Stress gây suy nhược cơ thể – Làm thế nào để khắc phục kịp thời
Stress là tác nhân gây ra suy nhược cơ thể mà nhiều người bỏ qua, không chú ý đến. Trạng thái căng thẳng cực độ cộng với thể trạng mệt mỏi sẽ khiến cơ thể cạn kiệt năng lượng. Để tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất, cần tìm cách giải tỏa stress và chăm sóc sức khỏe kịp thời.
Vì sao stress gây suy nhược cơ thể?
Stress, trầm cảm, lo âu… được cho là những căn bệnh của thời đại. Nếu như cách đây khoảng 2 thập kỷ, những cụm từ này dường như rất xa lạ thì giờ đây, stress hiện diện trong cuộc sống hằng ngày và các vấn đề tâm lý vì thế cũng trở nên phổ biến hơn. Dù là người trưởng thành hay trẻ em, học sinh – sinh viên, việc đối mặt với stress đã trở thành một phần tất yếu.
Trước đây khi chưa hiểu hết về stress, căng thẳng chỉ được xem như một trạng thái cảm xúc. Với sự phát triển của y học, các chuyên gia thấu hiểu rõ ràng hơn những ảnh hưởng của stress đối với sức khỏe. Trong đó, suy nhược cơ thể là vấn đề mà bạn có thể phải đối mặt nếu bị stress kéo dài.
Suy nhược cơ thể là trạng thái cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng kéo dài ít nhất 6 tháng. Khi bị suy nhược, không chỉ thể chất và tinh thần cũng trở nên kiệt quệ. Dưới tác động của cuộc sống hiện đại và đô thị hóa, suy nhược cơ thể có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó stress là nguyên nhân phổ biến nhất, đặc biệt là ở người từ 20 – 40 tuổi.
Khi bị stress, hormone cortisol và epinephrine gia tăng gây ra những thay đổi sinh lý bên trong cơ thể. Sự thay đổi này ít khi ảnh hưởng đến sức khỏe nếu chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Ngược lại, tăng cortisol kéo dài có thể khiến sức khỏe bị suy kiệt, mệt mỏi mãn tính, giảm khả năng tập trung, rối loạn trí nhớ…
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học – Trường Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy, stress thực sự là tác nhân gây suy nhược cơ thể. Các nhà khoa đã tiến hành tiêm hormone cortisol trên chuột trong 2 tuần liên tục. Chỉ sau một thời gian ngắn, cơ thể của chuột đều có suy nhược rõ rệt, tinh thần thiếu ổn định và giảm sự tỉnh táo.
Tác hại của stress nghiêm trọng hơn những gì cơ thể có thể cảm nhận. Các vấn đề sức khỏe do căng thẳng gây ra thường phát triển từ từ, triệu chứng khá mờ nhạt ở giai đoạn đầu. Chính vì vậy, nếu không chú ý, rất nhiều người bỏ qua các dấu hiệu “cầu cứu” của cơ thể.
Nhận biết suy nhược cơ thể do stress
Suy nhược cơ thể và stress có triệu chứng khá giống nhau nên rất dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên khi bị suy nhược, cơ thể sẽ trở nên mệt mỏi, thiếu sức sống trong một thời gian dài và dù rất cố gắng, bạn cũng không thể lấy lại sự tươi tắn, khỏe khoắn như trước.
Suy nhược cơ thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Vì vậy, cần phát hiện sớm tình trạng này để kịp thời khắc phục.
Các dấu hiệu nhận biết stress gây suy nhược cơ thể:
- Mệt mỏi kéo dài
- Cơ thể thiếu sức sống
- Người xanh xao, sút cân
- Ăn kém, chán ăn, ăn không ngon
- Có các vấn đề giấc ngủ như ác mộng, ngủ không sâu giấc, mất ngủ…
- Giảm trí nhớ
- Đau đầu, chóng mặt, choáng váng
- Hay đổ mồ hôi trộm
- Hệ miễn dịch suy giảm với biểu hiện là thường xuyên mắc các bệnh viêm đường hô hấp
- Tinh thần bứt rứt, dễ gắt gỏng, cáu bẳn, bi quan, nhạy cảm và dễ buồn bã
- Tim đập nhanh, hồi hộp, bồn chồn
- Giảm khả năng tình dục
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
Triệu chứng có thể nặng hoặc nhẹ tùy vào mức độ suy nhược cơ thể. Nếu không kịp thời phục hồi, cả thể chất và tinh thần đều sẽ bị suy kiệt kéo theo rất nhiều ảnh hưởng cả về sức khỏe, chất lượng cuộc sống, hiệu suất lao động, học tập…
Stress gây suy nhược cơ thể và mối nguy tiềm ẩn
Suy nhược cơ thể thường chỉ xuất hiện ở những người bị stress kéo dài. Khi xuất hiện các dấu hiệu suy nhược, tức là cơ thể đang “cầu cứu”. Bạn cần lắng nghe cơ thể mình để nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe kịp thời, có như vậy cả thể chất và tinh thần mới trở lại trạng thái tốt nhất.
Suy nhược cơ thể nếu không được cải thiện sẽ nghiêm trọng dần theo thời gian. Tình trạng mệt mỏi, chán nản ngày càng trở nên sâu sắc. Bên cạnh đó, stress dai dẳng cũng kéo theo một loạt các vấn đề như giảm trí nhớ, gia tăng các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa, công việc không thuận lợi do hiệu suất giảm.
Các vấn đề như mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn chức năng tình dục… cũng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu suy nhược cơ thể không được khắc phục kịp thời. Trước những ảnh hưởng tiêu cực của stress và suy nhược cơ thể, mỗi người cần phải nâng cao kiến thức để nhận biết sớm, chăm sóc và nghỉ ngơi đúng cách nhằm phục hồi sức khỏe toàn diện.
Cách khắc phục suy nhược cơ thể do stress
Stress nếu được giải tỏa kịp thời sẽ hiếm khi kéo dài gây suy nhược cơ thể. Nếu nhận thấy cơ thể có biểu hiện suy nhược, bạn cần lên kế hoạch chăm sóc để phục hồi cả sức khỏe thể chất và tinh thần:
1. Giải tỏa căng thẳng
Có rất nhiều nguyên nhân gây suy nhược cơ thể mà trong trường hợp này là do stress (căng thẳng). Vì vậy, việc đầu tiên cần làm là lên kế hoạch giải tỏa stress và lấy lại trạng thái cân bằng cho tinh thần.
Có rất nhiều cách giải tỏa căng thẳng, bạn đọc đang đối mặt với stress có thể thử một vài cách sau:
- Viết nhật ký: Thay vì giữ những uất ức, khó chịu trong lòng, bạn có thể giải tỏa cảm xúc bằng cách ghi chép hằng ngày. Viết nhật ký không chỉ có tác dụng giảm stress, cân bằng tâm trạng mà còn giúp bạn thêm thấu hiểu bản thân, nhìn nhận các vấn đề trong cuộc sống một cách khách quan hơn.
- Tập trung hít thở: Tập trung hoàn toàn vào hơi thở là cách giúp bạn lấy lại bình tĩnh, giải tỏa và đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực. Nếu có thể, hãy thực hiện kỹ thuật thở bụng để điều hòa huyết áp và các cơ quan nội tạng. Khi tập trung vào hơi thở và cơ thể, bạn sẽ quên đi những vấn đề đang phải đối mặt.
- Nghỉ ngơi: Cách đơn giản nhất để giải tỏa căng thẳng, phiền muộn là dành thời gian nghỉ ngơi. Bạn nên dành ít nhất 1 giờ để nghỉ ngơi trước khi ngủ. Trong khoảng thời gian này, bạn có thể nghe nhạc, đọc sách, viết nhật ký, chơi với thú cưng… Khi được nghỉ ngơi, cơ thể sẽ tái lập nguồn năng lượng để tiếp tục “chiến đấu” vào ngày hôm sau.
- Học cách chia sẻ: Thay vì giữ mọi thứ một mình, hãy học cách chia sẻ những phiền muộn, uất ức, bực dọc với bạn bè hoặc người thân. Khi tỏ bày hết những suy nghĩ tiêu cực, bạn sẽ thấy tinh thần trở nên nhẹ nhàng, thoải mái. Hơn hết, khi tìm được ai đó tin tưởng để chia sẻ, bạn sẽ hiểu rằng bản thân luôn có người kề cạnh và yêu thương.
- Tập thể dục: Hoạt động thể chất được biết đến với nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Bên cạnh đó, hormone endorphin được sản xuất khi tập thể dục cũng giúp cải thiện tâm trạng hiệu quả. Khi nồng độ hormone này gia tăng, tuyến thượng thận sẽ giảm hormone cortisol, qua đó làm giảm các triệu chứng liên quan đến stress và suy nhược cơ thể.
Khi stress được quản lý, thể trạng sẽ dần hồi phục và trở lại trạng thái tốt nhất. Vì vậy, muốn khắc phục suy nhược cơ thể do stress, “mấu chốt” là phải kiểm soát căng thẳng và giải tỏa cảm xúc tiêu cực.
2. Chế độ sinh hoạt hợp lý
Stress gây suy nhược cơ thể không chỉ do ảnh hưởng của hormone cortisol mà đôi khi bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt không điều độ.
Khi bị căng thẳng, rất ít người duy trì được nếp sống điều độ như trước. Đa số đều gặp vấn đề về giấc ngủ, ăn uống thất thường, ít tập thể dục và không ít người tìm đến rượu bia, thuốc lá để giải tỏa tâm trạng. Tuy nhiên, lối sống thiếu khoa học lại khiến cho sức khỏe ngày một xấu đi và kết quả là gây suy nhược cơ thể.
Để phục hồi sức khỏe do suy nhược và stress, bạn cần điều chỉnh lại lối sống. Bằng cách thay đổi thói quen xấu và thiết lập những thói quen tích cực, sức khỏe sẽ dần hồi phục trở lại. Tình trạng mệt mỏi, uể oải, giảm năng lượng, trí nhớ giảm… cũng thuyên giảm rõ rệt.
Lối sống khoa học giúp cải thiện stress gây suy nhược cơ thể:
- Ăn uống điều độ, bổ sung ngũ cốc, rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu đạm, khoáng chất.
- Có thể chia nhỏ bữa ăn và bổ sung thực phẩm giàu probiotic để dễ tiêu hóa, tránh tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
- Ngủ trước 23:00, hạn chế thức khuya và thiếu ngủ. Chỉ sau một tuần ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày, bạn sẽ nhận thấy cả thể chất và tinh thần đều có những cải thiện rõ rệt.
- Người bị suy nhược cơ thể nên ngủ trưa 15 – 30 phút để phục hồi thể trạng, nạp lại năng lượng.
- Có thể xoa bóp cơ thể, uống trà thảo mộc để giảm đau mỏi, nhức đầu và cải thiện các vấn đề giấc ngủ.
- Dành 3 – 4 buổi/ tuần để tập thể dục nhằm nâng cao sức khỏe và phục hồi tinh thần. Nên lựa chọn các bộ môn phù hợp với cường độ như đi bộ, bơi lội, đạp xe, cầu lông, yoga…
- Không hút thuốc và sử dụng rượu bia. Hạn chế uống cà phê, có thể thay bằng các loại trà chứa caffeine để gia tăng khả năng tập trung khi làm việc.
- Vào buổi sáng, nên để cơ thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 15 – 20 phút. Tác động tự nhiên của ánh nắng đã được chứng minh có thể giảm stress, tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp…
3. Tìm gặp chuyên gia tâm lý
Stress kéo dài thường gặp ở những người đang đối mặt với các vấn đề nan giải như mâu thuẫn vợ chồng, kiện tụng, áp lực công việc, các vấn đề tài chính, phải chăm sóc người thân bị bệnh… Các yếu tố này gây ra căng thẳng dai dẳng dẫn đến suy nhược cơ thể và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Khi đứng trước những vấn đề nan giải, thật khó có thể đưa ra giải pháp đúng đắn và khách quan. Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng giải quyết những khúc mắc, vướng bận trong cuộc sống… stress sẽ càng thêm trầm trọng. Lúc này, bạn sẽ cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý.
Các chuyên gia sẽ là “cầu nối” để giúp bạn thấu hiểu chính mình, nhìn nhận những vấn đề đang phải đối mặt. Chỉ khi hiểu nhu cầu và mong muốn của bản thân, bạn mới có thể tìm ra giải pháp tốt nhất để thoát khỏi sự “bủa vây” của áp lực, căng thẳng.
Trường hợp mâu thuẫn sâu sắc với bạn đời, cả hai có thể tìm gặp chuyên gia tâm lý để gỡ rối những vướng mắc, bất hòa. Ngay cả khi không thể hàn gắn, tư vấn tâm lý cũng giúp cả hai tìm được giải pháp tốt nhất và xử sự mọi thứ một cách êm đẹp, không gây tổn thương nhau.
Cuộc sống phát triển nhanh kéo theo vô vàn áp lực, căng thẳng và mâu thuẫn. Vì vậy, sẽ không tránh khỏi những lúc chới với, chông chênh vì thiếu điểm tựa tinh thần. Thay vì chìm đắm trong trạng thái tiêu cực, bạn nên tìm đến chuyên gia tâm lý sau những nỗ lực bất thành.
Giải tỏa căng thẳng kịp thời giúp bạn điều chỉnh lại tâm trạng, phục hồi sức khỏe thể chất nhanh chóng. Quan trọng hơn, kiểm soát stress chính là mấu chốt để duy trì một tinh thần khỏe mạnh, phòng ngừa các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu…
Stress là tác nhân gây suy nhược thần kinh và làm giảm chất lượng cuộc sống. Khi nhận thấy cơ thể suy kiệt, nên có những biện pháp can thiệp kịp thời để phục hồi sức khỏe một cách toàn diện. Tránh stress dai dẳng khiến thể trạng suy kiệt, tinh thần bị ức chế kéo theo nhiều vấn đề về tâm lý.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!