Hội chứng sợ đám đông: Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ?
Việc bạn không thích đám đông, không thích đứng trước mặt nhiều người, và không muốn đến những chỗ đông người là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu điều này khiến bạn có những hành vi kỳ lạ, hoảng loạn và sợ hãi đến mức muốn ngay lập tức thoát khỏi đó, thì có thể bạn đã mắc một trong những chứng rối loạn lo âu thường thấy ở nhiều người. Đó là hội chứng sợ đám đông, hay còn gọi là enochlophobia.
Những điều cần biết về hội chứng sợ đám đông
Những người mắc hội chứng sợ đám đông luôn cảm thấy sợ hãi, căng thẳng, và cho rằng bản thân bị đe dọa khi đến những nơi đông người. Đây là một nỗi sợ phi lý vì dù cho chung quanh không hề tiềm ẩn bất cứ nguy hiểm nào, người mắc chứng này vẫn không thể thoát khỏi cảm giác tồi tệ khi đứng ở một địa điểm có nhiều người tụ hợp hay qua lại. Enochlophobia không đơn giản là một cảm giác sợ hãi thông thường, mà có thể khiến người bệnh suy nhược tinh thần trầm trọng.
Đây là một hội chứng thường thấy ảnh hưởng đến nhiều người trong xã hội hiện nay, đặc biệt là tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao hơn nam giới. Họ gần như không thể ngăn chặn nỗi sợ hãi của bản thân, đến mức tránh né những cuộc hội họp gia đình hay bạn bè, hạn chế ra khỏi nhà để tránh tiếp xúc với đám đông, thậm chí là không đi làm. Người mắc chứng Enochlophia thể hiện nỗi sợ hãi, ám ảnh, hoảng loạn thông qua cảm xúc, trạng thái cơ thể và cả hành vi bên ngoài.
Những người mắc hội chứng sợ đám đông sẽ gặp nhiều khó khăn nếu sống và làm việc tại những khu vực đông dân cư. Hội chứng này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày, làm đảo lộn sinh hoạt và gần như tách người bệnh ra khỏi cộng đồng. Một số người chỉ sợ hãi khi tiếp xúc trực tiếp với đám đông, trong khi một số khác chỉ cần nghĩ đến việc phải đến nơi đông người là đã có phản ứng dữ dội.
Nỗi sợ đám đông này bám theo bạn ở khắp mọi nơi, khiến bạn không bao giờ cảm thấy an toàn ở nơi công cộng. Người bệnh né tránh mọi nơi đông đúc, từ trường học, chợ, siêu thị, rạp chiếu phim, công viên, trung tâm thương mại, các lễ hội trong nhà và ngoài trời, khu vui chơi giải trí, đến việc từ chối sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, tàu điện ngầm hay đi đến các bãi biển, khu du lịch.
Người mắc hội chứng Enochlophobia dạng nhẹ có thể ra ngoài cùng người thân hay bạn bè để cảm thấy an toàn hơn, cũng như hạn chế nỗi sợ hãi đám đông. Người đồng hành có thể giúp người bệnh phân tán sự chú ý để quên đi sự căng thẳng khi tiếp xúc với nơi đông người. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nỗi sợ hãi đám đông lớn đến mức người bệnh gần như không thể ra khỏi nhà, hoặc chỉ có thể loanh quanh ở khu vực quen thuộc ít người gần nhà.
Người mắc hội chứng sợ đám đông cảm thấy “không gian cá nhân” (personal space) của mình có thể bị xâm phạm khi đứng ở nơi đông người. Điều này khiến họ không thấy thoải mái, sợ hãi và tìm mọi cách thoát khỏi đám đông để tìm kiếm cảm giác an toàn. Họ nhận thức được nỗi sợ của mình là vô lý, và xung quanh không có nguy hiểm, nhưng vẫn không thoát được cảm giác sợ hãi. Họ sẽ tìm mọi cách tránh khỏi đám đông và tìm đến những nơi yên tĩnh vắng người.
Thông thường, những đối tượng mắc hội chứng sợ đám đông là những người hướng nội, người có tính cách nhút nhát, ít nói, tự ti, thiếu hụt kỹ năng giao tiếp, dễ căng thẳng, nhạy cảm với môi trường và cảm xúc của những người xung quanh. Chính vì sự mẫn cảm của mình mà họ rất dễ cảm thấy căng thẳng, lo sợ khi ở nơi đông người. Họ thường cảm thấy bản thân có thể bị giẫm đạp, bị lạc trong đám đông, sợ bản thân trở thành tiêu điểm của mọi ánh mắt xung quanh.
Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ đám đông
Sự ám ảnh và mức độ ám ảnh về đám đông của mỗi người là không giống nha, vì thế không có nguyên nhân cụ thể cho hội chứng này ở người mắc bệnh. Các bác sĩ và các nhà nghiên cứu cũng chưa đưa ra bằng chứng thuyết phục về nguyên nhân gây ra hội chứng Enochlophobia. Tuy nhiên thông qua các nghiên cứu, một số yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc chứng sợ đám đông bao gồm di truyền, yếu tố sinh hóa và chấn thương tâm lý.
Sự rối loạn yếu tố sinh hóa bên trong não bộ cũng có thể làm ảnh hưởng đến việc người bệnh mắc chứng sợ đám đông. Những người mắc các chứng rối loại lo âu khác như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hội chứng sợ không gian hẹp, rối loạn căng thẳng sau san chấn cũng có tỷ lệ cao mắc hội chứng sợ đám đông. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây nên hiện tượng này là chấn thương hay ám ảnh tâm lý trong một số tình huống cụ thể.
Ví dụ người mắc bệnh từng bị mắc kẹt, bị giẫm đạp, bị quấy rối hay bị lạc trong đám đông khi còn nhỏ. Họ cũng có thể từng bị chèn ép hay nghẹt thở vì không thể di chuyển giữa nơi đông người, hoặc chứng kiến người khác bị thương khi cố chen qua dòng người đông đúc. Một vài trường hợp khác bị ám ảnh do từng có trải nghiệm không tốt ở nơi đông người và cảm thấy xấu hổ về điều đó.
Giống như một số hội chứng liên quan đến thần kinh và rối loạn cảm xúc khác, những ảnh hưởng của di truyền đến tỷ lệ mắc hội chứng sợ đám đông ở một người là khá cao. Việc gia đình có tiền sử mắc chứng Enochlophobia có thể khiến tỷ lệ người trong nhà mắc chứng sợ đám đông tăng cao hơn bình thường, đặc biệt là những người có huyết thống gần gũi. Cơ chế di truyền này liên quan đến nhiều gen và khá phức tạp.
Bên cạnh những yếu tố kể trên, sự bảo bọc quá mức của cha mẹ và gia đình dành cho con cái cũng có thể là nguyên nhân gây nên hội chứng này. Phụ huynh vì lo sợ con đến nơi đông người, nên thường vô tình hay cố ý tác động đến suy nghĩ của trẻ, khiến trẻ có cảm giác sợ hãi và né tránh đám đông. Với những vấn đề tâm lý như thế này thì việc trị liệu là vô cùng cần thiết để tháo gỡ khúc mắc và nỗi sợ hãi cho bệnh nhân.
Biểu hiện của hội chứng sợ đám đông
Hội chứng sợ đám đông thường thấy ở phụ nữ nhiều hơn đàn ông, lý do là vì phái nữ thường sống nội tâm, nhạy cảm và dễ tổn thương hơn nam giới. Những biểu hiện của hội chứng Enochlophobia khởi phát rất sớm trong thời thơ ấu, hoặc sau khi gặp tổn thương tâm lý. Mức độ nặng hay nhẹ của bệnh sẽ tùy vào tình huống cụ thể. Hội chứng sợ đám đông có thể được chế ngự, và người bệnh có thể sinh hoạt bình thường nếu được chữa trị đúng cách.
Enochlophobia là một hội chứng rối loạn lo âu thường gặp với những biểu hiện điển hình như: không muốn rời khỏi nhà hoặc khu vực an toàn mà bản thân định ra, dễ sợ hãi và mất kiểm soát nơi đông người, không muốn sử dụng những phương tiện giao thông cộng, né tránh những khu vực đông đúc như trung tâm thương mại hay khu vui chơi. Chứng sợ đám đông hạn chế mọi hoạt động của người bệnh trong vấn đề giao tiếp, học tập và làm việc.
Ngoài ra người mắc hội chứng này còn có những phản ứng như thân thể và tay chân run rẩy, đổ mồ hôi nhiều, mặt đỏ, cảm thấy khó thở, đau đầu, đau ngực, chóng mặt, choáng váng, tim đập nhanh, buồn nôn, huyết áp tăng, cảm thấy sợ hãi và bị đe dọa, có ý muốn tránh xa đám đông một cách mãnh liệt, có thể khóc lóc, trở nên kích động và ngất xỉu. Những dấu hiệu này có thể khiến cơ thể khó chịu, hoặc trở thành cơn hoảng loạn kéo dài.
Để xác định chính xác một người mắc hội chứng sợ đám đông, những triệu chứng này phải xảy ra trong mọi trường hợp khi người đó đến nơi đông người, và biểu hiện kéo dài quá 6 tháng. Lý do là vì trong một số trường hợp, tình trạng sợ đám đông của một người sinh ra do bị ảnh hưởng bởi một sự kiện nào đó chỉ kéo dài một khoảng thời gian ngắn và tự biến mất. Nếu mọi thứ ngày càng trầm trọng thì đó là lúc người bệnh cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ.
Làm sao để ngăn ngừa chứng sợ đám đông?
Việc ngăn ngừa những hội chứng rối loạn lo âu như chứng sợ đám đông gần như là điều không thể. Chúng ta không thể đảm bảo rằng bản thân sẽ không bị ảnh hưởng, cũng như ám ảnh bởi những sự kiện đã, đang, và sẽ xảy ra trong đời. Những người yếu đuối, tự ti là đối tượng dễ mắc bệnh nhất, tuy nhiên ngay cả những người khỏe mạnh và có sức khỏe tinh thần tốt vẫn có thể mắc hội chứng này.
Việc duy nhất chúng ta có thể làm là chấp nhận vấn đề của bản thân, và tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia càng nhanh càng tốt. Càng trốn tránh thì tình hình sẽ ngày càng nghiêm trọng. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy sợ hãi khi đến nơi đông người, hãy thử ra ngoài cùng một người mà bản thân tin tưởng để thử phản ứng của cơ thể. Nếu nhận thấy những cơn hoảng sợ vượt quá sức chịu đựng, đây là lúc bạn nên nhanh chóng tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ.
Phương pháp cải thiện hội chứng sợ đám đông
Hai phương pháp phổ biến nhất mà các bác sĩ dùng để cải thiện các vấn đề tâm lý và rối loạn lo âu là tâm lý trị liệu và hóa dược trị liệu. Trị liệu tâm lý có thể giúp người bệnh dần thoát khỏi những ám ảnh đeo bám, suy nghĩ tích cực và nhanh chóng bước ra khỏi bóng ma tâm lý luôn đè nặng. Trong khi việc sử dụng thuốc có thể làm dịu những triệu chứng lo âu, hoảng sợ, và giúp người bệnh bình tĩnh hơn trong những trường hợp bất khả kháng.
Việc sử dụng song song hai biện pháp điều trị, kết hợp với chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý có thể giúp cải thiện những triệu chứng ở người mắc bệnh. Đây không phải là một quá trình đơn giản mà cần sự kiên trì và cố gắng rất lớn từ cả hai phía. Người bệnh cần tuân thủ đúng theo quy trình điều trị, không được tự ý thay đổi hay bỏ ngang vì hành động này có thể khiến tình hình bệnh xấu đi.
1. Trị liệu bằng thuốc chống trầm cảm
Một số loại thuốc chống trầm cảm quen thuộc như SSRIs hay SNRIs có thể được dùng để giảm thiểu những ảnh hưởng của hội chứng sợ đám đông đến tinh thần người bệnh. Với những người có phản ứng quá mãnh liệt thì liệu pháp tâm lý không đủ sức giúp họ vượt qua cơn hoảng sợ, do đó việc dùng thuốc là điều bắt buộc. Tuy nhiên, thuốc chống trầm cảm cũng có thể gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nếu dùng không đúng cách.
Bác sĩ sẽ đánh giá tình hình sức khỏe của người bệnh để kê đơn hợp lý. Thuốc dùng để chống rối loạn lo âu cần một khoảng thời gian nhất định để phát huy hiệu quả cao nhất, vì thế người bệnh cần uống thuốc đúng giờ và đúng liều lượng để đạt hiệu quả. Thời gian trị liệu tùy thuộc vào độ hiệu quả của thuốc, có thể ngắn hay dài tùy vào từng đối tượng nhất định. Bạn cần báo cáo mọi thay đổi của bản thân cho bác sĩ để có thể đánh giá đúng tình hình.
2. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là phương pháp bắt buộc khi điều trị chứng sợ đám đông, bởi vì đa phần những nguyên nhân gây ra hội chứng này đến từ tổn thương tâm lý. Những cuộc trò chuyện với bác sĩ có thể giúp người bệnh nhận ra những vấn đề chưa được giải quyết, những ám ảnh mà chúng ta luôn trốn tránh để giải quyết căn nguyên của căn bệnh. Việc thoát ra khỏi ám ảnh có thể giúp chấm dứt tình trạng sợ đám đông.
Liệu pháp thường được sử dụng nhất là liệu pháp CBT, hày còn gọi là liệu pháp nhận thức hành vi. Mục tiêu của liệu pháp này là thông qua việc trò chuyện, bác sĩ có thể phát hiện căn nguyên của nỗi sợ hãi đám đông, từ đó hỗ trợ người bệnh loại bỏ những ám ảnh tiêu cực, hướng đến những suy nghĩ tích cực hơn. Phương pháp này có hiệu quả nhất với những trường hợp bệnh nhẹ, hoặc bệnh khởi phát chưa lâu.
Liệu pháp nhận thức hành vi cần thời gian dài điều trị để cho thấy hiệu quả, bởi vì những gút mắc tâm lý không phải là điều có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Ngoài ra những lời khuyên và tư vấn của bác sĩ sẽ không có hiệu quả nếu người bệnh không thể thay đổi suy nghĩ và chấp nhận đối mặt với hiện thực. Đây là quá trình đòi hỏi sự nỗ lực và cố gắng của hai phía. Tị liệu tâm lý càng sớm thì hiệu quả càng tốt.
Bên cạnh liệu pháp tâm lý hành vi, liệu pháp tiếp xúc trực tiếp cũng mang đến những kết quả khả quan trong quá trình điều trị. Phương pháp này buộc người bệnh phải đối mặt với nỗi sợ hãi và ám ảnh của mình, từ đó dần quen thuộc và học cách vượt qua những suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên, liệu pháp này không thể áp dụng trong mọi trường hợp, vì có thể gây nên phản ứng ngược.
Liệu pháp tiếp xúc trực tiếp đánh thẳng vào trọng tâm của nỗi sợ, do đó có thể khiến người bệnh bị sốc và có phản ứng dữ dội. Chính vì thế quá trình trị liệu cần được diễn ra trong một môi trường an toàn, đảm bảo mọi phương tiện cấp cứu phòng những tình huống bất ngờ. Đây là một phương pháp “đánh nhanh thắng nhanh” giúp giải quyết từ gốc gác của vấn đề, và có hiệu quả nhanh hơn những phương pháp khác.
3. Thay đổi lối sống và suy nghĩ
Một cuộc sống lành mạnh cùng lối suy nghĩ tích cực có thể giúp giảm thiếu những ảnh hưởng xấu của hội chứng sợ đám đông đến tinh thần người bệnh. Việc trốn tránh nỗi sợ, suy nghĩ tiêu cực và từ chối trị liệu chỉ khiến tình trạng sợ hãi của bạn trầm trọng hơn. Hướng đến lối sống lành mạnh có thể thay đổi suy nghĩ, rèn luyện khả năng chịu đựng và mang đến những cơ hội mới cho bản thân bạn.
Thiền là hoạt động phù hợp để hạn chế những ảnh hưởng của chứng sợ đám đông đến sức khỏe tinh thần. Thiền giúp chúng ta học cách kiểm soát cảm xúc, loại bỏ nguồn năng lượng tiêu cực, thanh lọc tâm hồn, và giữ bình tĩnh trong mọi trường hợp. Một trong những kỹ thuật cần thiết trong thiền là thở và điều chỉnh nhịp thở, điều này rất cần thiết khi người mắc Enochlophobia rơi vào trạng thái hoảng loạn và cảm thấy khó thở.
Khi rơi vào trạng thái hốt hoảng và sợ hãi khi đứng giữa đám đông, những điều học được trong quá trình thiền sẽ giúp bạn bình tĩnh và điều chỉnh cảm xúc. Thiền giúp bạn tránh được sự kích động quá mức, hạn chế tỷ lệ ngất xỉu hay những hậu quả khó lường trong cơn hoảng loạn. Duy trì việc luyện tập thiền có lợi cho sức khỏe tinh thần và tăng cường sức khỏe thể chất. Ngoài ra bạn cũng có thể tập luyện những môn thể dục thể thao khác như yoga nhằm giúp thư giãn tinh thần.
Chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng nhất định đến quá trình hồi phục. Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý với những thực phẩm chứa nhiều omega-3 và các dưỡng chất cần thiết sẽ giúp người bệnh cải thiện khí sắc, giảm thiểu những ảnh hưởng do các triệu chứng của bệnh mang đến và phục hồi sức khỏe. Ngoài ra, việc nghỉ ngơi đúng giờ và duy trì nhịp sinh hoạt lành mạnh cũng mang đến những ảnh hưởng tích chực cho tinh thần người bệnh.
Hội chứng sợ đám đông ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều người, vì chúng tách họ ra khỏi cộng đồng. Chúng ta đang sống trong xã hội, vì thế tương tác giữa một người với đám đông là rất cần thiết. Ví dụ chúng ta cần đi học, đi làm, đến siêu thị hay các trung tâm thương mại để mua sắm, đến rạp chiếu phim hay các khu vui chơi để giải trí, hay đi tham dự các buổi tụ họp, đám cưới, liên hoan, sinh nhật,…
Việc ám ảnh với đám đông sẽ ngăn chặn mọi hành động kể trên, khiến chúng ta trở nên cô độc dần bị cô lập. Người mắc chứng sợ hãi đám đông luôn tìm cách né tránh những nơi đông người để ngăn chặn ảnh hưởng xấu. Tuy nhiên việc né tránh này không thể giải quyết gốc rễ vấn đề, mà chỉ góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Do đó chúng ta cần dũng cảm tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ, và các chuyên gia tâm lý để nhanh chóng thoát khỏi những ảnh hưởng của hội chứng sợ đám đông.
Có lẽ bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!