Rối Loạn Nhân Cách: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

Rối loạn nhân cách là thuật ngữ chung chỉ các đặc điểm tính cách khác thường gây khó khăn trong việc thích nghi, hòa nhập cuộc sống. Các đặc tính nhân cách nếu không được điều chỉnh sẽ gây ra nhiều vấn đề trong các mối quan hệ cá nhân, công việc và nguy cơ cao phát triển các rối loạn tâm thần thứ phát.

rối loạn nhân cách
Rối loạn nhân cách là thuật ngữ chung chỉ các đặc điểm tính cách khác biệt hoàn toàn so với phần đông dân số

Rối loạn nhân cách là gì?

Nhân cách là đặc điểm tính cách mang đậm dấu ấn cá nhân và các đặc điểm này sẽ có sự thay đổi tùy vào cách giáo dục, tác động của môi trường, di truyền, thể chế xã hội hiện hành… Nhân cách chỉ được coi là hoàn thiện khi đủ 18 tuổi.

Rối loạn nhân cách (Personality Disorders) được định nghĩa là tập hợp các trạng thái để biệt định những đối tượng có cách ứng xử, hành vi, lối sống khác biệt hoàn toàn so với phần đông dân cư. Các triệu chứng mang hơi hướng tâm thần nhưng không đủ tiêu chuẩn để đưa ra chẩn đoán rối loạn tâm thần đặc trưng.

Nói một cách dễ hiểu hơn, rối loạn nhân cách là những dạng tính cách khác thường gây ra nhiều cản trở, khó khăn trong cuộc sống. Những người bị rối loạn nhân cách có sự đáp ứng kém linh hoạt với các tình huống, phản ứng có phần cứng nhắc, máy móc và đôi khi lặp đi lặp lại.

Rối loạn nhân cách được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1809 bởi Bác sĩ tâm thần người Pháp Philippe Pinel. Tuy nhiên ở thời kỳ đầu, rối loạn này mang được đặt những cái tên vô cùng nhạy cảm như Manie sans délire (khùng không đi kèm với hoang tưởng), Mono manie (khùng đơn thuần)…

Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu, rối loạn nhân cách đã được nhìn nhận đúng bản chất và đã được phân loại thành 10 dạng khác nhau vào năm 1923. Từ đó đến nay, định nghĩa về rối loạn nhân cách không có sự thay đổi nhiều, chủ yếu hoàn thiện hơn về tiêu chí chẩn đoán và tập trung nghiên cứu về hiệu quả lâm sàng của các phương pháp điều trị.

Ước tính có khoảng 6 – 11.1% dân số có vấn đề về rối loạn nhân cách. Trong số đó, chỉ có ½ bệnh nhân được chẩn đoán và tiếp cận với các phương pháp điều trị. Nâng cao hiểu biết về rối loạn này sẽ  góp phần tăng tỷ lệ bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe tâm thần và cải thiện chất lượng cuộc sống chung cho toàn bộ dân số.

Phân loại rối loạn nhân cách

Rối loạn nhân cách được Bác sĩ Tâm thần Kurt Schneider chia thành 3 nhóm với 10 dạng nhân cách khác nhau. Hiện nay, DSM (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần) cũng sử dụng cách phân loại này để chẩn đoán, điều trị.

Các loại rối loạn nhân cách
Dựa vào biểu hiện lâm sàng, rối loạn nhân cách được chia thành 3 nhóm là nhóm A, B và C

1. Rối loạn nhân cách nhóm A

Nhóm A đặc trưng bởi dạng tính cách lập dị, kỳ quái bao gồm:

  • Rối loạn nhân cách hoang tưởng
  • Rối loạn nhân cách phân liệt
  • Rối loạn nhân cách dạng phân liệt

Rối loạn nhân cách nhóm A thường gặp nhiều hơn ở nam giới với tỷ lệ dao động từ 0.5 – 3% dân số chung. Nguy cơ cao hơn ở những người có tiền sử gia đình bị tâm thần phân liệt và rối loạn hoang tưởng.

2. Rối loạn nhân cách nhóm B

Nhóm B nổi trội với cảm xúc bất định, kịch tính và xung động gồm có:

Rối loạn nhân cách nhóm B có tỷ lệ cao hơn, dao động từ 1 – 3% dân số thế giới. Tỷ lệ không chênh lệch quá nhiều ở nam và nữ giới. Nhóm B thường phát triển ở những trường hợp có tiền sử gia đình bị rối loạn cảm xúc, rối loạn cơ thể hóa, rối loạn hành vi, rối loạn tăng động giảm chú ý…

3. Rối loạn nhân cách nhóm C

Nhóm C đặc trưng bởi tính cách âu lo, bạc nhược và phụ thuộc bao gồm:

  • Rối loạn nhân cách phụ thuộc
  • Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế
  • Rối loạn nhân cách né tránh

Ước tính có khoảng 1% dân số gặp phải rối loạn nhân cách nhóm C. Đa phần các rối loạn ở nhóm này đều gặp nhiều ở nam giới, phát triển chủ yếu ở những người sống trong môi trường thiếu lành mạnh, giáo dục không đúng cách…

Đặc điểm của các dạng rối loạn nhân cách

Có tổng cộng 10 kiểu rối loạn nhân cách được đề cập và công nhận trong DSM. Mỗi dạng rối loạn nhân cách sẽ có biểu hiện lâm sàng khác biệt nhưng nhìn chung đều gây ra những khó khăn, cản trở nhất định trong cuộc sống.

1. Rối loạn nhân cách hoang tưởng

Rối loạn nhân cách hoang tưởng (Paranoid Personality Disorder – PPD) thuộc rối loạn nhân cách nhóm A, đặc trưng bởi sự nghi ngờ dai dẳng, quá mức và không thể lý giải. Người có dạng nhân cách này thường không tin tưởng bất kỳ ai và luôn cho rằng những người xung quanh có ý định hãm hại, đánh lừa bản thân.

Rối loạn nhân cách hoang tưởng còn được biết đến với những cái tên như nhân cách Paranoid, nhân cách hoang tưởng. Tỷ lệ chiếm khoảng 0.5 – 2.5% dân số thế giới, nguy cơ cao hơn ở nam giới – đặc biệt là những đối tượng có tiền sử gia đình bị rối loạn hoang tưởng và tâm thần phân liệt.

Triệu chứng rối loạn nhân cách
Người có dạng nhân cách hoang tưởng luôn nghi ngờ những người xung quanh và gần như không tin tưởng bất cứ ai

Các đặc điểm của rối loạn nhân cách hoang tưởng:

  • Thường trực cảm giác nghi ngờ đối với tất cả mọi người, cho rằng những người xung quanh luôn có ý xấu, muốn lừa dối hoặc gây hại cho bản thân.
  • Lối sống kín kẽ, ít chia sẻ vì sợ rằng người khác sẽ sử dụng bí mật của bản thân để chống lại mình.
  • Nghi ngờ sự thủy chung của bạn đời, sự trung thành của các cộng sự, bạn bè.
  • Luôn cảm thấy sự đe dọa, ẩn ý trong lời nói của mọi người (mặc dù những lời nói này hoàn toàn không có ý đe dọa hay mang bất cứ ý nghĩa tiêu cực nào).
  • Hay để bụng và không tha thứ cho người mà họ tin rằng đã lừa dối, sỉ nhục mình.
  • Có phản ứng cuồng nộ, gay gắt khi cảm thấy ai đó đang sỉ nhục, hạ danh dự, uy tín của bản thân.

Rối loạn nhân cách hoang tưởng có tiên lượng đa dạng. Một số trường hợp có thể phục hồi tốt sau khi dùng thuốc và trị liệu tâm lý. Mặt khác cũng có nhiều bệnh nhân gặp trở ngại trong công việc, các mối quan hệ và phát triển các rối loạn tâm thần thứ phát.

2. Rối loạn nhân cách phân liệt

Rối loạn nhân cách phân liệt (Schizoid Personality Disorder – ScPD) hay nhân cách Schizoid cũng thuộc nhóm rối loạn nhân cách nhóm A. Tỷ lệ mắc bệnh tương đối cao và nam gấp đôi nữ, tần suất đặc biệt cao ở những gia đình có người bị tâm thần phân biệt.

Rối loạn nhân cách phân biệt Schizoid có đặc điểm là sống tách biệt, cảm xúc nghèo nàn, ít khi bộc lộ tâm trạng và gần như không quan tâm đến những người xung quanh. Những người phát triển dạng nhân cách này thường yêu thích đặc biệt với một số lĩnh vực và đồ vật.

Rối loạn nhân cách là gì
Rối loạn nhân cách phân liệt đặc trưng bởi cảm xúc cùn mòn, sống thờ ơ, lãnh đạm và không có nhu cầu tạo dựng quan hệ với bất kỳ ai

Các đặc điểm thường thấy ở người bị rối loạn nhân cách phân liệt:

  • Sống xa cách, tách biệt với tất cả mọi người bao gồm người thân và cả bạn bè.
  • Có rất ít các mối quan hệ, bạn bè thường là những người kết giao từ khi còn nhỏ.
  • Ưa thích các hoạt động chỉ có một mình, ít có cảm giác hứng thú với bất cứ hoạt động tập thể nào
  • Rất ít hoặc thậm chí không có ham muốn tình dục.
  • Một số người cảm thấy thích thú, gắn bó với một món đồ nào đó.
  • Có niềm đam mê đặc biệt với những lịch vực như triết học, thiên văn, toán học.
  • Ngay cả khi được khen ngợi, phê bình hay chỉ trích, tâm trạng dường như không có sự thay đổi và thường tỏ ra thờ ơ, không quan tâm.
  • Cảm nhận rõ sự tách biệt với mọi người, cảm xúc cùn mòn, không bộc lộ tâm trạng vui vẻ, lạc quan hay thất vọng, buồn rầu.

Nhân cách phân liệt có tiên lượng đa dạng nhưng thường rất khó hồi phục và cải thiện. Trường hợp không được can thiệp có thể phát triển thành trầm cảm, rối loạn hoang tưởng và tâm thần phân liệt.

3. Rối loạn nhân cách dạng phân liệt

Rối loạn nhân cách dạng phân liệt (Schizotypal Personality Disorder – STPD) hay nhân cách Schizotypique thuộc rối loạn nhân cách nhóm A. Dạng nhân cách này dễ bị nhầm lẫn với rối loạn nhân cách phân liệt.

Các chuyên gia tin rằng, rối loạn nhân cách dạng phân liệt là thể nhẹ của tâm thần phân liệt. Tỷ lệ cao hơn ở nam giới và thường gặp ở đối tượng có tiền sử gia đình bị tâm thần phân liệt. Nhân cách dạng phân liệt đặc trưng bởi sự kỳ quái, lập dị, suy nghĩ khác người, thường rất sùng đạo và mê tín. Khả năng giao tiếp có khiếm khuyết, thường nói năng ẩn dụ khó hiểu, sử dụng các từ ngữ kỳ quái.

nguyên nhân rối loạn nhân cách
Rối loạn nhân cách dạng phân liệt đặc trưng bởi tư duy kỳ quái, lập dị, hoang tưởng liên tưởng và hành vi khác người

Các đặc điểm thường thấy của người bị rối loạn nhân cách dạng phân liệt:

  • Hoang tưởng liên hệ
  • Suy nghĩ huyền tưởng về các thế lực siêu nhiên, thần linh dẫn đến các hành vi không phù hợp hoặc tin rằng bản thân là người có khả năng ngoại cảm, tiên tri.
  • Có các vấn đề bất thường về tri giác, ảo tưởng các biểu hiện của cơ thể như tin rằng bản thân có giác quan thứ sáu.
  • Hành vi khác người, không phù hợp.
  • Có khiếm khuyết về giao tiếp xã hội, thường dùng những từ ngữ mơ hồ, khó hiểu, nói năng cầu kỳ và thường xuyên lặp lại một vài câu nói kiểu cách, dị thường.
  • Luôn có suy nghĩ bản thân là người bị hại và hoài nghi những người xung quanh
  • Cảm xúc nghèo nàn, cùn mòn, cũng có nhiều trường hợp biểu lộ cảm xúc đa dạng nhưng đa phần đều không phù hợp với hoàn cảnh.
  • Tư duy, hành vi khác thường nên có rất ít bạn bè – trừ một số người bạn kết giao từ khi còn nhỏ.
  • Vì luôn sợ bị người khác hãm hại nên thường có tâm lý lo lắng khi giao tiếp với người khác – kể cả người thân. Tâm lý lo lắng này không bắt nguồn từ cảm giác thiếu tự tin hay e ngại.

Rối loạn nhân cách dạng phân liệt có tiên lượng thường xấu, nhiều khả năng sẽ tiến triển thành tâm thần phân liệt, Tỷ lệ tự sát cao chiếm khoảng 10%.

4. Rối loạn nhân cách ranh giới

Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder – BPD) có tỷ lệ chiếm khoảng 2% dân số chung. Dạng nhân cách này có vài nét tương đồng với các rối loạn nhân cách nhóm B khác. Nhưng đặc biệt nổi trội với cảm xúc cực kỳ không ổn định, tự hạ thấp bản thân, thường trực nỗi sợ bị bỏ rơi và dễ rơi vào trạng thái nóng giận cực độ trước sự chỉ trích hoặc từ chối của người khác.

Rối loạn nhân cách ranh giới là dạng rối loạn nhân cách thường gặp nhất với tỷ lệ cao hơn ở nữ giới. Dạng nhân cách này thường gặp ở người có gia đình bị rối loạn khí sắc hoặc tiền sử lạm dụng chất.

nguyên nhân rối loạn nhân cách
Rối loạn nhân cách ranh giới đặc trưng bởi cảm xúc không ổn định, xung động, mù mờ về giá trị của bản thân…

Các đặc điểm thường thấy của người bị rối loạn nhân cách ranh giới:

  • Lo âu, quá nhạy cảm về việc bị ai đó bỏ rơi.
  • Khi đối phương từ chối hoặc thể hiện ý muốn kết thúc mối quan hệ, xung động mạnh mẽ làm bùng phát các hành vi giận dữ cực độ, không thể kiểm soát.
  • Có thể thực hiện hành vi tự hủy hoại, thậm chí tự sát để níu giữ mối quan hệ.
  • Mù mờ về hình ảnh của bản thân, không xác định được mục tiêu phấn đấu, nghề nghiệp và các giá trị mà bản thân hướng đến.
  • Khi người khác tỏ ra không quan tâm hoặc từ chối điều mà họ đề nghị, lập tức họ sẽ có hành vi hạ bệ, chì chiết, trách móc đối phương một cách thậm tệ.
  • Người có dạng nhân cách ranh giới thường có tư duy trắng đen (tư duy tuyệt đối hóa). Tức là họ cho rằng mỗi người/ sự việc sẽ chỉ có 2 mặt là tốt và xấu. Một hành vi không vừa ý đủ để họ mạt sát, chấm dứt mối quan hệ với đối phương.
  • Thường xuyên có cảm giác trống rỗng, lo âu bất định.
  • Có biểu hiện xung động, thôi thúc thực hiện để giải tỏa ham muốn tức thì như ăn uống quá mức, nghiện ngập, quan hệ tình dục quá mức, tiêu xài hoang phí…
  • Cảm xúc thiếu ổn định, có khi lo âu, bồn chồn, có khi lại hưng phấn quá độ

5. Rối loạn nhân cách kịch tính

Rối loạn nhân cách kịch tính (Histrionic Personality Disorder – HPD) hay còn gọi là nhân cách Hysteria. Dạng nhân cách này được xếp vào rối loạn nhân cách nhóm B với đặc điểm nổi bật là cảm xúc không ổn định, kịch tính hóa, thích được quan tâm và nuông chiều.

Tỷ lệ rối loạn nhân cách kịch tính chiếm từ 2 – 3% dân số và nguy cơ cao hơn ở nữ giới. Dạng nhân cách này thường gặp ở người bị rối loạn khí sắc, rối loạn cơ thể hóa, nghiện rượu… Đặc điểm rõ rệt nhất của nhân cách kịch tính là dễ bị ám thị, có nguy cơ phát triển chứng cuồng loạn Hysteria.

Các đặc điểm thường thấy ở người bị rối loạn nhân cách kịch tính:

  • Thích trở thành trung tâm và cảm thấy không thoải mái khi trong các tình huống mà bản thân không được chú ý.
  • Thường sử dụng ngoại hình, điệu bộ có phần quyến rũ để tạo ấn tượng với người khác.
  • Cảm xúc bộc lộ với cường độ cao, dễ thay đổi.
  • Cường độ cảm xúc quá mức, có xu hướng bi kịch hóa.
  • Cách giao tiếp có phần phô trương, vĩ mô nhưng nội dung thường nghèo nàn, sáo rỗng.
  • Dễ bị ám thị bởi môi trường và những người xung quanh.
  • Nhìn nhận các mối quan hệ đều thân thiết hơn so với thực tế.
  • Thích được nuông chiều, quan tâm.

Do dễ bị ám thị nên người bị rối loạn nhân cách kịch tính dễ phát triển các rối loạn tâm thần thứ phát như chứng cuồng loạn Hysteria, rối loạn cơ thể hóa, rối loạn tình dục, trầm cảm…

6. Rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial Personality Disorder – ASPD) là một trong bốn loại rối loạn nhân cách nhóm B. Tỷ lệ khoảng 0.5 – 1% dân số thế giới, trong đó chiếm 3% nam giới và 1% ở nữ giới.

Đặc điểm của rối loạn nhân cách chống đối xã hội là không thể hòa nhập với các chuẩn mực xã hội, đạo đức, hành vi có khuynh hướng bạo lực, lừa dối để đạt được mục đích. Những người có dạng nhân cách này thường chỉ nghĩ đến bản thân, không biết quan tâm và không hiểu được nỗi đau của người khác.

các dạng rối loạn nhân cách
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là dạng rối loạn nhân cách nguy hiểm nhất và tiên lượng thường không khả quan

Các chuyên gia thấy rằng, rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường gặp ở những người có đời sống kinh tế – xã hội thấp, từng bị rối loạn hành vi, tăng động giảm chú ý khi còn nhỏ. Rối loạn này được chẩn đoán cho người ít nhất 18 tuổi nhưng phần lớn các hành vi bất thường đã có từ trước năm 15 tuổi.

Các đặc điểm thường thấy của người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội:

  • Coi thường quyền lợi, thân thể, danh dự của người khác.
  • Không từ bất cứ thủ đoạn hay hành vi lừa dối nào để đạt được mục đích.
  • Không tuân thủ các chuẩn mực xã hội, bao gồm pháp luật và chuẩn mực đạo đức.
  • Có các hành vi bộc phát mà không nghĩ đến hậu quả như thường xuyên gây hấn, phá hoại tài sản chung, nghiệp ngập…
  • Coi thường sự an toàn của người khác và chỉnh bản thân.
  • Thái độ sống hời hợt, không biết chia sẻ, thấu hiểu và đồng cảm với người khác.
  • Người có dạng nhân cách chống đối xã hội thường không biết hối hận – ngay cả khi hành vi của bản thân khiến người khác bị tổn thương nghiêm trọng.
  • Vô trách nhiệm, gần như không thể duy trì một công việc lâu dài. Tính cách này cũng gây ra khó khăn trong việc lập gia đình và duy trì các mối quan hệ.

Những người phát triển dạng nhân cách chống đối xã hội thường trở thành tội phạm, tham gia các băng đảng cướp bóc, sử dụng chất gây nghiện… Phụ nữ có thể trở thành gái mại dâm hoặc tham gia vào đường dây mua dâm. Nhìn chung, tiên lượng cho rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường không khả quan.

7. Rối loạn nhân cách ái kỷ

Rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder – NPD) còn được biết đến với những cái tên như rối loạn nhân mãn, bệnh vĩ cuồng hoặc bệnh ái kỷ.

Dạng nhân cách nổi trội với đặc điểm yêu bản thân quá mức, luôn có nhu cầu được nuông chiều, ngưỡng mộ, nịnh nọt. Thoạt nhìn, những người ái kỷ thường rất nổi bật cả về ngoại hình và tài năng. Nhưng đa phần đều có lối sống khoa trương, thiếu chiều sâu, có tham vọng nhưng thường lựa chọn các hành vi thủ đoạn để đạt được mục đích.

các dạng rối loạn nhân cách
Người ái kỷ thường cho rằng bản thân nổi bật, tài năng hơn người khác và xứng đáng được đối xử một cách đặc biệt

Tỷ lệ mắc chứng ái kỷ khá thấp, chỉ khoảng 1% dân số chung. Người ái kỷ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do quá coi trọng bản thân, không chấp nhận bản thân có sai lầm hay khiếm khuyết. Tiên lượng thường không khả quan, có xu hướng mãn tính và phát triển các rối loạn tâm thần thứ phát.

Các đặc điểm thường thấy của người bị rối loạn nhân cách ái kỷ:

  • Bộc lộ rõ khao khát được người khác ngưỡng mộ, nịnh nọt, nuông chiều.
  • Thể hiện thái độ bền trên, hành vi tự cao tự đại.
  • Chỉ biết đến bản thân, không có sự đồng cảm với những người xung quanh.
  • Cường điệu hóa tầm quan trọng của bản thân như cho rằng bản thân là quan trọng nhất, sở hữu ngoại hình, tài năng hơn người…
  • Luôn bị cuốn hút bởi quyền lực và sự thành công. Người ái kỷ thường bộc lộ rõ tham vọng muốn trở thành người kiệt xuất, đạt được thành công rực rỡ ở lĩnh vực mà họ theo đuổi.
  • Tin rằng bản thân là người đặc biệt, những người xung quanh phải phục tùng vô điều kiện.
  • Chỉ xây dựng các mối quan hệ có lợi cho bản thân và không từ thủ đoạn để đạt được mục đích.

8. Rối loạn nhân cách phụ thuộc

Rối loạn nhân cách phụ thuộc (Dependent Personality Disorder – DPD) thuộc rối loạn nhân cách nhóm C với tỷ lệ mắc bệnh khá thấp. Dạng nhân cách này có thể gặp ở cả nam và nữ với tỷ lệ ngang nhau.

Những người bị rối loạn nhân cách phụ thuộc thường không tự tin, luôn cần sự động viên mới có thể đưa ra các quyết định. Tính cách yếu đuối, bạc nhược, tìm mọi cách để duy trì các mối quan hệ vì cho rằng bản thân sẽ không thể tự chăm sóc tốt cho chính mình.

các dạng rối loạn nhân cách
Người bị rối loạn nhân cách phụ thuộc thường có tính cách bạc nhược, phục tùng để duy trì mối quan hệ

Các đặc điểm thường thấy ở người bị rối loạn nhân cách phụ thuộc:

  • Không thể đưa ra các quyết định nếu không có sự tư vấn, động viên từ những người xung quanh.
  • Tin rằng bản thân không thể tự lập hoàn toàn.
  • Thường không bộc lộ sự bất mãn, khó chịu hay sự không đồng tình vì sợ đánh mất mối quan hệ.
  • Tìm mọi cách để níu giữ mối quan hệ, thậm chí là phục tùng những yêu cầu vô lý.
  • Việc ở một mình gây ra cảm giác rất không thoải mái, thậm chí là bất lực.
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ, hậu thuẫn mới ngay khi mối quan hệ cũ vừa chấm dứt.
  • Người bị rối loạn nhân cách phụ thuộc rất dễ bị lợi dụng do tính cách bạc nhược và phục tùng quá mức. Tuy nhiên nếu được điều trị, đa phần đều có đáp ứng tốt, tự tin hơn vào bản thân và có thể chủ động trong cuộc sống.

9. Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (Obsessive Compulsive Personality Disorder – OCPD) dễ bị nhầm lẫn với rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Đặc trưng của dạng nhân cách này là rất coi trọng sự trật tự, quá chú ý vào các chi tiết, độc tài, tính cách khô khan và tiết kiệm (dù cuộc sống không khó khăn hay túng thiếu).

Có khoảng 1% dân số chung bị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế với tỷ lệ cao hơn ở nam giới. Sự cứng nhắc trong tính cách khiến những người có dạng nhân cách này khó phát triển sự nghiệp. Bù lại, họ có thể thích hợp với những công việc đòi hỏi sự cẩn thận, chất lượng cuộc sống khá ổn định vì tuân thủ tuyệt đối chuẩn mực đạo đức, pháp luật và có tính cách tiết kiệm.

các dạng rối loạn nhân cách
Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế nổi bật với tính cách quá tỉ mỉ, cẩn thận, cầu toàn, cứng nhắc và thiếu óc khôi hài

Các đặc điểm thường thấy ở người bị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế:

  • Cực kỳ bận tâm đến các quy tắc và chi tiết, sự quan tâm quá mức có thể khiến cho hoạt động chính bị trễ nải.
  • Khó hoàn thành mục tiêu đề ra do tính cách quá cầu toàn, trau chuốt những chi tiết nhỏ nên tiến độ công việc thường rất chậm.
  • Tính cách vô cùng tỉ mỉ, cứng nhắc, luôn đảm bảo mọi thứ diễn ra theo đúng thứ tự.
  • Quan tâm đến vấn đề đạo đức và thường phê bình những người có lối sống không lành mạnh.
  • Gặp khó khăn trong việc vứt bỏ các đồ dùng không thể sử dụng. Một số người còn có phát triển chứng rối loạn tích trữ.
  • Lối sống tiết kiệm quá mức vì cho rằng cần phải tiết kiệm tiền bạc để sử dụng trong những tình huống phát sinh, bất trắc có thể xảy đến.
  • Từ bỏ các thú vui, thậm chí là nhiều mối quan hệ vì muốn tập trung cho công việc. Những người có dạng nhân cách này thường rất tận tụy với công việc, mặc dù có thể không cần tiền và cũng không có tham vọng thăng tiến.

10. Rối loạn nhân cách né tránh

Rối loạn nhân cách né tránh (Avoidant Personality Disorder – AVPD) thuộc rối loạn nhân cách nhóm C. Dạng nhân cách này đặc trưng bởi sự lo âu dai dẳng về việc bị phê bình, chỉ trích và nhận xét tiêu cực. Những người bị rối loạn nhân cách né tránh thường chủ động rút lui khỏi các tình huống xã hội và tự đánh giá thấp bản thân.

Tỷ lệ bị rối loạn nhân cách né tránh chỉ chiếm khoảng 0.05 – 1% dân số chung. Tiên lượng khá tốt nếu được kịp thời và  sống trong môi trường thuận lợi. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp phát triển thành rối loạn ám ảnh sợ xã hội.

các loại rối loạn nhân cách
Người bị rối loạn nhân cách né tránh thường lo lắng về việc bị chỉ trích, phê bình và từ chối

Các đặc điểm thường thấy ở người bị rối loạn nhân cách né tránh:

  • Rất lo sợ việc bị phản đối, nhận xét hay phê bình. Tâm lý lo sợ này dẫn đến hành vi né tránh các hoạt động xã hội.
  • Có nhu cầu được yêu thương nhưng hiếm khi bày tỏ, bộc lộ tình cảm vì sợ bị từ chối.
  • Sống dè dặt quá mức – ngay cả với những mối quan hệ thân thiết
  • Gần như không bao giờ chủ động trong các tình huống giao tiếp.
  • Đồng tình với mọi ý kiến, quan điểm của người khác vì sợ tranh cãi, phê bình.
  • Luôn tự đánh giá thấp bản thân, tin rằng mình thấp kém và không thu hút so với những người khác

Dấu hiệu, biểu hiện chung của rối loạn nhân cách

Nhìn chung, rối loạn nhân cách đề cập đến các dạng nhân cách dị thường, khác biệt hoàn toàn so với dân số chung. Mỗi dạng rối loạn nhân cách sẽ có đặc điểm khác nhau, nhưng đều gây ra những cản trở nhất định trong cuộc sống.

các loại rối loạn nhân cách
Các loại rối loạn nhân cách đều có chung dấu hiệu là hành vi, suy nghĩ khác biệt hoàn toàn so với những người xung quanh

Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách:

  • Tính cách cứng nhắc, thiếu mềm dẻo, đôi khi kỳ quái và lập dị.
  • Công việc và các mối quan hệ cá nhân gặp phải nhiều vấn đề do tính cách khác thường.
  • Hành vi không phù hợp kéo theo một loạt các cảm xúc tiêu cực như trầm cảm, lo âu, cảm xúc không ổn định, bạc nhược…
  • Các triệu chứng của rối loạn nhân cách thường bắt đầu ở giai đoạn vị thành niên và được chẩn đoán ở người từ 18 tuổi trở lên.
  • Cách nhìn nhận méo mó, không rõ ràng về hình ảnh bản thân. Đôi khi tự cao, tự đại quá mức, một số người tự đánh giá thấp chính mình, số khác lại mù mờ về bản thân, không hiểu được bản thân là ai, giá trị mà mình hướng đến.
  • Gặp vấn đề trong các mối quan hệ, chẳng hạn như phụ thuộc quá mức, xa cách, không quan tâm và đôi khi là không có nhu cầu xây dựng mối quan hệ với bất cứ ai.
  • Lòng tự trọng quá cao hoặc quá thấp.
  • Vô trách nhiệm và thường giáo dục con cái theo cách cực đoan, không phù hợp.

Nếu như một số người bị rối loạn tâm thần có thể nhận ra sự bất thường của bản thân thì người bị rối loạn nhân cách đa phần đều không nhận ra sự khác biệt. Vì triệu chứng cũng không nổi trội như các rối loạn tâm thần nên rất ít trường hợp được phát hiện, điều trị sớm.

Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách

Nhân cách là kết quả của rất nhiều yếu tố cộng hưởng và kết hợp. Trong đó thấy rõ vai trò của di truyền và môi trường trong việc hình thành các đặc điểm tính cách. Đến nay, nguyên nhân gây rối loạn nhân cách vẫn chưa được biết rõ nhưng có thể liên quan đến các yếu tố sau:

1. Yếu tố di truyền

Di truyền là yếu tố có vai trò trong rối loạn nhân cách. Tỷ lệ di truyền chiếm khoảng 50%, cao hơn rất nhiều so với các rối loạn tâm thần điển hình. Rối loạn nhân cách có thể phát triển nếu bố mẹ, anh chị em ruột cũng có các dạng nhân cách bất thường hoặc tiền sử bị các rối loạn tâm thần liên quan.

2. Cơ chế tâm lý vô thức

Một yếu tố khác được cho là có liên quan đến rối loạn nhân cách là cơ chế tâm lý vô thức. Vô thức (tiềm thức) là phần nhận thức ở bên dưới ý thức nên con người không thể nhận biết.

Vô thức hình thành từ những trải nghiệm trong quá khứ và hiện tại. Trước những yếu tố bất lợi, vô thức có thể làm bộc phát các suy nghĩ, hành vi khác thường để đáp trả với các yếu tố gây stress. Hoặc cũng có thể chối bỏ thực tại bằng cách hình thành dạng nhân cách khác.

Chẳng hạn như tính cách thờ ơ, vô tâm, cùn mòn cảm xúc… ở người bị rối loạn nhân cách phân liệt có thể cơ chế phòng vệ để chống lại sự gây hấn. Tính cách dè dặt, dễ dàng đồng thuận, tự ti ở người có nhân cách né tránh là kết quả để tránh mâu thuẫn và trừng phạt.

Nhìn chung, cơ chế phòng vệ có vai trò quan trọng trong việc hình thành các rối loạn nhân cách. Tùy theo trải nghiệm và môi trường sống, động cơ của cơ chế phòng vệ sẽ có sự khác biệt ở từng trường hợp.

3. Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ

Tất cả những người bị rối loạn nhân cách đều có các trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Thường là bị lạm dụng, bỏ rơi, gia đình không ổn định (về tài chính, cha mẹ xung đột, nghiện rượu bia, ma túy…).

biểu hiện của rối loạn nhân cách
Rối loạn nhân cách thường phát triển ở những người từng bị bạo hành, lạm dụng, bỏ rơi…

Trước những trải nghiệm tiêu cực, quá trình hình thành nhân cách cũng sẽ bị chi phối ít nhiều. Một số sẽ phát triển dạng nhân cách né tránh, lệ thuộc để tránh gây hấn. Số khác có thể phát triển nhóm nhân cách thờ ơ, lãnh cảm. Số còn lại hình thành nhu cầu được yêu thương, nuông chiều hoặc tìm đủ mọi thủ đoạn để đạt được mục đích.

4. Rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh

Rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh đã được xác định vai trò trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn nhân cách dạng phân liệt. Nồng độ norepinephrine, serotonin, dopamine không ổn định dẫn đến những thay đổi về hành vi, suy nghĩ và cảm xúc. Bên cạnh đó, chuyên gia còn nhận thấy khối lượng vỏ não thùy trán và cử động mắt đều giảm đáng kể.

5. Môi trường sống và cách giáo dục của gia đình

Môi trường sống, cách giáo dục ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách. Đây cũng là lý do các dạng nhân cách bất thường hiếm khi phát triển ở những người có môi trường sống thuận lợi và được giáo dục phù hợp.

Đa phần người bị rối loạn nhân cách đều sống trong gia đình không lành mạnh, mẹ có lối sống phù phiếm, điệu bộ quyến rũ, người cha bạo lực, thường xuyên dùng rượu bia, chất gây nghiện… Từng bị cha mẹ lạm dụng, bỏ rơi, mồ côi cha mẹ sớm cũng là yếu tố thuận lợi để phát triển các dạng nhân cách bất thường.

điều trị rối loạn nhân cách
Cách giáo dục quá hà khắc hoặc bảo bọc cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển các đặc tính nhân cách bất thường

Cách giáo dục có phần hà khắc, áp đặt, thường xuyên bị trừng phạt, đánh mắng hay bảo bọc, nuông chiều quá mức cũng góp phần hình thành rối loạn nhân cách. Với mỗi cách giáo dục sai lệch sẽ làm phát triển dạng nhân cách tương ứng.

6. Tổn thương thực thể ở não bộ

Các chuyên gia cũng tìm thấy vai trò của cơ chế thực thể đối với rối loạn nhân cách. Trẻ bị chấn thương não thời kỳ chu sinh, viêm não, chấn thương sọ não… sẽ có nhiều khả năng phát triển các dạng nhân cách bất thường.

Tổn thương xảy ra ở thái dương, vùng trán sẽ khiến cho khả năng kiểm soát cảm xúc bị suy giảm. Tư duy, óc phán đoán cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Kết quả là đưa đến những dạng nhân cách bất thường với nhận thức lệch lạc, hành vi khác biệt so với dân số chung.

7. Ảnh hưởng của một số vấn đề sức khỏe

Nguy cơ phát triển rối loạn nhân cách sẽ gia tăng khi có các yếu tố thuận lợi như:

  • Rối loạn lo âu chia ly
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý
  • Rối loạn hành vi
  • Bị dị tật bẩm sinh, khuyết tật cơ thể

Rối loạn nhân cách và những ảnh hưởng, hệ lụy

Nhân cách chi phối mạnh mẽ đến khả năng tư duy, nhận thức, hành vi và cảm xúc. Các dạng rối loạn nhân cách đều gây ra những khó khăn nhất định trong cuộc sống do đặc tính lập dị, khác thường, đôi khi quá lãnh cảm, thờ ơ, có khi quá nhạy cảm và phụ thuộc, bạc nhược.

Ảnh hưởng của rối loạn nhân cách sẽ phụ thuộc vào từng dạng nhân cách cụ thể. Tuy nhiên, nhìn chung những người này sẽ phải đối mặt với các vấn đề trong công việc, sự nghiệp khó thăng tiến do thiếu tính tranh đấu, sợ phải chịu trách nhiệm… Số khác lại tự tin thái quá, không nhìn nhận đúng năng lực của bản thân và những người xung quanh.

Rối loạn nhân cách khiến cho các mối quan hệ khó bền vững, ít bạn bè hoặc có nhiều bạn bè nhưng rất ít các mối quan hệ thật sự. Người phát triển các dạng nhân cách bất thường cũng khó có cuộc sống lành mạnh do thiếu mục tiêu, không có lý tưởng hoặc đặt ra những tham vọng thiếu thực tế.

Nếu không được điều trị, rối loạn nhân cách có thể đưa đến các rối loạn tâm thần thứ phát như rối loạn lo âu lan tỏa, ám ảnh sợ xã hội, tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn ăn uống, nghiện rượu bia… Những người bị rối loạn nhân cách nhóm B còn có nguy cơ trở thành tội phạm, phá hoại trật tự và làm nhũng nhiễu an sinh xã hội.

Hướng điều trị cho rối loạn nhân cách

Rối loạn nhân cách bao gồm những bất thường về hành vi, tư duy, cảm xúc nhưng không điển hình như các rối loạn tâm thần. Chính vì vậy, đa phần đều không được phát hiện và điều trị sớm.

Người bị rối loạn nhân cách thường chỉ đến bệnh viện khi có các vấn đề thứ phát như trầm cảm, mất ngủ, rối loạn lo âu… Sau khi khám và chẩn đoán dựa vào DSM, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp với kiểu rối loạn nhân cách cụ thể.

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là giải pháp vàng trong điều trị rối loạn nhân cách. Liệu pháp này giúp thay đổi các đặc điểm tính cách bất thường, giảm triệu chứng cơ thể và những hành vi cực đoan, không phù hợp.

Bên cạnh đó, tâm lý trị liệu còn trang bị kỹ năng cần thiết để thích ứng và hòa nhập cuộc sống một cách tốt nhất. Thông qua những kỹ năng này, bệnh nhân có thể giảm bớt stress trong cuộc sống và tạo dựng môi trường sống lành mạnh, thuận lợi.

bệnh rối loạn nhân cách
Liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị chính đối với các loại rối loạn nhân cách

Tâm lý trị liệu cũng giúp người bệnh nhận ra các vấn đề trong cuộc sống đều do tính cách khác thường. Đồng thời hình thành nhận thức đúng đắn về giá trị của bản thân, xây dựng mục tiêu, lý tưởng sống rõ ràng.

Những người bị rối loạn nhân cách ranh giới, chống đối xã hội, rối loạn nhân cách né tránh… sẽ được tập trung thay đổi các hành vi cực đoan. Điều chỉnh hành vi không phù hợp sẽ giảm đi vấn đề trong các mối quan hệ cá nhân và tránh được nhiều phiền toái về mặt luật pháp.

Tùy theo tình trạng cụ thể, chuyên gia sẽ xem xét can thiệp bằng các liệu pháp tâm lý sau:

  • Liệu pháp hành vi nhận thức
  • Liệu pháp nhóm
  • Liệu pháp nâng đỡ
  • Liệu pháp xã hội
  • Liệu pháp phân tâm học
  • Liệu pháp tâm lý gia đình
  • Kỹ thuật tự khẳng định bản thân

2. Sử dụng thuốc

Thuốc chỉ có tác dụng giảm bớt trạng thái lo âu cùng với các cảm xúc tiêu cực do rối loạn nhân cách gây ra. Sử dụng thuốc không thể điều trị những đặc điểm tính cách bất thường nên chỉ được dùng trong những trường hợp cần thiết.

bệnh rối loạn nhân cách
Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc để làm giảm cảm giác đau khổ, buồn bã, lo âu… do các rối loạn nhân cách gây ra

Kinh nghiệm dùng thuốc cho thấy bệnh nhân rối loạn nhân cách đáp ứng tốt với các loại thuốc sau:

  • Rối loạn nhân cách hoang tưởng: Dùng thuốc chống loạn thần thế hệ mới và thuốc chống trầm cảm.
  • Rối loạn nhân cách phân liệt: Có thể dùng thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần liều thấp.
  • Rối loạn nhân cách dạng phân liệt: Chủ yếu dùng thuốc chống loạn thần thế hệ mới liều thấp.
  • Rối loạn nhân cách chống đối xã hội: Dùng thuốc chống trầm cảm (ưu tiên thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc) và thuốc điều chỉnh khí sắc như Lithium, Valproat…
  • Rối loạn nhân cách ranh giới: Có thể dùng thuốc điều chỉnh khí sắc, thuốc chống loạn thần thế hệ mới, thuốc chống trầm cảm. Khuyến cáo không dùng thuốc an thần nhóm benzodiazepin cho người có dạng nhân cách ranh giới.
  • Rối loạn nhân cách phụ thuộc: Lựa chọn ưu tiên là thuốc chống trầm cảm, phần lớn là dùng dùng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin vì độ an toàn cao, ít tác dụng phụ.
  • Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế: Thường dùng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc.
  • Rối loạn nhân cách né tránh: Dùng thuốc giảm lo âu và thuốc chống trầm cảm nếu cần thiết.
  • Rối loạn nhân cách ái kỷ, kịch tính: Hai dạng nhân cách này thường không có chỉ định dùng thuốc. Các triệu chứng tâm thần và cơ thể có thể thuyên giảm sau khi can thiệp tâm lý. Trường hợp có các rối loạn tâm thần thứ phát sẽ được xem xét dùng loại thuốc tương ứng.

Hiện nay, rối loạn nhân cách vẫn chưa được quan tâm nhiều như trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt… Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh khá cao nhưng những hiểu biết về rối loạn này còn rất hạn chế. Dẫn đến không ít khó khăn trong phát hiện và can thiệp điều trị.

Một số rối loạn nhân cách có thể giảm đáng kể theo thời gian. Dù vậy, việc điều trị vẫn được khuyến khích cho tất cả các bệnh nhân. Bởi những vấn đề trong công việc, mối quan hệ… có thể dẫn đến trầm cảm thứ phát, sống cô độc, tài chính bấp bênh và gia tăng tỷ lệ tự sát.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

thói quen xấu dễ dẫn đến bệnh trầm cảm
Điểm danh những thói quen xấu dễ dẫn đến bệnh trầm cảm

Cho đến hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định cụ thể về nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm. Theo đó, một...

Rối loạn ăn uống ở trẻ
Rối loạn ăn uống ở trẻ: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

Rối loạn ăn uống ở trẻ là một trong các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khiến cho rất nhiều bậc phụ huynh cảm thấy...

mất cảm xúc hứng thú với cuộc sống
Mất Cảm Xúc, Hứng Thú Với Cuộc Sống: Nguyên nhân và điều trị

Mất cảm xúc, hứng thú với cuộc sống khiến cho bạn khó có thể tập trung tâm trí và dồn hết năng lực để hoàn...

trầm cảm sau khi chia tay
Trầm cảm sau khi chia tay: Làm thế nào để vượt qua?

Mối tình tan vỡ để lại trong lòng bạn những khoảng trống không thể lấp đầy. Bạn luôn cảm thấy đau khổ, dằn vặt, luyến...

Kỷ niệm 5 năm thành lập Viện Nghiên cứu Tâm lý và Phát triển Con người & 2 năm thành lập Trung tâm Tâm lý Giáo dục Chuyên biệt NHC Việt Nam

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp