Hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở người lớn
Không chỉ ảnh hưởng đến trẻ em mà hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý còn có thể khởi phát ở người lớn, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ. Bệnh được đặc trưng bởi sự kết hợp giữa các triệu chứng giảm tập trung, chú ý và các hành vi tăng động, bốc đồng quá mức gây cản trở đến hiệu suất công việc và các hoạt động đời sống của bệnh nhân.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là gì?
Rối loạn tăng động giảm chú ý hay còn được gọi tắt là ADHD là một dạng rối loạn phát triển thần kinh thường xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng vẫn có nguy cơ khởi phát ở người trưởng thành. Bệnh gây ra sự suy giảm nghiêm trọng về khả năng chú ý, tập trung cùng với các hành vi hiếu động quá mức.
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì tình trạng rối loạn này thường sẽ khởi phát ngay từ sớm, các biểu hiện của bệnh thường xuất hiện trước năm 7 tuổi và tiếp tục kéo dài cho đến khi trưởng thành. Có không ít các trường hợp ADHD không được chẩn đoán cho đến khi trưởng thành, gây nên nhiều khó khăn, cản trở đối với quá trình học tập, làm việc, sinh hoạt của bệnh nhân.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn
Các biểu hiện rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn thường rất khó nhận biết hơn so với trẻ nhỏ. Cũng bởi, tình trạng tăng động có thể dần được thuyên giảm và kiểm soát theo thời gian nhưng bệnh nhân thường vẫn phải đối diện với các hành vi bốc đồng, khó chịu, bồn chồn và mất tập trung.
Theo nhận định của các chuyên gia thì các triệu chứng của ADHD ở người trưởng thành cũng dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần khác, chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi,….Việc chẩn đoán bệnh ở người lớn thường mất nhiều thời gian và cần phải được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tốt về kết quả, từ đó giúp cho quá trình can thiệp hiệu quả hơn.
Cụ thể một số biểu hiện thường gặp ở các trường hợp tăng động giảm chú ý khi trưởng thành như:
- Thường có những hành vi bốc đồng, kích động quá mức.
- Thiếu tính tổ chức, ngăn nắp.
- Có xu hướng trì hoãn công việc, các dự định cụ thể và có nhiều khả năng thay đổi ý định, công việc để lựa chọn những hoạt động cần ít sự nỗ lực.
- Khó khăn trong việc tự sắp xếp, quản lý thời gian của bản thân.
- Không thể tuân thủ theo các quy định, quy tắc cụ thể.
- Thường không chú ý đến các chi tiết nhỏ, dễ phạm phải sai lầm, thiếu sót.
- Luôn thường trực cảm giác lo lắng, căng thẳng, bồn chồn, bất an.
- Dư thừa năng lượng quá mức, khó kiểm soát được hành vi của bản thân.
- Tâm trạng thay đổi liên tục, dễ cáu gắt, nóng giận, bực tức, manh động.
- Khó có thể duy trì sự chú ý vào bất kỳ công việc nào.
- Gặp khó khăn trong việc lắng nghe và làm theo hướng dẫn của người khác.
- Có xu hướng nói nhanh, nói liên tục, nói to và hay chen ngang vào lời nói của mọi người xung quanh.
- Trí nhớ bị suy giảm, hay mất đồ, quên trước quên sau.
- Khó duy trì các mối quan hệ lành mạnh.
- Lòng tự trọng thấp
Có không ít các trường hợp người bệnh không thể nhận biết được tình trạng sức khỏe của bản thân, họ cho rằng đó chính là những thách thức, khó khăn trong cuộc sống mà họ phải vượt qua. Theo lời khuyên của bác sĩ thì khi nhận thấy các triệu chứng bất thường nêu trên kéo dài liên tục và làm suy giảm chất lượng đời sống thì bệnh nhân nên tiến hành thăm khám để chẩn đoán cụ thể, chi tiết hơn.
Nguyên nhân gây ra hội chứng ADHD ở người trưởng thành
Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn hiện vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân, các nhà khoa học vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và tìm kiếm lý do tác động đến sức khỏe của con người. Tuy nhiên, qua quá trình nỗ lực, các chuyên gia cũng có thể chia sẻ về một số yếu tố nguy cơ có khả năng làm khởi phát tình trạng ADHD như:
- Di truyền: Một vài nghiên cứu đã chỉ ra gen là một trong các yếu tố có khả năng gia tăng tỷ lệ mắc phải chứng tăng động giảm chú ý. Theo đó, họ cho biết rằng chứng rối loạn này mang tính di truyền. Cụ thể là nếu trong gia đình có người thân từng mắc bệnh thì khả năng cao các thành viên còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng.
- Ảnh hưởng từ môi trường: ADHD ở người lớn cũng có nhiều nguy cơ bị tác động bởi môi trường sống, đặc biệt là ở thời thơ ấu. Nếu họ liên tục sinh sống trong môi trường ô nhiễm, độc hại, thường xuyên tiếp với với chì thì ADHD sẽ có khả năng được hình thành.
- Vấn đề trong quá trình phát triển: Tăng động giảm chú ý ở người lớn sẽ gia tăng tỷ lệ nếu xảy ra các vấn đề với hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là trong các giai đoạn quan trọng của quá trình phát triển.
- Một số yếu tố tác động khác: Quá trình mang thai mẹ bầu lạm dụng nhiều các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá, thuốc,…), sinh non cũng sẽ khiến cho ADHD có nhiều nguy cơ khởi phát.
Nhìn chung, phần lớn các tình trạng tăng động giảm chú ý ở người lớn đều có sự tiến triển ngay từ những năm tháng đầu đời. Các trường hợp này không được chẩn đoán sớm và kéo dài cho đến tuổi trưởng thành. Ngoài ra, những biểu hiện của bệnh cũng dần thuyên giảm theo thời gian nên thường không được chú ý hoặc dễ nhầm lẫn với cá vấn đề sức khỏe khác, khiến cho quá trình chẩn đoán, can thiệp trở nên chậm trễ.
Tăng động giảm chú ý ở người lớn có ảnh hưởng như thế nào?
Tăng động giảm chú ý ở người lớn tuy không có biểu hiện rõ ràng, cụ thể như trẻ em nhưng những ảnh hưởng, tác động của nó đối với sức khỏe, đời sống là vô cùng to lớn. Theo đó, những người mắc bệnh thường khó có thể duy trì tốt công việc của bản thân, họ dễ mắc phải sai lầm, khó tập trung và thường rơi vào cảnh thất nghiệp.
Cũng chính vì thế mà nhiều người bệnh thường khó khăn trong việc đảm bảo nguồn thu nhập, kinh tế của bản thân, họ gặp cản trở đối với các hoạt động đời sống. Một số tình trạng không thể tiến đến hôn nhân vì các vấn đề tài chính, khả năng xây dựng các mối quan hệ cũng sẽ yếu kém hơn so với thông thường.
Hơn thế, những hành vi bốc đồng của người bệnh còn có xu hướng liên quan đến pháp luật. Họ không chỉ có xu hướng lạm dụng chất kích thích mà còn có khả năng thực hiện những hành vi manh động như cướp giật, hành hung, đe dọa, phá hoại tài sản của người khác.
Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy rằng, phần lớn những người mắc phải chứng tăng động giảm chú ý khi tham gia giao thông sẽ có nhiều nguy cơ gây tai nạn do họ khó khăn trong việc tập trung. Hơn thế, các vấn đề ảnh hưởng cứ liên tục kéo dài kèm theo những cảm xúc rối loạn khiến cho bệnh nhân dần hình thành những suy nghĩ tiêu cực, nguy cơ phát triển trầm cảm, rối loạn lo âu tăng cao, thậm chí có nhiều trường hợp muốn tự sát.
Mặc dù rằng ADHD không gây nên những ảnh hưởng trực tiếp đối với tâm lý của người bệnh nhưng nó có nhiều khả năng xảy ra cùng lúc với các rối loạn khác khiến cho tình trạng bệnh lý càng trở nên khó khăn, nghiêm trọng hơn. Cụ thể như:
- Rối loạn lo âu: Rất nhiều các trường hợp rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng tột độ khiến cho tình trạng bệnh trở nên nặng nề hơn.
- Rối loạn khí sắc: Người lớn bị ADHD thường cảm thấy buồn bã, chán nản, trầm cảm, rối loạn cảm xúc.
- Rối loạn tâm thần khác: Bệnh nhân cũng có nhiều nguy cơ mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần khác như rối loạn sử dụng chất gây nghiện, rối loạn nhân cách,…
Tình trạng ADHD ở người trưởng thành cần được can thiệp và khắc phục trong giai đoạn sớm. Mặc dù căn bệnh này không thể được điều trị tận gốc nhưng việc áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp sẽ giúp hạn chế tối đa các hệ lụy nguy hiểm mà bệnh gây ra.
Chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn
Như đã chia sẻ, các biểu hiện tăng động giảm chú ý ở người lớn thường khó phát hiện và nhận biết chính xác như trẻ nhỏ. Mặc dù các triệu chứng thường khởi phát sớm ở thời thơ ấu và tiến triển kéo dài đến khi trưởng thành nhưng trong giai đoạn này các biểu hiện có thể dần thuyên giảm, trở nên mờ nhạt nên việc chẩn đoán sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn.
Hiện nay vẫn chưa có bất kỳ phương pháp xét nghiệm đơn lẻ nào có khả năng giúp nhận biết, xác định ADHD. Vì thế, để chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh lý này, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành một số cách như sau:
- Thăm khám thực thể: Mục đích chính để giúp loại bỏ các nguyên nhân, bệnh lý khác có khả năng gây ra những triệu chứng tương tự như ADHD.
- Khai thác thông tin: Bác sĩ có thể hỏi về tình trạng sức khỏe, thăm khám về các triệu chứng, tiền sử bệnh lý gia đình, cá nhân,…
- Sử dụng thang đánh giá ADHD: Người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện bài kiểm tra tâm lý, thang đánh giá để có được chẩn đoán chính xác hơn.
Hướng điều trị ADHD cho người trưởng thành
Điều trị tăng động giảm chú ý ở người trưởng thành cũng sẽ áp dụng các biện pháp can thiệp tương tự như những trường hợp khởi phát ở trẻ nhỏ. Bệnh nhân sẽ được kết hợp nhiều biện pháp khác nhau, chủ yếu là trị liệu tâm lý, sử dụng thuốc và cải thiện tại nhà.
Dưới đây là một số thông tin chi tiết cụ thể về các biện pháp giúp cải thiện ADHD ở người lớn:
1. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý luôn được sử dụng trong hầu hết các trường hợp can thiệp dành cho người bệnh tăng động giảm chú ý, đặc biệt là ở người trưởng thành. Đây là quá trình hỗ trợ điều chỉnh cảm xúc, nhận thức, hành vi thông qua ngôn ngữ giao tiếp để bệnh nhân dần kiểm soát tốt sự bốc đồng, hung hăng, tăng động quá mức của bản thân.
Mục đích chính của quá trình can thiệp này đó chính là giúp cho bệnh nhân nhận thức ra những hành vi, triệu chứng bất thường, kém lành mạnh của bản thân. Đồng thời, giúp họ nâng cao những kỹ năng đối phó, quản lý lại thời gian, sự tập trung, cải thiện lòng tự trọng để dần phát triển các mối quan hệ, xây dựng đời sống ổn định hơn.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được hỗ trợ trang bị thêm các kỹ năng kiểm soát cảm xúc, ngăn chặn những cơn thịnh nộ, kích động quá mức để tránh gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống. Quá trình trị liệu tâm lý đối với bệnh nhân ADHD sẽ được áp dụng các liệu pháp riêng biệt nhằm đáp ứng tốt với tình trạng sức khỏe của mỗi người.
Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp mắc bệnh ở người trưởng thành sẽ được cân nhắc để can thiệp bằng các liệu pháp hiệu quả sau:
- Liệu pháp nhận thức và hành vi (CBT): Người bệnh sẽ dần nhận thức rõ hơn về các cảm xúc, hành vi sai lệch của bản thân và biết cách sửa đổi, điều chỉnh theo chiều hướng tích cực, lành mạnh hơn. Nhờ thế mà họ có thể dễ dàng giải quyết tốt các cản trở, khó khăn xảy ra trong đời sống hàng ngày, đồng thời hạn chế sự ảnh hưởng từ các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
- Liệu pháp gia đình: Gia đình, người thân chính là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cho các trường hợp tăng động giảm chú ý ở người lớn. Phương pháp này sẽ giúp người thân trong gia đình hiểu rõ hơn về tình trạng ADHD và hỗ trợ người bệnh tốt hơn trong việc kiểm soát stress, cải thiện khả năng giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày.
2. Dùng thuốc
Thuốc cũng được xem là một trong các phương pháp hỗ trợ cải thiện hiệu quả đối với các trường hợp tăng động giảm chú ý ở người lớn. Thông thường, việc dùng thuốc không được chỉ định phổ biến đối với trẻ em để tránh gây ra những tổn thương, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Tuy nhiên, đối với các trường hợp người trưởng thành bị ảnh hưởng quá lớn bởi ADHD thì sẽ được cân nhắc kê đơn thuốc với liều lượng phù hợp để khống chế tốt các triệu chứng nghiêm trọng. Thuốc không có tác dụng điều trị tận gốc, loại bỏ nguyên nhân nhưng mang đến hiệu quả tích cực trong quá trình kiểm soát, thuyên giảm biểu hiện tồi tệ của ADHD.
Cụ thể một số loại thuốc thường được chỉ định cho người mắc chứng ADHD như:
- Thuốc kích thích: methylphenidate hoặc amphetamine
- Thuốc không kích thích: atomoxetine, guanfacine
- Thuốc chống trầm cảm: bupropion
Người bệnh sẽ được kê đơn thuốc với liều lượng thấp để đánh giá về sự phù hợp, hiệu quả của từng loại thuốc sau đó có sự điều chỉnh, thay đổi phù hợp đối với từng bệnh nhân cụ thể. Việc dùng thuốc cần được tuân thủ đúng theo các chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
3. Thay đổi lối sống, can thiệp tại nhà
Ngoài việc áp dụng tốt các biện pháp điều trị thì người bệnh ADHD cũng cần phải chú ý nhiều hơn trong việc cải thiện thói quen sinh hoạt, xây dựng lối sống lành mạnh và tích cực hơn. Cụ thể, một số lời khuyên dành cho các bệnh nhân tăng động giảm chú ý như:
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, tích cực tham gia các hoạt động thư giãn, giải trí lành mạnh ngoài trời.
- Bổ sung đa dạng các loại thực phẩm ăn uống hàng ngày, tăng cường ăn nhiều rau củ quả, các loại thịt cá chứa nhiều chất dinh dưỡng. Đồng thời cần hạn chế và tránh xa các món ăn chứa nhiều chất độc hại, thức ăn nhanh không có lợi cho sức khỏe.
- Chất lượng giấc ngủ cũng cần được duy trì ổn định, đối với người trưởng thành cần ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày.
- Tìm hiểu và trang bị thêm các kỹ năng thư giãn lành mạnh ngay tại nhà, ví dụ như tập yoga, thiền định, hít thở sâu, sử dụng tinh dầu thơm, uống trà thảo mộc,…
- Cải thiện khả năng tập trung, chú ý, trí nhớ bằng cách sử dụng ghi chú để nhắc nhở về các công việc cần phải thực hiện.
- Đặt ra mục tiêu, kế hoạch cụ thể để tránh tình trạng xao nhãng, trì hoãn.
- Cởi mở hơn trong việc chia sẻ, tâm sự và trò chuyện cùng những người thân bên cạnh để tạo dựng lại các mối quan hệ lành mạnh.
Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn tuy hiếm gặp hơn trẻ nhỏ nhưng các ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe, đời sống của người bệnh rất nghiêm trọng. Hy vọng qua thông tin của bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về ADHD và có cách phát hiện, can thiệp hiệu quả, giúp phòng tránh tốt các hệ lụy nguy hiểm về sau.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!