Hội Chứng Hoang Tưởng Người Khác Yêu Mình – Những hệ lụy nguy hiểm
Hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình là thuật ngữ được xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1921 bởi bác sĩ tâm thần người Pháp Gaëtan Gatian de Clérambault. Theo đó, những người mắc phải hội chứng này sẽ thường có sự ngộ nhận về việc người khác (thường là những ai có địa vị kinh tế, xã hội, chính trị cao) đều đang si mê, đắm say họ mặc dù thực tế hoàn toàn không đúng như vậy.
Thế nào là hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình?
Hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình hay còn có tên gọi khác là Erotomania là một trong các tình trạng hiếm gặp nhưng trên thực tế vẫn có không ít trường hợp mắc phải chứng hoang tưởng này và gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống của họ và cả những người xung quanh. Vào năm 1921, bác sĩ tâm thần người Pháp Gaëtan Gatian de Clérambault đã phát hiện ra tình trạng này và gọi tên nó là hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình.
Thuật ngữ này nhằm chỉ đến những người thường xuyên có sự ảo tưởng, ngộ nhận và có niềm tin mãnh liệt về việc người có địa vị, vị thế xã hội, chính trị, kinh tế cao đang yêu họ đắm say. Đây được xem là một trong các vấn đề sức khỏe tâm thần gây nên những niềm tin, nhận thức sai lệch khiến cho nhiều người nghĩ rằng đang có ai đó yêu họ mãnh liệt.
Đối tượng hoang tưởng của họ thường là những người có địa vị cao trong xã hội, đạt được nhiều thành công, có sự nổi tiếng, danh vọng, giàu có, nhan sắc khiến nhiều người mơ ước. Tuy nhiên, sự si mê này chỉ là ảo giác do người bệnh tự tạo ra bởi những đối tượng họ đang hướng đến đôi khi còn không biết họ là ai, họ đang thế nào.
Hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình hay còn được gọi với tên là hội chứng De Clérambault gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống của người bệnh và cả những người xung quanh. Đôi khi những người mắc hội chứng này còn cho rằng một vài người xa lạ, có thể chỉ vừa gặp mặt hoặc vô tình lướt ngang qua cũng có thể yêu họ từ cái nhìn đầu tiên.
Mặc dù không hề có bất kỳ bằng chứng xác thực nào nhưng họ vẫn luôn có niềm tin mãnh liệt vào suy nghĩ của bản thân và có thể tỏ ra kích động khi ai đó cố gắng giải thích, phân tích sự thật với họ. Người bệnh sẽ cố gắng tìm đủ mọi lý do, bằng chứng để chứng minh về việc đối phương đang rất yêu họ và vì một vài nguyên nhân nào đó mà họ không tiện bày tỏ tình cảm hoặc công khai mối quan hệ giữa cả hai.
Theo đó, các chuyên gia cũng chia sẻ về việc hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình có khả năng liên quan đến các rối loạn tâm thần khác và nếu không sớm được khắc phục tốt thì tình trạng này có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, gia tăng nguy cơ khởi phát các rối loạn nguy hiểm hơn. Quá trình can thiệp cần được thực hiện trong giai đoạn sớm và áp dụng hiệu quả các phương pháp phù hợp để giúp người bệnh loại bỏ những hoang tưởng và cân bằng lại cuộc sống.
Dấu hiệu nhận biết hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình
Biểu hiện đặc trưng của những người mắc phải hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình đó chính sự niềm tin mãnh liệt vào việc một hoặc nhiều người đang yêu họ một cách đắm say mặc dù thực tế không phải như thế hoặc thậm chí đối phương còn không biết đến sự hiện diện của họ. Sự ngộ nhận này có thể khiến cho người bệnh cảm thấy có thêm nhiều năng lượng, trở nên yêu đời, phấn khích và dần chìm đắm vào cuộc tình ảo tưởng của chính mình.
Những người bên cạnh có thể hiểu nhầm về sự bất ổn tinh thần của họ nhưng khó có thể xác định được rằng họ đang mắc phải hội chứng hoang tưởng. Sự ngộ nhận, huyễn hoặc này lâu dài có thể chi phối cả về cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của bệnh nhân và thôi thúc họ thực hiện việc tiếp cận, gặp gỡ, tương tác hoặc thậm chí là làm phiền, quấy rối đối phương.
Cụ thể một số biểu hiện giúp bạn nhận biết được người đang mắc phải hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình như:
- Luôn có niềm tin mãnh liệt về việc đối phương đang yêu mình say đắm.
- Liên tục nói về việc “nửa kia” đang dành tình cảm cho mình, thông báo với mọi người xung quanh về việc họ đang cố gắng theo đuổi, cưa cẩm mình.
- Đối với những người có địa vị cao trong xã hội hoặc là người nổi tiếng thì bệnh nhân còn có xu hướng tạo ra các tình huống, thông tin để cập nhật đến báo chí, truyền thông, mạng xã hội.
- Liên tục gọi điện, nhắn tin, gửi mail, gửi thư, tặng quà cho đối phương dù không được đáp lại.
- Luôn tự tạo ra những bằng chứng để chứng minh về việc người kia đang cố gắng cưa cẩm mình. Ví dụ chỉ thông qua một ánh nhìn, một sự chào hỏi hoặc một câu nói nào đó thì họ cũng có thể liên tưởng đến việc người kia đang muốn nhắc đến mình và họ đang nhớ mình da diết.
- Có cảm giác ghen tuông, tức giận khi “nửa kia” có hành động thân mật, tiếp xúc với người khác giới.
- Dành sự tập trung quá mức vào đối phương nên có xu hướng lẩn tránh, từ chối và mất dần hứng thú đối với hầu hết các hoạt động xã hội.
- Có xu hướng tự lừa dối bản thân về việc người kia không bày tỏ tình cảm, chưa thể công khai mối quan hệ yêu đương.
- Có khả năng thực hiện các hành vi giám sát, theo dõi, tấn công, gây rối đối với “nửa kia”.
- Có thể bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc do suy nghĩ liên tục về đối tượng.
Các biểu hiện của hội chứng Erotomania thường không làm đảo lộn quá mức về các sinh hoạt đời sống của người bệnh nhưng nó khiến cho bệnh nhân liên tục bị chi phối bởi các hoang tưởng không có thực và dễ gây ra những hành vi tiêu cực. Tình trạng này có thể diễn ra trong khoảng thời gian ngắn hoặc dài hay còn gọi là “phá vỡ tâm thần”.
Rất khó để có thể tác động và thay đổi niềm tin của người mắc phải hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình. Kể cả khi đối phương đã tìm đủ mọi cách để tránh né hoặc giải thích về tình cảm của mình nhưng người bệnh thường sẽ không muốn lắng nghe hoặc cho rằng đó chỉ là sự giả dối và bản thân “nửa kia” đang phải đối diện với những áp lực to lớn nào đó.
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình
Có rất nhiều giả thuyết đặt ra để giải thích về nguyên nhân làm khởi phát hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình. Cho đến hiện nay thì các chuyên gia và nhà khoa học cho thấy nguồn gốc bắt đầu từ các thiếu thốn, mất mát tình cảm tồn tại ở thời thơ ấu chính là nguyên nhân thuyết phục nhất đối với sự hoang tưởng của nhiều người bệnh.
Tình trạng này gây nên nhiều sự ám ảnh và tổn thương tâm lý kéo dài dai dẳng ở nhiều người. Họ luôn khao khát nhận được sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc từ những người xung quanh và có thể gây ra những ảo tưởng lớn về việc người khác đang dành tình cảm cho mình nhưng vì một lý do nào đó họ không thể bày tỏ điều đó.
Tình yêu sẽ giúp cho con người cảm nhận được nhiều cảm xúc tốt đẹp, nó hỗ trợ mang đến sự hưng phấn, vui vẻ, hạnh phúc khác thường, đặc biệt là những ai đã từng bị thiếu thốn tình cảm. Nhà nhân chủng học, tiến sĩ Helen Fisher cũng đã từng chia sẻ về kết quả chụp não của 18 người mắc hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình. Ông cho biết rằng, tất cả hình ảnh đều nhận thấy sự hưng phấn, kích thích khác thường của bệnh nhân.
Tuy nhiên, khi tình yêu không nhận được sự hồi đáp nó sẽ gây ra nhiều sự thất vọng, tạo thành những ám ảnh lớn trong tâm trí và dần hình thành nên các biểu hiện của hội chứng hoang tưởng này. Tình trạng này gây ra những cảm xúc tồi tệ chi phối nhận thức, suy nghĩ của người bệnh và dần hình thành nên những ảo tưởng, hoang tưởng sai lệch về cảm giác một ai đó đang thích mình.
Theo đó, dựa vào số liệu thống kê nhận thấy, nữ giới có nguy cơ mắc phải hội chứng này cao hơn so với nam giới, tỷ lệ chiếm gần 70%. Hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình được xem là một trong các tình trạng hiếm gặp bởi chưa có quá nhiều thông tin cụ thể về nó. Tuy nhiên, trong thực tế số lượng người mắc phải lại cao hơn rất nhiều so với thống kê và có không ít các trường hợp chưa được công bố và xác định cụ thể về nguyên nhân.
Những hệ lụy đến từ hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình
Hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình mặc dù không gây ảnh hưởng quá nhiều đến các thói quen sinh hoạt hàng ngày của người bệnh nhưng nếu nó cứ kéo dài dai dẳng và không có biện pháp khắc phục tốt thì sẽ có khả năng chi phối, thay đổi về hành vi, cách cư xử của bệnh nhân. Người bệnh có thể trở nên nhạy cảm, hung hăng, kích động hơn so với bình thường, đặc biệt là đối với những người có xu hướng ngăn cản, phản đối hoặc bác bỏ tình yêu của họ.
Do sự ảo tưởng quá mức của bản thân có thể thôi thúc người bệnh thực hiện các hành vi xâm nhập, tấn công, đe dọa, quấy rối quyền riêng tư của “nửa kia” vì họ cho rằng đối phương đang cố gắng tìm mọi cách để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mình nhưng bị ngăn cấm. Một số trường hợp tồi tệ và nguy hiểm hơn có thể khiến cho người bệnh dần xuất hiện các hành vi điên cuồng, thiếu kiểm soát và họ có thể sẵn sàng giết chết đối phượng, tự sát cùng nhau để được ở cạnh nhau.
Ngoài ra, các chuyên gia còn cho biết thêm, hội chứng này còn có sự liên quan mật thiết đối với rối loạn lưỡng cực và nó chi phối rất nhiều về cảm xúc của bệnh nhân. Hơn thế, nó cũng có khả năng kết nối và làm gia tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần khác, cụ thể như rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), chứng nghiện rượu bia, ma túy,….
Các biểu hiện của hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình có thể kéo dài trong vài ngày, vài tháng hoặc vài năm và chúng sẽ trở nên tồi tệ nếu không được phát hiện, can thiệp ở giai đoạn sớm. Tình trạng này có thể làm hạn chế các hứng thú đối với sinh hoạt đời sống của người bệnh, khiến họ dễ bị xao nhãng và không đáp ứng tốt các nhu cầu học tập, làm việc.
Làm sao để khắc phục hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình?
Mục đích chung của quá trình hỗ trợ can thiệp và điều trị hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình đó chính là giúp người bệnh kiểm soát và thoát khỏi những ảo tưởng, hoang tưởng phi lý của mình. Việc khắc phục có thể cần được hỗ trợ trong một thời gian nhất định tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và sự đáp ứng của bệnh nhân với các phương pháp can thiệp.
Hiện nay, đối với tình trạng bệnh lý này thì các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa sẽ ưu tiên áp dụng trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc, đôi lúc sẽ kết hợp cả hai biện pháp với nhau. Người bệnh cũng cần phải tin tưởng và đáp ứng tốt với phác đồ cải thiện của chuyên gia để có thể điều chỉnh, thay đổi tốt về suy nghĩ, nhận thức sai lệch của bản thân, từ đó dễ dàng cân bằng lại trạng thái tâm lý, ổn định cuộc sống tốt hơn.
Cụ thể về các phương pháp sẽ được áp dụng cho người mắc hội chứng như:
1. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý được xem là phương pháp quan trọng và luôn được ưu tiên hàng đầu trong quá trình can thiệp cho người mắc hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình. Quá trình trao đổi và tương tác cùng với nhà trị liệu, chuyên gia tâm lý sẽ giúp cho bệnh nhân hiểu, nhận biết rõ về những suy nghĩ lệch lạc của bản thân để tìm cách loại trừ, điều chỉnh phù hợp.
Bằng các liệu pháp phù hợp cùng với kinh nghiệm trị liệu mà chuyên gia tâm lý sẽ dần khai thác cụ thể về tiềm thức của người bệnh, hiểu rõ về nguyên nhân gây ra các ảo tưởng, suy nghĩ lệch lạc để giúp họ thay đổi, khắc phục tận gốc. Người bệnh sẽ dần hiểu rõ hơn về bản thân của mình, nhìn nhận tốt về những sự ảo tưởng không có thực để dần loại bỏ một cách lành mạnh nhất.
Hơn thế, đối với những trường hợp có xu hướng bị chi phối về hành vi thì sẽ được hỗ trợ kiểm soát để thay đổi, quản lý tốt những biểu hiện nguy hiểm để tránh gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với bản thân người bệnh và cả đối tượng của họ. Sau quá trình trị liệu, bệnh nhân sẽ dần được điều chỉnh tốt về nhận thức, suy nghĩ, khắc phục và thay đổi về những nhận định sai lệch của bản thân. Đồng thời, chuyên gia cũng sẽ hỗ trợ trang bị, nâng cao thêm các kỹ năng cần thiết để giúp người bệnh nhanh chóng ổn định trạng thái tâm lý, cân bằng cuộc sống hiệu quả hơn.
2. Sử dụng thuốc
Bên cạnh quá trình can thiệp tâm lý cho người bệnh thì chuyên gia cũng sẽ cân nhắc kết hợp kèm theo một số loại thuốc để làm thuyên giảm các triệu chứng nguy hiểm, tồi tệ, ngăn chặn những hệ lụy khó lường. Đối với các trường hợp mắc phải hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình sẽ được bác sĩ chuyên khoa kê đơn với những loại thuốc chống loạn thần, thuốc an thần để làm suy giảm tốt các ảo tưởng, hoang tưởng không phù hợp.
Thuốc chống loạn thần cổ điển (pimozide) hiện đang là loại thuốc được ưu tiên sử dụng phổ biến và mang đến hiệu quả tốt cho phần lớn người mắc hội chứng Erotomania. Tuy nhiên, một số trường hợp không đáp ứng tốt với pimozide thì vẫn có thể được hỗ trợ chỉ định dùng thêm các loại thuốc chống loạn thần như olanzapine, clozapine, risperidone,….
Việc dùng thuốc cần được kết hợp song song với can thiệp tâm lý để giúp bệnh nhân mau chóng phục hồi được tình trạng sức khỏe, ngăn chặn tối đa các biến chứng nguy hiểm. Người bệnh cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để phòng tránh các tác dụng phụ và giúp cho bệnh tình được khắc phục hiệu quả, an toàn.
Trên đây là một số thông tin chi tiết về hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình – Erotomania. Hy vọng bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về tình trạng này và có cách nhận biết, điều trị phù hợp để giúp cho sức khỏe được cân bằng, ổn định tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!