Trầm cảm sau sinh: Nguyên nhân, nhận biết và điều trị hiệu quả
Trầm cảm sau sinh là một trong các vấn đề sức khỏe tâm thần nguy hiểm thường ảnh hưởng đến phụ nữ sau sinh trong khoảng 3 tháng đầu tiên. Tình trạng này nếu không sớm được phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp sẽ làm gia tăng các tác hại nghiêm trọng đối với người bệnh, trẻ sơ sinh và cả gia đình, xã hội.
Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh hiện không còn là căn bệnh rối loạn tâm thần quá xa lạ đối với mỗi chúng ta. Phụ nữ sau sinh thường bị thay đổi rất nhiều về nội tiết tố lẫn thể chất, tinh thần nên có nhiều khả năng khởi phát chứng trầm cảm nếu không được hỗ trợ, chăm sóc kỹ lưỡng.
Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy, có đến hơn 15% số phụ nữ sau sinh bị mắc trầm cảm trong 3 tháng đầu tiên và tỷ lệ này còn gia tăng mạnh mẽ hơn trong khoảng 1 năm đầu sau sinh. Các chuyên gia còn cho biết thêm, trầm cảm sau sinh không chỉ có khả năng khởi phát ở phụ nữ mà ngay cả nam giới cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Tuy nhiên, do số lượng không đông đảo nên các biểu hiện trầm cảm của người bố sau sinh thường không được chú ý nhiều. Xét về nguyên nhân thì trầm cảm sau sinh ở cả phụ nữ lẫn đàn ông đều xuất phát từ các nguyên nhân giống nhau, nó có thể là áp lực tài chính, quá trình chăm sóc con cái, sự ảnh hưởng từ mối quan hệ gia đình hoặc nhiều yếu tố tác động khác.
Trầm cảm sau sinh khiến người bệnh rơi vào trạng thái rối loạn cảm xúc, khí sắc suy giảm, mất dần hứng thú với các hoạt động đời sống. Đồng thời, bệnh nhân còn phải đối diện với một số biểu hiện về thể chất, nghiêm trọng hơn có thể hình thành tâm lý muốn tự sát.
Trầm cảm sau sinh có thể tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau, các biểu hiện và ảnh hưởng của bệnh cũng tùy thuộc vào từng trường hợp riêng biệt. Trầm cảm nếu được phát hiện và hỗ trợ khắc phục trong giai đoạn sớm thì có thể dễ dàng phục hồi sức khỏe, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nếu trầm cảm sau sinh liên tục kéo dài và phát triển nghiêm trọng thì có khả năng gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, thậm chí đe dọa đến tính mạng con người.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh
Theo như chia sẻ của rất nhiều các chuyên gia thì trầm cảm sau sinh có thể liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, cho đến hiện nay khoa học vẫn chưa thể xác định cụ thể và chính xác về nguyên nhân gây ra vấn đề sức khỏe này. Trầm cảm sau sinh có thể khởi phát do sự kết hợp của rất nhiều các yếu tố khác nhau, để có thể hỗ trợ điều trị hiệu quả, bác sĩ chuyên khoa cũng cần cần nhắc kỹ lưỡng về các tác động bên trong lẫn bên ngoài để đưa ra được biện pháp khắc phục phù hợp nhất.
Cụ thể, một số nguyên nhân thường được nhắc đến khi nói về trầm cảm sau sinh như:
- Sự thay đổi đột ngột của nội tiết tố: Được biết, nồng độ nội tiết tố nữ estrogen và progesterone sẽ tăng cao trong quá trình phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, sau khi sinh, nồng độ này lại có sự sụt giảm đáng kể và nhanh chóng, thậm chí giảm hơn so với mức bình thường. Chính vì thế, phụ nữ sau sinh thường có sự thay đổi bất thường về mặt cảm xúc, họ trở nên nhạy cảm, dễ kích động hơn so với thường ngày và điều này có thể là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ bị trầm cảm cả khi mang thai lẫn sau khi sinh.
- Do tiền sử bệnh lý: Trầm cảm sau sinh sẽ có nguy cơ phát triển cao hơn thông thường nếu trước đây người bệnh đã từng mắc phải chứng bệnh này trước hoặc trong khi mang thai. Theo đó, những trường hợp đã có tiền sử bệnh tâm thần trước đó thì sẽ có nhiều khả năng bị trầm cảm sau sinh hơn so với bình thường.
- Do suy giảm sức khỏe sau sinh: Phụ nữ sau khi sinh thường có thể trạng yếu ớt, trong quá trình sinh nở phải chịu nhiều sự đau đớn, thậm chí có nhiều trường hợp sinh khó gây ảnh hưởng đến thể chất và cả tinh thần. Những cơn đau liên tục kéo dài sau đó cùng với sự khó khăn, mệt mỏi trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh có thể khiến cho nhiều người cảm thấy kiệt sức, dễ cáu gắt, nóng giận và chán ghét cuộc sống hiện tại, lâu dần sinh ra trầm cảm.
- Các vấn đề ngoài ý muốn: Mang thai và sinh con mang đến nhiều cảm xúc đối với người mẹ và cả các thành viên trong gia đình. Chào đón đứa con ra đời chính là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao của mỗi bậc làm ba mẹ. Tuy nhiên, có không ít các trường hợp cảm thấy tiêu cực, bế tắc vì mang thai ngoài ý muốn, con cái sinh ra gặp phải các vấn đề về sức khỏe khiến cho họ dễ rơi vào trạng thái chán nản, bi quan về cuộc sống.
- Tác động từ cuộc sống và gia đình: Có thêm thành viên mới là niềm vui và hạnh phúc của tất cả các gia đình. Tuy nhiên, song song với đó, ba mẹ cần phải chuẩn bị đầy đủ về tài chính, thời gian, các kiến thức chăm sóc, nuôi dạy trẻ nhỏ. Những áp lực về kinh tế chính là yếu tố có thể tác động trực tiếp đến tinh thần của mỗi bậc làm ba mẹ. Ngoài ra, nếu không nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ tốt từ gia đình, xã hội thì sự căng thẳng, mệt mỏi sẽ càng gia tăng đáng kể và làm xuất hiện tình trạng trầm cảm kéo dài sau sinh.
Trầm cảm sau sinh dù khởi phát bởi bất kỳ nguyên nhân nào cũng cần có sự hỗ trợ và phát hiện để can thiệp kịp thời. Việc được điều trị trong giai đoạn sớm sẽ mang đến rất nhiều thuận lợi trong quá trình loại bỏ các yếu tố ảnh hưởng, phục hồi sức khỏe tinh thần và đẩy lùi trầm cảm hiệu quả.
Cách nhận biết trầm cảm sau sinh
Các biểu hiện của trầm cảm sau sinh cũng tương tự như chứng trầm cảm thông thường. Các triệu chứng trong giai đoạn đầu có thể khó nhận biết hoặc dễ bị nhầm lẫn với những biến đổi tâm trạng thường gặp của phụ nữ sau khi sinh con nên việc tiến hành thăm khám và điều trị cũng trở nên chậm trễ hơn.
Trong giai đoạn sau sinh, đặc biệt là trong 1 năm đầu tiên, gia đình cần dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt đối với phụ nữ và cả người chồng để phòng tránh tốt nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe tâm thần. Nếu nhận thấy họ có các biểu hiện bất thường về cả cảm xúc, hành vi, suy nghĩ thì cần tiến hành thăm khám, chẩn đoán chính xác tại các cơ sở, bệnh viện uy tín để được hỗ trợ kỹ lưỡng hơn.
Sau đây là một số biểu hiện đặc trưng thường gặp ở người bệnh trầm cảm sau sinh mà bạn có thể nhận biết như:
- Luôn cảm thấy buồn chán, trầm uất, u sầu, mệt mỏi, luôn chực chờ muốn bật khóc nhưng không rõ nguyên nhân. Cảm xúc tồi tệ có thể gia tăng mạnh mẽ vào đầu hoặc cuối ngày khiến người bệnh không thể làm được bất cứ điều gì.
- Không còn hứng thú trong việc tham gia các hoạt động xã hội, kể cả những việc đã từng yêu thích và có nhiều dự định trước đây. Thậm chí nhiều người bệnh còn bỏ bê việc chăm sóc bản thân và con cái.
- Cảm xúc thay đổi liên tục, trở nên nhạy cảm quá mức, có thể cáu gắt, tức giận, gắt gỏng với những người xung quanh vì những chuyện vô cùng nhỏ nhặt. Họ không thể kiểm soát tốt cảm xúc của chính mình, dễ dẫn đến các hành vi tiêu cực, chống đối.
- Trầm cảm sau sinh khiến người bệnh liên tục rơi vào trạng thái mệt mỏi, thiếu sức sống, kiệt sức.
- Giấc ngủ bị thay đổi bất thường, có thể mất ngủ hoặc buồn ngủ quá nhiều. Phần lớn người bệnh trầm cảm sẽ thấy khó ngủ, trằn trọc không ngủ được, ngủ không ngon giấc, hay mơ gặp ác mộng và thức giấc nhiều lần trong đêm. Cũng có một số ít ngủ quá nhiều, buồn ngủ liên tục và ngủ không kể thời gian.
- Thói quen ăn uống cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Khẩu vị của người bệnh thay đổi, ăn uống không ngon miệng, chán ăn, ăn không đủ bữa. Một số người do căng thẳng, lo lắng quá mức có thể ăn uống liên tục, bổ sung thức ăn quá nhiều gây ảnh hưởng đến cân nặng và sức khỏe.
- Luôn lo lắng, bất an về mọi thứ, cảm thấy bản thân tội lỗi, vô dụng, tự trách chính mình.
- Trầm cảm sau sinh làm suy giảm nghiêm trọng nhu cầu tình dục của người bệnh. Họ không còn thấy hứng thú đối với việc gần gũi vợ chồng, liên tục né tránh, thể hiện cảm xúc khó chịu.
- Không muốn giao tiếp, chia sẻ với bất kỳ ai. Người bệnh trầm cảm sau sinh thường ít nói chuyện, xa lánh bạn bè, gia đình.
- Mất tập trung, suy giảm trí nhớ và khó khăn trong việc đưa ra các lựa chọn, quyết định hàng ngày, kể cả những việc đơn giản.
- Xuất hiện các triệu chứng về thể chất như nhức đầu, đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh, đau nhức chân tay, khô miệng,…
- Suy nghĩ tiêu cực, nghĩ về cái chết và có ý định muốn thực hiện hành vi tự làm tổn thương bản thân hoặc tự sát, giết hại con.
Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh thường có mức độ biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh. Nếu trầm cảm nhẹ, các triệu chứng của bệnh còn khá mơ hồ và ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, đồng thời cũng dễ dàng khắc phục. Tuy nhiên, khi trầm cảm phát triển thành giai đoạn vừa và nặng thì tần suất xuất hiện của triệu chứng càng gia tăng, sức khỏe và đời sống của bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến cho quá trình phục hồi, can thiệp gặp nhiều trở ngại.
Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không?
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần nguy hiểm và trầm cảm sau sinh lại càng nguy hiểm hơn gấp nhiều lần bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà cả trẻ nhỏ, gia đình và toàn xã hội. Trong thực tế đã có rất nhiều các cuộc nghiên cứu tìm hiểu về những tác động của trầm cảm sau sinh và nhận thấy mức độ của nó vô cùng nghiêm trọng nếu không được sớm can thiệp hiệu quả.
Trầm cảm sau sinh gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của người bệnh. Đồng thời nó còn tác động và làm suy giảm về thể chất, cuộc sống và nhiều khía cạnh khác của bệnh nhân. Cụ thể, một số tác động nguy hiểm mà trầm cảm có thể gây ra như sau:
1. Ảnh hưởng đối với người bệnh
Như đã chia sẻ, các biểu hiện trầm cảm sau sinh ở giai đoạn đầu thường diễn ra âm thầm nên khó phát hiện, đồng thời nó cũng dễ bị nhầm lẫn với sự biến đổi tâm lý bình thường của phụ nữ. Vì thế, trầm cảm có nhiều khả năng kéo dài và phát triển khiến cho các triệu chứng của bệnh càng trở nên nghiêm trọng, từ đó làm ảnh hưởng sâu đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Trầm cảm khiến người bệnh luôn cảm thấy buồn chán, mệt mỏi, thiếu sức sống và bi quan về đời sống. Điều này khiến cho họ không còn hứng thú để thực hiện bất kỳ công việc gì, có nhiều xu hướng bỏ rơi bản thân, không chăm sóc tốt cho chính mình và con cái.
Nhiều phụ nữ sau sinh do bị trầm cảm không thể tiếp tục công việc, trở nên bỏ bê mọi thứ và rơi vào trạng thái bi quan. Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính, khả năng phục hồi sức khỏe và cả những mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
Ngoài ra, nếu tình trạng trầm cảm càng gia tăng mạnh mẽ sẽ thúc đẩy các suy nghĩ tiêu cực, tồi tệ của
nhân, từ đó gia tăng nguy cơ tự sát. Trong thực tế đã có không ít các trường hợp tự sát do trầm cảm sau sinh và để lại nhiều hậu quả khó lường.
2. Ảnh hưởng đến trẻ nhỏ
Không chỉ gây nên nhiều tác động xấu đối với người bệnh mà ngay cả những trẻ nhỏ được sinh ra và có mẹ hoặc ba mắc chứng trầm cảm đều bị ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau. Nếu trầm cảm kéo dài từ khi mang thai cho đến sau sinh thì trẻ nhỏ có nhiều khả năng phải đối diện với những vấn đề sức khỏe, cản trở lớn trong việc hình thành và phát triển các kỹ năng.
Trẻ thường sẽ bị chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ, khả năng vận động yếu kém hơn so với lứa tuổi. Ngoài ra, khả năng tương tác xã hội, kết nối, giao tiếp của trẻ cũng sẽ không thể đảm bảo tốt. Nhiều trẻ do thường xuyên được chăm sóc bởi người bệnh trầm cảm có thể xuất hiện các hành vi bất thường, cảm xúc rối loạn, dễ kích động, cáu gắt.
Những đứa trẻ này còn có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn so với thông thường. Theo nghiên cứu, những người được sinh ra trong gia đình có người thân, đặc biệt là ba mẹ từng mắc trầm cảm thì tỷ lệ mắc bệnh của họ sẽ cao hơn.
Ngoài ra, khi rơi vào trạng thái trầm cảm, phụ nữ thường mất dần khả năng chăm sóc con cái, thường xuyên bỏ bê trẻ nhỏ khiến cho sức khỏe của trẻ không được đảm bảo tốt. Đặc biệt hơn, có những trường hợp người bệnh cảm thấy chán ghét và thù hằn con của mình, từ đó gia tăng nguy cơ sát hại con.
3. Ảnh hưởng đối với gia đình và xã hội
Người bệnh trầm cảm thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng về cả thể chất lẫn tinh thần. Ở các trường hợp nặng họ thường có xu hướng không làm bất cứ điều gì cả và gây nên gánh nặng lớn đối với gia đình. Những người thân bên cạnh phải dành nhiều thời gian chăm sóc, kiểm soát những hành vi bất thường của họ, thậm chí có nhiều khả năng bị gia tăng nguy cơ bị trầm cảm.
Theo kết quả của một số nghiên cứu nhận thấy rằng, những người thường xuyên sống chung, tâm sự và chia sẻ với người bệnh trầm cảm sẽ có nguy cơ phát triển chứng bệnh này cao hơn so với bình thường. Họ có thể bị tác động về mặt tâm lý, ảnh hưởng từ những suy nghĩ tiêu cực của bệnh nhân và dần cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi.
Trầm cảm sau sinh còn gia tăng các mâu thuẫn trong mối quan hệ gia đình, xã hội. Cũng bởi người bệnh thường xuyên mất kiểm soát về cảm xúc, hành vi nên dễ gây ra những bất hòa đối với chồng, bạn bè, đồng nghiệp.
Các điều trị hiệu quả trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh mang tính chất vô cùng nguy hiểm và cần được can thiệp, điều trị kịp thời giúp phòng tránh tốt các nguy cơ gây hại cho bệnh nhân, trẻ nhỏ và cả những người xung quanh. Tùy vào tình trạng và sự đáp ứng của mỗi người bệnh mà các bác sĩ chuyên khoa có thể cân nhắc áp dụng tốt các biện pháp can thiệp khác nhau.
Đối với phụ nữ sau sinh khi mắc chứng trầm cảm thì cần được xem xét kỹ lưỡng hơn về việc sử dụng các biện pháp can thiệp hiệu quả và đảm bảo an toàn. Cụ thể một số biện pháp thường được ưu tiên áp dụng cho các trường hợp trầm cảm sau sinh như:
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp can thiệp sử dụng ngôn ngữ để tác động và làm thay đổi cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của con người. Phương pháp này thường được ưu tiên áp dụng cho hầu hết các trường hợp mắc bệnh trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm sau khi sinh.
Cũng bởi, tâm lý trị liệu hoàn toàn không sử dụng đến thuốc điều trị và không can thiệp đến cơ thể. Vì thế, nó đảm bảo được độ an toàn tuyệt đối, không gây ra tác dụng phụ hoặc để lại bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào trong tương lai.
Tâm lý trị liệu đi sâu vào việc tìm hiểu, khai thác nội tâm của người bệnh. Sử dụng các liệu pháp khoa học để giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về chính bản thân và dần điều chỉnh cảm xúc, hành vi theo chiều hướng đúng đắn hơn.
Thông qua các buổi trò chuyện trực tiếp cùng với chuyên gia tâm lý, phụ nữ sau sinh có thể giải tỏa được cảm xúc tiêu cực, tháo gỡ các nút thắt tâm lý để dần đưa ra các hướng giải quyết, khắc phục vấn đề tích cực, lành mạnh hơn. Ngoài ra, chuyên gia tâm lý, nhà trị liệu còn giúp bệnh nhân trang bị thêm các kỹ năng sống cần thiết để giúp họ đối diện với những khó khăn trong cuộc sống, hạn chế được tình trạng tái phát về sau.
2. Sử dụng thuốc điều trị
Nếu tình trạng trầm cảm sau sinh liên tục kéo dài và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẹ và bé hoặc những người xung quanh thì bác sĩ có thể cân nhắc để họ sử dụng một số loại thuốc. Các loại thuốc chống trầm cảm có tác dụng hiệu quả đối với việc kiểm soát các triệu chứng bệnh, ngăn chặn nguy cơ tự sát hoặc các hành vi tiêu cực ở người bệnh.
Tuy nhiên, do thuốc chống trầm cảm và một số loại thuốc hỗ trợ điều trị tâm thần có khả năng gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Người bệnh có thể buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, khô miệng hoặc gặp phải các triệu chứng bất thường khác nên việc dùng thuốc cần phải hết sức cẩn thận.
Đặc biệt đối với phụ nữ sau sinh đang trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ càng phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Thông thường, đối với các trường hợp cần phải điều trị bằng thuốc thì bác sĩ sẽ khuyến cáo bệnh nhân ngừng cho con bú sữa mẹ để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ.
3. Chăm sóc sức khỏe tại nhà
Trầm cảm sau sinh phần lớn cũng do sự ảnh hưởng của các thay đổi về đời sống sinh hoạt, sự mệt mỏi trong quá trình mang thai, sau sinh và chăm sóc trẻ nhỏ. Chính vì thế, trong giai đoạn này, phụ nữ rất cần sự hỗ trợ và chăm sóc của chồng cùng gia đình. Bản thân cần phải sắp xếp thời gian, cân bằng cuộc sống để mau chóng quay lại nhịp sống bình thường, từ đó loại bỏ tốt các triệu chứng của trầm cảm.
Để giúp trầm cảm sau sinh được sớm loại bỏ giúp đời sống tinh thần của mẹ bỉm được hạnh phúc và thoải mái hơn thì bạn cần áp dụng tốt các biện pháp tại nhà sau đây:
- Chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày, mẹ bỉm cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất để hỗ trợ phục hồi sức khỏe sau sinh. Đồng thời cần kiêng các loại đồ ăn đóng hộp, chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản độc hại.
- Phụ nữ sau sinh nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Nếu không nhận được sự hỗ trợ từ người thân, bạn hãy tranh thủ những lúc con ngủ để chợp mắt, thả lỏng cơ thể một chút.
- Tùy vào tình trạng sức khỏe sau sinh mà các chị em cũng nên vận động nhẹ nhàng, tránh tình trạng nằm liên tục một chỗ khiến cho sức khỏe khó phục hồi. Việc đi lại và ra ngoài hít thở bầu không khí trong lành cũng là cách hiệu quả để giảm căng thẳng, mệt mỏi.
- Chăm trẻ sơ sinh khiến cho nhiều bà mẹ rơi vào trạng thái thiếu ngủ liên tục và hình thành nên chứng trầm cảm. Vì thế, hãy tìm cách sắp xếp thời gian hợp lý, cân bằng giấc ngủ. Nếu có thể hãy nhờ đến ông bà hoặc những người thân trong gia đình giúp chăm trẻ để bạn được nghỉ ngơi đôi chút.
- Phụ nữ sau sinh nên cởi mở, chia sẻ và tâm sự nhiều hơn với chồng cùng những người thân bên cạnh để giải tỏa cảm xúc hiệu quả. Nếu cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi hãy tìm kiếm những hoạt động thư giãn phù hợp với bản thân, chẳng hạn như nghe nhạc, đọc sách, thiền định để tâm trạng trở nên tốt hơn.
Cách phòng ngừa trầm cảm sau sinh hiệu quả
Trầm cảm sau sinh có thể khởi phát ở bất kỳ ai, đặc biệt là những phụ nữ đã từng có tiền sử bị trầm cảm trước đó. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa và làm giảm nguy cơ phát triển của chứng rối loạn tâm thần này bằng nhiều cách khác nhau.
Việc phòng tránh trầm cảm sau sinh cần được thực hiện sớm ngay trước khi mang thai, trong quá trình mang thai và sau khi sinh. Bạn cần chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý, tài chính và các kiến thức cần thiết để hỗ trợ tốt cho quá trình mang thai, sau sinh, ngăn chặn các suy nghĩ tiêu cực có thể xảy ra.
Cụ thể một số điều cần phải thực hiện để ngăn ngừa trầm cảm sau sinh như:
- Ba mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý trước khi quyết định mang thai. Phụ nữ cần tiến hành thăm khám sức khỏe tiền sản, nhất là cá trường hợp đã có tiền sử mắc các bệnh lý nguy hiểm trước đó để bác sĩ tư vấn cụ thể về kế hoạch phòng ngừa.
- Trong quá trình mang thai cần giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ và khám sức khỏe, sàng lọc kỹ càng để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường của thai kỳ.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và áp dụng các lối sống lành mạnh trong suốt quá trình mang thai. Mẹ bầu cần uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ quả, các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và cần phải ăn chín uống sôi. Đồng thời phải hạn chế các món ăn độc hại, thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản.
- Ba mẹ cần tìm hiểu các thông tin về mang thai, chăm sóc sức khỏe thai kỳ, cần chuẩn bị gì cho việc sinh nở, quá trình vượt cạn như thế nào, cách chăm sóc sức khỏe mẹ bỉm và trẻ sơ sinh,…Hoặc bạn có thể đăng ký tham gia các lớp tiền sản dành cho vợ chồng để cập nhật thêm các thông tin cần thiết, chuẩn bị đầy đủ cả về tinh thần lẫn vật chất để chào đón đứa con của mình.
- Phụ nữ sau sinh nên tiến hành kiểm tra sức khỏe trong giai đoạn sớm nhằm giúp sàng lọc tốt các dấu hiệu cảnh báo trầm cảm sau sinh, từ đó nhanh chóng hỗ trợ khắc phục và điều trị hiệu quả.
- Cần xây dựng lối sống lành mạnh, duy trì các thói quen tích cực sau khi sinh. Suy nghĩ lạc quan, nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống điều độ để có được sức khỏe tốt phòng chống bệnh tật.
- Không gây áp lực lên bản thân, cần học cách chia sẻ, bày tỏ cảm xúc với những người xung quanh và luôn nhờ sự hỗ trợ khi cần thiết.
- Chồng và gia đình chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất cho phụ nữ sau khi sinh nở. Chồng cần dành thời gian để quan tâm, chăm sóc, thể hiện sự yêu thương để giúp mẹ bỉm giảm bớt các lo lắng, buồn tủi. Luôn lắng nghe và thông cảm trước những cảm xúc tiêu cực của mẹ bỉm và luôn là nơi an toàn để bảo vệ, che chở cho họ.
Trầm cảm sau sinh nếu không được phát hiện và áp dụng kịp thời các biện pháp can thiệp sẽ khiến cho bệnh tình càng trở nên nghiêm trọng, gây ra nhiều hậu quả nặng nề đối với người bệnh, trẻ nhỏ và cả gia đình, xã hội. Vì thế, trong giai đoạn nhạy cảm này, bản thân phụ nữ và gia đình cần phải đặc biệt quan tâm, chăm sóc để bảo vệ tốt cho sức khỏe, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!