Rối Loạn Nhân Cách Kịch Tính (HPD): Biểu hiện và hướng điều trị

Rối loạn nhân cách kịch tính bao gồm những đặc điểm nổi bật như khao khát được chú ý, tính cách khoa trương, thể hiện cảm xúc một cách cường điệu. Dạng nhân cách này không chỉ gây trở ngại trong cuộc sống mà còn là nền tảng cho những rối loạn tâm lý, tâm thần về sau. May mắn thay, đa phần bệnh nhân đều hợp tác khi điều trị và có những cải thiện rõ rệt.

rối loạn nhân cách kịch tính
Rối loạn nhân cách kịch tính là một trong những rối loạn nhân cách nhóm B

Rối loạn nhân cách kịch tính là gì?

Rối loạn nhân cách kịch tính (Histrionic personality Disorder – HPD) là nhân cách “bệnh lý” đặc trưng bởi sự bi kịch hóa và cường điệu cảm xúc với mục đích thu hút sự quan tâm của những người xung quanh. Những người mắc rối loạn này thường có cảm xúc không ổn định, tính cách khoa trương, màu mè, khao khát được chú ý một cách thái quá và rất dễ bị ám thị.

Hiện nay, DSM (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần) đã công nhận rối loạn nhân cách kịch tính là 1 trong 10 loại rối loạn nhân cách. Rối loạn này được xếp vào nhóm B cùng với rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn nhân cách ái kỷ và rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

Trước đây, rối loạn nhân cách kịch tính được gọi là nhân cách Hysteria. Những người có dạng nhân cách này rất dễ phát triển chứng cuồng loạn Hysteria do tính tự ám thị cao. Đây cũng là một trong những nhân cách bệnh lý đầu tiên được đề cập.

Cho đến nay, những vấn đề xoay quanh rối loạn nhân cách nói chung và rối loạn nhân cách kịch tính nói riêng vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi. Dù vậy, việc điều trị đã có tiến triển khi ngày càng có nhiều phương pháp mang lại hiệu quả, cải thiện được những đặc điểm tính cách “bệnh lý”.

Ước tính, có khoảng 2-3% dân số phát triển rối loạn nhân cách kịch tính và tỷ lệ cao hơn ở nữ giới. So với các rối loạn nhân cách nhóm B, nhân cách Hysteria có tiên lượng tốt hơn. Nếu được điều trị đúng cách và nhận được sự hỗ trợ từ những người xung quanh, đa phần đều có chuyển biến tốt và tích cực.

Biểu hiện của người bị rối loạn nhân cách kịch tính

Đặc điểm chung của những người bị rối loạn nhân cách là rất khó thích nghi và gặp không ít trở ngại, khó khăn trong cuộc sống. Đối với rối loạn nhân cách kịch tính, những tính cách “bệnh lý” có thể dễ dàng nhận thấy trong quá trình tiếp xúc.

rối loạn nhân cách kịch tính (hpd)
Công chúng tin rằng Amber Heard có đầy đủ biểu hiện của rối loạn nhân cách kịch tính

Người bị rối loạn nhân cách kịch tính sẽ có những biểu hiện như sau:

  • Khao khát trở thành trung tâm và muốn nhận được sự chú ý từ những người xung quanh. Thậm chí họ có thể không quan tâm việc người khác chú ý đến mình là do bản thân xinh đẹp, nổi bật hay ngớ ngẩn, khác người.
  • Cảm thấy không thoải mái khi ở những tình huống mà bản thân không nhận được sự chú ý.
  • Hành vi cường điệu, thường ăn mặc quyến rũ, cư xử khiêu gợi để thu hút sự chú ý của người khác. Những người bị rối loạn nhân cách kịch tính thường thiếu chừng mực trong hành vi và tỏ ra thân thiết quá mức (đặc biệt là với người khác giới).
  • Bộc lộ cảm xúc thái quá, phiến diện, tâm trạng không ổn định và nhanh chóng thay đổi.
  • Thường sử dụng ngoại hình để người khác quan tâm đến mình. Vì vậy, một đặc điểm thường thấy là họ rất quan tâm đến ngoại hình.
  • Rất bận tâm đến việc người khác nhìn nhận bản thân như thế nào (chủ yếu là về vẻ ngoài).
  • Có xu hướng bi kịch hóa cảm xúc của bản thân.
  • Văn phong, lời nói có vẻ hoàng nhoáng, trừu tượng nhưng thực chất nội dung vô cùng nghèo nàn, thiếu chiều sâu.
  • Dễ bị ám thị và chịu ảnh hưởng nhiều từ bối cảnh xung quanh.
  • Nhìn nhận các mối quan hệ không đúng với thực tế. Người phát triển nhân cách Hysteria thường xem các mối quan hệ thân thiết hơn một cách vô lý.
  • Lòng tự trọng thấp nên luôn có nhu cầu được người khác chú ý và quan tâm. Khi được chú ý, họ có cảm giác rất thoải mái và tự hào. Ngược lại, việc không nhận được sự chú ý như mong đợi có thể gây ra cảm giác khó chịu, thậm chí là thất vọng, trầm cảm.
  • Cả tin, có thể tin tưởng vào người khác tuyệt đối (thường là những người mà họ ngưỡng mộ).
  • Dễ cảm thấy nhàm chán và thường thích sự mới mẻ. Vì vậy, một số người có xu hướng thay đổi công việc, các mối quan hệ thường xuyên.

Tương tự như các dạng nhân cách “bệnh lý” khác, rối loạn nhân cách kịch tính thường xuất hiện ở đầu thời kỳ trưởng thành. Những người phát triển dạng nhân cách này rất khó duy trì các mối quan hệ, dễ bị lợi dụng, bỏ rơi, lạm dụng tình cảm, thể chất…

Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách kịch tính

Rối loạn nhân cách kịch tính là một trong những nhân cách “bệnh lý” được nhắc đến đầu tiên. Thuật ngữ Hysteria đã được mô tả từ thời Hy Lạp. Dù được nghiên cứu khá lâu nhưng những hiểu biết về căn nguyên còn rất hạn chế.

Hiện nay, đã có một vài yếu tố được xác định có tham gia vào cơ chế bệnh sinh:

1. Di truyền

Đặc điểm tính cách đã được xác định có khả năng di truyền. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được gen quy định “tính khí”. Nhưng rõ ràng có rất nhiều cặp cha – con, mẹ – con dù không chung sống từ nhỏ, song lại có rất nhiều tính cách giống nhau.

rối loạn nhân cách kịch tính là gì
Di truyền là một trong những yếu tố tham gia vào quá trình hình thành nhân cách

Điều này chứng minh rằng, rối loạn nhân cách nói chung và rối loạn nhân cách kịch tính nói riêng có khả năng là tình trạng di truyền. Vì vậy, nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh, nguy cơ ở con cái sẽ cao hơn bình thường.

2. Môi trường sống

Các chuyên gia tin rằng, nhân cách hoàn chỉnh chịu sự chi phối của hai yếu tố là di truyền và môi trường sống. Nhân cách “nguyên bản” sẽ dần thay đổi sau khi trải qua các sự kiện, sang chấn, cách giáo dục…

Đối với rối loạn nhân cách kịch tính, các chuyên gia nhận thấy người phát triển dạng nhân cách này thường có mô hình gia đình với người cha nghiêm khắc, trong khi người mẹ lại vô cùng quyến rũ và gợi cảm. Người mẹ thường sử dụng ngoại hình, tình dục để ràng buộc bạn đời và đạt được những điều mà bản thân mong muốn.

Trong kiểu mô hình này, con trẻ (đặc biệt là nữ giới) rất dễ phát triển tính cách giống người mẹ. Con cái sau khi trưởng thành sẽ sử dụng ngoại hình để thu hút sự chú ý, luôn bận tâm về cách người khác nhìn nhận bản thân, hành vi thiếu chừng mực, phù phiếm…

3. Sang chấn tâm lý trong quá khứ

Giống như các rối loạn nhân cách khác, rối loạn nhân cách kịch tính có thể là kết quả của cơ chế phòng vệ trong vô thức mà thông qua nhận thức chính chủ thể cũng không hề phát hiện ra.

rối loạn nhân cách kịch tính là gì
Sang chấn tâm lý trong quá khứ có thể làm gia tăng nguy cơ bị rối loạn nhân cách kịch tính

Các nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy, trẻ từng bị lạm dụng, bỏ rơi, mất cha mẹ sớm, sống trong gia đình không hạnh phúc, mẹ ngoại tình… sẽ có nguy cơ cao phát triển dạng nhân cách này.

4. Cách giáo dục sai lệch

Giáo dục là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách. Các chuyên gia tin rằng, nhân cách Hysteria thường phát triển ở những đứa trẻ được cha mẹ chiều chuộng quá mức. Hoặc cách giáo dục không nhất quán khiến trẻ thiếu chính kiến, luôn có khao khát được chú ý và thích cường điệu, bi kịch hóa cảm xúc của mình.

Ngoài ra, mâu thuẫn trong mối quan hệ với cha mẹ cũng có thể là lý do hình thành các đặc điểm tính cách như thích sự chú ý, dễ bị ám thị và ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Cha mẹ vô tâm, không quan tâm đến con cái có thể là nguồn gốc của việc nhìn nhận các mối quan hệ thân thiết hơn so với thực tế.

5. Các yếu tố sinh học

Dù chưa xác định chính xác, nhưng các chuyên gia thấy rằng rối loạn nhân cách kịch tính và các rối loạn nhân cách nhóm B đều có mặt sinh học dễ bị tổn thương. Một vài vùng bên trong não bộ có thể gặp phải vấn đề, điều này dẫn đến hình thành những tính cách không lành mạnh gây ra nhiều cản trở trong cuộc sống.

Rối loạn nhân cách kịch tính và những ảnh hưởng, biến chứng

Tất cả những nhân cách “bệnh lý” đều ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và gia tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần thứ phát. So với các rối loạn cùng nhóm, rối loạn nhân cách kịch tính có tiên lượng tốt hơn.

Nếu được điều trị sớm và đúng cách, các đặc điểm tính cách như thích được chú ý, khoa trương quá mức, cảm xúc dễ thay đổi… sẽ có những chuyển biến tích cực. Người bệnh nhận thức đúng đắn hơn về giá trị của bản thân, nâng cao lòng tự trọng và không còn bị phụ thuộc vào cách nhìn nhận của người khác.

rối loạn nhân cách kịch tính là gì
Người bị rối loạn nhân cách kịch tính khó tìm được các mối quan hệ thật sự, dễ bị lạm dụng, lừa gạt…

Trường hợp không được điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng như:

  • Xuất hiện các bệnh lý thứ phát như trầm cảm, rối loạn tình dục, rối loạn phân ly (cụ thể là chứng cuồng loạn Hysteria), rối loạn dạng cơ thể…
  • Tăng nguy cơ nghiện chất.
  • Tăng hành vi tự sát, tự hủy hoại bản thân.

Ngoài những vấn đề trên, những người bị rối loạn nhân cách kịch tính rất khó thăng tiến vì không phát triển bản thân và gìn giữ các giá trị bền vững. Họ có xu hướng theo đuổi những thứ phù phiếm như vẻ ngoài, sự bận tâm của người khác nên rất dễ bị thao túng và lừa gạt.

Những người phát triển nhân cách Hysteria hiếm khi có được các mối quan hệ lành mạnh. Đa phần những người tìm đến họ đều vì mục đích như thể xác, muốn phô trương vị thế của bản thân hay đơn giản là thỏa mãn cảm giác chinh phục…

Sau những đổ vỡ, thất bại, cảm xúc sẽ trở nên thất thường và ngày càng không ổn định. Nếu không nhận được sự hỗ trợ kịp thời, cuộc sống sẽ bắt đầu suy sụp, kéo theo một loạt các vấn đề tâm thần và thể chất.

Chẩn đoán rối loạn nhân cách kịch tính

Hiện nay, DSM đã hoàn chỉnh bộ tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn nhân cách nói chung và rối loạn nhân cách kịch tính nói riêng. Bước đầu, các chuyên gia sẽ khai thác triệu chứng, tiền sử cá nhân, gia đình và yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm, chẩn đoán… để sàng lọc nguy cơ.

Sau khi đã khoanh vùng bệnh nhân có những đặc điểm nhân cách “bệnh lý”. Tiêu chuẩn trong DSM-5 sẽ được sử dụng để đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

Tương tự như các rối loạn nhân cách khác, rối loạn nhân cách kịch tính chỉ được chẩn đoán cho người đủ 18 tuổi. Đồng thời các đặc điểm nhân cách “bệnh lý” phải xuất hiện ở đầu giai đoạn trưởng thành và không phải là triệu chứng của các rối loạn tâm thần khác.

Những người bị rối loạn nhân cách kịch tính không nhận ra tính cách, suy nghĩ, hành vi của bản thân là khác thường. Nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh nhân đến phòng khám là do trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc rối loạn giấc ngủ. Bên cạnh đó, một số ít người bị gia đình cưỡng ép đến bệnh viện.

Rối loạn nhân cách kịch tính được điều trị như thế nào?

Những ảnh hưởng, cản trở do rối loạn nhân cách kịch tính gây ra sẽ trở nên sâu sắc hơn nếu không được điều trị. Do căn nguyên phức tạp, đa dạng và môi trường sống của mỗi bệnh nhân là khác nhau nên không có phác đồ chung cho tất cả.

Các chuyên gia, bác sĩ sẽ thử nghiệm đa dạng phương pháp cho đến khi tìm được giải pháp phù hợp nhất. Hiện tại, có hai phương pháp chủ yếu được sử dụng trong điều trị rối loạn nhân cách kịch tính:

1. Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý là phương pháp hiệu quả nhất đối với rối loạn nhân cách kịch tính và các vấn đề có liên quan. Những người phát triển rối loạn này thường có tính cách khoa trương, thích được chú ý, giúp đỡ. Vì vậy, trong quá trình trị liệu, họ tỏ ra rất hợp tác và sẵn sàng làm theo hướng dẫn của tâm lý gia – nhất là khi chuyên gia là người có tầm ảnh hưởng, danh tiếng trong lĩnh vực.

rối loạn nhân cách kịch tính là gì
Hiện nay, tâm lý trị liệu là phương pháp có hiệu quả nhất trong điều trị rối loạn nhân cách kịch tính

Bằng nhiều liệu pháp khác nhau, những thiếu sót trong tính cách, lỗi tư duy và các hành vi không lành mạnh sẽ dần bị thay thế. Hiện tại, liệu pháp tâm động học, tâm lý nâng đỡ, liệu pháp nhận thức hành vi… là những liệu pháp có hiệu quả đang được ứng dụng rộng rãi.

Tâm lý trị liệu giúp thay đổi các đặc điểm tính cách như xúc cảm hời hợt, hay thay đổi, có xu hướng bi kịch và cường điệu hóa cảm xúc, khao khát sự chú ý quá mức, không thích thói quen và thường xuyên thay đổi. Do người có nhân cách Hysteria dễ bị ám thị nên chuyên gia cũng sẽ hỗ trợ xây dựng “cái tôi” vững mạnh, có chính kiến, nhìn nhận đúng giá trị bản thân và ít bị ảnh hưởng bởi bối cảnh xung quanh.

Ngoài ra, phương pháp này cũng rất có hiệu quả trong đối với các vấn đề tâm lý, tâm thần đi kèm như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, rối loạn dạng cơ thể… Vì vậy, trong hầu hết các trường hợp, tâm lý trị liệu gần như là lựa chọn đầu tiên.

2. Sử dụng thuốc

Thuốc có chỉ định rất hạn chế vì hiệu quả điều trị rối loạn nhân cách kịch tính chưa được nghiên cứu rõ ràng. Trường hợp cảm xúc hỗn loạn, thiếu ổn định, có biểu hiện lo âu và trầm cảm sẽ được cân nhắc dùng thuốc.

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn nhân cách kịch tính:

Rối loạn nhân cách kịch tính có thể đi kèm với một số triệu chứng cơ thể. Tuy nhiên, do tính cách dễ bị ám thị nên các triệu chứng này hoàn toàn có thể thuyên giảm khi trị liệu đúng cách. Vậy nên nếu không có biểu hiện lo âu, trầm buồn, việc dùng thuốc gần như là không cần thiết.

Có thể phòng ngừa rối loạn nhân cách kịch tính?

Không có cách nào có thể ngăn ngừa rối loạn nhân cách kịch tính. Tuy nhiên, nguy cơ phát triển dạng nhân cách này có thể giảm đi đáng kể nếu được giáo dục đúng cách và phát triển trong môi trường lành mạnh.

rối loạn nhân cách kịch tính là gì
Giáo dục đúng cách giúp trẻ hình thành tính cách tốt, tránh phát triển các dạng nhân cách “bệnh lý”

Các biện pháp có thể hạn chế nguy cơ bị rối loạn nhân cách kịch tính:

  • Giáo dục đúng cách có thể tránh việc hình thành các đặc điểm như thích được nuông chiều, khao khát sự chú ý, không có chính kiến, cảm xúc hời hợt, thiếu chính kiến… Ngay từ khi còn nhỏ, gia đình cần xác định cách giáo dục phù hợp để giúp con trẻ phát triển các phẩm chất tốt. Đồng thời bố mẹ nên nhất quán trong cách dạy dỗ.
  • Nâng cao lòng tự trọng bằng cách tuyên dương, khuyến khích khi con có hành động tốt. Yêu cầu con tự chăm sóc bản thân, hỗ trợ bố mẹ một số nhiệm vụ phù hợp với độ tuổi.
  • Giúp trẻ nhìn nhận đúng đắn giá trị của bản thân, tập trung phát triển những giá trị “thật sự” như học thức, kỹ năng, kinh nghiệm… Bằng nhận thức đúng đắn, trẻ có thể tránh xa những thứ phù phiếm và không quá quan tâm đến việc người khác nhìn nhận mình ra sao.
  • Không nên bảo bọc con cái quá mức, khuyến khích trẻ tự lập và tự giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn cần có sự mềm mỏng, cảm thông, không nên quá hà khắc hay tỏ ra không quan tâm khiến trẻ bị thiếu hụt tình cảm.
  • Nếu trẻ đang đối mặt với sang chấn tâm lý, cần có biện pháp nhằm giúp con trẻ phục hồi và cân bằng trở lại. Có thể tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia để tránh những di chứng và ảnh hưởng về sau.

Rối loạn nhân cách kịch tính thực sự là vấn đề cần được điều trị, khác hoàn toàn với các đặc điểm tính cách thông thường. Dù vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh nguyên nhân, tuy nhiên điều trị đối với rối loạn này mang lại kết quả rất khả quan. Điều trị sớm không chỉ giúp người bệnh thuận lợi hơn trong cuộc sống mà còn “chặn đứng” những vấn đề tâm lý, tâm thần thứ phát.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sang Chấn Tâm Lý
Sang Chấn Tâm Lý là gì? Biểu hiện và cách khắc phục hiệu quả

Sang chấn tâm lý là tình trạng tổn thương nghiêm trọng về mặt tinh thần và thường xảy ra sau khi một người trải qua...

hoang tưởng bị hại
Hoang tưởng bị hại: Dấu hiệu nhận biết và cách chữa bệnh hiệu quả

Hoang tưởng bị hại là một dạng rối loạn hoang tưởng đặc trưng bởi cảm giác nghi ngờ, lo lắng, sợ hãi bản thân đang...

rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm
Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm: Triệu chứng, cách điều trị bệnh

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần đặc biệt, có cả triệu chứng của cả hai...

Sốc tâm lý sau khi sinh con đầu lòng
Sốc tâm lý sau khi sinh con đầu lòng: Dấu hiệu nhận biết và điều trị

Sốc tâm lý sau khi sinh con đầu lòng là một trong các trạng thái thường gặp của những ai lần đầu trải nghiệm cảm...

Kỷ niệm 5 năm thành lập Viện Nghiên cứu Tâm lý và Phát triển Con người & 2 năm thành lập Trung tâm Tâm lý Giáo dục Chuyên biệt NHC Việt Nam

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp