Chữa Trầm Cảm Bằng Phương Pháp Thôi Miên
Chữa trầm cảm bằng thôi miên là phương pháp khá được quan tâm hiện nay. So với các liệu pháp khác, thôi miên ít được áp dụng do còn nhiều vấn đề tranh cãi. Dù vậy, nghiên cứu khoa học đã chứng minh phương pháp này thực sự có hiệu quả đối với bệnh nhân trầm cảm.
Tìm hiểu phương pháp thôi miên chữa trầm cảm
Trầm cảm hiện đang là vấn đề lớn đối với toàn thế giới khi tỷ lệ mắc bệnh ngày một gia tăng. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, trầm cảm còn làm giảm hiệu suất lao động, gia tăng tỷ lệ nghiện rượu bia, chất kích thích và phát sinh mâu thuẫn trong các mối quan hệ.
Lựa chọn trong điều trị trầm cảm thường là sử dụng thuốc và một số liệu pháp tâm lý như trị liệu liên cá nhân (IPT), liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)… Một phương pháp tâm lý trị liệu khác cũng được áp dụng cho bệnh nhân trầm cảm là thôi miên.
Nhắc đến thôi miên, mọi người thường nghĩ ngay đến trạng thái không tỉnh táo, bị điều khiển về tâm trí và hành vi. Định kiến về thôi miên khiến cho phương pháp này ít được ứng dụng trên lâm sàng, đặc biệt là ở những quốc gia Châu Á.
Liệu pháp thôi miên (Hypnotherapy) sử dụng các kỹ thuật để đưa người bệnh vào trạng thái thôi miên. Trong trạng thái này, người bệnh hoàn toàn bị tách rời với không gian hiện tại và tập trung hoàn toàn vào trải nghiệm bên trong (tiềm thức).
Khi thôi miên, người bệnh sẽ nhắm mắt và thoạt nhìn có cảm giác như đang ngủ. Tuy nhiên, lúc này não bộ đang hoạt động và tập trung cao để có thể hồi tưởng, tưởng tượng hoặc ghi nhớ lại những sự kiện trong quá khứ dưới sự hướng dẫn của chuyên gia trị liệu.
Ít ai biết rằng, phương pháp này đã được phát hiện từ những năm 1700. Dù vậy, việc sử dụng thôi miên trong điều trị các rối loạn tâm thần vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Nhất là khi các nền văn hóa vẫn còn định kiến gay gắt khiến cho phương pháp này trở nên khó tiếp cận.
Chữa trầm cảm bằng phương pháp thôi miên đã được sử dụng ở một số quốc gia như Mỹ, Pháp, Đức, Anh… Ở Châu Á nói chung và nước ta nói riêng, phương pháp này chưa thật sự phổ biến. Nguyên nhân khách quan là vì lĩnh vực tâm lý trị liệu chưa thực sự được quan tâm và nguyên nhân chủ quan là do định kiến, quan niệm sai lầm về thôi miên.
Lợi ích của phương pháp thôi miên đối với bệnh trầm cảm
Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng hiệu quả mà phương pháp thôi miên mang lại đã được chứng minh lâm sàng. Hiện nay, phương pháp này đã bắt đầu được sử dụng trong điều trị trầm cảm, các loại rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu và một số rối loạn tâm thần khác.
Chữa bệnh trầm cảm bằng phương pháp thôi miên đã được chứng minh mang lại những lợi ích như sau:
Khám phá các yếu tố vô thức gây trầm cảm
Một số chuyên gia cho rằng, các sự kiện hiện tại không phải là nguyên nhân gây trầm cảm mà là do vô thức (những suy nghĩ nằm bên dưới nhận thức có ý thức). Người bệnh đôi khi không nhận ra nguyên do khiến bản thân trở nên u uất, buồn rầu, đau khổ…
Ở trạng thái thôi miên, các chuyên gia có thể khám phá nguyên nhân ẩn giấu trong tiềm thức dẫn đến sự phát triển của bệnh trầm cảm. Can thiệp liệu pháp này có thể đưa các yếu tố tiềm thức “ra ánh sáng”. Khi can thiệp phương pháp thôi miên, bệnh nhân có thể nhớ lại những sự kiện trong quá khứ tưởng chừng như đã lãng quên, đồng thời bộc lộ suy nghĩ tiêu cực và niềm tin không lành mạnh mà đôi khi bản thân không nhận ra.
Việc xác định được nguyên nhân tiềm ẩn góp phần đáng kể trong điều trị trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác. Các yếu tố tiềm thức có thể giải thích vì sao bệnh nhân lại bị giảm khí sắc trong một thời gian dài dù cuộc sống hiện tại không có nhiều biến động.
Cải thiện các thói quen tiêu cực liên quan đến trầm cảm
Trầm cảm không chỉ khởi phát sau sang chấn mà còn có liên quan đến các thói quen tiêu cực như lười vận động, thiếu ngủ kéo dài, chế độ ăn uống không phù hợp… Khi can thiệp liệu pháp thôi miên, bệnh nhân dễ dàng chấp nhận các thói quen này là tiêu cực và hợp tác trong việc thay đổi thói quen xấu, xây dựng lối sống tích cực.
Ngoài các can thiệp chuyên sâu, một lối sống khoa học cũng giúp ích rất nhiều đối với bệnh nhân trầm cảm. Lối sống cân bằng mang lại tinh thần thư thái và thể trạng khỏe mạnh.
Nhận thức đúng đắn về bản thân
Người bị trầm cảm thường giảm lòng tự trọng, đánh giá thấp bản thân và tin rằng mình đã phạm phải những tội lỗi nghiêm trọng, xấu xa, vô dụng, không đáng được yêu thương… Những suy nghĩ tiêu cực này thúc đẩy ý nghĩ tự sát và hành vi tự hủy hoại.
Chữa trầm cảm bằng phương pháp thôi miên giúp người bệnh nhận thức đúng đắn về bản thân. Xác định được giá trị, nâng cao lòng tự trọng và sự tự tin trong cuộc sống. Thôi miên giúp bệnh nhân dễ dàng thay đổi suy nghĩ tiêu cực và quan niệm sai lầm, xây dựng tư duy đúng đắn để có một lối sống lành mạnh.
Giải quyết các triệu chứng trầm cảm
Liệu pháp thôi miên có thể giúp chuyên gia dễ dàng truyền động lực, tiếp thêm hy vọng của bệnh nhân trong quá trình điều trị. Người bệnh dần thay đổi những suy nghĩ tiêu cực, thiết lập lối sống khoa học, cân bằng.
Chữa bệnh trầm cảm bằng phương pháp thôi miên có thể giải quyết một số triệu chứng như giảm khí sắc, buồn bã, u uất, suy nghĩ tiêu cực và đặc biệt là các vấn đề về giấc ngủ. Khi các triệu chứng thuyên giảm, chất lượng cuộc sống sẽ được nâng cao và nguy cơ tái phát cũng được hạn chế tối đa.
Phát triển các kỹ năng đối phó
Trầm cảm không đơn thuần là trạng thái buồn bã dai dẳng mà còn gây ức chế tư duy, hành vi và đi kèm với các phản ứng sinh lý. Khi tham gia trị liệu, chuyên gia sẽ hướng dẫn một số kỹ năng để thích nghi với những ảnh hưởng của bệnh. Tuy nhiên, bản thân người bị trầm cảm thường thiếu động lực và rất khó khăn để có thể duy trì các hoạt động thường ngày.
Trong trạng thái thôi miên, bệnh nhân chấp nhận những lời khuyên của chuyên gia một cách dễ dàng hơn. Thông qua đó, người bệnh sẽ được trang bị kỹ năng đối phó để thuận lợi hơn trong cuộc sống. Khi những khó khăn do trầm cảm gây ra được kiểm soát, tâm trạng sẽ dần được cải thiện và các chức năng xã hội cũng được phục hồi theo thời gian.
Nâng cao hiệu quả cho các liệu pháp tâm lý khác
Liệu pháp thôi miên được xem là phương pháp hỗ trợ bên cạnh các hướng can thiệp chính. Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy, kết hợp thôi miên giúp tăng hiệu quả của liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp hành vi biện chứng, liệu pháp tâm lý liên cá nhân và các phương pháp tâm lý trị liệu khác.
Chữa trầm cảm bằng phương pháp thôi miên có hiệu quả không?
So với các phương pháp khác, nghiên cứu về hiệu quả của liệu pháp thôi miên đối với bệnh trầm cảm tương đối ít. Thứ nhất là do liệu pháp này chưa được áp dụng rộng rãi, thứ hai là do có nhiều tranh cãi và định kiến về thôi miên. Lý do cuối cùng là vì các liệu pháp tâm lý khác đã mang lại hiệu quả tốt trong điều trị trầm cảm.
Liệu pháp thôi miên được xem là phương pháp điều trị ngắn hạn, tiếp cận bệnh nhân một cách tự nhiên để có thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ. Khi thôi miên, cả thể chất và tinh thần đều được đưa vào trạng thái thoải mái nhất. Vì vậy, việc thay đổi cảm xúc và hành vi tiêu cực sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Qua các công trình được thực hiện, phương pháp thôi miên đã được chứng minh mang lại hiệu quả trong điều trị trầm cảm, rối loạn cảm xúc theo mùa và các rối loạn lo âu. Nghiên cứu cho thấy, thôi miên giúp làm giảm đáng kể các triệu chứng của trầm cảm. Thậm chí, một vài trường hợp còn có cải thiện tương đương với điều trị bằng thuốc.
Vào năm 2001, các chuyên gia đã thực hiện nghiên cứu về hiệu quả của thôi miên đối với chứng trầm cảm điển hình. Nhận thấy liệu pháp này có thể làm giảm tình trạng u uất, buồn rầu, cải thiện cảm giác vô vọng và tiêu cực.
Sau đó không lâu, nghiên cứu được thực hiện vào năm 2008 càng củng cố kết quả của nghiên cứu. Khi những bệnh nhân trầm cảm điều trị bằng liệu pháp thôi miên có hiệu quả không thua kém những phương pháp khác.
Tiếp nối kết quả của những nghiên cứu trước, vào năm 2018 13 nghiên cứu đã được thực hiện để chứng minh hiệu quả chữa trầm cảm bằng phương pháp thôi miên. Tất cả các nghiên cứu này đều cho thấy, triệu chứng của nhóm bệnh nhân được điều trị bằng thôi miên cải thiện nhiều hơn 76% so với nhóm đối chứng.
Mặc dù nghiên cứu khoa học về phương pháp thôi miên còn khá hạn chế nhưng qua các công trình trên, có thể khẳng định liệu pháp này có hiệu quả với bệnh nhân trầm cảm. Tuy nhiên, rất khó xác định mức độ cải thiện vì khả năng đáp ứng phụ thuộc phần lớn vào bệnh nhân và năng lực chuyên môn của nhà trị liệu.
Quy trình điều trị trầm cảm bằng thôi miên
Thôi miên là phương pháp điều trị ngắn hạn nên mỗi buổi trị liệu chỉ diễn ra trong khoảng 60 phút.Tần suất trị liệu có thể là 1 lần/ tuần hoặc 1 lần/ tháng. Quy trình điều trị trầm cảm bằng thôi miên sẽ bao gồm các bước chính sau:
Đánh giá ban đầu
Trong bước đánh giá ban đầu, chuyên gia sẽ đặt câu hỏi về tình trạng sức khỏe trong quá khứ và hiện tại, tập trung về thời điểm khởi phát, diễn tiến của bệnh trầm cảm. Chuyên gia cũng có thể đặt câu hỏi về các phương pháp điều trị bệnh nhân đã được can thiệp.
Nhìn chung, trong đánh giá bước đầu, bác sĩ sẽ tập trung vào các vấn đề như giấc ngủ, mâu thuẫn trong các mối quan hệ, tiền sử sử dụng thuốc, chế độ ăn uống, tần suất vận động, các sự kiện lớn trong cuộc sống xảy ra gần đây và sự thay đổi tâm trạng…
Các buổi thôi miên
Sau khi đánh giá, chuyên gia sẽ lên kế hoạch trị liệu cụ thể với số buổi phù hợp với tình trạng của từng cá nhân. Các buổi trị liệu sẽ được thực hiện định kỳ, chuyên gia sẽ sử dụng kỹ thuật để đưa người bệnh vào trạng thái thôi miên.
Sau đó dựa vào từng trường hợp mà sử dụng các kỹ thuật như củng cố niềm tin, khuyến khích hành vi tích cực. Hồi quy trí nhớ để khai thác các sự kiện đau lòng xảy ra trong quá khứ. Tiếp thêm động lực cho người bệnh trong quá trình điều trị, hình thành thái độ lạc quan và tự tin hơn.
Người bệnh cũng sẽ được hướng dẫn các kỹ thuật để đối phó với những khó khăn trong cuộc sống và thay đổi suy nghĩ để thoát ra khỏi trạng thái u uất, đau khổ kéo dài.
Theo dõi và hỗ trợ
Trong suốt quá trình trị liệu, chuyên gia sẽ đồng hành cùng với người bệnh. Một số người có thể trở nên kích động khi chuyên gia khơi gợi những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Trong những trường hợp này, thuốc có thể làm giảm trạng thái hoảng loạn, kích động.
Ưu nhược điểm của điều trị trầm cảm bằng thôi miên
Chữa trầm cảm bằng thôi miên không phải là phương pháp mới mẻ. Tính đến nay, phương pháp này đã có lịch sử hơn 300 năm. Tuy nhiên, vì không được ứng dụng rộng rãi nên những hiểu biết về liệu pháp thôi miên còn hạn chế.
Bệnh nhân trầm cảm có ý định điều trị bằng phương pháp thôi miên có thể tham khảo ưu nhược điểm trước khi quyết định can thiệp:
Ưu điểm
Giống như các phương pháp tâm lý trị liệu khác, liệu pháp thôi miên được đánh giá cao về độ an toàn vì không phải dùng thuốc và không can thiệp vào cơ thể.
Những ưu điểm vượt trội của phương pháp thôi miên chữa trầm cảm:
- An toàn: Đặc điểm chung của tâm lý trị liệu là an toàn, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau, kể cả người có bệnh lý nền hay phụ nữ mang thai, đang cho con bú.
- Không phụ thuộc vào thuốc: Khi can thiệp phương pháp thôi miên, bệnh nhân sẽ không phải phụ thuộc vào thuốc. Phương pháp này vừa giúp cải thiện tâm trạng vừa hỗ trợ giảm nhẹ một số triệu chứng thể chất như buồn ngủ, nhức mỏi, đau đầu…
- Thấu hiểu bản thân: Nếu như thuốc giúp làm giảm triệu chứng trầm cảm thì liệu pháp tâm lý nói chung và phương pháp thôi miên nói riêng giúp người bệnh thấu hiểu bản thân. Sau khi can thiệp, bệnh nhân có thể nhận thức những suy nghĩ sai lệch, hiểu hơn về những yếu tố vô thức, biết cách yêu thương bản thân…
Nhược điểm
Tất cả các phương pháp điều trị đều có những hạn chế nhất định, đặc biệt là đối với các rối loạn tâm thần. Chữa trầm cảm bằng phương pháp thôi miên có những hạn chế như sau:
- Chi phí cao: Liệu pháp thôi miên có chi phí thực hiện khá cao do quá trình trị liệu phức tạp. Hơn nữa, chỉ có các nhà trị liệu được đào tạo chuyên sâu mới có đủ năng lực đưa bệnh nhân vào trạng thái thôi miên. Vì vấn đề chi phí nên phương pháp này vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi trên lâm sàng.
- Có thể không mang lại hiệu quả: Mức độ đáp ứng của bệnh nhân trầm cảm với thôi miên thường không giống nhau. Nhiều trường hợp dù trị liệu tích cực nhưng không có cải thiện rõ rệt. Đây cũng là lý do liệu pháp thôi miên hiện vẫn chỉ được xem là phương pháp bổ sung bên cạnh các can thiệp chính.
- Không phù hợp với một số đối tượng: Dù có độ an toàn cao nhưng thôi miên có thể gây ra co giật, cuồng loạn ở những người dễ bị ám thị (Hysteria, tâm thần phân liệt…).
- Tiềm ẩn một số rủi ro: Liệu pháp thôi miên chữa trầm cảm có thể tiềm ẩn một số rủi ro như bóp méo ký ức, trí nhớ sai, chóng mặt, đau đầu, tăng cảm giác lo âu. Một số người còn có thể xuất hiện ảo giác, hoang tưởng khi can thiệp liệu pháp này. Nhiều bệnh nhân chia sẻ họ cảm thấy không thoải mái khi thôi miên vì có cảm giác không thể kiểm soát được bản thân.
Chữa trầm cảm bằng phương pháp thôi miên đã được chứng minh hiệu quả qua nhiều nghiên cứu khoa học. Trong những trường hợp đáng ứng kém, thôi miên sẽ được cân nhắc như một liệu pháp hỗ trợ. Bằng cách trang bị kiến thức, bệnh nhân có thể hiểu rõ hơn về phương pháp này và an tâm hơn khi trị liệu.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!