Rối Loạn Nhân Cách Ái Kỷ: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và điều trị

Yêu bản thân, thích được khen ngợi, thích được tôn trọng và được đối xử đặc biệt không phải là điều xấu. Tuy nhiên, nếu một người thích được tung hô khen ngợi đến mức ảo tưởng về khả năng, yêu bản thân đến mức thiếu sự đồng cảm, coi thường cảm xúc và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác, thì đó là điều bất thường. Rất có thể họ đang mắc phải chứng ái kỷ, hay còn gọi là rối loạn nhân cách ái kỷ.

Rối loạn nhân cách ái kỷ là gì?

Bạn có bao giờ nhìn thấy một người luôn thể hiện sự quan trọng và tài giỏi của bản thân, nhưng thực tế họ chẳng giỏi như bản thân vẫn tự mãn? Họ khao khát được tung hô, được khen ngợi đến mức có những hành vi tự phụ, yêu bản thân một cách thái quá, và mơ tưởng hão huyền về khả năng của mình. Ngoài ra, họ còn ích kỷ và tự cao, xem thường cảm xúc của người khác, và chỉ hành động vì lợi ích riêng.

rối loạn nhân cách ái kỷ
Những người ái kỷ yêu nhất là bản thân, và thường có thái độ coi thường người khác, luôn cho rằng bản thân là giỏi nhất.

Những người có biểu hiện như trên có thể đã mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder – NPD) với đặc trưng là tình trạng vĩ cuồng hay tự luyến. Không như ích kỷ hay ái kỷ là một nét tính cách bình thường ở con người, rối loạn nhân cách ái kỷ là một chứng rối loạn nhân cách nghiêm trọng cần được quan tâm và chữa trị kịp thời. Nếu không, NPD có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và những mối quan hệ về sau của người bệnh.

Giống như tên gọi của hội chứng này, những người mắc chứng ái kỷ luôn đặt bản thân ở vị trí quan trọng nhất, cho rằng bản thân là người tài giỏi nhất và xứng đáng có được sự tung hô, khen ngợi và phục tùng của mọi người. Cảm giác ưu việt và thái độ kiêu ngạo khiến họ vô cảm, thậm chí khinh thường và không quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh. Để đạt được mục đích, họ sẵn sàng đạp người khác xuống để nâng mình lên.

Những người ái kỷ thường có vẻ ngoài chải chuốt, phong thái tự tin, nói năng hùng hồn, thể hiện bản thân rất tài giỏi và có học thức. Do đó, ấn tượng đầu tiên mà họ đem đến vô cùng đặc biệt. Tuy nhiên khi bắt tay vào công việc, khả năng của họ lại không vượt trội như ấn tượng ban đầu. Nếu gặp phải góp ý hoặc chỉ trích, họ sẽ không bao giờ nhìn nhận lỗi sai mà chì cho rằng bạn đang ghen tị với tài năng, hoặc cố ý làm khó họ trong công việc.

Nguyên nhân hình thành rối loạn nhân cách ái kỷ

Rối loạn nhân cách ái kỷ không phải là tình trạng phổ biến vì theo thống kê, chỉ có khoảng 1% dân số có những biểu hiện của căn bệnh này. Ái kỷ thường ít thấy ở phụ nữ, mà đa phần các trường hợp được ghi nhận là nam giới với tỉ lệ 50% – 75% ca bệnh. Những biểu hiện đầu tiên của chứng ái kỷ xuất hiện trong giai đoạn thanh thiếu niên, và dần nghiêm trọng hơn khi đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai có những biểu hiện ái kỷ đều mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ.

rối loạn nhân cách ái kỷ
Nguyên nhân gây ra tình trạng ái kỷ thường là tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó di truyền và môi trường sống đóng vai trò khá quan trọng.

Rối loạn nhân cách ái kỷ hình thành do nguyên nhân nào vẫn chưa được làm sáng tỏ. Giống như nhiều bệnh lý tâm thần khác, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành hội chứng này trong từng trường hợp cụ thể. Hiện nay những yếu tố được cho là có ảnh hưởng đến ái kỷ bao gồm gen di truyền, yếu tố sinh học, chấn thương tâm lý thời thơ ấu, và những ảnh hưởng xấu từ môi trường sống.

1. Yếu tố di truyền

Nghiên cứu trên những trường hợp mắc rối loạn nhân cách ái kỷ cho thấy, nhiều trường hợp người bệnh có tiền sử gia đình mắc rối loạn nhân cách, rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách ái kỷ và một số bệnh lý tâm thần khác. Yếu tố di truyền được cho là có ảnh hưởng nhất định đến tỷ lệ mắc NPD ở người. Những trường hợp gia đình có cha mẹ mắc bệnh thì tỷ lệ con cái bị NPD là rất cao, tỷ lệ này tăng vọt ở những cặp song sinh.

Cơ chế di truyền tình trạng này đến nay vẫn chưa rõ ràng. Chưa có những bằng chứng cụ thể cho thấy một hay nhiều gen nào tác động đến tình trạng ái kỷ, và cơ chế di truyền của chúng ra sao. Do đó các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân thật sự, cũng như cách gen ảnh hưởng đến tình trạng NPD nhằm tìm ra hướng giải quyết hiệu quả và triệt để. Di truyền trên cơ bản ảnh hưởng đến rất nhiều bệnh lý tâm thần.

2. Yếu tố sinh học

Những tổn thương và bất thường trong hoạt động não được cho là có ảnh hưởng đến khả năng mắc chứng ái kỷ. Não là bộ phận quan trọng và bí ẩn bậc nhất trong cơ thể của chúng ta, điều khiển mọi hoạt động sống của cơ thể. Do đó bất cứ sự bất thường nào trong não cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, và làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần.

rối loạn nhân cách ái kỷ
Những vấn đề phát sinh trong não có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây ra những hội chứng như rối loạn nhân cách ái kỷ.

Sự thiếu hụt chất nội sinh, ví dụ như chất xám ở vùng não trước, hoặc những tổn thương khó xác định ở vùng não có trách nhiệm điều khiển nhận thức và cảm xúc có thể là một trong những yếu tố sinh ra tình trạng ái kỷ. Yếu tố sinh học đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết cảm xúc và định hình hành vi. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề gây nhiều khó khăn cho các nhà khoa học, vì sự rắc rối và phức tạp mà chúng mang đến.

3. Chấn thương tâm lý

Rối loạn nhân cách ái kỷ cũng có thể là kết quả của những chấn thương tâm lý thời thơ ấu. Khi một người sống trong môi trường tiêu cực, bị bắt nạt, châm chọc về ngoại hình, bị phủ định về khả năng, hoặc thường xuyên bị bạo hành, lợi dụng có thể mắc chứng ái kỷ khi lớn lên. Những tổn thương trong quá khứ khiến họ lớn lên thành một kẻ ích kỷ, thích khoe khoang, muốn được công nhận, và vô cảm nhằm che giấu những cảm xúc tiêu cực của bản thân.

Những đứa trẻ sinh ra với tính cách yếu đuối, nhạy cảm, thể chất kém, mà còn sống trong môi trường tiêu cực là những đối tượng dễ mắc rối loạn nhân cách khi lớn lên. Một trong những biểu hiện của người ái kỷ là vừa cảm thấy bản thân xứng đáng được hưởng thụ những thứ tốt nhất, vừa ghen tị với những người giỏi hơn. Họ sẽ tìm cách hạ thấp những người tài giỏi để luôn có cảm giác bản thân vượt trội. Điều này có thể xuất phát từ chấn thương tâm lý trong quá khứ.

4. Môi trường sống và giáo dục

Môi trường sống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhận thức và nhân cách của con người. Vì thế rất dễ hiểu khi yếu tố này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng mắc ái kỷ ở một đối tượng. Phương pháp dạy dỗ quá nghiêm khắc, mang tính ép buộc và không công nhận tài năng của một đứa trẻ, cùng phương pháp nuông chiều theo những đòi hỏi vô lý, khen ngợi trẻ một cách thái quá đều tăng khả năng mắc ái kỷ.

rối loạn nhân cách ái kỷ
Sự giáo dục sai lầm của cha mẹ, cùng môi trường sống độc hại ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức và tính cách của trẻ khi trưởng thành.

Nhiều bậc phụ huynh có cách dạy con quá nghiêm khắc, phủ định mọi cố gắng, bắt buộc trẻ luôn phải đứng nhất, phải giỏi hơn tất cả mọi người có thể khiến trẻ lớn lên với sự ích kỷ, vô cảm, và thái độ coi thường người khác. Sự ái kỷ thể hiện ở việc trẻ bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được thứ mình muốn, để chứng minh bản thân trước mặt cha mẹ, và có một sự ám ảnh nhất định với những lời khen ngợi hay tung hô, những thứ trẻ không nhận được từ khi còn bé.

Đồng dạng, những người quá nuông chiều, thổi phồng khả năng của trẻ so với thực lực ngay từ nhỏ có thể khiến trẻ lớn lên với thái độ tự luyến và ích kỷ. Những lời khen ngợi nên được dùng đúng lúc, đúng chỗ để khuyến khích trẻ nỗ lực, giúp trẻ có niềm tin vào bản thân, chứ không phải để trẻ ảo tưởng về tài năng của mình. Sự nuông chiếu bất chấp đúng sai cũng khiến trẻ không có cảm giác sợ hãi, kính nể hay tôn trọng người khác khi lớn lên.

Ngoài ra, cha mẹ không quan tâm chăm sóc con cái ngay từ nhỏ khiến trẻ lớn lên trong môi trường thiếu thốn tình thương, sự động viên và khen ngợi cũng làm tăng tỷ lệ mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ. Khi lớn lên, họ có xu hướng thể hiện bản thân một cách quá mức nhằm che đậy sự thiếu tự tin của mình dưới bề ngoài hoàn hảo. Những người ái kỷ tìm kiếm sự đồng tình, sự công nhận, sự sùng bái, và thái độ cư xử đặc biệt ở những người xung quanh.

Biểu hiện của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ

Rối loạn nhân cách ái kỷ biểu hiện rõ nhất trong giai đoạn dậy thì, khi tâm sinh lý của trẻ thay đổi và đang trong quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách. Những biểu hiện này có thể rất rõ ràng, hoặc không quá nổi bật trong giai đoạn thanh thiếu niên, nhưng sẽ ngày càng nghiêm trọng khi trưởng thành. Người mắc NPD thường thể hiện một số đặc điểm dưới đây một cách thường xuyên với tần suất cao.

rối loạn nhân cách ái kỷ
Những biểu hiện của người ái kỷ bắt đầu xuất hiện từ sớm, và sẽ diễn biến nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và cải thiện kịp thời.
  • Luôn đặt bản thân ở vị trí cao hơn những người khác, xem bản thân là một nhân vật quan trọng, có tầm ảnh hưởng và nên nhận được những ưu đãi đặc biệt. Họ có thể trở nên nóng nảy, tức giận, tỏ thái độ không hài lòng, thậm chí là thù hận nếu không có đãi ngộ như ý.
  • Yêu cầu người khác sùng bái, ca ngợi, ngưỡng mộ bản thân về những thành tựu mà họ có được. Họ thường thổi phồng, hoặc nói một cách mập mờ để khiến người ta hiểu lầm về tài năng và những điều bản thân làm được. Nhưng trên thực tế, họ không tài giỏi như cách họ miêu tả.
  • Muốn những người xung quanh, đặc biệt là cấp trên hay những người có địa vị cao, đánh giá cao tài năng và khả năng của bản thân. Những người ái kỷ luôn cho rằng họ xứng đáng với những điều tốt nhất, xứng đáng đứng ở vị trí cao, xứng đáng được giao cho những công việc quan trọng.
  • Người ái kỷ có những ám ảnh đặc biệt với thành công, quyền lực và sắc đẹp. Họ luôn ao ước sự giàu có và quyền lực. Họ có thể dùng mọi cách để leo lên địa vị cao, có được nhiều tiền tài dù phải đạp người khác xuống để bản thân leo lên, hoặc lợi dụng những người xung quanh để đạt được mục đích.
  • Họ thường có vẻ ngoài ưa nhìn, bóng bẩy, thái độ tự tin để gây ấn tượng mạnh và quyến rũ người khác. Họ ảo tưởng về một người bạn đời hoàn hảo, vì thế luôn nhắm đến những người xinh đẹp, giàu có để tiếp cận và xây dựng mối quan hệ. Nhưng đồng thời, cảm giác về sự ưu việt của bản thân khiến họ có thể cùng lúc mập mờ với nhiều người, vì họ tin rằng bản thân xứng đáng được sùng bái và yêu thích.
  • Cảm giác bản thân vượt trội hơn những người khác khiến người ái kỷ chỉ thích kết bạn và tạo mối quan hệ với những người thuộc tầng lớp trên, những người họ cho rằng xứng với đẳng cấp của bản thân. Họ cho rằng chỉ có những người thượng lưu và tai giỏi mới hiểu được tài năng và suy nghĩ của họ.
  • Họ thường tỏ thái độ trịch thượng, coi thường và dạy đời với những người họ cho rằng không cùng đẳng cấp. Họ thường tỏ thái độ vô cảm, không tôn trọng nhu cầu hay cảm xúc của người khác, mà luôn đặt lợi ích và cảm xúc cá nhân lên trên hết.
rối loạn nhân cách ái kỷ
Người ái kỷ xem mình là cái rốn của vũ trụ, thế nên mọi lời góp ý của bạn cũng chẳng thể khiến họ lọt tai hay thay đổi tích cực hơn.
  • Những người ái kỷ cũng có thái độ ghen ghét với ai giỏi hơn, và nghĩ rằng những người đó dùng thủ đoạn không chính đáng để leo lên vị trí hiện tại. Về căn bản, họ không công nhận nỗ lực của người khác, mà chỉ suy diễn theo hướng méo mó để hạ thấp nhân phẩm của những người xung quanh. Có như vậy, người ái kỷ mới cảm thấy bản thân vượt trội, và nâng giá trị của mình lên.
  • Họ không bao giờ chấp nhận bản thân có sai lầm, mà luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác. Ví dụ khi công việc có sai sót và bị phê bình, họ sẽ đẩy hết trách nhiệm cho đồng nghiệp, hoặc suy nghĩ rằng cấp trên hay đồng nghiệp đang làm quá vấn đề. Họ ảo tưởng rằng người khác ghen ghét với tài năng và thành công của bản thân, nên cố tình làm khó họ.
  • Một số người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ có khả năng thao túng và lợi dụng người khác cho mục đích của bản thân. Trong những trường hợp này, kẻ thao túng sẽ tìm cách khiến người bị thao túng mất đi sự tự tin, thay vào đó họ quay sang ngưỡng mộ và sùng bái những kẻ ái kỷ, và chấp nhận làm mọi thứ để làm vui lòng người kia.
  • Người ái kỷ không phải là những kẻ chung thủy trong tình yêu. Họ tìm kiếm cảm giác được ngưỡng mộ, khen ngợi và dựa dẫm, do đó họ sẽ mập mờ với rất nhiều người, và hiếm khi xác nhận quan hệ chính thức. Họ là những người cả thèm chóng chán và không đáng tin cậy khi yêu đương.
  • Người ái kỷ thường rất nhạy cảm, và luôn có cảm giác bản thân bị xem thường nếu ai đó có thái độ khiến họ không hài lòng. Trong trạng thái kích động, họ rất khó điều khiển cảm xúc và có những hành vi bạo lực như đánh đấm, hay hạ nhục đối phương bằng lời nói và hành động.

Trên đây là những biểu hiện thường gặp của người ái kỷ trong cuộc sống, học tập và công việc. Người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ sẽ gặp khó khăn trong việc hòa nhập với tập thể, bởi vì họ không có tinh thần trách nhiệm, thích đổ lỗi cho người khác, và vô cùng kiêu ngạo khiến quá trình giao tiếp gặp nhiều vấn đề. Hội chứng này thật sự mang đến nhiều phiền phức trong cuộc sống cho người mắc.

Hậu quả của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ

Rối loạn nhân cách ái kỷ ngăn cản chúng ta xây dựng và duy trì những mối quan hệ lành mạnh. Người ái kỷ thường chỉ thích thân thiết và giữ liên lạc với những người có cùng đẳng cấp và mang đến cho họ lợi ích nhất định. Mối quan hệ xây dựng trên tiền tài, quyền lực và lợi dụng lẫn nhau chẳng bao giờ bền vững, nhưng người ái kỷ lại thích hưởng thụ cảm giác đứng trên mọi người mà mối quan hệ đó mang lại.

rối loạn nhân cách ái kỷ
Người ích kỷ, tự cao, chỉ lo cho bản thân mình thường bị xa lánh, cô lập, và khó thiết lập những mối quan hệ lành mạnh trong công việc hay học tập.

Sự tự cao, thái độ coi thường người khác, và tâm lý luôn cảm thấy bản thân bị ghen ghét do tài giỏi của những người ái kỷ cũng khiến những người xung quanh chán ghét và xa lánh họ. Điều này có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra mâu thuẫn và xô xát của người ái kỷ với đồng nghiệp hay bạn bè. Việc không kiểm soát được tâm trạng, cùng tâm lý miệt thị và hạ thấp người khác nhằm nâng mình lên ở người ái kỷ có thể gây xung đột không đáng có.

Ngoài ra, rối loạn nhân cách cũng là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh tìm đến rượu bia và ma túy khi thất bại trong công việc, hoặc trầm cảm do bị cô lập. Say rượu và say thuốc có thể thúc đẩy người bệnh có những hành vi gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng bản thân và những người xung quanh, hoặc làm những việc vi phạm phát luật. Trầm cảm do bị cô lập có thể thôi thúc tự tử.

Chẩn đoán và cải thiện rối loạn nhân cách ái kỷ

Việc chẩn đoán chứng rối loạn nhân cách ái kỷ đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết người bệnh không nhận ra họ đang có vấn đề, thế nên không ai tìm đến bác sĩ để được tư vấn. Những người xung quanh cũng cho rằng đây là tính cách vốn có của người bệnh, chứ không nghĩ rằng họ cần được can thiệp tâm lý. Kết quả là tình trạng ái kỷ ngày càng nặng và ảnh hưởng đến cuộc sống.

Để được chẩn đoán mắc NPD, những dấu hiệu bệnh phải xuất hiện từ giai đoạn trưởng thành, xảy ra thường xuyên và có ảnh hưởng nặng nề đến suy nghĩ, hành vi, và cuộc sống của đối tượng. Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần của Mỹ DSM – IV, bệnh nhân phải có ít nhất 5 trong số những dấu hiệu dưới đây (sau khi đã loại trừ những hội chứng khác) thì mới có cơ sở xác định:

rối loạn nhân cách ái kỷ
Cần đến gặp bác sĩ và thực hiện nhiều bài kiểm tra mới có thể xác định người bệnh có đang mắc chứng ái kỷ hay không.
  • Có thái độ tự cao tự đại, phóng đại về tầm quan trọng của bản thân
  • Ảo tưởng mình là người duy nhất, người giỏi nhất
  • Ám ảnh về tiền tài, quyền lực, sắc đẹp, và một nửa kia hoàn hảo
  • Khao khát sự ngưỡng mộ, tung hô từ mọi người
  • Lợi dụng mọi người xung quanh, mọi mối quan hệ đang có để đạt được mục đích riêng
  • Cảm thấy bản thân phải được phục tùng và đáp ứng mọi thứ một cách vô điều kiện
  • Không biết đồng cảm, chia sẻ, hay thấu hiểu với những người xung quanh
  • Đố kỵ với người khác, và ảo tưởng người khác đố kỵ bản thân
  • Kiêu căng, ngạo mạn, có thái độ xem thường người khác

Ngoài những dấu hiệu kể trên, bác sĩ còn phải dựa trên kết quả bài test và một số phương pháp chuyên môn để xác định người bệnh có đang rơi vào tình trạng NPD hay không. Nếu đã xác định chính xác tình trạng bệnh, bác sĩ và các chuyên gia tâm lý sẽ dựa trên tình hình thực tế để đưa ra phương àn cải thiện phù hợp, giúp bệnh nhân giảm triệu chứng và nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.

Việc điều trị rối loạn nhân cách ái kỷ đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn, vì hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, cũng không có thuốc đặc trị NPD. Điều duy nhất mà bác sĩ và người thân có thể làm là giúp người ái kỷ nhận thức hành vi và cải thiện tình trạng bệnh. Tâm lý trị liệu và các phương pháp điều trị khác như sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể giúp những người mắc NPD quản lý tâm trạng tốt hơn và điều chỉnh các hành vi tiêu cực.

Có lẽ bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Clomipramine là thuốc gì? Công dụng, liều dùng và lưu ý

Clomipramine là loại thuốc chống trầm cảm có tác dụng an thần tốt, thích hợp dùng cho bệnh nhân trầm cảm nổi trội với khí...

Rối Loạn Hoảng Sợ Là Gì? Biểu hiện, Chẩn đoán và Điều trị

Rối loạn hoảng sợ là một rối loạn tâm thần khá phổ biến với tỷ lệ 1.6% dân số. Biểu hiện đặc trưng là các...

stress ở sinh viên
Stress ở sinh viên: Biểu hiện và cách phòng ngừa hiệu quả

Vấn đề stress ở sinh viên là tình trạng thường thấy không chỉ trong mùa thi cử, mà còn cả trong cuộc sống hàng ngày...

tích cực độc hại
Tích cực độc hại (Toxic Positivity): Tưởng tốt nhưng hậu quả khôn lường

Tích cực là điều tốt trong cuộc sống, vì sự tích cực giúp suy nghĩ thoải mái, hạn chế áp lực, và giúp ta nhìn...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh