Trầm cảm nội sinh: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị
Trầm cảm nội sinh là một dạng phổ biến của trầm cảm với những biểu hiện đặc trưng là sự buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, tội lỗi và vô dụng. Người bệnh không thể tận hưởng được niềm hạnh phúc của cuộc sống, thế giới xung quanh họ trở nên tăm tối, mờ nhạt.
Trầm cảm nội sinh là gì?
Trầm cảm nội sinh là một dạng trầm cảm không điển hình của chứng rối loạn tâm thần phổ biến này. Theo chia sẻ của các nhà khoa học thì trầm cảm được chia thành 2 loại chính là trầm cảm nội sinh và trầm cảm ngoại sinh.
Đối với các trường hợp bị trầm cảm nội sinh, người bệnh sẽ có các biểu hiện đặc trưng bởi trạng thái buồn bã, chán nản, u sầu, tuyệt vọng và bế tắc hoàn toàn về cuộc sống. Nguyên nhân chủ yếu hình thành nên những trạng thái tiêu cực bên trong nội tâm đó chủ yếu là do các tác động từ bên trong, phổ biến nhất là yếu tố sinh học và nhận thức.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm nội sinh
Trầm cảm nội sinh hay còn được nhiều người gọi là trầm cảm không rõ nguyên nhân bởi người bệnh thường không thể lý giải được các lý do khiến cho bản thân phải đối diện với những triệu chứng bất thường về cảm xúc. Bởi trong thực tế, trầm cảm nội sinh không được gây ra bởi các căng thẳng, áp lực đến từ bên ngoài, không phải do sự tác động của môi trường hoặc xã hội xung quanh mà chủ yếu là ảnh hưởng từ bên trong.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia thì trầm cảm nội sinh thường liên quan đến yếu tố di truyền, các đặc tính sinh học. Dựa vào kết quả của các nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, nếu trong gia đình có một người từng có tiền sử mắc phải chứng trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần có liên quan thì các thành viên còn lại sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với bình thường.
Ngoài ra, một số đặc điểm sinh hóa, những sự thay đổi đột ngột và nhanh chóng của các chất hóa học bên trong não bộ cũng chính là lý do khiến nhiều người bị trầm cảm nội sinh. Đối với những trường hợp này, chỉ cần có một sự kiện hoặc tác động nào đó đối với cuộc sống cũng có thể trở thành yếu tố châm ngòi để làm khởi phát các triệu chứng trầm cảm.
Làm sao để phân biệt trầm cảm nội sinh và trầm cảm ngoại sinh?
Xét về cơ bản thì trầm cảm nội sinh và trầm cảm ngoại sinh không có quá nhiều các yếu tố khác biệt. Các chuyên gia thường dựa vào nguyên nhân gây ra bệnh để xác định yếu tố nội hay ngoại sinh. Cụ thể hơn là xem xét về sự xuất hiện của các yếu tố tác động, gây căng thẳng trước khi khởi phát các triệu chứng trầm cảm.
Đối với trầm cảm nội sinh, người bệnh thường không phải đối diện với những tác động từ bên ngoài, không có sự hiện diện của những yếu tố làm căng thẳng hoặc các vấn đề gây chấn thương não bộ. Hiểu theo cách đơn giản hơn thì trầm cảm nội sinh hoàn toàn xuất phát từ nguyên nhân bên trong, chủ yếu là do di truyền và các tác động sinh học.
Ngược lại, trầm cảm ngoại sinh lại bị ảnh hưởng khá nhiều từ các yếu tố làm căng thẳng hoặc các chấn thương xảy ra bên ngoài môi trường. Khi con người phải đối diện với những sự kiện, tác nhân vượt qua khả năng chịu đựng của bản thân thì dễ rơi vào trạng thái sa sút tinh thần, trầm cảm.
Biểu hiện của trầm cảm nội sinh
Đối với những người mắc phải chứng trầm cảm nội sinh, họ thường có rất nhiều các biểu hiện khác nhau nhưng chủ yếu sẽ tập trung vào 3 triệu chứng, đó là ức chế về vận động, cảm xúc và tư duy. Để nhận biết một người đang mắc phải căn bệnh này, bạn có thể dựa vào các biểu hiện sau đây:
1. Ức chế cảm xúc
Biểu hiện đặc trưng và dễ nhận biết nhất ở người bệnh trầm cảm nội sinh đó chính cảm xúc bị ức chế cảm xúc dữ dội. Người bệnh thường xuyên rơi vào trạng thái buồn bã, mệt mỏi, chán nản, u sầu, bi thảm nhưng không thể tìm được nguyên do. Thậm chí họ cảm nhận những cảm xúc này một cách vô cùng sâu sắc và mạnh mẽ, hay còn gọi là nỗi buồn mang tính chất nội sinh.
Ngoài ra, một số tình trạng bệnh còn có thể xuất hiện các cơn đau nhức thể chất, họ cảm thấy vô cùng ngột ngạt và thường xuyên than vãn về việc bản thân không cảm nhận được sự yêu thương, gắn kết, không biết giận hờn, ghét bỏ,…Đôi lúc, người bệnh còn cảm thấy đầu óc trống rỗng, không thể suy nghĩ về bất kỳ điều gì và cảm thấy mơ hồ, lạc lõng về cuộc sống của hiện tại và tương lai.
Bạn sẽ dễ dàng nhận biết được sự ủ rũ, chán chường và mệt mỏi ở người bệnh trầm cảm nội sinh. Họ hoàn toàn không có năng lượng và sức sống, gương mặt phờ phạc, già đi trông thấy, đôi mắt luôn hình xa xăm, mơ hồ. Đặc biệt, những biểu hiện này sẽ càng trở nên mạnh mẽ và rõ ràng vào buổi sáng, đến chiều tối nó sẽ dần dịu đi.
2. Ức chế tư duy
Những người mắc phải chứng bệnh trầm cảm nội sinh thường có tư duy yếu kém, nghèo nàn, chậm chạp mặc dù trước đó họ có trí thông minh vượt trội. Người bệnh thường suy nghĩ mọi thứ một cách đơn điệu, khó có thể tiếp thu và kết hợp đầy đủ các ý nghĩa của sự việc hoặc bất kỳ thông tin nào được truyền đạt.
Vì thế, người bệnh sẽ dần trở nên thu mình, ít nói, không muốn giao tiếp với bất kỳ ai. Họ cảm thấy tự ti về bản thân, cho rằng mình là người vô dụng, kém cỏi, bất tài hoặc thậm chí xuất hiện các hoang tưởng tự buộc tội chính bản thân.
3. Ức chế vận động
Người bệnh trầm cảm nội sinh thường có xu hướng lười vận động, họ chỉ ngồi co ro một chỗ, cúi đầu, khom lưng, nằm trên giường hàng giờ đồng hồ và không làm việc gì cả. Hoạt động này có thể diễn ra liên tục từ ngày này sang ngày khác và hầu hết các hoạt động của người bệnh đều rất chậm chạp.
Chứng trầm cảm này khiến bệnh nhân khó tập trung, không thể chú ý vào các công việc mà bản thân cần phải hoàn thành, đôi lúc họ cảm thấy không có động lực để làm bất cứ việc gì. Tình trạng này liên tục kéo dài khiến cho người bệnh dần xuất hiện các ảo tưởng buộc tội và có ý định muốn tự sát.
Bên cạnh các biểu hiện đặc trưng của chứng trầm cảm nội sinh điển hình, căn bệnh này còn nhiều loại không điển hình với những biểu hiện riêng biệt. Cụ thể như:
- Trầm cảm sững sờ: Người bệnh thường ngồi đờ đẫn, đầu óc trống rỗng, không thể nghĩ ngợi được nhiều việc, các phản ứng cũng trở nên chậm chạp, kém cỏi và họ thường ít nói, không muốn trò chuyện với người khác.
- Trầm cảm kích động: Biểu hiện đặc trưng nhất là sự bồn chồn, bất an, lo lắng quá mức. Họ không thể ngồi yên một chỗ, luôn đứng ngồi thấp thỏm và thực hiện nhiều động tác tay chân, tim đập nhanh liên hồi, xuất hiện hoang tưởng.
- Trầm cảm ám ảnh: Bệnh nhân sẽ luôn cảm thấy sợ hãi, lo lắng và bị ám ảnh dữ dội về một vấn đề nào đó. Đặc biệt, nếu tình trạng trầm cảm càng gia tăng thì các ám ảnh sẽ dần mất đi nhưng ngược lại, nếu trầm cảm thuyên giảm thì ám ảnh lại xuất hiện mạnh mẽ. Khi các cơn trầm cảm biến mất thì sự ám ảnh cũng sẽ dần mờ nhạt và tan biến.
- Trầm cảm hoang tưởng: Biểu hiện bởi các hoang tưởng hoang đường, không có thật nhưng người bệnh lại có niềm tin mãnh liệt vào nó. Điều này thôi thúc họ thực hiện các hành vi, cảm xúc dựa trên những điều hoang tưởng.
- Trầm cảm nghi bệnh: Người bệnh có thể tự cho rằng bản thân đang mắc phải một căn bệnh nan y hoặc một bệnh lý tồi tệ nào đó và cảm thấy vô cùng đau khổ, tuyệt vọng về điều đó. Đồng thời, họ cũng dần xuất hiện các triệu chứng về thể chất, cảm thấy đau nhức ở nhiều bộ phận trên cơ thể, thường xuyên mệt mỏi hoặc mắc phải các bệnh cảm cúm, dị cảm.
- Trầm cảm ẩn: Người bệnh không bộc lộ quá nhiều triệu chứng về mặt cảm xúc, thay vào đó là xuất hiện hàng loạt các triệu chứng về thể chất.
Trầm cảm nội sinh có thể tồn tại ở nhiều dạng khác nhau và có rất nhiều các triệu chứng riêng biệt. Căn bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến các ảnh hưởng tiêu cực, gia tăng nguy cơ tự sát ở người bệnh. Nếu được can thiệp đúng cách thì bệnh nhân sẽ có nhiều cơ hội để phục hồi sức khỏe, không bị ảnh hưởng và biến đổi về nhân cách.
Cách điều trị hiệu quả trầm cảm nội sinh
Trầm cảm nội sinh là một căn bệnh rối loạn tâm thần vô cùng phức tạp, quá trình điều trị cũng gặp rất nhiều khó khăn và cản trở. Tuy nhiên, nếu có thể phát hiện sớm và áp dụng tốt các biện pháp can thiệp hiệu quả thì người bệnh vẫn có nhiều khả năng phục hồi sức khỏe, ổn định đời sống tinh thần.
Sau khi tiến hành thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc để áp dụng một số biện pháp như sau:
1. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý không chỉ giúp người bệnh trầm cảm nội sinh giải quyết và vượt qua các triệu chứng nguy hiểm của trầm cảm mà còn hỗ trợ ngăn chặn tình trạng tái phát trong tương lai. Phương pháp này sử dụng ngôn ngữ để đào sâu vào tiềm thức của người bệnh, khai thác cụ thể về nguyên nhân hình thành trầm cảm và dần loại bỏ nó một cách an toàn.
Ưu điểm vượt trội của biện pháp này đó chính là không sử dụng đến thuốc điều trị nên đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh, có thể áp dụng tốt cho các trường hợp bệnh nhân là trẻ em, phụ nữ đang mang thai hoặc người già lớn tuổi. Thông thường, đối với tình trạng trầm cảm nội sinh thì chuyên gia tâm lý sẽ ưu tiên áp dụng liệu pháp cá nhân và liệu pháp nhận thức – hành vi.
Bằng cách này bệnh nhân sẽ dần được điều chỉnh và thay đổi tiềm thức, rèn luyện tốt cách phản ứng lại với các yếu tố tác động, tình huống khó khăn. Trị liệu tâm lý giúp loại bỏ tận gốc nguyên nhân gây bệnh và trang bị cho bệnh nhân các kỹ năng cần thiết để chống chọi lại những biến đổi cảm xúc.
2. Điều trị bằng thuốc
Thuốc chống trầm cảm thường được chỉ định sử dụng cho các trường hợp trầm cảm nội sinh. Những loại thuốc thường được dùng như thuốc thuộc nhóm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) hoặc chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI).
Việc dùng thuốc sẽ giúp người bệnh kiểm soát và làm thuyên giảm các triệu chứng trầm cảm. Đồng thời nó còn hỗ trợ làm gia tăng mức độ của các chất hóa học bên trong não bộ để điều chỉnh lại cảm xúc, suy nghĩ, hành vi theo chiều hướng đúng đắn hơn.
Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần được hướng dẫn và có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa để tránh gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Cũng bởi phần lớn các loại thuốc chống trầm cảm đều có khả năng gây tác dụng phụ như khô miệng, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn,….
3. Liệu pháp sốc điện (ECT)
Trầm cảm nội sinh được đánh giá là một dạng trầm cảm nặng và khó điều trị. Đối với các trường hợp quá nghiêm trọng hoặc người bệnh không đáp ứng tốt với các biện pháp can thiệp nêu trên thì sẽ được cân nhắc để tiến hành sốc điện.
Liệu pháp sốc điện chính là thủ thuật sử dụng nguồn điện với cường độ nhỏ để đưa vào não bộ của bệnh nhân, gây ra một cơn co giật nhằm làm thay đổi cấu trúc của các chất hóa học bên trong não. Quá trình này được đảm bảo an toàn và không gây đau đớn bởi người bệnh đã được gây mê toàn thân.
Phương pháp điều trị trầm cảm này đã có từ rất lâu và hiện cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn. Trong thực tế đã có không ít các trường hợp trầm cảm đã được cải thiện đáng kể sau khi áp dụng phương pháp ECT.
4. Hỗ trợ can thiệp tại nhà
Song song với việc áp dụng tốt các biện pháp điều trị chuyên khoa thì người bệnh trầm cảm nội sinh cũng cần chú ý đến việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tại nhà. Mặc dù căn bệnh này không liên quan đến các yếu tố tác động từ cuộc sống hay môi trường nhưng việc hỗ trợ duy trì thói quen sống lành mạnh cũng góp phần lớn trong việc phục hồi sức khỏe cho người bệnh.
Để mau chóng loại bỏ các triệu chứng của trầm cảm nội sinh, người bệnh nên chú ý thực hiện các thói quen sau:
- Dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, tránh căng thẳng, lo lắng quá mức.
- Người bệnh cần duy trì giấc ngủ đủ mỗi ngày.
- Chế độ ăn uống cũng cần được đảm bảo, bổ sung nhiều thực phẩm dinh dưỡng.
- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, vận động lành mạnh, tích cực mỗi ngày.
- Học cách chia sẻ với người thân, bạn bè nhiều hơn.
- Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tập thể.
- Loại bỏ các thói quen xấu như thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc, sử dụng điện thoại quá nhiều.
- Thiền định là cách hiệu quả giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng và giúp ngủ ngon hơn.
- Suy nghĩ tích cực, lạc quan, yêu đời.
Hy vọng các thông tin chia sẻ trong bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu hơn về trầm cảm nội sinh và biết cách điều trị hiệu quả nhất. Đây là một căn bệnh nguy hiểm cần được phát hiện và can thiệp trong giai đoạn sớm để tránh các ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, đời sống và cả tính mạng của người bệnh.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!