Trầm cảm uống thuốc gì? Những loại thuốc điều trị trầm cảm phổ biến

Dùng thuốc là phương pháp chính trong điều trị trầm cảm. Thuốc được sử dụng với mục đích cải thiện tâm trạng, giảm khí sắc trầm buồn, u uất, chán nản và các triệu chứng thể chất đi kèm. Bài viết sẽ cung cấp cho người bệnh thông tin hữu ích để hiểu rõ Trầm cảm nên uống thuốc gì và những lưu ý quan trọng khi sử dụng.

trầm cảm uống thuốc gì
Người bệnh nên hiểu rõ trầm cảm uống thuốc gì để sử dụng thuốc đúng cách và an toàn

Trầm cảm uống thuốc gì? Các nhóm thuốc điều trị trầm cảm thông dụng

Hiện nay, phương pháp chính đối với bệnh trầm cảm vẫn là liệu pháp hóa dược. Sử dụng thuốc giúp điều chỉnh sự rối loạn của các chất dẫn truyền thần kinh, qua đó cải thiện những triệu chứng liên quan đến giảm khí sắc như buồn bã, u uất, chán nản, mất hứng thú, suy nghĩ tiêu cực, giảm lòng tự trọng…

Ở cả giai đoạn tấn công và điều trị củng cố, thuốc đều có vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, người bị trầm cảm nên tìm hiểu về các loại thuốc điều trị thông dụng để hiểu về cơ chế, tác dụng, qua đó chủ động hơn trong quá trình điều trị và phòng ngừa tái phát.

Nếu đang băn khoăn trầm cảm uống thuốc gì, thông tin hữu ích sau sẽ giúp bạn đọc có hình dung cụ thể về các loại thuốc điều trị trầm cảm phổ biến hiện nay:

1. Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) hiện là lựa chọn đầu tay trong điều trị trầm cảm và các rối loạn tâm thần có biểu hiện giảm khí sắc. SSRIs là một loại thuốc chống trầm cảm mới, bắt đầu được sử dụng những năm 1990. Mặc dù hiệu quả không vượt trội hơn các loại thuốc truyền thống nhưng nhóm thuốc này có độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và cũng ít phát triển hội chứng cai thuốc nếu ngừng đột ngột.

Như tên gọi, SSRIs hoạt động bằng cách ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc nhằm gia tăng nồng độ serotonin trong não bộ. Ở bệnh nhân trầm cảm, nồng độ serotonin tại khe synap giảm khoảng 30% so với người bình thường. Đây được xem là yếu tố dẫn đến những thay đổi về khí sắc, hành vi, suy nghĩ (nhận thức) và nhiều vấn đề sức khỏe thể chất khác.

Bằng cơ chế này, SSRIs giúp cải thiện tâm trạng, giảm tình trạng u uất, đau khổ, buồn bã, chán nản… Ngoài ra, các triệu chứng thể chất có liên quan cũng thuyên giảm sau khi điều trị bằng nhóm thuốc này.

Các loại thuốc trầm cảm
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) là loại thuốc điều trị trầm cảm thông dụng nhất hiện nay

Các loại SSRIs được sử dụng phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Fluoxetine
  • Fluvoxamine
  • Paroxetine
  • Citalopram
  • Sertraline

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) không gây độc với cơ tim nên khá an toàn khi dùng cho người cao tuổi. Ngoài ra, dùng SSRIs quá liều cũng ít khi đe dọa đến tính mạng như các loại thuốc chống trầm cảm khác.

Tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn, nôn, đầy bụng, giảm ham muốn, khó cương dương, mất ngủ, lo âu, run đầu chi… Các phản ứng bất lợi này thường xảy ra ở giai đoạn đầu và tự thuyên giảm sau 1 – 2 tuần điều trị.

2. Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs)

Bên cạnh SSRIs, SNRIs cũng là nhóm thuốc thông dụng dùng trong điều trị trầm cảm. Nhóm thuốc này tác dụng ở cả hệ thống serotonin và norepinephrine nhằm thiết lập sự cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ.

Hiệu quả của SSRIs và SNRIs là ngang nhau nhưng SSRIs vẫn được dùng phổ biến hơn do có nhiều kinh nghiệm khi sử dụng cho những đối tượng đặc biệt (phụ nữ mang thai, cho con bú, người cao tuổi…). SNRIs cũng khá an toàn ở liều điều trị, thuốc không gây độc cho cơ tim và hiệu quả cao nên cũng được ưu tiên dùng cho người cao tuổi, bệnh nhân có các bệnh thực tổn kết hợp…

Các loại thuốc điều trị trầm cảm
SNRIs được sử dụng trong điều trị trầm cảm với mục đích cân bằng tâm trạng, cải thiện tình trạng giảm khí sắc, u uất, mất hứng thú…

Hạn chế của SNRIs là thời gian bán hủy ngắn chỉ khoảng 6 giờ nên phải dùng thuốc 2 – 3 lần/ ngày. Bệnh nhân dễ quên thuốc và dễ gặp phải cảm giác buồn ngủ vào ban ngày.

Các SNRIs thường được sử dụng trong điều trị bệnh trầm cảm:

  • Venlafaxine
  • Duloxetine
  • Desvenlafaxine

Tác dụng phụ của SNRIs khá giống với SSRIs bao gồm táo bón, khô miệng, buồn nôn, bồn chồn, tăng huyết áp, tăng tiết mồ hôi, giảm ham muốn tình dục và khó đạt cực khoái.

3. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng

Trước khi các loại thuốc chống trầm cảm mới ra đời, thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA) là nhóm thuốc chính trong điều trị trầm cảm và các loại rối loạn cảm xúc. Trong đó, Amitriptyline là loại thông dụng nhất vì giá thành rẻ và hiệu quả tốt.

Tương tự như SNRIs, thuốc chống trầm cảm 3 vòng tác dụng trên cả hệ thống serotonin và norepinephrine. Ngoài ra, nhóm thuốc này còn tác dụng trên cả hệ thống domain, muscarin, epinephrine, acetylcholine… nên sẽ gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng hơn so với SSRIs và SNRIs.

Các loại thuốc điều trị trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng được sử dụng rất phổ biến trước khi các loại thuốc chống trầm cảm mới ra đời

Hiện nay, TCA ít được sử dụng hơn trước và chỉ được dùng khi thuốc chống trầm cảm mới không có đáp ứng. Nhóm thuốc này không chỉ có hiệu quả trong điều trị trầm cảm mà còn được sử dụng trong điều trị mất ngủ, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế nhờ tác dụng an thần, giảm lo lắng…

Các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng thông dụng hiện nay:

  • Amitriptylin
  • Clomipramine
  • Tianeptine

Mỗi loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng sẽ có đặc điểm riêng, chẳng hạn như Amitriptylin có tác dụng an dịu mạnh, thích hợp với bệnh nhân trầm cảm có biểu hiện bồn chồn, tăng vận động và lo âu.

Clomipramine cho hiệu quả nhanh hơn các loại thuốc chống trầm cảm khác nên được dùng trong trường hợp trầm cảm nặng, có ý nghĩ tự sát và hành vi toan tự sát. Tianeptine ít ảnh hưởng đến chức năng tình dục, phù hợp với bệnh nhân bị suy giảm khả năng tình dục nghiêm trọng khi điều trị bằng các loại thuốc khác.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng gây ra nhiều tác dụng phụ hơn so với SSRIs và SNRIs. Các tác dụng ngoại ý có thể gặp phải bao gồm giảm huyết áp thế đứng (buồn nôn, chóng mặt), khó tiểu, táo bón, khô miệng, buồn ngủ, gây độc cho tim… Hiện nay, các bác sĩ thường chỉ định kết hợp TCA và Piracetam để hạn chế tác dụng phụ.

4. Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs)

Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) là loại thuốc chống trầm cảm ít được sử dụng. MAOIs có hiệu quả trong việc cải thiện tâm trạng, giảm các triệu chứng liên quan đến giảm khí sắc. Tuy nhiên, nhóm thuốc này gây ra rất nhiều tác dụng phụ và có khả năng tương tác với nhiều loại thuốc, thực phẩm, đồ uống.

Tương tự như các loại thuốc chống trầm cảm khác, MAOIs tác động đến các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ nhằm tái thiết lập sự cân bằng của serotonin, dopamine và norepinephrine. Khi các chất dẫn truyền thần kinh cân bằng trở lại, tình trạng giảm khí sắc, buồn chán, đau khổ… do trầm cảm gây ra sẽ dần thuyên giảm.

Các loại thuốc điều trị trầm cảm
MAOIs có hiệu quả tốt trong điều trị trầm cảm nhưng ít được sử dụng do tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng

Các loại MAOIs được FDA phê duyệt dùng trong điều trị bệnh trầm cảm bao gồm:

  • Phenelzine
  • Isocarboxazid
  • Selegiline
  • Tranylcypromine

Như đã đề cập, MAOIs gây ra nhiều tác dụng phụ nên hiện nay ít được sử dụng. Nhóm thuốc này chỉ được dùng khi các loại thuốc chống trầm cảm khác không mang lại hiệu quả. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc MAOIs bao gồm mất ngủ hoặc buồn ngủ, khô miệng, tiêu chảy táo bón, đau đầu, chóng mặt, choáng váng…

5. Các loại thuốc chống trầm cảm không điển hình

Ngoài 4 nhóm thuốc chống trầm cảm trên, một số loại thuốc chống trầm cảm không điển hình cũng được sử dụng trong điều trị. Các loại thuốc này cũng tác dụng lên hệ thống serotonin và một số hệ thống khác nhằm tái thiết lập sự cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ.

Các loại thuốc điều trị trầm cảm
Các loại thuốc chống trầm cảm không điển hình cũng được sử dụng thông dụng trong quá trình điều trị

Các loại thuốc chống trầm cảm không điển hình được sử dụng phổ biến hiện nay:

  • Mirtazapin: Mirtazapin tác dụng trên hệ thống serotonin và adrenalin nên ít tác dụng phụ hơn so với thuốc chống trầm cảm 3 vòng và MAOIs. Trường hợp không có đáp ứng với SSRIs và SNRIs, Mirtazapin thường được chỉ định thay thế.
  • Trazodone: Trazodone là loại thuốc chống trầm cảm không điển hình được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Cơ chế của thuốc khá phức tạp nhưng chủ yếu tác động lên hệ thống serotonin và norepinephrine. Thông qua cơ chế này, Trazodone giúp cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, qua đó cải thiện tâm trạng, cải thiện các triệu chứng thể chất liên quan đến giảm khí sắc.
  • Agomelatine: Agomelatine có cơ chế khác biệt so với các loại thuốc chống trầm cảm khác. Loại thuốc này làm tăng giải phóng dopamin và noradrenalin nhưng không tác động đến serotonin. Trên kinh nghiệm lâm sàng, Agomelatine cho thấy hiệu quả tương đương với các loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc.
  • Bupropion: Bupropion là loại thuốc chống trầm cảm ít gây tác dụng phụ lên chức năng tình dục. Loại thuốc này được sử dụng thay thế cho các nhóm thuốc khác nếu bệnh nhân giảm khả năng tình dục rõ rệt. Tương tự như các loại thuốc chống trầm cảm, Bupropion giúp cân bằng tâm trạng, cải thiện tình trạng u sầu, buồn bã, đau khổ.

6. Thuốc an thần benzodiazepin

Thuốc chống trầm cảm là nhóm thuốc chính được sử dụng trong điều trị trầm cảm. Tuy nhiên, nhóm thuốc này cho tác dụng chậm (khoảng 4 – 8 tuần sử dụng) nên thường được phối hợp với thuốc an thần nhóm benzodiazepin trong thời gian đầu.

Những trường hợp trầm cảm cần phối hợp thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần:

  • Trầm cảm căng trương lực
  • Trầm cảm có loạn thần
  • Trầm cảm không tiếp xúc (bệnh nhân tự cô lập, cách ly với mọi người)
  • Trầm cảm từ chối ăn uống
  • Trầm cảm đi kèm với nhiều triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như ăn không ngon, ra nhiều mồ hôi, đánh trống ngực, cơ thể có cảm giác nóng bừng hoặc lạnh buốt…

Thuốc an thần benzodiazepin có tác dụng an dịu thần kinh, gây ngủ, giảm cảm giác lo âu, bồn chồn. Ưu điểm của thuốc là đáp ứng tốt, hiệu quả nhanh. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có khả năng gây nghiện nên chủ yếu được dùng liều thấp trong thời gian ngắn. Trường hợp đã dùng lâu dài cần phải giảm liều từ từ trước khi dừng hẳn để tránh hội chứng cai thuốc.

Các loại thuốc điều trị trầm cảm
Thuốc an thần benzodiazepin là một trong những loại thuốc được sử dụng trong điều trị trầm cảm

Các loại thuốc an thần benzodiazepin được sử dụng trong điều trị trầm cảm:

  • Zolpidem
  • Zopiclone
  • Lormetazepam
  • Loprazolam
  • Temazepam
  • Clotiazepam

Hạn chế của thuốc an thần benzodiazepin là có thể gây ra nhiều phản ứng bất lợi – đặc biệt là ở người cao tuổi. Các tác dụng phụ có thể gặp phải bao gồm té ngã, rối loạn nhận thức, rối loạn trí nhớ, mất tự chủ…

7. Thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần là nhóm thuốc chính trong điều trị tâm thần phân liệt. Bên cạnh đó, nhóm thuốc này cũng được sử dụng cho bệnh nhân trầm cảm – đặc biệt là trầm cảm kèm loạn thần.

Thuốc chống loạn thần có cơ chế vô cùng phức tạp nhưng cơ bản sẽ tác dụng lên hệ thống dopamin. Tác dụng chính của thuốc là chống loạn thần, ổn định khí sắc và an thần nên giúp ích đáng kể trong việc giảm các triệu chứng trầm cảm. Dù vậy, kinh nghiệm dùng thuốc cho bệnh nhân trầm cảm còn hạn chế nên các bác sĩ vẫn còn dè dặt khi chỉ định thuốc trong trường hợp này.

Các loại thuốc điều trị trầm cảm
Thuốc chống loạn thần thường được chỉ định cho bệnh nhân trầm cảm kèm loạn thần

Các loại thuốc chống loạn thần được sử dụng phổ biến hiện nay:

  • Quetiapine
  • Risperidon
  • Clozapine
  • Aripiprazole
  • Amisulpride

Tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc chống loạn thần là sốt cao, loạn trương lực cơ, mất vận động, lú lẫn, kích động, buồn ngủ, lờ đờ, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, táo bón, buồn nôn, nôn mửa…

8. Các loại thuốc hỗ trợ

Ngoài các nhóm thuốc chính trên, bệnh nhân trầm cảm có thể được dùng thêm một số loại thuốc hỗ trợ như Piracetam. Piracetam thường được dùng kết hợp với thuốc chống trầm cảm 3 vòng để hạn chế tác dụng ngoại ý.

Loại thuốc này có hiệu quả giảm nhức đầu, chóng mặt, cải thiện trí nhớ, gia tăng sự tỉnh táo và tập trung. Dùng Piracetam phối hợp với thuốc chống trầm 3 vòng sẽ giúp hạn chế tối đa tác dụng phụ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh trong thời gian điều trị.

Vitamin, khoáng chất, TPCN cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ hiệu quả của thuốc – nhất là trong trường hợp trầm cảm nội sinh và trầm cảm do chất.

Hiện nay, thuốc chống trầm cảm vẫn là nhóm thuốc chính trong điều trị bệnh trầm cảm. Các nhóm thuốc khác như thuốc an thần, thuốc chống loạn thần… chỉ được sử dụng kết hợp để cải thiện các triệu chứng đi kèm và chủ yếu được dùng ngắn hạn. Trong khi đó, thuốc chống trầm cảm được dùng trong cả điều trị tấn công (8 – 12 tuần) và điều trị củng cố (ít nhất 12 tháng).

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị trầm cảm

Hiện nay, điều trị trầm cảm đã có nhiều lựa chọn hơn so với trước đây. Tình trạng giảm khí sắc và các triệu chứng đi kèm có thể được kiểm soát bằng thuốc, liệu pháp tâm lý, liệu pháp sốc điện và kích thích từ xuyên sọ.

Dù vậy, liệu pháp hóa dược vẫn là lựa chọn đầu tay và có vai trò chính trong điều trị, phòng ngừa trầm cảm tái phát. Vì vậy, người bệnh cần trang bị kiến thức về các loại thuốc điều trị trầm cảm thông dụng để dùng thuốc đúng cách, biết cách hạn chế và phát hiện sớm tác dụng phụ.

Do thuốc phải dùng trong thời gian dài nên không tránh khỏi những phản ứng bất lợi. Khi sử dụng thuốc điều trị bệnh trầm cảm, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:

Tuân thủ chỉ định của bác sĩ

Nguyên tắc quan trọng nhất khi dùng thuốc điều trị trầm cảm là phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, liều dùng, thời điểm uống thuốc và thời gian sử dụng. Tuân thủ chỉ định sẽ giúp thuốc phát huy tác dụng tốt nhất, đồng thời hạn chế tối đa rủi ro và các tác dụng ngoại ý có thể gặp phải.

Các loại thuốc điều trị trầm cảm
Cần dùng thuốc điều trị trầm cảm theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

Tương tự như các loại rối loạn cảm xúc khác, trầm cảm có thể không đáp ứng tốt với những loại thuốc đầu tiên. Bệnh nhân thường phải sử dụng nhiều loại để đánh giá mức độ đáp ứng. Trong quá trình thay thế thuốc, cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ để phòng ngừa hội chứng cai thuốc và nhiều phản ứng bất lợi khác.

Không tự ý ngưng thuốc hay giảm liều

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị trầm cảm đều tác động đến nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh. Khi sử dụng lâu dài, tuyệt đối không tự ý giảm liều hoặc ngưng thuốc khi nhận thấy triệu chứng thuyên giảm.

Tình trạng này sẽ khiến cho nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ giảm đột ngột gây ra các phản ứng bất lợi. Khi có chỉ định ngưng thuốc, cần giảm liều từ từ theo hướng dẫn để phòng ngừa hội chứng cai thuốc và các tác dụng phụ khác..

Chú ý tương tác thuốc

Hoạt chất trong thuốc điều trị trầm cảm có thể tương tác với các loại thuốc, viên uống, thực phẩm, đồ uống… Trước khi dùng thuốc, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể vấn đề này cho người bệnh để phòng ngừa các tình huống rủi ro.

Tương tác thuốc làm thay đổi hiệu quả của thuốc trên lâm sàng và gia tăng độc tố với gan, thận, hệ thần kinh trung ương… Để hạn chế hiện tượng này, bệnh nhân cần tránh phối hợp thuốc với các viên uống, thực phẩm, thức uống đã được tư vấn. Trường hợp phải điều trị kết hợp với bệnh lý cơ thể, nên trao đổi với bác sĩ về việc đang sử dụng các loại thuốc điều trị trầm cảm để phòng ngừa tương tác.

Phát hiện sớm tác dụng phụ

Hầu hết các loại thuốc hướng thần đều gây ra tác dụng ngoại ý – nhất là trong thời gian đầu sử dụng. Để đảm bảo an toàn, cần chú ý và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

Các loại thuốc điều trị trầm cảm
Trong thời gian điều trị, cần chú ý các dấu hiệu bất thường để phát hiện sớm tác dụng ngoại ý

Với tác dụng phụ mức độ nhẹ, tình trạng thường sẽ tự thuyên giảm sau vài tuần. Tuy nhiên nếu nhận thấy các tác dụng phụ nghiêm trọng, nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn hướng xử trí.

Trường hợp gặp phải quá nhiều phản ứng bất lợi khi dùng thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc giảm liều hoặc thay thế loại thuốc khác. Hiện nay, kinh nghiệm sử dụng thuốc điều trị trầm cảm trên lâm sàng khá dồi dào nên không khó để lựa chọn loại thuốc phù hợp với từng bệnh nhân.

Một số lưu ý khác

Ngoài những vấn đề trên, khi sử dụng thuốc điều trị trầm cảm còn phải lưu ý:

  • Không sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện.
  • Có lối sống khoa học, lành mạnh để cải thiện bệnh, đồng thời hạn chế tối đa rủi ro và tác dụng ngoại ý của thuốc.
  • Gia đình cần hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị. Nên theo sát để đảm bảo người bệnh đã uống thuốc, tránh trường hợp tích lũy thuốc nhằm mục đích tự sát.
  • Thuốc chống trầm cảm có thể thúc đẩy hành vi tự sát ở thanh thiếu niên – đặc biệt là SSRIs và SNRIs. Do đó, gia đình cần theo sát người bệnh trong thời gian đầu điều trị để tránh trường hợp đáng tiếc.
  • Nếu nhận thấy thuốc không có hiệu quả, nên thông báo với bác sĩ để được thay đổi hoặc hiệu chỉnh liều.
  • Cân nhắc kết hợp liệu pháp hóa dược với các phương pháp khác như liệu pháp tâm lý, sốc điện và kích thích từ xuyên sọ.

Mong rằng những thông tin hữu ích trong bài viết đã giúp đọc hiểu rõ Trầm cảm uống thuốc gì và có hình dung về các loại thuốc điều trị trầm cảm được sử dụng phổ biến hiện nay. Nếu tuân thủ chỉ định của bác sĩ, thuốc có thể cho hiệu quả sau 4 – 6 tuần, qua đó khống chế các triệu chứng trong cơn trầm cảm và phòng ngừa tái phát hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

schizoid personality disorder - STPD
Rối loạn nhân cách phân liệt: Bệnh tâm lý cần điều trị sớm

Rối loạn nhân cách phân liệt là một dạng rối loạn tâm lý gây nên những suy nghĩ và hành vi bất thường, lập dị...

thói quen xấu dễ dẫn đến bệnh trầm cảm
Điểm danh những thói quen xấu dễ dẫn đến bệnh trầm cảm

Cho đến hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định cụ thể về nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm. Theo đó, một...

Rối loạn lo âu gây mất ngủ
Rối loạn lo âu gây mất ngủ kéo dài làm thế nào để cải thiện?

Rối loạn lo âu gây mất ngủ kéo dài là tình trạng rất nhiều người bệnh đang gặp phải. Thiếu ngủ khiến các cơ quan...

Chữa Stress, căng thẳng kéo dài bằng liệu pháp xoa bóp bấm huyệt

Xoa bóp bấm huyệt đã được chứng minh về hiệu quả chữa stress. Nếu đang bị căng thẳng quá mức, bạn có thể thực hiện...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh