Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là gì? Biểu hiện và hướng điều trị

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD có lẽ là một khái niệm không quá xa lạ, vì hội chứng này được đề cập khá nhiều trong văn học và phim ảnh. Tuy nhiên, những điều được đề cập trên màn ảnh không phản ánh đầy đủ, cũng như chuẩn xác những vấn đề xoay quanh hội chứng này. Để biết chính xác OCD là gì, những ảnh hưởng của hội chứng này đến cuộc sống, và làm sao để điều trị một cách hiệu quả thì hãy theo dõi bài viết dưới đây.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD là gì?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) có thể xảy ra ở mọi đối tượng và mọi độ tuổi, với đặc trưng là sự ám ảnh trong suy nghĩ, và sự cưỡng chế thực hiện một hành vi nào đó. OCD là một dạng rối loạn lo âu ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hàng ngày của người mắc bệnh, gây ra cảm giác ám ảnh và đau khổ tột cùng, có thể khiến người bệnh mất kiểm soát nếu không thể thực hiện hành vi bị cưỡng chế hoặc đối mặt với ám ảnh.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế ocd
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một chứng rối loạn tâm thần nguy hiểm nhưng bị nhiều người hiểu sai.

Nếu mắc chứng OCD, bạn sẽ thường xuyên cảm thấy bị thôi thúc làm một điều gì đó, và buộc bản thân phải thực hiện để thoát khỏi cảm giác khó chịu đeo bám. Ám ảnh là những hình ảnh hay ý nghĩ lặp đi lặp lại trong đầu bạn một cách thường xuyên, và bạn không có cách nào loại bỏ cảm giác khó chịu, đau khổ mà ý nghĩ đó mang đến. Bạn vật lộn trong cơn ám ảnh, cảm thấy khó chịu và ghê tởm. Bạn muốn thoát ra khỏi cảm giác không mong muốn này nhưng không thể, vì nỗi ám ảnh đã lấn át mọi suy nghĩ khác bên trong đầu.

Cưỡng chế là một hành động bạn bắt buộc phải thực hiện dù không mong muốn. Người bị OCD buộc phải thực hiện những hành vi cưỡng chế lặp đi lặp lại, nhằm giảm bớt cảm giác lo lắng và khó chịu mà sự ám ảnh mang đến. Do đó sự cưỡng chế thường liên quan đến các ám ảnh mà người bệnh phải chịu đựng. Ví dụ những người bị ám ảnh rằng xung quanh có nhiều vi khuẩn sẽ thường xuyên rửa tay, dùng đồ dùng riêng, đeo bao tay và hạn chế tiếp xúc với mọi vật.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế khiến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh gặp nhiều khó khăn. Không chỉ trong sinh hoạt, việc giao tiếp và tương tác xã hội cũng có thể ảnh hưởng nặng nề vì những ám ảnh tâm lý, và hành vi cưỡng chế mà người bệnh buộc phải thực hiện. Nếu không thể thực hiện hành vi, người bệnh sẽ cảm thấy vô cùng đau khổ, hoảng loạn, và sợ hãi cùng cực về hậu quả có thể xảy ra.

Một số người không nhận thức được những ám ảnh và hành vi cưỡng chế của họ là bất bình thường. Họ cảm thấy đây là điều đương nhiên và hợp lý, do đó không hề có ý nghĩ thay đổi hay ngăn chặn. Một số khác lại có khả năng nhận thức, hiểu rằng những điều họ ám ảnh là vô lý hoặc không tồi tệ đến vậy. Tuy nhiên, họ không thể thoát khỏi sự thôi thúc và ám ảnh bản thân đang phải gánh chịu, cũng như không thể ngăn bản thân thực hiện những hành vi cưỡng chế.

Hiện nay, nhiều người dùng cụm từ OCD để diễn tả việc một người có những hành vi lặp đi lặp lại, hoặc ngăn nắp quá mức như xếp đồ dùng gọn gàng, đặt các vật dụng ngang bằng hoặc xếp theo một trật tự nhất định. Chính vì cụm từ này được sử dùng một cách vô tội vạ, nên khiến rất nhiều người hiểu sai về căn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD. Trên thực tế, không phải ai có những hành vi lặp lại đều mắc hội chứng này.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế ocd
OCD gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Những người bình thường, người có tính cầu toàn cao, hoặc một số người mắc các bệnh về tâm thần khác, vẫn có những ám ảnh và hành vi lặp lại riêng. Những suy nghĩ và hành vi này có thể diễn ra trong một thời gian ngắn, hoặc trở thành thói quen suốt đời. Tuy nhiên, những điều này không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Chúng chỉ gây một chút khó chịu, chứ không khiến chúng ta cảm thấy đau khổ và bức bối quá nhiều.

Làm sao để chẩn đoán OCD?

Việc chẩn đoán một người có mắc chứng OCD không phải dựa trên rất nhiều yếu tố. Thứ nhất, những suy nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế phải xảy ra trong mọi trường hợp, kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định (thường là hơn 1 giờ). Thứ hai, việc này phải ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày, khiến người bệnh đau khổ, lo âu, hoảng sợ và làm giảm năng suất, chất lượng lao động.

Ngoài hai yếu tố quan trọng kể trên, còn một số yếu tố khác giúp cho quá trình chẩn đoán chính xác hơn như: tiền sử gia đình, ám ảnh thời thơ ấu, cú sốc tinh thần, bệnh liên quan đến thần kinh,… OCD có thể xảy ra ở cả hai giới với tỷ lệ gần như ngang nhau. Theo thống kê thì số lượng phụ nữ bị ảnh hưởng có thể nhiều hơn nam giới. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế bắt đầu biểu hiện từ rất sớm, thường là từ thơ ấu đến tuổi dậy thì.

Nếu không phát hiện và điều trị sớm, những suy nghĩ ám ảnh và hành vi bất thường này sẽ ngày càng trầm trọng theo thời gian, và có thể diễn biến suốt đời. Triệu chứng bệnh không thể giảm nhẹ nếu không có sự can thiệp của bác sĩ và các chuyên gia tâm lý, do đó việc điều trị sớm là vô cùng cần thiết. OCD thường trở nên tồi tệ hơn nếu người bệnh bị stress trong thời gian dài, và có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng không thể lường trước.

Biểu hiện của rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD bao gồm hai dấu hiệu là ám ảnh và cưỡng chế. Một số người chỉ bị ám ảnh, một số người khác thì chỉ thực hiện những hành vi cưỡng chế. Những trường hợp khác thì biểu diện cả hai dấu hiệu một cách vô cùng rõ ràng. Một số hành vi cưỡng chế bắt nguồn từ sự ám ảnh, chúng chiếm rất nhiều thời gian, ngăn cản sinh hoạt và thay đổi cuộc sống của bạn. Một số ám ảnh thường gặp ảnh hưởng đến những người mắc chứng OCD bao gồm:

rối loạn ám ảnh cưỡng chế ocd
Người mắc bệnh OCD thường bị ám ảnh và có những hành vi cưỡng chế không thể kiểm soát được.
  • sợ vi khuẩn, hóa chất hay bụi bẩn, tưởng tượng mầm bệnh có ở khắp mọi nơi
  • sợ dơ, sợ bẩn, lo lắng dai dẳng về việc có thể tiếp xúc với những thứ bẩn thỉu (mặc dù đồ vật có thể rất sạch sẽ)
  • sợ vô tình làm hại bản thân và người khác
  • sợ nhà cửa không sạch sẽ nên luôn lau dọn theo một quy trình định sẵn
  • sợ bị theo dõi, sợ có trộm vào nhà nên luôn kiểm tra cửa
  • sợ sai sót nên kiểm tra mọi thứ rất nhiều lần
  • sợ bị tấn công, sợ ánh nhìn của người khác
  • sợ mọi thứ không ngăn nắp, không ở đúng vị trí
  • vô thức đếm và sắp xếp mọi thứ nhìn thấy một cách có trật tự
  • ám ảnh về những hành vi bạo lực
  • ám ảnh về giới tính của bản thân, có suy nghĩ tình dục một cách lệch lạc
  • ám ảnh về việc chịu trách nhiệm, sợ phạm sai lầm, ám ảnh về việc hoàn hảo
  • ám ảnh về vấn đề tôn giáo và đạo đức

Những người bị cưỡng chế bị thôi thúc mãnh liệt bởi những ám ảnh gặp phải, và cảm thấy họ cần phải thực hiện hành vi để đề phòng hậu quả có thể xảy ra. Ám ảnh này phải vô cùng mãnh liệt, và người bệnh phải thực hiện hành vi lặp đi lặp lại đến mức cực đoan. Những hành vi cưỡng chế ở từng người là khác nhau, đôi khi là tùy vào sự ám ảnh mà họ phải chịu đựng. Các loại hành vi cưỡng chế phổ biến ở những người mắc chứng OCD bao gồm:

  • Không bao giờ chạm vào mọi vật bằng tay trần
  • Thường xuyên rửa tay và lau tay rất kỹ, đến mức da tay có thể nhăn nhúm và bị tổn hại vì cọ xát và tiếp xúc với nước quá nhiều
  • Luôn mang theo và sử dụng đồ dùng cá nhân, không sử dụng đồ bên ngoài vì sợ vi khuẩn
  • Luôn kiểm tra cửa có khóa không, có tắt đèn hay ngắt điện chưa vì sợ trộm vào nhà, sợ cháy nổ
  • Giặt và làm sạch mọi thứ xung quanh thường xuyên thì sợ bụi bẩn và vi khuẩn
  • Thực hiện mọi hành vi một cách đối xứng
  • Cẩn thận quá mức bình thường trong mọi tình huống vì sợ bất trắc xảy ra
  • Có thói quen sinh hoạt nghiêm ngặt, có thể mất bình tĩnh nếu thói quen sinh hoạt bị ảnh hưởng
  • Khi bị kích động sẽ liên tục lặp đi lặp lại những cụm từ nhất định hiện lên trong đầu
  • Cố tránh tránh những địa điểm hoặc tình huống có thể kích hoạt những ám ảnh của bản thân
  • Sợ hãi vứt bỏ những thứ cần thiết hay quan trọng, và thường kiểm tra đồ vật nhiều lần để chắc chắn không có sai sót
  • Sắp xếp mọi thứ ngăn nắp và gọn gàng đến từng cm. Nếu bạn thấy vật mình sắp xép lệch khỏi vị trí một chút thì lập tức có hành vi cưỡng chế đặt nó về đúng chỗ
  • Có những hành vi khác mang tính lặp lại trong mọi trường hợp, mọi thời điểm
rối loạn ám ảnh cưỡng chế ocd
Hành động sắp xếp đồ vật một cách ngay ngắn, chỉnh tề theo một quy tắc nhất định là một trong những dấu hiệu của hội chứng OCD.

Cần nhắc lại là những người cầu toàn, cũng như có yêu cầu cao trong cuộc sống không phải là người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Những hành vi có tính lặp đi lặp lại họ thường làm thể hiện tính cách và thói quen, chứ không phải triệu chứng bệnh. Để xác định một người mắc OCD thì những ám ảnh và hành vi cưỡng chế phải rất nghiêm trọng, khiến họ cảm thấy đau khổ, hoảng loạn và không thể sinh hoạt một cách bình thường.

Nguyên nhân của rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD là một chứng rối loạn tâm thần mà hiện nay, chúng ta vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh. Tuy nhiên thông qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học cũng đã tìm ra một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc hội chứng OCD ở một người. Những đối tượng sở hữu một hay nhiều những yếu tố dưới đây có nguy cơ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế cao hơn người thường.

  • Tiền sử gia đình: Yếu tố gia đình, hay chính xác hơn là gen di truyền, ảnh hưởng không hế nhỏ đến tỷ lệ mắc OCD. Bạn sẽ có nhiều khả năng mắc chứng OCD hơn những người xung quanh nếu trong gia đình có người thân, đặc biệt là người có huyết thống gần gũi, từng mắc căn bệnh này, hoặc những những bệnh rối loạn tâm thần khác. Hiện nay cách thức di truyền và loại gen nào ảnh hưởng đến tình trạng OCD vẫn là ẩn số. Tuy nhiên người ta tin rằng trường hợp này có thể do sự bất thường của nhiều gen, chứ không phải do một gen cụ thể.
  • Chấn thương tâm lý: Những ám ảnh đeo bám và hành vi cưỡng chế của người bệnh có thể đến từ những ký ức kinh hoàng thời thơ ấu, hoặc sau những cơn san chấn tâm lý nặng nề. Những sự kiện này để lại bóng ma tâm lý trong lòng nạn nhân, từ đó khiến họ bị ám ảnh, hoặc có những hành vi cưỡng chế để mong thoát khỏi những ký ức tồi tệ đã từng trải qua. Những chấn thường tâm lý một người phải chịu đựng thường đến từ những sự kiện như: bắt cóc, bạo hành thể xác và tâm lý, bị bỏ rơi, tai nạn, chứng kiến những sự kiện ghê rợn, lạm dụng tình dục, bạo lực học đường, sai lầm trong quá khứ, người thân qua đời, sinh con hoặc một số sự kiện quan trọng khác ảnh hưởng đấn tinh thần và thân thể.
  • Sự thiếu hụt serotonin: Chất dẫn truyền thần kinh serotonin có tác dụng kích thích não hoạt động, và kiểm soát suy nghĩ, hành vi, cảm xúc của chúng ta. Vì thế việc thiếu hụt serotonin gây nên những ảnh hưởng nặng nề đến não bộ, từ đó gây nên những căn bệnh rối loạn tâm thần mà chúng ta thường hay gặp phải. Ngoài ra, một số trường hợp mắc chứng OCD có các vùng hoạt động não cao bất thường, sự mất cân bằng này cũng là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh OCD.
rối loạn ám ảnh cưỡng chế ocd
Thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh, hoặc những bất thường trong não đều có thể gây nên hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD.
  • Tính cách con người: Những người có yêu cầu cao về cuộc sống, hoặc những người cầu toàn không hề mắc OCD. Thế nhưng nếu những hành vi của họ dần trở nên nghiêm trọng và có dấu hiệu ngày càng tiêu cực, thì có lẽ họ đã mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Ngoài ra những người có cảm giác lo lắng, tự ti, nhạy cảm với mọi thứ, hoặc phải trải qua những sự kiện khiến họ trở nên nhút nhát và thu mình lại trước mọi người xung quanh, cũng là những đối tượng có tỷ lệ mắc chứng OCD cao hơn bình thường.

Chính vì nguyên nhân gây ra tình trạng OCD chưa được làm rõ, nên có thể có những nguyên nhân khác chưa được tìm ra và chưa được để cập đến trong bài viết. Mỗi người sẽ bị ảnh hưởng bởi một hay nhiều nguyên nhân. Do đó quá trình chẩn đoán và điều trị cũng gặp nhiều khó khăn nếu bệnh nhân không sẵn sàng chia sẻ những khó khăn và ám ảnh cho bác sĩ. Việc điều trị chỉ đạt hiệu quả cao nếu bác sĩ nắm được những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến tình trạng của bệnh nhân.

Tác hại của rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể đi kèm với những tối loạn tâm lý khác như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD). Tất cả những hội chứng này đều có ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và tinh thần người bệnh, nghiêm trọng nhất là thúc đẩy tự sát. Nhiều trường hợp người mắc hội chứng OCD có suy nghĩ tự tử, và tiến tới thực hiện hành vi tự tử nếu không được hỗ trợ kịp thời.

OCD không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, ngăn cản việc tương tác với những người xung quanh, khiến những mối quan hệ xã hội dần xấu đi, mà còn làm cho kết quả học tập và năng suất công việc bị giảm sút. Một số người nhận thức được rằng ám ảnh và hành vi cưỡng chế của mình là không bình thường nên tìm cách che giấu, từ đó khiến tình hình bệnh ngày càng nghiêm trọng.

Những tác hại của rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD đến cuộc sống của chúng ta là không thể đếm hết, vì căn bệnh này ảnh hưởng đến rất nhiều mặt của đời sống. Một số ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất của OCD lên người bệnh có thể kể đến như:

  • Ám ảnh về việc đúng sai và sự hoàn hảo khiến bạn mất nhiều thời gian kiểm tra bài, thế nên làm ảnh hưởng đến thời gian thi. Kết quả bạn không thể hoàn thành bài trong thời gian quy định vì tốn thời gian không cần thiết. Do đó kết quả học tập cũng giảm sút.
  • Lo lắng có sai sót trong công việc khiến bạn tốn thời gian kiểm tra mọi thứ kỹ đến mức quá hạn dealine. Điều này khiến bạn không thể hoàn thành công việc như quy định, năng suất làm việc giảm sút, và có thể gây ảnh hưởng đến các khâu khác trong quy trình công việc.
  • Những ám ảnh tâm lý và hành vi cưỡng chế khiến vấn đề giao tiếp và các mối quan hệ xã hội bị ảnh hưởng. Người đối diện có thể cảm thấy e ngại và không thoải mái khi giao tiếp với người bệnh, dẫn đến việc người bị OCD dần bị những người xung quanh xa lánh và cô lập.
  • Một số hành vi cưỡng chế thường gặp như rửa tay hay tắm quá thường xuyên, sử dụng nhiều xà phòng và các chất tẩy rửa,… có thể khiến làn da bị tổn thương, trở nên khô ráp và lở loét do tiếp xúc với nước và hóa chất quá nhiều.
rối loạn ám ảnh cưỡng chế ocd
Hành vi rửa tay và kì cọ thường xuyên có thể làm tổn thương làn da, cũng như gây trở ngại cho những hoạt động thường ngày.
  • Tuy không phổ biến, nhưng người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể vô tình gây thương tích cho bản thân và những người xung quanh trong cơn ám ảnh. Lúc này bạn không đủ tỉnh táo để điều khiển suy nghĩ và hành động của bản thân.
  • Dễ dàng xảy ra xung đột với người thân và bạn bề về những vấn đề trong cuộc sống, hoặc những khi người bệnh mất bình tĩnh.
  • OCD có thể khiến những vấn đề rối loạn tâm thần khác trở nên trầm trọng hon nếu người bệnh cùng lúc mắc nhiều chứng bệnh.
  • Những suy nghĩ lệch lạc vể tình dục khiến đời sống tình dục của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ có thể có những hành vi và thú vui kỳ lạ trong việc quan hệ.
  • Ám ảnh về thân thể có thể khiến người bệnh thay đổi ngoại hình, có những hành vi tự gây thương tích cho bản thân

Những tác hại của hội chứng OCD là khác nhau ở từng người bệnh, vì chúng dựa trên những ám ảnh và hành vi cưỡng chế mà bệnh nhân phải chịu đựng. Những ảnh hưởng này có thể nặng hoặc nhẹ tùy vào tình hình ám ảnh cưỡng chế của từng người, nhưng không thể phủ nhận OCD ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh, đặc biệt là trong sinh hoạt và giao tiếp.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế không thể tự khỏi và sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu không được can thiệp kịp thời. Do đó, nếu nghi ngờ bản thân mắc bệnh, hoặc những người xung quanh có dấu hiệu của OCD thì nên đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được chẩn đoán chính xác nhất tình hình bệnh. Việc che giấu hoặc cố gắng phớt lờ những bất ổn của bản thân có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng không thể lường trước được.

Cách điều trị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD

Điều đầu tiên chúng ta cần làm là đến gặp bác sĩ để xác định bản thân có đang mắc OCD hay không. Việc chẩn đoán phải được thực hiện tại bệnh viện, hoặc các phòng khám có uy tín với các bác sĩ chuyên khoa, nhằm có được cái nhìn chính xác nhất về tình hình của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ, cùng những ám ảnh và hành vi cưỡng chế của từng đối tượng, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế ocd
Tâm lý trị liệu và hóa dược trị liệu đều có tác dụng trong quá trình cải thiện tình trạng ám ảnh cưỡng chế ở người bệnh.

Điều trị tâm lý và điều trị bằng thuốc vẫn luôn là hai phương pháp được tin dùng trong việc cải thiện và hỗ trợ điều trị các chứng rối loạn tâm thần. Trong đó, điều trị tâm lý là phương pháp chính dành cho những trường hợp mắc bệnh nhẹ, và thuốc là phương pháp hỗ trợ. Tuy nhiên với những trường hợp nghiêm trọng, điều trị bằng thuốc cho thấy tác dụng tốt và hiệu quả hơn so với tâm lý. Do đó điều trị tâm lý sẽ có tác dụng bổ trợ, giúp người bệnh dần vượt quá những ám ảnh của bản thân.

Bên cạnh hai phương pháp kể trên, người bệnh cũng cần xây dựng chế độ sinh hoạt điều độ để hạn chế những ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Cuộc sống lành mạnh có thể giúp tinh thần sảng khoái, hỗ trợ kiềm chế cảm xúc, xây dựng suy nghĩ tích cực, tăng cường hoạt động não, và giúp ngươi bệnh có thể thoát ra khỏi những ám ảnh tâm lý thông qua những hoạt động như thiền hay yoga.

1. Điều trị ám ảnh cưỡng chế bằng tư vấn tâm lý

Tư vấn tâm lý luôn là liệu pháp không thể thiếu trong việc điều trị triệu chứng OCD, cũng như loại bỏ những ám ảnh của người bệnh. Thông qua quá trình trò chuyện và trả lời các câu hỏi liên quan, bác sĩ có thể nắm được những ám ảnh tâm lý và các hành vi cưỡng chế của người bệnh. Từ đó có biện pháp giúp người bệnh suy nghĩ tích cực và vượt qua ám ảnh đeo bám. Tư vấn tâm lý cũng có tác dụng hỗ trợ quá trình điều trị bằng thuốc nên thường được ứng dụng song song.

Những liệu pháp tâm lý thường được dùng trong điều trị OCD là liệu pháp tiếp xúc trực tiếp, liệu pháp tái cấu trúc nhận thức, và liệu pháp nhận thức hành vi. Điểm chung của những liệu pháp này là giúp người bệnh nhận thức, tiếp xúc, và đối mặt với những ám ảnh đang phải chịu đựng. Sau đó tìm cách vượt qua và thoát khỏi chúng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh nhân không thể mở lòng và vượt qua ám ảnh, khiến kết quả trị liệu không thành công như mong đợi.

Liệu pháp tiếp xúc trực tiếp là phương pháp có tác dụng mạnh, và đánh thẳng vào sự ám ảnh của bệnh nhân. Người bệnh phải đối mặt với ám ảnh, và học cách ngăn chặn những hành vi cưỡng chế. Thời gian đầu người bệnh sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn và hoảng sợ khi tiếp nhận phương pháp điều trị này, nhưng sau thời gian làm quen, những hành vi cưỡng chế và ám ảnh sẽ dần bị đẩy lùi và thay thế.

Chính vì sự trực tiếp của phương pháp này mà trong một số trường hợp, người bệnh không thể chịu đựng được dẫn đến việc điều trị không đạt hiệu quả nên phải đổi phương pháp. Việc diều trị này thường kèo dài nhiều năm, ngay cả khi quy trình điều đã kết thúc nhằm giúp bệnh nhân hình thành thói quen và ký ức cơ thể. Từ đó ngăn chặn những ám ảnh và hành vi cưỡng chế tái phát trong tương lai.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế ocd
Thẳng thắn đối mặt với bác sĩ và chuyên gia tâm lý là cách tốt nhất để bản thân đối diện với những cơn sợ hãi, và ngăn chặn hành vi cưỡng chế không mong muốn.

Liệu pháp tái cấu trúc nhận thức, và liệu pháp nhận thức hành vi mang tính ôn hòa hơn. Hai phương pháp này sẽ giúp bệnh nhân nhận thức những ám ảnh của bản thân, bộc lộ những suy nghĩ chân thật để giải tỏa căng thẳng, và ngăn chặn những hành vi cưỡng chế có thể xảy ra. Dù là áp dụng biện pháp nào, việc tư vấn tâm lý vẫn cần được thực hiện trong thời gian dài và đều đặn để ngăn chặn những ảnh hưởng về sau.

2. Điều trị ám ảnh cưỡng chế bằng thuốc

Thuốc không có tác dụng điều trị bệnh ám ảnh cưỡng chế, mà hỗ trợ giảm bớt những triệu chứng và kiểm soát tình hình bệnh tốt hơn. Những loại thuốc chống trầm cảm phổ biến như SSRI, SNRI, hay một số loại thuốc điều trị khác như Paroxetine (Pexeva), Clomipramine (Anafranil), Fluvoxamine (Luvox CR), Fluoxetine (Prozac), Sertraline (Zoloft) thường được các bác sĩ kê cho người bệnh để gia tăng hiệu quả chữa trị.

Một số loại thuốc chỉ có tác dụng trên những đối tượng nhất định. Vì thế người bệnh có thể được yêu cầu đổi thuốc, hoặc tăng liều lượng nếu sau 4-6 tuần mà tình trạng bệnh không có tiến triển khả quan. Trong vài trường hợp nhất định, việc bổ sung những loại thuốc an thần như aripiprazole, hoặc thuốc điều chỉnh glutamate như memantine có thể mang đến hiệu quả bất ngờ. Tuy nhiên, việc sử dụng những loại thuốc này cần được sự đồng ý của bác sĩ.

Người bệnh cần sử dụng thuốc đúng liều lượng, và đảm bảo thời gian dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Những triệu chứng của ám ảnh cưỡng chế có thể nghiêm trọng hơn, hoặc có nguy cơ tái phái cao nếu người bệnh không tuân thủ đúng quy trình chữa bệnh. Ngoài ra nếu cảm thấy một số bất thường khi sử dụng thuốc như phản ứng phụ dữ dội, hoặc có suy nghĩ tự tử thì phải ngừng thuốc và đến gặp bác sĩ để được can thiệp đúng lúc.

3. Điều trị ám ảnh cưỡng chế tại nhà

Tự cải thiện cũng là một biện pháp giúp giảm bớt những ảnh hưởng của OCD đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Biện pháp này có tác dụng hỗ trợ tốt cho việc điều trị bằng tư vấn tâm lý và thuốc. Bằng cách xây dựng một lối sống khỏe mạnh và tich cực, người bệnh có thể vượt qua những ám ảnh đeo bám để hướng đến cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc hơn. Dưới đây là một số biện pháp có thể sử dụng để cải thiện tình trạng OCD tại nhà một cách hiệu quả:

rối loạn ám ảnh cưỡng chế ocd
Xây dựng lối sống khỏe mạnh và học cách suy nghĩ tích cực có lợi cho quá trình điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
  • Lập thời gian biểu sinh hoạt hàng ngày và thực hiện đúng theo kế hoạch đã lập ra để cơ thể quen với chế độ sinh hoạt
  • Giảm bớt công việc đê dành thời gian nghỉ ngơi, ăn đúng giờ ngủ đúng giấc
  • Ngủ sớm vào buổi tối và dậy sớm tập thể dục để nâng cao sức đề kháng, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực
  • Ăn uống lành mạnh bằng những thực phẩm giàu dinh dưỡng, omega-3, khoáng chất và vitamin tốt cho cơ thể
  • Tập luyện đối diện với nỗi sợ và ám ảnh hàng ngày, có thể nhờ đến sự giúp đỡ của người thân hay bạn bè
  • Tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời như thể thao hay các hoạt động tình nguyện
  • Học cách chia sẻ những khó khăn và ám ảnh của mình cho gia đình hoặc những người tin tưởng
  • Không sử dụng rượu bia hay các chất kích thích để không làm ảnh hưởng đến tâm trạng và sự tình táo
  • Luyện yoga hoặc tham gia các lớp thiền để thả lỏng cơ thể, giải tỏa căng thẳng, đả thông tư tưởng và hướng đến những suy nghĩ tích cực.
  • Uống thuốc đúng giờ và đúng liều quy định, không được tự ý cắt thuốc hay bỏ thuốc mà không được sự đồng ý của bác sĩ.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD là một chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần, cũng như sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Nhiều người chưa hiểu đúng về những ảnh hưởng mà chứng bệnh này mang đến, nên không nhận ra những bất thường của bản thân. Một số khác thì lại cố gắng che giấu và phớt lờ những ám ảnh và hành vi cưỡng chế vì không chấp nhận rằng mình có bệnh.

Điều này khiến bệnh tình của họ trở nên trầm trọng hơn, và có thể dẫn đến nguy cơ tự tử nếu không được phát hiện kịp thời. OCD cần được điều trị một cách nghiêm túc trong thời gian nhất định, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng của hội chứng này đến sức khỏe người bệnh. Lời khuyên cho những người phát hiện bản thân, hoặc bạn bè hay người trong gia đình, có dấu hiệu của OCD là đến ngay bệnh viện hay trung tâm tư vấn tâm lý để được phát hiện và chữa trị kịp thời.

Có lẽ bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trầm cảm uống thuốc gì? Những loại thuốc điều trị trầm cảm phổ biến

Dùng thuốc là phương pháp chính trong điều trị trầm cảm. Thuốc được sử dụng với mục đích cải thiện tâm trạng, giảm khí sắc...

Trầm cảm cấp độ 2
Trầm cảm cấp độ 2: Nguyên nhân, nhận biết và điều trị

Trầm cảm cấp độ 2 là giai đoạn trầm cảm phát triển của cấp độ 1 với mức độ nghiêm trọng hơn, các biểu hiện...

12 Cách quản lý tâm trạng giúp bạn vượt qua rối loạn cảm xúc

Quản lý tâm trạng là “mấu chốt” để vượt qua rối loạn cảm xúc. Nếu đang có những xáo trộn về mặt tinh thần, bạn...

Rối Loạn Nhân Cách Tránh Né
Rối Loạn Nhân Cách Tránh Né (AVPD): Chẩn đoán và điều trị

Rối loạn nhân cách tránh né (AVPD) được đặc trưng bởi sự tránh né các tình huống xã hội hoặc các hoạt động tương tác...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh