Thế Nào Là Một Mối Quan Hệ Độc Hại? Những cách giúp bạn thoát khỏi
Bạn có bao giờ cảm thấy yêu đương khiến bạn mệt mỏi, vì luôn cho đi chứ không bao giờ nhận lại? Bạn có cảm thấy bạn bè luôn lợi dụng tình bạn để có được lợi ích, mà chẳng quan tâm đến cảm nhận của bạn? Hoặc bạn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, tuyệt vọng vị bị lừa dối trong một thời gian dài mà không hay biết gì? Tất cả những tình huống này đều xảy ra khi bạn đang rơi vào một mối quan hệ độc hại.
Thế nào là một mối quan hệ độc hại?
Toxic relationship, hay mối quan hệ độc hại, là cụm từ dùng để diễn tả một mối quan hệ tiêu cực. Mối quan hệ này không khiến bạn vui vẻ, yêu đời hay sống tốt hơn mỗi ngày. Nó khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, đau khổ vì bị lừa dối, khiến bạn không còn lòng tin vào những người xung quanh. Mối quan hệ độc hại biến bạn thành một người tự ti, nhút nhát, stress kéo dài, bị kiểm soát gắt gao về hành vi, giảm lòng tự trọng, và khiến bạn thường xuyên bị hiểu lầm.
Trong quyển sách “Toxic people” được xuất bản vào năm 1995, tiến sĩ Lillian Glass, một chuyên gia tâm lý người Mỹ, đã có định nghĩa về mối quan hệ độc hại. Theo bà, quan hệ độc hại là mối quan hệ giữa người với người nhưng không hỗ trợ lẫn nhau. Họ luôn tìm cách làm suy yếu, chi phối, lợi dụng nửa kia khi có xung đột xảy ra để đạt được mục đích. Mối quan hệ này không có sự tôn trọng từ hai phía, và thiếu sự gắn kết chân thành.
Chúng ta nên biết rằng, ba yếu tố quan trọng nhất tạo thành một mối quan hệ lành mạnh là sự tôn trọng, sự tin tưởng lẫn nhau, và tình cảm chân thành. Nếu thiếu một trong những yếu tố trên, mối quan hệ rất dễ trở nên độc hại và gây đau khổ cho người trong cuộc. Sự độc hại có thể đến từ hai phía, hoặc một bên gây tổn thương cho bên còn lại. Những mối quan hệ như thế này thường không bền, và luôn kết thúc trong đau khổ.
Mọi mối quan hệ đều trải qua những cảm xúc thăng trầm, chứa đựng nhiều buồn vui, hạnh phúc và đau khổ. Tuy nhiên những mối quan hệ tích cực sẽ giúp ta học hỏi từ sai lầm, hoàn chỉnh bản thân, và trân trọng những người đáng quý. Trái lại, mối quan hệ độc hại lại đem đến đau khổ và ức chế. Những khoảnh khắc hạnh phúc thì ngắn ngủi, trong khi cảm xúc tiêu cực và tổn thương gần như chiếm hết mọi thứ.
Ví dụ trong một mối quan hệ lành mạnh, bạn có quyền từ chối những điều bạn không thích, hai bên có thể thẳng thắn với nhau những suy nghĩ trong lòng, nêu quan điểm và cùng nhau tìm hướng giải quyết phù hợp. Bạn và đối phương cũng cảm thấy thoải mái khi ở bên nhau, cùng nhau làm việc hay sinh sống. Vấn đề tranh cãi chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng nhờ sự tôn trọng và thấu hiểu, hai bên sẽ biết cách giải quyết mà không gây tổn thương cho người kia.
Mối quan hệ độc hại là một câu chuyện khác. Bạn không cảm nhận được sự tôn trọng và tin tưởng của đối phương. Họ luôn đứng ở một vị trí cao hơn để dạy dỗ bạn, khiến bạn cảm thấy bản thân luôn là người sai. Họ áp đặt cái nhìn của bản thân lên bạn, hạ thấp danh dự của bạn, khiến bạn kiệt sức, khó chịu, và hai bên không thể ngừng tranh cãi về những vấn đề nhỏ nhặt. Bạn không còn muốn tiếp tục níu giữ mối quan hệ này nữa.
Các mối quan hệ độc hại gây tổn thương tinh thần, làm chai sạn cảm xúc, thậm chí có thể gây tổn hại về thể chất cho một hoặc cả hai người trong mối quan hệ. Về cơ bản, những mối quan hệ khiến bạn tổn thương nhiều hơn là hạnh phúc, khiến bạn cảm thấy mất lòng tin và hoài nghi vể bản thân là những mối quan hệ tồi tệ. Quan hệ độc hại không chỉ bó buộc trong tình yêu, mà nó còn thể hiện ở mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hay các mối quan hệ xã hội khác.
Bạn không thể xác định một mối quan hệ có độc hại ngay không ngay từ lúc bắt đầu. Trong một số trường hợp, mối quan hệ căng thẳng, tồi tệ có thể cải thiện theo thời gian và biến thành một mối quan hệ lành mạnh. Ngược lại, những mối quan hệ bắt đầu rất tốt đẹp có thể tồi tệ và ngày càng trở nên độc hại về sau. Đôi khi chúng diễn ra rất nhanh chóng và bạn liền dứt ra. Nhưng có khi đã lún quá sâu vào mối quan hệ thì bạn mới nhìn thấy rõ sự độc hại mà nó mang đến.
Để không đau khổ và mệt mỏi kéo dài, bạn cần biết thế nào là một mối quan hệ độc hại, điều gì khiến quan hệ hai bên ngày càng tiêu cực, và những biểu hiện của toxic relationship để xác định xem bản thân có đang rơi vào trường hợp tương tự. Nếu có, bạn nên rời bỏ quan hệ độc hại càng sớm càng tốt để bảo vệ bản thân. Bạn không thể biết được năng lượng tiêu cực từ mối quan hệ này có thể ảnh hưởng ra sao đến cuộc sống của mình.
Nguyên nhân tạo thành mối quan hệ độc hại
Như đã nói ở trên, những biểu hiện của quan hệ độc hại có thể xuất hiện ngay từ đầu, hoặc phát triển dần theo thời gian. Vì thế nguyên nhân đẩy mối quan hệ theo hướng tiêu cực cũng rất đa dạng, tùy vào tình hình thực tế của mỗi người. Đó có thể là những tác động bên ngoài, hoặc do chính tính cách, suy nghĩ của đôi bên quá khác biệt, khó thấu hiểu lẫn nhau khiến mối quan hệ ngày càng tồi tệ.
Nhu cầu ích kỷ của mỗi người
Nhu cầu thể hiện tình cảm, và mong muốn tình cảm được đáp lại là những yếu tố cơ bản trong một mối quan hệ, dù là tình yêu, tình bạn, hay tình cảm gia đình. Chúng ta ai cũng mong muốn được yêu thương, trân trọng, bảo vệ, và có giá trị trong mọi mối quan hệ mình có. Tuy nhiên, khi bạn chỉ có nhu cầu nhận lấy mà không muốn cho đi, hoặc đối phương chỉ lợi dụng tình cảm của bạn để đạt được nhu cầu của họ, mối quan hệ sẽ trở nên độc hại.
Khi mục đích làm hài lòng bản thân lớn hơn sự tôn trọng cần có dành cho người kia, mối quan hệ này không còn mang tính tích cực nữa. Bên cạnh đó, những vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ thường đến từ hai phía, thế nên nếu không được giải quyết triệt để, nhu cầu ích kỷ và cái tôi quá lớn của mỗi người sẽ dần giết chết mối quan hệ đang có. Cuối cùng, điều bạn nhận được chỉ là sự tổn thương và đau khổ
Bản tính nóng nảy, bạo lực
Một số người có bản tính nóng nảy, bạo lực sẽ không khống chế tốt cảm xúc khi xảy ra xung đột. Họ có thể lớn tiếng chửi mắng, đập đồ vật, thậm chí sử dụng vũ lực trong cơn tức giận. Thông thường những người có hành vi mạnh bạo này sẽ áp chế bạn hoàn toàn, khiến bạn cảm thấy sợ hãi và ám ảnh khi xảy ra tranh chấp với đối phương. Việc áp dụng bạo lực trong thời gian dài khiến mối quan hệ ngày càng độc hại, mất cân bằng, và có thể gây trầm cảm.
Chấn thương tâm lý
Chấn thương tâm lý có thể ảnh hưởng đến nhận thức, suy nghĩ, và cách chúng ta ứng xử trong những tình huống cụ thể. Ví dụ, một người sống trong môi trường có nhiều mối quan hệ độc hại có thể hành xử tương tự với người thân, bạn bè hay người yêu của họ sau này. Những trải nghiệm tồi tệ trong quá khứ như bị lạm dụng, bị đánh đập, bị lừa gạt,… có thể theo ta suốt đời và biến ta thành một người giống như vậy.
Ví dụ nếu ngay từ nhỏ, bạn luôn bị đánh đập và bạo lực tinh thần thì khi lớn lên, bạn cũng có thể bạo lực người khác như một cách trả thù những tổn thương phải chịu, hoặc tự bảo vệ bản thân. Sự đa nghi, thiếu tin tưởng, và những hành động thái quá dần đẩy mối quan hệ vào ngõ cụt. Bạn bắt đầu cảm thấy hành động của mình chẳng có gì là sai trái. Đây là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đã trở nên độc hại.
Lòng tự trọng thấp và cảm giác tự ti
Một mối quan hệ muốn bền vững thì tôn trọng đối phương là yếu tố vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, những người có lòng tự trọng thấp, những người tự ti vào bản thân và ghen ghét người khác thì không như vậy. Cảm giác thua kém người khác khiến họ cảm thấy nhục nhã, mất mặt, và có thể làm mọi thứ để hạ nhục, hủy diệt những điều tốt đẹp trong cuộc sống của người kia. Do đó, họ sử dụng những thủ đoạn hèn hạ để chơi đùa tình cảm.
Những người này căn bản không yêu thương bạn, mà họ chỉ muốn xoa dịu lòng tự trọng của bản thân. Họ liên tục hạ thấp lòng tự trọng của bạn, khiến bẹn mệt mỏi đau khổ, khiến bạn chìm trong những cảm xúc tiêu cực chỉ để thể hiện rằng bản thân họ tốt hơn. Việc nâng cao lòng tin tự tin của bản thân bằng cách tổn thương người khác khiến mối quan hệ trở nên độc hại. Đặc biệt, nếu bạn muốn kết thúc mối quan hệ, họ sẽ cảm thấy lòng tự trọng bị tổn hại, và biến mình thành nạn nhân.
Tâm lý nạn nhân
Tâm lý nạn nhân là một kiểu suy nghĩ ích kỷ khi cho rằng bản thân mới là nạn nhân của mọi vấn đề. Những người có cách suy nghĩ này luôn cho rằng mình không hề sai, mình là người bị lợi dụng trong mối quan hệ, và luôn tìm cách gán tội cho người khác. Suy nghĩ sai lệch này khiến họ bóp méo mọi tình huống, và chỉ nhìn thấy những thứ có lợi cho bản thân. Nếu bạn vướng vào loại người này, mối quan hệ của cả hai sẽ nhanh chóng trở nên độc hại.
Tâm lý nạn nhân cũng thể hiện lòng tự ái cao, sự thiếu tin tưởng và không muốn thấu hiểu đối phương. Những người có lòng tự ái cao thường cảm thấy bản thân tốt đẹp hơn người khác. Họ luôn đòi hỏi sự quan tâm, phục tùng và tôn trọng từ đối phương, nhưng không hề đáp lại những điều tương tự. Lòng tự ái cao cũng khiến họ nhạy cảm đến mức vô lý trong nhiều tình huống và gây ra những cuộc tranh luận nảy lửa không điểm dừng.
Thao túng tâm lý
Khi một trong hai bên thao túng tâm lý và lợi dụng tình cảm của đối phương cho mục đích riêng, làm tổn hại đến quyền lợi, sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của bên còn lại, thì mối quan hệ này đã tràn đầy sự tiêu cực. Về cơ bản, đây là quan hệ giữa kẻ thao túng và người bị thao túng. Một mối quan hệ phụ thuộc, bất bình đẳng, tràn đầy rủi ro và sự lừa dối như thế này có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào.
Mối quan hệ hình thành bằng thao túng tâm lý vô cùng độc hại, vì hai bên không có được sự bình đẳng và tôn trọng cần thiết. Những kẻ thao túng hầu như chỉ muốn tìm kiếm ích lợi trong mối quan hệ, chứ không hề có ý thức xây dựng và bảo vệ tình cảm giữa đôi bên. Thao túng không chỉ xảy ra trong tình yêu, mà ngay cả tình bạn và tình cảm gia đình chúng ta cũng có thể dễ dàng bị thao túng nếu không cẩn thận.
Sợ bị bỏ rơi và từ chối
Nếu bạn là người sợ bị bỏ rơi và sợ bị từ chối, chính bạn đã đẩy bản thân vào vị trí không bình đẳng trong mối quan hệ, và có nguy cơ rơi vào mối quan hệ độc hại. Khi đối phương biết được bạn bị phụ thuộc vào họ, họ có thể thao túng và ép buộc bạn làm những điều bạn không muốn. Sự bất bình đẳng khiến mối quan hệ trở nên một chiều, có lợi cho người thao túng, nhưng lại rất tệ cho tình trạng sức khỏe và tinh thần của bạn.
Ngoài ra, cũng có trường hợp những người sợ bị bỏ rơi, sợ bị từ chối phản ứng gay gắt nếu đối phương có ý định rời bỏ họ. Họ sẽ dùng mọi thủ đoạn để giữ một người ở bên cạnh, dù người đó không còn tình cảm nữa. Họ không chấp nhận được việc người khác bỏ rơi và không cần bản thân nữa. Dần dần, tình cảm bình thường đã biến thành sự cố chấp, ích kỷ, và vô cùng độc hại.
Biểu hiện của mối quan hệ độc hại
Nhiều người vẫn cho rằng, mối quan hệ độc hại chỉ xuất hiện trong tình yêu. Đây hoàn toàn là một quan niệm sai lầm, bởi vì sự độc hại có thể xuất hiện trong mọi mối quan hệ, nhưng với những biểu hiện khác nhau. Tình yêu, tình bạn, hay tình cảm gia đình đều mang đến những ảnh hưởng tiêu cực đến trạng thái tinh thần và sức khỏe thể chất của bạn nếu chúng không xuất phát từ tình yêu, hoặc do những quan niệm sai lầm về tình cảm.
- Không nhận được sự công nhận đáng có: Những người xung quanh luôn so sánh bạn với “con nhà người ta”, luôn hạ thấp những nỗ lực và thành quả mà bạn đang có. Họ không bao giờ nhìn vào những gì bạn đạt được, và luôn dùng ánh mắt phán xét, dùng những suy nghĩ cá nhân để áp đặt bạn thei một chuẩn mực hà khắc. Trường hợp này thường xảy ra trong gia đình hoặc trong tình yêu, khi cha mẹ hay người yêu luôn nhìn nhận bạn là một người kém cỏi, không có tài năng.
- Cho đi nhiều hơn được nhận lại: Gia đình, bạn bè hoặc người yêu chỉ muốn thông qua bạn để đạt được điều học muốn chứ không quan tâm đến cảm nhận hay những khó khăn bạn đang gặp phải. Bạn đối xử tốt với họ, giúp đỡ họ khi họ cần dù những điều ấy có thế không mang đến lợi ích cho bản thân. Tuy nhiên khi bạn cần giúp đỡ, tất cả mọi người sẽ tránh né và thờ ơ trước khó khăn bạn gặp phải. Điều này khiến bạn cảm thấy thất vọng, căng thẳng, stress, cảm thấy bị phản bội và có thể dẫn đến trầm cảm.
- Bị kiểm soát hành vi: Sự thấu hiểu và tôn trọng là điều cần thiết cho mọi mối quan hệ vì ai cũng cần không gian riêng và có những bí mật không thể chia sẻ. Sự quan tâm lẫn nhau là điều tốt, nhưng khi quan tâm biến thành theo dõi và kiểm soát thì mối quan hệ đã trở nên độc hại. Sự kiểm soát này có thể bắt nguồn từ ghen tuông, thiếu tin tưởng, hoặc suy nghĩ biến thái muốn kiểm soát hành động của đối phương. Dù là với hình thức nào, việc kiểm soát cuộc sống của người khác cũng sẽ dẫn đến mối quan hệ độc hại.
- Hành vi và lời nói thiếu tôn trọng: Nếu bạn và đối phương không bao giờ có thể nói chuyện một cách bình thường, và mọi cuộc đối thoại đều sẽ dẫn đến một vấn đề làm bùng nổ tranh cãi thì có lẽ, bạn đang vướng vào một mối quan hệ độc hại. Sự mỉa mai, chỉ trích, oán hận, đố kỵ, ghen tị, và việc đổ lỗi hoàn toàn cho đối phương mà không nhìn lại bản thân cho thấy sự thiếu tôn trọng và thấu hiểu trong mối quan hệ. Trong trường hợp này, nếu mọi hiểu lầm hay khúc mắc không được hòa giải thì bạn nên chấm dứt mối quan hệ để bảo vệ bản thân khỏi tác động xấu.
- Không được hỗ trợ khi cần: Một mối quan hệ tích cực là giúp nhau cùng tiến bộ, và hy vọng đối phương đạt được thành công, niềm vui trong cuộc sống. Tuy nhiên trong mối quan hệ độc hại, một trong hai bên, hoặc cả hai, sẽ cố gắng dìm đối phương xuống để nâng tầm giá trị của bản thân. Cả hai không cùng giúp đỡ nhau tiến bộ, mà mọi thứ trở thành một cuộc cạnh tranh đúng nghĩa. Bạn sẽ dễ dàng gặp vấn đề này trong mối quan hệ bạn bẻ hay công sở. Bạn bè hoặc đồng nghiệp sẽ không can thiệp nếu khó khăn của bạn không ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
- Thiếu trung thực: Thiếu trung thực có thể giết chết mọi mối quan hệ, vì không ai có thể chấp nhận bản thân bị lừa dối trong thời gian dài. Việc thiếu trung thực có thể xảy ra trong nhiều tình huống như nói dối về việc bản thân bận rộn trong khi họ rất rảnh rỗi, nói dối về tình hình tài chính để mượn tiền mà không trả, nói dối về việc ngoại tình, hay ép bạn rơi vào một tình huống khó xử. Việc thiếu trung thực này còn thể hiện sự thiếu tôn trọng và ý nghĩ lợi dụng người khác cho mục đích riêng. Do đó nếu phát hiện bản thân rơi vào tình trạng tương tự thì hãy mau chóng rút khỏi mối quan hệ.
- Ghen tuông vô cớ: Ghen tuông là gia vị không thể thiếu cho tình yêu, vì nó giúp tình yêu mặn nồng và đầy màu sắc hơn. Tuy nhiên ghen tuông vô cớ lại khiến quan hệ trở nên độc hại và có thể đẩy mọi thứ đi xa khỏi tầm kiểm soát. Việc kiểm soát gắt gao giờ giấc của đối phương, kiểm tra mọi cuộc gọi hay tin nhắn, nổi giận khi thấy họ đi với bạn bè, hay thể hiện sự nhạy cảm thái quá trong nhiều trường hợp sẽ khiến đối phương cảm thấy ngột ngạt và sợ hãi. Ghen tuông vô cớ thể hiện sự thiếu tin tưởng và thiếu tôn trọng.
- Thao túng tâm lý: Một số người sẽ cố gắng thao túng tâm lý của bạn, cô lập bạn khỏi những mối quan hệ khác như người yêu, bạn bè hay người thân để họ trở thành điểm tựa tâm lý duy nhất, và hoàn toàn khống chế cuộc đời của bạn. Đây là dấu hiệu của một mối quan hệ độc hại, vì chúng khiến ta dành toàn bộ thời gian và sự tập trung vào một mối quan hệ duy nhất mà bỏ qua những điều tốt đẹp tồn tại trong cuộc sống. Ngoài ra, những người thao túng còn muốn lợi dụng bạn để có được tiền tài, địa vị, hay để thỏa mãn một nhu cần nào đó trong cuộc sống.
- Đánh mất những mối quan hệ khác: Bạn dần xa cách gia đình, người yêu hay bạn bè và dành tất cả sự quan tâm cho một mối quan hệ. Khi mối quan hệ đổ vỡ, bạn chợt nhận ra bản thân không còn gì xung quanh. Một mối quan hệ tích cực không bao giờ ngăn cản và cô lập bạn khỏi mọi người, mà luôn giúp cuộc sống của bạn hạnh phúc và nhiều màu sắc hơn. Do đó nếu bạn cảm thấy mình buộc phải bỏ qua quá nhiều mối quan hệ cần thiết, chỉ để duy trì một mối quan hệ không chắn chắn và đầy vấn đề thì nên buông bỏ càng sớm càng tốt.
- Những căng thẳng liên tục nổ ra: Bất cứ mối quan hệ nào cũng có những lúc thăng lúc trầm, tuy nhiên sau những sai lầm và bất đồng ý kiến, chúng ta có học được từ những lỗi sai, biết trân trọng và cải thiện mối quan hệ theo hướng tốt hơn hay không. Những căng thẳng nổ ra trong một mối quan hệ bắt nguồn từ nhiều yếu tố như bệnh tật, mất việc, khó khăn tài chính, chấn thương tâm lý, ghen tuông, thiếu trung thực, hiểu lầm, bất đồng suy nghĩ,… Nếu bạn thấy mình và đối phương thường xuyên rơi vào những cuộc tranh cãi bất tận không hồi kết, cả hai không thể thông cảm và giúp đỡ nhau thì đây là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang bất ổn.
- Thiếu quan tâm đến bản thân: Sự mệt mỏi và đau khổ mà mối quan hệ mang đến khiến bạn không còn quan tâm đến bản thân, đánh mất những thói quen tích cực, và không còn thời gian giải trí. Bạn dành quá nhiều thời gian “kinh doanh” mối quan hệ, cố gắng khiến đối phương hài lòng bất chấp tình trạng của bản thân. Mối quan hệ độc hại khiến bạn dần đánh mất chính mình, chấp nhận cuộc sống chỉ xoay quanh một mối quan hệ duy nhất, và sống như con rối của người khác.
Nếu mối quan hệ của bạn đang có những dấu hiệu được nêu trên thì có lẽ, bạn nên suy nghĩ về việc có nên tiếp tục chúng hay không. Sự độc hại trong những mối quan hệ khiến cuộc sống của bạn dần trở nên tối tăm, mệt mỏi với rất nhiều cảm xúc tiêu cực. Chúng khiến bạn mất niềm tin, cô độc, và có thể hủy hoại cả tương lai tươi sáng phía trước nếu bạn không thể thoát ra. Vậy, làm cách nào để thoát khỏi những mới quan hệ độc hại xung quanh?
Làm sao để thoát khỏi những mối quan hệ độc hại?
Mối quan hệ độc hại ảnh hưởng nhiều đến trạng thái tinh thần và sức khỏe thể chất của chúng ta. Đặc biệt nếu chúng xảy ra trong gia đình hay tình yêu, những mối quan hệ gần gũi và quan trọng nhất với bạn. Nếu bạn nhận ra mình đang rơi vào mối quan hệ tồi tệ, chỉ mang đến những điều tiêu cực chứ không khiến cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc hơn, thì hãy tìm cách thoát khỏi càng nhanh càng tốt.
- Nhận ra sự độc hại trong mối quan hệ: Điều đầu tiên cần làm là hãy tự hỏi bản thân, mối quan hệ hiện tại có khiến bạn vui vẻ, hạnh phúc, và mang đến nguồn năng lượng tích cực? Hay bạn luôn cảm thấy mình là người cho đi nhiều hơn, người hy sinh tất cả, nhưng đổi lại chỉ là cảm giác mệt mỏi, thất vọng, đau khổ, và bản thân luôn là người có lỗi? Đôi khi, chúng ta rất khó để xác định những mối quan hệ xung quanh có phải là độc hại hay không, vì chính bản thân bạn cũng có thể là người gây phiền phức cho người khác. Do đó hãy lắng nghe bản thân nhiều hơn, và sáng suốt nhìn rõ mọi việc để tránh bị lợi dụng.
- Trao đổi thẳng thắn: Có những mối quan hệ gây mệt mỏi và trở nên độc hại là do hai bên không thể nói chuyện thẳng thắn với nhau. Mỗi người trong chúng ta đều có những bí mật, có những góc khuất không muốn giải bày cùng người khác. Chúng ta cũng có những hiểu lầm không thể hòa giải nếu không lựa chọn thẳng thắn với đối phương. Việc để những bóng ma quá khứ, cùng những hiểu lầm tai hại làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại là điều không nên. Do đó để ngăn cản mối quan hệ độc hại ngày càng nghiêm trọng, hai bên cần ngồi xuống nói chuyện thẳng thắn với nhau về những vấn đề trong cuộc sống.
- Đủ dũng khí để từ bỏ: Một số người biết rõ mối quan hệ không đem đến những điều tốt đẹp, nhưng vì đã gắn bó quá lâu nên họ không đánh lòng từ bỏ. Đó là một cảm xúc rất đỗi bình thường, vì khi ta dành quá nhiều thời gian, tình cảm và công sức cho một điều gì đó, nó đã biến thành một phần khó dứt bỏ trong cuộc sống. Ví dụ trong tình yêu hay tình bạn, từ bỏ một mối quan hệ sau nhiều năm gắn bó không hề là việc đơn giản. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng thà đau ngắn còn hơn đau dài. Việc dứt bỏ mối quan hệ khiến chúng ta đau khổ sẽ mang đến cảm giác trống trãi và hụt hẫng trong thời gian ngắn, nhưng lại giúp ta hạnh phúc hơn về sau. Do đó, bạn cần có đủ dũng khí để từ bỏ những người chỉ gây cho bạn đau khổ và thất vọng.
- Học cách tự lập: Nếu cha mẹ là những người thường xuyên đánh mắng, kiểm soát cuộc sống, lập trình cho cuộc đời của bạn mà không hề quan tâm bạn nghĩ gì hay muốn gì, hay khi nửa kia nắm hết quyền tài chính trong nhà, kiểm soát chi tiêu một cách gắt gao để buộc bạn làm theo ý họ, thì đây không phải là một mối quan hệ lành mạnh. Muốn thoát khỏi sự khống chế của những đối tượng này, bạn chỉ có thể học cách tự lập và tự nuôi sống bản thân. Tự chủ tài chính, có công việc ổn địh và có nhiều mối quan hệ giúp bạn có thể tự do hành động theo ý mình, không hề bị người khác chi phối cuộc sống. Độc lập là điều rất quan trọng giúp bạn có chỗ dựa khi đấu tranh với những mối quan hệ độc hại.
- Yêu bản thân nhiều hơn: Yêu bản thân nhiều hơn, tôn trọng bản thân nhiều hơn để không phụ thuộc vào người khác và giam mình trong một mối quan hệ không lành mạnh. Bạn đau khổ vì bị lừa gạt, mệt mỏi vì phải sống trong môi trường độc hại hàng ngày. Bạn hy sinh mọi thứ, trả giá rất nhiều nhưng rồi chỉ nhận lại đau khổ, nhận lại sự thờ ơ và coi thường vì người kia biết bạn không thể rời khỏi họ. Nếu đã vậy, vì sao bạn phải hành hạ bản thân chỉ vì những con người không đáng giá? Vì sao không yêu thương và trân trọng bản thân đầu tiên? Nếu bạn yêu thương và tôn trọng bản thân, thì chẳng ai có thể làm tổn thương bạn.
- Dành thời gian cho những hoạt động tích cực: Thay vì dằn vặt, đau khổ vì những con người không đáng, bạn nên tìm kiếm những thú vui khác để cải thiện tâm trạng và tìm kiếm những nguồn năng lượng tích cực cho cuộc sống. Bạn có thễ trồng cây, nuôi thú cưng, đọc sách, tham gia các câu lạc bộ, lớp học vẽ, học nhảy múa, học một ngoại ngữ mới, thử một công việc mới, hay bắt tay vào những dự định đã ấp ủ từ lâu nhưng chưa có cơ hội thực hiện. Bạn có thể làm bất cứ việc gì để kéo bản thân ra khỏi mối quan hệ hiện tại, chuyển sự tập trung sang một điều thú vị và mang đến niềm vui trong cuộc sống. Hãy tự thoát ra, và đừng để bản thân trượt dài trong những ảnh hưởng tiêu cực.
- Tạo khoảng cách an toàn: Nếu muốn thay đổi mối quan hệ thì bạn hãy giữ một khoảng cách an toàn để ra tín hiệu rằng, bạn cần xem xét lại đoạn tình cảm này. Việc đối mặt hoặc sống chung với những nhân tố độc hại chỉ khiến tinh thần của bạn thêm mệt mỏi. Vì thế, tự chủ tài chính và dọn ra ở một mình là cách tốt nhất để bạn tìm kiếm khoảng lặng cho bản thân. Sau những cuộc nói chuyện thẳng thắn, đôi bên cần không gian riêng để tự vấn lại bản thân, xem xét kỹ những vấn đề phát sinh và tìm cách giải quyết. Nếu những hiểu lầm và vấn đề tồn đọng không còn tồn tại, và giúp mối quan hệ trở nên lành mạnh hơn thì đây là một điều tốt. Còn nếu không, bạn cũng không nên lưu luyến làm gì.
- Tâm sự cùng người tin tưởng: Bạn cảm thấy bối rối, lạc lõng và không biết làm sao để thoát khỏi mối quan hệ độc hại luôn đeo bám. Bạn muốn tìm một người để tâm sự, một người để chia sẻ mọi vấn đề, một người biết lắng nghe và không phán xét. Nếu vậy, hãy tìm đến gia đình, bạn bè, người yêu hay bất cứ ai mà bạn tin tưởng và xin lời khuyên từ họ. Có thể họ đã trải qua những cảm giác tương tự để đồng cảm, và cho bạn lời khuyên. Họ cũng có thể là những khán giả trung thành giúp bạn cảm thấy khá hơn sau khi trút bầu tâm sự. Việc tâm sự cùng người thân hay bạn bè giúp bạn cảm thấy thanh thản, thoải mái, và có dũng khí đối diện với những mối quan hệ không lành mạnh.
- Tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ: Trong một số trường hợp, tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý là cách tốt nhất giúp bạn thoát khỏi ảnh hưởng tồi tệ của những mối quan hệ độc hại và không bình đẳng. Thông qua những phương pháp trị liệu, bác sĩ có thể giúp bạn tháo gỡ những khúc mắc tồn đọng, thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực và nhìn nhận lại mối quan hệ. Có những lúc bạn đã nhận rõ những vấn đề trong cuộc sống, nhưng lại không muốn đối mặt. Bác sĩ và chuyên gia tâm lý sẽ là những người giúp bạn đối mặt với những điều bạn đang trốn tránh.
Mối quan hệ độc hại sẽ phá nát cuộc sống của bạn nếu bạn không chủ động từ bỏ và thoát khỏi chúng. Ai trong chúng ta cũng có những nỗi niềm riêng, có những mối quan hệ gắn bó không nỡ dứt bỏ. Tuy nhiên, việc ôm khư khư một mối quan hệ độc hại chẳng khác nào đang ôm một quả bom hẹn giờ có thể nổ bất cứ lúc nào. Hãy tỉnh táo nhìn nhận lại mối quan hệ, và nhanh chóng thoát ra để sau này bạn không phải hối tiếc.
Có lẽ bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!