Hưng cảm là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và hướng điều trị

Hưng cảm là một dạng rối loạn khí sắc trái ngược hoàn toàn với trầm cảm. Đặc trưng của rối loạn này là khí sắc tăng cao, tư duy dồn dập, gia tăng các hoạt động bản năng… Hưng cảm ít khi dẫn đến tự sát nhưng gây ra không ít hậu quả do các hành vi ngông cuồng, thiếu thận trọng.

Hưng cảm là gì?

Hưng cảm còn được gọi là rối loạn hưng cảm, cơn hưng cảm hay giai đoạn hưng cảm. Đây là một loại rối loạn khí sắc trái ngược hoàn toàn với trầm cảm. Nếu như trầm cảm đặc trưng bởi khí sắc giảm thì hưng cảm có biểu hiện điển hình là tăng khí sắc, tư duy và hành vi hưng phấn, khoái cảm.

Hưng cảm chỉ được chẩn đoán khi đã loại trừ các nguyên nhân thực thể (do bệnh lý, do chất, thuốc…). Khác với trầm cảm, hưng cảm không xuất hiện đơn độc mà thường là giai đoạn đầu tiên của rối loạn lưỡng cực. Sau cơn hưng cảm, bệnh nhân sẽ xuất hiện cơn trầm cảm hoặc giai đoạn hỗn hợp.

Hưng cảm tiếng Anh là gì
Hưng cảm là tình trạng khí sắc gia tăng đi kèm với tư duy và hành vi hưng phấn

Tên quốc tế của rối loạn hưng cảm là Mania có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là điên rồ, điên cuồng và thịnh nộ. Ở trạng thái khí sắc tăng cao không kiểm soát, tâm trạng dễ bị kích động, bồn chồn, nóng nảy và bùng phát cơn nóng giận vô cớ. Vì vậy, khác với suy nghĩ của nhiều người, hưng cảm cũng cần được điều trị tương tự như trầm cảm.

Hưng cảm có thể khởi phát với cường độ nhẹ cho đến nghiêm trọng. Ngoài các triệu chứng điển hình, một số trường hợp còn đi kèm với hoang tưởng phù hợp hoặc không phù hợp với khí sắc.

Trong rối loạn lưỡng cực, hưng cảm và trầm cảm xuất hiện xen kẽ nhưng các chuyên gia thường dành sự quan tâm cho cơn trầm cảm vì nguy cơ tự sát cao. Trong giai đoạn hưng cảm, tỷ lệ tự sát rất thấp nhưng có nguy cơ phải đối mặt với các hậu quả nghiêm trọng do hành vi bản năng, ngông cuồng… Đây cũng là lý do cần điều trị hưng cảm để giảm thiểu ảnh hưởng của rối loạn này đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Phân loại hưng cảm

Như đã đề cập, hưng cảm có thể xuất hiện với cường độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Dựa vào mức độ, rối loạn này được chia thành 3 dạng:

Hưng cảm nhẹ

Hưng cảm nhẹ (Hypomania) đặc trưng bởi tình trạng gia tăng khí sắc và hoạt động, ít khi đi kèm với các rối loạn cơ thể. Vì triệu chứng khá mờ nhạt nên hưng cảm nhẹ hầu như không được phát hiện.

Hưng cảm nhẹ thường xuất hiện ở rối loạn lưỡng cực II. Các triệu chứng thường kéo dài ít nhất 4 ngày và có 3 triệu chứng trong tổng số các triệu chứng được sử dụng để chẩn đoán hưng cảm.

Hưng cảm là gì
Hưng cảm nhẹ là tình trạng tăng khí sắc và hoạt động ở mức độ vừa phải, tâm trạng không ổn định, dễ kích thích

Trong cơn hưng cảm nhẹ, bệnh nhân có khí sắc tăng nhẹ, vui vẻ, lạc quan và nhu cầu ngủ giảm nên thời gian ngủ giảm đi đáng kể. Tâm thần vận động nhanh biểu hiện qua các dấu hiệu như đi lại liên tục, cử động chân tay nhanh, thường xuyên nhảy múa, đóng kịch…

Trong thực tế, rất nhiều bệnh nhân cảm thấy bản thân đang ở trạng thái tốt nhất trong cơn hưng cảm nhẹ. Khí sắc gia tăng ở mức độ vừa phải kích thích sự sáng tạo, tự tin, cơ thể tràn đầy sức sống và năng lượng. Tuy nhiên bên cạnh đó, hưng cảm nhẹ cũng khiến khí sắc không ổn định, người bệnh dễ gắt gỏng, tư duy phân tán và khó tập trung.

Hưng cảm không loạn thần

Hưng cảm không loạn thần hay hưng cảm là dạng điển hình nhất. Giai đoạn này được xác định khi tình trạng tăng khí sắc xảy ra ít nhất 1 tuần đi kèm với tăng hoạt động, dễ bị kích thích và phải đi kèm với ít nhất 3 triệu chứng sau:

Hưng cảm là gì
Tăng khí sắc, tư duy dồn dập, phân tán và gia tăng các hành vi bản năng là những triệu chứng điển hình của rối loạn hưng cảm
  • Dễ bị phân tán, giảm khả năng tập trung rõ rệt
  • Tư duy dồn dập (suy nghĩ nhanh) hay tư duy phi tán (các luồng suy nghĩ xuất hiện dồn dập, có xu hướng nói từ chuyện này sang chuyện khác dù không có mối liên kết)
  • Phóng đại bản thân và tăng tính tự trọng
  • Nhu cầu ngủ giảm (ngủ ít nhưng không có cảm giác buồn ngủ)
  • Tăng các hoạt động có mục đích (đi lại, chạy nhảy thường xuyên)
  • Có các hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro như đầu tư kinh doanh không suy tính, đua xe, quan hệ tình dục bừa bãi, đánh bài bạc…

Hưng cảm kèm loạn thần

Hưng cảm loạn thần là tình trạng nặng với các triệu chứng hưng cảm đi kèm với loạn thần. Loạn thần là nhóm triệu chứng đặc trưng bởi hoang tưởng, ảo thanh, ảo giác…

Trong cơn trầm cảm và hưng cảm, loạn thần đều có thể xuất hiện và phổ biến nhất là hoang tưởng. Hoang tưởng ở hưng cảm thường phù hợp với khí sắc tăng cao như hoang tưởng phóng đại, hoang tưởng bị theo dõi, hoang tưởng bị hại…

Nguyên nhân gây rối loạn hưng cảm

Hưng cảm có độ tuổi khởi phát sớm hơn trầm cảm từ 18 – 40 tuổi. Cho đến nay, nguyên nhân gây ra dạng rối loạn khí sắc này vẫn chưa được xác định. Sau nhiều nỗ lực, các chuyên gia đã phát hiện được một số yếu tố có tham gia vào cơ chế bệnh sinh:

  • Tiền sử cá nhân (sử dụng rượu bia, chất kích thích, trầm cảm..)
  • Tiền sử gia đình bị rối loạn lưỡng cực, trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt
  • Một số trường hợp có thể khởi phát do sang chấn tâm lý thúc đẩy

Các triệu chứng của hưng cảm

Triệu chứng và mức độ của hưng cảm có thể thay đổi tùy theo từng trường hợp. Một số người chỉ xuất hiện một vài triệu chứng và kéo dài trong thời gian ngắn nhưng cũng có trường hợp triệu chứng xuất hiện dài ngày, mức độ nghiêm trọng, rõ rệt.

Dù vậy, hầu hết các bệnh nhân hưng cảm đều sẽ có những triệu chứng điển hình sau:

Tăng khí sắc

Hưng cảm là một rối loạn khí sắc bên cạnh trầm cảm. Trong đó, tăng khí sắc là biểu hiện chính của giai đoạn này:

hưng cảm triệu chứng
Tăng khí sắc tạo ra cảm giác vui vẻ, hào hứng quá mức xen kẽ với cảm giác lo lắng, dễ kích động và đôi khi là nóng giận vô cớ
  • Khí sắc tăng cao với biểu hiện vui vẻ, lạc quan, luôn cảm thấy hạnh phúc, hào hứng và có cảm giác thỏa mãn (đôi khi là khoái cảm).
  • Cảm thấy có thể dễ dàng thực hiện mọi thứ. Vì vậy trong cơn hưng cảm, người bệnh thường đề xuất các ý tưởng vĩ mô, hào hứng tham gia các hoạt động và nhiệm vụ được cấp trên giao phó.
  • Khí sắc không ổn định, dễ bị kích thích, tức giận, lo âu xen lẫn với cảm xúc vui thích, lạc quan quá mức. Một số trường hợp có thể có biểu hiện tức giận vô cơ, từ hào phóng, vui vẻ chuyển sang hung dữ, ác ý, từ vui vẻ chuyển sang khóc lóc, kích động.
  • Tăng khí sắc là triệu chứng điển hình nhất của hưng cảm. Tuy nhiên, khác với cảm xúc vui vẻ và lạc quan thông thường, khí sắc tăng cao quá mức sẽ đi kèm với đặc điểm là không ổn định và dễ kích thích, kích động.

Tăng các hoạt động bản năng

Trong cơn hưng cảm, các hoạt động bản năng xuất hiện một cách ồ ạt như buông lỏng quan hệ đạo đức – xã hội, quan hệ tình dục một cách phóng túng, khoa trương, thậm chí có nhiều trường hợp có biểu hiện cuồng dâm. Bệnh nhân trở nên suồng sã, thiếu lịch sự, đề cập đến tình dục một cách thẳng thắn quá mức khác xa với bản chất trước đây.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có các hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro như đua xe, tham gia các trò chơi mạo hiểm, đánh bài, đầu tư một cách may rủi…

Tư duy nhanh, dồn dập

Nếu như trầm cảm gây ức chế tư duy thì hưng cảm đặc trưng bởi tư duy dồn dập, phi tán. Rối loạn tư duy trong cơn hưng cảm sẽ có những đặc điểm sau:

  • Tư duy nhanh, dồn dập với các dòng suy nghĩ xuất hiện liên tục. Người bệnh liên tưởng rất nhanh và trả lời câu hỏi ngay cả khi người khác chưa dứt câu.
  • Cách nói chuyện khác hẳn so với trước đây với những đặc điểm như nói theo vần theo điệu, thích chơi chữ…
  • Tốc độ nói nhanh hơn so với bình thường.
  • Tư duy phi tán làm xuất hiện nhiều luồng suy nghĩ khác nhau trong cùng một thời điểm. Những người xung quanh sẽ dễ dàng nhận thấy bệnh nhân nói “đầu gà đuôi vịt”, liên tục đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau…
  • Các cuộc trò chuyện có vẻ phong phú về nội dung nhưng đa phần đều là những kiến thức được phóng đại, vô bổ, hời hợt…
  • Tăng khả năng ghi nhớ, đặc biệt là những sự việc lặt vặt trong cuộc sống. Cảm nhận tri giác nhanh (nhạy cảm với mọi kích thích).
  • Trong cơn hưng cảm, bệnh nhân gia tăng khả năng sáng tạo và tưởng tượng. Nhiều trường hợp tưởng tượng dẫn đến bịa chuyện (nội dung thường nhằm mục đích đề cao bản thân, nâng cao vị thế và tài năng).

Rối loạn hoạt động

Trong cơn hưng cảm, không chỉ tư duy mà hoạt động cũng bị rối loạn. Khác với trầm cảm, hành vi ở cơn hưng cảm thường bị kích thích và gia tăng hơn so với bình thường.

hưng cảm triệu chứng
Trong cơn hưng cảm, bệnh nhân dường như hoạt động liên tục và không ngơi nghỉ

Rối loạn hoạt động ở những bệnh nhân hưng cảm thường có những biểu hiện sau:

  • Gia tăng hoạt động, có cảm giác phải làm việc liên tục và yêu thích mua sắm. Nhiều bệnh nhân mua sắm quá mức mà không tính toán dẫn đến nhiều vấn đề về tài chính.
  • Hành vi thiếu thận trọng và không tính toán kỹ.
  • Vì cảm thấy luôn phải vận động nên nhiều người có thói quen di chuyển đồ đạc, sắp xếp lại nhà cửa.
  • Những người xung quanh có thể nhận thấy bệnh nhân đi lại nhiều hơn trước, cười nói, thường xuyên nhảy múa, đóng kịch…
  • Nhiều bệnh nhân gia tăng các hoạt động dẫn đến quên cả ăn. Tình trạng này đi kèm với giảm nhu cầu ngủ có thể khiến cơ thể kiệt sức, suy nhược.
  • Trong cơn hưng cảm, bệnh nhân thường ăn mặc màu mè, rực rỡ khác hẳn so với trước đây.

Các triệu chứng cơ thể

Sự thay đổi về cảm xúc, hành vi và hoạt động sẽ kéo theo các triệu chứng cơ thể như:

Hưng cảm là bệnh gì
Trong cơn hưng cảm, bệnh nhân giảm nhu cầu ngủ, mất ngủ, ngủ ít nhưng không có cảm giác mệt mỏi
  • Hạ huyết áp
  • Sốt
  • Ra mồ hôi
  • Nhịp tim nhanh
  • Đói và khát (do bệnh nhân quên ăn uống)
  • Mất ngủ, thiếu ngủ nhưng không cảm thấy mệt mỏi

Các triệu chứng kể trên phải kéo dài ít nhất 1 tuần và mức độ phải đủ nghiêm trọng để gây ra những ảnh hưởng đáng kể với chất lượng cuộc sống. Nhiều trường hợp phải nhập viện để tránh suy kiệt do không ăn không ngủ nhiều ngày. Ngoài ra, một số bệnh nhân hưng cảm loạn thần có thể tấn công, làm tổn thương những người xung quanh do hoang tưởng chi phối.

Triệu chứng của hưng cảm sẽ xuất hiện từ từ và trở nên rầm rộ ở giai đoạn toàn phát:

Giai đoạn khởi phát:

  • Thường bắt đầu với biểu hiện mất ngủ, khó ngủ nhưng không có cảm giác mệt mỏi.
  • Sau đó là gia tăng hoạt động như viết lách liên tục, các hoạt động thể chất, ăn mặc lố lăng, màu mè
  • Có cảm giác lạc quan, thoải mái và thậm chí là khoái cảm
  • Gia tăng các hành vi bản năng, ngông cuồng khác hẳn so với tính cách trước đây như nghiện rượu, quan hệ tình dục bừa bãi, tiêu xài phung phí, đầu tư may rủi, nghiện cờ bạc, một số trường hợp còn có biểu hiện ăn uống vô độ.

Giai đoạn toàn phát:

  • Náo động một cách rõ rệt, tăng hoạt động thể chất và cử chỉ có phần kệch cỡm, lố lăng.
  • Biểu cảm khuôn mặt thái quá, khác thường.
  • Chen vào tất cả các cuộc trò chuyện, xung phong tham gia vào mọi việc nhưng đa số đều không hoàn thành.
  • Nói liên tục, cách nói theo vần theo điệu, tốc độ nói nhanh, có xu hướng hát hò, ngâm thơ không quan tâm có ảnh hưởng đến những người xung quanh hay không.
  • Thường xuyên di chuyển, sắp xếp đồ đạc.

Hưng cảm có nguy hiểm không? Tiên lượng ra sao?

Trên thực tế, giai đoạn hưng cảm ít được quan tâm hơn so với cơn trầm cảm. Nhìn chung, trong cơn hưng cảm, bệnh nhân hiếm khi xuất hiện ý nghĩ và hành vi tự sát. Tuy nhiên, các hành vi bản năng, ngông cuồng như đua xe, bài bạc, đầu tư may rủi, quan hệ tình dục bừa bãi… có thể dẫn đến một loạt các hậu quả nghiêm trọng.

Không ít người đánh mất công việc, nợ nần, tai nạn nghiêm trọng và bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục chỉ vì các hành vi này. Những trường hợp hưng cảm kèm loạn thần còn có thể tấn công, làm tổn thương những người xung quanh. Với mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng, hưng cảm cần được kiểm soát để nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm thiểu những tác hại đối với sức khỏe, tài chính của người bệnh.

Rối loạn cảm xúc hưng cảm
Hưng cảm có thể tự thuyên giảm sau một thời gian nhưng tiềm ẩn hậu quả từ các hành vi liều lĩnh, bản năng

Hưng cảm có thể kéo dài trong khoảng vài tuần cho đến nhiều năm, thời gian trung bình thường là 5 – 6 tháng. Nếu không điều trị, các triệu chứng có thể tự thuyên giảm nhưng sẽ tái phát ở thời điểm khác trong tương lai. Tuy nhiên, do thời gian khởi phát khá lâu nên bệnh nhân sẽ phải đối mặt với không ít phiền toái.

So với trầm cảm, hưng cảm có đáp ứng tốt hơn với điều trị. Sử dụng thuốc có thể kiểm soát đáng kể các triệu chứng tăng khí sắc, tư duy phân tán, tăng hoạt động bản năng và giảm các rối loạn cơ thể. Tuy nhiên, cần phải điều trị duy trì trong nhiều tháng để phòng ngừa hưng cảm tái phát và nên lưu ý khả năng cơn trầm cảm xảy ra sau khi pha hưng cảm kết thúc.

Chẩn đoán rối loạn hưng cảm

Rối loạn hưng cảm chỉ được chẩn đoán khi các triệu chứng không phải là kết quả của chất, thuốc, rượu bia hay các bệnh thực tổn. Sau khi loại trừ các nguyên nhân trên, bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chuẩn lâm sàng của Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần ấn bản lần thứ 5 (DSM-5) để chẩn đoán xác định hưng cảm. Hưng cảm sẽ được phân loại là hưng cảm nhẹ, hưng cảm không loạn thần và hưng cảm loạn thần.

Bản thân hưng cảm không khởi phát đơn độc mà chỉ xuất hiện trong rối loạn lưỡng cực. Hưng cảm có thể là giai đoạn đầu tiên của rối loạn lưỡng cực hoặc cũng có thể xuất hiện sau cơn trầm cảm.

Các biểu hiện của hưng cảm rất dễ bị nhầm lẫn với rối loạn tâm thần có liên quan đến u tủy thượng thận, cường giáp, sử dụng chất gây nghiện… Do đó, các xét nghiệm cận lâm sàng bắt buộc phải được thực hiện để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng tương tự.

Các phương pháp điều trị hưng cảm

Đa phần bệnh nhân hưng cảm đều được điều trị nội trú để tránh các hành vi liều lĩnh tự gây nguy hiểm cho chính mình và những người xung quanh. Trường hợp hưng cảm nhẹ sẽ được cân nhắc điều trị ngoại trú nếu triệu chứng nhẹ, không có các hành vi bản năng, ngông cuồng.

Các phương pháp được cân nhắc cho bệnh nhân rối loạn hưng cảm:

Liệu pháp hóa dược

Cho đến nay, liệu pháp hóa dược vẫn là phương pháp chính trong điều trị rối loạn khí sắc bao gồm cả trầm cảm, hưng cảm và giai đoạn hỗn hợp. Bệnh nhân hưng cảm sẽ được chỉ định các nhóm thuốc sau:

Rối loạn cảm xúc hưng cảm
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị hưng cảm bao gồm thuốc chống loạn thần, thuốc chỉnh khí sắc…

Thuốc an thần kinh (thuốc chống loạn thần)

Thuốc chống loạn thần thường được dùng ở dạng tiêm cho những bệnh nhân kích động, chống đối, không tiếp nhận điều trị. Sau khoảng 3 ngày, bệnh nhân sẽ được chuyển sang dùng thuốc dạng uống để hạn chế tác dụng phụ.

Thuốc chống loạn thần được chỉ định chủ yếu trong trường hợp hưng cảm loạn thần. Tùy theo điều trị nội trú hay ngoại trú, các loại thuốc có thể được sử dụng là Haloperidol, Levomepromazin, Chlorpromazine, Olanzapine…

Thuốc chỉnh khí sắc

Thuốc chỉnh khí sắc là nhóm thuốc chính trong điều trị hưng cảm. Thuốc có tác dụng điều hòa tâm trạng, giảm tình trạng kích động, nóng nảy vô cớ và cải thiện tình trạng khí sắc không ổn định, dễ kích thích…

Các loại thuốc chỉnh khí sắc được sử dụng trong điều trị hưng cảm bao gồm Carbamazepin, Oxcarbazepin, Gabapentin, Lamotrigin… Tùy theo từng trường hợp, bệnh nhân có thể tiếp tục điều trị duy trì bằng thuốc chống loạn thần hoặc thuốc chỉnh khí sắc.

Thuốc an thần nhóm benzodiazepin

Thuốc an thần nhóm benzodiazepin được sử dụng để cải thiện tình trạng mất ngủ, ngủ ít ở bệnh nhân hưng cảm. Thuốc có tác dụng an thần, gây ngủ, đồng thời giúp kiểm soát trạng thái căng thẳng, lo lắng và dễ kích thích. Nhóm thuốc này mang lại hiệu quả nhanh, rõ rệt nhưng có nguy cơ gây nghiện nên chỉ được sử dụng với liều thấp trong thời gian ngắn.

Các loại thuốc an thần nhóm benzodiazepin được sử dụng cho bệnh nhân hưng cảm bao gồm Bromazepam, Clonazepam, Lorazepam, Diazepam…

Thông thường, bệnh nhân hưng cảm chỉ được dùng thuốc chống loạn thần hoặc thuốc chỉnh khí sắc. Nếu cần thiết, có thể dùng thêm thuốc an thần nhóm benzodiazepin trong trường hợp mất ngủ dai dẳng, thiếu ngủ nghiêm trọng.

Hưng cảm nặng và có biểu hiện loạn thần cần phải điều trị kết hợp giữa thuốc chống loạn thần và thuốc điều chỉnh khí sắc. Loại thuốc và liều lượng sẽ được bác sĩ hiệu chỉnh dựa vào triệu chứng cụ thể của từng trường hợp.

Các loại thuốc hỗ trợ

Ngoài ba nhóm thuốc chính, bệnh nhân hưng cảm có thể được chỉ định thêm một số nhóm thuốc hỗ trợ như:

  • Vitamin và khoáng chất
  • Các loại thuốc tăng cường tuần hoàn não như chiết xuất lá bạch quả (Ginkgo biloba), Cinnarizin, Piracetam, Choline alfoscerate…
  • Thuốc trị mất ngủ như Eszopiclone và các loại thực phẩm chức năng có tác dụng an thần, cải thiện chất lượng giấc ngủ

Hưng cảm có tỷ lệ tái phát cao nên bệnh nhân cần phải dùng thuốc duy trì trong nhiều tháng. Sau khi triệu chứng thuyên giảm, người bệnh phải mất một thời gian đáng kể để phục hồi chức năng.

Sốc điện

Sốc điện (ECT) được chỉ định trong trường hợp hưng cảm không đáp ứng với thuốc và hưng cảm có biểu hiện kích động mạnh. Quá trình điều trị hưng cảm bằng liệu pháp sốc điện (ECT) cũng diễn ra giống như điều trị trầm cảm.

Rối loạn cảm xúc hưng cảm
Sốc điện (ECT) được chỉ định với bệnh nhân hưng cảm không có đáp ứng với thuốc

Bệnh nhân cần thực hiện sốc điện từ 8 – 12 lần để tái thiết lập sự cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Bằng cách này, tình trạng tăng khí sắc, tư duy dồn dập, các hoạt động bản năng và liều lĩnh sẽ thuyên giảm rõ rệt. Sau khi triệu chứng được kiểm soát, bệnh nhân sẽ được điều trị tiếp tục bằng thuốc.

Liệu pháp tâm lý

Bên cạnh liệu pháp hóa dược, bệnh nhân hưng cảm cũng được xem xét can thiệp liệu pháp tâm lý. Liệu pháp này giúp ích rất nhiều trong việc giảm thiểu các hành động bản năng, liều lĩnh và ngông cuồng. Ngoài ra, tâm lý trị liệu còn giúp phục hồi chức năng và giúp người bệnh dễ dàng hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Rối loạn cảm xúc hưng cảm
Tâm lý trị liệu giúp bệnh nhân phục hồi chức năng, qua đó dễ dàng hòa nhập và ổn định cuộc sống

Các liệu pháp tâm lý được cân nhắc cho bệnh nhân hưng cảm:

  • Liệu pháp xã hội
  • Liệu pháp gia đình
  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
  • Giáo dục sức khỏe tâm thần

Không chỉ riêng bệnh nhân mà người nhà cũng cần được tư vấn và hỗ trợ về mặt tâm lý. Can thiệp tâm lý giúp người nhà có cách ứng xử phù hợp, thấu hiểu nguyên nhân gây ra sự thay đổi về khí sắc và hành vi ở người bệnh. Đồng thời biết cách hỗ trợ người bệnh trong suốt quá trình điều trị và phục hồi chức năng sau giai đoạn điều trị tấn công.

Phòng ngừa hưng cảm bằng cách nào?

Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác gây ra hưng cảm. Tuy nhiên, thực hiện một số biện pháp sau có thể hạn chế tối đa những ảnh hưởng của hưng cảm lên sức khỏe và các khía cạnh khác của cuộc sống như công việc, tài chính, các mối quan hệ…

Các biện pháp phòng ngừa hưng cảm:

  • Sang chấn tâm lý có thể là yếu tố khởi phát hưng cảm và trầm cảm bùng phát. Vì vậy, cần rèn luyện những tính cách như kiên cường, mạnh mẽ… để gia tăng khả năng chống đỡ với những tình huống không thuận lợi trong cuộc sống, hạn chế bị tổn thương và kích động quá mức khi đối mặt với các sự kiện sang chấn.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, không sử dụng rượu bia và chất kích thích.
  • Phát hiện sớm hưng cảm và can thiệp kịp thời để hạn chế những ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe, chất lượng cuộc sống…
  • Trường hợp đã được chẩn đoán hưng cảm, cần điều trị tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm tỷ lệ tái phát và giảm mức độ triệu chứng trong các cơn tái phát.

Dù ít được quan tâm hơn trầm cảm nhưng rõ ràng hưng cảm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe thể chất lẫn tâm thần. Rối loạn hưng cảm có tỷ lệ tái phát cao, vì vậy cần điều trị tích cực và xây dựng lối sống khoa học, hợp lý để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của bệnh.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

hội chứng sợ hạnh phúc
Hội chứng sợ hạnh phúc (Cherophobia) là gì? Biểu hiện, Giải pháp

Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng hội chứng sợ hạnh phúc thật sự tồn tại và ảnh hưởng đến nhiều người trong số chúng ta....

chứng nghiện nhổ tóc
Chứng Nghiện Nhổ Tóc – Những tác hại khôn lường cần chú ý

Chứng nghiện nhổ tóc không chỉ gây đau đớn về thể xác, tổn thương phần lông tóc và da đầu, mà còn ảnh hưởng trực...

Hướng dẫn xoa bóp bấm huyệt điều trị rối loạn lo âu hiệu quả

Bên cạnh các phương pháp chính, có thể kết hợp thêm xoa bóp bấm huyệt vào quá trình điều trị rối loạn lo âu. Đây...

mất cảm xúc hứng thú với cuộc sống
Mất Cảm Xúc, Hứng Thú Với Cuộc Sống: Nguyên nhân và điều trị

Mất cảm xúc, hứng thú với cuộc sống khiến cho bạn khó có thể tập trung tâm trí và dồn hết năng lực để hoàn...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh