Rối loạn phân ly là bệnh gì? Có nguy hiểm không? Cách điều trị hiệu quả
Rối loạn phân ly là một tình trạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng khiến người bệnh mất kết nối với cuộc sống, mất kiểm soát cảm xúc và hành vi. Người bị rối loạn phân ly không còn giữ được sự liên kết bình thường giữa ký ức, suy nghĩ với hành động, và môi trường xung quanh, từ đó sinh ra những hành vi mất tự chủ, gây ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh.
Rối loạn phân ly là bệnh gì?
Rối loạn phân ly là một nhóm các rối loạn tâm thần nghiên trọng ảnh hưởng đến 0,3 – 0,5 % dân số, với đối tượng chủ yếu là người trẻ và nữ giới. Tình trạng này xảy ra ở nữ giới với tỉ lệ cao hơn nhiều so với nam giới, và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh.
Rối loạn phân ly là một nhóm các tính trạng được đề cập đến trong ICD-10 với nhiều biểu hiện khác nhau. Môt người có thể bị ảnh hưởng bởi một hay nhiều những tình trạng này, và với những mức độ khác nhau. Một số dạng rối loạn phân ly tiêu biểu trong ICD-10 bao gồm:
- Quên phân ly: Quên phân ly là tình trạng mất trí nhớ có chọn lọc và theo thời gian. Người bệnh thường quên những sự kiện vừa xảy ra gần đây theo từng phần, không phải quên hết toàn bộ mà chỉ tập trung vào một số điểm chính. Những sự kiện bị lãng quên thường liên quan đến những vấn đề ác liệt, ám ảnh như tai nạn, cưỡng bức, sự kiện tang tóc, người chết,… và xảy ra bất ngờ khiến người bệnh bị chấn thương tâm lý nặng nề.
- Trốn nhà phân ly: Trốn nhà phân ly bao gồm việc trốn nhà có chủ đích nhằm thoát khỏi nơi ở quen thuộc, cùng với các triệu chứng của quên phân ly. Trong một số trường hợp đặc biệt, người bệnh có biểu hiện quên hoàn toàn chứ không quên một phần. Người bệnh trong tình trạng này sẽ đi rất xa khỏi phạm vi thường lui tới, nhưng hành vi của họ không có dấu hiệu bất thường nếu chủ nhìn thoáng qua.
- Sững sờ phân ly: Sững sờ phân ly là một dạng mất tự chủ, sụt giảm phản ứng trước những tác nhân kích thích mà không tìm ra nguyên nhân cụ thể. Người bệnh không có các vận động tự ý, không phản ứng nhanh nhạy và bình thường trước âm thanh, ánh sáng, hành vi đụng chạm và các tác nhân kích thích khác ngoài môi trường.
- Rối loạn lên đồng và bị xâm nhập: Rối loạn tâm thần đặc trưng bởi sự mất kết nối của người bệnh với ý thức của bản thân, và mất kết nối với cả môi trường xung quanh. Tình trạng này xảy ra một cách tự nhiên, không mong muốn và không liên quan đến những vấn đề văn hóa, tôn giáo.
- Rối loạn vận động phân ly: Đây là dạng rối loạn vận động khiến một bộ phận trên cơ thể, một phần của một chi, hoặc toàn bộ chi mất khả năng vận động bình thường. Tình trạng này bao gồm cả rối loạn phát âm và tình trạng mất tiếng.
- Co giật phân ly: Người bệnh mắc co giật phân ly có thể duy trì ý thức, hoặc tiến vào trạng thái rối loạn lên đồng hay sững sờ phân ly. Rối loạn phân ly này có các triệu chứng tương tự động kinh, nhưng rất hiếm trường hợp có biểu hiện cắn lưỡi hoặc tiêu không tự chủ như động kinh điển hình.
- Tê và mất cảm giác phân ly: Tê và mất cảm giác phân ly khiến người bệnh cảm thấy mất dần những giác quan của bản thân. Ví dụ, người bệnh cảm thấy giảm thị lực, thính lực, giảm khứu giác, vị giác và xúc giác với nhiều mức độ khác nhau. Nguyên nhân của tình trạng này không bắt nguồn từ bất thường trong chức năng của cơ thể, mà do suy nghĩ và cảm nhận của người bệnh. Một trong những biểu hiện cụ thể của chứng này là điếc tâm sinh, tức điếc do chướng ngại tâm lý chứ không phải do thính giác có vấn đề.
Có thể thấy, những biểu hiện của rối loạn này rất đa dạng với nhiều mức độ khác nhau. Trong nhiều trường hợp, rối loạn phân ly (quên phân ly, trốn nhà phân ly, rối loạn lên đồng,…) là cách cơ thể phản ứng, chống chọi với những sang chấn tâm lý quá lớn. Tuy nhiên cũng có trường hợp rối loạn phân ly khởi phát đột ngột, vô căn.
Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh
Hiện nay chưa có những bằng chứng khoa học rõ ràng và chính xác để xác định nguyên nhân của rối loạn phân ly. Có những trường hợp bệnh kích phát vô căn, không rõ nguyên do khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đưa ra một số yếu tố có khả năng kích phát tình trạng này.
- Sự suy yếu của vỏ não: Vỏ não đảm nhiệm nhiều chức năng như tiếp nhận tín hiệu từ môi trường bên ngoài thông qua các giác quan, tạo và lưu trữ kí ức, điều khiển tư duy và nhiều chức năng trong cơ thể. Khi vỏ não bị suy yếu, rối loạn và hoạt động bất thường do kích thích, chấn thương, hay nguyên nhân không xác định, tất cả những chức năng của bộ phận này sẽ bị ảnh hưởng, và làm tăng hoạt động vùng dưới vỏ não. Những yếu tố này có thể góp phần làm xuất hiện các triệu chứng rối loạn phân ly ở người.
- Thần kinh yếu: Những người có thần kinh yếu, chịu kích thích kém, nhạy cảm, dễ bị căng thẳng, và thường bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và hành vi của những người xung quanh là đối tượng dễ kích phát rối loạn phân ly hơn những người khác. Nguyên nhân là do tinh thần và thể chất của người bệnh kém thích nghi với kích thích và cảm xúc tiêu cực, từ đó dễ sinh ra những vấn đề tinh thần nghiêm trọng.
- Chấn thương tâm lý: Những sang chấn tâm lý ở trẻ em và giai đoạn trưởng thành đều có thể là yếu tố kích phát rối loạn phân ly. Những cảm xúc mang tính kích động mạnh như đau khổ, hoảng loạn, sốc, thất vọng, tức giận, hoảng sợ, đau đớn, nhục nhã,… do người bệnh bị hành hạ, đánh đập, lạm dụng thể xác và tinh thần, hoặc tận mắt chứng kiến những sự kiện gây kinh hoàng. Những biểu hiện của hội chứng này có thể xảy ra ngay sau chấn thương tâm lý, hoặc thời gian ngắn sau sự kiện xảy ra.
- Phản ứng dây chuyền: Những biểu hiện của rối loạn phân ly có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền và gây nên tình trạng rối loạn phân ly tập thể. Sự kiện toàn bộ nữ tu trong tu viện kêu tiếng mèo ở nước Pháp vào thời Trung Cổ, hoặc dịch nhảy múa năm 1518 ở Strasbourg, dịch cười Tanganyika vào năm 1962 ở một trường nội trú nữ đều là những trường hợp điển hình của hội chứng này. Điểm chung ở tất cả trường hợp này là rối loạn phân ly xảy ra ở một cá nhân, và nhanh chóng lan truyền sang những người khác cùng cùng môi trường sinh hoạt, và chịu những áp lực giống nhau.
Ngoài ra những trường hợp người bệnh nhiễm độc, nhiễm khuẩn, chấn thương đầu cũng có thể là yếu tố kích phát hội chứng rối loạn phân ly. Người bệnh sẽ có nhiều biểu hiện và triệu chứng khác nhau tùy vào dạng rối loạn phân ly mắc phải, bao gồm những triệu chứng thường thấy như sau:
- Có những khoảnh khắc sững sờ, mất kết nối giữa ý thức và môi trường xung quanh
- Có hiện tượng mất trí nhớ tạm thời, có thể quên một phần, quên những sự kiện đặc biệt
- Không thể khống chế cảm xúc và hành vi của bản thân
- Cảm nhận về mọi thứ xung quanh bị biến dạng, có cảm giác không thật, không giống như bình thường
- Rối loạn cảm xúc và giác quan, không thể khống chế khi đối diện với căng thẳng
- Có những biểu hiện lạ bao gồm rối loạn vận động như co giật từng cơn, cười lớn, la hét, gào thét, nhảy múa không ngừng, ngất xỉu, nó lắp bắp, nói không rõ, điếc phân ly, mất vị giác, đau những bộ phận cơ thể như ngực, bụng, nhức đầu, chóng mặt,…
- Có những cơn cuồng loạn tập thể, hành vi kỳ lạ không rõ nguyên do giống như bị vong nhập
Xem thêm: Chứng cuồng loạn Hysteria là gì? Bạn biết gì về hội chứng này?
Rối loạn phân ly có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần, gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống. Những biểu hiện của hội chứng này có thể xảy ra trong thời gian dài hay ngắn, liên tục hoặc không liên tục tùy vào tình trạng của từng người. Vậy, rối loạn phân ly có nguy hiểm không? Và ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe?
Hội chứng này có nguy hiểm hay không?
Rối loạn phân ly có thể gây ra những vấn đề tâm thần nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần người bệnh nếu không được phát hiện và cải thiện kịp thời. Những biến chứng của tình trạng rối loạn phân ly bao gồm nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần, và nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần khác như:
- Rối loạn nhân cách
- Rối loạn chức năng tính dục, giảm ham muốn hoặc tăng ham muốn bất thường
- Dễ mắc các dạng rối loạn lo âu như rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi,…
- Trầm cảm, có biểu hiện tự tổn hại bản thân, thậm chí là tự sát
- Gặp nhiều vấn đề trong giao tiếp, có thể gây hiểu lầm, mâu thuẫn với những người xung quanh dẫn đến những sự việc đáng tiếc.
- Mất khống chế cảm xúc gây ra những vấn đề nghiêm trọng
- Thường xuyên bỏ bữa và mất ngủ, ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất
- Năng suất học tập và lao động giảm mạnh do suy giảm trí nhớ, tinh thần không tỉnh táo, thường xuyên sửng sờ, thất thần
Những biểu hiện của rối loạn phân ly gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, và có tác động ít nhiều đến trạng thái tinh thần tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Chính vì thế những người mắc hội chứng này cần được điều trị sớm và theo đúng phác đồ của bác sĩ để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực.
Cách điều trị rối loạn phân ly hiệu quả
Rối loạn phân ly được điều trị chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý, kết hợp với dùng thuốc, và những liệu pháp điều trị tại nhà. Liệu pháp ám thị trong điều trị tâm lý được sử dụng phổ biến, và mang đến hiệu quả cao. Trong những tình huống người bệnh có phản ứng quá khích, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc để giảm nhẹ triệu chứng.
Liệu pháp ám thị sẽ giúp giảm nhẹ ám ảnh, hạn chế những triệu chứng quá khích của rối loạn phân ly. Quá trình điều trị tâm lý cần được thực hiện trong thời gian dài, kiên trì điều trị, và người bệnh cần hợp tác với bác sĩ để đảm bảo hiệu quả trị liệu tốt nhất. Tất cả mọi người cần đối xử với người bệnh với thái độ bình thường và thông cảm.
Việc đối xử phân biệt, chế giễu và xa lánh người bị rối loạn phân ly có thể khiến tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Gia đình và người thân cũng cần giúp đỡ và thấu hiểu cho người bệnh để tăng hiệu quả trị liệu. Sự hỗ trợ từ người thân và bạn bè có thể giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
Bên cạnh việc điều trị tâm lý, bác sĩ sẽ có những biện pháp hỗ trợ như thôi miên, xoa bóp, bấm huyệt, điều trị bằng các biện pháp nghệ thuật để thư giãn tâm lý, loại bỏ những triệu chứng có hại. Các chuyên gia cũng khuyến cáo người bệnh tăng cường thể dục thể thao để cải thiện tinh thần và thể chất.
Việc dùng thuốc sẽ được chỉ định trong những trường hợp bệnh nhân có triệu chứng loạn thần, mất trí nhớ, mất kiểm soát hành vi, cảm xúc, trầm cảm, rối loạn lo âu,… nghiêm trọng để hỗ trợ điều trị tốt hơn. Những loại thuốc được sử dụng bao gồm: thuốc chống trầm cảm, thuốc trị rối loạn lo âu, thuốc chẹn beta, và một số loại thuốc khác nếu cần.
- Thuốc chống trầm cảm: Các loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến bao gồm SSRI, SNRI và thuốc chống trầm cảm ba vòng. Trong đó thuốc chống trầm cảm loại mới SSRI, SNRI có hiệu quả và ít gây tác dụng phụ hơn nên được sử dụng phổ biến. Nếu bệnh nhân không phản ứng tốt với hai loại thuốc này, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc chống trầm cảm ba vòng.
- Thuốc chống lo âu: Những loại thuốc chống lo âu thường dùng là diazepam, lorazepam,alprazolam,… có tác dụng giúp bệnh nhân giải quyết tình trạng mất ngủ, hoảng hốt, lo âu.
- Thuốc chẹn beta
Việc sử dụng thuốc cần có sự đồng ý của bác sĩ và tuân thủ đúng lời dặn dò. Người bệnh không được tự ý thay đổi liều lượng thuốc, kéo dài thời gian uống thuốc, hoặc dừng thuốc, đổi thuốc một cách đột ngột mà chưa được sự cho phép của bác sĩ. Nếu làm trái phát đồ điều trị, tình trạng bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Rối loạn phân ly là một chứng rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần người bệnh, khiến họ có những hành vi cuồng loạn, kỳ lạ, bất thường. Tình trạng bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và cải thiện kịp thời. Do đó, người bệnh nên tiếp nhận trị liệu càng sớm càng tốt để hạn chế ảnh hưởng có hại.
Có lẽ bạn quan tâm:
- Rối Loạn Nhân Cách Kịch Tính (HPD): Biểu hiện và hướng điều trị
- Rối loạn giải thể nhân cách là gì? Biểu hiện, chuẩn đoán và điều trị
- Rối loạn nhân cách phân liệt: Bệnh tâm lý cần điều trị sớm
- Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm: Triệu chứng, cách điều trị bệnh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!