Hội chứng tiền kinh nguyệt – Cảm xúc thay đổi thất thường ở chị em

Hội chứng tiền kinh nguyệt là rối loạn pha hoàng thể đặc trưng bởi sự thay đổi tâm trạng rõ rệt, đi kèm với các triệu chứng thể chất như đau đầu, chướng bụng, thèm ăn quá mức… Hội chứng này tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động thường ngày trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt.

Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?

Hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual Syndrome – PMS) xảy ra vào 1 – 2 tuần trước khi kỳ kinh bắt đầu. Hội chứng này đặc trưng bởi những thay đổi về cảm xúc như lo lắng, buồn bã, tâm trạng không ổn định đi kèm với một số biểu hiện khác như đau đầu, chướng bụng, nhức mỏi lưng, đau ngực…

Hoàng thể (giai đoạn sau khi rụng trứng) là thời điểm dễ khởi phát các vấn đề tâm lý như hội chứng tiền kinh nguyệt hay nặng hơn là rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD). Ở giai đoạn này, hormone progesterone tăng mạnh nhằm làm dày nội mạc tử cung, tạo điều kiện cho phôi thai phát triển. Nếu không xảy ra hiện tượng thụ tinh, lớp nội mạc này sẽ bong ra và được đào thải ra bên ngoài qua âm đạo.

hội chứng tiền kinh nguyệt (pms)
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) xảy ra trong giai đoạn hoàng thể (nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt)

Progesterone tăng mạnh trong giai đoạn hoàng thể là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên ở một số người, sự gia tăng đột ngột của hormone có thể kéo theo những thay đổi về cảm xúc và thể chất. Đây cũng là lý do có khoảng 20 – 25% phụ nữ trong độ tuổi sinh nở gặp phải hội chứng tiền kinh nguyệt.

Nhìn chung, hội chứng tiền kinh nguyệt không quá nghiêm trọng. Chăm sóc đúng cách và thực hiện một số biện pháp tại nhà có thể kiểm soát các triệu chứng liên quan đế hội chứng này. Bởi vì sau giai đoạn hoàng thể đến thời kỳ “đèn đỏ”, PMS sẽ tự thuyên giảm.

Nhận biết hội chứng tiền kinh nguyệt

Hoàng thể là giai đoạn khá nhạy cảm ở nữ giới. Sự gia tăng của hormone progesterone sẽ gây ra những xáo trộn về tâm lý và thể chất. Với những người bị hội chứng tiền kinh nguyệt, triệu chứng thường rõ rệt, điển hình và tái phát đều đặn.

Biểu hiện và mức độ của hội chứng rối loạn tiền kinh nguyệt sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp. Ngoài ra, mức độ đôi khi cũng có sự khác nhau ở mỗi chu kỳ.

hội chứng tiền kinh nguyệt (pms)
Hội chứng tiền kinh nguyệt đặc trưng bởi cảm xúc không ổn định, nóng nảy, kích động, thèm ăn, chướng bụng…

Các triệu chứng thường gặp của hội chứng tiền kinh nguyệt:

  • Tâm trạng không ổn định, dễ bị kích thích, nóng nảy, tức giận và thậm chí là kích động
  • Nhạy cảm, dễ khóc
  • Một số người có biểu hiện giảm khí sắc (buồn bã, chán nản, u uất, mất hứng thú với các hoạt động thường ngày…)
  • Không tập trung, thường xuyên lơ đễnh
  • Cảm thấy mệt mỏi, uể oải
  • Chướng bụng
  • Căng tức và đau ở vùng ngực
  • Đau mỏi vùng thắt lưng
  • Chóng mặt, nhức đầu
  • Đánh trống ngực
  • Táo bón hoặc tiêu chảy
  • Thèm ăn hơn bình thường
  • Da nhiều dầu và nổi mụn trứng cá
  • Buồn nôn, nôn mửa

Hội chứng tiền kinh nguyệt sẽ kéo dài khoảng vài ngày cho đến tối đa 10 – 14 ngày. Khi giai đoạn hoàng thể kết thúc và kỳ kinh bắt đầu, các triệu chứng sẽ thuyên giảm gần như hoàn toàn.

Hầu hết nữ giới đều gặp phải một số biểu hiện trên nhưng mức độ thường nhẹ, không đáng kể. Chỉ khi triệu chứng thực sự rõ rệt và tái phát đều đặn ở các chu kỳ mới được chẩn đoán là hội chứng tiền kinh nguyệt.

Nguyên nhân gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt

Sự thay đổi của hormone trong giai đoạn hoàng thể được xem là nguyên nhân trực tiếp gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20 – 25% nữ giới trong độ tuổi sinh sản mắc hội chứng này, vì vậy các chuyên gia cho rằng phải có nguyên nhân tiềm ẩn.

Trên thực tế, các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây hội chứng tiền kinh nguyệt. Nhưng qua những nghiên cứu đã được thực hiện, hội chứng này có thể liên quan đến những yếu tố sau:

Sự thay đổi của hormone

Như đã đề cập, tăng hormone progesterone trong giai đoạn hoàng thể có vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của hội chứng tiền kinh nguyệt. Ngoài ra, các chuyên gia còn nhận thấy giai đoạn này có những thay đổi khác như giảm hormone estrogen, prolactin, thừa ADH, aldosterone, rối loạn quá trình chuyển hóa carbohydrate…

Di truyền

Nếu có bà, mẹ và chị em gái ruột bị hội chứng tiền kinh nguyệt, khả năng phát triển hội chứng này sẽ cao hơn so với bình thường. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận thấy, nguy cơ phát triển PMS có xu hướng gia tăng ở những người có tiền sử gia đình bị trầm cảm, rối loạn cảm xúc

Cách điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt
Nếu mẹ hoặc chị em ruột bị PMS, khả năng phát triển hội chứng tiền kinh nguyệt sẽ cao hơn so với bình thường

Sự thay đổi của hóa chất trong não bộ

Tương tự như trầm cảm, các chuyên gia cũng nhận thấy nữ giới bị PMS giảm nồng độ serotonin rõ rệt ở giai đoạn hoàng thể. Khi serotonin sụt giảm, tâm trạng sẽ trở nên không ổn định, dễ bị lo âu, buồn bã, nhạy cảm, giảm cảm giác thèm ăn và mất năng lượng.

Các yếu tố khác

Hội chứng tiền kinh nguyệt còn liên quan đến những yếu tố như:

  • Thiếu canxi và magie
  • Thói quen ăn mặn, lạm dụng rượu bia, caffeine
  • Cơ thể suy nhược do stress kéo dài

Các yếu tố này ít khi là nguyên nhân trực tiếp gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên khi có những yếu tố này, triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Hội chứng tiền kinh nguyệt có đáng lo ngại?

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) thường không quá nghiêm trọng như rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD). Thường thì sau khoảng 7 – 12 ngày, các triệu chứng sẽ thuyên giảm hẳn.

Tuy nhiên, sự thay đổi về tâm trạng và các triệu chứng cơ thể cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cuộc sống. Không ít nữ giới nhận thấy bản thân không thể học tập, làm việc hiệu quả vì tâm trạng không ổn định, cảm thấy lo âu, căng thẳng, nhạy cảm và buồn bã.

Cách điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với các hoạt động thường ngày

Ngoài ra, các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, căng tức ngực, táo bón/ tiêu chảy… cũng gây ra sự phân tâm đáng kể. Trong giai đoạn hoàng thể, không ít nữ giới gặp phải những phiền toái như mâu thuẫn trong các mối quan hệ, bất đồng trong công việc… do hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).

Trường hợp không quá nghiêm trọng có thể cải thiện bằng một số biện pháp tự nhiên. Tuy nhiên, cũng có nhiều nữ giới sẽ phải dùng thuốc để kiểm soát những thay đổi về tâm trạng và cơ thể trong giai đoạn hoàng thể.

Chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt

Đa phần nữ giới đều có những thay đổi nhất định khi bước vào giai đoạn hoàng thể. Hội chứng tiền kinh nguyệt chỉ được chẩn đoán khi đáp ứng ít nhất 5 triệu chứng trong các triệu chứng được liệt kê. Bên cạnh đó, các triệu chứng phải xuất hiện trước kỳ kinh khoảng 1 tuần và thuyên giảm hoặc biến mất hoàn toàn sau khi có kinh nguyệt.

Hội chứng tiền kinh nguyệt được chẩn đoán khi có ít nhất 5 trong các triệu chứng sau:

  • Tâm trạng thay đổi rõ rệt (căng thẳng, lo âu, vui buồn thất thường…)
  • Trở nên cáu kỉnh, nóng nảy hơn bình thường một cách rõ rệt hoặc gia tăng mâu thuẫn trong các mối quan hệ cá nhân
  • Có cảm giác chơi vơi hoặc lo lắng, căng thẳng
  • Giảm khí sắc đáng kể, có ý nghĩ mặc cảm tội lỗi hoặc tuyệt vọng

Ngoài ra, cần phải có nhiều hơn 1 triệu chứng sau:

bị hội chứng tiền kinh nguyệt phải làm sao
Nữ giới chỉ được chẩn đoán PMS khi đáp ứng ít nhất 5 triệu chứng trong tất cả các triệu chứng được đề cập
  • Cơ thể mệt mỏi, giảm năng lượng
  • Khó tập trung
  • Giảm hứng thú và sự quan tâm với các hoạt động thông thường
  • Ngực khó chịu, căng tức
  • Mất ngủ hoặc tăng thời gian ngủ
  • Thay đổi thói quen ăn uống như ăn quá nhiều, thèm ăn, thay đổi khẩu vị so với bình thường

Các triệu chứng này chỉ được chẩn đoán là hội chứng tiền kinh nguyệt khi xuất hiện trong hầu hết 1 năm trước đó. Đồng thời mức độ phải đủ nghiêm trọng để gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với các hoạt động hằng ngày.

Cách khắc phục, điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) được khuyến khích điều trị bằng các biện pháp không dùng thuốc. Đa phần nữ giới đều nhận thấy những cải thiện rõ rệt sau khi thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng.

Thuốc ít khi được chỉ định vì các triệu chứng thường sẽ thuyên giảm sau khi xảy ra hành kinh. Dù vậy, những trường hợp không có đáp ứng với các biện pháp ban đầu sẽ được cân nhắc dùng thuốc.

Các biện pháp điều trị, hỗ trợ khắc phục hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS):

Thay đổi chế độ dinh dưỡng

Thiếu canxi, magie, chế độ ăn nhiều muối, gia vị… đã được xác định có thể làm nghiêm trọng hội chứng tiền kinh nguyệt. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ hướng dẫn điều chỉnh chế độ ăn để cải thiện sức khỏe và giảm nhẹ triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) ở chu kỳ sau.

Trên thực tế, điều chỉnh thói quen ăn uống thực sự có hiệu quả trong cải thiện tâm trạng và giảm nhẹ những thay đổi của cơ thể trong giai đoạn hoàng thể. Để kiểm soát hội chứng PMS, nữ giới nên xây dựng chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn sau:

bị hội chứng tiền kinh nguyệt phải làm sao
Thay đổi chế độ dinh dưỡng có thể giảm đáng kể các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt
  • Giảm muối, đường và tập thói quen ăn nhạt.
  • Bổ sung thực phẩm giàu canxi, magie, khoáng chất và vitamin. Ngoài ra, thực phẩm chứa carbohydrate phức hợp (đậu lăng, gạo nâu, ngũ cốc nguyên hạt…) cũng đã được chứng minh có thể làm giảm triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.
  • Không sử dụng rượu bia, hạn chế đồ uống chứa caffeine.
  • Kiêng chất béo bão hòa, nên thay bằng thực phẩm giàu chất béo không no như các loại hạt, cá béo, bơ…
  • Tăng cường nhiều chất xơ, thực phẩm giàu probiotic… để giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa trong giai đoạn hoàng thể.
  • Cung cấp đủ protein cho cơ thể qua các nhóm thực phẩm lành mạnh như thịt, cá, trứng, đậu… Các axit amin trong nhóm thực phẩm này sẽ thúc đẩy tổng hợp protein và giảm đáng kể triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt như thịt bò, gan, củ dền, cà rốt… để thúc đẩy quá trình tạo máu.
  • Chia nhỏ bữa ăn, ăn chậm nhai kỹ để tránh quá căng tức bụng. Ngoài ra, thói quen này còn giúp duy trì đường huyết ổn định, tránh cáu kỉnh và nóng nảy.

Sinh hoạt điều độ

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) gây ra những thay đổi về tâm trạng đi kèm với lo lắng, căng thẳng, dễ cáu kỉnh… Để giải tỏa cảm xúc, nên tổ chức lại lối sống và thay đổi những thói quen xấu.

bị hội chứng tiền kinh nguyệt phải làm sao
Tâm trạng cáu kỉnh, thèm ăn, đau đầu, nhức mỏi… do PMS gây ra sẽ thuyên giảm đáng kể nếu tập thể dục thường xuyên

Chế độ sinh hoạt giúp cải thiện hội chứng tiền kinh nguyệt:

  • Tập thể dục thường xuyên, ít nhất là 3 buổi/ tuần. Yoga đã được chứng minh hữu ích trong việc giải tỏa căng thẳng và giảm nhẹ hội chứng tiền kinh nguyệt. Ngoài ra, các bộ môn như đi bộ, bơi lội, đánh cầu… cũng rất tốt cho sức khỏe.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi sau khi học tập, làm việc. Ưu tiên các hoạt động thư giãn lành mạnh, ít phải tiếp xúc với thiết bị điện tử như đọc sách, vẽ tranh, nấu ăn, chăm sóc cây cối, đan len, chơi với thú cưng…
  • Hạn chế thức khuya và ngủ đủ giấc.
  • Vào cuối tuần, có thể đi massage trị liệu, gội đầu dưỡng sinh… để giảm stress và thư giãn tinh thần.

Sử dụng thuốc

Nếu các biện pháp trên không thể kiểm soát hoàn toàn hội chứng tiền kinh nguyệt, bác sĩ sẽ cân nhắc dùng thuốc. Thuốc có thể cải thiện các triệu chứng đau, giảm phù do giữ nước… Ngoài ra, thuốc tránh thai và thuốc chống trầm cảm cũng được xem xét sử dụng.

bị hội chứng tiền kinh nguyệt phải làm sao
Một số ít trường hợp sẽ phải dùng thuốc tránh thai hoặc thuốc chống trầm cảm để kiểm soát PMS

Các loại thuốc được dùng trong điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS):

  • Thuốc giảm đau: PMS gây ra nhiều triệu chứng đau như đau đầu, đau bụng, đau mỏi lưng… Nếu đau nhiều và cơn đau làm gián đoạn các hoạt động trong ngày, có thể dùng Acetaminophen, Aspirin hoặc Ibuprofen.
  • Thuốc lợi tiểu: Trong giai đoạn hoàng thể, một số người bị ứ nước dẫn đến tình trạng phù. Thuốc lợi tiểu cũng có thể được chỉ định trong trường hợp này.
  • Thuốc tránh thai đường uống: Thuốc tránh thai đường uống giúp duy trì sự cân bằng của hormone estrogen và progesterone. Bằng cách này, có thể ngăn xảy ra giai đoạn hoàng thể và kiểm soát hội chứng tiền kinh nguyệt hữu hiệu.
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs): SSRIs là loại thuốc chống trầm cảm được dùng phổ biến nhất hiện nay. Trường hợp căng thẳng quá mức và dễ kích thích sẽ được cân nhắc dùng SSRIs liều thấp (thường là Fluoxetin 20mg/ ngày). Tùy theo tình trạng cụ thể, thuốc có thể được dùng xuyên suốt hoặc chỉ dùng trong giai đoạn hoàng thể của chu kỳ kinh nguyệt.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là một dạng rối loạn pha hoàng thể có tính chất tái phát. Điều này có nghĩa là các triệu chứng sẽ lặp lại ở chu kỳ kế tiếp. Vì vậy, nữ giới bị chẩn đoán mắc hội chứng này nên có kế hoạch chăm sóc hợp lý để quản lý triệu chứng hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Rối loạn ăn uống ở trẻ
Rối loạn ăn uống ở trẻ: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

Rối loạn ăn uống ở trẻ là một trong các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khiến cho rất nhiều bậc phụ huynh cảm thấy...

Sang Chấn Tâm Lý
Sang Chấn Tâm Lý là gì? Biểu hiện và cách khắc phục hiệu quả

Sang chấn tâm lý là tình trạng tổn thương nghiêm trọng về mặt tinh thần và thường xảy ra sau khi một người trải qua...

Rối Loạn Nhân Cách: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

Rối loạn nhân cách là thuật ngữ chung chỉ các đặc điểm tính cách khác thường gây khó khăn trong việc thích nghi, hòa nhập...

stress căng thẳng kéo dài gây vô sinh ở nam giới
Stress, căng thẳng kéo dài có gây vô sinh ở nam giới hay không?

Nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy, tình trạng stress, căng thẳng kéo dài có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh