Thuốc Citalopram Điều Trị Trầm Cảm – Thông tin chi tiết

Thuốc Citalopram được sử dụng khá phổ biến trong điều trị trầm cảm. Thông qua ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, loại thuốc này giúp cải thiện tâm trạng, giảm cảm giác buồn bã, u uất, mất hứng thú… Song song với lợi ích mang lại, Citalopram cũng gây ra không ít tác dụng phụ nên cần phải thận trọng khi dùng.

Citalopram 20mg là thuốc gì
Citalopram là thuốc chống trầm cảm, cụ thể là nhóm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)

Citalopram là thuốc gì? Thuộc nhóm thuốc nào?

Citalopram là thuốc chống trầm cảm mới bắt đầu sử dụng từ những năm 1990. Thực tế, loại thuốc này đã được tổng hợp vào năm 1972 bởi Nhà hóa học Klaus Bøgesø nhưng phải thử nghiệm lâm sàng trong thời gian dài trước khi đưa vào sử dụng chính thức. Citalopram bắt đầu được dùng ở Mỹ vào năm 1998 và sau đó trở nên rộng rãi trên toàn thế giới.

Dựa vào cơ chế, thuốc được xếp vào nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs). Nhờ mang lại hiệu quả cao và rủi ro tiềm ẩn thấp, SSRIs ngày càng được sử dụng phổ biến, trở thành lựa chọn thay thế cho thuốc chống trầm cảm 3 vòng.

Thông tin cơ bản:

  • Tên thuốc: Citalopram
  • Phân nhóm: Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
  • Dạng bào chế: Viên nén, viên nang, dung dịch uống
  • Hàm lượng thường dùng: 10mg, 20mg, 30mg, 40mg, 10mg/ 5ml

Cơ chế, tác dụng của thuốc Citalopram

Citalopram thuộc nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) nên chủ yếu tác động đến hệ thống serotonergic. Nghiên cứu cho thấy, thuốc gây ức chế mạnh và chọn lọc hiện tượng tái hấp thu 5-hydroxytryptamine (5-HT) hay còn gọi là serotonin tại khe tiếp hợp.

Thông qua cơ chế này, nồng độ serotonin ở hệ thần kinh trung ương sẽ gia tăng. Qua đó giúp cải thiện các triệu chứng tâm thần và thể chất có liên quan. Citalopram và các SSRIs có ái lực liên kết yếu với các thụ thể như norepinephrine, acetylcholin, histamin, alpha, muscarinic, GABA…

Vì chỉ tác dụng chọn lọc lên serotonin nên SSRIs nói chung và Citalopram nói riêng khá an toàn ở liều điều trị. Nguy cơ gặp phải tác dụng phụ cũng thấp hơn so với các loại thuốc chống trầm cảm cũ như thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs).

thuốc citalopram
Citalopram có tác dụng cân bằng tâm trạng, giảm cảm giác buồn bã, đau khổ, u uất và gia tăng hứng thú

Tác dụng chính của Citalopram:

  • Gia tăng nồng độ serotonin, qua đó cải thiện tình trạng giảm khí sắc, u sầu, đau khổ, buồn bã…
  • Hiệu quả giảm trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, lo âu
  • Có thể giảm đau mãn tính liên quan đến yếu tố thần kinh và tâm lý
  • Giảm hành vi hung hăng, bốc đồng trong một số tình huống

Chỉ định – Chống chỉ định

Tương tự như các loại thuốc chống trầm cảm khác, Citalopram thường được dùng để điều trị bệnh trầm cảm và giai đoạn giảm khí sắc trong các rối loạn tâm thần khác. Ngày nay, loại thuốc này được chỉ định trong điều trị các vấn đề sau:

  • Điều trị tấn công và củng cố đối với bệnh trầm cảm
  • Rối loạn hoảng sợ có hoặc không kèm hội chứng sợ khoảng trống

Theo nghiên cứu, Citalopram có hiệu quả tương tự như các loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) nhưng khả năng dung nạp vượt trội hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vì chi phí khá cao nên Citalopram thường là lựa chọn thứ 4 trong những trường hợp phải điều trị bằng SSRIs.

Ngoài trầm cảm và rối loạn hoảng sợ, Citalopram cũng có thể được sử dụng trong điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn tiền kinh nguyệt, hỗ trợ cai nghiện rượu, đau nửa đầu, bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh, rối loạn lo âu xã hội…

Việc gia tăng nồng độ serotonin ở hệ thần kinh trung ương có thể gây ra một số phản ứng bất lợi. Để đảm bảo an toàn, thuốc Citalopram chống chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc
  • Những người dị ứng với Escitalopram cũng cần cân nhắc nguy cơ dị ứng chéo với Citalopram
  • Hội chứng QT dài bẩm sinh hoặc trường hợp bị kéo dài khoảng QT do những nguyên nhân khác
  • Đang điều trị bằng Pimozide

Tốt nhất, nên trao đổi với bác sĩ các vấn đề sức khỏe, dị ứng thức ăn và thuốc (nếu có) để được cân nhắc có nên sử dụng thuốc điều trị trầm cảm Citalopram hay không.

Cách dùng và liều lượng thuốc Citalopram

Citalopram được sử dụng ở dạng uống. So với dạng dung dịch, dạng viên có tính tiện lợi cao, dễ đo lường liều nên được dùng phổ biến hơn.

Liều dùng thuốc Citalopram sẽ được cân chỉnh tùy theo tình trạng sức khỏe, mức độ đáp ứng và độ tuổi của bệnh nhân. Bên cạnh đó, tùy vào từng trường hợp, bác sĩ có thể hiệu chỉnh liều dựa trên kinh nghiệm lâm sàng.

Citalopram 20mg là thuốc gì
Có thể dùng Citalopram vào buổi sáng hoặc buổi tối đều được, không nhất thiết phải dùng trong bữa ăn

Người lớn:

Liều dùng trong điều trị trầm cảm (thường là trầm cảm điển hình hay còn gọi là rối loạn trầm cảm chủ yếu)

  • Liều khởi đầu 20mg/ lần/ ngày, xem xét mức độ đáp ứng và điều chỉnh liều sau 3 – 4 tuần.
  • Trường hợp đáp ứng kém có thể tăng liều 40mg/ ngày.
  • Sau điều trị tấn công (6 – 8 tuần), bệnh nhân cần dùng thuốc trong ít nhất 6 tháng để phòng ngừa triệu chứng.

Liều dùng trong điều trị rối loạn hoảng sợ:

  • Liều khởi đầu 10mg/ ngày
  • Sau vài tuần, xem xét tăng lên 10mg/ tuần cho đến khi đạt liều khuyến cáo 20 – 30mg/ ngày, một số trường hợp có thể tăng lên 40mg/ ngày.
  • Đối với bệnh nhân rối loạn hoảng sợ, Citalopram phải được dùng trong khoảng 3 tháng hoặc hơn. Hiệu quả có thể nhận thấy sau 2 – 4 tuần sử dụng.

Đối tượng khác:

Trẻ em: Citalopram không được khuyến cáo dùng cho người dưới 18 tuổi. Nếu phải sử dụng SSRIs, Fluoxetine thường sẽ được ưu tiên thay vì Citalopram.

Người cao tuổi: Người cao tuổi nên dùng liều thấp để hạn chế tác dụng phụ. Liều dùng khuyến cáo là 10 – 20mg/ ngày và liều lượng không quá 20mg/ ngày.

Người bị suy thận: Không cần giảm liều Citalopram cho bệnh nhân suy thận nhẹ và vừa. Trường hợp suy thận nặng sẽ được điều chỉnh liều dựa vào kết quả xét nghiệm chức năng thận.

Người chuyển hóa kém qua CYP2C19: Liều khởi đầu 10mg/ ngày trong 14 ngày, sau đó có thể tăng lên 20mg/ ngày tùy vào khả năng dung nạp.

Trái với các loại thuốc chống trầm cảm cũ, SSRIs nói chung và Citalopram nói riêng không phụ thuộc vào bữa ăn. Có thể dùng thuốc vào buổi tối hoặc buổi sáng đều được.

Tác dụng phụ của thuốc Citalopram

SSRIs được chứng minh an toàn hơn so với thuốc chống trầm cảm 3 vòng và thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs). Tuy nhiên, do Citalopram phải dùng trong một thời gian dài nên không thể tránh khỏi tác dụng ngoại ý.

Tác dụng phụ của thuốc Citalopram
Chán ăn, giảm vị giác… là tác dụng phụ thường gặp của thuốc Citalopram

Các tác dụng phụ thường gặp:

  • Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc buồn ngủ quá mức)
  • Chán ăn, giảm vị giác
  • Rối loạn chức năng tình dục (giảm ham muốn tình dục, xuất tinh sớm, rối loạn cương dương)
  • Rối loạn tiêu hóa (đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón, buồn nôn)
  • Khô miệng, ù tai, đánh trống ngực…
  • Đau cơ, đau khớp

Các tác dụng phụ ít gặp:

  • Rụng tóc
  • Mề đay, phát ban
  • Tăng ham muốn tình dục
  • Hưng cảm
  • Tăng vị giác, ăn uống quá mức, thừa cân
  • Suy giảm nhân cách
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Ảo giác

Tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Rối loạn vị giác
  • Rối loạn vận động
  • Viêm gan
  • Xuất huyết
  • Ho
  • Hạ natri huyết

Trên thực tế, thuốc Citalopram còn có thể gây ra một số tác dụng phụ khác. Khi gặp phải các biểu hiện bất thường, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cách xử trí. Nếu cần thiết, có thể phải giảm liều hoặc thay đổi loại thuốc để tránh các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Tương tác thuốc

Citalopram có thể tương tác với khá nhiều loại thuốc. Để đảm bảo an toàn, cần tránh sử dụng thuốc với các loại thuốc sau:

  • Thuốc chống đông máu: Dùng Citalopram với các loại thuốc có tác dụng chống đông như Aspirin, thuốc chống viêm không steroid (NSAID)… có thể gia tăng nguy cơ xuất huyết.
  • Thuốc gây giảm kali huyết: Sử dụng nhóm thuốc này với Citalopram có thể gây loạn nhịp tim ác tính. Để tránh phản ứng bất lợi, tốt nhất không nên sử dụng đồng thời.
  • Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs): Kết hợp MAOIs với thuốc Citalopram có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, trong đó có hội chứng serotonin.
  • Các loại thuốc khác: Thuốc kháng histamin, thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc chống loạn thần, thuốc chống loạn nhịp… khi dùng với Citalopram có thể gây kéo dài khoảng QT. Vì vậy, nên thận trọng khi dùng kết hợp – đặc biệt là với bệnh nhân có vấn đề tim mạch.
  • Thảo dược St John’s wort: Thảo dược St John’s wort cũng có tác dụng tăng nồng độ serotonin ở hệ thần kinh trung ương. Do đó, nên hạn chế phối hợp Citalopram với loại thảo dược này để tránh tác dụng không mong muốn.

Nhận biết và xử trí quá liều

Sử dụng Citalopram quá liều ít đe dọa đến tính mạng như thuốc chống trầm cảm 3 vòng và thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs). Dùng thuốc với liều cao sẽ gây ra tác dụng phụ với mức độ nghiêm trọng. Dấu hiệu quá liều là buồn ngủ, hôn mê, rối loạn nhịp tim, co giật, hội chứng serotonin, đổ mồ hôi, chóng mặt, kích động…

Đa phần quá liều các loại thuốc chống trầm cảm đều không có thuốc giải độc đặc hiệu. Vì vậy, bệnh nhân sẽ được rửa dạ dày, uống than hoạt nếu phát hiện sớm. Trường hợp phát hiện muộn sẽ được cân nhắc dùng thuốc nhuận tràng thẩm thấu.

Song song đó, bệnh nhân sẽ được điều trị triệu chứng và theo dõi các dấu hiệu sinh tồn cho đến khi ổn định hoàn toàn. Cần thiết có thể đặt nội khí quản để hỗ trợ đường thở.

Những lưu ý khi dùng thuốc trị trầm cảm Citalopram

Các loại thuốc điều trị trầm cảm đều phải dùng trong thời gian dài để phòng ngừa tái phát. Vì phải sử dụng lâu dài nên không thể tránh khỏi việc phát sinh tác dụng ngoại ý. Khi được chỉ định điều trị bằng thuốc Citalopram, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:

Tác dụng phụ của thuốc Citalopram
Cần theo sát bệnh nhân trong thời gian đầu điều trị bằng Citalopram để tránh hành vi tự sát
  • Citalopram có hiệu quả khá chậm (khoảng 4 – 8 tuần). Vì vậy, bệnh nhân cần kiên trì dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tùy tiện tăng liều hoặc ngưng sử dụng khi không nhận thấy hiệu quả.
  • Trong giai đoạn sớm, Citalopram có thể gia tăng ý nghĩ tự sát. Gia đình nên theo sát bệnh nhân để tránh những tình huống đáng tiếc.
  • Một số trường hợp rối loạn hoảng sợ xuất hiện trạng thái trầm cảm và lo âu khi dùng thuốc chống trầm cảm. Tình trạng này xảy ra chủ yếu trong 2 tuần điều trị và giải pháp phòng tránh là bắt đầu bằng liều thấp, sau đó tăng dần liều lên.
  • Cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân suy gan, thận, người cao tuổi (đặc biệt là nữ giới) khi dùng thuốc Citalopram.
  • Trong thời gian đầu sử dụng, Citalopram có thể gây ra hội chứng “đứng ngồi không yên” hay còn gọi là hội chứng Akathisia. Hội chứng này thể hiện qua một số triệu chứng như lo lắng, bồn chồn, đứng ngồi không yên…
  • Khi dùng Citalopram trong điều trị rối loạn lưỡng cực, bệnh nhân có thể chuyển sang trạng thái hưng cảm. Lúc này, cần ngưng thuốc để tránh các hành vi liều lĩnh, ngông cuồng…
  • Bệnh nhân có các vấn đề tim mạch phải được đo điện tâm đồ trước khi dùng thuốc. Trong quá trình sử dụng nếu có biểu hiện rối loạn nhịp tim phải ngưng thuốc kịp thời.
  • Người bị rối loạn điện giải cần được khôi phục điện giải trước khi điều trị bằng Citalopram.
  • Hội chứng ngừng thuốc chống trầm cảm có thể xảy ra khi ngưng sử dụng Citalopram một cách đột ngột. Hội chứng này gây ra một số triệu chứng như đổ mồ hôi, đánh trống ngực, tiêu chảy, lo âu… Để phòng ngừa phản ứng cai thuốc, cần giảm liều từ từ trong vài tuần cho đến vài tháng trước khi ngưng hẳn.
  • Dùng Citalopram có thể gây tăng kích thước đồng tử dẫn đến giãn đồng tử. Vì vậy, người bị glaucoma góc đóng và tiền sử tăng huyết áp không nên dùng thuốc.
  • Citalopram có thể dùng cho phụ nữ mang thai nếu lợi ích cao hơn nguy cơ. Nếu bắt đầu dùng thuốc trong 3 tháng cuối thai kỳ, cần sử dụng kéo dài cho đến giai đoạn sau sinh. Tránh ngưng thuốc đột ngột khi đang mang thai.
  • Citalopram có thể bài tiết vào sữa mẹ, nếu cần thiết, cần ngưng cho con bú mới có thể điều trị bằng loại thuốc này.
  • Dù rượu không làm ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc nhưng bệnh nhân điều trị bằng Citalopram không được khuyến cáo dùng đồ uống chứa cồn.

Thuốc Citalopram có giá bao nhiêu?

Thuốc Citalopram 20mg hãng Stella có giá 142.000 Đ/ hộp 30 viên. Giá bán của thuốc có thể chênh lệch ít nhiều dựa vào hãng sản xuất và đơn vị kinh doanh.

Tác dụng phụ của thuốc Citalopram
Citalopram là thuốc kê toa nên chỉ được cung cấp khi có toa của bác sĩ

Thuốc Citalopram điều trị trầm cảm được bán tại các nhà thuốc tư nhân, nhà thuốc của bệnh viện và phòng khám. Vì đây là loại thuốc kê toa nên dược sĩ chỉ cung cấp thuốc trong trường hợp có toa của bác sĩ.

Citalopram là một trong những loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến hiện nay. Khác với các loại thuốc cùng nhóm, khả năng tương tác của thuốc Citalopram rất thấp nên được ưu tiên dùng cho người có bệnh lý kèm theo và bệnh nhân cao tuổi. Dù vậy trước khi sử dụng, bệnh nhân vẫn nên trang bị kiến thức để dùng thuốc an toàn, hạn chế tối đa tác dụng ngoại ý.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ăn đồ ngọt có làm giảm Stress
Ăn đồ ngọt có làm giảm Stress, căng thẳng, mệt mỏi hay không?

Mỗi khi căng thẳng, mệt mỏi chúng ta thường có thói quen ăn một ít đồ ngọt để cải thiện tâm trạng tốt hơn. Tuy...

trầm cảm sau phá thai
Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh

Phá thai, dù với bất cứ nguyên nhân nào, đều gây ảnh hưởng tâm lý trầm trọng đến thai phụ. Cảm giác tội lỗi, căng...

trầm cảm không điển hình
Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

Trầm cảm không điển hình có những biểu hiện khác biệt so với trầm cảm bình thường. Người bệnh có thể cải thiện tâm trạng...

12 Cách quản lý tâm trạng giúp bạn vượt qua rối loạn cảm xúc

Quản lý tâm trạng là “mấu chốt” để vượt qua rối loạn cảm xúc. Nếu đang có những xáo trộn về mặt tinh thần, bạn...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh