Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm: Triệu chứng, cách điều trị bệnh

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần đặc biệt, có cả triệu chứng của cả hai tình trạng: rối loạn lo âu và trầm cảm. Khi những triệu chứng của cả hai tình trạng này xảy ra với mức độ như nhau, không nghiêng hẳn về bên nào, người bệnh có thể được chẩn đoán mắc rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là gì?

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm (Mixed anxiety and depressive disorder – MADD) là một phân loại riêng biệt trong “F41. Các rối loạn lo âu khác” thuộc ICD-10. Đây là phân loại dành cho những bệnh nhân thể hiện đủ các triệu chứng của cả hai tình trạng trên với mức độ bằng nhau.

rối loạn lo âu và trầm cảm hỗn hợp là gì
Những người mắc rối loạn lo âu và trầm cảm hỗn hợp sẽ xuất hiện những triệu chứng đặc trưng của hai tình trạng.

Nếu những triệu chứng của rối loạn lo âu và trầm cảm xuất hiện cùng lúc, có ảnh hưởng như nhau chứ không nghiêng hẳn về một phía, và không có những triệu chứng đặc trưng nổi bật để đưa ra một chẩn đoán riêng biệt, bác sĩ có thể kết luận người bệnh mắc chứng MADD.

Rối loạn lo âu và trầm cảm là hai tình trạng rối loạn tâm thần phổ biến nhất hiện nay, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới mỗi năm. Những tác động tiêu cực của những vấn đề này đến sức khỏe là rất lớn, đặc biệt là khi hai tình trạng cùng xuất hiện, ảnh hưởng đến người bệnh cùng lúc.

Rối loạn lo âu là tình trạng một người trở nên lo lắng, sợ hãi, căng thẳng và phản ứng quá mức khi đối diện với một sự vật hay tình huống cụ thể, dù chúng không đe dọa hay gây hại cho người bệnh. Tình trạng này xảy ra thường xuyên, kéo dài và lặp lại liên tục làm sức khỏe người bệnh suy giảm, gây biếng ăn, khó ngủ, stress và có thể dẫn đến trầm cảm.

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng, khiến người bệnh đột ngột trở nên chán nản, ủ rủ, thiếu sức sống mà không có lý do cụ thể. Người bệnh thường xuyên cảm thấy đau nhức cơ thể, mệt mỏi, mất hứng thú với mọi thứ xung quanh, và có những suy nghĩ tiêu cực. Tỷ lệ người tự tử do trầm cảm có chiều hướng tăng trong những năm gần đây.

Cả rối loạn lo âu và trầm cảm đều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Rối loạn lo âu có thể dẫn đến trầm cảm, và hai tình trạng sức khỏe này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhau. Đó là lý do tỷ lệ mắc rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm có chiều hướng tăng cao.

Theo thống kê, tỷ lệ này dao động từ 0,8% – 2,5% trên tổng dân số, và phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn đàn ông. Nhiều người cho rằng nguyên nhân cho sự chêch lệch này có thể bắt nguồn từ sự thay đổi hormone, tình trạng trầm cảm sau sinh, và những áp lực mà phụ nữ phải chịu trong xã hội.

Những yếu tố gây rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm

Nguyên nhân chính xác gây rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, những yếu tố góp phần kích phát hai tình trạng này ở người bệnh có thể là nguyên nhân gây ra MMAD. Dưới đây là một số lý do thường gặp, bao gồm cả những yếu tố sinh học, tâm lý và môi trường.

  • Áp lực cuộc sống: Những áp lực trong cuộc sống có thể gây căng thẳng, stress kéo dài, đẩy trạng thái tinh thần đến mức quá tải. Việc sống chung với áp lực mà không có biện pháp giải tỏa khiến ta luôn nghĩ về những điều tiêu cực, hấp thu nhiều nguồn năng lượng xấu gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Điều này có thể gây ra chứng rối loạn lo âu-trầm cảm hỗn hợp.
nguyên nhân gây rối loạn lo âu và trầm cảm hỗn hợp
Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể bắt nguồn từ yếu tố môi trường, sinh học, di truyền học, hoặc các tác động tâm lý.
  • Gen di truyền: Nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những rối loạn tâm thần có liên quan nhất định đến gen di truyền. Nếu trong gia đình có người thân mắc trầm cảm, rối loạn lo âu, hay rối loạn hỗn hợp trầm cảm và lo âu thì con cái, anh chị em của người đó cũng có nguy cơ mắc bệnh cao. Đặc biệt, tỷ lệ này cao nhất ở những cặp sinh đôi, khi một trong hai mắc bệnh, người còn lại gần như cũng rơi vào trường hợp tương tự.
  • Môi trường sống: Những người gặp khó khăn trong cuộc sống như nghèo đói, môi trường sống độc hại, thường xuyên chịu nhiều bất công, bị bắt nạt, lạm dụng thể xác và tinh thần đều có guy cơ mắc trầm cảm, hoặc có biểu hiện rối loạn lo âu ám ảnh. Môi trường sống tồi tệ cũng có thể gây những chấn thương tâm lý, ảnh hưởng đến tính cách, suy nghĩ, nhận thức, và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
  • Mắc bệnh nghiêm trọng: Tinh thần của người bệnh chắc chắn chịu ảnh hưởng nặng nề khi biết bản thân mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh mãn tính. Những căng thẳng, lo lắng, hoang mang, mệt mỏi khi nghĩ đến bệnh tật, tiền bạc, đau đớn về thể xác trong quá trình trị liệu, thậm chí là cái chết có thể gây lo lắng và trầm cảm. Những người mắc bệnh tim mạch, suy thận, ung thư,… rất dễ cảm thấy tuyệt vọng, suy nghĩ tiêu cực và đẩy bản thân vào trạng thái rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.
  • Tính cách tự thân: Những người yếu đuối, tự ti, có tính cách bi quan, thường xuyên chịu bất công, bắt nạt, không chịu được áp lực, và không có niềm tin vào cuộc sống rất dễ trở thành nạn nhân của lo âu và trầm cảm. Ngoài ra, những đối tượng dễ mắc rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm còn là những người quá cầu toàn, đặt mục tiêu quá cao so với năng lực, tự cao, ảo tưởng và không đánh giá đúng năng lực của bản thân. Những thất bại trong cuộc sống có thể tác động mạnh mẽ đến lòng tự trọng của họ, khiến họ căng thẳng, giận dữ và bất ổn về cảm xúc.
  • Chấn thương tâm lý thời thơ ấu: Sang chấn tâm lý hình thành sau những sự kiện kinh hoàng trong quá khứ có thể đeo bám người bệnh, gây ra những ám ảnh nặng nề và tình trạng căng thẳng kéo dài. Chấn thương tâm lý nếu không được phát hiện và điều trị sớm thường trở thành yếu tố kích phát những vấn đề rối loạn tâm thần nghiêm trọng như rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm, rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi, rối loạn nhân cách, rối loạn xảm xúc, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực,…
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc đặc trị suy tim, suy thận, tiểu đường, viêm gan, thuốc tránh thai,… có thể có tác dụng phụ là gây lo âu và trầm cảm cho người sử dụng. Do đó nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn thêm.
  • Lạm dụng chất kích thích: Rượu bia và chất kích thích có khả năng ức chế thần kinh, gây tê liệt cảm xúc, và gây ra trạng thái hưng phấn hoặc trầm uất bất thường. Đây là hai yếu tố làm gia tăng sự căng thẳng, áp lực, làm suy giảm sức khỏe, gây mất ngủ, và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Tất cả những ảnh hưởng tiêu cực này đều góp phần hình thành tình trạng rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc và trầm cảm ở người bệnh.

Có thể thấy, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc khởi phát chứng rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm, chủ yếu đến từ tâm lý và các vấn đề môi trường. Bên cạnh những yếu tố trên, tuổi tác và giới tính cũng có những ảnh hưởng nhất định. Đối tượng trẻ vị thành niên và người trung niên có tỷ lệ mắc hội chứng này cao do chịu nhiều áp lực và căng thẳng.

trầm cảm và rối loạn lo âu hỗn hợp
Trầm cảm và rối loạn lo âu hỗn hợp xuất hiện ở mọi độ tuổi và giới tính, nhưng theo thống kê thì tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới.

Tỷ lệ phụ nữ rơi vào lo âu và trầm cảm cũng cao hơn so với nam giới, đặc biệt là giai đoạn sau sinh nở. Phụ nữ thường là nạn nhân của rối loạn lo âu và trầm cảm sau sinh. Những áp lực từ công việc, gia đình, chăm sóc con nhỏ, chăm sóc cha mẹ gây tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, chán nản và trầm cảm kéo dài.

Các triệu chứng và ảnh hưởng của rối loạn lo âu và trầm cảm

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm có cả những triệu chứng của cả hai tình trạng trên. Những triệu chứng này xuất hiện cùng lúc, ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn trạng thái tinh thần. Dưới đây là một số triệu chứng tiêu biểu các bạn cần chú ý. Nếu thấy bản thân hay người thân có những triệu chứng này thì hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác hơn.

Triệu chứng về thể chất

  • Mệt mỏi, đau nhức cơ thể, căng cơ, chuột rút
  • Rối loạn giấc ngủ gây khó ngủ vào ban đêm
  • Mệt mỏi và ngủ nhiều hơn vào buổi sáng
  • Tim đập nhanh, hồi hộp, khó thở khi rơi vào một tình huống nào đó
  • Đổ mồ hôi lạnh
  • Run chân tay
  • Khô miệng
  • Đau tức ngực
  • Buồn nôn
  • Khó chịu dạ dày, thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa
  • Choáng váng, nhức đầu, mất thăng bằng
  • Té xỉu vì mệt mỏi hoặc khi chịu kích thích, lo âu, hoảng sợ

Triệu chứng về tinh thần

  • Cảm thấy chán nản, u uất, buồn bã mà không có lý do
  • Căng thẳng về mọi thứ trong cuộc sống, từ công việc, gia đình, đến các mối quan hệ
  • Tính tình trở nên nóng nảy, dễ bị kích động hơn khi gặp kích thích
  • Thói quen ăn uống thay đổi, chán ăn, ăn không ngon miệng
  • Không còn hứng thú với những hoạt động hay những điều mình từng thích
  • Né tránh tất cả những hoạt động xã hội, hạn chế đi đến nơi đông người
  • Cảm thấy bản thân cô độc và lạc lỏng, bất an khi ở nơi công cộng
  • Khí sắc trầm, mệt mỏi và uể oải
  • Thiếu tập trung, năng suất và chất lượng công việc giảm
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Có cảm giác thấy vọng, tự ti vào bản thân
  • Có những suy nghĩ tiêu cực, nhìn mọi thứ với con mắt tiêu cực, ảm đạm
  • Có suy nghĩ hoặc hành vi hủy hoại bản thân, rạch tay, thậm chí là trầm cảm dẫn đến tự sát
triệu chứng rối loạn lo âu và trầm cảm hỗn hợp
Nếu để tình trạng rối loạn lo âu và trầm cảm hỗn hợp trở nên nghiêm trọng, người bệnh có khuynh hướng tự tổn hại bản thân.

Những triệu chứng và mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau ở từng đối tượng. Vì thế, có nhiều bệnh nhân không nhận ra sức khỏe tinh thần của bản thân đang gặp vấn đề, vì những triệu chứng xảy ra ở mức độ nhẹ. Đến lúc triệu chứng bệnh trở nặng và cản trở sinh hoạt, họ mới đến bác sĩ để thăm khám.

Rối loạn hỗn hợp trầm cảm và lo âu nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Phát hiện càng trễ thì quá trình điều trị càng dài, và càng khó có chuyển biến tích cực. Những ảnh hưởng mà căn bệnh này mang đến không chỉ gây bất tiện cho người bệnh, mà còn trở ngại hoạt động và các mối quan hệ xã hội.

Ảnh hưởng của rối loạn lo âu và trầm cảm

Rối loạn hỗn hợp trầm cảm và lo âu ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ xã hội. Tinh thần sa sút, chán nản, mất tập trung khiến công việc trì trệ, chất lượng công việc giảm. Tình trạng này kéo dài khiến bạn chán nản, không có động lực làm việc, và dễ có những suy nghĩ tiêu cực.

Những suy nghĩ tiêu cực và hành vi bốc đồng khiến chúng ta trở nên nóng nảy hơn. Việc này có thể gây ra những hiểu lầm và căng thẳng không đáng trong các mối quan hệ. Hành vi bốc đồng cũng khiến ta để ý đến những chuyện nhỏ nhặt, gia tăng mức độ căng thẳng, stress trong cuộc sống.

Mệt mỏi về thể chất cũng kéo theo căng thẳng về mặt tinh thần. Trạng thái u uất, buồn bã, tuyệt vọng mà trầm cảm gây ra có thể khuyến khích suy nghĩ và hành vi hủy hoại bản thân. Rạch tay do trầm cảm, tự tử do trầm cảm đang ngày càng tăng cao, với nạn nhân là những thanh thiếu niên, những người ở độ tuổi còn rất trẻ.

Rối loạn hỗn hợp trầm cảm và lo âu có những triệu chứng đặc trưng ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần. Vì thế nếu thấy sức khỏe không ổn định, hoặc bất cứ dấu hiệu bất thường nào kể trên, bạn và người thân nên nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán và tiến hành cải thiện sớm. Điều trị càng sớm thì càng giảm thiểu được ảnh hưởng tiêu cực.

Chẩn đoán rối loạn lo âu và trầm cảm hỗn hợp

Chẩn đoán rối loạn lo âu và trầm cảm hỗn hợp cần được thực hiện tại những bệnh viện lớn, bác sĩ uy tín để đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác. Để xác định bệnh nhân bị rối loạn lo âu và trầm cảm hỗn hợp, các triệu chứng cùa hai tình trạng phải cùng tồn tại, không bên nào lấn át để đủ điều kiện đưa ra chẩn đoán riêng biệt là trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.

lo âu và trầm cảm hỗn hợp
Người bệnh nên đến các bệnh viện uy tín để được thăm khám và chẩn đoán chính xác các triệu chứng của rối loạn lo âu và trầm cảm hỗn hợp.

Một số tiêu chuẩn chẩn đoán cần có:

  • Khí sắc kém, không có sức sống
  • Không có động lực hay hứng thú trong cuộc sống
  • Có cái nhìn bi quan về bản thân và những người xung quanh
  • Thường xuyên cảm thấy hốt hoảng, lo âu, căng thẳng
  • Kém tập trung, giảm trí nhớ trong công việc và học tập
  • Dễ khóc, dể xúc động, cảm thấy tự ti về bản thân
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Có suy nghĩ và hành vi tự sát
  • Có những bất thường về thể chất như: choáng váng, đau nhức cơ thể, hoảng loạn, buồn nôn, run rẩy, tim đập nhanh, khó thở,…

Để xác định là triệu chứng của rối loạn hỗn hợp. Những triệu chứng này buộc phải không chịu ảnh hưởng của thuốc hay những chứng rối loạn tâm thần khác. Ngoài ra, chúng phải xuất hiện quá 6 tháng, xảy ra trong mọi tình huống, và gây đau khổ, mệt mỏi, cản trở những sinh hoạt hàng ngày đến một mức nào đó.

Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm máu; trắc nghiệm tâm lý liên quan đến đánh giá trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ; chụp điện não đồ; siêu âm; xét nghiệm CT hay MRI trong một số tình huống cụ thể.

Liệu pháp cải thiện rối loạn lo âu và trầm cảm hỗn hợp

Những ảnh hưởng mà rối loạn lo âu và trầm cảm hỗn hợp mang đến là rất nghiêm trọng. Do đó phát hiện và cải thiện bệnh sớm có thể giảm những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Để mang đến hiệu quả tốt nhất, liệu pháp tâm lý và điều trị thuốc thường được sử dụng kết hợp nhằm hỗ trợ lẫn nhau.

Thời gian và hiệu quả điều trị sẽ tùy vào sự phù hợp của phương pháp, và khả năng thích ứng của người bệnh. Có những trường hợp bệnh được cải thiện rất nhanh, nhưng cũng có trường hợp phải thử nhiều liệu pháp, và keo dài thời gian trị liệu mới nhìn thấy hiệu quả tích cực.

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị chính dành cho những người mắc rối loạn lo âu và trầm cảm hỗn hợp. Bác sĩ và các chuyên gia tư vấn tâm lý sẽ trò chuyện, tìm hiểu những khó khăn, căng thẳng, và những vấn đề tâm lý đang tồn tại trong tâm trí người bệnh để tìm cách tháo gỡ.

cải thiện rối loạn lo âu và trầm cảm hỗn hợp
Liệu pháp tâm lý luôn là liệu pháp hàng đầu và mang đến những hiệu quả tích cực cho quá trình điều trị.

Quá trình điều trị tâm lý chủ yếu là giúp người bệnh nhận ra vấn đề của bản thân, từ đó thay đổi suy nghĩ và hành vi. Quá trình điều trị này cần diễn ra ở những cơ sở uy tín, và được thực hiện bởi người có bằng cấp, được đào tạo bài bản để bệnh nhân được điều trị hiệu quả theo đúng quy trình.

Điều trị tâm lý đặc biệt có hiệu quả với những trường hợp bệnh nhẹ. Còn với những trường hợp nghiêm trọng hơn, tâm lý trị liệu cần được kết hợp với hóa dược trị liệu nhằm giúp người bệnh bình tĩnh, chấp nhận điều trị, và giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực.

Liệu pháp tâm lý trị liệu phổ biến và hiệu quả nhất hiện tại là liệu pháp nhận thức-hành vi. Bác sĩ hoặc chuyên viên tư vấn tâm lý sẽ tiến hành những cuộc đối thoại 1:1 với người bệnh trong môi trường riêng tư, yên tĩnh nhằm giúp người bệnh thoải mái, tự tin hơn khi chia sẻ vấn đề tâm lý của bản thân.

Thông qua những thông tin có được, bác sĩ có thể xác định những ám ảnh, khúc mắc tâm lý, hoặc những căng thẳng mà bệnh nhân đang chịu đựng. Sau đó, người trị liệu sẽ giúp người bệnh nhận thức được những suy nghĩ đó là không phù hợp, không cần thiết, và gây hại cho sức khỏe. Khi tự nhận thức được vấn đề, người bệnh sẽ dần thay đổi hành vi theo hướng tích cực.

Trong thời gian tri liệu, người bệnh cũng sẽ được hướng dẫn cách thư giãn, thả lỏng tinh thần, những phương pháp cải thiện tâm trạng tại nhà nhằm hỗ trợ quá trình điều trị. Với những trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ cân nhắc kê đơn để hạn chế một số triệu chứng nghiêm trọng.

2. Hóa dược trị liệu

Hóa dược trị liệu là một trong hai phương pháp trị liệu chính, thường áp dụng cho người bệnh có những triệu chứng lo âu và trầm cảm từ trung bình đến nghiêm trọng. Thuốc không có tác dụng chữa rối loạn loạn lo âu và trầm cảm, mà giúp giảm nhẹ các triệu chứng, hạn chế ảnh hưởng xấu của chúng đến sức khỏe.

Thời gian điều trị bằng thuốc dài hay ngắn, sử dụng loại thuốc nào hiệu quả, và liều lượng ra sao sẽ tùy vào thể trạng và khả năng thích ứng của người bệnh. Có người phù hợp với loại thuốc này, có người phù hợp với loại thuốc khác, liều lượng và thời gian điều trị cũng sẽ có sự khác biệt.

Thời gian điều trị thường kéo dài từ 6 tháng tới 1 năm, hoặc đến khi các triệu chứng của rối loạn lo âu và trầm cảm hỗn hợp được cải thiện và ổn định hơn. Trong quá trình điều trì, người bệnh sẽ được yêu cầu tái khám đều đặn để theo dõi hiệu quả và điều chỉnh thuốc nếu cần thiết.

cải thiện rối loạn lo âu và trầm cảm
Thuốc chỉ được sử dụng trong những tình huống thật sự cần thiết và buộc phải tuân thủ theo hướng dẫn cảu bác sĩ để tránh gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Những loại thuốc được sử dụng trong điều trị bao gồm thuốc an thần, thuốc điều trị lo âu, thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta,… Những loại thuốc này có thể giúp người bệnh hạn chế tình trạng khó ngủ, giúp ổn định tâm trạng, cải thiện trạng thái u uất, hạn chế những suy nghĩ tiêu cực, cũng như cải thiện những triệu chứng thể chất khác.

Một trong những vấn đề thường gặp khi dùng thuốc là hiệu quả và tác dụng phụ. Nếu cảm thấy thuốc không có hiệu quả, hoặc xuất hiện những phản ứng phụ nghiêm trọng như ói mửa, nổi mẫn đỏ, khó thở, tim đập nhanh, chóng mặt,… thì cần liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn xử lý.

3. Cải thiện tại nhà

Những phương pháp cải thiện tại nhà cũng là vấn đề cần quan tâm của bệnh nhân mắc rối loạn lo âu và trầm cảm hỗn hợp. Nếu người bệnh không thay đổi lối sống không khoa học, luôn giữ trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, cáu gắt thì quá trình điều trị sẽ không thu được kết quả tốt. Dưới đây là một số điều người bệnh có thể làm tại nhà để hỗ trợ quá trình cải thiện các triệu chứng bệnh:

  • Dành nhiều thời gian cho bản thân. Nếu bạn cảm thấy công việc và cuộc sống hiện tại khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, tuyệt vọng thì hãy đi du lịch, hoặc tìm một thú vui khác để thả lỏng tâm trạng, tránh xa những tác nhân ảnh hưởng xấu đến tâm trạng.
  • Dành nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè. Gia đình và bạn bè thân thiết chắc chắn là những người quan tâm, và lo lắng cho tình trạng sức khỏe của bạn nhất. Hãy chia sẻ và tâm sự nhiều hơn với những người thân thiết, nói hết những khó khăn, mệt mỏi và những khúc mắc trong lòng cho họ nghe. Cái nhìn của người ngoài cuộc có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái và nhìn nhận những sự kiện đã qua với cái nhìn lạc quan hơn.
  • Xây dựng lối sống tích cực. Khoa học chứng minh rằng, lối sống tích cực có vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng thể chất và tinh thần. Người bệnh nên xây dựng lối sống tích cực từ những việc nhỏ như: có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế đồ ngọt và đồ chiên rán, tăng cường rau xanh trong chế độ ăn; tuân thủ giờ giấc ngủ nghỉ, hạn chế thức khuya, làm việc quá sức hay lướt mạng xã hội vào buổi tối; tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời để tăng cường sức đề kháng,…
  • Tăng cường tập thể dục. Bạn không nhất thiết phải tham gia những hoạt động đòi hỏi sức khỏe và sức bền tốt, mà nên bắt đầu với những hoạt động phù hợp với khả năng. Đi bộ, chạy bộ, bơi lội, cầu lông, bóng rổ, tập gym, tập yoga, ngồi thiền,… đều có những tác động tích cực đến sức khỏe. Đặc biệt là yoga và thiền luôn được bác sĩ khuyến khích nhằm giúp bệnh nhân cải thiện rối loạn lo âu và trầm cảm.
rối loạn lo âu và trầm cảm
Tập thể dục đều đặn luôn mang đến những tác động tích cực đến sức khỏe, thả lỏng tinh thần, lọai bỏ những nguồn năng lượng tiêu cực.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần kiêng rượu bia, thuốc lá, và tránh xa những chất kích thích nếu không muốn tình trạng của bản thân ngày càng tồi tệ hơn. Mỗi người sẽ phù hợp với những cách khác nhau. Do đó hãy thử nhiều phương pháp thư giãn để tìm ra phương pháp phù hợp nhất với bản thân và kiên trì thực hiện mỗi ngày.

Rối loạn lo âu và trầm cảm hỗn hợp hoàn toàn có thể được cải thiện nếu người bệnh phát hiện va tiếp nhận trị liệu sớm. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cũng cần phối hợp với bác sĩ, sử dụng thuốc đúng liều lượng và thời gian quy định, cũng như có những phương pháp cải thiện tinh thần tại nhà để chống lại ảnh hưởng của bệnh.

Có lẽ bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chứng ngủ rũ (Narcolepsy): Nguyên nhân và cách khắc phục

Chứng ngủ rũ (Narcolepsy) đặc trưng bởi cảm giác buồn ngủ quá mức vào ban ngày và đôi khi đi kèm với mất trương lực...

chứng nghiện nhổ tóc
Chứng Nghiện Nhổ Tóc – Những tác hại khôn lường cần chú ý

Chứng nghiện nhổ tóc không chỉ gây đau đớn về thể xác, tổn thương phần lông tóc và da đầu, mà còn ảnh hưởng trực...

Sang chấn tâm lý tuổi dậy thì: Nguyên nhân, phương pháp điều trị
Sang chấn tâm lý tuổi dậy thì: Nguyên nhân, phương pháp điều trị

Tình trạng sang chấn tâm lý tuổi dậy thường xảy ra do các tác động tiêu cực từ cách dạy dỗ sai lầm của gia...

Rối Loạn Suy Nghĩ
Rối Loạn Suy Nghĩ là gì? Nguyên nhân, biểu hiện, chẩn đoán, điều trị

Rối loạn suy nghĩ là một vấn đề sức khỏe tâm thần có sự ảnh hưởng lớn đến nhận thức, sự sáng suốt của người...

Trầm cảm u sầu là gì?

Trầm cảm u sầu (Melancholia): Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị

Trầm cảm học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

trầm cảm không điển hình

Trầm cảm không điển hình: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là gì? Biểu hiện và Biện pháp can thiệp

trầm cảm sau phá thai

Trầm cảm sau khi phá thai: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách phòng tránh