Hội chứng hoảng sợ khi ngủ: Nguyên nhân và Cách khắc phục hiệu quả

Hội chứng hoảng sợ khi ngủ thường gặp ở trẻ từ 4 – 11 tuổi và đôi khi cũng có thể xảy ra ở người trưởng thành. Hội chứng này đặc trưng bởi các cơn hoảng sợ xuất hiện đột ngột khi đang ngủ. Dù chưa rõ nguyên nhân nhưng tình trạng có thể tự biến mất hoặc thuyên giảm sau khi điều chỉnh lối sống.

Hội chứng hoảng sợ khi ngủ là gì?

Ngủ là trạng thái sinh lý bình thường giúp cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng sau một ngày dài học tập và làm việc. Ở trạng thái này, ý thức, tri giác sẽ tạm ngừng hoạt động, tuần hoàn và hô hấp diễn ra chậm hơn, toàn bộ cơ bắp được thư giãn.

Ở một số người, giấc ngủ có thể xuất hiện những vấn đề bất thường. Hội chứng hoảng sợ khi ngủ là một trong những vấn đề có thể xảy ra trong khi ngủ. Hội chứng này có tên khoa học là Sleep terrors hoặc Night terrors, hay còn được biết đến với những tên gọi khác như hoảng sợ ban đêm, chứng hoảng hốt ban đêm, hội chứng giấc ngủ kinh hoàng hay khủng bố giấc ngủ.

Hội chứng hoảng sợ khi ngủ
Hội chứng hoảng sợ khi ngủ đặc biệt phổ biến ở trẻ em từ 4 – 11 tuổi

Hội chứng hoảng sợ khi ngủ là tình trạng xuất hiện những cơn hoảng sợ, sợ hãi tột độ kết hợp với phản ứng la hét, vận động mạnh cùng các triệu chứng do rối loạn thần kinh thực vật. Bệnh nhân có xu hướng đứng hoặc ngồi dậy, sau đó gào thét một cách sợ hãi nhưng sau khi thức giấc hoàn toàn không nhớ được sự việc đã xảy ra.

Hội chứng này có mối liên hệ mật thiết với chứng mộng du và đôi khi có thể xảy ra đồng thời. Mỗi cơn hoảng sợ thường kéo dài trong vài giây cho đến vài phút nhưng gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống.

Thống kê cho thấy, khoảng 40% trẻ nhỏ mắc hội chứng này và rất ít khi xảy ra ở người trưởng thành. Nhìn chung, hội chứng này không thật sự đáng lo ngại. Sau giai đoạn thiếu niên, đa phần đều tự thuyên giảm mà không cần can thiệp.

Dấu hiệu nhận biết hoảng sợ khi đi ngủ

Hoảng sợ ban đêm dễ bị nhầm lẫn với ác mộng. Khi gặp ác mộng, những sự kiện khủng khiếp trong giấc mơ chính là nguyên nhân kích hoạt cảm giác sợ hãi dẫn đến la hét, khóc lóc, hành vi phản kháng. Tuy nhiên trong hội chứng hoảng sợ đi ngủ, phản ứng sợ hãi tột độ dường như tự phát, hoàn toàn không có yếu tố tác động.

hoảng sợ khi ngủ
Hoảng sợ khi ngủ gây ra cảm giác sợ hãi tột độ khiến người bệnh ngồi bật dậy, la hét đi kèm theo các triệu chứng thể chất

Các dấu hiệu nhận biết hội chứng hoảng sợ ban đêm:

  • Xuất hiện cơn hoảng sợ, sợ hãi tột độ khi đang ngủ (thường xảy ra ở ⅓ thời gian đầu của giấc ngủ).
  • Người bệnh đột nhiên ngồi hoặc đứng dậy, sau đó mở to mắt và phát ra các âm thanh lớn (gào, la hét).
  • Một số trường hợp có biểu hiện lao ra khỏi phòng hoặc chạy qua cửa sổ để trốn thoát. Hoặc có các hành vi kích động như đá, đánh đập…
  • Mức độ sợ hãi có thể gia tăng khi những người xung quanh tác động.
  • Trong khoảng thời gian cơn hoảng loạn bùng phát, bệnh nhân vẫn đang ngủ, hoàn toàn không nhìn thấy gì và cũng không có bất cứ cảm nhận gì.
  • Thời gian của cơn hoảng sợ thường khoảng vài giây đến vài phút. Tuy nhiên, một số trẻ có thể gặp phải cơn dài trên 45 phút đi kèm với những biểu hiện như rung giật cơ, người gồng cứng, xuất tiết đờm dãi…
  • Có các triệu chứng do tăng hoạt động của hệ thần kinh thực vật như tim đập nhanh, mặt đỏ bừng, đổ mồ hôi, khó thở, thở nông…
  • Trong cơn hoảng sợ, người bệnh mất định hướng. Sau khoảng vài giây đến vài phút sẽ quay trở lại giấc ngủ và gần như không hề nhớ gì đến sự việc đã xảy ra vào tối hôm qua.

Cơn hoảng sợ bùng phát khi đang ngủ ảnh hưởng đáng kể đến thời gian và chất lượng giấc ngủ. Kết quả là gây buồn ngủ vào ban ngày, cơ thể mệt mỏi, giảm năng lượng.

Nguyên nhân gây ra chứng hoảng sợ ban đêm

Hoảng sợ khi ngủ là một trong những rối loạn giấc ngủ thường gặp bên cạnh ác mộng, mộng du, mất ngủ, rối loạn nhịp thức ngủ… Hiện tại, nguyên nhân gây ra hội chứng này chưa xác định nhưng một số yếu tố thuận lợi đã được đề cập.

nguyên nhân hoảng sợ khi ngủ
Căng thẳng, mệt mỏi quá mức là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc chứng hoảng sợ ban đêm

Các yếu tố gia tăng nguy cơ mắc hội chứng hoảng sợ khi ngủ:

  • Mệt mỏi cực độ
  • Sốt cao
  • Stress
  • Mất ngủ lâu ngày
  • Nhịp sinh học bị thay đổi do giấc ngủ bị gián đoạn, thay đổi nơi ở, múi giờ…
  • Hội chứng chân không yên (RLS)
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc
  • Sử dụng rượu, chất gây nghiện
  • Có các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu
  • Chấn thương đầu

Hội chứng hoảng sợ khi ngủ gặp chủ yếu ở trẻ từ 4 – 12 tuổi với nguy cơ cao hơn ở nữ giới. Dù do nguyên nhân nào, hội chứng này cũng không đều không đáng lo ngại. Đa phần các trường hợp đều tự thuyên giảm sau khi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu xảy ra ở người lớn, hội chứng hoảng sợ ban đêm đôi khi phải can thiệp điều trị.

Hội chứng hoảng sợ khi ngủ và hậu quả đối với sức khỏe, cuộc sống

Hội chứng hoảng sợ khi ngủ gây ra cảm giác sợ hãi tột độ kèm theo vận động mạnh, la hét một cách không tự chủ trong khi ngủ. Mặc dù các cơn hoảng sợ chỉ xảy ra trong 5 – 10 phút nhưng vẫn ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ, gia tăng cảm giác buồn ngủ vào ban ngày.

Các cơn hoảng sợ cũng ảnh hưởng đến người bên cạnh. Hành động ngồi hoặc đứng bật dậy kèm theo la hét có thể quấy rầy những người xung quanh. Người bệnh không nhớ gì về sự việc xảy ra khi ngủ và chỉ được nghe kể lại. Điều này có thể gây ra cảm giác xấu hổ ở một số người.

Trong các cơn hoảng sợ, rất ít người rời khỏi giường ngủ. Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp bật dậy chạy ra khỏi phòng và cửa sổ dẫn đến thương tích. Nếu từng bị thương tích trong các cơn hoảng sợ, bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị để hạn chế tai nạn.

Chẩn đoán hội chứng hoảng sợ khi ngủ

Hội chứng hoảng sợ là một trong những rối loạn giấc ngủ thường gặp ở trẻ nhỏ. Ngay khi được những người xung quanh phát hiện, gia đình nên cho trẻ thăm khám sớm. Người lớn cũng cần tìm gặp bác sĩ nếu thường xuyên bị than phiền về tình trạng la hét, sợ hãi trong khi ngủ.

chẩn đoán hoảng sợ khi ngủ
Chẩn đoán hoảng sợ khi ngủ bao gồm khám lâm sàng, đo đa ký giấc ngủ, đo điện não đồ…

Các bước chẩn đoán hội chứng hoảng sợ khi ngủ:

  • Hỏi bệnh: Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, khai thác tiền sử bệnh lý, sử dụng, nghiện chất, lạm dụng rượu bia… Vì bệnh nhân không nhớ được những sự việc xảy ra trong cơn hoảng loạn. Do đó, cần có người thân hỗ trợ trong quá trình chẩn đoán.
  • Khám sức khỏe tổng quát: Khám sức khỏe tổng quát được thực hiện để được loại trừ hoặc xác định một số vấn đề như nghiện chất, trầm cảm, rối loạn lo âu, chấn thương đầu… Kết quả từ khám tổng quát sẽ hỗ trợ đáng kể trong quá trình chẩn đoán.
  • Đo đa ký giấc ngủ: Đo đa ký giấc ngủ được thực hiện để đánh giá nồng độ oxy trong máu, sóng não, hơi thở, nhịp tim, chuyển động mắt và chân trong khi ngủ. Kết quả từ phương pháp này vô cùng có giá trị trong chẩn đoán các rối loạn giấc ngủ, bao gồm cả hội chứng hoảng sợ.
  • Đo điện não đồ: Đo điện não đồ cũng được thực hiện trong chẩn đoán hội chứng hoảng sợ khi ngủ. Tuy nhiên, đa phần đều cho kết quả bình thường. Một số ít trường hợp cho thấy điện não đồ đang ở trạng thái kích thích hoặc kịch phát.

Sau khi thực hiện các kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán ICD-10 và DSM-5. Cả hai tiêu chuẩn này đều đề cập rõ ràng về các triệu chứng điển hình của hội chứng hoảng sợ ban đêm. Đồng thời các triệu chứng không phải là hậu quả của một bệnh cơ thể hay do nghiện chất.

Các phương pháp điều trị hội chứng hoảng sợ khi ngủ

Hội chứng hoảng sợ khi ngủ không nhất thiết phải điều trị nếu triệu chứng có mức độ nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Trường hợp cơn xuất hiện thường xuyên, mức độ nghiêm trọng cần phải có biện pháp khắc phục, điều trị hợp lý.

Điều trị các vấn đề sức khỏe có liên quan

Hội chứng hoảng sợ khi ngủ xảy ra với cường độ cao thường có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như rối loạn lo âu, trầm cảm, chấn thương đầu… Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây ra rối loạn này. Trường hợp tìm được nguyên nhân cụ thể, cần tiến hành điều trị để cải thiện hội chứng hoảng sợ ban đêm.

Đánh thức 15 phút trước khi cơn hoảng sợ bùng phát

Thông thường, cơn hoảng sợ khi ngủ sẽ bùng phát vào ⅓ khoảng thời gian đầu của giấc ngủ và cố định về giờ giấc. Nếu cơn xảy ra thường xuyên, gia đình cần hỗ trợ đánh thức người bệnh khoảng 15 phút trước thời điểm xảy ra cơn

Người bệnh cần phải ra khỏi giường và duy trì trạng thái tỉnh táo trong khoảng 30 phút để cơn qua đi trước khi ngủ lại. Biện pháp này đặc biệt có hiệu quả đối với hội chứng hoảng sợ ban đêm ở trẻ nhỏ.

Các biện pháp vệ sinh giấc ngủ

Tất cả các rối loạn giấc ngủ bao gồm cả hội chứng hoảng sợ khi ngủ đều được khuyến khích thực hiện biện pháp vệ sinh giấc ngủ. Các biện pháp này giúp giảm kích thích, đảm bảo không gian ngủ lý tưởng, qua đó hạn chế mất ngủ, ngủ chập chờn và bùng phát cơn hoảng sợ khi đang ngủ.

chẩn đoán hoảng sợ khi ngủ
Chứng hoảng sợ khi ngủ thường được cải thiện sau khi thực hiện các biện pháp vệ sinh giấc ngủ

Các biện pháp vệ sinh giấc ngủ giúp cải thiện hội chứng hoảng sợ ban đêm bao gồm:

  • Không uống rượu bia, cai thuốc lá (nếu có). Không sử dụng đồ uống chứa caffeine sau 12:00 nhằm hạn chế kích thích lên hệ thống thần kinh trung ương.
  • Tập thể dục đều đặn để giải tỏa căng thẳng và cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên, không nên tập thể dục trong vòng 4 giờ trước khi ngủ.
  • Hạn chế những căng thẳng về cảm xúc, tâm lý trước khi ngủ. Ngủ đúng giờ, tránh thức khuya và làm việc quá sức.
  • Không nên xem ti vi hay sử dụng thiết bị điện tử quá lâu trước khi ngủ.
  • Ăn tối trước 19:00, hạn chế ăn quá no, tránh ăn mặn, cay và các món ăn khó tiêu hóa.
  • Cố định giờ ngủ và giờ thức để tránh mất ngủ, khó ngủ. Đồng thời chỉ nên đi ngủ khi có cảm giác buồn ngủ.
  • Không nên ngủ ngày quá nhiều, tối đa là 30 phút vào buổi trưa.
  • Dọn dẹp phòng ngủ thường xuyên, thay ga nệm êm ái, đảm bảo không khí trong phòng mát mẻ, không quá nóng hoặc quá lạnh. Ánh sáng vừa đủ, không gian yên tĩnh để hạn chế kích thích lên hệ thần kinh trung ương.

Hầu hết các vấn đề giấc ngủ đều có cải thiện đáng kể sau khi áp dụng các biện pháp vệ sinh giấc ngủ. Người bị hội chứng hoảng sợ ban đêm giảm đáng kể các cơn hoảng sợ, hơn nữa cường độ và thời gian của các cơn cũng thuyên giảm rõ rệt.

Sử dụng thuốc

Thuốc ít khi được chỉ định trong điều trị hội chứng hoảng sợ khi ngủ. Hội chứng này là phản ứng tự nhiên của não bộ khi cơ thể quá mệt mỏi và căng thẳng. Sau khi điều chỉnh lối sống, đa phần các trường hợp đều thuyên giảm rõ rệt mà không cần phải can thiệp liệu pháp hóa dược.

chẩn đoán hoảng sợ khi ngủ
Một số loại thuốc như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm… có thể được sử dụng trong điều trị hội chứng hoảng sợ khi ngủ

Trường hợp cơn hoảng sợ xảy ra thường xuyên gây mệt mỏi, tinh thần không ổn định sẽ được cân nhắc dùng thuốc. Hai nhóm thuốc được sử dụng trong trường hợp này là thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần, giải lo âu.

  • Thuốc an thần, giải lo âu: Thường dùng nhất là nhóm thuốc benzodiazepine bao gồm Diazepam, Clonazepam, Zolpidem, Bromazepam… Thuốc giúp cải thiện tình trạng mất ngủ, khó ngủ, đồng thời có thể giảm đáng kể cơn hoảng sợ khi đang ngủ.
  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Amitriptylin), 4 vòng (Mirtazapine) cũng được sử dụng trong điều trị hội chứng hoảng sợ khi ngủ. Thuốc thường được chỉ định cho người trưởng thành gặp phải các cơn hoảng sợ, sợ hãi tột độ khi ngủ với mục đích cải thiện tâm trạng.

Liệu pháp tâm lý

Hội chứng hoảng sợ khi ngủ thường xảy ra khi tinh thần căng thẳng quá mức. Vì vậy, liệu pháp tâm lý cũng được cân nhắc trong quá trình điều trị. Trong đó, liệu pháp thư giãn luyện tập và liệu pháp giải thích hợp lý được chứng minh mang lại hiệu quả cao.

Liệu pháp tâm lý có hiệu quả trong việc giải tỏa căng thẳng, điều chỉnh tâm trạng, đồng thời giúp bệnh nhân chấp nhận tình trạng sức khỏe bản thân đang phải đối mặt. Mấu chốt trong phương pháp này là chuyên gia phải xây dựng được niềm tin với bệnh nhân. Thông qua đó để điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực và thay đổi hành vi hiện tại bằng các hành vi tích cực hơn.

Hội chứng hoảng sợ khi ngủ là tình trạng khá phổ biến ở trẻ nhỏ và đôi khi gặp ở người trưởng thành. Hội chứng này thường không phải điều trị mà có thể cải thiện thông qua tổ chức lại lối sống. Tuy nhiên, trường hợp cơn hoảng sợ xảy ra với tần suất cao và cường độ mạnh nên điều trị y tế để hạn chế những ảnh hưởng đối với sức khỏe, chất lượng cuộc sống.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chứng cuồng loạn Hysteria là gì? Bạn biết gì về hội chứng này?

Chứng cuồng loạn Hysteria thường khởi phát ở những người có nhân cách yếu, trẻ em được nuông chiều, bảo bọc quá mức. Hội chứng...

Trầm cảm u sầu là gì?
Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm u sầu (Melancholia) được thể hiện rõ qua các trạng thái như người bệnh bị cạn kiệt năng lượng, khí sắc buồn bã,...

stress mệt mỏi ở người cao tuổi
Stress Mệt Mỏi Ở Người Cao Tuổi: Dấu hiệu, nguyên nhân, điều trị

Tình trạng stress, mệt mỏi ở người cao tuổi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Căng thẳng kéo dài...

Những hội chứng khi ngừng thuốc chống trầm cảm cần chú ý

Sử dụng thuốc chống trầm cảm cần phải tuân thủ nguyên tắc và chỉ định của bác sĩ để phòng ngừa các phản ứng bất...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh