Dấu hiệu trầm cảm nặng: Nhận biết sớm tránh nguy hại về sau

Trầm cảm nặng được xác định khi bệnh nhân có đầy đủ 9 triệu chứng được đề cập trong DSM-5. Do nguy cơ tự sát cao nên bệnh nhân sẽ được điều trị nội trú tại khoa Tâm thần và thường phải kết hợp cả sốc điện, liệu pháp hóa dược mới mang lại cải thiện rõ rệt.

Trầm cảm nặng là gì?

Trầm cảm là rối loạn khí sắc phổ biến nhất hiện nay. Trước đây, đa phần các trường hợp bị trầm cảm đều liên quan yếu tố nội sinh, ảnh hưởng của chất và bệnh cơ thể nhưng hiện nay với tác động của cuộc sống hiện đại, phần lớn trầm cảm đều phát triển từ sang chấn tâm lý.

Trầm cảm đặc trưng bởi khí sắc u uất, buồn bã, đau khổ, chán nản và mất hứng thú với hầu hết các hoạt động. Bản thân trầm cảm và các rối loạn tâm thần thường không có tổn thương thực thể nên chẩn đoán chủ yếu dựa vào hình thái lâm sàng.

trầm cảm nặng là gì
Trầm cảm nặng là giai đoạn nghiêm trọng với các triệu chứng xuất hiện đầy đủ và rõ rệt

Hiện nay, các bác sĩ sử dụng ICD và DSM để chẩn đoán xác định bệnh lý này. Trong đó, DSM còn giúp các bác sĩ đánh giá mức độ trầm cảm. Theo đó, bệnh lý này được chia thành 3 mức độ là nhẹ, vừa và nặng. Trầm cảm nặng là giai đoạn nghiêm trọng nhất với các triệu chứng rõ rệt, chức năng nghề nghiệp và xã hội bị ảnh hưởng trầm trọng.

Việc phân loại bệnh thành các mức độ khác nhau sẽ giúp bác sĩ đưa ra tiên lượng và lên kế hoạch điều trị phù hợp. Đối với trầm cảm nặng, đa phần đều được điều trị nội trú tại khoa tâm thần để tránh tự sát.

Dấu hiệu của trầm cảm nặng

Trầm cảm nặng có các dấu hiệu rõ ràng và đặc trưng hơn so với trầm cảm nhẹ – vừa. Ở giai đoạn này, hầu hết những người xung quanh đều nhận ra sự bất thường ở người bệnh.

Trong tiêu chuẩn chẩn đoán DSM, trầm cảm nặng được xác định khi bệnh nhân có đầy đủ các triệu chứng đặc trưng (9 triệu chứng). Và chức năng nghề nghiệp, xã hội bị ảnh hưởng trầm trọng, bệnh nhân dường như không thể duy trì cuộc sống như trước, hiệu suất lao động – học tập giảm rõ rệt. Một số người dường như không thể làm việc, có xu hướng tự cô lập và tách biệt với những người xung quanh.

Dấu hiệu bệnh trầm cảm nặng
Trầm cảm nặng có đầy đủ các triệu chứng từ giảm khí sắc, rối loạn giấc ngủ, tăng/ giảm cân, mất hứng thú…

Trầm cảm nặng được xác định khi người bệnh có đủ 9 triệu chứng sau. Các triệu chứng phải kéo dài trong ít nhất 2 tháng:

  1. Khí sắc giảm, trầm buồn chiếm hầu hết thời gian trong ngày. Cảm giác buồn bã, u uất chiếm ưu thế nhưng cũng có những trường hợp có cảm giác trống rỗng. Khí sắc trầm buồn được thể hiện qua khuôn mặt u sầu, hay khóc lóc, trẻ em và thanh thiếu niên thường có khí sắc không ổn định, kích thích (tâm trạng thất thường, gắt gỏng, nổi nóng…).
  2. Giảm sự hứng thú rõ ràng với hầu hết các hoạt động hoặc các sở thích trước đây.
  3. Cơ thể tăng hoặc sút cân rõ rệt mặc dù không áp dụng chế độ ăn kiêng. Cân nặng phải thay đổi ít nhất 5% đi kèm là giảm hoặc tăng cảm giác ngon miệng trong một thời gian dài.
  4. Ngủ nhiều hoặc mất ngủ dai dẳng.
  5. Vận động tâm thần chậm hoặc kích động, biểu hiện là đi lại chậm chạp, cử động chân tay chậm, uể oải. Một số trường hợp có biểu hiện bồn chồn, đứng ngồi không yên.
  6. Cơ thể mệt mỏi, giảm năng lượng hầu hết thời gian trong ngày.
  7. Có cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng dai dẳng.
  8. Giảm khả năng tập trung, suy nghĩ và gặp khó khăn khi đưa ra các quyết định (dù là những quyết định vô cùng đơn giản).
  9. Xuất hiện ý nghĩ về cái chết, lên kế hoạch tự sát hoặc đã thực hiện hành vi tự sát nhưng bất thành.

Trầm cảm nhẹ thường chỉ có 5 – 6 triệu chứng và trầm cảm vừa được xác định khi có từ 7 – 8 triệu chứng. Khi có đầy đủ 9 triệu chứng kể trên, người bệnh sẽ được xác định mắc bệnh trầm cảm nặng.

Trầm cảm nặng được chia thành 2 loại là:

  • Trầm cảm không có triệu chứng loạn thần
  • Trầm cảm có triệu chứng loạn thần

Loạn thần đặc trưng bởi biểu hiện ảo giác và hoang tưởng. So với trầm cảm nặng không có triệu chứng loạn thần, trường hợp này có mức độ nguy hiểm hơn.

Loạn thần có thể phù hợp với khí sắc (các hoang tưởng phù hợp với khí sắc trầm buồn như hoang tưởng tự buộc tội, hoang tưởng nghi bệnh), một số trường hợp có thể xuất hiện loạn thần không phù hợp với khí sắc như hoang tưởng bị chi phối, hoang tưởng bị hại,…

Bệnh nhân trầm cảm nặng có thể xuất hiện ảo thanh ra lệnh, ảo thanh bình phẩm về tội lỗi của bản thân. Những trường hợp này thường có tỷ lệ tự sát cao.

Trầm cảm nặng có nguy hiểm không?

So với trầm cảm nhẹ và vừa, trầm cảm nặng có mức độ nguy hiểm hơn. Thực tế, bệnh nhân trầm cảm có thể xuất hiện ý nghĩ tự sát kể cả khi ở mức độ nhẹ và vừa. Tuy nhiên ở mức độ này, ý nghĩ tự sát chưa thật sự sâu sắc và chỉ dừng lại ở suy nghĩ tìm đến cái chết để giải thoát bản thân.

Trong khi đó, bệnh nhân trầm cảm nặng ám ảnh sâu sắc về cái chết và lên kế hoạch chi tiết để tự kết liễu. Không ít trường hợp cũng đã thực hiện hành vi tự sát nhưng bất thành.

biểu hiện bệnh trầm cảm nặng
So với bệnh ở mức độ nhẹ và vừa, trầm cảm nặng có nguy cơ tự sát cao hơn

Ngoài mối nguy về hành vi tự sát, người bị trầm cảm nặng còn có nhiều khả năng phát triển hành vi tự hại (hành vi tự gây tổn thương bản thân). Người bệnh cho rằng, hành vi tự hại là hình phạt cho những lỗi lẫm của bản thân trong quá khứ hoặc hiện tại.

Bên cạnh đó, vì chức năng nghề nghiệp và xã hội bị sụt giảm nghiêm trọng nên bệnh nhân dường như không thể duy trì công việc, nguy cơ thất nghiệp cao, tài chính bấp bênh… Nhiều trường hợp sống cô lập, tách biệt và nhốt mình trong phòng.

Sự u uất, đau khổ đến cùng cực thôi thúc bệnh nhân tìm đến bia rượu, thuốc lá và chất kích thích. Những thói quen này khiến cho sức khỏe ngày càng suy kiệt, làm xuất hiện và nghiêm trọng hơn các triệu chứng loạn thần.

Trầm cảm nặng nếu không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Ngoài những ảnh hưởng đối với tinh thần và chất lượng cuộc sống, giảm khí sắc trong một thời gian dài còn gây ra nhiều vấn đề thể chất như suy nhược cơ thể, mất ngủ mãn tính, cao huyết áp, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn chức năng tình dục…

Chẩn đoán và điều trị bệnh trầm cảm nặng

Giống như trầm cảm nhẹ và vừa, trầm cảm nặng cũng được chẩn đoán dựa vào lâm sàng. Bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán DSM hoặc ICD để chẩn đoán xác định, sau đó đánh giá mức độ bệnh.

Trầm cảm nặng thường sẽ được điều trị nội trú để đảm bảo an toàn, tránh trường hợp tự sát và những tình huống đáng tiếc khác. Nếu như trầm cảm vừa và nhẹ có thể lựa chọn liệu pháp hóa dược hoặc tâm lý thì ở trầm cảm nặng, bắt buộc phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau.

1. Liệu pháp hóa dược

Liệu pháp hóa dược là lựa chọn đầu tay trong điều trị trầm cảm nói chung và trầm cảm nặng nói riêng. Thuốc được sử dụng trong 4 – 8 tuần để khống chế các triệu chứng do trầm cảm gây ra. Sau đó, liều lượng sẽ được điều chỉnh để điều trị củng cố. Thời gian điều trị duy trì phải kéo dài ít nhất 1 năm nhằm phòng ngừa tái phát.

biểu hiện bệnh trầm cảm nặng
Thuốc vẫn là phương pháp chính trong điều trị bệnh trầm cảm nặng

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị trầm cảm nặng:

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)

SSRIs là lựa chọn ưu tiên trong tất cả các loại thuốc chống trầm cảm vì độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và ít đe dọa đến tính mạng khi sử dụng quá liều. Bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng SSRIs để cải thiện tâm trạng, nâng cao khí sắc và giảm các triệu chứng có liên quan đến trầm cảm. Các loại thuốc thông dụng bao gồm Fluoxetine, Fluvoxamine, Paroxetine, Citalopram…

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs)

SNRIs tác dụng trên cả hệ thống serotonin và norepinephrine, hiệu quả gần như tương đương với SSRIs. Tuy nhiên, kinh nghiệm dùng nhóm thuốc này trên những đối tượng đặc biệt hạn chế hơn so với SSRIs. Vì vậy, SSRIs vẫn là loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến nhất. Các SNRIs thường được sử dụng bao gồm Venlafaxine, Duloxetine, Desvenlafaxine…

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA)

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng là một trong những loại thuốc điều trị trầm cảm được sử dụng phổ biến. Đa phần bệnh nhân trầm cảm nặng không có đáp ứng với các loại thuốc ban đầu, khi SSRIs và SNRIs đều không mang lại hiệu quả tốt, TCA sẽ được chỉ định.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng tác dụng cùng lúc trên nhiều hệ thống như serotonin, norepinephrine, histamin, muscarin, dopamin, acetylcholin… nên hiệu quả mang lại thường vượt trội hơn so với SSRIs và SNRIs. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là nhiều rủi ro tiềm ẩn. Các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng thường được sử dụng bao gồm Amitriptyline, Clomipramine, Tianeptine…

Các loại thuốc chống trầm cảm khác

Hiện nay, ngoài các nhóm thuốc được sử dụng phổ biến kể trên, những trường hợp trầm cảm nặng sẽ được xem xét dùng các loại thuốc sau:

  • Thuốc chống trầm cảm dị vòng như Mirtazapine
  • Thuốc chống trầm cảm không điển hình như Bupropion, Trazodone, Agomelatine
  • Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) bao gồm Phenelzine, Tranylcypromine, Isocarboxazid…

Trong đó, MAOIs là nhóm thuốc ít được sử dụng nhất do gây ra rất nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Hơn nữa, nguy cơ tương tác thuốc cũng cao hơn rất nhiều so với các loại thuốc chống trầm cảm khác.

Bù lại, MAOIs mang lại hiệu quả vượt trội trong điều trị trầm cảm. Hiệu quả với cả trầm cảm kháng trị, trầm cảm nặng và cả những trường hợp trầm cảm không có đáp ứng với liệu pháp sốc điện.

Bên cạnh thuốc chống trầm cảm, bệnh nhân trầm cảm nặng còn được được điều trị bằng các nhóm thuốc sau:

Thuốc an thần

Thuốc chống trầm cảm cho hiệu quả khá chậm, sau khoảng 4 – 8 tuần sử dụng. Vì vậy, trong thời gian đầu, bệnh nhân có thể được dùng phối hợp với thuốc an thần. Thuốc an thần nhóm benzodiazepin được sử dụng phổ biến nhất vì hiệu quả cao và cho tác dụng nhanh chóng.

Thuốc an thần thường được phối hợp với thuốc chống trầm cảm trong những trường hợp sau:

  • Trầm cảm có loạn thần
  • Trầm cảm có ý định hoặc đã thực hiện hành vi tự sát
  • Trầm cảm từ chối ăn uống
  • Trầm cảm không tiếp xúc
  • Trầm cảm có nhiều triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật

Các loại thuốc an thần nhóm benzodiazepin thường được sử dụng bao gồm Chlordiazepoxide, Diazepam, Oxazepam… Mặc dù mang lại hiệu quả cao nhưng nhóm thuốc này có khả năng gây nghiện. Để đảm bảo an toàn, thuốc chủ yếu được dùng với liều thấp trong thời gian ngắn.

Thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần cũng có thể được sử dụng trong điều trị trầm cảm nặng. Nhóm thuốc này giúp kiểm soát các triệu chứng loạn thần như ảo giác, hoang tưởng và hạn chế các hành vi kích động do loạn thần gây ra.

Các loại thuốc hỗ trợ

Ngoài các nhóm thuốc chính, bệnh nhân trầm cảm nặng có thể được chỉ định dùng thêm Piracetam, vitamin, khoáng chất và các loại thuốc hỗ trợ chức năng não bộ… Bởi khí sắc giảm trong một thời gian dài sẽ khiến cho thần kinh bị suy giảm. Các loại thuốc hỗ trợ giúp cải thiện hệ thần kinh trung ương và giảm nhẹ một số triệu chứng có liên quan đến trầm cảm.

Thuốc chống loạn thần và thuốc an thần chỉ được sử dụng trong điều trị tấn công. Ở giai đoạn điều trị duy trì, đa phần đều chỉ sử dụng thuốc chống trầm cảm. Sau khi triệu chứng đã được khống chế hoàn toàn, bệnh nhân trầm cảm nặng sẽ được điều trị củng cố với liều duy trì bàng ½ – ⅔ liều tấn công.

2. Sốc điện

Liệu pháp sốc điện (ECT) thường được chỉ định cho bệnh nhân trầm cảm nặng – đặc biệt là những trường hợp có biểu hiện loạn thần. Liệu pháp này mang lại hiệu quả cao và tương đối an toàn.

điều trị trầm cảm nặng
Ngoài liệu pháp hóa dược, nhiều trường hợp trầm cảm nặng phải can thiệp liệu pháp sốc điện

Hiện nay, ECT thường được cân nhắc cho những trường hợp sau:

  • Trầm cảm kháng thuốc
  • Trầm cảm có loạn thần
  • Trầm cảm căng trương lực
  • Trầm cảm từ chối ăn uống
  • Trầm cảm có ý định tự sát
  • Những trường hợp dị ứng thuốc chống trầm cảm

Trong liệu pháp sốc điện, bác sĩ sẽ sử dụng dòng điện có kiểm soát đi qua da đầu và xương sọ để gây ra cơn co giật nhỏ ở bên trong não bộ. Thông qua cơ chế này, sốc điện giúp cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh.

Liệu pháp sốc điện phải được thực hiện đủ liệu trình, số lần dao động từ 8 – 20 lần tùy vào mức độ nặng nhẹ. Sau 6 lần điều trị, nếu không có hiệu quả tức là đã thất bại, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng phương pháp khác.

Sau khi điều trị bằng liệu pháp sốc điện, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc chống trầm cảm và thuốc chỉnh khí sắc để phòng ngừa tái phát. Hiện tại, ECT được xem là giải pháp tối ưu cho bệnh nhân trầm cảm nặng.

3. Liệu pháp tâm lý

Đối với trầm cảm nặng, tâm lý trị liệu là biện pháp hỗ trợ bên cạnh liệu pháp hóa dược và sốc điện (ECT). Tâm lý trị liệu giúp người bệnh ý thức được những suy nghĩ tiêu cực, thay đổi những suy nghĩ này để cải thiện tâm trạng và hành vi.

Bên cạnh đó, liệu pháp tâm lý còn giúp người bệnh học cách đối phó, thích nghi với những thay đổi do trầm cảm gây ra. Trang bị kỹ năng cần thiết để học cách giảm stress, giải tỏa cảm xúc tiêu cực… Đồng thời chuyên gia cũng sẽ giúp bệnh nhân tìm ra giải pháp cho những vấn đề nan giải trong cuộc sống.

điều trị trầm cảm nặng
Khi trầm cảm nặng được kiểm soát, bệnh nhân nên can thiệp liệu pháp tâm lý để ổn định tinh thần và gia tăng khả năng thích nghi

Trong thực tế, liệu pháp tâm lý chủ yếu được áp dụng cho trầm cảm nhẹ và vừa. Ở bệnh nhân trầm cảm nặng, liệu pháp này thường chỉ được áp dụng sau khi sức khỏe, tinh thần đã ổn định. Mục đích chính của tâm lý trị liệu cho bệnh nhân trầm cảm nặng là phục hồi chức năng, thích nghi nhanh khi trở lại cuộc sống.

Trầm cảm nặng có tỷ lệ tự sát cao hơn so với trầm cảm nhẹ và vừa. Khi nhận thấy các dấu hiệu trở nên rõ rệt, gia đình nên đề nghị người bệnh đến gặp bác sĩ hoặc cưỡng chế nếu cần thiết. Sau thời gian điều trị nội trú, người thân, bạn bè… cũng cần xây dựng môi trường sống thuận lợi để bệnh nhân phục hồi hoàn toàn và ổn định cuộc sống nhanh chóng.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

chữa trầm cảm tại nhà
9 Cách Chữa Trầm Cảm Tại Nhà hiệu quả, không cần dùng thuốc

Trầm cảm có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, và ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau. Vì thế không phải...

stress mệt mỏi ở người cao tuổi
Stress Mệt Mỏi Ở Người Cao Tuổi: Dấu hiệu, nguyên nhân, điều trị

Tình trạng stress, mệt mỏi ở người cao tuổi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Căng thẳng kéo dài...

hiệu ứng mandela
Hiệu ứng Mandela (The Mandela Effect): Ký ức giả và cách thoát khỏi

Trong cuộc sống, chắc chắn có ít nhất một lần bạn đã từng rơi vào trường hợp bản thân và những người khác có ký...

hội chứng ám ảnh cân nặng
Hội chứng ám ảnh cân nặng là gì? Những tác hại không lường cần chú ý

Hội chứng ám ảnh cân nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người mắc bệnh. Việc ám ảnh...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh