Rối loạn lo âu xã hội (SAD): Dấu hiệu, Chẩn đoán & Hướng điều trị
Rối loạn lo âu xã hội là một dạng rối loạn lo âu phổ biến hiện nay khiến cho nhiều người cảm thấy lo sợ tột độ đối với các tình huống xã hội thông thường. Họ cảm thấy sợ hãi khi được nhiều người chú ý, nhạy cảm quá mức với những lời phê bình nên có xu hướng tránh né giao tiếp, không muốn gặp gỡ và trò chuyện với bất kỳ ai.
Rối loạn lo âu xã hội (SAD) là gì?
Rối loạn lo âu xã hội hay còn được viết tắt là SAD – Social Anxiety Disorde là một dạng rối loạn lo âu vô cùng phổ biến với đặc trưng là nỗi sợ hãi quá mức kéo dài dai dẳng đối với các tình huống xã hội. Người bệnh luôn cảm thấy căng thẳng, lo lắng thái quá khi bị người khác nhìn hoặc bị phê bình.
Trong thực tế thì cảm giác lo lắng khi đứng trước đám đông hoặc đối diện với những lời khiển trách của người khác là trạng thái vô cùng bình thường mà mỗi chúng ta đều có thể trải qua. Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh rối loạn lo âu thì họ sẽ cảm thấy vô cùng sợ hãi, lo lắng, bất an và bối rối dữ dội khi có nhiều ánh mắt hướng về mình, họ luôn ở trong trạng thái lo sợ bị mọi người đánh giá, soi xét.
Người bệnh có thể ý thức rõ về sự phi lý của nỗi sợ nhưng họ cảm thấy vô cùng bất lực khi không thể kiểm soát và vượt qua chúng. Những nỗi lo sợ, căng thẳng kéo dài tột độ khiến cho bệnh nhân không còn hứng thú đối với bất kỳ hoạt động nào của đời sống, họ dần trở nên cô lập trong xã hội.
Cũng chính bởi sự bận tâm quá mức đối với những lời nhận xét của mọi người xung quanh nên người bệnh rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, nhạy cảm với các tình huống xã hội. Chính vì thế mà họ có xu hướng tránh né và lẫn trốn các hoạt động xã hội, không muốn giao tiếp và tương tác với bất kỳ ai, không tham gia vào các sự kiện hoặc đến những nơi đông người.
Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của bệnh nhân, làm cho công việc, học tập và cả những hoạt động hàng ngày của họ bị hạn chế, suy giảm đáng kể. Rối loạn lo âu xã hội kéo dài và không được hỗ trợ can thiệp hiệu quả sẽ khiến cho cuộc sống của người bệnh dần bị tàn phá dữ dội.
Dựa vào số liệu nghiên cứu thì các triệu chứng của rối loạn lo âu xã hội thường xuất phát nhiều trong giai đoạn từ 10 đến 19 tuổi và rất hiếm có trường hợp khởi phát muộn sau năm 25 tuổi. Đặc biệt hơn, chứng rối loạn này sẽ có nguy cơ phát triển cao hơn ở nữ giới, tỷ lệ chiếm gấp khoảng 2 lần so với nam giới.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn lo âu xã hội
Mỗi người bệnh sẽ trải qua rối loạn lo âu xã hội theo những cách khác nhau. Đối với những tình huống riêng biệt, nỗi sợ của họ sẽ có xu hướng thay đổi với các triệu chứng khó dự đoán trước.
Cụ thể, người bệnh thường cảm thấy lo sợ và hoảng loạn khi nói chuyện với người lạ, khi đứng trước nhiều người, khi hẹn hò, giao tiếp bằng ánh mắt, khi đi dự tiệc, ăn uống trước mặt người lạ. Thậm chí một số trường hợp còn không dám sử dụng nhà vệ sinh công cộng, lo sợ khi đến trường hoặc nơi làm việc và họ hoàn toàn không chủ động để bắt chuyện với người khác.
Khi phải đối diện với những tình huống gây căng thẳng hoặc thậm chí chỉ nghĩ về nó, người bệnh cũng có thể xuất hiện các triệu chứng rối loạn lo âu xã hội như:
- Cảm thấy căng thẳng, lo lắng quá mức và không thể tự kiểm soát cảm xúc của chính mình, không biết cách vượt qua nó.
- Trạng thái lo sợ, bất an về những tình huống xã hội sẽ liên tục kéo dài trong nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng.
- Luôn cảm thấy bản thân đang là trung tâm của mọi sự chú ý.
- Luôn có dự đoán tiêu cực và phán đoán trước về các hậu quả tồi tệ có thể diễn ra.
- Cảm thấy lo sợ quá mức về việc bản thân sẽ bị bẽ mặt, xấu hổ trước mặt người khác.
- Lo lắng về những lời bình phẩm, nhận xét của mọi người xung quanh.
- Luôn có cảm giác bản thân đang làm sai một điều gì đó mà sau mỗi lần tương tác xã hội, họ sẽ luôn bị giằng xé, phân vân về những điều đã từng làm.
- Có xu hướng sử dụng rượu bia, thuốc lá hoặc các chất kích thích để giảm căng thẳng.
Bên cạnh đó, người bệnh rối loạn lo âu xã hội cũng sẽ có kèm theo một số biểu hiện thể chất như:
- Tim đập nhanh liên hồi, rối loạn nhịp tim.
- Hơi thở khó khăn, thở gấp.
- Chóng mặt, đau đầu, choáng váng.
- Căng cơ, đau nhức cơ thể.
- Rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, tiêu chảy.
- Ra nhiều mồ hôi, mặt nóng bừng.
- Buồn nôn, nôn.
- Đau tức ở vùng thượng vị.
- Giọng nói run rẩy, không thể nói hoặc nói quá nhanh, nói không rõ ràng.
- Có xu hướng tránh né các tình huống xã hội.
Nếu tình trạng rối loạn lo âu xã hội khởi phát ở trẻ em thì trẻ cũng có nhiều khả năng sẽ xuất hiện các triệu chứng như:
- Thường xuyên quấy khóc dữ dội, phản kháng.
- Dễ kích động, cáu gắt, mất kiểm soát.
- Có xu hướng bám lấy ba mẹ, không chịu tách rời, đặc biệt là khi ra ngoài.
- Trẻ không chịu đến trường.
Các triệu chứng của rối loạn lo âu xã hội có thể xuất hiện khác nhau trong nhiều tình huống riêng biệt. Ngoài ra, nó cũng có khả năng thay đổi theo thời gian, có thể gia tăng và trở nên nghiêm trọng nếu người bệnh liên tục phải đối diện với các tình huống xã hội gây căng thẳng.
Việc tránh né các tình huống xã hội có thể giúp người bệnh giảm bớt căng thẳng nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời và chỉ duy trì được trong khoảng thời gian ngắn. Trạng thái lo lắng, sợ hãi vẫn sẽ tiếp tục kéo dài và phát triển mạnh mẽ nếu người bệnh không được hỗ trợ can thiệp, điều trị tốt.
Nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu xã hội
Các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác về nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn lo âu xã hội ở nhiều người bệnh. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm nghiên cứu cùng với các thông tin khảo sát thực tế, chuyên gia cũng nhận thấy rằng di truyền và các yếu tố môi trường, xã hội có thể liên quan đến nguy cơ khởi phát căn bệnh nguy hiểm này.
Cụ thể một số nguyên nhân thường được nhắc đến khi chẩn đoán rối loạn lo âu xã hội như:
- Yếu tố di truyền: Trong rất nhiều các nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, rối loạn lo âu xã hội hoặc các dạng rối loạn lo âu khác đều có liên quan đến yếu tố di truyền. Theo đó, nếu trong gia đình có người thân từng có tiền sử mắc bệnh thì những thành viên còn lại sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với thông thường. Dựa vào số liệu thống kê cũng nhận thấy, phần lớn những người mắc phải SAD đều có người thân từng gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan.
- Do sang chấn, tổn thương từ thơ ấu: Các trải nghiệm tồi tệ và tiêu cực đã từng xảy ra trong quá khứ cũng có thể là nguyên nhân thúc đẩy phát triển các triệu chứng của rối loạn lo âu xã hội. Nếu một người từng bị bạo hành gia đình, bạo lực học đường, lạm dụng tình dục, tai nạn nghiêm trọng, mất người thân thì sẽ có nhiều khả năng bị SAD.
- Mất cân bằng Serotonin: Các chuyên gia cho biết rằng, những sự bất thường về thể chất cũng có thể góp phần lớn trong việc hình thành chứng rối loạn này. Sự mất cân bằng serotonin bên trong cơ thể sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh và kiểm soát tâm trạng và gây nên những cảm xúc tiêu cực.
- Ảnh hưởng từ môi trường sống: Rối loạn lo âu xã hội có khả năng bị ảnh hưởng bởi môi trường sống. Một đứa trẻ có thể gia tăng tỷ lệ mắc bệnh nếu trẻ thường xuyên học hỏi theo các hành vi rối loạn của ba mẹ hoặc được nuôi dạy một cách không lành mạnh, chẳng hạn như quá được bảo bọc và kiểm soát nghiêm ngặt.
Rối loạn lo âu xã hội có thể khởi phát do một hoặc sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau. Các biểu hiện diễn biến khá phức tạp khiến cho quá trình can thiệp và điều trị cũng gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, nếu có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh thì các bác sĩ chuyên khoa cũng sẽ đưa ra được các biện pháp áp dụng phù hợp, từ đó giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe, giảm thiểu các triệu chứng nguy hiểm hiệu quả. Vì thế, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ bản thân mắc bệnh, bạn cần chủ động trong việc tiến hành thăm khám và đánh giá sức khỏe để được hỗ trợ hiệu quả hơn.
Rối loạn lo âu xã hội ảnh hưởng như thế nào?
Trong thực tế thì những nỗi lo lắng và căng thẳng của người bệnh rối loạn lo âu xã hội phần lớn không gây ảnh hưởng quá mức đối với sức khỏe. Bên cạnh đó, họ cũng có thể giảm thiểu các triệu chứng lo âu bằng cách liên tục tránh né những tình huống giao tiếp xã hội, từ chối tham gia vào các hoạt động gây căng thẳng hoặc thậm chí tự nhốt mình trong phòng.
Tuy nhiên, đây chỉ được xem là biện pháp hỗ trợ tạm thời và người bệnh không thể hoàn toàn lẩn tránh tất cả các sự kiện, hoạt động xã hội. Tình trạng này gây nên nhiều ảnh hưởng đối với đời sống, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân khiến họ không thể học tập, làm việc và phát triển bản thân.
Đặc trưng của người bệnh rối loạn lo âu đó chính là cảm giác căng thẳng và lo lắng tột độ khi phải đối diện với những tình huống xã hội. Họ luôn lo sợ việc người khác nhìn hoặc phán xét, đánh giá bản thân và khó có thể giao tiếp, duy trì tương tác tốt với bất kỳ ai.
Cũng chính vì thế mà người bệnh dù hiểu rằng sự lo sợ của bản thân là vô lý nhưng họ vẫn không thể vượt qua được chúng, không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia. Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy, có đến hơn 30% các trường hợp bệnh rối loạn lo âu xã hội từ chối việc tiến hành thăm khám và không tiến hành điều trị bệnh trong tối thiểu 10 năm đầu.
Không những thế, những nỗi lo lắng, sợ hãi kéo dài còn khiến cho người bệnh dần mất niềm tin vào bản thân, họ trở nên bất lực, mệt mỏi, trầm cảm. Nỗi sợ có thể khiến họ bị mất kiểm soát về hành vi, dễ bị chi phối khi giao tiếp và gây nên nhiều ảnh hưởng đối với các mối quan hệ xã hội, làm rạn nứt những tình cảm tốt đẹp.
Những người mắc phải chứng rối loạn lo âu xã hội thường không thể đảm bảo tốt quá trình học tập và làm việc của mình. Họ có xu hướng lẩn trốn và tránh né việc phải đến trường, đến nơi làm việc và làm cho cuộc sống bị suy giảm nghiêm trọng.
Tình trạng này nếu không sớm được can thiệp và hỗ trợ tốt sẽ làm cho người bệnh gia tăng các suy nghĩ tiêu cực, thậm chí có thể tự thực hiện các hành vi làm tổn thương bản thân. Ngoài ra, những người mắc phải chứng bệnh này sẽ có nhiều xu hướng lạm dụng rượu bia, chất kích thích, chất gây nghiện nhằm giảm thiểu trạng thái căng thẳng, lo âu.
Rối loạn lo âu xã hội nặng còn có khả năng làm gia tăng tỷ lệ tự sát ở người bệnh, họ khó có thể kiểm soát hành vi của bản thân và muốn tìm đến cái chết để giải tỏa các cảm xúc tiêu cực. Đây được xem là hậu quả nghiêm trọng cần được phòng tránh tốt ở người bệnh SAD, bệnh nhân cần được chăm sóc và hỗ trợ thường xuyên để khắc phục tốt các ảnh hưởng của bệnh.
Ngoài ra, các chuyên gia còn cho biết thêm, những biểu hiện lo lắng, căng thẳng quá mức của rối loạn lo âu cứ liên tục kéo dài sẽ khiến cho sức khỏe thể chất của bệnh nhân. Khi lo lắng, người bệnh sẽ liên tục xuất hiện các triệu chứng cơ thể khiến cho hoạt động của tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, huyết áp, cơ không được đảm bảo tốt.
Cách chẩn đoán rối loạn lo âu xã hội
Để chẩn đoán rối loạn lo âu xã hội, các bác sĩ chuyên khoa thường sẽ dựa vào các triệu chứng đặc trưng của bệnh, xem xét các tình huống gây căng thẳng để có được kết luận lâm sàng. Hiện nay, căn bệnh này cũng được hỗ trợ chẩn đoán dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế như DSM-5 hoặc ICD-10.
Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được hỏi về tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình, thực hiện các bài test đánh giá. Bác sĩ chuyên khoa cũng sẽ tiến hành một vài xét nghiệm cần thiết để loại bỏ tốt các yếu tố có thể làm khởi phát những triệu chứng tương tự, từ đó đưa ra chẩn đoán cụ thể và rõ ràng nhất cho mỗi tình trạng bệnh khác nhau.
Hướng điều trị hiệu quả rối loạn lo âu xã hội
Quá trình điều trị rối loạn lo âu xã hội cần phải có sự kiên trì và áp dụng tốt các biện pháp can thiệp hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng bệnh khác nhau. Đây là một dạng rối loạn lo âu phổ biến và hiện nay cũng có rất nhiều các phương pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả giúp bệnh nhân kiểm soát tốt các cơn lo lắng phi lý và dần loại bỏ tốt các yếu tố gây sợ hãi, căng thẳng.
Để cải thiện tốt sức khỏe cho người bệnh rối loạn lo âu xã hội, các bác sĩ thường ứng dụng các biện pháp sau:
1. Liệu pháp tâm lý
Hầu hết các trường hợp bệnh rối loạn lo âu nói chung hay rối loạn lo âu xã hội nói riêng đều được hỗ trợ áp dụng hiệu quả phương pháp trị liệu tâm lý. Đây là cách can thiệp an toàn không sử dụng đến thuốc điều trị, thay vào đó sẽ dùng ngôn ngữ là công cụ chính để tương tác, khai thác và điều chỉnh cảm xúc, hành vi của con người.
Thông qua quá trình trị liệu, bệnh nhân sẽ dần hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bản thân, nhận thức cụ thể về mức độ nguy hiểm của các tình huống xã hội để giảm bớt sự lo lắng, căng thẳng. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được trang bị thêm các kỹ năng cần thiết, nâng cao sự tự tin và các biện pháp đối phó, phản ứng với những tình huống khó khăn để phòng tránh nguy cơ tái phát.
Khi lựa chọn trị liệu tâm lý, người bệnh sẽ được tiến hành song song giữa các buổi trao đổi trực tiếp cùng chuyên gia và hướng dẫn về những biện pháp can thiệp tại nhà, thực hiện những bài tập về nhà để giúp thích ứng tốt với các tình huống xã hội. Đối với từng tình trạng bệnh khác nhau, chuyên gia cũng sẽ đưa ra các liệu can thiệp khác nhau, phổ biến nhất là liệu pháp nhận thức và hành vi, liệu pháp cá nhân, liệu pháp gia đình,…
2. Sử dụng thuốc điều trị
Một số loại thuốc giảm lo âu, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm có thể được chỉ định sử dụng cho các trường hợp bệnh rối loạn lo âu xã hội ở mức độ vừa và nặng. Nếu các triệu chứng lo lắng biểu hiện quá mức và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày hay sức khỏe của người bệnh thì sẽ được hỗ trợ kiểm soát tốt bằng phương pháp dùng thuốc.
Các loại thuốc được chỉ định sử dụng có tác dụng hiệu quả trong việc làm thuyên giảm những triệu chứng nguy hiểm của bệnh, giúp kiểm soát căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng. Tùy vào tình trạng bệnh và sự đáp ứng của mỗi người mà bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc để lựa chọn những loại thuốc phù hợp nhất.
Thuốc thường có tác dụng khá chậm, thường từ 2 đến 4 tuần mới thực sự phát huy tác dụng nên người bệnh cần kiên trì sử dụng đúng theo liệu trình và yêu cầu của bác sĩ. Khi mới bắt đầu sử dụng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc với liều lượng thấp và theo dõi sự đáp ứng của cơ thể người bệnh. Nếu nhận thấy không có bất kỳ các biểu hiện bất thường nào xảy ra và các biểu hiện của bệnh dần được kiểm soát tốt thì bác sĩ sẽ cân nhắc gia tăng liều lượng để hỗ trợ tốt hơn cho quá trình điều trị.
3. Áp dụng các biện pháp hỗ trợ tại nhà
Chế độ sinh hoạt hàng ngày của người bệnh cũng là một trong các yếu tố góp phần quan trọng đối với việc phục hồi sức khỏe, cải thiện chứng rối loạn lo âu xã hội. Bệnh nhân cần phải chú ý nhiều hơn đến các thói quen sinh hoạt của bản thân, xây dựng và duy trì lối sống tích cực, điều chỉnh suy nghĩ để nhanh chóng loại bỏ tốt các cảm xúc sai lệch và tiêu cực.
Vì thế, song song với việc thực hiện nghiêm ngặt theo các phương pháp chỉ định của chuyên gia thì bệnh nhân SAD cần phải áp dụng hiệu quả các biện pháp hỗ trợ sau:
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng thông qua các thực phẩm ăn uống hàng ngày, chú ý ăn nhiều rau xanh, các loại hoa quả giàu vitamin có lợi cho sức khỏe. Khi cơ thể được cung cấp hàm lượng dưỡng chất cần thiết sẽ giúp cho hoạt động của não bộ và các cơ quan khác của cơ thể được vận hành tốt hơn, từ đó cải thiện tốt sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
- Tập luyện thể dục thể thao cũng là một trong các thói quen luôn được chuyên gia khuyến khích áp dụng, nhất là ở những người bệnh rối loạn lo âu xã hội. Trong nhiều nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, nếu chúng ta duy trì chế độ vận động lành mạnh sẽ giúp giải phóng hàm lượng hormone tạo hạnh phúc, từ đó giảm căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi hiệu quả và an toàn.
- Học cách sắp xếp và lên kế hoạch cụ thể cho các công việc cần phải thực hiện mỗi ngày để tránh tình trạng áp lực, căng thẳng quá mức khi phải xử lý nhiều việc cùng lúc.
- Dành thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của bạn.
- Chú ý đến giấc ngủ và duy trì giấc ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày. Nếu cảm thấy khó ngủ, bạn hãy thử vệ sinh và sắp xếp lại phòng ngủ theo phong cách mới, đơn giản, gọn gàng hơn hoặc áp dụng các biện pháp cải thiện mất ngủ như thiền đình, massage cơ thể, ngâm chân với nước ấm, sử dụng tinh dầu thơm để giấc ngủ được dễ dàng và sâu hơn.
- Tuyệt đối không sử dụng rượu bia, thuốc lá hoặc bất kỳ chất kích thích nào để tránh làm cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng và làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị.
- Bệnh nhân cần phải học cách đối phó với sự căng thẳng, từng bước tham gia và gặp gỡ những người xung quanh để dần loại bỏ nỗi sợ phi lý của chính mình.
- Đăng ký tham gia các hội nhóm dành riêng cho những người mắc bệnh rối loạn lo âu xã hội để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về cách điều trị hiệu quả.
Bài viết trên đây đã chia sẻ một số thông tin về chứng rối loạn lo âu xã hội. Mong rằng bạn đọc sẽ biết thêm một số chi tiết về bệnh và có cách phòng tránh, can thiệp hiệu quả ngay từ những giai đoạn đầu tiên của bệnh.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!