Trầm cảm dẫn đến tự sát: Dấu hiệu nhận biết và can thiệp sớm

Trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự sát với tỷ lệ ngày một gia tăng. Báo cáo của Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho thấy, mỗi năm nước ta có khoảng 36.000 – 40.000 người tự sát do trầm cảm. Trước thực trạng này, tất cả mọi người đều cần nâng cao kiến thức để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các tình huống đáng tiếc.

Tự sát vì trầm cảm – Những con số “biết nói”

Tự sát do trầm cảm đang trở thành nỗi ám ảnh với con người trong thế kỷ 21. Nếu như ở thế kỷ trước, các rối loạn tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ thì giờ đây, tỷ lệ mắc mắc bệnh có xu hướng gia tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa.

Trầm cảm không chỉ gây ra khí sắc trầm buồn, làm giảm năng lượng và hiệu suất lao động mà còn dẫn đến ý nghĩ, hành vi tự sát. Tự sát do trầm cảm là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 sau tai nạn giao thông ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Và đứng thứ 13 trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong trên toàn thế giới.

tự sát do trầm cảm
Trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự sát

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp trầm cảm vào vị trí số 2 sau các bệnh lý về tim mạch về mức độ ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người.

WHO cũng dự đoán đến năm 2030, trầm cảm sẽ trở thành nguyên nhân gây tàn tật hàng đầu. Bởi ức chế về tư duy, hành vi và cảm xúc sẽ khiến người bị trầm cảm không thể duy trì khả năng học tập và lao động như trước. Trường hợp không được điều trị sẽ sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình và trở thành gánh nặng của xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 36.000 – 40.000 người tự sát do trầm cảm. Nghiên cứu được Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) thực hiện vào năm 2016 cho thấy, có khoảng 36.5% bệnh nhân trầm cảm có ý nghĩ và hành vi tự sát. Con số này sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có các biện pháp khắc phục kịp thời.

Một trong những lý do khiến cho tỷ lệ tự sát do trầm cảm ngày một gia tăng là bệnh nhân không được phát hiện, điều trị sớm. Có thể nói, những hiểu biết của cộng đồng về sức khỏe tâm thần còn rất hạn chế. Bản thân người bệnh đôi khi không nhận thức được những bất thường về cảm xúc, suy nghĩ. Kết quả là không được tiếp cận sớm với các biện pháp hỗ trợ, bệnh tình ngày càng chuyển biến nặng, thôi thúc ý nghĩ và hành vi tự sát.

Vì sao người bị trầm cảm có xu hướng tự sát?

Trầm cảm là một trong các loại rối loạn cảm xúc thường gặp. Đặc trưng của bệnh lý này là khí sắc giảm thấp, người bệnh luôn có cảm giác u sầu, buồn bã, đau khổ và gần như mất hoàn toàn các cảm xúc tích cực.

Khi cảm xúc giảm thấp, cả tư duy (suy nghĩ) và hành vi cũng đều bị ức chế. Người bệnh có tư duy chậm chạp, mất nhiều thời gian suy nghĩ, giảm khả năng tập trung và khó khăn trong việc đưa ra quyết định. Cơ thể giảm năng lượng, mệt mỏi nhưng đôi khi có biểu hiện tăng vận động, bồn chồn.

tự sát vì trầm cảm
Cảm giác tội lỗi và ý nghĩ bản thân không xứng đáng có mặt trên cõi đời này là lý do khiến người bị trầm cảm có xu hướng tự sát

Thực tế, hầu hết các rối loạn tâm thần đều có khả năng dẫn đến tự sát và các hành vi tự hại. Nhưng nguy cơ tự sát ở người bị trầm cảm cao hơn do những nguyên nhân sau:

  • Muốn tìm đến cái chết để giải thoát bản thân khỏi nỗi buồn và sự đau khổ dai dẳng. Đồng thời khao khát giải thoát bản thân khỏi cuộc sống vô vọng, không còn bất cứ niềm vui nào.
  • Người bị trầm cảm luôn có cảm giác tội lỗi, tin rằng bản thân là nguyên nhân gây ra những sự việc đáng tiếc. Mặc cảm tội lỗi là một trong những nguyên nhân thôi thúc ý nghĩ và hành vi tự sát.
  • Một số người cho rằng bản thân vô dụng, kém cỏi, không đáng được yêu thương, thậm chí không xứng đáng có mặt trên cuộc đời này. Họ nghĩ rằng việc chết đi vừa là cách để giải thoát bản thân vừa để gia đình và những người xung quanh có cuộc sống tốt hơn.
  • Hành vi tự sát ở người bị trầm cảm có thể bị thôi thúc bởi các triệu chứng loạn thần (hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh).

Nhìn chung, đa phần người bị trầm cảm đều có suy nghĩ lệch lạc về giá trị của bản thân. Những suy nghĩ này là lý do hàng đầu khiến người bệnh bắt đầu có ý nghĩ về cái chết. Phải đối mặt với cuộc sống buồn bã, u uất ngày qua ngày càng thôi thúc người bệnh hiện thực hóa ý tưởng tự sát.

Những bệnh nhân trầm cảm có nguy cơ tự sát cao

Ý nghĩ tự sát xuất hiện ở hầu hết người bị trầm cảm. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy, hành vi tự sát có nguy cơ cao xảy ra ở những đối tượng sau:

  • Trầm cảm tái diễn
  • Trầm cảm kèm loạn thần
  • Bệnh nhân trầm cảm sử dụng chất gây nghiện, lạm dụng rượu bia
  • Người bị trầm cảm không có điểm tựa tinh thần, cuộc sống không thuận lợi
  • Đi kèm với các bệnh cơ thể, đặc biệt là bệnh nan y, mãn tính như ung thư, các rối loạn tự miễn…
  • Người bị trầm cảm mắc đồng thời với các rối loạn tâm thần khác như tâm thần phân liệt, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn nhân cách…

Khi chẩn đoán cho bệnh nhân trầm cảm, bác sĩ sẽ xác định các yếu tố có nguy cơ cao để lên kế hoạch điều trị cụ thể. Đa phần những đối tượng trên đều sẽ được điều trị nội trú để tránh những tình huống đáng tiếc. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với gia đình để hỗ trợ tích cực cho người bệnh trong suốtquá trình điều trị.

Các dấu hiệu nhận biết tự sát ở người bị trầm cảm

Rất nhiều trường hợp phải đến khi thực hiện hành vi tự sát, gia đình mới phát hiện ra bệnh tình. Để tránh những tình huống đáng tiếc, những người xung quanh có thể phát hiện khả năng tự sát ở người bị trầm cảm qua các dấu hiệu sau:

trầm cảm dẫn đến tự sát
Người có ý định tự sát thường nhốt mình trong phòng và có những câu nói ẩn ý về cái chết
  • Có xu hướng tự cô lập, tách rời với mọi người
  • U uất, đau khổ, gần như không còn bất cứ cảm xúc tích cực nào
  • Cảm xúc thất thường, không ổn định
  • Viết về cái chết (nhật ký, viết truyện ngắn hoặc tiểu thuyết)
  • Từ chối điều trị (bỏ thuốc, không tái khám)
  • Có những câu nói ẩn ý về cái chết
  • Một số người hay đề cập về sự chán chường và vô vọng trong cuộc sống
  • Tìm đến rượu bia, chất gây nghiện

Đặc biệt, cần gọi cấp cứu nếu bệnh nhân bỏ ăn, từ chối ăn uống và có ý định tuyệt thực. Trường hợp có các hành vi quá khích gây hại cho bản thân và những người xung quanh cũng cần được cấp cứu kịp thời để tránh những tình huống đáng tiếc.

Trầm cảm dẫn đến tự sát – Phải làm sao để ngăn chặn?

Trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự sát. Ngày nay, tâm lý con người trở nên phức tạp hơn bao giờ hết bởi áp lực bủa vây từ nhiều phía như học tập, công việc, tài chính và một loạt các vấn đề thời đại.

Nếu như trước đây, sức khỏe tâm thần ít được chú ý thì trước sự gia tăng đột ngột, trầm cảm đã không còn là vấn đề xa lạ. Dù vậy, không phải ai cũng có những hiểu biết sâu sắc về bệnh lý này để có thể đồng hành và ngăn chặn hành vi tự sát kịp thời.

Khi nghi ngờ người thân, bạn bè có ý định tự sát, cần thực hiện ngay các biện pháp sau:

Loại bỏ vật dụng có thể thực hiện hành vi tự sát

Việc đầu tiên cần làm là loại bỏ các vật dụng có thể là công cụ cho hành vi tự sát. Chẳng hạn như dây thừng, dây điện, thép, dao, các loại thuốc (thuốc an thần, thuốc hạ huyết áp…). Nên lưu ý về vấn đề bệnh nhân giả vờ uống thuốc để tích trữ với số lượng lớn, sau đó uống thuốc quá liều để tự sát.

trầm cảm dẫn đến tự sát
Trước tiên, cần loại bỏ những vật dụng có khả năng trở thành công cụ thực hiện hành vi tự sát

May mắn là các trường hợp trầm cảm ít bị bộc phát hành vi tự sát mà đa phần đều được “nuôi dưỡng” trong một thời gian dài. Nếu chú ý, những người xung quanh có thể phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Phải hiểu rằng, tự sát là phương án cuối cùng người bệnh tìm đến để thoát khỏi nỗi đau, cảm giác u uất, tội lỗi đến cùng cực. Mặc dù vậy, những người bị trầm cảm vẫn hy vọng được ai đó giúp đỡ để thoát khỏi cuộc sống vô vọng hiện tại. Vì vậy, nếu thật sự chú ý, sẽ không khó để những người xung quanh nhận ra bệnh nhân đang gặp phải vấn đề và cần sự hỗ trợ về mặt tâm lý.

Điều trị sớm, tích cực

Cách tốt nhất để loại bỏ hoàn toàn ý nghĩ tự sát là thăm khám và điều trị trầm cảm. Mặc dù căn nguyên chưa rõ ràng nhưng hiện nay điều trị mang lại kết quả tương đối khả quan.

Phần lớn những trường hợp được phát hiện sớm và điều trị tích cực đều có đáp ứng tốt. Khí sắc ổn định hơn theo thời gian, bệnh nhân dường như không còn ý nghĩ về cái chết. Thay vào đó là tinh thần lạc quan và hy vọng vào cuộc sống.

bệnh trầm cảm dẫn đến tự sát
Để ngăn chặn tự sát, bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ

Hiện nay, điều trị chính đối với bệnh trầm cảm vẫn là sử dụng thuốc chống trầm cảm. Một số trường hợp sẽ được kết hợp thêm với thuốc chống loạn thần hoặc thuốc an thần. Thuốc được dùng trong cả điều trị tấn công và điều trị củng cố nhằm ngăn ngừa tái phát.

Song song với liệu pháp hóa dược, bệnh nhân trầm cảm cũng sẽ được trị liệu tâm lý để điều chỉnh những suy nghĩ tiêu cực. Thông qua thay đổi nhận thức, người bệnh có thể điều chỉnh cảm xúc và hành vi theo chiều hướng tích cực hơn.

Cho bệnh nhân điểm tựa tinh thần

Trầm cảm có liên quan đến sang chấn tâm lý. Vì vậy để có thể vượt qua bệnh lý này, cần xây dựng cho bệnh nhân điểm tựa tinh thần.

Như đã đề cập, đa phần những trường hợp không có gia đình và bạn bè hỗ trợ đều có tiên lượng xấu. Nhiều khả năng sẽ tìm đến rượu bia, chất gây nghiện và nguy cơ thực hiện hành vi tự sát cao hơn rất nhiều so với những người có điểm tựa tinh thần. Khi có chỗ dựa vững chắc, bệnh nhân sẽ có động lực trong quá trình điều trị, nỗ lực vượt qua sự u uất, chán chường để tìm lại niềm vui, hy vọng trong cuộc sống.

bệnh trầm cảm dẫn đến tự sát
Điểm tựa tinh thần sẽ giúp bệnh nhân trầm cảm vực dậy và thoát khỏi sự ám ảnh về cái chết

Tâm lý của người bệnh khác hoàn toàn so với người có sức khỏe tinh thần tốt. Vì vậy, hãy học cách nói chuyện với người trầm cảm để hỗ trợ họ vượt qua những cảm xúc tiêu cực, lấy lại sự cân bằng về mặt tâm lý. Tránh những câu nói tưởng chừng như bình thường nhưng lại vô tình khiến bệnh nhân bị tổn thương và ngày càng khép kín.

Khi cảm nhận được sự quan tâm và tình yêu thương của những người xung quanh, bệnh nhân trầm cảm sẽ hiểu hơn về giá trị của bản thân, không còn cảm giác tự ti hay tội lỗi như trước. Những người nhận được sự hỗ trợ của gia đình, bè bạn đều phục hồi nhanh và tỷ lệ tự sát thấp.

Xây dựng môi trường sống thuận lợi

Trầm cảm có liên quan đến giải phẫu não bộ bất thường và mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh. Bên cạnh đó, cuộc sống không thuận lợi, thường xuyên đối mặt với các sự kiện sang chấn được xem là yếu tố khiến bệnh khởi phát và làm nghiêm trọng các triệu chứng sẵn có.

Ngoài điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, gia đình nên hỗ trợ bệnh nhân xây dựng môi trường sống thuận lợi. Đầu tiên, gia đình cần giữ hòa khí, hạn chế cãi vã, mâu thuẫn. Khi tinh thần đã ổn định, nên hỗ trợ bệnh nhân lên kế hoạch giải quyết các vấn đề đang phải đối mặt như áp lực học tập, công việc không thuận lợi, mâu thuẫn trong các mối quan hệ, vấn đề tài chính…

Khi những vấn đề này được giải quyết, bệnh nhân có thể phục hồi tinh thần hoàn toàn. Đồng thời được trang bị các kỹ năng cần thiết để có thể ứng phó với stress và những tình huống không thuận lợi trong cuộc sống.

bệnh trầm cảm dẫn đến tự sát
Một lối sống lành mạnh sẽ góp phần đẩy lùi trầm cảm và ý nghĩ tự sát

Bên cạnh đó, nên khuyến khích bệnh nhân tổ chức lối sống khoa học để nâng đỡ thể trạng và phục hồi tinh thần:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất. Tập trung vào các nhóm thực phẩm lành mạnh có tác dụng cân bằng tâm trạng và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Đảm bảo ngủ đủ 7 – 9 giờ/ ngày, không nên thức khuya quá 23:00. Nếu bệnh nhân thường xuyên bị mất ngủ, nên thực hiện các biện pháp vệ sinh giấc ngủ thay vì lạm dụng thuốc an thần.
  • Tăng cường các hoạt động thể chất, đặc biệt là các hoạt động ngoài trời như đi bộ, đạp xe, đánh cầu lông, tennis, bơi lội, bóng chuyền…
  • Khuyến khích người bệnh ra ngoài gặp gỡ bạn bè, tham gia các hoạt động cộng đồng hay đến các lớp học vẽ, nhạc cụ… để giải tỏa cảm xúc.

Với một lối sống khoa học, bệnh nhân sẽ từng bước vực dậy tinh thần và thoát khỏi sự đeo bám của ý nghĩ về cái chết. Chỉ khi có một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, ý nghĩ tự sát mới được loại bỏ hoàn toàn. Hơn nữa, lối sống lành mạnh cũng góp phần đẩy lùi trầm cảm và giảm tỷ lệ tái phát.

Trầm cảm có thể dẫn đến tự sát và nhiều tình huống đáng tiếc khác. Để ngăn chặn tình trạng này, cần phải nâng cao kiến thức, hiểu biết về bệnh và dành sự quan tâm đặc biệt cho người đang có những xáo trộn về tâm lý. Chỉ khi nhận được sự hỗ trợ kịp thời, bệnh nhân trầm cảm mới có thể vực dậy và thoát khỏi ý nghĩa về cái chết.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giảm Stress bằng Yoga: Những bài tập thư giãn hiệu quả, dễ thực hiện

Giảm stress bằng yoga là biện pháp đơn giản nhưng vô cùng hữu hiệu. Bộ môn này không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất...

Trầm cảm cấp độ 3
Trầm cảm cấp độ 3: Các dấu hiệu nhận biết và phương hướng điều trị

Trầm cảm cấp độ 3 hay còn gọi là trầm cảm nặng là giai đoạn nghiêm trọng của bệnh với những biểu hiện buồn bã,...

stress căng thẳng kéo dài gây vô sinh ở nam giới
Stress, căng thẳng kéo dài có gây vô sinh ở nam giới hay không?

Nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy, tình trạng stress, căng thẳng kéo dài có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh...

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Hướng điều trị

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là một trong những phân loại thuộc bệnh lý rối loạn lo âu. Mỗi phân cấp mức...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh