng đầu óc và phục hồi năng lượng sau những giờ làm việc và học tập căng thẳng.

Nhiều bạn sinh viên có thói quen đến gần kỳ thi mới chong đèn học bài suốt đêm. Đây là một hành động vừa phản khoa học, vừa không có hiệu quả. Thức đêm học bài chỉ khiến tình trạng căng thẳng tăng cao vì các bạn ngủ không đủ giấc. Chính vì thế, sinh viên nên lập thời gian biểu hợp lý để có thời gian học bài và ôn tập trong suốt học kỳ, cũng như có thời gian nghiên cứu và hoàn thiện niên luận, khóa luận và đồ án.

Để đảm bảo sức khỏe cho việc học hành và thi cử, các bạn cần duy trì ngủ đúng giờ và ăn đúng bữa. Việc ngủ sớm dậy sớm và có thời gian nghỉ ngơi hợp lý giúp nhịp sinh học không bị phá vỡ, tình táo tinh thần, hạn chế căng thẳng và lo lắng trong mùa thi, giúp tăng cường trí nhớ để bạn đạt được kết quả tốt hơn. Bí quyết cho kỳ thi suôn sẻ và đạt điểm cao là có kế hoạch học tập và nghỉ ngơi hợp lý.

2. Có thói quen chi tiêu hợp lý

Áp lực tài chính cũng là một trong những vấn đề gây stress ở sinh viên thường gặp. Các bạn sinh viên xa nhà phải đối mặt với nhiều khoản chi từ lớn đến nhỏ như tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống, học phí, tiền mua sách vở, chi phí đi lại,… Nếu không biết cách chi tiêu hợp lý và có khoản tiết kiệm cho những trường hợp cần thiết, nhiều bạn chắc chắn sẽ stress vì “cháy túi” khi mới giữa tháng, hoặc không có tiền ứng phó với những tình huống bất ngờ.

Hãy cân bằng giữa việc làm thêm kiếm tiền và việc học, để bạn vừa có thu nhập vừa không bị hỏng kiến thức. Số tiền làm ra nên được chia thành từng phần nhỏ cho từng mục đích cụ thể, và giảm thiểu những chi phí không cần thiết. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo không được cắt giảm chi phí ăn uống để bảo vệ sức khỏe, và nên có khoản tiết kiệm nhỏ hàng tháng để sử dụng khi cần thiết.

Thói quen chi tiêu hợp lý sẽ giúp bạn không bị căng thẳng và hốt hoảng nếu có việc cần dùng đến tiền. Bạn cũng có thể chủ động và linh hoạt trong việc chi tiêu và tiết kiệm hàng tháng, tùy theo từng tình huống cụ thể. Việc luôn chủ động trong vấn đề tài chính có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái, bớt căng thẳng hơn. Nhưng hãy nhớ là nên ăn uống đầy đủ, và đừng keo kiệt chi phí để chăm sóc bản thân.

3. Mở rộng mối quan hệ

Môi trường đại học là cơ hội tốt để bạn xây dựng và mở rộng những mối quan hệ với bạn bè, giảng viên, hoặc những nhà tuyển dụng trong tương lai. Những mối quan hệ tốt có thể giúp bạn rất nhiều khi cần thảo luận bài học, làm việc nhóm, nắm bắt những hoạt động trường lớp. Có bạn bè cùng học nhóm giúp bạn cải thiện những thiếu sót, học hỏi những điều mới, và hơn hết là giúp bạn có nơi để chia sẻ những khó khăn và mệt mỏi trong cuộc sống.

stress ở sinh viên
Bạn bè và những mối quan hệ xã hội có thể giúp bạn giải quyết những khó khăn và căng thẳng trong đời sống.

Tuy nhiên, để tránh phát sinh nhiều vấn đề và khiến bạn căng thẳng hơn, hãy phân chia ranh giới giữa bạn thân và các mối quan hệ xã giao. Bạn thân là những người bạn tin tưởng, và có thể giúp đỡ bạn khi gặp khó khăn hay mệt mỏi, giúp bạn thoát khỏi căng thẳng và hướng đến cuộc sống tốt hơn. Còn những mối quan hệ xã giao thì chỉ cần duy trì ở mức bình thường, và đừng nên căng thẳng nếu những mối quan hệ này gặp trục trặc.

4. Xây dựng lối sống lành mạnh

Lối sống thiếu khoa học và việc không rèn luyện thể dục thể thao khiến nhiều bạn sinh viên thường xuyên bị stress đeo bám. Do đó, nếu muốn đẩy lùi những ảnh hưởng của stress thì cần tạo sự cân đối trong sinh hoạt và học tập, chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần. Nếu không có nhiều thời gian thì các bạn cũng nên dành 15-30 phút vào buổi sáng để tập thể dục, hoặc tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất vào cuối tuần.

Nếu bạn có nhiều thời gian cho bản thân và muốn giải tỏa căng thẳng, hướng đến cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc hơn thì thiền và yoga là hai bộ môn bạn nên làm quen. Các nghiên cứu khoa học cho thấy thiền và yoga giúp chúng ta điều chỉnh nhịp thở, loại bỏ tạp niệm, thanh tỉnh đầu óc, kích thích tuần hoàn máu, và có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa, cũng như cải thiện vấn đề căng thẳng stress kéo dài.

5. Xin lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý

Nếu vẫn còn hoang mang không biết làm cách nào để phòng ngừa, và hạn chế những ảnh hưởng có hại của stress đến cơ thể thì bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý. Hiện nay có rất nhiều bệnh viện và phòng khám tâm lý được mở ra để giúp các bạn sinh viên học sinh vượt qua căng thẳng, tránh tình trạng căng thẳng kéo dài làm ảnh hưởng đến tinh thần và kết quả học tập của các bạn.

Tham vấn tâm lý là một cách hay giúp bạn xây dựng suy nghĩ tích cực, loại bỏ muộn phiền, tìm kiếm sức mạnh nội tại, và học cách kiểm soát những cơn nóng nảy, kích động do stress gây ra. Những kỹ năng này có thể giúp bạn ngăn chặn và giảm nhẹ những ảnh hưởng của stress đến cơ thể nếu nó xảy ra. Bên cạnh đó, việc đến gặp bác sĩ cũng giúp bạn phát hiện sớm những dấu hiệu căng thẳng để có phương pháp ứng phó khi cần thiết.

Có lẽ bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trầm cảm cấp độ 3
Trầm cảm cấp độ 3: Các dấu hiệu nhận biết và phương hướng điều trị

Trầm cảm cấp độ 3 hay còn gọi là trầm cảm nặng là giai đoạn nghiêm trọng của bệnh với những biểu hiện buồn bã,...

hội chứng burnout
Hội chứng Burnout: Những điều cần biết và cách vượt qua

Hội chứng Burnout có lẽ là cụm từ còn khá xa lạ với nhiều người trong số chúng ta. Đây là cụm từ nói về...

Thuốc Bupropion điều trị trầm cảm: Hướng dẫn sử dụng

Bupropion thuộc nhóm thuốc chống trầm cảm không điển hình. Cơ chế khác biệt đáng kể so với các loại thuốc thường dùng trước đây,...

Rối loạn lo âu xã hội
Rối loạn lo âu xã hội (SAD): Dấu hiệu, Chẩn đoán & Hướng điều trị

Rối loạn lo âu xã hội là một dạng rối loạn lo âu phổ biến hiện nay khiến cho nhiều người cảm thấy lo sợ...

Kỷ niệm 5 năm thành lập Viện Nghiên cứu Tâm lý và Phát triển Con người & 2 năm thành lập Trung tâm Tâm lý Giáo dục Chuyên biệt NHC Việt Nam

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp