Chữa rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu có hiệu quả không?

Chữa rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị. Liệu pháp này giúp giải tỏa cảm xúc, điều chỉnh những suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Trang bị cho người bệnh kỹ năng để vượt qua nỗi sợ và xây dựng cuộc sống thuận lợi, lành mạnh.

điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý
Tâm lý trị liệu thường được thực hiện cho bệnh nhân có các vấn đề tâm lý, tâm thần

Điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý là phương pháp gì?

Bên cạnh trầm cảm, tỷ lệ rối loạn lo âu cũng đang có xu hướng gia tăng trong bối cảnh hiện nay. Không giống với trạng thái lo âu thông thường, rối loạn lo âu là cảm giác sợ hãi, lo lắng quá mức, dai dẳng xuất phát chủ quan từ người bệnh. Dù nhận ra sự lo âu của bản thân là thừa thãi, bệnh nhân vẫn không thể khống chế và kiểm soát.

Rối loạn lo âu xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng đa phần đều có sự hiện diện của stress và sang chấn tâm lý. Vì lý do này, điều trị thường phải kết hợp liệu pháp hóa dược và tâm lý trị liệu để tối ưu hiệu quả.

Tâm lý trị liệu là tập hợp các kỹ thuật được sử dụng để tác động đến tâm lý của cá nhân hoặc một nhóm người. Phương pháp này thường được thực hiện thông qua hình thức giao tiếp giữa nhà trị liệu và thân chủ (bệnh nhân). Tính đến nay, đã có rất nhiều liệu pháp tâm lý ra đời dựa trên các nguyên lý và học thuyết khác nhau.

Mỗi liệu pháp sẽ ưu nhược điểm riêng và mang lại hiệu quả nhất định. Dựa vào sức khỏe tâm thần, độ tuổi, niềm tin tôn giáo và các vấn đề liên quan, chuyên gia sẽ lựa chọn hướng can thiệp phù hợp.

Rối loạn lo âu thường phát triển từ nhiều yếu tố như sang chấn tâm lý thời thơ ấu, stress trường diễn, yếu tố nhân cách, thể trạng và sự thay đổi của chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ.

Trạng thái lo âu quá mức sẽ kéo theo hiện tượng tăng cảm xúc và nhiều triệu chứng tâm lý khác. Nếu chỉ điều trị bằng thuốc, rối loạn lo âu rất dễ tái phát do người bệnh vẫn chưa biết cách đối phó với các tình huống gây stress, thiếu kỹ năng điều hòa cảm xúc, giải tỏa lo âu và áp lực.

Đặc biệt nếu rối loạn lo âu liên quan đến sang chấn tâm lý trong quá khứ, tình trạng sẽ khó có thể thuyên giảm hoàn toàn nếu chỉ phụ thuộc vào thuốc. Hầu hết các trường hợp rối loạn lo âu đều được khuyến khích trị liệu tâm lý để giảm triệu chứng, ổn định nhanh sau khi điều trị và có thể chủ động kiểm soát căng thẳng, hạn chế stress trong tương lai.

điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý
Điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý giúp giảm cảm giác lo lắng, sợ hãi và căng thẳng đáng kể

Điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu đúng cách có thể mang đến những lợi ích như:

  • Giải tỏa các cảm xúc tiêu cực như lo lắng, buồn phiền, chán nản, bi quan, bất an…
  • Thoải mái bộc lộ suy nghĩ và có thể bày tỏ chấn thương tâm lý trong quá khứ
  • Điều chỉnh được những hành vi tiêu cực, không phù hợp
  • Cải thiện đáng kể các triệu chứng thể chất có liên quan đến trạng thái lo lắng, căng thẳng…
  • Tìm ra giải pháp cho các vấn đề trong cuộc sống như mâu thuẫn, xung đột, áp lực công việc, khó khăn về tài chính…
  • Học cách đối phó với những tình huống không thuận lợi như áp lực trong cuộc sống, các cơn hoảng loạn kịch phát, dễ gây hấn do thiếu kiềm chế…

Ngoài tác dụng cải thiện tâm trạng, tâm lý trị liệu trang bị kỹ năng để có thể giảm stress và hạn chế áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Những kỹ năng này sẽ giúp người bệnh ổn định sớm sau khi điều trị và có thể phòng ngừa rối loạn lo âu tái phát.

Các liệu pháp tâm lý dùng trong điều trị rối loạn lo âu

Có rất nhiều phương pháp tâm lý trị liệu, tùy theo tình trạng sức khỏe của từng trường hợp mà chuyên gia sẽ lựa chọn liệu pháp phù hợp. Đối với rối loạn lo âu, các liệu pháp sau đây thường được áp dụng:

Liệu pháp nhận thức hành vi

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là liệu pháp được áp dụng trong hầu hết các trường hợp rối loạn lo âu. CBT phát triển dựa trên nguyên lý suy nghĩ ảnh hưởng đến hành vi và cảm xúc như thế nào. Các chuyên gia sẽ giúp bệnh nhân xác định những suy nghĩ tiêu cực, chưa phù hợp và ảnh hưởng của những suy nghĩ này đối với cảm xúc, hành vi sau đó.

Liệu pháp nhận thức hành vi đã được chứng minh mang lại hiệu quả trong điều trị rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn lo âu sợ xã hội và các ám ảnh sợ đặc hiệu. Bằng cách xác định và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực, tình trạng lo âu, căng thẳng, buồn phiền sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, những hành vi tiêu cực cũng sẽ thuyên giảm rõ rệt sau khi suy nghĩ trở nên tích cực.

điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý
Liệu pháp nhận thức hành vi phát triển dựa trên nền tảng suy nghĩ, cảm xúc và hành vi có mối quan hệ tương tác qua lại

Những người bị rối loạn lo âu thường gặp một số lỗi tư duy như tư duy trắng – đen, tư duy khái quát hóa chi tiết, suy nghĩ tuyệt đối hóa… Những kiểu tư duy này sẽ gây ra cảm xúc tiêu cực, kéo theo những hành vi không phù hợp.

Trong liệu pháp nhận thức hành vi, chuyên gia sẽ xác định những lỗi tư duy và kiểu suy nghĩ tiêu cực, không phù hợp. Sau đó, lên kế hoạch thay đổi những suy nghĩ này để cải thiện hành vi và cảm xúc. Ngoài ra, chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn thân chủ một số kỹ năng đối phó với stress, kiểm soát cơn hoảng loạn và sợ hãi.

Liệu pháp hành vi biện chứng

Liệu pháp hành vi biện chứng được thực hiện nhằm trang bị cho người bệnh các kỹ năng để đối phó, xử lý những tình huống khó khăn trong cuộc sống. Ban đầu, liệu pháp này được áp dụng cho người bị rối loạn nhân cách ranh giới, sau đó trở thành lựa chọn trong điều trị rối loạn ăn uống, rối loạn tâm thần do lạm dụng chất gây nghiện, rối loạn căng thẳng sau chấn thương

điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý
Liệu pháp hành vi biện chứng giúp bệnh nhân học cách giải tỏa cảm xúc và yêu thương bản thân

Trong liệu pháp hành vi biện chứng, bệnh nhân sẽ học cách chấp nhận sự lo âu quá mức, vô lý của bản thân. Sau đó, chuyên gia sẽ hướng dẫn một số kỹ năng để người bệnh có thể dung hòa các cảm xúc tiêu cực, lấy sự lo lắng làm động lực để thay đổi các hành vi không lành mạnh, học cách yêu bản thân hơn…

Một số kỹ năng được trang bị bao gồm kỹ năng TIP, kỹ năng STOP, kỹ năng ACCEPTS… Những kỹ năng này có thể giải tỏa cuộc khủng hoảng tâm lý giúp giảm căng thẳng, kiểm soát lo âu… Đặc biệt thông qua liệu pháp hành vi biện chứng, bệnh nhân sẽ biết cách yêu thương bản thân và tránh những hành vi giải tỏa cảm xúc một cách tiêu cực như đua xe, mua sắm vô độ, uống rượu bia, dùng chất gây nghiện.

Liệu pháp thư giãn

Khi ở trạng thái lo âu quá mức, cơ thể sẽ có những thay đổi sinh lý như vã mồ hôi, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, run rẩy… Những triệu chứng thể chất này lại làm gia tăng các suy nghĩ tiêu cực như sợ mất kiểm soát, sợ ngất xỉu, sợ chết. Các phản ứng sinh lý và tâm lý tạo thành một vòng xoắn luẩn quẩn khiến cho chất lượng cuộc sống và sức khỏe đều bị suy giảm.

điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu
Đa phần bệnh nhân rối loạn lo âu đều được thực hiện liệu pháp thư giãn để ổn định tinh thần

Liệu pháp thư giãn được thực hiện để giảm bớt cảm giác lo âu, ổn định cảm xúc, từ đó xây dựng nền tảng để hồi phục thể chất và cân bằng cuộc sống. Người bị rối loạn lo âu dường như mất khả năng thư giãn. Vì vậy, can thiệp liệu pháp này được áp dụng với hầu hết các dạng rối loạn lo âu.

Liệu pháp thư giãn thường bắt đầu bằng kỹ thuật thở bụng. Kỹ thuật này giúp điều hòa nhịp tim, huyết áp, thư giãn tâm trí và làm dịu những cảm xúc tiêu cực. Sau đó, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn luyện tập thư giãn để giảm căng cơ, đau nhức.

Trong liệu pháp này, chuyên gia sẽ ghi nhận mức độ thư giãn vào thang tính từ 0 – 100 điểm. Sau khi được hướng dẫn, bệnh nhân có thể tự thực hiện tại nhà với tần suất 2 lần/ ngày (sáng – tối) cho đến khi đạt điểm tối đa.

Liệu pháp tiếp xúc

Liệu pháp tiếp xúc hay còn gọi là liệu pháp phơi nhiễm. Đây là một trong những liệu pháp tâm lý có hiệu quả trong điều trị rối loạn lo âu, đặc biệt là rối loạn lo âu sợ xã hội, các rối loạn ám ảnh sợ cụ thể và rối loạn stress sau sang chấn. Nền tảng của liệu pháp này là tiếp cận với nỗi sợ theo mức độ tăng dần để có thể học cách thích nghi. Dần dần, cảm giác sợ sẽ giảm đi đáng kể và người bệnh có thể bình thường hóa khi đứng trước nỗi sợ.

Trong liệu pháp tiếp xúc, bệnh nhân sẽ được tiếp cận với nỗi sợ. Ban đầu có thể là tưởng tượng, suy nghĩ, sau đó nhìn hình ảnh, video clip. Và khi đã học được cách thích nghi và kiểm soát cảm giác sợ hãi, bệnh nhân sẽ phải tiếp xúc trực tiếp với đối tượng/ tình huống để học cách đối phó.

điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu
Liệu pháp tiếp xúc là phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng trong điều trị rối loạn lo âu

Khi can thiệp liệu pháp tiếp xúc, người bệnh sẽ được chuyên gia chuẩn bị tâm lý. Bước đầu tiên là thư giãn (luyện tập, thiền định, hít thở sâu) để ổn định tinh thần, sau đó tiếp xúc với nỗi sợ. Trong quá trình này, chuyên gia sẽ hướng dẫn một số kỹ thuật để thư giãn, kiểm soát cảm xúc lo âu và căng thẳng.

Với sự phát triển của khoa học, một số tình huống thực tế khó tiếp cận sẽ được thay thế bằng công nghệ thực tế ảo. Công nghệ này giúp người bệnh tiếp xúc trực tiếp với tình huống/ đối tượng gây ra cảm giác sợ hãi ngay trong phòng trị liệu.

Liệu pháp phơi nhiễm đặc biệt có hiệu quả với rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Sau khi can thiệp liệu pháp này, bệnh nhân có thể giảm bớt nỗi sợ và không còn các hành vi né tránh. Qua đó giảm những phiền toái trong cuộc sống, bệnh nhân có thể học tập, làm việc và phát triển các mối quan hệ một cách thuận lợi.

Liệu pháp trò chơi

Liệu pháp trò chơi thường được thực hiện trong điều trị rối loạn lo âu ở trẻ em. Vì bản thân trẻ chưa phát triển tư duy toàn diện và ngôn ngữ còn hạn chế nên các liệu pháp khác đôi khi không mang lại hiệu quả.

điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu
Liệu pháp trò chơi là liệu pháp tâm lý được can thiệp cho trẻ bị rối loạn lo âu

Liệu pháp trò chơi giúp các chuyên gia đánh giá tâm lý, hiểu rõ suy nghĩ và cảm xúc của trẻ thông qua hoạt động vui chơi. Trò chơi được sử dụng trong liệu pháp này thường là chơi búp bê hoặc con rối. Trẻ có xu hướng diễn tả lại những ký ức đau buồn hoặc nỗi lo lắng của bản thân thông qua trò chơi này.

Trong liệu pháp trò chơi, gia đình có thể tham gia cùng với trẻ hoặc trẻ sẽ được trị liệu theo nhóm. Liệu pháp này giúp trẻ bày tỏ cảm xúc, giải tỏa căng thẳng, lo âu và phát triển các kỹ năng xã hội. Chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn trẻ bộc lộ cảm xúc một cách tích cực, trang bị kỹ năng để ứng phó với những tình huống bất lợi trong cuộc sống.

Trị liệu nghệ thuật

Trị liệu nghệ thuật thường được áp dụng cho trẻ bị rối loạn lo âu và có một số vấn đề tâm lý khác. Nguyên tắc của liệu pháp này là thông qua sáng tạo nghệ thuật để chữa lành tâm trí. Tranh vẽ và các hình thức nghệ thuật khác có thể bộc lộ tiềm thức, vô thức của trẻ, chẳng hạn như cảm giác sợ hãi, nhu cầu không được thỏa mãn hay cảm giác tức giận, gây hấn, hung hăng…

chữa rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu
Trị liệu nghệ thuật giúp chữa lành tâm trí, điều hòa cảm xúc và suy nghĩ một cách tích cực hơn

Liệu pháp nghệ thuật trước tiên sẽ tạo ra không gian an toàn, thoải mái. Sau đó giúp giải tỏa tâm lý lo âu, căng thẳng và hỗ trợ làm dịu cảm xúc cho bố mẹ sau khi trẻ bị chẩn đoán mắc các rối loạn tâm lý, tâm thần.

Nghệ thuật đã được chứng minh về lợi ích đối với sức khỏe tinh thần. Không chỉ riêng rối loạn lo âu, những người thường xuyên bị stress, trầm cảm cũng có thể can thiệp liệu pháp này để cân bằng cảm xúc.

Trong điều trị rối loạn lo âu, trị liệu nghệ thuật được xem là liệu pháp hỗ trợ bên cạnh các phương pháp chính như liệu pháp nhận thức hành vi. Liệu pháp này đặc biệt có hiệu quả trong việc giải tỏa lo âu, căng thẳng, giảm đi cảm xúc nóng nảy, tức giận…

Liệu pháp phân tâm học

Liệu pháp phân tâm học được phát triển bởi Nhà tâm lý người Áo – Sigmund Freud. Sigmund Freud cho rằng các rối loạn tâm lý, tâm thần đều bắt nguồn từ vô thức (những suy nghĩ, ham muốn, ký ức nằm dưới bề mặt của nhận thức có ý thức). Vô thức chi phối trực tiếp đến cảm xúc, hành vi và suy nghĩ hiện tại. Muốn giải quyết các xáo trộn tâm lý, phải tìm hiểu sâu xa tầng vô thức này.

chữa rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu
Liệu pháp phân tâm học cũng được cân nhắc trong điều trị rối loạn lo âu

Phần lớn thời gian trị liệu, chuyên gia sẽ lắng nghe người bệnh kể về cuộc sống, những khó khăn, vấn đề đang phải đối mặt. Đặc biệt, chuyên gia sẽ tập trung vào các sự kiện thời thơ ấu vì họ tin rằng, những trải nghiệm này chính là “động cơ” cho những hành vi, suy nghĩ tiêu cực ở hiện tại.

Tương tự như các liệu pháp tâm lý khác, liệu pháp phân tâm học cũng có một số ưu và nhược điểm. Ưu điểm của liệu pháp này là có thể giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, giảm lo âu, ám ảnh, thay đổi các hành vi không đúng mực… Nhược điểm là thời gian trị liệu lâu, tốn nhiều thời gian và đôi khi không mang lại hiệu quả do người bệnh cảm thấy không thoải mái khi chuyên gia khai thác quá sâu các vấn đề riêng tư.

Liệu pháp phân tâm học thường được chỉ định trong điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu lan tỏa, các ám ảnh sợ đặc hiệu, rối loạn stress sau sang chấn… Ngoài ra, người bị trầm cảm, Self-Harm cũng có thể trị liệu bằng phương pháp này.

Liệu pháp tâm lý liên cá nhân

Liệu pháp tâm lý liên cá nhân (IPT) thường được áp dụng trong điều trị rối loạn cảm xúc và một số rối loạn lo âu (chẳng hạn như rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn lo âu sợ xã hội). IPT không đào sâu những trải nghiệm trong quá khứ mà tập trung vào các vấn đề hiện tại.

Mục tiêu của liệu pháp này là cải thiện tương tác xã hội, xoa dịu những cảm xúc tiêu cực do mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Thực tế, suy nghĩ, hành vi của người bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến chính bản thân và các mối quan hệ xung quanh họ.

Trong IPT, chuyên gia sẽ giúp bệnh nhân thay đổi những hành vi và suy nghĩ chưa phù hợp để cải thiện các mối quan hệ. Giảm thiểu xung đột, mâu thuẫn không đáng có và người bệnh sẽ có nhận thức đúng đắn về mối quan hệ đó.

Thông qua liệu pháp tâm lý liên cá nhân, bệnh nhân có thể giải quyết những xung đột với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, chọn lọc các mối quan hệ thực sự và loại bỏ những mối quan hệ tiêu cực. Liệu pháp này được thực hiện trong thời gian khá dài từ 12 – 16 tuần.

Chữa rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu có hiệu quả không?

Các rối loạn lo âu đều đặc trưng bởi cảm xúc sợ hãi, lo lắng dai dẳng và quá mức. Tuy nhiên giữa các dạng sẽ có khác biệt về hình thái lâm sàng và cơ chế bệnh sinh. Các chuyên gia sẽ đánh giá tình trạng cụ thể để lên kế hoạch điều trị phù hợp.

Hiện nay, liệu pháp tâm lý đã được chấp nhận là phương pháp chính trong điều trị rối loạn lo âu bên cạnh liệu pháp hóa dược. Tâm lý trị liệu giúp người bệnh hiểu rõ hơn về bản thân, học được cách cân bằng cảm xúc, biết cách đối phó với những tình huống không thuận lợi trong cuộc sống…

chữa rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu
Chữa rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu đã được chứng minh mang lại hiệu quả trong điều trị và phòng ngừa

Nhìn chung, mục tiêu cuối cùng chữa rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu là giải tỏa các cảm xúc tiêu cực, kiểm soát cảm giác lo lắng quá mức và trang bị kỹ năng để thích nghi tốt với cuộc sống. Ngoài hiệu quả điều trị, liệu pháp này còn giúp hạn chế rối loạn lo âu tái phát và phòng ngừa các vấn đề tâm lý thứ phát như trầm cảm, rối loạn nhân cách…

Hiệu quả của tâm lý trị liệu trong điều trị rối loạn lo âu đã được chứng minh. Song tỷ lệ thành công phụ thuộc khá nhiều vào chuyên gia thực hiện, nhân cách của người bệnh và mức độ tuân thủ trị liệu.

Bệnh nhân không trị liệu đều đặn, không tuân thủ hướng dẫn của chuyên gia tâm lý sẽ khó đạt được hiệu quả như mong đợi. Bên cạnh đó, những người mắc đồng thời nhiều rối loạn tâm thần hoặc có nhân cách hoang tưởng, đa nghi… cũng sẽ đáp ứng kém với liệu pháp này.

Dù được phát triển từ khá lâu nhưng tâm lý trị liệu vẫn còn xa lạ và chưa được quan tâm nhiều. Một số bệnh nhân không thể tiếp cận với phương pháp vì không tìm được trung tâm uy tín và đồng thời cũng chưa có sự hiểu biết sâu sắc về liệu pháp này.

Trị liệu tâm lý là một phần quan trọng trong điều trị rối loạn lo âu. Tuy nhiên, vì thời gian trị liệu khá dài nên những người xung quanh cần hỗ trợ để bệnh nhân kiên trì trong quá trình điều trị.

Một số lưu ý khi chữa rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị rối loạn lo âu hiệu quả. Dù vậy, phương pháp này có những khác biệt so với sử dụng thuốc và liệu pháp sốc điện. Trước khi điều trị bằng tâm lý trị liệu, bệnh nhân cần phải lưu ý những vấn đề sau:

chữa rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu
Trong quá trình trị liệu tâm lý, cần kết hợp với lối sống khoa học, tránh xa chất gây nghiện, rượu và thuốc lá
  • Ở giai đoạn đầu, một số người có thể cảm thấy tồi tệ hơn so với trước khi trị liệu (đặc biệt là khi can thiệp liệu pháp tiếp xúc, liệu pháp phân tâm học…). Đây là phản ứng hoàn toàn bình thường, vì vậy không nên lo lắng quá mức và tránh tình trạng tự ý ngưng trị liệu.
  • Có thể sử dụng thuốc trong quá trình trị liệu để giảm bớt cảm giác lo âu, căng thẳng.
  • Kiên trì khi chữa rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu vì thời gian có thể kéo dài từ 8 – 18 tuần hoặc hơn.
  • Kế hoạch trị liệu được xây dựng riêng biệt cho từng cá nhân, không thể áp dụng chung cho tất cả các trường hợp. Vì vậy, bệnh nhân không nên quá lo lắng khi thời gian trị liệu, phương pháp, hướng tiếp cận… của bản thân không giống với những người khác.
  • Để quá trình trị liệu đạt kết quả tốt nhất, bệnh nhân nên tránh những vấn đề như giả vờ bản thân đang ổn, không tuân thủ hướng dẫn, lời khuyên của chuyên gia, sử dụng rượu bia, chất gây nghiện, lạm dụng thuốc an thần…
  • Nên cởi mở chia sẻ mọi suy nghĩ, vấn đề của bản thân để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi và mang lại hiệu quả cao.
  • Có thể đặt bất cứ câu hỏi nào với chuyên gia để hiểu hơn về bản thân cũng như quá trình trị liệu.
  • Thực hiện lối sống lành mạnh, áp dụng các kỹ thuật thư giãn mỗi ngày để chữa lành tâm trí, giải tỏa cảm xúc.

Lo lắng dai dẳng, quá mức gây ra rất nhiều vấn đề đối với sức khỏe lẫn chất lượng cuộc sống. Bên cạnh điều trị bằng thuốc, nên kết hợp thêm với liệu pháp tâm lý và lối sống lành mạnh, khoa học.

Chữa rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu sẽ giúp kiểm soát cảm giác lo lắng quá mức, điều chỉnh suy nghĩ, hành vi và cảm xúc theo chiều hướng tích cực. Quan trọng hơn, liệu pháp này giúp bệnh nhân hòa nhập tốt sau điều trị và có kỹ năng để đối phó với những tình huống không thuận lợi.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

uống thuốc trầm cảm quá liều
Uống thuốc trầm cảm quá liều có nguy hiểm không? Những lưu ý khi dùng

Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm bắt buộc phải tuân theo liều lượng và nguyên tắc nhất định để tránh trường hợp ngộ độc,...

Hội chứng hoảng sợ khi ngủ: Nguyên nhân và Cách khắc phục hiệu quả

Hội chứng hoảng sợ khi ngủ thường gặp ở trẻ từ 4 - 11 tuổi và đôi khi cũng có thể xảy ra ở người...

Rối loạn lưỡng cực là gì
Rối loạn lưỡng cực là gì? Nhận biết và điều trị kịp thời

Một trong những bệnh lý tâm thần phức tạp ảnh hưởng đến lối sống, suy nghĩ, xúc cảm và cả hành vi của con người...

hoang tưởng bị hại
Hoang tưởng bị hại: Dấu hiệu nhận biết và cách chữa bệnh hiệu quả

Hoang tưởng bị hại là một dạng rối loạn hoang tưởng đặc trưng bởi cảm giác nghi ngờ, lo lắng, sợ hãi bản thân đang...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh