Rối Loạn Lo Âu Có Nguy Hiểm Không? Lời khuyên từ chuyên gia
Lo âu là cảm xúc bình thường mà chúng ta phải trải qua khi đối mặt với một số vấn đề trong đời sống. Cảm giác này đến và đi rất nhanh, và không gây ra ảnh hưởng gì đáng kể đến sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên nếu chúng xuất hiện với tần suất cao và ngày càng nghiêm trọng thì có lẽ bạn đang mắc chứng rối loạn lo âu. Vậy rối loạn lo âu có nguy hiểm không? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Rối loạn lo âu là gì?
Lo âu là cảm giác bình thường của cơ thể khi chúng ta phải đối mặt với một số áp lực tinh thần, đứng trước những sự kiện quan trọng, hoặc là tín hiệu cảnh báo về những mối nguy hiểm tiềm ẩn. Mọi người thường có cảm giác lo âu trước khi thi cử, phỏng vấn, lần đầu tiên đi làm, khi tỏ tình, buộc phải đưa ra quyết định trong công việc và cuộc sống, hoặc lo lắng khi rơi vào tình huống nguy hiểm, đi một mình ở nơi vắng vẻ, đi trong đêm,…
Cảm giác lo âu có thể giúp con người cảnh giác và đảm bảo an toàn tính mạng trong nhiều trường hợp, giúp chúng ta quen với áp lực, cũng như tạo động lực cho hoàn thành công việc. Vì thế không phải lúc nào sự lo âu cũng mang ý nghĩa tiêu cực, mà thỉnh thoảng nó còn giúp chúng ta “đánh hơi” trước những nguy hiểm rình rập, giống như một loại trực giác tự nhiên mà con người sở hữu.
Tuy nhiên nếu sự lo âu diễn ra thường xuyên, diễn biến nghiêm trọng vượt quá bình thường và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống thì có thể bạn đang bị rối loạn lo âu. Đây không còn là những cảm giác bình thường, mà là một loại bệnh lý liên quan đến vấn đề rối loạn cảm xúc mà nhiều người hiện nay đang mắc phải. Đặc trưng của rối loạn lo âu là cảm giác sợ hãi, lo lắng và căng thẳng quá mức với một số sự việc hoặc hiện tượng trong cuộc sống.
Lo lắng quá mức có thể cản trở hoạt động hàng ngày, hạ thấp chất lượng cuộc sống, và khiến người bệnh ngày càng cô lập bản thân khỏi cộng đồng. Những ám ảnh tâm lý bất thường này khiến bạn không thể kiểm soát cảm xúc khi ở nơi công cộng, dễ dàng kích động và phản ứng thái quá khi bị tác động. Vì thế bạn có xu hướng nhốt mình ở nhà, hạn chế đến những nơi đông người, và tránh mặt trong những cuộc gặp gỡ.
Tình trạng rối loạn lo âu không chỉ biểu hiện qua tâm trạng, mà còn thể hiện qua các triệu chứng sinh lý như tim đập nhanh, đổ mồ hôi, nhức đầu, run rẩy, nôn ói, la hét, hành động mất kiểm soát, đau bụng, khô miệng, cảm thấy bứt rứt, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, mệt mỏi, thói quen ăn uống thay đổi,… Những dấu hiệu này có thể bị nhầm với một số căn bệnh tâm lý khác như trầm cảm, vì thế cần đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để có chẩn đoán chính xác.
Vậy, rối loạn lo lâu có nguy hiểm không? Trên thực tế, tình trạng rối loạn lo âu kéo dài có thể mang đến những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất người bệnh. Có nhiều những dạng rối loạn lo âu khác nhau, với những nguyên nhân và triệu chứng biểu hiện khác biệt. Mỗi loại sẽ yêu cầu phương pháp tiếp cận và điều trị khác nhau, do đó chúng ta cần phân biết rõ để lên kế hoạch điều trị phù hợp.
Nguyên nhân và các dạng rối loạn lo âu thường gặp
Nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn lo âu vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu và làm rõ. Thông qua nhiều thí nghiệm, các nhà nghiên cứu cho rằng lý do gây nên tình trạng này là sự kết hợp của nhiều yếu tố, như di truyền và các tác động từ bên ngoài. Trong đó cơ chế di truyền rất phức tạp, và là do tác động của nhiều loại gen chứ không phải một số gen cụ thể.
Theo thống kê, rất nhiều trường hợp mắc chứng rối loạn lo âu có tiền sử gia đình cũng có người thân mắc bệnh. Những đối tượng này phần lớn là ông bà, cha mẹ, hoặc anh chị em ruột của người bệnh. Quan hệ huyết thống càng gần thì tỷ lệ mắc bệnh càng cao. Vì thế di truyền được xem là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chứng rối loạn lo âu, cũng như nhiều chứng bệnh tâm thần khác.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt serotonin hay norepinephrine trong não cũng làm ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát cảm xúc của một người, từ đó gây nên tình trạng rối loạn lo âu. Vấn đề thiếu hụt hormone thường xảy ra trong những cột mốc quan trọng như giai đoạn dậy thì, trong và sau khi mang thai và tiền mãn kinh. Đây cũng g giai đoạn người bệnh phải đối mặt với nhiều thay đổi trong cuộc sống, chịu nhiều áp lực và căng thẳng làm tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn cảm xúc hơn.
Một số nguyên nhân khác có thể ảnh hưởng đến tình trạng rối loạn lo âu bao gồm: áp lực học tập và công việc, căng thẳng kéo dài, chấn thương tâm lý, tác dụng phụ của thuốc, mắc bệnh hiểm nghèo, lạm dụng rượu bia và chất kích thích,… Những nguyên nhân kể trên có thể gây ra những chứng rối loạn lo âu khác nhau tùy trường hợp cụ thể. Một số chứng rối loạn lo âu thường gặp có thể kể đến như:
- Rối loạn lo âu lan tỏa: Rối loạn lo âu lan tỏa là tình trạng người bệnh thể hiện sự lo âu với mọi sự vật và sự việc xung quanh mà không vì lý do gì. Những ám ảnh này dai dẳng và khiến người bệnh luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Rối loạn lo âu lan tỏa có thể có liên quan đến trầm cảm.
- Rối loạn lo âu xã hội: Rối loạn lo âu xã hội có thể hiểu đơn giản là chứng sợ xã hội. Người bệnh thường lo lắng thái quá, cảm thấy căng thẳng và hoảng sợ trong mọi tình huống giao tiếp, cùng các mối quan hệ ngoài xã hội. Ví dụ họ sẽ cảm thấy lo âu, sợ hãi khi bị nhìn ngó, đánh giá, hay phê bình. Người bệnh nhạy cảm với các tình huống ngoài xã hội, và có xu hướng tránh né đám đông. Lưu ý là rối loạn lo âu xã hội (SAD – Social Anxiety Disorde) khác hoàn toàn với rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD – Antisocial Personality Disorder), nhiều người vẫn còn nhầm lẫn hai khái niệm này.
- Rối loạn lo âu ám ảnh: Rối loạn lo âu ám ảnh thường xuất phát từ những tổn thương tâm lý một người phải chịu, dẫn đến việc họ bị ám ảnh và sợ hại một sự vật hay sự việc cụ thể. Ví dụ, một người từng rơi từ trên cao xuống đất, hoặc gặp sự cố máy bay có thể mắc chứng sợ độ cao. Một người khác từng bị nhốt vào nhà kho, thang máy, nhà hoang,… có thể mắc chứng sợ không gian hẹp. Những người rơi vào tình trạng này thường cảm thấy sợ hãi tột độ, tay chân run rẩy, tim đập nhanh và có cảm giác khó thở.
- Rối loạn căng thẳng sau sang chấn: Những người trải qua các tổn thương tâm lý như chiến tranh, giết chóc, bạo hành tinh thần, lạm dụng tình dục, bắt cóc, cưỡng bức, bạo lực học đường,… có thể rơi vào tình trạng rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Họ sẽ phản ứng dữ dội nếu nghe hoặc thấy được bất cứ hình ảnh, hay sự vật nào khơi gợi đến những tổn thương trong quá khứ. Thậm chí có trường hợp quá khích có thể tổn thương những người xung quanh.
- Rối loạn lo âu chia ly: Tình trạng rối loạn cảm xúc này khiến người bệnh không có cảm giác an toàn khi người thân rời khỏi tầm mắt, và họ sẽ dùng mọi cách để giữ người thân trong tầm mắt. Tình trạng này thường gặp ở trẻ em hơn là người lớn. Đặc biệt với những trẻ từng đi lạc, những trẻ ít có thời gian bên cạnh người thân, hoặc chịu tổn thương tâm lý là những đối tượng dễ mắc chứng rối loạn lo âu này.
- Hội chứng sợ không gian hẹp: Những người mắc hội chứng này sẽ có cảm giác sợ hãi, hoảng loạn, tim đập nhanh, khó thở, chóng mặt, đau đầu,… khi bước vào những khu vực nhỏ hẹp và kín như thang máy, nhà kho, trong xe hơi hay những căn phòng kín. Để né tránh điều này, họ thường chọn thang bộ, thang cuốn để di chuyển và thường đứng gần cửa chính, cửa sổ nếu phải ở trong phòng kín.
- Hội chứng sợ đám đông: Hội chứng sợ đám đông có triệu chứng điển hình là việc không có cảm giác an toàn ở nơi đông người và luôn cảm thấy bản thân bị đe dọa. Những người mắc hội chứng sợ đám đông dạng nặng có thể nhốt mình trong nhà nhiều ngày, từ chối đi ra ngoài, từ chối mọi buổi giao lưu gặp mặt và không muốn giao tiếp với mọi người.
- Hội chứng ám ảnh cân nặng: Sự ám ảnh dai dẳng về việc phải có cân nặng phù hợp và thân hình thon gọn bất chấp tình trạng sức khỏe là dấu hiệu của hội chứng ám ảnh cân nặng. Những người mắc bệnh luôn cảm thấy ám ảnh về thân thể và cân nặng của mình, dẫn đến việc họ điên cuồng ăn kiêng, và giảm cân một cách phi khoa học.
Rối loạn lo âu có nguy hiểm không là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm, bởi vì số lượng người mắc những hội chứng liên quan ngày càng tăng cao. Rối loạn lo âu ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, và có thể là nguyên nhân gây ra những chứng rối loạn tâm thần khác. Do đó nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, tình trạng bệnh sẽ ngày càng tồi tệ, thậm chí đẩy người bệnh đến con đường tự tử.
Rối loạn lo âu có nguy hiểm không?
Những ảnh hưởng của rối loạn lo âu đến cơ thể là không cần bàn cãi. Không chỉ ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần và các cơ quan trong cơ thể, hội chứng này còn gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Rối loạn lo âu khiến người bệnh không thể sinh hoạt bình thường, hạn chế những mối quan hệ xã hội, khiến họ ngày càng cô độc và tách mình khỏi mọi người xung quanh. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra trầm cảm.
Ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể
Sự lo lắng và căng thẳng kéo dài gây áp lực lớn lên hệ thần kinh gây nên những cơn đau đầu chóng mặt. Cảm giác khó thở, tim đập nhanh, hoảng loạn và bất an kéo dài cũng ảnh hưởng đến hệ tim mạch và hệ hô hấp khiến chúng bị tổn thương. Ngoài ra, tình trạng ăn uống thất thường hay bỏ bữa do ảnh hưởng từ những cơn lo âu cũng khiến hệ tiêu hóa gặp vấn đề, gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, tiêu chảy,… ở người mắc bệnh.
Những biểu hiện thường thấy của chứng rối loạn lo âu là cảm giác tức ngực, khó thở và nhịp tim tăng cao bất thường. Nhiều trường hợp người bệnh còn có thể ngất xỉu do choáng, hoặc lên cơn đột quỵ. Trong cơn hoảng sợ, nhịp thở tăng cao khiến người bệnh có cảm giác không đủ khí oxi để hô hấp, từ đó gây nên cảm giác choáng váng, tức ngực. Ngoài ra, sự lo lắng quá mức cũng ảnh hưởng đến nhịp tim và khả năng tuần hoàn máu.
Lo lắng và căng thẳng kéo dài cũng có thể làm cơ thể suy nhược, suy giảm chức năng hệ miễn dịch khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và dễ mắc các bệnh khác. Đặc biệt với những người mắc các bệnh như tim mạch và hen suyễn thì tình trạng sức khỏe của họ có thể dần xấu đi theo thời gian. Bên cạnh đó, những triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, tiểu nhiều cũng xảy ra ở những người căng thẳng lâu ngày.
Hạn chế những mối quan hệ xã hội
Rối loạn lo âu khiến vấn đề giao tiếp giữa người bệnh và những người bên cạnh bị hạn chế. Việc sợ hãi mọi thứ xung quanh khiến họ không thể giao tiếp một cách tự nhiên, có xu hướng tránh xa đám đông và không muốn nói chuyện với mọi người. Dần dần, những người xung quanh sẽ hạn chế bắt chuyện và ngại mời họ đến những buổi tụ họp. Tình trạng này kéo dài khiến người mắc chứng lo âu ngày càng cô độc và tự ti hơn.
Những mối quan hệ xã hội bị ảnh hưởng khiến cuộc sống hàng ngày của người bệnh trở nên khó khăn, đặc biệt là trong công việc hay học tập. Họ rất khó kết bạn để cùng nhau thảo luận, hoàn thành bài tập, hay đáp ứng những yêu cầu học tập trên lớp. Người đi làm mắc bệnh không thể kết hợp với đồng nghiệp hoàn thành các dự án, sức khỏe ảnh hưởng cũng khiến năng suất công việc giảm xuống rõ rệt.
Ngoài ra, việc không thể kiềm chế cảm xúc cũng khiến người mắc chứng rối loạn lo âu có những hành vi quá khích như la hét, hay đánh đấm người khác trong cơn kích động. Rối loạn lo âu có nguy hiểm không? Có, vì chúng khiến ta không thể kiềm chế cảm xúc. Những hành vi này khiến mọi người xung quanh sợ hãi và cố ý xa lánh người bệnh, từ đó cô lập họ. Hội chứng này khiến người bệnh khó duy trì những mối quan hệ như bình thường, và phải hứng chịu nhiều bất công vì bị xa lánh.
Rối loạn lo âu làm suy giảm chất lượng cuộc sống
Chất lượng cuộc sống là vấn đề đầu tiên bị ảnh hưởng nếu cơn rối loạn lo âu kéo dài. Với những người có lối sống lành mạnh, thường xuyên tham gia thể dục thể thao, và có hứng thú với nhiều hoạt động thường ngày, thì rối loạn lo âu thật sự là một cơn ác mộng. Hội chứng này khiến người mắc bệnh luôn rơi vào trạng thái uể oải, mệt mỏi, mất sức sống và không còn hứng thú với bất cứ điều gì xung quanh nữa.
Việc này khiến chất lượng cuộc sống suy giảm rõ rệt, vì người bệnh đã từ bỏ những hoạt động lành mạnh và có lợi cho sức khỏe. Thay vào đó, họ rơi vào cảm giác chán chường, bất lực, trầm cảm và chỉ thích nhốt mình trong nhà.Tình trạng này kéo dài khiến người bệnh không thể đảm bảo sức khỏe và sự minh mẫn trong vấn đề học tập và làm việc, từ đó khiến tiến độ và chất lượng công việc giảm sút, dễ mắc nhiều sai lầm.
Lạm dụng chất kích thích và gia tăng tỷ lệ tự tử
Lạm dụng chất kích thích là một trong những biểu hiện của chứng rối loạn lo âu, vì người mắc bệnh hy vọng có thể làm tê liệt tinh thần, trốn tránh hiện thực, quên đi nỗi sợ hãi thông qua cơn say. Tuy nhiên trên thực tế, rượu bia và các chất kích thích chỉ làm trầm trọng thêm những triệu chứng bệnh, và khiến người dùng trượt dài trong sự sa ngã. Nhiều trường hợp người bệnh bị ngộ độc cồn, sốc thuốc và xảy ra tai nạn do lạm dụng rượu bia và ma túy quá đà.
Những chất độc hại này có thể tạo ra cảm giác sảng khoái và nhẹ nhõm tức thì, nhưng rồi tất cả sẽ trôi qua rất nhanh khi tỉnh táo. Thấy vậy, người bệnh sẽ dùng uống nhiều hơn để tìm kiếm sự sảng khoái và giải thoát trong tâm hồn. Đây là một vòng lặp khép kín không hồi kết. Về lâu dài, sức khỏe của bạn ngày càng xuống dốc, khó giữ được tỉnh táo, có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh truyền nhiễm và khiến thể chất bị suy yếu nghiêm trọng.
Sự phấn khích và mơ màng mà chất kích thích mang đến có thể khiến người dùng sinh ra ảo giác, làm họ không kiềm chế được hành vi và cảm xúc nên dễ hành động thiếu suy nghĩ và gây ra hậu quả xấu. Nghiêm trọng hơn, người bệnh trong cơn say rượu hay say thuốc có thể sinh ra nhiều suy nghĩ tiêu cực, và có hành động dạy dột như tự tử. Nhiều thống kê cho thấy những chất độc hại là nguyên nhân thúc đẩy hành động tự tử của những người rối loạn lo âu.
Ngoài ra, một số loại thuốc chống trầm cảm, hay thuốc đặc trị một số bệnh có tác dụng phụ là thôi thúc ý muốn tự tử. Nếu kết hợp dùng chung loại thuốc này với rượu bia, ma túy,… thì ảnh hưởng của chúng còn được nhân lên gấp nhiều lần.
Phương pháp cải thiện tình trạng rối loạn lo âu
Việc chẩn đoán và điều trị rối loạn lo âu cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt để hạn chế những ảnh hưởng xấu của căn bệnh này đến sức khỏe và cuộc sống người bệnh. Đây là một quá trình dài và khó khăn, rất cần sự cố gắng từ cả người bệnh và bác sĩ để đạt kết quả điều trị tốt nhất. Tùy theo từng đối tượng và tình trạng bệnh, phương pháp và thời gian áp dụng cho việc trị liệu sẽ có nhiều khác biệt.
1. Trị liệu tâm lý
Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng rối loạn lo âu là đến từ tâm lý người bệnh. Vì thế điều trị tâm lý luôn được xem là biện pháp cần thiết và cơ bản nhất để giúp người bệnh có thể vượt qua cơn hoảng loạn và lo lắng. Thời gian điều trị tâm lý dài hay ngắn sẽ tùy vào tình trạng bệnh và khả năng tiếp thu của bệnh nhân, vì thế quá trình điều trị của mọi người không ai giống ai.
Hiện nay ngành tâm lý học đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, các nhà khoa học cũng tìm ra nhiều cách hơn để giúp những người mắc chứng rối loạn lo âu đối diện và vượt qua những rào cản tâm lý của bản thân. Đây là phương pháp có hiệu quả cao với những trường hợp bệnh nhẹ và trung bình. Những cuộc điều trị tâm lý thường sẽ được diễn ra trong phòng kín, hoặc những không gian người bệnh cảm thấy thoải mái.
Thông qua những cuộc nói chuyện, bác sĩ sẽ tìm ra những nguyên nhân khiến người bệnh rơi vào trạng thái lo lắng thái quá. Đó có thể là những tổn thương tâm lý trong thời thơ ấu, do ám ảnh từ một sự kiện trong quá khứ, hoặc một số nguyên nhân đặc biệt khác. Sau khi xác định được vấn đề, bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân dần tháo gỡ những khúc mắc trong lòng, học cách đối diện với sự ám ảnh và vượt qua chúng.
Ngoài ra quá trình trị liệu còn giúp bệnh nhân kiềm chế sự nóng nảy và kích động, lấy lại hứng thú với những hoạt động thường ngày, tìm lại cảm giác tự tin và suy nghĩ tích cực hơn. Điều trị tâm lý cần thời gian dài để thấy được kết quả, nhưng lại an toàn cho sức khỏe của người bệnh vì không can thiệp đến thân thể. Tuy nhiên, để phương pháp này đạt được hiệu quả thì cần sự hợp tác từ người bệnh.
2. Điều trị tại nhà
Việc duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh góp phần cải thiện tình trạng rối loạn lo âu, mang đến hiệu quả điều trị bệnh tốt hơn nên được bác sĩ khuyên nên áp dụng song song với điều trị tâm lý và điều trị bằng thuốc. Thay đổi môi trường và lối sống hiện tại theo hướng tích cực hơn giúp đầu óc và tinh thần sảng khoái, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực và hướng chúng ta đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nếu muốn đạt đến hiệu qua điều trị tốt nhất, chúng ta cần tuân theo một số điều kiện cơ bản về thời gian ăn ngủ, duy trì việc tập thể dục đều đặn, cũng như học cách chia sẻ khó khăn của bản thân với những người xung quanh. Để đảm bảo hoàn thành công việc, người bệnh cần lên lịch trình cụ thể cho những công việc cần làm, và thực hiện đúng như điều mình đã đề ra. Có như thế, hiệu quả điều trị mới được nâng cao.
- Đầu tiên, bạn cần lên kế hoạch ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Chế độ ăn uống nhiều vitamin, khoáng chất và omega-3 có tác dụng tốt cho hoạt động cũa não, loại bỏ căng thẳng, duy trì trạng thái làm việc tốt nhất cho đầu óc, và giúp người bệnh hạn chế những suy nghĩ tiêu cực. Việc cung cấp đủ chất dinh dưỡng cũng hỗ trợ hệ miễn dịch chống chọi với những tác nhân gây hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Hạn chế đồ ngọt, dầu mỡ, những loại nước có gas và thức ăn nhanh, những thứ làm ảnh hưởng xấu đến hệ tim mạch và là tác nhân gây bệnh.
- Ngủ sớm dậy sớm. Đi ngủ và thức dậy vào đúng khung giờ quy định để đảm bảo đồng hồ sinh học. Bạn nên hạn chế ngủ ngày bằng cách vận động và tập thể dục nhiều hơn. Vào buổi tối, lên giường ngủ đúng giờ để chất lượng giấc ngủ được đảm bảo, và không để những tác nhân khác như điện thoại, tivi hay công việc chi phối.
- Tham gia bất cứ hoạt động thể thao nào khiến bạn cảm thấy yêu thích và có hứng thú như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, cầu lông, bóng rổ, yoga, thiền, tập gym,… để rèn luyện sức khỏe và giữ cho tinh thần minh mẫn. Việc tập thể dục đều đặn là một thói quen tốt để thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm căng thẳng và hỗ trợ điều trị rối loạn lo âu cho người bệnh.
- Việc cô lập bản thân với mọi người chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề lo âu của người bệnh. Những suy nghĩ tiêu cực và cảm xúc kiềm nén nếu không có người thấu hiểu, tâm sự sẽ ngày càng trầm trọng. Do đó hãy học cách trãi lòng và tâm sự với bạn bè và người thân, họ có thể cho bạn một vài ý tưởng về việc làm sao thoát khỏi căng thẳng và đối mặt với nỗi sợ của mình.
Việc điều trị tại nhà được thực hiện song song với điều trị tâm lý và điều trị bằng thuốc mang đến nhiều kết quả khả quan hơn trong quá trình cải thiện chứng rối loạn lo âu. Điều này cho thấy muốn cải thiện tình trạng bệnh thì dựa vào thuốc và bác sĩ là chưa đủ. Người bệnh cần có trách nhiệm với bản thân và thể hiện thái độ sống tích cực, hướng về phía trước thì thời gian khỏi bệnh sẽ được rút ngắn hơn, cũng như hạn chế việc tái phát trong tương lai.
3. Điều trị bằng thuốc
Thuốc dùng trong điều trị rối loạn lo âu thường là những loại thuốc chống trầm cảm. Đây là phương pháp chính được sử dụng trong những trường hợp bệnh trung bình và nặng, nhằm giúp điều trị những triệu chứng của bệnh tốt hơn. Với những trường hợp này thì điều trị tâm lý không đủ để giúp người bệnh bình tĩnh khi bị kích thích, hoặc một số bệnh nhân chưa sẵn sàng mở lòng với bác sĩ. Do đó dùng thuốc là biện pháp bắt buộc.
So với điều trị tâm lý thì điều trị bằng thuốc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, vì chúng tác động trực tiếp đến cơ thể và có thể gây tác dụng phụ không mong muốn. Những ảnh hưởng của thuốc không xảy ra trong mọi trường hợp, nhưng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người sử dụng nếu không được can thiệp kịp thời. Do đó việc điều trị bằng thuốc cần tuân theo đúng hướng dẫn và yêu cầu của bác sĩ điều trị.
Nếu phát hiện có bất thường trong quá trình uống thuốc, ví dụ như tác dụng phụ dữ dội và kéo dài không thuyên giảm, thì phải dừng thuốc và đưa ngay người bệnh đến gặp bác sĩ để được xử lý. Không được phớt lờ và bỏ qua những tác dụng phụ của thuốc để không đe dọa đến tính mạng bản thân.
Hy vọng thông qua bài viết, mọi người đã có cái nhìn toàn diện về việc rối loạn lo âu có nghuy hiểm không, và làm sao để vượt qua tình trạng tồi tệ này. Những cơn lo âu, sợ hãi kéo dài dai dẳng khiến cuộc sống của người bệnh rối loạn, những mối quan hệ xung quanh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Do đó, cần quan tâm theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân, và đến gặp bác sĩ ngay nếu thấy có dấu hiệu bất thường.
Có lẽ bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!